H.T. Trần Văn Rạng
DẪN NHẬP
"Tịnh Thất" là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện. Muốn vào nhà Tịnh Thất phải tuân y những điều lệ như sau nầy:
Chú giải: Từ ngữ tín đồ , xác nhận rằng các chức sắc muốn nhập tịnh phải bỏ chức phẩm, như Đức Hộ-Pháp nói khi nhập tịnh Trí Huệ Cung: “giải chức Hộ-Pháp chỉ là bạn tu mà thôi” (Trí Huệ Cung, trang 13). Trong quyển “Giáo Lý” đuợc lời phê của Đức Hộ Pháp có viết như vầy: “Hàng tín đồ này là bậc thượng thừa xong xuôi tất cả bổn phận làm người, mới đặng nhập Tịnh thất”. Như vậy, người tín đồ muốn vào nhà tịnh phải tiệm tu qua Hạ thừa, Trung thừa rồi mới tới thượng thừa đuợc. Bậc Thượng thừa, Thượng căn, Thượng trí đuợc nhập Tịnh thất vào ngày đại tịnh.
Điều Thứ Nhứt:
Trong hàng tín đồ, ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai giái từ sáu tháng sắp lên thì được xin vào Tịnh Thất mà nhập định.
Chú giải:
Theo qui định trên hàng tín đồ đề cập đó ở vào bậc Trung thừa tu luyện theo trung tịnh vì chỉ mới giữ trai giới 6 ngày trở lên. “Đã giữ nhơn đạo” tức phải giữ đúng thế luật.
Đọc lại chương II, điều thứ 13 của Tân Luật – “Trong hàng hạ thừa ai giữ trai kỳ từ 10 ngày sắp lên đuợc thọ truyền bửu pháp, vào Tịnh thất có người chỉ luyện đạo”
Điều Thứ Hai:
Phải có một người đạo đức hơn mình tiến dẫn và một người đạo hữu bảo hộ.
Chú giải:
Hàng tín đồ Thượng thừa (Thượng căn , Thượng trí) muốn vào nhập Tịnh thất phải có một tu sĩ tuổi thiền cao hơn mình tiến dẫn và một người bảo trợ là anh, em hay con cháu bảo đảm cung cấp phẩm vật và lo đời sống cho tịnh viện suốt thời kỳ tu tịnh. Thế nên buổi lễ nhập Tịnh thất tuy đơn sơ nhưng phải tôn nghiêm có đủ mặt cả ba người: chủ tịnh, tu sĩ tiến dẫn và người bảo trợ. Thiếu một trong ba người đó, buổi lễ phải đình lại.
Điều Thứ Ba:
Cấm không đặng thơ tín vãng lai với người ngoài, trừ ra thân nhân, song phải có người "Tịnh Chủ" xem trước.
Chú giải:
Tu sĩ tịnh luyện là tu chơn, phế trần luyện đạo, nên tịnh chủ phải kiểm soát thơ tín, các bưu kiện gửi cho tu sĩ, ngừa những đồ dùng xa xí trái với luật đạo. Vì theo điều thứ 21, phần Thế Luật của bộ Tân Luật có ghi như vầy:
“Người bổn đạo ăn mặc phải cần kiệm, tuỳ phận tuỳ duyên, nên dùng đồ vải áo bô và giảm bớt hàng tơ lụa”.
Điều Thứ Tư:
Cấm người ngoài không được vào nhà Tịnh, chẳng luận là viên quan chức sắc cùng thân tộc tín đồ.
Chú giải:
Quyển “Giáo Lý” của Trương Tiếp Pháp viết: “Tịnh Thất là một giáo đuờng thâm nghiêm. Tín đồ vào đó đặng an thần dưỡng trí, tu luyện tánh mạng đến công viên qủa mãn”. Như vậy Tịnh Thất là nơi dành riêng cho các tịnh viên phế trần luyện đạo. Do đó người ngoài không nên bước vào đó tham quan như ở các Thánh Thất, Đền Thờ.
Điều Thứ Năm:
Cấm không được chuyện vãn với người ngoài, trừ ra cha mẹ và con cháu đến thăm song cũng phải có phép người "Tịnh Chủ" cho.
Chú giải:
Bên cạnh Tịnh thất còn có Tịnh xá là nhà ở của các tịnh viên. Nơi đây con cháu đến thăm viếng và ủy lạo đuợc, song phải xin phép trước để tránh trùng giờ tịnh luyện. “Cấm không được chuyện vãn với người ngoài” vì sợ thấu lậu phương pháp tọa tịnh ra ngoài, kẻ hám vọng luyện sai mà nguy hại. Tuyệt đối cấm truyền Tân Pháp ra ngoài.
Điều Thứ Sáu:
Nhập Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không được ăn vật chi ngoài mấy bữa cơm.
Chú giải:
Tịnh viên không những kiêng trầu, thuốc, rượu mà thôi, mà còn phải trường chay diệt dục, giữ ngũ giới cấm theo chương bốn, điều thứ 21 của Tân Luật.
Điều Thứ Bảy:
Phải giữ cho chơn thần an tịnh, đừng xao xuyến lương tâm. Phải thuận hòa không được tiếng lớn, phải siêng năng giúp ích cho nhau và dìu dắt nhau trong đường đạo.
Chú giải:
Muốn “chơn thần an tịnh” phải “nhất tâm bất loạn phá vọng tồn chơn” và luyện phép vô niệm. Đó là định của thiền.
Muốn “tâm không xao xuyến” thì không xen, không nói chuyện về người khác. Tuyệt đối không bàn việc thời sự chính trị vì trái với luật của người tu chơn.
“Không đuợc tiếng lớn” vì là nhà tịnh (yên lặng), ít nói chừng nào tốt chừng ấy. Nói nhiều tâm xao xuyến nhiều, chơn thần sẽ tản mạn. Tuyệt đối không nói chuyện trong Tịnh thất.
“Siêng năng giúp ích cho nhau”, trồng hoa màu phụ, ngũ cốc và để nâng cao bữa ăn có nhiều rau xanh.
“Dìu dắt nhau trong đuờng đạo” theo khẩu hiệu : khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thọ” chớ không viết thành văn nên cần giúp đỡ nhau về cách luyện đạo.
Điều Thứ Tám:
Phải tuân mạng lịnh của một "Tịnh Chủ" phải y theo giờ khắc sẽ định mà hành công tu luyện.
Chú giải:
Ban thường vụ Tịnh thất gồm có ba người:
- Chủ tịnh: chủ toạ các phiên họp, chịu trách nhiệm trước Hội Thánh. Khuyên nhủ và kiểm soát mọi sinh hoạt của tịnh viên. Hướng dẫn các tịnh viện luyện đạo.
- Phó chủ tịnh: thay mặt cho chủ tịnh khi vị này vắng mặt, kiêm thủ bổn.
- Từ Hàn: biên chép và giữ sổ sách của Tịnh Thất kiêm lo đời sống.
CÔNG PHU TỊNH LUYỆN
- Sơ tịnh: Dành cho hàng hạ thừa còn sống lẫn lộn với đời. Tịnh tập thể mỗi tháng 2 lần vào giờ dậu ngày mùng một và ngày rằm nơi Điện Thờ Phật Mẫu. Kỳ dư tịnh ở nhà, Thầy dạy “mỗi đứa lo lập một (tiểu) tịnh thất” là ý vậy.
- Trung tịnh: dành cho hàng Trung thừa vẫn còn ở nhà, vào giờ dậu, mỗi ngày phải đến Điện Thờ Phật Mẫu mà tịnh luyện trong 2 giờ. Tu sĩ làm ăn bình thường và làm nghĩa vụ công dân như sơ thiền.
- Đại tịnh: Dành cho hàng Thượng thừa, phế trần luyện đạo phải đủ tứ thời, nhập Tịnh Thất tu luyện cho đến giải thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét