MỞ ĐẦU:
May thay đất nước Việt nam,Thầy đến lập Đạo.Chúng ta hữu duyên được làm người môn đệ của Thầy.Thật là “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”và càng ân phước hơn,Thầy đã đến miền Trung mở cơ tận độ giao chánh pháp”sứ mạng Trung Hưng”cho Hội Thánh Truyền Giáo vửa thực hiện tâm truyền và công truyền để tổ chức giáo hội và độ rỗi nhơn sanh.
Từ thuở ban đầu chắc hẳn người tín hữu nào cũng biết quí chức sắc và nhơn sanh đã trãi qua biết bao gian khổ của thời kỳ cấm Đạo Cao Đài.Đạo hữu phần đông không nơi thờ phượng tín ngưỡng.Cho nên Hội Thánh đã dùng kinh hôm,kinh mai để phổ biến cho nhơn sanh làm phương tiện tu thân hồi hướng hằng ngày.
Từ đó,đối với các gia đình đạo hữu thuộc Hội thánh truyền giáo Cao đài ở miền trung,việc đọc kinh hôm kinh mai là việc gắn liền với đời sống thường nhật,kể cả những gia đình chưa có điều kiện để thiết thiên bàn thờ Thầy.Nó gắn liền với người tín hữu Cao đài truyền giáo ở mọi lứa tuổi,mọi giới tính,mọi vùng miền trên đất nước… Đó là điểm tựa tâm linh để nhơn sanh gởi trọn niềm tin vào đấng Cha Trời.
Ngày nay,thời đại khoa học tiến bộ,nhơn sanh xu hướng về đường vật chất,mọi sinh hoạt đều dồn dập,bận rộn;tín ngưỡng của các tôn giáo nói chung thường có mặt nổi nhưng ít đi vào chiều sâu tâm linh.Việc hành trì kinh hôm,kinh mai cũng thế,có nơi cũng có phần lơi lõng,dễ duôi…việc này đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống đạo của mỗi gia đình,mỗi cá nhân là tín hữu thuộc Hội Thánh truyền giáo Cao đài.
Đức Chí-Tôn đã dạy rằng:
Tâm thành có thuở nghiệp nhà nên,
Đạo-đức khuyên con cứ giữ bền.
(Thi văn dạy Đạo)
Thực hiện lời dạy ấy,đồng thời để cũng cố đức tin cho đạo hữu,Hội Thánh đã quyết định phát động toàn đạo hành trì kinh hôm,kinh mai dựa theo ý chỉ đạo của Đạo trưởng phối sư tại lễ Thánh Đán Đức Chí Tôn năm nay:
“Nhà nhà đọc kinh hôm ,kinh mai.
Người người đọc kinh hôm,kinh mai.
Chức sắc,chức việc cùng đọc kinh hôm,kinh mai.
Già trẻ,gái trai đều đọc kinh hôm,kinh mai…”
Và việc hành trì này chắc chắn sẽ:
“Âm vang thấu đến Thầy
Nguồn sống chính là đây
Người người sống trong Thầy
Ơn lành trùm giáo hội
Công đức xúm nhau xây.”
Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa và diệu dụng của việc trì hành kinh hôm,kinh mai.
I.KHÁI NIỆM:
Chiếu theo Thánh ý và nguyện vọng của nhơn sanh,Hội Thánh Truyền Giáo Cao đài biên tập và ấn hành bổn kinh tận độ để kịp thời tận độ tàn linh trong giai đoạn Trung Hưng chánh pháp.
Trong kinh tận độ,kinh hôm kinh mai được xếp vào kinh nhật tụng,tức là kinh dùng để tụng hằng ngày
1.Kinh hôm là gì ? Hiểu một cách đơn giản là kinh tụng vào buổi tối,cuối ngày và đầu hôm.
Dù ở bất kỳ nơi đâu,đang làm gì thì khi hoàng hôn buông xuống,mỗi tín hữu Cao đài cúng ta cũng có thể ngồi lại với nhau hoặc ngồi một mình thành tâm cầu nguyện,đọc kinh hôm hồi hướng về Thầy
2.Kinh mai là gì ?Là kinh tụng vào buổi sáng.Mỗi sáng thức dậy,chúng ta thấy thật hạnh phúc khi nhìn thấy mọi người chung quanh ta đều bình an và cũng bất đầu một ngày mới…Đọc kinh mai là để cầu nguyện cho một ngày mới với cuộc sống bắt đầu bằng những xô bồ và cám dỗ…mà chúng ta cần phải tránh xa và chế ngự.
II.NỘI DUNG VÀ NGHĨA CỦA BÀI KINH HÔM-KINH MAI.
Nội dung bài kinh hôm :Thế gian này rất vui mừng được Thầy mở Đạo lần ba để dẫn dắt chúng sanh quay về cùng Thầy.Cầu Thầy Mẹ và các đấng thiêng liêng chứng giám long thành và hộ trì cho chúng con trên đường trở về.Chúng con nguyện cố gắng dìu dắt nhau theo Thầy,dù khó nhọc đến mấy cũng luôn cố vượt qua,luôn giữ long trong sạch,thanh tịnh;gạt bỏ mọi chuyện hơn thua,phải trái,quyết một lòng một dạ giữ trọn giới qui,tuân theo pháp đạo,chúng con cư xử với nhau trong tình thương yêu,hợp với đạo làm người trong gia đình,trong đồng đạo đến ngoài xã hội và cũng nguyện ra sức giữ gìn và truyền bá đạo Thầy ra khắp năm châu để đền đáp ơn soi dẫn của Thầy Mẹ và sự dìu dắt của các đấng thiêng liêng.Bài kinh hôm rất xúc tích ,bao hàm lòng thành kính cầu xin và hứa nguyện của người tín đồ.
Nội dung bài kinh mai: Ý chính của bài kinh nói rằng tất cả chúng sinh rất vui mừng được gặp đạo Trời(Cao Đài)mở rộng kỳ thứ ba.Việc hôm qua tốt xấu đều đã qua rồi,còn ngày hôm nay chưa biết chắc thế nào.Vì vậy mà cầu xin Thầy Mẹ và các đấng thiêng liêng chứng giám lòng thành chỉ dẫn,hộ trì cho chúng con đi theo con đường tu hành chân chánh và ban bố hồng ân để loài người vơi bớt khổ đau.Cầu nguyện cho mọi người biết thương yêu nhau và cùng sống trong thế giới an lạc.Chúng con xin nhớ,luôn hối cải những lỗi lầm chồng chất tự bao đời nay và không để tái phạm.Chúng con cũng xin hứa luôn tuân giữ luật pháp đạo và hành trì tinh chuyên nhằm chuyển hoá thân tâm theo đường hướng thiện.
Ý nghĩa : Đọc kinh hôm,kinh mai có một ý nghĩa chung đó là : để nhắc nhở người tín đồ luôn thức tỉnh và biết rằng mình là người tín đồ của Đại đạo để mà cảnh giác,soi rọi và giữ gìn thân tâm sao cho xứng đáng nhằm góp phần vào công cuộc phổ độ lần ba của Đức Đại Từ Phụ.
Với thời gian có hạn, tệ muội chỉ xin khai thác một số nội dung cơ bản được thể hiện qua nghệ thuật sử dụng từ ngữ và cấu trúc ,bố cục trong các bài kinh.
- Ở bài kinh hôm gồm 37 câu được cấu trúc như sau:
+9 khổ thơ song thất lục bát gồm 36 câu và câu cuối cùng là:
Nam mô Thượng Đế Cao Đài.(danh xưng của Thầy)
+Từ Nguyện được lặp đi lặp lại :5 lần Điệp từ :Cầu-nguyện
- Ở bài kinh mai gồm 36 câu được cấu trúc như sau:
+Hai câu đầu và hai câu cuối là thể thơ lục bát:
Đạo trời mở rộng kỳ ba
Chúng sanh lạc nghiệp âu ca thái bình.
Mở bài cũng là kết luận(tạo thế liên hoàn của bài kinh,đọc bao nhiêu lần cũng được,không có kết thúc,tạo nên cảnh thái bình viên miễn bất tận của thế giới đại đồng.)
+Còn lại 8 khổ thơ song thất lục bát gồm 32 câu.
+Từ nguyện được lặp đi lặp lại :2 lần. Điệp từ :Cầu-nguyện
Như vậy qua nội dung qua cấu trúc và cách sử dụng từ ngữ ta thấy được diệu dụng và lợi ích của việc trì tụng kinh hôm,kinh mai như sau:
III.DIỆU DỤNG VÀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC HÀNH TRÌ KINH HÔM-KINH MAI:
1.Hành trì kinh hôm,kinh mai là thể hiện đức tin của người tín hữu Cao đài trong một ngày đã qua và ngày mới sắp đến:
Ngoài những bổn phận về thế tục phải làm việc để trả nợ áo cơm,người tín hữu Cao Đài đã nương vào nhơn quần xã hội cho thân xác được tồn tại, hằng ngày mỗi chúng ta còn có bổn phận về tinh thần phải cầu nguyện năm điều chung sau đây :
1. Cầu Đạo Cao Đài được truyền bá sâu rộng.
2. Cầu Chúng sanh biết thức tỉnh tu hành và giải thoát.
3. Cầu Oan nghiệt tội tình của đệ tử được ân xá.
4. Cầu Thế giới được hòa bình.
5. Cầu Nơi thờ phượng Thượng Đế được an ninh.
2. Cầu Chúng sanh biết thức tỉnh tu hành và giải thoát.
3. Cầu Oan nghiệt tội tình của đệ tử được ân xá.
4. Cầu Thế giới được hòa bình.
5. Cầu Nơi thờ phượng Thượng Đế được an ninh.
Những lời cầu nguyện này của bài ngũ nguyện được thể hiện rất rõ trong nội dung của kinh hôm và kinh mai .
Nếu mọi tín đồ đều thực hiện đồng loạt kinh hôm và kinh mai thì sẽ tạo được những làn sóng tư tưởng phát xuất tự đáy lòng thành khẩn chung ở khắp mặt địa cầu, hiệp sức lại, cộng hưởng, tạo thành một sức mạnh tâm linh tác động trên tinh thần của nhơn loại theo chiều hướng thánh thiện.
Hiện tượng này cũng giống như chúng ta ghép nhiều cục pin nhỏ lại để có được một dòng điện mạnh đủ thấp sáng bóng đèn .
Các Đấng Thiêng Liêng nơi “cõi thọ đền xuân”đón nhận những làn sóng tư tưởng của khối tín đồ Cao Đài dâng lên như một dòng thần lực chứa đựng nhơn ý, các Ngài cảm nhận và cho hòa nhập vào trong tâm thức của mình gọi là chứng lòng chúng sanh và tức khắc gởi trả ngược lại chúng sanh sau khi cho thêm thần lực của các Ngài làm gia tăng thánh chất chứa đựng nhiều thánh ý trong đó.
Hiện tượng này gọi là sự chuyển pháp của quyền năng thiêng liêng tuy vô hình mà có thật và người nào nhận được ân huệ thiêng liêng này sẽ có thêm sức sống tâm linh thánh thiện và đời sống hữu hình của thân xác cũng sẽ thay đổi tốt đẹp dần trong đời sống của mỗi tín đồ Cao Đài chúng ta .Vì thế Đức Quan Âm Bồ Tát cũng dạy rằng :
“các em phải cúng kính thường.Một là lập cho chơn thần được gần gũi các đấng thiêng liêng cho đặng xán lạn.
Hai là cầu khẩn với Đức Đại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.
Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm,cảm rồi mới ứng,ứng là lẽ tự nhiên.
Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng,mà nhất là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ”.
(Thánh ngôn Hiệp tuyển trang 162)
2.Hành trì kinh hôm ,kinh mai là bí pháp cầu nguyện:
Như đã nêu ở phần trên,nội dung hai bài kinh đã nổi bật lên hai từ : Cầu và nguyện.Phải chăng đây là một bí pháp của Đạo ! Vâng,đây chính là một bí pháp.
Bí quyết trong phép cầu nguyện là phải thành ý, chánh tâm, có đức tin mạnh mẽ, thần trí phải thật yên tĩnh và lập lại nhiều lần lời cầu nguyện trong một thời gian nào vô tận , và điều cầu xin không quá hơn những gì mà định mệnh đã an bày cho mỗi cá nhân trong mỗi kiếp sanh mới có cảm ứng được. Cũng có những kẻ mà đời sống đầy những tham vọng cá nhân phàm tục không biết lẽ dinh hư tiêu trưởng là gì, quên câu luân hồi nghiệp báo tiền khiên vay trả ,chỉ lấy điều vụ lợi trước mắt, họ đi vào cửa Đạo, lễ bái nhiệt tình trong buổi đầu với một thâm tâm mong cầu sự đổi chát có lợi bội phần.Họ cầu mong được cuộc sống giàu sang no đủ,tiền tài địa vị,danhvongj vật chất…những lời cầu này sẽ không được đáp ứng làm cho họ mất đức tin cho rằng Trời Phật không linh .lợi dụng tâm lý thấp thỏi của một số tín đồ chưa hiểu lý sâu của Đạo cho nên họ bị lôi kéo bởi những thế lực khác dần dần xa rời chánh giáo.Để cũng cố vững đức tin cho họ lời kinh hôm có dạy:
“Khắp cầu Phật,Thánh,Thần,Tiên
Chỉ đường vạch lối con nguyền bước theo”.
Người tín đồ Cao Đài chỉ có một đức tin duy nhất trong sáng đó là:tin thờ Thượng Đế.Thượng Đế là đấng toàn tri toàn năng,đấng háo sanh sáng lập ra muôn loài.Ngài là Cha lành thương yêu hết thảy chúng sanh.Ngài ban cho con người linh hồn,chính là sự sống.
Ơn trên đã dạy cho chúng ta cầu nguyện:
“Cầu đại đạo qui nguyên một mối
Cầu ơn trên xá tội con rày
Cầu cho nam bắc đông tây
Mưa hồng rưới khắp cỏ cây tươi nhuần
Cầu đời đặng phong thuần tục mỹ
Cầu khắp đem đạo lý khuyên đời,
Cầu cho người biết thương người
Thương Thầy mến đạo,thương đời mến nhân
Cầu bá tánh gội nhuần hồng phước
Cầu chúng sanh mau bước đại đồng,
Cầu cho sĩ,cổ,nông ,công
An cư lạc nghiệp vào trong thái hoà.”
Hoặc: Cúi cầu mong đức Cao Đài chứng tri.
Cầu Kim mẫu Diêu trì dạy bảo,
Cầu chơn tong tam giáo thọ truyền,
Khắp cầu Phật,thánh,thần,tiên
Chỉ đường vạch lối con nguyền bước theo
Và: Cầu đại đạo hoá hoằng khắp cõi,
Cầu chúng sanh thoát khỏi tai khiên.
Cầu cho nước trị dân yên
Cha lành con thảo,vẹn tuyền hiếu trung
Những lời cầu này trở thành nguyện ước chung của toàn đạo,của giáo hội và của cả loài người nhằm thực hiện tôn chỉ mục đích của nền tân giáo Cao đài:thiên đạo giải thoát,thế đạo đại đồng.Tất nhiên sẽ được Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng chứng giám
Trong lãnh vực đức tin con người được tự do cầu khẩn với các Đấng Thiêng Liêng nào mà mình tin tưởng và cảm thấy dễ dàng linh ứng. Sự chọn lựa ấy có những lý do sâu xa ở những liên hệ tiền kiếp của linh hồn họ . Và họ tự nguyện với lòng,với Thầy,với các Đấng thiêng liêng rằng:
Nguyện giữ giới hạ thừa khăng khắn
Dù chi chi con chẳng quên lời
Nếu con lòng có đổi dời
Ơn trên phạt tội,kiếp đời tai khiên
Và : Nguyện dìu dắt anh em sau trước
Nguyện cùng nhau dõi bước theo Thầy
Nếu con quên hẳn lời này
Làm điều phạm giới,xin Thầy phạt răn.
Những lời cầu nguyện này đã thể hiện quyết tâm sâu sắc với tất cả tấm lòng chí kỉnh chí thành của người tín đồ qua cách xưng hô:”con,Thầy”vừa thân mật vừa gần gũi vừa thiêng liêng đã bộc bạch được những điều nguyện ước của những đứa con khờ dại đang cầu xin Đấng Cha Trời tha thứ tội tình và dìu dắt nâng bước con thoát cảnh song mê bể trần này.
Nhưng, không phải tất cả những gì cầu nguyện đều được các đấng thiêng liêng phò hộ.
Ví dụ 1:
Một người sống chủ trương không cần lễ nghĩa chi cả chẳng cần trí tín gì hết, chỉ làm sao có nhiều tiền, nhiều của cải vật chất, thỏa mãn được dục vọng giác quan của mình là hạnh phúc rồi. Họ cũng theo đạo Cao Đài rồi mở một quán rượu, trịnh trọng cầu khẩn Thần linh phò hộ cho mình làm ăn phát đạt.
Lấy lý trí bình thường của một người chúng ta xét thử trường hợp nầy.
Nếu như lời cầu nguyện của người này được giúp đỡ có hiệu lực, nghĩa là bán rượu chạy, thì sẽ có nhiều người phải say sưa gây ra những bất hạnh cho xã hội thử hỏi Thần linh là những Đấng có trách nhiệm dạy dỗ người dân hiền lành hướng thiện có thể giúp cho người này đạt được mục đích giàu sang do bán rượu thật chạy để nhiều người phải khổ hay không?
Rồi khi có thật nhiều tiền, nhiều vật chất, họ lại sống theo dục vọng của giác quan, đời sống của họ càng sa đọa và tiếp tục đào tạo con cái ăn chơi hư hỏng.
Ví dụ 2:
Trong cuộc sống đời thường,người tín đồ chẳng may gặp rủi ro hoạn nạn,đau ốm bất trắc xảy ra…thì lập tức tới chùa dâng quả lễ cúng Thầy,cúng Phật cùng các đáng thiêng liêng,nguyện hứa đủ điều,nào làm lành lánh dữ,tu thân tích đức để cầu mong cho tai qua nạn khỏi.Khi mọi việc đã qua rồi cuộc sống trở nên bình yên hạnh phúc thì quên đi những lời hứa với Thần,Thánh ,Tiên,Phật ,nên kinh sám hối có dạy:
"Lâm nguy nguyện vái làm lành
Tai qua rồi lại dạ đành phụ vong",
Tai qua rồi lại dạ đành phụ vong",
Qua hai trường hợp này,ta hiểu rõ họ là những con người chưa thấu hiểu đức tin,chưa hiểu sâu lý Đạo.Chỉ cầu nguyện theo dục vọng tánh phàm của mình mà thôi.
Trong sự tín ngưỡng của người Cao Đài thần linh là đấng tác động trên đời sống của người tín đồ để phò hộ cho chúng ta những sinh hoạt về phần xác lẫn phần hồn theo chiều hướng giúp chúng ta tu thân lập đức đi đến chỗ giải thoát,thành thử chỉ có những lời cầu nguyện nào mà nội dung phù hợp với trách nhiệm thiêng liêng của các ngài mới mong được dễ dàng chấp thuận.
Tóm lại theo quan niệm của người tín đồ Cao Đài Thầy Mẹ và các đấng thiêng liêng là những đấng rất gần gũi với những sinh hoạt của con người, các Đấng ấy luôn giúp đỡ cho người tín đồ thăng tiến trên con đường tu thân lập đức và đủ sức chịu đựng sự trả quả của mình đã gây ra từ trước. Vì vậy họ không ngần ngại vái van cầu khẩn các Đấng này phò hộ cho họ trong đời sống hằng ngày:
Khắp cầu Phật,Thánh,Thần,Tiên
Chỉ đường vạch lối con nguyền bước theo
Các Đấng ấy làm việc một cách vô tư vì trách nhiệm thiêng liêng của mình tại mỗi địa phương,mỗi gia đình,mỗi cá nhân , không phải vì các phẩm vật cúng tế mà vì những lời cầu nguyện sâu sắc của con người nơi trần thế. Còn lễ và kính trọng là bổn phận của người tín đồ hiểu lý sâu của Đạo, một hình thức sinh hoạt theo hướng Trời người hiệp nhứt(thiên nhân hiệp nhứt)
Cầu đời đặng phong thuần tục mỹ
Cầu khắp đem đạo lý khuyên đời,
3.Hành trì kinh hôm,kinh mai là bổn phận đối với đời sống thường nhật và trở thành nếp sống Đạocủa người tín đồ:
a.Đời sống hằng ngày:
Lời Đức Khổng-Tử:
“Đạo không tách rời với đời sống của con người, nếu kẻ hành đạo mà tách rời với đời sống thì không phải là làm đạo”.
Trung-dung/ Chươmg XIII.
Tam-kỳ Phổ-độ ngày nay Đức Chí-Tôn lấy Nho-tông chuyển thế, nên trong các phương tu của Cao-Đài-giáo bất-kỳ ở giai-tầng nào: làm Người hay Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đều lấy trường đời làm nơi tu-học, lấy cái sinh-thú trong đạo làm người ở đời làm cứu-cánh, cốt để thánh-hoá đời sống hằng ngày của mình, giúp con người bước từng bước vững chắc vào vương-quốc huyền-linh.
Sự tu-hành trong Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ cốt đem đạo vào đời, lấy đời để thể-hiện đạo, thể-hiện cái Tâm chân-chánh bình-thường của mình trong đời sống thường nhật..
Chồng công chánh thuận tùng phận vợ,
Kết giải đồng ăn ở thương nhau
Chi lan bậu bạn tình sâu
Anh (chị)em bốn bể đồng bào khác chi
b.Sống Đạo và nếp sống đạo:
Trong đời sống thường nhật của người tu thì giờ phút nào cũng có thể sống với đạo và hành-đạo được cả, Thánh-giáo của Bát-nương Diêu-Trì cũng dạy rằng:
“… Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, ngủ, thức, ngay cả trong hơi thở, cái ngó, cái nghe, cái ngửi đều có thể thiền…”
(Thánh-giáo của Bát-Nương dạy nữ phái tại Trí-huệ-cung).
Đối với người tu bình-thường thì thực-hiện công-phu, tỉnh-toạ, tụng-niệm, lễ-bái mỗi ngày được 2 đến 4 lần là tốt lắm rồi, nhưng so với các lời dạy trên đây thì không đủ thiếu vào đâu, mà phải dụng công tu-hành trong cả các sinh-hoạt thông-thường, thậm-chí phải sử-dụng suốt 24 giờ trong một ngày, chứ không phải chỉ dụng công trong những giờ công-phu, tụng-niệm, lễ-bái mà thôi.
Muốn được như vậy thì trong mỗi việc làm dù nhỏ-nhặt như bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí đến từng hơi thở, cũng phải để hết tâm-ý tập-trung tư-tưởng vào đó… Nếu trong mỗi hành-dộng mà không được như vậy người tu phải dùng tham-thiền để quán-chiếu vào đó mà điều-chỉnh, đừng để cho tâm-trí của mình tán-loạn mông-lung … tức là đã đặt mình trong nếp sống đạo…
Tóm lại chúng ta có thể nói rằng kẻ tu-hành chỉ dùng ngay những thì giờ phục-vụ cho đời sống hàng ngày với tất cả chánh-tâm thành-ý cũng là dịp thực-hiện đạo, hoà-nhập với nếp sống đạo. Nói cho cùng thì muốn thực-thi nếp sống đạo hay hành-đạo dù dưới hình-thức nào đi nữa cũng phải thể-hiện qua phương-thức quan-hệ giao-tế trong gia-đình và ngoài xã-hội với những cái hữu-hạn của sự ăn mặc, làm việc, sinh-hoạt ngay trong đời sống thường-tục, con đường vào thiên-đường cũng phải rộng mở tại thế-gian và niết-bàn vẫn phải tìm trong bánh xe sinh-tử luân-hồi. Nên đạo-thơ có câu:
“ Khi sống không biết được lối đi vào thiên-đường, thì sau khi chết khó rời được cửa địa ngục “
(Sinh-tiền bất tri thiên-đường lộ, Tử hậu nan ly địa ngục môn).
4.Lợi ích của việc trì tụng kinh hôm-kinh mai:
Lời Chúa Jésus phán dạy:
Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo.
Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
Mat. 6: 34
Và trong kinh mai có viết:
Đêm qua việc dữ lành đã mãn,
Nỗi ngày nay chưa hãn sao đây ?
Ngươì đạo muốn biến thì giờ thường nhật thành thì giờ tu-hành thực-sự của mình, thì ngoài sự tập-trung tâm-ý vào trong từng hoạt-động, ta còn phải ý-thức được sự-kiện hiện-tại là một sự-kiện nhiệm-mầu. Nếu tâm-ý không tập-trung, thì số thì giờ nêu trên mới chỉ có trên lý-thuyết, nghĩa là ta không sống được với khoảnh-khắc hiện-tại, coi như ta chỉ tồn-tại cái xác-thân, chứ tâm-ý không hiện-hữu trong giây phút đang sống, tức là không hoà-nhập được với đạo.
Tóm lại tập-trung tư-tưởng vào “từng sinh-hoạt của thân-xác trong ngày hôm nay” là một bí-pháp nhiệm-mầu, vì khi con người đã gom-thần tĩnh-trí cao-độ, tinh-thần sẽ đạt tới trạng-thái đại-định, thì chơn-thần sẽ hoà-nhập với dòng thần-lực vô-biên của Thượng-Đế, tạo cho người tu có sức mạnh tâm-thể rất thâm-hậu, dễ-dàng gặt-hái thành-công trong mọi lãnh-vực, nhất là trong nếp sống đạo. Lúc đó mới đúng như Lời Đức Chí-Tôn nhận-định:
“Các con là Thầy, Thầy là các con” (TNHT/ Q1 tr.30).
IV.CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC HÀNH TRÌ KINH HÔM KINH MAI CỦA HỌ ĐẠO TRUNG HIỆP:
Kể từ khi họ đạo nhận đạo văn số 37/HT ngày 25/2 năm Tân Mão của Hội thánh chỉ đạo chỉ đạo cho họ đạo triển khai đường hướng kêu gọi nhơn sanh thực hiện kinh hôm kinh mai,đây là chương trình hướng thượng,họ đạo Trung hiệp cũng rất đồng tình với hội thánh.Bởi vậy,để cho việc hướng dẫn nhơn sanh hằng ngày đọc kinh hôm kinh mai được thành công,họ đạo đã chuẩn bị đạo sự này rất chu đáo.
-Một là :thông qua đạo văn của Hội thánh cho toàn đạo biết việc thực hiện kinh hôm kinh mai.
-Hai là Họ đạo triệu tập 5 Ban trị sự họp bàn tìm phương hướng dẫn dắt nhơn sanh thực hiện đạo văn của Hội thánh một cách tốt nhất,cụ thể như:
.phô-tô đạo văn của Hội thánh gởi xuống từng Xã đạo để triển khai đến từng nhơn sanh trong bữa họp xã đạo.
.Hằng tháng,ngày mồng một và ngày rằm Ban phổ tế giảng giải ý nghĩa mộtsâu rộng nội dung 2 bài kinh hôm,kinh mai và ý nghĩa phần lấy dấu tam qui,lời ngũ nguyện để nhơn sanh thấy được giá trị và lợi ích của việc đọc kinh hôm kinh mai.
-Đến mẹo thời ngày 01/4 năm Tân mão,họ đạo đã thiết lễ cầu nguyện xin Thầy Ban ơn cho Họ Đạo dẫn dắt nhơn sanh làm tốt đạo sự này.
Trong buổi lễ có mời chức sắc và toàn đạo tham dự.
-Đầu họ đạo luôn nhắc nhở cho các ban trị sự nam,nữ chia nhau đi đến từng nhà đạo hữu thăm viếng động viên,nhắc nhở họ thực hiện cho đều đặn,nhất là những gia đình ít về chùa và những gia đình có con nhỏ(tuổi ngành đồng) để hướng dẫn nghi thức đọc kinh hôm kinh mai.
-Văn phòng nữ phái đã phô-tô một số bổn kinh hôm kinh mai.Nghi thức lấy dấu tam qui,niệm danh hiệu Thầy trước khi đọc kinh và cầu ngũ nguyện sau khi đọc kinh gởi đến một số gia đình chưa có bổn kinh tận độ.
-Từ đó,họ đạo luôn theo dõi kiểm tra,đôn đốc,nhắc nhở từng gia đình,từng thiện gia,từng Xã đạo.Và cho đến nay đã có nhiều gia đình và các em nhỏ đã thuộc hai bài kinh hôm,kinh mai cùng nghi thức cúng kinh.
Và một điều đáng mừng nữa,trong thời gian thực thi trì hành kinh hôm kinh mai này một số đạo hữu ít về chùa thất nay lại thường xuyên tham gia đàn lệ một tháng hai lần vào ngày mồng một và rằm.
-Vào ngày rằm tháng 5 năm tân mão vừa qua Họ đạo đã tổ chức lễ nhập môn,giải oan,tắm thánh cho gần 60 người.
V.KẾT LUẬN :
Nội-dung ,ý nghĩa của việc hành trì kinh hôm,kinh mai cốt nêu lên những phương tu-luyện cụ-thể nặng về thực-hành để “làm cho thân-thể mình đây phù-hợp với đạo-tâm”, giúp cho đời sống con người hoà-nhập được với đạo. Các phương-tu nầy tuy không khó-khăn hay cao-thâm đến nỗi không thể thực-hiện được, nhưng chắc-chắn cũng không phải dễ-dàng, bởi vì giữa chân-ngã và phàm-ngã luôn có sự đối-kháng với nhau quyết-liệt, mà ở những người thiếu tự-chủ thường bị phàm-ngã thắng lướt, tạo cơ-hội cho:
“Dây oan xe chặt buộc mình,
Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân.
Chịu ô-trược chơn-thần nặng trĩu,
Mãnh hình hài biến-biểu lương tâm”.
(Kinh Giải oan)
Vì vậy,nếu chúng ta không chịu thực-hành thì dù cho phép tu có huyền-nhiệm đến đâu cũng vô bổ, tỷ như một người chỉ nhìn đồ ăn, mà không ăn, hoặc cho là mình ăn không được, thì chẳng giúp-ích gì cho thân xác họ cả.
Việc trì tụng kinh hôm kinh mai cũng thế.Đó là một công trình vừa đem lại lợi ích cho chính mình,vừa để lại cho con cháu một hình ảnh đẹp đồng thời để hướng dẫn con cháu nhà đạo chúng ta tập quen với các bài học sơ đẳng dành cho các em,các cháu…đó là việc đọc kinh hôm,kinh mai.
Ngoài ra,bên cạnh việc học thuôc lòng,học hiểu nghĩa lý của lời kinh thì việc hành trì kinh mai vào buổi sáng trước khi bắt đầu công việc của một ngày và vào buổi tối khi đã kết thúc mọi hoạt động của một ngày…sẽ có tác dụng giúp chúng ta về lại với bản thể của chính mình,ý thức sự hiện hữu của chính mình trong cuộc sống vốn đầy đa đoan phiền toái này.
Tóm lại ,ta thực hành tốt việc trì hành kinh hôm,kinh mai là ta đã dụng công 24 giờ trong nếp sống đạo, và ta đã đem đời sống của mình hoà-nhập với đạo rồi vậy.
HỌ ĐẠO TRUNG HIỆP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét