Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO
Hiển thị các bài đăng có nhãn THIỀN VÀ YOGA. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn THIỀN VÀ YOGA. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

BẢY LUÂN XA TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI



BẢY LUÂN XA TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI
Sưu tầm




1. Luân xa tại Huyệt – Trung Đình (Tại Tâm) quẻ Ly, Hỏa luân xa có 12 chi, hay 12 cánh hoa sen.
2. Luân xa tại Hạ đơn điền (Tại Thận) quẻ Khảm, Thủy luân xa có 10 can, hay 10 cánh hoa sen.
3. Luân xa tại huyệt mạng môn, tượng luân xa, (Tứ Tượng) luân xa có 4 cánh hoa sen.
4. Luân xa ở tại Giáp Tích, Tỳ Thổ (Lục Long) Khí Luân xa, có 6 cánh hoa sen.
5. Luân xa tại cổ, sau là huyệt Đại Chùy, trước là huyệt Thiên Đột, gọi là Tiên Hậu Thiên luân xa, Bát Quái Tiên Thiên và Hậu Thiên hiệp nhất, có 16 cánh hoa sen.
6. Luân xa tại huyệt Ấn-Đường nơi khai mở Thần Nhãn, có 96 cánh hoa sen.
7. Luân xa tại huyệt Bách Hội, hay Nê Hoàn cung, nơi dương khí tụ hội, chung quanh luân xa có 960 cánh hoa sen, giữa có 12 cánh, luân xa này là nơi Thần Khí giao hòa, tâm trí hiệp nhất, Thần huệ diệu minh suốt thông tam giới.

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

THAM THIỀN TỊNH TÂM

 



THI
HUỆ chiếu đơn điền chứng Phật gia,
MINH khai chơn đạo buổi kỳ ba,
CHƠN ngôn mầu nhiệm nhơn nhơn ngộ,
TIÊN tục nhờ tu thoát ái hà.

Bần đạo chào chư phận sự, tịnh đàn, tịnh tâm nghe Lão dạy cách tham thiền nhập định.
Người muốn chứng quả đạo mầu, nên Tiên nên Phật thì trước hết phải tham thiền tịnh tâm, diệt hết tư tưởng vọng niệm mơ màng, ngồi cho tâm trí yên lặng; việc quá khứ, hiện tại, vị lai đừng nhớ đến, đối cảnh vô tâm đừng cho xao động,
thất tình lục dục an nhiên, thì đạo mau đắc kim đơn xá lợi.

THI
Tịnh tâm thì thấy chỗ mầu vi,
Huệ đặng tự nhiên ngự khí phi,
Nước lóng thì trong, xao thì đục,
Tịnh thần, dược sản, mới thần tri.
Thần tri tại mục đạo vị tầm,
Diệu khí huyền quang lý nhiệm thâm,
Diệt hết phàm tâm thì rõ đạo,
Đường Tiên, nẻo Phật có bao lăm.

THI BÀI
Chơn nguơn lặng, minh châu xuất hiện,
Đạo dạy đời thường chuyển pháp luân,
Tịnh tâm thấy rõ đạo huỳnh,
Dìu nhơn thoát khỏi ngục hình trần ai.
Kỳ ngươn hạ, Cao Đài mở hội,
Vớt quần sanh chìm nổi sông mê,
Hầu đem trở bước lần về,
Tiêu diêu lạc cảnh chẳng hề sầu than.
Đời phải chịu tai nàn khốc liệt,
Bớ quần sanh tu riết kỳ này,
Rán lo tịnh tánh cho đầy,
Bước đường thiên đạo hoằng khai độ đời.
Cuộc biến thiên chiều mơi sắp cận,
Biết cậy ai giải hận cho đời,
Vì chưng vật chất đua bơi,
Hại nhau nào kể luật trời mà chi.

THI
Nam Bắc thuyền khơi bước dặm dài,
Long Hoa chia rẽ lại làm hai,
Cơ quan tương bí ai tường hiểu,
Hiểu thấu thời tua trở bước quày.

THI BÀI
Dặm dài mau bước sang đi,
Kêu ai là kẻ nam nhi thoát trần.
Đạo đức phải ân cần lo học,
Máy thông huyền bổn giác thông minh,
Lần lần học lấy đạo huỳnh,
Chơn truyền tại thế, huỳnh đình nơi tâm.
Nghe cặn kẻ rán tầm chơn lý,
Rán tham thiền tự trị tâm tà,
Diệt lần những tánh yêu ma,
Đặng cho thần khí điều hòa chơn ngươn.
Kỳ mạt kiếp nhiều cơn lao lý,
Diệt tâm trần suy nghĩ đạo chơn,
Luyện giồi linh tánh xuất hồn,
Vân du tứ hải càn khôn khắp cùng.

THI
Khắp cùng thân thể phải an nhiên,
Tịnh tánh cần lo luyện đạo huyền,
Mặc mặc vô trần thông bổn giác,
Giác rồi độ thế đặng trường niên.

&&&
Trường niên bất diệt khỏe muôn đời,
Kêu gọi kìa ai rán chớ lơi,
Cõi tạm là nơi trần mộng ảo,
Lo tu lánh khỏi cuộc lưng vơi.
Bần đạo ban ơn. Thăng...

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Bàn về Nụ cười trong văn học Thiền Việt Nam

Đào Nguyên

Nụ cười là một hiện thực gắn liền với phần lớn sinh hoạt của con người. Đối với đạo Phật là đạo của từ bi và giải thoát, nụ cười của đức Phật đã được xem là “Nụ cười từ bi muôn thuở”, và chúng ta nhớ đến kỳ quan “Đế Thiên Đế Thích”, mà một trong những nét đẹp trầm hùng của nó chính là “Nụ cười của đức Phật”: “Xe chạy vòng quanh đền Bayon, dưới nụ cười hiền từ của Phật Avalokitecvara rồi rẽ vào một đường hẹp ngập cát... Ở đây có năm mươi cái tháp, cái nào cũng cao trên mười thước. Có một trăm bảy mươi hai mặt người (tức bốn mươi ba đầu Phật, mỗi đầu có bốn mặt) lớn tới hai, ba thước, cái ở trên cao, cái ở dưới thấp, cái sáng một nửa, cái sáng một góc, cái sáng cả, cái tối cả, hướng về đủ bốn phương trời, và cái nào cũng có đôi mắt hiền từ, cũng có nụ cười khoan hòa, mỉa mai và bí mật...”. (Đế Thiên Đế Thích, Du Ký của Nguyễn Hiến Lê, nhà xb Thời Mới, S, 1968, trang 24, 41)

Đó là dấu ấn của “Nụ cười đức Phật” nơi điêu khắc, kiến trúc. Bài viết nầy xin bước đầu bàn về Nụ cười trong văn học Thiền Việt Nam.
Nụ cười được xem là đầu tiên trong Thiền học chính là nụ cười của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tương truyền ở Hội Linh Sơn đối trước đóa hoa sen của đức Phật Thích Ca giơ lên giữa đại chúng.
Sau này, vua Trần Thái Tông (1218 - 1277) gương mặt Thiền học xuất sắc bậc nhất của Phật giáo thời thịnh Trần, trong bốn mươi ba công án được ghi chép nơi sách Khóa Hư Lục, ta thấy công án ba, nhà vua đã nhắc lại sự kiện “Niêm hoa vi tiếu” kể trên:

Cử:
Thế Tôn giơ cành hoa
Ca Diếp nở môi cười nụ
Niệm:
Dương mày mở mắt mà trông
Bước lên nghị nghị muôn trùng cách xa.

Tụng:
Thế Tôn giơ lên một cành hoa
Ca Diếp sớm nay đạt tới nhà
Ví bảo thế là truyền pháp yếu
Bắc phương Di Việt lộ còn xa.
(Khóa Hư Lục, Nguyễn Đăng Thục dịch, nhà xb Khuông Việt, S, 1972, trang 88 - 89)

Thiền sư Chân Nguyên (1646 - 1726), người có công rất lớn trong nỗ lực phục hưng Thiền học Việt Nam cuối thế kỷ 17, nơi tác phẩm chữ Nôm “Yên Tử Sơn Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh” cũng mô tả lại “Nụ cười Thiền học” khởi đầu ấy:

“Thuở xưa hội cả Kỳ Viên
Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày
Ca Diếp trí tuệ cao thay
Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen...”.
(Dẫn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận T2, nhà xb Văn Học, H, tr127)

Nơi bài phú chữ Nôm “Thiền Tịch Phú”, nụ cười của Tôn giả Ca Diếp cũng được Thiền sư Chân Nguyên gợi lại:

“Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích
Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê mặt khó đăm đăm
Ca Diếp nhãn đồng, thoát chốc ngộ miệng cười khềnh khệch”.
(Dẫn theo Nguyễn Lang, Sđd, tr126)

Đó là nụ cười ngộ đạo.
Thiền sử Trung Hoa còn ghi nhớ lại trường hợp ngộ đạo của Thiền sư Thủy Lạo trong lần đầu đến tham bái Mã Tổ (707 - 786) hỏi về ý nghĩa của việc Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma qua Đông Độ, được Mã Tổ tặng cho một đạp té nhào, lồm cồm bò dậy, chợt tỏ ngộ “chấp tay cười ha hả”. Sách “Ngữ Lục” của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung (1230 - 1291), phần “Đối cơ” đã nhắc lại sự kiện trên qua lời hỏi của một vị Tăng. Và Thượng Sĩ đáp:
- Cái đạp đá của voi quý, chẳng phải sức lừa chịu nổi.
- Lại hỏi: Sau đó, Thủy Lạo còn nói với học trò của mình rằng, từ lúc ăn phải cái đá của Mã Tổ đến nay, ông cười mãi không thôi. Thế lại là nghĩa gì?
- Thực là tiếng gầm rống của loài sư tử. Phải đâu giọng kêu the thé của chó rừng.
- Lại nói: Tôi không hiểu.
- Sư bèn đọc kệ, chỉ cho:

“Một đạp lăn cù
Ai giảng tìm rõ
Đứng dậy cả cười
Lại thêm buồn não
Rõ lẽ qua Tàu
Ngựa tơ ăn cỏ”.
(Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Trúc Thiên dịch, Đại học Vạn Hạnh xb, S, 1969, tr32 - 33)

Đó cũng là nụ cười ngộ đạo.
Từ nụ cười mang tính chất thể ấy, trong thơ Thiền Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp một số nụ cười với những tướng trạng khác nhau:
Có thể là “nụ cười nhẹ” về tình quyến luyến của người đời đối với chuyện sanh tử:

“Thu về chẳng báo nhạn theo bay
Cười nhạt người đời uổng xót vay
Thôi hỡi môn đồ đừng quyến luyến
Thầy xưa mấy lượt hóa thầy nay!”
(Bài Kệ thị tịch của Thiền sư Đạo Hạnh, Ngô Tất Tố dịch. Dẫn theo Thiền uyển tập anh, bd, nhà xb Văn Học, 1990, tr203)

Hoặc là “tự cười mình” vì sự bất lực của ngôn từ trong việc “truyền tâm”:

“Kham tiếu Thiền gia si độn khách
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm”.
(Cửa Thiền những thẹn người si độn
Để lại câu gì nghĩ chửa thông)
(Bài Kệ thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới, Ngô Tất Tố dịch, Sđd, tr136 - 137)

Cũng có thể là “nụ cười tự cười về mình” rất đáng trân trọng của Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334), không chỉ là vị Tăng Thống đang có trách nhiệm lớn đối với Giáo hội đương thời, mà còn là một nhà thơ yêu thiên nhiên, nghệ thuật:

“Củi hết, lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình”.
(Nguyễn Lang dịch, VNPGSL T1, S, 1974, tr370)

Trong văn học đời Trần hay nói chung là cả mảng văn học chữ Hán của văn học Việt Nam, Thiền sư Huyền Quang thật đã xứng danh là “Nhà thơ của hoa cúc”. Sáu bài Thất ngôn tứ tuyệt của ông viết về hoa cúc không chỉ có giá trị về nghệ thuật thi ca mà còn bao hàm những giá trị lớn về Thiền học. Đây là nụ cười của nhà thơ - Thiền sư “Với tất cả lòng từ bi khi nhìn thấy một thiếu nữ vì không thấy rõ được bản chất mầu nhiệm của hoa cúc, đã hái hoa cắm đầy đầu trước khi ra về”:

“Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về mái tóc giắt đầy hoa”.
(Nguyễn Lang dịch, Sđd, tr374)

Hàm ý của nụ cười mang tính chất nhân bản ấy cũng có sức khơi gợi lớn của một công án Thiền học.
Nơi hai câu cuối của bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú “Đưa nhà sư Đạo Khiêm về núi”, Nguyễn Trãi (1380 - 1442) viết:

“Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã
Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa Thiền”.
(Lẩm cẩm già rồi, đừng lạ tớ
Chia đường, tớ cũng sẽ theo Thiền!)
(Đào Duy Anh dịch, Nguyễn Trãi toàn tập, 1976, tr353 - 354)

Sư Đạo Khiêm vốn là bạn thân của Nguyễn Trãi, sau mười năm xa cách gặp lại nhau, cùng ngủ một đêm với nhau để tâm sự, và khi chia tay, Nguyễn Trãi đã tự hứa với mình như thế. Nụ cười mỉm của Ức Trai rõ ràng đã mang một ý nghĩa tự khám phá.
Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tính chất tự khám phá tương tợ nơi nhà thơ Cao Huy Diệu thời Tây Sơn. Trong bài thơ “Lên thăm chùa Tiên Sơn lần trước”, ông kết luận:

“Thế giới dưới chân cờ nửa cuộc
Cười ai bể trọc chửa nhìn ra”.
(Cước hạ giang sơn kỳ bán cục
Thao thao lãnh tiến trọc đồ mê).
(Ngô Linh Ngọc dịch, Văn học Tây Sơn của Nguyễn Lộc, 1986, tr382 - 383)

Trong cửa Thiền còn có một nụ cười rất đáng chú ý là nụ cười của Phật Di Lặc. Di Lặc là vị Bồ tát có mặt nơi phần lớn các kinh điển của Phật giáo Bắc truyền, và được đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký là sẽ thành Phật vào đời vị lai với đạo tràng là Hội Long Hoa. Thời Ngũ Đại (907 - 960) của lịch sử Trung Quốc, như Thiền sử đã ghi lại, có một vị Thiền sư hiệu là Hòa thượng Bố Đại, cuộc đời và hành trạng rất kỳ lạ, về sau, nhờ bài Kệ thị tịch mới biết đây là hiện thân của Phật Di Lặc. Do vậy, các tượng thờ Phật Di Lặc ở Trung Hoa và Việt Nam đều được tạc theo hình ảnh của vị Hòa thượng kia: bụng phệ, người phốp pháp, nụ cười rạng rỡ, với sáu đứa trẻ tượng trưng cho “sáu giặc” đã được Ngài hàng phục.
Nhà thơ Đào Tấn (1845 - 1907) hầu như rất tâm đắc với nụ cười của Phật Di Lặc. Ông đã có hai bài Thất ngôn tứ tuyệt viết về nụ cười ấy.
Bài thứ nhất nhan đề: “Hứng viết trong đêm thăm điện Di Lặc”:

“Di Lặc nguyên lai bản Đại Hùng
Lãn tàn cao cứ Phạm vương cung
Cổ kim quân độc an bài đắc?
Thương hải phù vân nhất tiếu không”.

(Di Lặc cũng là bậc Đại Hùng
An nhiên ngồi ngự Phạm vương cung
Xưa nay muôn việc, ông sắp đặt
Biển dâu, mây nổi, cười như không”.)
(Thơ và từ Đào Tấn, nhà xb Văn Học, 1987, tr215. Phần dịch thơ là của chúng tôi)

Bài thứ hai mang tên “Phật ở mình” (Tự Phật) phản ánh chỗ thấu đạt về Thiền học của ông Đào:

“Hòa nam khấu thỉnh Di Lặc Phật
Phúc trung hứa đại tàng hà vật?
Tiếu vân trung hữu nhất đoàn băng
Chỉ thị không không vô xứ ngật”.

(Đảnh lễ thưa cùng Phật Di Lặc
Bụng chứa những gì con muốn biết
Cười rằng: Tâm trung vốn như như
Thảy là không không, vượt sinh diệt).
(Sđd, tr217. Phần dịch thơ là của chúng tôi)

Từ nụ cười của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, đến nụ cười của Thiền sư Bố Đại, Phật giáo đã có trên 1500 năm truyền bá, gắn bó với đời, và từ đó đến nay sự gắn bó ấy vẫn phát triển liên tục. Xét về khía cạnh triết lý, chỉ với nụ cười của Phật Di Lặc - qua sự diễn tả rất tâm đắc của Đào Tấn: “Biển dâu, mây nổi, cười như không” - cũng đã góp cho đời bao nhiêu là giá trị về nhân sinh rồi.

Thiền và sức khỏe

Nói đến thiền, đa số chúng ta đều cảm thấy xa lạ và có thái độ muốn xa lánh vì chữ thiền gợi ra một cái gì thuộc về tôn giáo, tu hành..., không trần tục như chúng ta. Bạn thử đọc bài này để xem cái cảm giác ban đầu ấy có đúng không, và thấy được ích lợi của thiền đến sức khỏe của bạn. Không chừng đọc xong, bạn sẽ muốn thiền ngay tức khắc.

Thiền được vô số người thực hành từ nhiều ngàn năm qua. Thoạt kỳ thủy, thiền được dùng như một cách để con người có thể đến gần được những năng lực bí ẩn và thiêng liêng của cuộc sống. Nhưng hiện nay, thiền là một phương cách giúp xả bỏ những áp lực của đời sống và để thư giãn.
Ngồi thiền, chúng ta có thể đạt đến một trạng thái tịch lặng và thư giãn hoàn toàn khiến chúng ta cảm thấy yên bình và thanh thản. Chấm dứt thời thiền, chúng ta vẫn còn cảm nhận được sự yên bình này vì tác dụng của thiền ảnh hưởng đến cả thân và tâm của chúng ta.
Nhiều người có thể cho rằng thiền rất khó khi họ chưa bắt đầu. Nhưng không phải thế, ai cũng có thể tập thiền được. Hiện nay, nhiều phương pháp đã được truyền dạy khiến chỉ cần bỏ thời giờ ra tập luyện, chúng ta đều có thể hưởng được sự lợi ích của thiền.

Thiền và bệnh tật
Người khỏe mạnh thiền để thư giãn và bớt đi căng thẳng của cuộc sống. Nhưng thiền cũng có tác dụng tốt đối với nhiều bệnh tật của cơ thể, nhất là những bệnh do căng thẳng gây ra. Nhiều cuộc nghiên cứu về tác dụng lên bệnh tật của thiền đã và đang được thực hiện, trong đó những bệnh sau đây được cho là có thể giảm bớt nhờ thiền:

- Bệnh dị ứng, suyễn
- Bệnh bồn chồn lo lắng
- Bệnh thấp khớp
- Bệnh ung thư
- Bệnh trầm cảm
- Ðau nhức kinh niên
- Bệnh cao huyết áp
- Bệnh tim

Nhưng nên nhớ: Thiền không thể được dùng thay thế những chữa trị y khoa mà chỉ là phần thêm vào những chữa trị đang được dùng.
Khi ngồi thiền chúng ta dẹp bớt những góp nhặt thông tin tích lũy mỗi ngày trong óc chúng ta. Một khi đầu óc đã trống bớt những ý tưởng tạp nhạp, bạn sẽ dễ có cái nhìn bớt chật hẹp và tìm ra được cách giải quyết vấn đề cũng như bớt căng thẳng. Bạn trở nên “tỉnh thức”, “tự tri” hơn và chú ý vào hiện tại hơn là lo lắng về những chuyện phải làm mỗi ngày.
Có rất nhiều phương pháp thiền: thiền siêu nghiệm (transcendental), thiền Zen, thiền chuyển động, thiền minh sát... nhưng mục đích chỉ là một: tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Không một phương thức nào là đúng hay sai cả. Bạn có thể theo học một lớp thiền cùng với những môn như yoga, taichi, khí công, thiền theo hướng dẫn... nhưng điều quan trọng là chính bạn phải thực tập. Chúng ta có thể thực tập thiền bất cứ lúc nào trong ngày và cũng có thể định ra một số giờ nào đó để thực tập thiền, thí dụ 1 giờ buổi sáng khi thức dậy và 1 giờ buổi tối...

Làm sao để tập thiền?
Sau đây là một vài cách để bắt đầu tập thiền. Bạn có thể tập vài phút mỗi ngày hay tập lâu hơn, ở nhà, ở sở, bất cứ đâu.

Thở sâu:
Người mới bắt đầu nên theo cách này vì thở là một chuyện tự nhiên nhất của con người. Chú ý vào hơi thở. Hít vào biết là mình đang hít vào, thở ra biết là mình đang thở ra. Thở sâu, nhẹ nhàng và chậm. Khi nhận thấy mình đang lo ra, chỉ cần chú ý trở lại vào hơi thở.

Rà soát thân thể:
Trong lúc rà soát bằng tâm tưởng, chú ý đến từng phần của cơ thể. Nhận biết những cảm giác của từng cơ phận như đau, căng cứng, thư giãn, nóng, lạnh. Tưởng tượng đang thở sức nóng hay sự thư giãn vào những bộ phận khác nhau của cơ thể.

Tụng kinh hay niệm chú:
Chú là tên của những vị thánh hoặc bồ tát hay những câu thần bí mà bạn có thể đọc thầm hay ra tiếng. Bạn cũng có thể tự đặt ra một câu chú của chính mình. Chú là căn bản của phương pháp thiền transcendental. Những thí dụ về chú: cầu nguyện Chúa, đọc tên Chúa trong truyền thống đạo Juda, tụng chữ Om trong truyền thống đạo Hindu hay đạo Phật.

Thiền hành:
Thiền hành là một cách thư giãn hữu hiệu. Chúng ta có thể thiền hành bất cứ nơi nào: trong rừng vắng, trên đường phố, ngay cả trong khu thương xá tấp nập. Khi thiền hành, bạn nên đi chậm và chú ý vào cử động của chân mình mà không cần chú ý lắm là sẽ đi đến một nơi nào đó.

Cầu nguyện:
Cầu nguyện là hình thức thiền thông dụng và xưa nhất. Ðạo nào cũng có sẵn những lời cầu nguyện được viết ra hay đọc lên. Bạn cũng có thể tự viết những lời cầu nguyện cho chính mình.

Ðọc sách hay nghe băng, nghe nhạc và suy nghiệm:
Nhiều người tìm được sự yên bình bằng cách đọc sách đạo thầm hay ra tiếng rồi suy nghiệm về những gì vừa đọc. Bạn cũng có thể nghe nhạc đạo, những lời đọc hay âm nhạc làm cho bạn nhẹ nhàng thư giãn hay hứng khởi. Bạn cũng có thể viết lại những suy nghiệm của mình và chia sẻ với bạn bè hay người hướng dẫn tâm linh của mình.

Chú ý vào tình thương và sự biết ơn:
Trong phương pháp này, bạn chú ý vào một đấng hay một vật thiêng liêng nào đó, mang tình thương và sự biết ơn vào tâm của mình. Bạn có thể nhắm mắt và tưởng tượng hay nhìn chăm chú vào biểu tượng của đấng thiêng liêng đó.

Khi mới bắt đầu tập thiền, bạn không cần phải quá cố gắng. Nếu óc bạn đi lạc, bạn chỉ cần chú ý trở lại khi nhận biết ra. Cứ thử nghiệm và sau cùng bạn sẽ tìm ra một lối thiền thích hợp, đem nó vào thời khóa biểu hằng ngày của mình. Nên nhớ rằng không có lối thiền nào đúng hay sai. Ðiều quan trọng là thiền sẽ giúp bạn được giảm thiểu căng thẳng khiến bạn cảm thấy vui khỏe và yên bình hơn.

ST

Tản mạn đôi nét về thiền dân gian

Bảo Sinh- Trần Ngọc Lâm
“Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”
(Ca dao)

Có nhiều người hỏi cách thiền mà không hỏi Thiền là gì? Hoặc coi Thiền là ngồi kiết già vận khí từ đan điền lên bách hội.

Nội dung của Thiền là sự tĩnh lặng ở trong tâm. Còn kiết già chỉ ở ngoại vi.
Thiền là dừng lại với chính lòng mình, là trống không. Thiền không chấp vào lời. Như Lai viết: “49 năm giảng đạo ta không nói một lời nào”. Thật ra 49 năm Như Lai đâu có im lặng, người thuyết pháp đầy đủ cái lẽ huyền vi của vũ trụ. Mà lý của vũ trụ là không lời, nên thiền cũng vô ngôn...
Như Lai đưa bông hoa mai trước 3000 đệ tử, bảo mọi người tìm cách lý giải. Chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Phật trao y bát thiền cho Ca Diếp.
Ca Diếp im lặng là vô ngôn. Thiền cũng vô ngôn vì lời dẫn ta đến chân lý, song lời không phải là chân lý. Nhiều khi lời lại che cả ánh sáng của tâm. Ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng ngón tay không phải là mặt trăng. Cũng như mặt trời mọc không bởi tiếng gáy của chú gà.

Còn theo kinh của Jé-su, thì hiện hữu không phải là chân lý, mà chân lý là lời. Kinh Tân ước “khởi nguồn là lời”. Lời là lời của Chúa.

Một thiền sư được hỏi Thiền là gì? Vị thiền sư liền đặt cái túi trên lưng xuống, rồi lại khoác cái túi lên lưng mà đi. Thiền sư muốn lý giải: “Thiền là vô ngôn. Thiền là cái ta đang sống”.

Thiền là sự quân bình của tâm linh:

“Ta như quả lắc, quả cân
Chuyển động là để tự tâm quân bình”

Thiền là thấy vạn pháp một cách toàn thể. Con mắt thái cực chứa sự biến đổi của cả âm lẫn dương, cả tốt lẫn xấu. Bởi:

“Ở đâu cũng một gầm trời
Thiện, ác - thật, giả - khóc, cười... đan chen”.

Đức Phật, chúa Jé-su, thánh A la... thường dim mắt lại, như hoạ sỹ đẩy sự vật ra xa mới thấy được cái toàn thể, không bị thu hút chỉ vào chi tiết. Câu ngạn ngữ quen thuộc mà ông bà ta thường ứng dụng:

“Trông lên mình chẳng bằng ai
Trông xuống lại thấy chẳng ai bằng mình”

Bởi nếu chỉ có trông lên, sẽ tự đau khổ vì thấp kém. Nếu chỉ trông xuống thôi sẽ sinh cao ngạo, hợm hĩnh. Vừa trông lên, vừa trông xuống là nhìn đời một cách trung dung “một vừa hai phải”- “không quá đáng” sẽ thấy hai chiều chân lý, tâm sẽ thiền.

“Không quá đáng” nghĩa là không chỉ nhìn sự vật một chiều, thấy trong thái cực chỉ có âm mà không có dương. Phải biết “nghe bằng hai tai” mới thấy được hai mặt của vấn đề. Nếu không, sẽ thành kẻ điên cực tả hoặc cực hữu. Bởi tất cả những gì quá hay, quá tốt đều có mặt dở của nó. Chỉ có “Một vừa hai phải” là trung dung của Nho giáo, có kinh trung đạo của Phật, có kinh Coran của đạo Hồi, có “biện chứng pháp” của Hê-ghel. Với người Pháp có “C’ests la vie”, với người Anh ta quan niệm có “Phớt ăng lê”, với người Mỹ ta giả dụ có “Mác kê nô”…

Khi đã biết “một vừa hai phải”, tâm sẽ tịnh, tuệ bừng sáng, thân tâm an lạc, ung dung tự tại, coi họa - phúc, sống - chết chỉ là một.

“Buông thõng hai tay đi vào chợ
Hoạ phúc mua đều có hoá không
Sinh tử bán rồi đời hết nợ
Buông tay đi suốt chợ âm dương”

“Đi suốt chợ âm dương” nghĩa là mang cái hữu hạn của con người hoà vào cái vô hạn của vũ trụ, thành bất tử:

“Hiểu hiện tại đang nằm trong vĩnh cửu
Thấy vô biên trong hữu hạn thân mình”

“Cho ta về chỗ gió mưa
Cho ta về chỗ có trưa, có chiều
Về nơi có ghét, có yêu
Nắng, mưa, yêu, ghét, sớm chiều như ta”

“Nắng, mưa, yêu, ghét” của bản ngã nhập cùng “nắng, mưa, yêu, ghét” của Tạo hoá, bản ngã sẽ tan biến thành vô ngã.

Kinh Đại Niết bàn có câu: “Con người quả là một cái Hư Vô trong cái vô cùng, vô tận của Trời Đất - mà cũng là cái Vô Cùng trong cõi Hư Vô. Một trung gian giữa hai cực: Có mà KHÔNG, KHÔNG mà Có. Vì thế nhìn đời không nên xem quá cao như non Thái, cũng không nên coi quá nhẹ như lông hồng.

Hiểu được cái lý của vũ trụ, cái tình của vạn vật, hành giả tìm thiền trong tánh không:

“Phải vào mới thấy lời ra
Phải yêu mới biết đâu là không yêu
Tìm ai suốt cả bốn chiều
Rồi ra mới biết bốn chiều đều không”

Tánh không coi sinh tử là một, vạn pháp bất sinh, bất diệt, “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”. Cái làm ta sống cũng chính là cái làm ta chết. Trong ca dao của ông bà ta xưa đã giúp ta hình dung được con gà, con lợn, ngộ được đạo trời, tự nhiên chấp nhận lẽ sinh tử cùng lá chanh, củ hành. Con chó cũng ngộ được lẽ sinh tử, tự nguyện yêu cầu: “Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng”. Hình tượng những con vật thân quen ấy là bài học để ngộ được tự lánh:

“Chỉ thẳng vào tâm
thấy tánh thành Phật”

Chấp nhận tự lánh của cuộc sống nó như thế, con người sẽ sống tự nhiên, như nhiên:

“Ung dung khắc trên khắc đi
Còi to cho vượt tranh gì trước sau”

Trong cuộc sống đời thường, thiền nhân không bỏ qua hình ảnh của chú cóc trong tranh dân gian - mà cảm nhận rằng:

“Chú cóc nhẩy ra
Thích thì ngồi đấy
Thích thì nhẩy đi
Sống như chú cóc vô vi
Nhẩy ra, ngồi đấy hoặc đi . . . chầu trời”

Thiền như cóc, ví như ta mặc áo vào, cởi áo ra, sau thời gian làm việc, đói ăn, khát uống, mệt thì đi ngủ. Bức tranh thiền của “cậu ông trời” quả là vi diệu như công án tượng trưng của thiền.

Do có quan niệm như vậy nên sống ở thời đại nào - kể cả thời hiện đại @ như hiện nay, thiền nhân vẫn luôn thanh thản vì họ hiểu luật nhân quả, nên họ không chống lại cái toàn thể, và chẳng khi nào:

“Chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi
Thì ta vẫn cứ phải trôi theo thuyền”.

Thiền nhân chỉ chứng kiến, chứ không có ý kiến. Tâm họ như tấm gương soi đủ vạn vật.

“Đến không đón
Đi không tiễn
Soi đủ điều
Không bàn luận”

Thiền nhân hoà vào thiên nhiên, hoà vào xã hội nên vạn sự như ý:

“Trong mười điều chín không như ý
Còn một điều lại ý chẳng như
Muôn cho vạn sự đều như ý
Cần một điều biến ý thành như”
Tâm thiền ở đâu, Phật ở đấy, niết bàn ở đấy:
“Tự nhiên chờ cái đến
Thanh thản tiễn cái đi
Yêu những điều không muốn
tâm nhàn hơn mấy trôi”

Đời một con người, kể cả nam và nữ, giàu hay nghèo, sang hay hèn dễ đã một ai trăm năm trẻ mãi? Đã mấy ai từ ấu thơ mà không trải qua những ốm đau do thời tiết, những bệnh tật thông thường, những tai nạn rủi ro, những sóng gió bất ngờ?

Bước vào tuổi lớn khôn, là người Việt đã mấy ai không hiểu ngoài cái tuổi tính theo dương lịch, còn có thêm tuổi Mụ - ấy chính là cái thời gian “chín tháng mười ngày” nằm trong bụng Mẹ - cả một khoảng thời gian ta đã được hưởng thụ khá nhiều những báu phẩm tinh túy của đất trời - mà đã có hưởng thụ thì phải có sự đáp đền theo năm, theo tháng. Ấy chính là nợ áo cơm - là công cha, nghĩa mẹ, ơn thày. Trong tuổi yêu đương đã mấy ai một lần suôn sẻ để trở thành hai chữ vợ chồng mà không qua những vui buồn, nhớ nhung, hờn giận? Trong công việc chọn ngành, chọn nghề “nhân sinh bách nghệ” dẫu thuận đà như buồm gặp gió mà không qua những cơn bão dậy, sóng xô trên những chặng đường thử thách, đắn đo va vấp... trong quy luật cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua?

Ấy là khi tự thấy được mình xứng đáng được trong tin cậy, được ngoài ít lời chê trách, oán ghét, hận thù. . . Và có cả những khi thấy mình yếu đuối, ươn hèn lầm lạc. Là những chặng đường dài đầy quanh co khúc khuỷu gập ghềnh. Lại có những ngã bảy, ngã ba mang những dấu ấn thành đạt và cả những mất mát đắng cay... dẫu cố quên lại càng thêm nhớ!

Với câu thành ngữ: “Bốn chín chưa qua, năm ba đã đến”, nếu trên còn cha mẹ già mà ngẫm tới bổn phận làm con có còn sai sót? Rồi trách nhiệm, bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Làm cha, làm mẹ con đẻ của mình, rồi tiến tới làm cha, làm mẹ con cái của người ta. Đó là những cô nàng dâu, những anh chàng rể... kẻo rồi:

“Bố vợ là mớ cọc chèo
Mẹ vợ là bèo trôi sông
Chàng rể là ông tám đời”

Vẫn biết thước đo của hạnh phúc hay bất hạnh trong suy ngẫm của thiền là “Trông người mà ngẫm đến ta”, mà giật mình còn biết bao nhiêu công việc phải làm. Ấy cũng là khi lực bất tòng tâm. Lúc còn trẻ dù được học, được hiểu trăm điều mà sao khi về già bỗng thấy sự đời có khi không phải: Hai với hai là bốn! Phải học thêm từ ông lão bảy mươi và học cả đứa trẻ lên mười. Học tới mức:

“Cái dại trước, cái khôn sau
Một lần ngã, chín lần đau nhớ đời”
Học đến nỗi:
“Tôi đi cuối đất cùng trời
Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê
Còn tôi quên nẻo đường về
Té ra mình đã... bị mê khi nào”

Cái sự mê ấy đâu phải dùng biện pháp “Thành sầu nan giải tửu vi binh”, mà phải ngộ tính vô ngã của lòng ghen tuông, đố kỵ. Người túi rỗng thường khinh bỉ kẻ nhiều tiền là tham lam keo kiệt; người giầu có lại coi người nghèo là lười biếng, ngu si. Họ hàng, bè bạn: “Lúc hoạn nạn thì trăm sự nhờ nhau, khi đã qua cầu thì “hê-lô” rút ván!”. Nếu lấy oán trả oán, oán thêm chồng chất, chỉ có lấy ân trả oán, oán mới tiêu tan.
Chuyện nhỏ nhặt đời thường, nói như Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

“Dâu con trong đạo gia đình
Chi bằng dẹp nỗi bất bình là xong”.

Vậy “chi bằng” là còn tức tưởi hậm hực, là đọc sai, là tam sao thất bản. Mà nguyên bản của Nguyễn Du là “thôi thì”! “Thôi thì dẹp nỗi bất bình…” mới là đại lượng, là vị tha, là không cố chấp - nhất là cương vị của các bậc bề trên.

Trong trào lưu xã hội đổi mới hiện nay, khi khoa học -kỹ thuật đã đem lại trăm nghìn cái hay, cái “được” nhưng chính nó đã làm “mất” đi không ít những nếp sống đẹp đẽ mà ông cha ta đã ngàn đời tạo dựng. Chân lý yêu thương giữa nam và nữ đâu còn thiêng liêng, trân trọng. Trai gái lần đầu chưa quen nhau đã có thể ôm eo dancing, ôm hôn thắm thiết. Ông bà nội, ngoại được mời đến dự lễ ăn hỏi cháu gái cưng. Vừa ngồi xuống ghế, các cụ đã được bố mẹ chúng cho xem cả một tập an-bom hai đứa hở vai, hở cổ ôm nhau trong giường rất tự nhiên. Và hơn thế, chỉ ít tháng nữa các cụ lại có chắt nội, chắt ngoại tha hồ mà ẵm, mà bồng.
* * *

Phiền não không rửa được bằng rượu mà phiền não chỉ rửa được bằng dòng chảy vô thường:

“Tâm như nước chảy trên nguồn
Soi hình tạo hóa mà không lưu hình”.

Lưu Linh xưa mượn say để phủ định bất công của xã hội. Cũng như khi Lão Tử bàn về cái say:

“Tửu gặp bạn hiền nghìn chén lẻ
Tình không tri kỷ nửa câu thừa!”

Thiền sư nói với kẻ say trong mê:

- Uống rượu là cái lộc của thầy. Không uống rượu là cái phúc của thầy. Song với người bình thường, những kẻ tiểu nhân mà say thì có thể là đại họa. Say rượu như Lưu Linh là cái phúc của kẻ đắc đạo. Coi như:

“Mình không chỗ đứng trên đời
Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu?!
Thì đi về chỗ bắt đầu
Cứ đi không đến, về đâu thì về.”

Không hiểu hết tính vô ngã thường của tính đố kỵ, ghen tuông của con người, kẻ sỹ xưa thường đắm say vào tửu sắc để mong quên đi hiện thực để được nằm mơ giữa ban ngày. Trong thời đại @ hôm nay? Không ít những ai đó tự cho mình là trí thức, song đứng trước những gập ghềnh của cuộc sống, họ chỉ biết ai oán nặng lời. Nửa ngày về sáng, họ có thể đã túm năm tụm ba để làm “đại ca” nơi quán xá. Nửa ngày về chiều họ có thể:

“Ngồi bia bọt vài giờ
còn hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ”!

Trong cuộc sống hiện tại, chỉ có những lứa đôi coi trọng sự thiêng liêng không gì so sánh nổi của mái ấm gia đình - cho dù mỗi người mỗi nơi làm việc, con cái học mỗi lớp mỗi giờ khác nhau, nhưng họ cố gắng tới mức cao nhất để không thể vắng những bữa cơm đoàn tụ. Mọi mâu thuẫn lớn nhỏ họ đều thông cảm lẫn nhau hoặc tìm cách thuyết phục. Thuyết phục không được thì khắc phục. Bởi “một sự nhịn là chín sự lành”. Nói chung, sống thời nào cũng vậy, chỉ có đưa tâm thức tới cõi thiền định mới gột rửa được lòng tỵ hiềm đố kỵ. Đố kỵ tỵ hiềm không tự nhiên có. Đố kỵ do nhân duyên giả hợp tạo nên. Vậy muốn thoát khỏi phiền não ta cần hiểu đạo bù trừ, thuyết thập nhị nhân duyên:

Trong cuộc đời đua chen, thiền nhân dân gian chấp nhận:

“Khôn sống, mống chết”
“Có ăn thì phải có làm
Không dưng ai dễ đem vàng đến chơi”

nhưng không chấp nhận quan điểm cực đoan: “Thà chết một đống còn hơn sống một người”, hoặc là “chúng mình cùng nghèo khổ”, cùng phá sản như nhau. Xin đừng dùng lời đẩy đưa cửa miệng:

“Chú khoẻ anh mừng
Nhưng chú coi chừng
Ai cho chú khoẻ?”
* * *

Thiền nhân cũng hiểu sự cạnh tranh, sự thi đua một cách vô ngã sẽ đưa xã hội tiến lên. Còn sự đố kỵ thì ngược lại. Song cũng không ít những trường hợp kẻ thù cũng đã giúp ta sửa chữa sai lầm còn nhiều hơn cả bè bạn. Phật tổ Như Lai đã từng cám ơn cả những kẻ thù mà không hề đố kỵ, ghen tuông:

“Vì nhờ có những kẻ thù
Nên ta sửa được đường tu đúng chiều”

Hoặc quan niệm như nhà thơ Yên Thao của thời @:

“Biết cạnh hoa thơm là cỏ dại
Đang buồn kẻ xấu ở quanh ta
Biết chẳng có gì là mãi mãi
Đừng bận soi gương thấy tuổi già”

Khi đã ngộ thiền, thiền nhân sẽ cảm thụ được phúc lạc tự bên trong:

“Trong trần ai có mấy nơi tĩnhh mịch
Trong lòng mình có mấy lúc thảnh thơi
Lúc thảnh thơi gặp nơi tĩnh mịch
Là khi mình thấy cả đích trước sau”.

Thiền thân tìm phúc lạc ở bên trong, Phật pháp là vô trụ xứ:

“Không mong nên chẳng cầu đi
Không phân khôn dại còn chi để buồn
Không gieo oán, chẳng chuộc hờn
Tâm như nước chảy trên nguồn là Tiên”.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Bản Ngã Sai Lầm

Trích: Sống Chết An Lành
Tác giả: Gehlek Rimpoche
Việt dịch: Trần Ngọc Bảo 



Bản ngã tự thấy mình là trung tâm của vũ trụ, và vị trí của nó là thường hằng. Làm sao chúng ta phản đối tri giác sai lầm này? Hãy tranh luận với bản ngã. Tranh luận về việc nó nhìn nó và nhìn người khác như thế nào.
1. Tất cả chúng ta đều mong muốn điều giống nhau.
Có những người bạn thích, có người bạn không thích, có người bạn không thích cũng không ghét. Sự thật là mọi người trong số đó, bất kể bạn thích hay không, đều mong muốn giống y như bạn vậy, đều mong muốn hạnh phúc. Họ muốn không bị đau khổ, cũng như bạn vậy. Bạn có thể nêu ra người nào xứng đáng chịu đau khổ hay không? Làm sao bạn phân biệt ra được?
Mọi người đều muốn tinh thần sảng khoái, có những giấc mơ đẹp, muốn bình an, giống như bạn vậy. Họ có những ước muốn bất thành, cũng như bạn, họ xứng đáng thành tựu những ước mơ đó. Hạnh phúc của họ cũng quan trọng như hạnh phúc của bạn.
2. Nhãn hiệu “bạn bè” đáng tin cậy tới mức nào?
Nhãn hiệu “kẻ thù” đáng tin cậy tới mức nào?

Giả sử chúng ta đang băng qua đường và một chiếc xe sắp đụng chúng ta. Trong giây phút ấy, khi biết rằng sự sống của chúng ta sắp sửa biến đi như một giấc mơ thì có đáng để chúng ta nuôi giữ lòng ghét bỏ ai đó không? Hay lòng luyến ái với người nào đó? Khi đối mặt với thần chết mọi thành kiến hay sự cãi vả của chúng ta thường trở nên vô nghĩa. Sự khác biệt giữa chúng ta và người sắp bị xe đụng là họ có ý nghĩ rõ ràng hơn về lúc nào họ sẽ ra đi. Còn ta thì không chóng thì chầy cũng ở trong vị thế tương tự. Có thể là ngày mai, hay vài năm nữa. Ta sẽ phải lìa bỏ mọi người và mọi thứ, vậy thì có đáng để nuôi giữ lòng ghét bỏ hay luyến ái không?
3. Chúng ta sống dựa vào lòng tốt của người khác.
Mọi người, dù chúng ta có biết họ hay không, đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo một cách nào đó – hoặc là họ sản xuất một đồ phụ tùng để sửa xe cho chúng ta, hay trồng lúa mì để làm bánh cho chúng ta ăn. Nếu bạn nhìn mọi sự vật dưới góc độ tái sinh, thì chúng ta đã hiện hữu tự thuở nào, dưới dạng này hay dạng khác, thế nên mọi chúng sinh vào lúc này hay lúc khác đều có liên hệ với chúng ta.
Mọi chúng sinh đều đã từng là người gần gũi và thân yêu nhất của ta, đã từng gặp gỡ ta trên đường đời, đã từng là mẹ của ta, tắm rửa và cho ta ăn. Họ cũng đã từng sỉ nhục và gây tổn hại cho ta, nhưng thông thường hơn là họ làm gì đó để duy trì cuộc sống cho ta. Và bất kỳ tổn hại nào họ gây ra cho ta đều do lòng sợ hãi. Kẻ thù hôm nay có thể là người yêu hôm qua. Chúng ta không biết. Đó là điều có khả năng xảy ra. Hãy ghi nhớ điều này một cách sâu sắc.
Nếu tôi quyết định dẹp bỏ bản ngã của tôi, thì tôi không thể làm như vậy mà không có người khác: Khi tôi cố gắng thực hành kham nhẫn, nếu tôi cố giữ mình không gây tổn hại người nào đó, thì chính người làm tôi giận dữ đã cho tôi cơ hội để thực tập kham nhẫn. Khi tôi cố biến lòng luyến ái thành tình thương thuần khiết thì người làm tôi bị ám ảnh đã cho tôi cơ hội để cố gắng. Tôi không thể nào sống còn mà không có lòng tốt và sự hào phóng của người khác.
4. Tất cả chúng ta đều ở trong cảnh ngộ giống nhau.
Tất cả chúng ta đều đau khổ như nhau và mọi người sinh ra đều sẽ chết. Nếu tôi là một bác sĩ và đứng trước ba người sắp chết, tôi có thể nào nói, “Mình sẽ chữa trị cho người mình thích thôi?”. Có thể không có đủ thì giờ để chữa hết cho cả ba, nhưng nên có ý nghĩa như thế.
Vì tôi sẽ chết và bạn sẽ chết, điều đó có nghĩa là mọi vật đều vô thường. Không có chuyện là một người nào đó sẽ là bạn của mình mãi mãi hay người nào đó là kẻ thù mãi mãi.
Chúng ta có thể thấy điều đó ngay trong cuộc sống của mình. Người mà chúng ta thề yêu thương suốt đời trở thành người bạn tốt nhất của ta. Xem người nào đó là “bạn” hay “thù” luôn luôn, không thay đổi thì đó là sự mù quáng của bản ngã. Nhưng “bạn” tùy thuộc vào “thù” cũng giống như phương Đông tùy thuộc vào phương Tây, đêm phụ thuộc vào ngày, trên tùy thuộc vào dưới. Những gì bạn làm đều ảnh hưởng đến tôi và ngược lại. Người ta nói rằng, chuyển động của một con bướm ở Trung Quốc ảnh hưởng đều chiều gió ở Mỹ. Cơ thể của chúng ta, nhân thân, và cuộc sống của chúng ta đều quyện chặt vào nhau. Chúng ta không thường hằng, chúng ta không tồn tại biệt lập, và không ai tự bản chất là bạn hoặc thù.
5. Hãy noi gương những bậc giác ngộ.
Khi bạn nhìn những bậc vĩ nhân như đức Phật hay chú Jesus, nhìn những bậc tiên tri hay bậc thánh, những vị ấy có phân biệt giữa người này với người khác không? Không. Họ không có thích hay không thích. Họ đều muốn giúp mọi người như nhau. Những bài pháp xưa nay cho chúng ta biết rằng những bậc giác ngộ cư xử với người khác như người mẹ đối xử với con một của mình.
Các vị thầy cũng dạy rằng đức Phật cảm nghĩ về người dâng cúng dầu thơm cho ngài cũng như người chặt cánh tay ngài. Ngài thương tất cả và muốn giúp đỡ cho họ, bởi vì mọi người đều đau khổ và mong muốn hạnh phúc. Điều này đối với chúng ta dường như cực đoan, nhưng điều ấy là điều có thể. Tôi đã thấy các vị thầy của tôi sống cuộc đời trong trạng thái thanh thản. Không ai đến để chặt tay họ, nhưng tôi thấy họ cư xử với những người đối xử tệ với họ cũng như cư xử với học trò thân cận.
Khi các bạn thấy được chân tướng của “cái tôi, cái quý giá nhất” thì bạn bắt đầu phát triển tuệ giác. Khi các bạn thực sự hiểu sự tương thuộc của tất cả mọi sự vật, bản chất của thực tại, thì bạn có tuệ giác.
Nhưng chừng đó có đủ để đạt được giải thoát khỏi khổ đau? Có lẽ là chưa. Cái bất thiện cần phải được thay thế bằng cái thiện. Sân hận cần phải được thay thế bằng sự kham nhẫn hay hiểu biết. Luyến ái cần được thay bằng tình thương thuần khiết. Sự ghen ghét cần phải được thay thế bằng sự thương yêu, chăm sóc. Tuệ giác không thôi chưa đủ. Tình thương và từ bi sẽ dẫn đến sự phát triển khả năng lựa chọn cuộc sống mà chúng ta mong muốn. Khi chúng ta từ bỏ bản ngã, thì chúng ta thay thế nó bằng cái gì? Chúng ta thay “cái tôi, cái quý giá nhất” bằng việc xem người khác là quý giá nhất.
Chiêu thức cuối cùng để dẹp trừ "cái tôi, cái quý giá nhất” là bắt đầu công việc cho người khác hạnh phúc và nhận đau khổ cho người. Bản ngã nghĩ rằng mình nên có cái gì tốt nhất, cho nên nếu như cho nó cái tệ nhất thì nó sẽ rút lui. Phương pháp thực tập này gọi là tonglen – cho và nhận. Lúc đầu, nếu như bạn thật sự thực tập, không cần phải hướng đến nhiều người, một người thôi cũng được, có thể là người bạn yêu mến, con của bạn, hoặc bất kỳ người nào bạn rất quan tâm. Hãy hình dung người ấy ngồi bên cạnh; bạn hãy thở ra bằng lỗ mũi bên phải, và đi ra cùng với hơi thở ấy là tất cả nghiệp thiện và tình thương của bạn. Hãy cho người ấy mọi sự tốt đẹp không chút do dự. Đó là thực tập tình thương. Rồi hít vào bằng lỗ mũi bên trái và nhận tất cả nguồn gốc gây đau khổ cho người ấy – đó là thực hành từ bi – và để cho nó đánh ngay vào đầu bản ngã.
Lúc này có lẽ có một sự do dự - chắc chắn là như vậy – khi nhận vào sự đau khổ của người khác. Nếu ý nghĩ này làm bạn sợ thì hãy bắt đầu bằng cách nhận lấy mọi đau khổ trong tương lai của bạn, những khổ đau mà bạn sẽ trải qua vào ngày mai, vào những tuần lễ sắp đến, tháng, năm sắp đến, những kiếp sắp đến. Hãy nhận hết ngay bây giờ và để nó hòa tan trong trái tim của bạn và đi vào bản chất của thực tại.
Chúng ta có thể dùng sự thực tập này để lợi dụng những khó khăn của chúng ta thay vì để cho chúng làm cho chúng ta điên đảo. Chúng ta đang nhận lãnh quả của những gì chúng ta đã gieo nhân trong quá khứ, và chúng ta lấy làm sung sướng rằng nó sẽ qua đi, biến khỏi cuộc đời của chúng ta và chúng ta sẽ vượt qua nó. Rồi chúng ta có thể nhớ thật sự cầu nguyện rằng một chút đau đớn hoặc sợ hãi, hay là gì đó đi nữa, cũng có thể làm cho người khác đỡ phải gánh chịu một sự đau khổ như thế hoặc hơn thế. Các bậc tôn đức xưa nay dạy rằng bằng vào năng lượng của từ bi thì một chút đau khổ có thể cứu chúng ta khỏi sự khổ đau tệ hại hơn rất nhiều trong tương lai.
Một chút khó khăn về tài chính có thể thay thế cho một triệu năm làm con ma đói. Một chút nhức đầu có thể thay cho một thời khù rất dài ở chốn địa ngục. Nếu chúng ta nhìn nó theo cách: “Ừ mình bị tai nạn, nhưng mình vẫn còn sống”, hoặc “Ừ, thì mình bị thương, nhưng ít ra là không ai làm cho vết thương tệ hại hơn,” thì vấn đề sẽ trở thành không có gì lớn như mình vẫn nghĩ.
Sau một thời gian hãy thực tập với người khác, người mà bạn thật sự yêu thương, những người mà bạn sẵn sàng làm mọi việc để cho họ khỏi đau khổ. Tất cả mọi đau khổ sẽ ở dưới dạng một đám mây đen trong tim.
Hơi thở của bạn kéo đám mây đen ấy ra khỏi người họ hay khỏi người của bạn. Ở bên trong trái tim, bản ngã là một ngọn đèn nhỏ đang cháy. Đám mây đen đi vào và thổi tắt ngọn lửa ấy. Phù, thế là nó đã tắt, đã bị tiêu diệt. Và những người ấy, do bạn đã hút ra nguyên nhân bất thiện gây ra đau khổ và cả sự đau khổ, đều sẽ giải thoát khỏi cả hai. Thay vào đó bạn cho họ sự may mắn, niềm vui, phúc lành, và tuệ giác của bạn dưới dạng ánh sáng. Và họ sẽ ngập tràn ánh sáng đó và trở nên sung sướng.

BÊN CẠNH NGƯỜI GIÀ SẮP CHẾT

Lama Surya Das
Mỹ Thanh dịch 

Làm thế nào để cho việc thực tập của chúng ta có lợi ích đối với người đang bệnh nặng ?
Anh có thể hiểu rằng sự thực tập tự nó đã hiện hữu, chỉ cần chỉ bày – không phải để trục lợi trong việc nầy, mà chỉ cần có mặt ở nơi đó cùng với người ấy.
Theo tâm linh, chúng ta có mặt ở đây, giống như đây là điểm cuối cùng. Chỉ cần chú tâm, hoàn toàn ở nơi nầy, hoàn toàn tỉnh thức – bao gồm mọi thứ. Giống như đức Phật đã nói, « Khi ta giác ngộ, tất cả chúng sinh đều giác ngộ. » Vì vậy, đây là phận sự của chúng ta, chúng ta cần phải tỉnh thức và giác ngộ trong khả năng tốt nhất của mình.
Tất cả đều có liên quan đến nhau, tỉ dụ như chúng ta là một kẻ nói láo trắng trợn hoặc là tên say rượu hoặc sát nhân, tất cả đều có liên quan đến mọi thứ xung quanh chúng ta. Cũng như vậy, là một vị thánh nhân hoặc chỉ là một người đạo đức, từ bi, rộng lượng cũng có ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ khác. Và trong những giây phút nghiêm trọng – mỗi giây đều là quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự có mặt của chúng ta ở nơi đó, đối với người đang hấp hối hoặc đang tái sanh, có đúng thế không ?
Thật là thích đáng khi chúng ta có mặt ngay vào lúc ấy, bởi vì họ cảm giác được điều đó hơn mọi thứ khác đang xảy ra xung quanh. Nơi đó, họ có thể đang rất chú tâm. Đời sống sắp sửa chấm dứt ngay phút ấy. Đây là giây phút quan trọng nhất.
Khi bà nội tôi vào khoảng tám mươi mấy tuổi, bà đã ở trong viện dưỡng lão. Bà đã không còn tỉnh táo. Bà không còn nhớ chút gì về quá khứ. Nhưng ở cùng với bà trong phút giây đó thật là tuyệt vời.
Tôi để ý những người trong gia đình rất phiền lòng vì bà không nhớ tôi từng sống ở đâu, và làm gì. Họ cứ cố gắng nhắc nhở bà, « Đây là Jeffrey. Bà nhớ Jeffrey chứ. Anh ấy sống ở Pháp và đã đến đây thăm bà. » Bà nội tôi không cần biết đến nước Pháp, và không cần nhớ đến cuộc sống riêng tư của tôi. Nhưng ngay lúc ấy, tôi và bà nội đã cùng nhau ở một nơi. Chúng tôi cùng nhau có những giờ phút thú vị. Bà biết tôi là đứa cháu bà thương, và chỉ như vậy. Tôi nghĩ, nếu anh tước bỏ hết mọi biếm hoạ, niềm tin cũng như những tưởng tượng kỳ quặc, chỉ cần như vậy cũng đủ tóm tắt lại cuộc sống của hai bà cháu chúng tôi. Chúng tôi đang ở cạnh nhau, ngay lúc nầy. Ngay tại đây. Hoàn toàn tỉnh thức.
Đối diện với cái chết (hoặc sanh, hay bất cứ gì – sự tái sinh cũng chỉ là một dạng thay đổi thôi), sự hiện diện hoàn toàn của anh nơi đó có thể giúp cho họ nhiều hơn. Anh không cần phải mang nguyên quyển nhật ký công tác của anh theo. Việc nầy rất giản dị và sâu sắc hơn nhiều. Nếu như anh không biết họ, thì anh không thể có mặt một cách hoàn hảo đối với họ. Bởi vì đấy là tình thương. Dĩ nhiên nếu anh yêu một người, tình thương đó là cách sâu xa nhất để mà có mặt cùng bên nhau. Thật ra chỉ đơn giản là : Nơi đây, chúng ta đang ở cùng vũ trụ ; thời gian, không gian vô tận đã đưa chúng ta đến bên nhau, ngay lúc nầy, ngay tại nơi đây.
Tất cả đều ở ngay tại nơi nầy. Chúng ta đang ở nơi nầy. Không cần chương trình gì sau khi đám trẻ vào đại học. Không cần thêm những câu chuyện về quá khứ hay tương lai. Chỉ là ngay tại đây, lúc nầy. Chỉ có vậy. Thật là không thể tin nổi. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là sự hiện diện đơn giản, thành thật từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, trạng thái. Không phải đến từ những chương trình, thiết kế tâm linh, sách kinh đặc biệt. Đừng chứng minh gì về chính anh hết. Hãy có mặt ngay lúc ấy một cách sâu xa nhất. Đấy là sự thay đổi. Sau đó là thời gian hồi phục ; tôi gọi là hồi phục. Họ dĩ nhiên sẽ chết, nhưng mà anh đang chữa trị tâm hồn họ, và cả tâm hồn của chính anh. Có thể sẽ có sự khuây khoả và hồng ân sâu xa từ việc nầy. Hãy giúp họ ra đi dễ dàng để họ có thể đến nơi họ cần đến. Hãy làm một nhân chứng thực cho họ, bằng cách tôn trọng và tin tưởng họ như anh đã từng tin tưởng.
Nghĩa là chúng ta phải chấp nhận bất cứ gì đang xảy ra ; không được đánh trả hay chống lại. Tôi cho rằng làm việc với người già, sắp chết là một trong những thực tập tốt nhất cho việc phát triển tâm linh – nếu nói một cách ích kỷ. Đây cũng là một cơ hội và là một đặc ân. Nó giống như darshan : một cái nhìn về thực tại, của đời sống và cái chết, sự gặp gỡ tối hậu. Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn cho việc nầy.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Thiền, Trị Được Bệnh, Tại Sao?

Hồng Quang

Kính thưa độc giả, bài trước đây “Thiền, Sức khỏe và Những lợi ích thiết thực”, tôi trình bày nhiều bằng chứng mà y giới và khoa học gia của các nước tân tiến đã thí nghiệm và cho thấy Thiền Phật Giáo có thể “Làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa”.

Bài này sẽ trình bày tại sao con người không uống “thuốc tiên” không dùng các thức ăn trường sanh bất tư, nếu có, mà chỉ ngồi yên tĩnh mắt nhắm lim nhim ngày hai lần tổng cọng vài chục phút, mà có thể trị được bệnh và có được các lợi ích thiết thực khác?
Hơn hai ngàn năm qua Ngài Cồ Đàm đã tuyên thuyết “Vạn pháp duy tâm tạo”. Tình trạng căng thẳng (stress) do tâm làm cho chất hóa học cortisol xuất hiện, các tuyến nội tiết trong cơ thể sẽ tiết ra những kích thích tố để thay đổi môi trường và chức năng làm ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể, vì vậy mà có thể dẫn đến các bệnh như tim mạch, huyết áp và dạ dày cùng một số bộ phận khác (1).


THE STRESS REACTION. When stress occurs, the sympathetic nervous system is triggered.
Norepinephrine is released by nerves, and epinephrine is secreted by the adrenal glands. By activating receptors in blood vessels and other structures, these substances ready the heart and working muscles for action.
Acetylcholine is released in the parasympathetic nervous system, producing calming effects. The digestive tract is stimulated to digest a meal, the heart rate slows, and the pupils of the eyes become smaller. The neuroendocrine system also maintains the body’s normal internal functioning. Corticotrophinreleasing hormone (CRH), a peptide formed by chains of amino acids, is released from the hypothalamus, a collection of cells at the base of the brain that acts as a control center for the neuroendocrine system.
CRH travels to the pituitary gland, where it triggers the release of adrenocorticotropic hormone (ACTH). ACTH travels in the blood to the adrenal glands, where it stimulates the release of cortisol.
Tâm cũng là nguyên nhân chính đem đến cho mỗi cá nhân niềm hỷ lạc hạnh phúc. Và một người có nhiều hạnh phúc thì người đó ít bệnh tật. Trước lúc trả lời câu hỏi của đề bài, nêu trên, chúng ta nên tìm hiểu thế nào là hạnh phúc, để từ đó sẽ thấy Thiền đóng vai trò như là một thứ thuốc trị nhiều bệnh mà khoa học đã khám phá.

1. Hạnh phúc là gì, ở đâu?
Định nghĩa: “Hạnh phúc là niềm vui có được trong cuộc sống”(2)
Nhiều cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy hạnh phúc và khổ đau là hai hướng tác dụng đối nghịch. Hạnh phúc làm cho con người gia tăng sức khỏe và tuổi thọ, thấy đời đáng sống và đóng góp nhiều cho thành công cùng gia tăng hoạt động có ý nghĩa. Còn khổ đau thì ngược lại, gây nên bệnh tật, chán đời và thất bại.
Giáo sư Ed Diener và các cọng sự (3) nói rằng hạnh phúc do mỗi cá nhân nhận biết. Có ba loại chính:
* Cảm xúc tích cực như thương yêu (mà nhà Phật gọi là “Từ nhản thị chúng sanh” nghĩa là nhìn tất cả chúng sanh bằng cặp mắt thương mến).
* Luôn luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, thỏa mãn với cuộc sống của chính mình.
* Ít lo âu, ít giận hờn.

Các cảm xúc nầy có thể phân thành sáu loại mà giáo sư Paul Ekman (4) đề nghị:
- giận hờn,
- ngạc nhiên,
- khinh và ghê tởm
- buồn rầu,
- hạnh phúc,
- sợ hãi,
Qua đó, chúng ta có thể chia cảm xúc thành hai nhóm: Nhóm hạnh phúc và nhóm khổ đau. Các cảm xúc tiêu cực như giận hờn, ngạc nhiên, khinh khi, buồn chán và sợ hải sẽ góp phần làm thương tổn sức khỏe.
Khoa học cho biết niềm hạnh phúc nằm ở bên trái thùy nảo phía trước, và Thiền giúp cho vùng nầy được phát triển để gia tăng hạnh phúc và giữ cho hạnh phúc được lâu bền. Ngược lại, vùng tương ứng bên phải của não làm gia tăng hoạt động khổ đau như giận hờn, ghê tởm, buồn rầu…

Trong cuốn “Hạnh phúc đích thực" (Authentic Happiness), tiến sĩ Martin E.P. Seligman, (5) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Tích cực (Positive Psychology Center) thuộc viện Đại học Pennysylvania, phân biệt các loại hạnh phúc lớn nhỏ khác nhau và từ đó có thể tìm ra phương thức làm cho hạnh phúc được lâu bền như sau:
* Sự vui thích tích cực từ những sinh hoạt nhỏ của cá nhân như thưởng thức ăn miếng bánh ngon, uống tách trà thơm, nhìn trời qua khung cửa.
* Niềm vui như được nghỉ để đi chơi với người yêu.
* Đam mê một kế hoạch hấp dẫn.
* Thích thú và yêu thương những gì mình đang có...
Để cụ thể và dễ hiểu, chúng ta nên quan sát hình mẫu bánh dưới đây do một giáo sư khác đề nghị.

Giáo sư Sonja Lyubomirsky và các đồng nghiệp trong 20 năm nghiên cứu và hằng trăm cuộc thí nghiệm, đã đưa đến kết luận là hạnh phúc đến từ ba yếu tố (6):
* Di truyền (Genetics).
* Tập luyện.
* Môi trường sống.
Như thế, hạnh phúc được cấu tạo như sau:
               HP= DT + T L+ MT
(Hạnh phúc=Di truyền+tập luyện+Môi trường)
Trong sách “Làm thế nào để đạt được hạnh phúc đích thực” (The How of Happiness: A practical approach to getting the life you want), bà Sonja dùng hình ảnh chiếc bánh như trên để mô tả xuất xứ của nguồn hạnh phúc. Theo đó, hạnh phúc có được do di truyền 50%, sự cố gắng của từng cá nhân (tập luyện) chiếm đến 40% và hoàn cảnh (môi trường) chỉ chiếm 10% mà thôi.
Trở lại sáu cảm xúc mà chúng ta thấy ở trên, nếu muốn có thêm hạnh phúc ngoài yếu tố di truyền, chúng ta nên nhìn đời bằng khía cạnh tích cực, luôn luôn an lạc vui vẻ trong cuộc sống. Nói cách khác tâm luôn luôn yêu đời, an vui tự tại, không dính mắc hay “tâm Thiền” như bài thơ sau đây:
“Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười, với thử thách chông gai
Sống vươn lên, theo kịp ánh ban mai
Sống chan hòa, với những người chung sống
Sống là động, nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương, nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui, danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến, giữa dòng đời vạn biến.”

hoặc

“Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng”.
Làm việc để nuôi sống gia đình và phát triển đất nước. Nhưng với tâm thiền, công việc có thể hoàn thiện nhanh hơn và tạo được một không khí thân thiện với những người xung quanh.
Hạnh phúc và khổ đau có thể di truyền, nên chúng ta có thể nói rằng, tánh tình và lối sống vui buồn của bà mẹ, nhất là trong thời kỳ thai nghén, rất ảnh hưởng đến cuộc đời của đứa bé về nhan sắc, tính khí và thông minh của người con.

Ngày nay, các nhà thần kinh học đã tìm ra vùng làm phát sinh niềm sung mãn trong bộ não cùng các mạch thần kinh chuyển vận niềm vui này. Do đó, sự thực hành làm phát sinh hỹ lạc trở thành dễ dàng và cụ thể hơn để mang lại nhiều ích lợi cho người thực hành, nhất là làm gia tăng định tâm trong khi làm việc nuôi sống gia đình và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.
Theo bác sĩ Gregory Fricchione, M.D. Giám đốc trung tâm Y Khoa về Thân/Tâm, lúc hành thiền thì trạng thái sinh lý trong cơ thể được thay đổi, các gene sẽ hoạt động ngược chiều với sự căng thẳng. Do đó, bạch huyết cầu được gia tăng, hệ thống miễn nhiễm mạnh hơn và có khả năng chống lại các vi khuẩn và vi trùng làm hại cơ thể và các bệnh tật bắt đầu thuyên giảm (Theo Nguyệt san Tâm, Thái độ và Trí nhớ, Mind, Mood and Memory, tháng 9. 2008).
Y học cũng cho thấy, Thiền làm cho vùng võ nảo phía trước bên trái gia tăng niềm vui, tâm hồn mạnh mẽ. Lúc đạt được trạng thái nầy thì người đó sẽ có các hiện tượng tâm sinh lý:


* Tăng hạnh phúc, tăng bạch huyết cầu, tăng hệ thống miển nhiễm và sức khỏe.
* Tánh tình tích cực và hoạt bát lanh lợi trong việc giải quyết các khó khăn.
* Chất hóa học cortisol được giảm, huyết áp thấp, nhịp đập của tim chậm.
*Phục hồi nhanh sau những tai nạn, nếu có.

2.Thiền thay đổi cấu trúc con người, vì gene thay đổi
Cuộc thí nghiệm trên hai nhóm. Nhóm A có 19 người đã hành thiền trong nhiều năm. Nhóm B cũng 19 người chưa hề hành Thiền. Bắt đầu là khám nghiệm để biết sự biểu hiện gene (gene expression) của cả hai nhóm. Kế tiếp là hướng dẫn nhóm B (chưa bao giờ thực hành thiền) thiền hành trong 8 tuần lễ để xem sự biểu hiện của gene như thế nào.

Kết quả, nhóm B mới thực hành thiền chỉ 8 tuần lễ nhưng gene cũng biểu hiện tốt đẹp như nhóm A; hành thiền lâu năm.

Gene biểu hiện một tiến trình cho thấy sự di truyền từ cha mẹ đến con như mắt xanh, tóc đen, da trắng…được chứa đựng trong một phân tử dài gọi là DNA từ cha mẹ đến con cháu.

Thiền có khả năng làm cho gene hoạt động theo chiều tích cực khi DNA chuyển qua RNA và chuyển thành chất đạm. Chất đạm trong tế bào được hợp thành bởi một hổn hợp 20 chất acit amino (amino acids), khác nhau có hình của một quả banh bằng dây quấn lại. Tất cả các bộ phận trong người chúng ta như tim, gan, bao tử, lá lách, ruột, phổi, xương, máu, tế bào thần kinh được tạo bởi các chất đạm này.


Những cuộc nghiên cứu trẻ em sanh đôi cho thấy mặc dù gene quyết định sự di truyền nơi con người, nhưng con người cũng có khả năng làm cho một số gene tăng hay giảm hoạt động theo chiều hướng tích cực mà chúng ta muốn.

Và cuộc nghiên cứu cho thấy thực hành thiền làm cho sự biểu hiện của một số gene trở thành tốt hơn. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn, dưới đây, việc khám phá thiền làm thay đổi sự hoạt động của gene; gene là nền tảng căn bản của đời sống chúng ta. Nếu gene phát triển tốt thì toàn thể sự sống của chúng ta, từ thể chất đến sự hoạt động của các tế bào và các cảm xúc của chúng ta, sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt.

Kết quả là chúng ta sẽ có hạnh phúc tăng, bệnh giảm, khỏe mạnh hơn, linh hoạt hơn, thông minh hơn, trí nhớ tốt hơn và trường thọ hơn.
                         

Nguyệt san sức khỏe “Mind, Mood and Memory”, số tháng 9 năm 2008 ghi lại lời phát biểu của bác sĩ Fricchione, giám đốc trung tâm Y Khoa Thân/Tâm như sau:

"Cuộc thí nghiệm cho thấy, thực hành thiền làm thay đổi sinh lý trong cơ thể như huyết áp hạ, thở giảm và tim đập chậm hơn. Một số gene thay đổi ngược chiều với lúc bị căng thẳng, và sự hoạt động của gene trong hai nhóm mới và củ giống nhau.

3. Thiền giúp trẻ ra, già muộn, sống lâu - sống khỏe:
Michael F. Roizen & Mehmet C. Oz
Bác sĩ Michael F. Roizen và bác sĩ Mehmet C. Oz, trong cuốn “Cẫm nang hướng dẫn cách trẻ giai già chậm” (YOU: Staying Young: The Owner's Manual for Extending Your Warranty, by Michael F. Roizen, Mehmet Oz, 2007), cho biết tuổi già liên hệ đến nhiều thứ trong cơ thể chúng ta:

Trong tế bào có những sợi nhiễm sắc thể (chromosome) như những sợi dây quấn mà cuối đầu dây có các phần nhỏ gọi là telomeres, tương tự như dây buộc giày có hai đầu nhỏ cứng để xỏ vào lỗ. Mỗi lần tế bào sinh sản (bằng cách tách đôi) thì các telomeres ngắn đi. Telomeres có nhiệm vụ làm cho tế bào sinh sản, khi telomeres ngắn dần thì khả năng sinh sản cũng từ từ biến mất. Khi tế bào không thể sinh sản để giúp cơ thể thì nó tự hủy (apoptosis).

Nhiều tế bào chết thì cơ thể càng già yếu dần. Cuộc nghiên cứu chia hai nhóm người có telomeres dài và ngắn. Người có telomeres dài thì sống 5 năm lâu hơn người có ngắn telomeres.

Chúng ta cần biết thêm là các telomeres có nhiệm vụ phòng ngừa các nhiễm sắc thể trong các tế bào kết lại với nhau hoặc là thay đổi cấu trúc. Nếu tình trạng thay đổi bất thường xảy ra thì có thể đưa đến ung thư.

Bác sĩ Roizen trong sách trên báo động:"Những người bị căng thẳng thì có 50% tolemeres ngắn hơn những người ít bị căng thẳng. Thiền làm giảm căng thẳng nên cũng làm giảm nguy cơ tolemeres bị ngắn quá sớm do căng thẳng gây ra."


4. Bệnh tăng, già mau, chết sớm vì căng thẳng

Khi căng thẳng xuất hiện, hệ thần kinh giao cảm bị kích động, các tế bào thần kinh tiết ra chất norepinephrine và nang thượng thận tiết ra chất epinephrine hay adrenaline.


'Adrenaline làm cho tim và bắp thịt gia tăng hoạt động. Hệ đối giao cảm vận hành làm tiết ra chất acetylcholine để tái tạo sự quân bình cho cơ thể. Hệ thần kinh nội tiết cũng sản xuất chất CRH (corticotrophin-releasing hormone) để góp phần vào việc duy trì sự thăng bằng.


Chất CRH được chuyền đến tuyến yên (pituitary gland). Tuyến yên tiết ra chất ACTH (adrenocorticotropic hormone), và chất nầy theo máu chuyển đến nang thượng thận để kích thích bộ phận này nhằm tạo ra chất cortisol có nhiệm vụ tạo sự quân bình trong cơ thể’. Xin xem hình chuyển biến phía dưới.

Bác sĩ Herbert Benson (8) cho rằng có đến trên 60% bệnh tật là do căng thẳng gây ra. Qua các cuộc nghiên cứu, ông tin tưởng:
- Thiền giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng

- Mỗi cá nhân là một bác sĩ cho chính mình (self-care).

5. Tình trạng căng thẳng

Căng thẳng là gốc của bệnh tật. Những dấu hiệu của sự căng thẳng (Theo Consumer Report On Health, tháng mười năm 2008):

- Tâm: Giận, buồn, cáu, hoảng sợ, khó ngủ.

- Thân: khó chịu bao tử, nhức đầu, mệt, bắp thịt căng, nghiến răng.

- Ăn nhiều hơn, hoặc bỏ ăn, ưa uống rượu.

6. Nguồn gốc căng thẳng

Có hai nguồn chính:

a. Di Truyền: gene chứa các yếu tố di truyền. Nhạy cảm dễ mất ăn mất ngủ. Số khác ăn ngủ dễ. Nhóm ba, giữa hai nhóm đó.


b. Hòan cảnh và môi trường:

- Bị sách nhiễu tình dục lúc nhỏ.
- Nghề nghiệp,
- Làm việc nhiều,
- Gánh nhiều bổn phận như chăm sóc cha mẹ bệnh, con học.
- Gia đình bất ổn.
- Đi đường kẹt xe
- Môi trường ô nhiễm

Căng thẳng lâu sẽ thành kinh niên. Nếu trẻ em thì sẽ chậm lớn. Người lớn thì đời sống buồn chán, bệnh phát sinh như cao huyết áp, máu nhiều mở…
7. Cách Thiền để định Tâm, giảm căng thẳng, tăng an lạc

ĐỊNH NGHĨA: Thiền hay Thiền định (Samatha) là tập trung ý tưởng vào một vật và không suy nghĩ đến cái gì khác.

Có thể gồi trên gối, trên ghế hay trên bậc thềm xi măng đều được. Mục đích chính là định được tâm trong thời gian hành thiền. Nhưng nếu ngồi được thế kiết già hay bán già thì tốt nhất. Vui lòng xem cách ngồi trong bài “Thiền, sức khỏe và những lợi ích thiết thực”.

a. Thiền thở hay quán sổ tức: Chót lưỡi đụng vào bên trong hàm trên phía trước. Ngồi thẳng lưng. Hai bàn tay để chồng lên nhau (xem hình). Tay có thể để lên đầu gối nếu cảm thấy thoải mái. Chân phải chồng lên chân trái thì tốt hơn. Lúc bắt đầu, hít vào đếm 1. Thở ra, đếm 2. Thở vài lần như thế. Thở ra có thể thở bằng miệng. Cố gắng hít vào và thở ra thật sâu để buồng phổi được thay thế không khí mới.

Sau đó, hít vào rồi thở ra mới đếm 1. Đếm từ 1 đến 3 rồi trở lại đếm 1. Hoặc đếm đến 5 hay đến10, rồi trở lại đếm 1. Thở đều đặn, thong thả. Ý nghĩ theo dỏi sự hít vào  và thở ra; không nghĩ vấn đế nào khác. Nếu lúc nào định được tâm và cảm thấy không cần phải đếm 1,2,3…nữa, thì chỉ giỏi theo hơi thở ra vào mà thôi. Lúc đó cũng có thể tập trung ‘tư tưởng’ vào một điểm phía trên và giữa hai chặn mày và vẫn tiếp tục thở. Mỗi lần, định tâm được tối thiểu là 10 phút. Ngày hai lần, lúc nào thích hợp.
                  
Nếu hít thở và đếm như thế mà không định được tâm thì phối hợp với lời niệm Phật như: Hít vào (không niệm), thở ra niềm thầm 'A Di Đà, hoặc A Di Đà Phật', hoặc Quán Thế Âm.

Lúc xả thiền: Hai lòng bàn tay xoa vào nhau nhiều lần để có nhiệt lượng. Thoa toàn mặt và mí mắt để gia tăng sự mịn màng của làn da. Thoa sau ót cổ, thoa lưng, thoa chân để giảm nhức mỏi, nếu có, trong lúc hành thiền.

b. Thở bụng (thở đan điền)[9]

Thở bụng cũng có thể ngồi trên ghế, trên gối, trên thềm xi măng, có thể nằm. Thực hiện lúc nào mình muốn.

Cách thở đan điền: Hít vào bằng mũi và bụng phồng ra, thở ra bằng mũi và bụng xẹp xuống. Hít vào và thở ra đều đặn, không nín để giữ hơi và không đẩy hơi xuống phía dưới bụng vì sẽ dễ bị mệt.


c.       Tập  thở theo thế Chánh Định (10)

Thở bình thường và thực hành buông thả (buông bỏ mọi suy nghĩ, thư giản thân tâm).
Bước một: Đứng thẳng, hai chân giang ra ngang tầm bề rộng của hai vai (xem hình). Hít vào bằng mũi, đưa hai tay lên cao, mắt nhắm và hướng sự chú ý đến phần giữa trán.

Thở ra cũng bằng mũi, hai tay hạ xuống, đưa vòng ra sau lưng. Hai bàn tay chụm lại như hai búp sen, ngón trỏ và ngón cái đụng vào nhau (xem hình). Gót chân nhón lên cao một chút.
  

Bước hai: Hít vào bằng mũi, nhắm mắt lại đồng thời đưa hai bàn tay ra hai bên hông, cùng lúc hạ hai gót chân xuống. Khi nhắm mắt hướng tâm về phía giữa trán (như trong bước một).

Bước ba: Thở ra, mở mắt đồng thời đưa hai bàn tay vào tạo thành “ấn định tâm” như ban đầu.

Chỉ thực hành một trong ba phương pháp đề nghị nêu trên. Và nên nhớ rằng đây là thiền trị bệnh (meditation for health) chứ không phải thiền giác ngộ (meditation for enlightenment) nên không sợ bị tẩu hỏa nhập ma. Những người tu theo pháp môn Tịnh Độ hay Mật tông cũng trị được bệnh vì điểm then chốt là định được tâm. Do đó, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phât, trì chú, lạy Hồng danh v.v. đều rất quý. Ngoài ra, chế độ ăn uống và tập thể dục cũng rất cần cho sức khỏe.


Nhân tiện đây tôi muốn thưa thêm rằng chư Tăng Ni Việt Nam bị bệnh nhiều hơn người thường mà đúng ra là phải ngược lại. Vì sao? Trước hết là do chế độ ăn uống. Thức ăn hằng ngày không đủ chất bổ dưỡng nuôi cơ thể. Trái lại, thức ăn có quá nhiều muối, nhiều đường, nhiều bột ngọt và dầu. Có nhiều vị công việc lại quá nhiều và thiếu tập thể dục. Nhờ có tu Thiền, Tịnh, Mật… nên đa số Chư vị bệnh ngang đó mà đáng lẻ là nhiều hơn nữa.

Kết Luận

Nhiều năm qua khoa học gia và y giới phương Tây đã tìm thấy MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA THIỀN, NÃO BỘ VÀ SỰ CĂNG THẲNG LIÊN HỆ ĐẾN BỆNH TẬT VÀ PHƯƠNG THỨC CHỮA TRỊ. Một lần nữa, lời dạy của nhà Phật đã được chứng minh thêm: Thiên đàng - địa ngục, hạnh phúc - khổ đau đều do tâm; tâm chủ động tâm tạo tác.



Sinh già bệnh chết rồi ai cũng phải đi qua. Không ai mong cầu không bệnh; dù có mong cầu cũng chỉ phí công. Nhưng ít bệnh và sống đời hạnh phúc an lạc có lẽ cũng là tiên trên đời rồi.

Thuốc Nam, thuốc Bắc và Âu dược cũng có giới hạn và nhiều phản ứng phụ cũng như tốn tiền. Nên chăng? song song với y dược, Thiền ngày hai lần, mỗi lần tối thiểu 10 phút, thân tâm an lạc hơn, hạnh phúc hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, chống được nhiều bệnh tật và lão hóa.

Vài lời tác bạch: Tôi sưu tầm và biên soạn bài nầy vì lợi ích cho số đông, và trích dẫn các chứng cớ mà y giới và khoa học các quốc gia tân tiến đã thí nghiệm và áp dụng. Lúc thực hành, nếu cần, quý vị nên tham khảo với các nhà chuyên môn để tránh lạc dẫn.

Kính chúc quý vị thân tâm an lạc.

Hồng Quang

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

CÓ BAO NHIÊU THỨ YOGA ?

Tác giả: BẠCH LIÊN

CÓ BAO NHIÊU THỨ YOGA ?

Không biết thật đúng có bao nhiêu thứ Yoga. Hiện thời người ta biết mười một thứ Yoga như :

1- Hatha Yoga.

2- Karma Yoga.

3- Jnana Yoga.

4- Bhakti Yoga.

5- Laya Yoga.

6- Mantra Yoga.

7- Kriya Yoga.

8- Shiva Yoga.

9- Yantra Yoga.

10- Mudra Yoga.

11- Raja Yoga.

Nhưng ông P. Brunton có nói, trong lúc ông đi du lịch đặng tìm Ðạo, ông gặp nhiều phái Yoga khác, hành giả luyện tập một cách kín đáo nên ít ai biết .

- Mười một thứ Yoga nầy khác nhau thế nào ?

Tôi xin nói vắn tắt vài lời về mỗi thứ mà thôi. Nếu huynh muốn rõ những chi tiết xin đọc những quyển riêng giải về khoa đó.

1- HATHA YOGA.

Hatha Yoga là một khoa luyện Âm Dương hiệp nhất. Nó giống khoa luyện Khí công của người Tàu.

Vần HA tiêu biểu cho Mặt Trời là Dương.

Vần THA tiêu biểu cho Mặt Trăng là Âm.

Khoa nầy dùng cách hô hấp và phương pháp thể dục để thâu thập sinh lực vô mình. Có thể gọi nó là Khoa Luyện Trường Sanh.

Còn ba khoa Karma Yoga, Jnana Yoga, Bhakti Yoga mà khoa Triết Học Aán gọi là ba Margas hay là ba Con Ðường (trois sentiers).

2- KARMA YOGA.

Là con đường Hành động (Sentier de l’action).

3- JNANA YOGA.

Là con đường Minh Triết (Sentier de la Sagesse).

4- BHAKTI YOGA.

Là con đường Sùng Tín (Sùng Ðạo) hay là con đường của Tình Thương (Sentier de l’amour).

5- LAYA YOGA.

Cũng gọi là Kundalini Yoga vì Yoga nầy chuyên lo mở luồng Hỏa Hầu Cung đa li ni, nó ảnh hưởng tới các Luân Xa (les Chakras).

6- MANTRA YOGA.

Dùng Thần Chú đặng làm cho cái Trí trở nên yên tịnh và còn nhiều sự hữu ích khác.

7- KRIYA YOGA.

Tu theo cách khổ hạnh nhưng cũng học hỏi, cũng thờ phượng, cũng hiến dâng vậy.

Kriya Yoga có vài chỗ giống như Hatha Yoga. Nó cũng dùng phương pháp luyện tập thể dục làm căn bản, nó nhắm vào sự làm chủ giác quan, nhờ thế mới điều khiển sự hô hấp dễ dàng. Người ta biết rằng nhịp thở tùy thuộc những trạng thái của Tâm Thức. Lúc giận hờn, sợ sệt, vui mừng, nhứt là lúc dục tình sôi nổi thì thân mình run rẩy, hơi thở hổn hển mau lẹ. Nếu lúc đó định trí thì hơi thở chậm đi, thân mình trở lại yên tịnh như trước.

Trong quyển Autobiographie d’un Yogi của tu sĩ Paramhansa Yogananda, Cử nhân Văn khoa, huynh Nguyễn hữu Kiệt dịch ra để tên là Xứ Phật Huyền Bí nơi trương 174 - 175 có một đoạn nói về Pháp môn Kriya Yoga như sau :

“Người Yogi dùng tư tưởng dẫn luồng sinh lực đi theo một đường vòng xuyên qua sáu bí huyệt của tủy xương sống (từ bí huyệt trên đỉnh đầu xuống các bí huyệt ở cuống họng, ở tim, ở rún, ở lá lách và xương mông) rồi đi ngược trở lên để khép một vòng tròn tương đương với mười hai cung Hoàng Ðạo, tượng trưng vũ trụ trong con người (Tiểu Thiên Ðịa). Một lần công phu chừng nửa phút đồng hồ vòng quanh xương sống theo pháp môn Kirya Yoga giúp cho con người thực hiện một sự tiến bộ bằng một năm tiến hóa thông thường.

Một lần phép công phu Kriya Yoga thực hiện trong vòng một ngày đem đến cho người Yogi một sự tiến hóa tâm linh tương đương với một ngàn năm tiến hóa tự nhiên và công phu của một năm tu luyện sẽ đưa đến kết quả bằng 365.000 năm. Như thế, pháp môn Kriya Yoga giúp cho hành giả thực hiện trong ba năm tu luyện công phu, một sự tiến bộ vượt bực mà theo đà tiến hóa tự nhiên, nó phải cần đến 10.000 thế kỷ. Tuy nhiên muốn theo con đường tắt của pháp môn Kriya Yoga, chỉ có những người Yogi đã được huấn luyện thuần thục dưới sự chỉ dẫn của các vị Chơn Sư, nhờ đó họ chuẩn bị thể xác lẫn tinh thần đến mức tuyệt đỉnh, khả dĩ tiếp nhận cái quyền năng phát triển bằng sự công phu tu luyện thường xuyên”.

Kriya Yoga tăng tuổi thọ và mở rộng tâm thức, nó kiểm soát trực tiếp tinh thần nhờ sanh lực. So sánh với con đường chậm chạp và không chắc chắn của Thần học (Théologie) thì Kriya Yoga giống như chiếc máy bay với cổ xe ngựa đời xưa.

Ðọc đoạn trên đây, chắc chắn tất cả bạn Ðạo đều muốn theo pháp môn Kriya Yoga. Nhưng quí bạn hãy đọc đoạn chót và suy nghĩ kỹ lưỡng mấy câu sau đây :

“Chỉ có những người Yogi thuần thục đã được huấn luyện dưới sự chỉ dẫn của các vị Chơn Sư”.

Vậy thì trước khi thực hành pháp môn Kriya Yoga chúng ta phải tự hỏi chúng ta đã thành những vị Yogi chính tông chưa ? Ðược Chơn Sư huấn luyện chưa ? Nếu chưa thì đừng tập. Phương pháp nầy sẽ làm cho luồng Hỏa Hầu đi như tôi đã nói trước đây : Luồng Hỏa vô trong và đi xuống thì cũng bị tai hại, mà nó đi lên cũng bị tai hại nếu lòng còn mơ tưởng nguyệt hoa.

Ðiều hay hơn hết là phải lo :

- Lánh dữ,

- Làm lành,

- Rửa lòng trong sạch đặng phụng sự như lời Phật dạy, khỏi sợ những sự nguy hiểm nào cả.

Một lẽ nữa, Paramhansa Yogananda tu theo pháp môn Kriya Yoga đã lâu rồi mà chưa đắc đạo thành chánh quả làm một vị Siêu Phàm A Sơ Ca (Aseka). Bao nhiêu đây cũng đủ để thấy dầu ly gia cắt ái như huynh Yogananda cũng không phải dễ mà thực hiện cho đúng pháp môn Kriya Yoga đâu.

Vì vậy chớ ham luyện tập theo Huyền Bí Học trong khi mình chưa hội đủ điều kiện đặng làm một vị Yogi.

Tôi xin nói Kriya Yoga nầy khác hẳn Kriya Yoga trong quyển Những cách ngôn về Yoga của Patanjali (Les Aphorismes du Yoga de Patanjali).

8- SHIVA YOGA.

Shiva Yoga dùng nguyên tắc Siêu hình học.

9- YANTRA YOGA.

Tham thiền về ý nghĩa thần bí của vài thứ hình của Kỷ Hà Học .

10- MUDRA YOGA.

Dùng ấn và chú.
11- RAJA YOGA.

Raja Yoga : Yoga Vương Giả, là Chúa Tể các thứ Yoga. Nó cao hơn hết. Nó chia làm tám giai đoạn hay là tám thời kỳ tập sự.

Thời kỳ thứ nhứt : Yama (Da ma).

Thời kỳ thứ nhì : Niyama (Ni da ma).

Thời kỳ thứ ba : Asana (A sa na) : Tư thế.

Thời kỳ thứ tư : Pranayama (điều tức ) : Kiểm soát sanh lực Prana.

Thời kỳ thứ năm : Pratyahara : Kiểm soát giác quan

Thời kỳ thứ sáu : Dharana (Ða ra na) : Ðịnh trí.

Thời kỳ thứ bảy : Dhyana : Tham thiền.

Thời kỳ thứ tám : Samadhi (Sa ma đi) : Ðại định, Xuất thần.

Ba thời kỳ chót : thứ sáu, thứ bảy và thứ tám là SAMYAMA.



1-YAMA : Giới.

Yama gồm năm giới :

1- Không làm hại người và vật, không hung bạo từ trong tư tưởng, ý muốn, cho tới lời nói, việc làm.

2- Chơn thật, không nói dối bất câu dưới hình thức nào.

3- Ngay thật, không trộm cắp.

4- Trinh khiết, tuyệt dục từ trong tư tưởng.

5- Nghèo, thanh bần, không vì tư lợi.



2- NIYAMA : Qui Luật.

Niyama gồm năm điều :

1- Sancha : Trong sạch trong tất cả, từ trong thâm tâm cho tới bên ngoài, y phục, xác thân.

2- Santasha : An phận.

3- Tapas : Khổ hạnh, tự nghiêm khắc với mình.

4- Svadhyaya : Phát triển bản ngã, kỷ luật tư tưởng, làm chủ cái trí.

5- Ishvara Pranidhana : Tư tưởng luôn luôn hướng về Thượng Ðế, có thể nói là chiêm ngưỡng Ðức Thượng Ðế (Cung hiến).

3- ASANA : Tư thế.

4- PRANAYAMA : Ðiều tức.

Về phương diện thực tập là sự kiểm soát sanh lực Prana, sự điều khiển cách thở.

5- PRATYAHARA.

Là quyền năng ngăn ngừa cái Trí khỏi bị ảnh hưởng những cảm giác của xác thịt.

6- DHARANA : Ðịnh Trí.

7- DHYANA : Tham Thiền.

8- SAMADHI : Ðại Ðịnh , Xuất thần.

Trong Ðạo Ðức phải nhiều năm Tham Thiền rồi mới đi tới Ðại Ðịnh. Lúc nầy hành giả bỏ xác thân lên mấy cõi cao, xác thân mê man không còn biết cảm giác chi nữa. Nhưng mà chừng trở về nhập xác, hành giả nhớ hết những điều đã kinh nghiệm.

Ở ngoài đời, các nhà khoa học, các nhà bác học cũng phải Ðại Ðịnh vậy. Nhưng họ chuyên lo các vấn đề vật chất thuộc về bên ngoài.

Tuy nhiên người học Ðạo có thể Ðại Ðịnh trong một mức độ nhỏ bé là :

Ngày đêm cứ thấy mình quì dưới chơn Sư Phụ hoặc dưới chơn Ðức Bồ Tát hay là Ðức Phật


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HATHA YOGA (LUYỆN KHÍ CÔNG)

và RAJA YOGA (YOGA VƯƠNG GIẢ)

- Có sự khác biệt giữa Hatha Yoga và Raja Yoga không ?

- Có, nhưng muốn thật hiểu thì trước hết ta nên nhớ kỹ những điều sau đây: (xin nhắc lại).

Thật Ta là Chơn Nhơn, Chơn Ngã hay là Linh Hồn. Ta có thể xác bao bọc, nhờ những thể xác nầy Ta mới hành động được ở mấy cõi Trời.

Luôn luôn có sự liên quan mật thiết giữa Ta và những thể của Ta. Mỗi sự rung động của Vật chất cấu tạo những thể đều biến đổi Tâm Thức, mà mỗi sự biến đổi của Tâm Thức cũng sanh ra một sự rung động trong Vật chất cấu tạo mấy thể.

Hatha Yoga và Raja Yoga đều lợi dụng sự tương quan nầy.



H A T H A Y O G A.

Hatha Yoga chế ngự xác thịt, làm phát triển một số cơ quan điều khiển những lực ở trong mình. Nhờ vậy mà hành giả có vài quyền năng mà người đời cho là phi thường.

Xưa kia, cơ quan của bộ tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết như tì, vị, tim, phổi, thận, bàng quang, tiểu trường, đại trường đều thuộc về quyền kiểm soát của Tâm Thức. Người luyện Hatha Yoga dùng ý chí kiểm soát lại những cơ quan nầy. Khi thành công rồi họ có thể làm cho trái tim ngừng đập mà không chết.

Có vị cho chôn sống từ ba tháng tới hai, ba năm tùy theo công phu luyện tập. Ðào lên thì họ sống lại, xác họ không rã như xác thường.

Có vị nuốt đinh sắt, miểng chai, uống ắc xít mà vẫn trơ trơ.

Hatha Yoga làm cho cái Vía hoạt động, nhưng sự khuyết điểm lớn lao của nó là khởi đầu ở tại cảnh thấp hơn hết. Nó kích thích những cơ quan của xác thịt và của cái Vía mà không ảnh hưởng chi tới phần đối chiếu trong hai thể nầy trong hai thể cao là Thượng Trí và Bồ Ðề. Sự hành động của nó bị hạn chế.

Mà cái nguy hiểm đáng sợ hơn hết là Hatha Yoga kiếm thế kiểm soát những sự rung động của Vật chất đặng tạo ra sự biến đổi trong Tâm Thức.

Nhưng mà Vật chất vẫn cứng rắn, khó ép buộc nó phải theo chiều hướng của ta muốn. Hãy đề phòng : Sự cố gắng có thể làm cho tê liệt hay làm cho teo lại một vài cơ quan mà sự hoạt động rất cần thiết cho sự biến đổi Tâm Thức như : não tủy thần kinh, hạch mũi [6] , hạch óc. Vì vậy mà các nhà Huyền Bí Học chỉ luyện tập Raja Yoga chớ không luyện Hatha Yoga.


MỘT SỰ BIỂU DIỄN PHI THƯỜNG.

Trong tạp chí Người Thông Thiên Học (The Theosophist), tháng năm, năm 1922 có đăng một bài tường thuật của Ðức Bà A. Besant về quyền năng của ông Swami Sitaramji tóm tắt như sau đây :

�Cách đây vài tuần, ông Swami Sitaramji có ghé viếng Adyar, ông là một trong những người Aán có những quyền năng truyền tử lưu tôn, khẩu khẩu tương truyền từ đời nầy qua đời kia. Ông Swami Sitaramji nói rằng : Ông vào rừng tu luyện phép Sarvabhakshatvam là quyền năng ăn được tất cả mà không hề chi.

Dưới đây là chứng thư của bác sĩ T.S. Tirumurti cấp cho ông :

Ngày 12 tháng 9 năm 1921.

Ông Swami Sitaramji có biểu diễn những quyền năng của ông tại rạp hát của Dưỡng đường Trung Ương, trước mặt những vị y sĩ giải phẫu, những y sĩ và sinh viên y khoa, ông thực hành những điều sau đây :

1- Aên miểng chai.

2- Aên những đinh sắt.

3- Aên những sọ dừa.

4- Aên những miếng cây.

5- Aên một con bọ cạp.

6- Uống ắc xít A zô tít (Acide azotique).

7- Aên những đá sỏi.

8- Aên Acenít (phụ tử)

9- Uống thủy ngân.

10- Nhai nuốt những cục than cháy đỏ.

11- Uống chì nấu chảy ra nước.

Xong rồi người ta đem rọi kiếng ông, chụp hình và giao cho ông tấm hình đã rửa.

T.S. Tirumurti.

3e Médecin Hôpital Général A. Lakshmipathy

B.A.M.B. et C.M.

Ngày 14 tháng 9 năm 1921, người ta rọi kiếng thấy những vật ông nuốt biến thành những hạt nhỏ và những mảnh. Ông nói : “chúng lần lần tiêu mất hết.”



R A J A Y O G A.

Ta biết rằng bảy thể của con người liên quan mật thiết với năm cõi Trời.

1-2 : Xác thịt và cái Phách, liên quan mật thiết với cõi Trần hay là Hạ Giới.

3 : Cái Vía, liên quan mật thiết với cõi Dục Giới hay là cõi Trung Giới.

4 : Cái Trí, liên quan mật thiết với cõi Hạ Thiên, tức là bốn cảnh thấp của cõi Thượng Giới hay là cõi Trí Tuệ.

5 : Thượng Trí, liên quan mật thiết với cõi Thượng Thiên tức là ba cảnh cao của cõi Thượng Giới hay là cõi Trí Tuệ.

6 : Kim Thân hay Thể Bồ Ðề, liên quan mật thiết với cõi Bồ Ðề cũng gọi là cõi Trực Giác.

7 : Tiên Thể hay là Thể Thiêng Liêng, liên quan mật thiết với cõi Niết Bàn hay là cõi Thiêng Liêng.

Nhờ sự liên quan mật thiết nầy mà ta:

a- Mới dùng Xác thân và cái Phách để học hỏi và kinh nghiệm ở cõi Trần được (Hạ Giới).

b- Dùng cái Vía để học hỏi và kinh nghiệm ở cõi Dục Giới (Trung Giới).

c- Dùng Hạ Trí để học hỏi và kinh nghiệm ở cõi Hạ Thiên.

d- Dùng Thượng Trí để học hỏi và kinh nghiệm ở cõi Thượng Thiên.

e- Dùng Kim Thân để học hỏi và kinh nghiệm ở cõi Bồ Ðề.

f- Dùng Tiên Thể để học hỏi và kinh nghiệm ở cõi Niết Bàn.

Muốn cho sự học hỏi và kinh nghiệm có kết quả tốt đẹp thì trước hết bốn thể thấp : Thân, Phách, Vía, Hạ Trí phải được tinh khiết bởi vì chúng là những cửa sổ mở ra để cho ta quan sát cảnh vật ở bên ngoài. Chúng phải trống trải mới được. Nếu chúng bị những bức màn giăng ngang thì ta không thấy rõ. Vạn vật đối với ta đều biến đổi màu sắc và hình thù. Ðiều nầy không khác nào ta mang kiếng màu mà xem một bức tranh.

Trái với Hatha Yoga, tập luyện theo phương pháp Raja Yoga thì sinh viên dùng ý chí kiểm soát những sự biến đổi của Tâm Thức và chế ngự được ba thể : Thân, Vía, Trí. Chúng nó ở dưới quyền sai khiến của sinh viên và trở nên lành mạnh tốt đẹp, linh mẫn.

Trước kia chúng cám dỗ và quyến rủ con người vào đường tội lỗi, bây giờ đây chúng trở nên những đứa tớ thành thật, trung tín lo phục vụ con người và không còn ương ngạnh như xưa. Nhờ thế Tâm Thức cao siêu mới mở mang mau lẹ và thay thế Tâm Thức tầm thường của con người. Sinh viên sống một đời sống tinh thần cao thượng và bước tới cửa Ðạo dễ dàng.

Nói tóm lại, Raja Yoga đem lại những lợi ích cho con người chớ không có những mối nguy hại như Hatha Yoga.

HAI THÍ DỤ VỀ VIỆC NÍN THỞ.

Các Thầy Bùa đều dặn lúc vẽ bùa phải nín thở mới có hiệu nghiệm. Họ không biết khi nín hơi thở thì cái Trí yên lặng, tức là Ðịnh Trí. Phải Ðịnh Trí thì tư tưởng sanh ra mới mạnh mẽ.

Phương pháp nín thở thuộc về khoa Luyện Khí Công Hatha Yoga.

Theo Raja Yoga phải chú ý vào công việc đang làm thì cái Trí không xao lãng. Ðịnh Trí cách nầy rất dễ, không nín thở. Nín thở thì mệt lắm, có khi mạch máu nhỏ trong phổi yếu thì nó bị đứt, hành giả khạc ra máu rất nguy hiểm. Ai biết chắc các mạch máu nhỏ trong phổi của mình mạnh hay yếu và lúc nào nó mạnh, lúc nào nó yếu mà đề phòng. Thế nên phải thận trọng (xin đọc chuyện huynh Brahma thuật lại cho ông P. Bruton nghe).

Khi tham thiền đúng phép thì hơi thở nhẹ lần rồi tới một lúc kia nó dứt hẳn mà hành giả không chết, chừng giựt mình mới thở lại. Ai kinh nghiệm rồi thì biết



VÀI CÁCH NÍN THỞ THEO PHƯƠNG PHÁP HATHA YOGA.

Tôi xin kể cho huynh nghe vài cách thở do nhiều sách Hatha Yoga dạy khác nhau rồi sau sẽ đề cập tới sự nguy hiểm.

I- TẨY SẠCH HAI LÀ PHỔI.
(Nettoyage des poumons)

a/- Một quyển dạy : Bịt lổ mũi bên trái, hít khí trời vô lổ mũi bên phải; rồi bịt lổ mũi bên phải thở ra lổ mũi bên trái. Cứ thay đổi, hít vô bên nầy rồi thở ra bên kia, vài lần như vậy.

b/- Một quyển khác cũng dạy như vậy, song dặn lúc hít vô đếm trong trí 1, 2, 3, 4. Khi thở ra lổ mũi bên kia thì đếm tới 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. 8, nhưng căn dặn nếu hít vô đếm tới 4 mà chưa thấy phổi đầy khí trời thì đếm thêm hoặc một hay là hai lần nữa, nghĩa là 1, 2, 3, 4, 5, hoặc 6. Khi hít vô đếm tới 5 thì thở ra đếm tới 10. Khi hít vô đếm tới 6 thì thở ra đếm tới 12.

c/- Một quyển nữa dạy : Phải xem đồng hồ. Nếu hít vô 5, 6 giây thì thở ra phải 9, 10 giây.



II- NHỊP THỞ TIẾT ÐIỆU.

(Respiration rythmique)

a/- Một quyển dạy : Hít vô đếm 1, 2, 3, 4.

Nín thở đếm 1, 2, 3, 4.

Thở ra đếm 1, 2, 3, 4.

b/- Một quyển dạy : Phải xem đồng hồ.

Hít vô: Nín thở: Thở ra :

a. 2 giây 8 giây 4 giây

b. 3 giây 12 giây 6 giây

c. 4 giây 16 giây 8 giây

d. 5 giây 20 giây 10 giây

e. 6 giây 24 giây 12 giây


c/- Một quyển dạy :

Hít vô : Nín thở : Thở ra :

5 giây 2 giây 5 giây


Có người Ấn đi đến mức :

Hít vô : Nín thở : Thở ra :

20 giây 80 giây 40 giây



Xin hỏi : Mỗi sách đều mỗi dạy khác nhau, ai biết mình có thể hạp với cách nào đặng tập theo ?

Cái nguy hại là ở chỗ đó

NHỮNG NGUY HẠI KHI COI THEO SÁCH LUYỆN HƠI THỞ HAY

LÀ HỌC VỚI MỘT ÔNG THẦY TẦM THƯỜNG KHÔNG KINH NGHIỆM.

- Vậy thì không nên tập theo Hatha Yoga hay sao ?

- Nên tập mà cũng không nên tập.

Nên tập là khi nào học với một ông thầy lão luyện có nhiều kinh nghiệm.

Còn không nên tập là coi theo sách mà tập một mình.



SỰ NGUY HIỂM CỦA HATHA YOGA

LÀ LUYỆN TẬP HƠI THỞ SÁI CÁCH.

Trong quyển kinh Markanday Purana có nói như vầy : “Hành giả Yoga dốt nát thì sẽ bị điếc, khùng điên, mất trí nhớ, câm, đui mù và bị sốt nặng.”

Ðây là tùy theo trường hợp nặng, nhẹ. Dốt nát là không biết gì về Huyền Bí Học coi theo sách luyện tập một mình hay là học với một ông thầy tầm thường, không thông hiểu một mảy may về những luật Huyền bí của Vũ Trụ làm phát triển Tâm Thức.

Sự nguy hiểm vốn ở trong sự luyện hơi thở trước nhứt, kế đó là vài tư thế làm hại cho hạch mũi và hạch óc mà chỉ có những nhà Huyền Bí Học lão luyện mới rõ mà thôi.

- Tại sao nguy hiểm ?

- Bởi vì các tế bào trong mình con người tùy theo hơi thở mà có một chiều hướng riêng. Bây giờ thay đổi cách thở thì chúng thay đổi chiều hướng. Sự thay đổi nầy có lợi hay có hại cho các cơ thể của con người ?

Muốn thật biết phải mở Thần nhãn mới quan sát được.


TÁM TRƯỜNG HỢP ÐIỂN HÌNH.

Tôi xin kể tám trường hợp điển hình :

Một ở Ấn Ðộ thuở xưa.

Bảy ở Việt Nam ngày nay cho quí huynh nghe :



MỘT TRƯỜNG HỢP Ở ẤN ÐỘ THUỞ XƯA.

Quí bạn nào có đọc quyển L’Inde secrète dịch ra là ÐÔNG PHƯƠNG HUYỀN BÍ trang 50 thì thấy :

Ông Paul Brunton có thuật chuyện nầy :

Brama nói : Thuở nhỏ tôi là một đứa trẻ ít nói và thích sống cô đơn.

Tôi không thấy gì là vui thú trong những trò chơi của các bạn tôi vì thế tôi luôn luôn tránh họ và thích đi dạo một mình ở những nơi vườn cây hay ngoài đồng vắng. Ít người biết được những gì diễn ra trong tâm hồn kín đáo của một đứa trẻ : tôi sống cách biệt với mọi người và tôi cảm thấy rằng đời không có gì vui. Vào năm tôi 12 tuổi, tình cờ tôi nghe lóm được câu chuyện giữa những người lớn, họ nói về vấn đề Yoga. Ðó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến danh từ ấy và những gì tôi nghe trong câu chuyện cũng đủ làm cho tôi tò mò muốn biết thêm. Tôi chất vấn nhiều người và góp nhặt được vài quyển sách nói về vấn đề Yoga, trong đó tôi đọc được nhiều điều thú vị về các nhà đạo sĩ Yogi. Cũng như con ngựa dong ruổi trên sa mạc mong mỏi tìm được ngọn suối mát ở tận chân trời, trí óc tôi khao khát sự hiểu biết, nhưng tôi chỉ có một mình và không làm sao tiến hơn được nữa.

Một hôm tình cờ tôi lật một quyển sách và thấy trong đó có câu : “Muốn tiến bộ trên đường tu luyện pháp môn Yoga, phải nhờ có sự chỉ dẫn của một danh sư”. Những lời nầy làm cho tôi thắc mắc băn khoăn.

Một danh sư. Tôi hiểu ngay rằng muốn tìm được Thầy không còn cách nào khác hơn là bỏ nhà ra đi ngao du thiên hạ. Tự nhiên là tôi không thể trông đợi nơi sự cho phép của cha mẹ tôi. Không biết phải làm thế nào, tôi bèn lén lút luyện thử một vài phép hô hấp mà tôi đã góp nhặt được những tài liệu trong các sách. Phép luyện nầy thay vì có ích, lại làm hại cho tôi : Tôi không biết rằng phép khí công nầy rất nguy hiểm nếu nó không có sự dìu dắt của một bậc danh sư. Nhưng vì tôi quá nóng ruột nên không thể chờ đợi mãi được.

Sau vài năm tập luyện lén lút một mình, cái hậu quả bất ngờ đem đến là tôi bị đứt một mạch máu trên đỉnh đầu dường như nó là chỗ chịu đựng yếu nhứt. Tôi cảm thấy toàn thân tôi giá lạnh và sức yếu dần, máu chảy lênh láng ở chỗ vết thương, tôi tưởng rằng tôi sắp chết. Hai giờ sau đó, tôi nhìn thấy một linh ảnh lạ lùng, hình như tôi thấy gương mặt đạo mạo của đạo sĩ già hiện ra và nói với tôi : “Con thấy chăng phép luyện ngăn cấm đối với kẻ phàm tục có thể đưa con đến một tình trạng nguy hiểm là dường nào. Con hãy nhớ lấy bài học nầy.” Cái hình ảnh biến mất nhưng lạ thay từ đó trở đi tôi cảm thấy khá hơn và không bao lâu sức khỏe của tôi bình phục trở lại. Nhưng này ông hãy xem cái thẹo hãy còn đây.

Brama cúi đầu đưa cho chúng tôi xem cái thẹo nhỏ hiện ra rõ ràng trên đỉnh đầu. Y nói tiếp: “Sau khi tai nạn đó xảy ra, tôi bèn ngưng việc luyện hơi thở và chờ đợi để cho thời gian làm giảm bớt những sự ràng buộc gia đình .


BẢY TRƯỜNG HỢP Ở VIỆT NAM.

Sau đây là bảy trường hợp ở Việt Nam :

1- Trường hợp thứ nhứt : Một ông bạn tập theo cách Tẩy sạch hai lá phổi có một tuần lại nói với tôi : “Ðau nhói trái tim”, ông bạn đó bỏ liền tới nay vẫn mạnh khỏe.

2- Trường hợp thứ nhì : Một ông bạn tập sao không biết mà trong lúc nín thở đứt mạch máu trong phổi rồi thổ huyết. Vài năm sau từ trần.

3- Trường hợp thứ ba : Một bà hư óc điên điên khùng khùng, người nhà phải chở vô Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, rồi sau bỏ mình tại đó.

4- Trường hợp thứ tư : Một ông lớn tuổi, đau bao tử, ốm gầy lần mòn rồi cũng bỏ xác. Chính là tôi có khuyên ông nên bỏ cách luyện đó đi, nhưng ông trả lời : “Thở như vậy khỏe quá” .

5- Trường hợp thứ năm : Một ông bạn ngồi theo một tư thế luồng Hỏa Hầu khởi sự đi; thay vì đi lên nó lại đi xuống và vô trong kích thích dục tình đến cực điểm, về sau không được tin tức.

6- Trường hợp thứ sáu : Một ông bạn chỉ ăn cơm với giấm, luyện hơi thở đặng trường sinh bất tử. Ông bạn đó nói chuyện đạo với tôi nhiều lần nhưng không được tỉnh trí cho lắm.

7- Trường hợp thứ bảy : Một bà và một cô gái, con của bà, tới thăm tôi rồi nói: “Thầy tôi dạy hai mẹ con tôi luyện mà bây giờ chỗ trái tim nóng mãi” . Tôi hỏi : “Ông sư dạy bà và cô đây có chỉ phương pháp cho bà và cô sửa chữa không ?” Bà đó trả lời : “Thầy tôi có hốt thuốc cho tôi uống nhưng không hết.” Tôi chỉ than thầm. Tôi cắt nghĩa cho bà nghe : Có lẽ là phương pháp Tâm thận tương giao nhưng sái cách.

Trừ ra ông bạn thứ nhứt thoát khỏi nạn hiểm nghèo còn sáu trường hợp sau thật bi đát.

Chỉ có bà và cô gái vốn xa lạ, tôi mới gặp lần thứ nhứt, còn mấy vị kia đều quen thuộc với tôi, tôi cũng biết mấy ông thầy dạy những cách luyện tập ấy nữa.

Tôi xin nêu ra những trường hợp nầy cho quí bạn hiểu đặng phòng. Tôi còn biết nhiều trường hợp khác nữa song không muốn nói ra. Xác thân con người là một bộ máy cực kỳ huyền diệu, tinh vi hơn cả triệu lần cái máy đồng hồ. Nếu giao phó tánh mạng cho kẻ dốt nát thì có ngày ăn năn không kịp.



TẠI SAO MẤY ÔNG THẦY DẠY NHỮNG CÁCH LUYỆN TẬP ÐÓ

LẠI KHÔNG ÐIÊN KHÙNG, KHÔNG CHẾT ?

- Tại sao mấy ông thầy dạy những cách luyện tập đó lại không điên khùng, không chết ?

- Tôi xin trả lời liền. Mấy ông có luyện tập đâu mà điên khùng hay chết. Nếu mấy ông luyện tập thì mấy ông đã điên khùng hay chết mất rồi, đâu còn sống đến ngày nay đặng hại mấy đệ tử. Những sách Huyền Bí Học đều nói bóng dáng hay tượng trưng. Mấy ông đọc sách hiểu theo ý mấy ông rồi bảo học trò tập luyện như vậy. Học trò thấy thầy mình khỏe mạnh thì tin bằng lời, cố công luyện tập. Những trò bị hại toàn là những trò ra sức làm đúng theo lời thầy chỉ dạy trong một thời gian. Những trò khác luyện tập sơ sài trong một vài ngày rồi bỏ luôn thì không có gì hết. Thậm chí có người mê tín cho đến đỗi nói như vầy : “Thầy tôi dạy trúng mà tại tôi làm sái”. Nói cho đúng lý, khi học trò luyện tập thì ông thầy phải coi chừng đặng sửa chữa kẻo học trò bị hại; đó là bổn phận của ông thầy. Không được phép lấy mắt ngó, để tỏ ra mình bất lực. CHÚNG TA CHỚ NÊN QUÊN RẰNG TRONG ÐẠO ÐỨC, CHỈ CHO NGƯỜI TA LUYỆN SÁI CÁCH THÌ TỘI NẶNG BẰNG NON, KIẾP SAU SẼ TRẢ QUẢ ÐÓ, CHẠY TRỐN ÐƯỜNG NÀO CŨNG KHÔNG KHỎI.

Dầu sao bên Aán Ðộ vẫn chưa nghe trường hợp học với một ông thầy mà mang tai họa vào thân như bên mình.

Theo qui luật của Quần Tiên Hội phải Ðắc đạo thành Chánh quả làm một vị Siêu Phàm mới được phép thâu Ðệ tử. Dưới một bực là những vị La Hán chỉ được phép làm Sư Huynh. Tôi xin trưng ra một bằng chứng cụ thể là câu : “ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Chính là Ðức Phật mới được phép làm thầy mà thôi, bởi vì Ðức Phật là Giáo Chủ của các vị Tiên Thánh, các vị Thiên Thần. Các vị Ðệ tử của Ngài cũng chưa được phép làm Sư Phụ.

Còn chúng ta phàm phu tục tử, mình tự độ mình chưa xong thì độ ai được bây giờ. Mình tự dạy mình là điều hay hơn hết.

- Mà tại sao người ta nói : Tu phải luyện ?

- Ðúng vậy, tu phải luyện. Luyện đây là luyện tánh tình cho thật tốt chớ không phải luyện cho trường sanh hoặc có những phép tắc, những thần thông.



CHÚNG TA CÓ ÐỦ NHỮNG ÐIỀU KIỆN ÐỂ LUYỆN TẬP

CHO ÐÚNG PHÉP YOGA CHƯA ?

Nêu ra câu hỏi nầy thì xin thành thật trả lời rằng : Trong chúng ta chưa ai hội đủ những điều kiện để làm một hành giả Yoga tức là một vị Yogi chân chính.

Mười giới trong Yama và Niyama thật là gắt gao. Dầu cho là luyện khí công Hatha Yoga hay là Yoga nào khác chăng nữa, bước đầu tiên cũng phải giữ trọn vẹn mười giới đó mới học được chơn truyền, mới thành ra thật là một vị Yogi.

Nội một giới thứ ba là Chủ nghĩa độc thân, tuyệt dục, trừ ra một số rất ít gọi là những hột gạo cội của nhơn loại , thì tất cả vẫn chưa giữ được điều nầy nói chi tới chín giới kia. Cả thảy đều quá sức con người đang sống trong xã hội văn minh tân tiến ngày nay, đầy dẫy những thói xa hoa phóng túng, lung lạc, cám dỗ.

Tuy nhiên, người ta có thể luyện tập vài tư thế đặng cho thân thể khỏe mạnh, tráng kiện nhưng không phải thiệt là hành giả Yoga.

Các vị Yogi có một nếp sống khác thường. Các Ngài chỉ ở chốn yên tịnh một mình, tránh xa những chỗ phồn hoa đô hội và độc thân. (Xin đọc quyển Ðông Phương Huyền Bí.)

Nhưng dầu cho luyện đặng trường sinh bất lão, xin nhắc lại : có tài chỉ đá hóa vàng mà không có đủ những đức tánh do Thiên Ðình qui định thì chưa được Chơn Sư thâu nhận làm Ðệ Tử, chưa được Ðiểm Ðạo. Bởi chưng con người chưa diệt được tánh ích kỷ, chưa biết phụng sự nhơn loại, vì vô minh nên chịu đau khổ lầm than từ đời nầy qua đời kia; nói trắng ra, hành giả chưa mở lòng Từ Bi Bác Aùi, chưa biết Bố Thí, chưa biết chia sớt những sự đau khổ của kẻ khác, chưa ra công dìu dắt những người còn ở trong chốn tối tăm ra nơi sáng suốt; nói tóm lại là chưa biết Hi Sinh (Xin đọc lại đoạn “ Sự tiến hóa của nhân loại nhắm vào mục đích nào” của quyển Cách Tu Hành.)

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides