Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Khái lược về Văn Hóa Đạo Đức


Văn Hóa Là Gì ?
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, Eduard Burnett Tylor, nhà xã hội học về văn hóa người Anh đã nêu lên một định nghĩa về văn hóa được chấp nhận khá rộng rãi:

_ "Văn hóa là một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lực thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội." ( E.B Tylor – Văn Hóa Nguyên Thủy,I, 1871)

Theo học giả Nguyễn Văn Thọ:

_" Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, xã hội và hoàn cảnh, để con người có thể sống một cuộc đời khác với muông thú, một cuộc đời thanh cao, đầy đủ nhân cách nhân vị ; và nếu có thể, một đời sống tự do tự tại, khinh khoát, thần tiên. "

Thánh giáo của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:

-" Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ chương cú, giáo dục ..."

Thế nào là văn hóa đạo đức ?
_" Đừng nên hạn hẹp hai tiếng văn hóa trong khuôn khổ văn chương chữ nghĩa hay một số môn học đạo đức mà phải quan niệm cho thật rộng, đúng nghĩa của nó. Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan; sự liên hệ giữa Trời và người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật; sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật....".

" Văn hóa dân tộc nói lên được những gì cao quí tốt đẹp của một dân tộc từ văn học , triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn quốc túy của dân tộc ấy. "

Nguồn gốc của Văn Hóa Đạo Đức

Nguồn gốc xa xưa của văn hóa đạo đức là những khám phá phát minh của những bậc thánh nhân.
Vua Phục Hy vẽ Hà Đồ, Vua Hạ Vũ vẽ Lạc Thư. Từ Hà Đồ và Lạc Thư thánh nhân đã vạch ra Bát Quái và Hồng Phạm Cửu Trù.
Dịch, Hệ từ thượng có viết : " Ngữa trông tượng ở trên trời, cúi xem phép ở dưới đất, quan sát hình nét của chim muông cùng với sự thích nghi của đất; gần thì lấy ở mình, xa thì lấy ở vật, do đó mới vạch Bát quái. "

Bát quái là tám quẻ, là một phát minh của vua Phục Hy (2852 trước CN) thuở chưa có văn tự, đã dùng các nét (vạch) liền và đứt để mô tả nguyên lý sanh thành của trời đất vạn vật. Mà cũng từ đó phát hiện mối tương quan giữa con người với Trời Đất.

Vua Hạ Vũ (Đại Vũ) phát minh ra Hồng Phạm Cửu Trù là cái phép lớn để trị nước. Phát minh này giúp cho đấng minh quân cai trị thiên hạ, phải nắm được các nguyên tắc cơ bản thuộc về vũ trụ và nhân sinh, nghĩa là phép lãnh đạo toàn diện. trong đó :
*4 trù thuộc vũ trụ gồm : ngũ hành, ngũ kỹ, kê nghi, thứ trưng.

*5 trù thuộc nhân sinh gồm : tam đức, ngũ sự, bát chính, ngũ phúc, lục cực.

*Hoàng cực ở vị trí trung tâm của Hồng Phạm Cửu Trù, làm năng lực điều hòa thống hợp vũ trụ vạn vật, thúc đẩy cơ tiến hóa.

Hồng Phạm Cửu Trù là phép hiệp thông giữa Trời Đất với người, là chỗ ráp nối vũ trụ với con người.

Nhưng đến Kinh Dịch mới là nguồn gốc, là căn cơ hi hữu muôn đời của nền Văn hóa Đạo đức Đông phương.
Đặc điểm của Dịch là một kỳ thư dạy cho người học quán thông được lẽ hằng-biến của tam tài Thiên – Địa – Nhân. Đại công trình văn hóa này có thể nói là một kết tập của sự cảm ứng tâm linh giữa Trời và người, giữa người và người ( mà người đây là các bậc Thánh nhân ). Bởi Phục Hy cảm ứng với Trời mà làm nên Bát Quái, Văn Vương cảm ứng với Thánh ý của Phục Hy mà bổ sung ý nghĩa của quái của hào. Rồi Khổng Tử thông đạt vi ý của Văn Vương mà giải lý cho Dịch thêm Thoán, thêm Tượng, thêm Hệ từ, thêm Văn ngôn để lập thành một công trình hoàn bị, giáo dục từ người quân tử đến bậc vua quan trị dân xử thế , lại còn ứng dụng cho những bậc tu hành, học đạo.

Nguồn gốc của Văn hóa đạo đức còn phát xuất từ những Giáo chủ đắc đạo.
Đồng thời với Đức Khổng Tử ở Á Đông, Tây phương có Giáo chủ Pythagore (570-500 BC) dạy các môn đồ triết thuyết về số mục, dùng số để diển tả vũ trụ quan. Pythagore xem số 1 tiêu biểu cho đấng Tạo hóa, là tuyệt đối,là vô cùng, vì tự nơi mình gồm cả nguyên nhân lẫn cứu cánh.
Tại đạo viện, các sinh hoạt của học phái Pythagore có tính văn hóa đạo đức rất cao : có đọc kinh, đi dạo, tĩnh tâm, ăn chay, lại có chơi âm nhạc, xướng ca và nhảy múa, thể thao. Ngoài ra còn đọc sách bình văn, thảo luận , giảng giải...

Cũng vào thời ấy, Đức Lão Tử đã khai minh Đạo vô vi, vô dục, thanh tịnh, hay "Đạo thường" để con người sống có đức, vượt ra ngoài cuộc đấu tranh thấp hèn của ngừời đời :
" Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. (ĐĐK. Ch.63 )

( Làm theo phép vô vi, lo một cách thản nhiên như không lo, nếm cái không mùi vị)

"Thị dĩ thánh nhân dục bất dục, bất quí nan đắc chi hóa ; học bất học, phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên, nhi bất cảm vi."(ĐĐK.Ch.64)

(Thánh nhân muốn sự không ham muốn, không quí những vật gì khó mới có được; học mà như người không học,giúp những người lầm lạc trở về (với Đạo), giúp vạn vật sống theo tự nhiên, mà không can thiệp vào)

" Ngã hữu tam bảo trì nhi bảo chi, nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên. Từ cố năng dũng, kiệm cố năng quảng; bất vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng."(ĐĐK. Ch.67.)

(Ta có ba vật báu mà ta nằm giữ, một là lòng từ, hai là tính kiệm, ba là không dám trước thiên hạ. Có lòng từ nên mới có dũng cảm,vì biết cần kiệm nên mới sung túc rộng rãi; không dám trước thiên hạ nên mới lãnh đạo được thiên hạ.)

3. Trong khi đó, nền văn hóa đạo đức nhân sinh của hơn hai mươi thế kỷ qua, nhất là ở Đông phương, vẫn chịu ảnh hưởng đậm đà của Đạo nhập thế của Đức Khổng Tử, mà ngài đã lấy chữ nhân ( ) để " nhất dĩ quán chi "

Còn cái gốc văn hóa của Phật là sự giác hóa để chúng sanh ngộ đạo. Sự chứng đạo của Ca Diếp khi được tâm ấn của Đức Thế Tôn tại núi Linh Thứu bằng nụ cười bất hủ là khởi điểm của Văn hóa Đạo đức Phật giáo suốt mấy ngàn năm sau này.
Cho đến đầu kỷ nguyên này, một khởi nguồn Văn hóa Đạo đức khác cũng có sức cảm hóa loài người mãnh liệt là gương hy sinh của Chúa Ky Tô để chỉ cho người thế gian biết đâu là " sự sống, đường đi, lẽ thật "
III. Sự hình thành và phát triển của các nền Văn hóa Đạo đức trong cuộc sống nhân sinh.

Đối với nền VHĐĐ do Dịch học phát huy xin giới thiệu một vài trong muôn vàn, tiêu biểu cho quá trình xây dựng VHĐĐ mấy ngàn năm qua
1. Lời giải Văn ngôn quẻ Kiền của Đức Khổng Tử : " Quân tử thể nhân ( ) túc dĩ trưởng nhân ( ), gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa ; trinh cố túc dĩ cán sự. Quân tử hành thử tứ đức giả, cố viết : Kiền, Nguyên Hanh Lợi Trinh ."

Nghĩa : Người quân tử thể theo nhân đủ để trưởng dưỡng người vật, góp nhóm điều tốt đủ để đi đúng với LỄ ; làm lợi người vật đủ để hòa đồng với NGHĨA, vững bền đủ để làm cán cân cho mọi vật. Đấng quân tử thực hành bốn đức đó, cho nên nói : Kiền, nguyên hanh lợi trinh.

Văn ngôn hào Lục Ngũ Quẻ Khôn : " Quân tử Huỳnh trung thông lý, chánh vị cư thể. Mỹ tại kỳ trung nhi xướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp, mỹ chi chí dã !"
Nghĩa : Người quân tử ở chỗ trung ( màu vàng : hành thổ ), thông suốt mọi lý lẽ, tuy ở ngôi vua mà ở thể dưới. Những cái tốt đẹp bên trong phát xuất ra ngoài tay chân, gầy nên sự nghiệp, thiệt là tốt đẹp tột bực vậy ! ( Thực chất có bên trong, thì văn vẻ sẽ hiện ra bên ngoài ).

Những nét văn hóa đạo đức trên đây là lối giáo huấn của thánh nhân, đã thấm nhuần trong tư tưởng Đông phương nói chung và trong văn hiến Việt Nam nói riêng. Như tại đền Thái Vy (Ninh Bình), ngay trên chính điện thờ các bậc tiên vương nhà Trần , có bức khánh khắc bốn chữ " CHÍNH LONG ĐỨC TRUNG ", ý nghĩa ca ngợi cái đức trung chính cao cả của bậc minh quân
Nền Văn hóa Đạo đức do Phật đạo và Thiền học phát huy :
Nền Văn hóa này vừa thâm trầm, vừa thanh thoát, biểu hiện sự giác ngộ của nhân sanh nhờ trì tu Phật pháp.

Có thể nói VHĐĐ của Phật đạo là nền Văn hóa xoay quanh cái trục của Tâm, của Thiền.

Hai bài thơ nổi tiếng của Thần Tú và Huệ Năng là khẩu khí của hai bậc đồ đệ của Ngũ tổ Hoàng Nhẫn, vô hình chung đã trở thành hai bài ứng đối tài tình cho đề tài về Tâm.
Thần Tú :

Thân thị bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhá trần ai.

Nghĩa :

Thân ấy bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Giò giờ cần phủi sạch,

Chớ để vướng trần ai.

Huệ Năng :

Bồ đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bổn lai vô nhứt vật,

Hà xứ nhá trần ai.

Nghĩa :

Bồ đề chẳng có thọ,

Minh cảnh cũng không đài.

Bổn lai không một vật,

Nào chỗ vướng trần ai.

Chính chữ Tâm cũng là nguồn cảm hứng để làm nên bài vịnh bất hủ :
Tam điểm như tinh tượng,

Hoành câu tựa nguyệt tà.

Phi mao tùng thử đắc,

Tác Phật giả do tha.

Nghĩa : Ba điểm tựa hình sao,

Móc câu như trăng xế.

Cầm thú bởi từ đây,

Tạo Phật đều do đó.

Tác phẩm " Khóa Hư Lục " của vua Trần Thái Tông là một công trình VHĐĐ của một bậc chân tu trong giới Thiền Việt Nam được các hàng Phật học đời sau hết sức ngưỡng mộ.Lời tựa của bản dịch Khóa Hư Lục được viết như sau :
" Sách này chính tay vua Trần Thái Tông viết ra. Sở dĩ làm ra sách này thực là vì người ta từ bao kiếp tới nay, quên mất bổn tâm, chẳng biết đạo chính, đọa ba đường khổ, bởi sáu căn sai. Nếu không sám hối lỗi trước, khó sao mong dược quả sau.

" Không cứ gì phái thế gian hay phái xuất thế gian, đều nên chăm chỉ tu hành sám hối. Tâm nên hư không, thời giờ không thể bỏ không được, mà công phu học tập càng một phút không thể bỏ không được, cho nên nhứt định cứ đúng lệ ngày đêm chia làm sáu buổi : 1) Đầu tiên dâng hương, 2) Tâm bạch. 3) Thứ đến sám hối, 4) Khuyên mời, 5) Sau chót là hồi hướng, 6) Phát nguyện [. . . ]

" Lời văn yếu ước mà lời lẽ rõ ràng, việc làm giản dị mà công dễ tới ; có thể nhân đó mà ngăn lòng vượn, phòng ý mã, vượt biển khổ qua bến mê . . . "

Một công trình Văn hóa Đạo đức bất hủ nữa là Thập Mục Ngưu Đồ, dù xưa nay mỗi thời, mỗi nét họa khác nhau, nhưng trước sau vẫn là bài học tìm TÂM, một quá trình làm chủ Tâm không hề thay đổi, bởi vì đó là Pháp là Đạo.
Còn đối với Lão Trang, từ Đạo Đức Kinh đến Nam Hoa Kinh đã hàm súc bao nhiêu đạo lý và triết lý thâm sâu giúp cho các đạo gia tu luyện đạt đến chỗ thung dung tự tại. Nếp sống, nếp nghĩ, lời nói, việc làm của những vị này thể hiện cốt cách thanh tịnh giải thoát, vô dục , vô cầu, đã góp phần xây dựng nền văn hóa đạo đức cho nhân loại.
Như cụ Nguyễn Bĩnh Khiêm ( 1491-1535 ) đã từng tỏ bày quan niệm sống an nhiên vô sự của đạo gia :

Lọ là thành thị , lọ lâm toàn,

Được thú thì hơn miễn phận nhàn.

Vụng, bất tài nên kém bạn;

Già, vô sự ấy là tiên.

Đồ thư một quyển, nhà làm của,

Phong nguyệt lâm tuyền khách nổi thuyền.

Dù nhẫn, chê khen dù miệng thế,

Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.

Và Nguyễn Công Trứ , tuy là một nhà nho, nhưng vẫn có tư tưởng Lão Trang, chuộng thú điền viên , thoát vòng danh lợi :

Mãi thế rồi ta sẽ tĩnh đây,

Điền viên thú nọ vẫn xưa nay.

Giang hồ bạn lữ câu tan hợp,

Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say.

Tòa đá Khương công đôi khóm trúc,

Áo xuân Nghiêm tử một vai cày.

Thái bình vũ trụ càng thông thả,

Chẳng lợi danh gì lại hóa hay.

Ở trên chúng ta thấy Kinh Dịch là một cẩm nang muôn đời để giúp cho con người biết được đường lối hoàn thiện bản thân, hoàn thiện xã hội để xây đời Thánh đức. Nhưng cái Đạo, cái Lý, cái Pháp đó là gốc lớn của VHĐĐ ; như nguồn suối vĩnh cửu chảy xuyên qua bao nhiêu thác ghềnh, rừng núi, kẻ đá , bụi cỏ , khóm cây, qua bao năm tháng chan hòa cùng khắp lâu đời, mới làm nẩy nở hoa thơm cỏ quí nơi nơi. Những tinh hoa đó có thể lấy Kinh Thi làm điển hình.
Kinh Thi là một tập thơ cổ nhất Trung Quốc tập họp những dân ca và ca dao đẹp nhứt, hay nhứt của Trung Quốc từ xa xưa đến thế kỷ thứ 6 trước CN. Đến thời Hán ( 206 trước CN ) , tập thơ nầy được xếp vào một trong Ngũ kinh.

Kinh Thi với hàng trăm bài thơ đầy thi vị, đầy nhạc điệu, uyển chuyển, ví von , duyên dáng, vừa hiện thực mọi tâm tình của đời sống mọi người, mọi giới, vừa phản ảnh nhân sinh quan đạo đức lâu đời.

_ Ví dụ nơi chương Khải phong ( gió hòa : gió phương Nam ) :

Từ phương Nam.

Gió hòa đưa lại;

Cây gai dại,

Gió thổi lõi gai,

Lõi gai non nót tốt tươi,

Mẹ ta kể biết mấy mươi công trình.

Và :

Từ phương Nam,

Gió hòa đưa lại.

Cây gai dại,

Gió thổi củi gai.

Mẹ ta thánh thiện ở đời,

Mà ta chẳng được có người nào hay.

Ví dụ chương " Thuần chi bôn bôn" :


Thuần chi bôn bôn,

Tước chi cương cương.

Nhân chi vô lương,

Ngã dĩ vi huynh.

Dịch nghĩa :

Kìa con chim thuần,

Nọ con chim tước,

Bay đậu cùng nhau.

Người kia hư thiệt đến đâu,

Ta phải ngậm sầu, ta nhận làm anh.

Ở nước ta , Kinh Thi có ảnh hưởng khá sâu sắc vào tác phẩm văn học của các nho sĩ cũng như vào một phần đời sống văn hóa của nhân dân. Trong dân gian có một số chữ rất thông dụng như : "vu qui", "gia thất", yểu điệu" , " chín chữ cù lao ", " phù du ", "cầm sắt", " lang bạt ", không ai là không biết, không hiểu . . .

VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC

1. Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi (1380 – 1442 )
Phép dạy con

Ngày con đã biết chơi , biết chạy,

Đừng cho chơi, cầm gậy, trèo cao,

Đừng cho chơi búa, chơi dao,

Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao, có ngày . . .

Lau cho sạch, không hay dầm nước ;

Ăn cho vừa, đừng ước cao lương

Mùa đông, tháng hạ, thích thường.

Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con,

Dạy từ thuở hãy còn trứng nước :

Yêu cho đòn, bắt chước lấy người.

[ . . . ]

____________

Việc nội trợ

Bề nội trợ việc trong xem xét,

Siêng năng thời trăm việc đều nên.

Chớ khoe khoang lắm thóc nhiều tiền.

Ngồi ăn mãi, non mòn núi lở.

Việc nhà có kẻ ăn, người ở,

Từ trong ngoài, nhủ bảo trước sau.

Đồ làm ăn, ngày để đâu đâu,

Ban tối phải thu về cho đủ,

Trống canh một chớ đà vội ngủ ;

Siêng năng thường chăm chủ việc ta.

[ . . . ]

2. Ca dao : Mẹ dạy con gái

Con ơi ! Mẹ bảo đây này,

Học buôn học bán cho tày người ta.

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Dù no, dù đói cho tươi ;

Khoan ăn , bớt ngủ, liệu bài lo toan.

Phòng khi đóng góp việc làng :

Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng.

Trước là đắc nghĩa cùng chồng,

Sau là họ mạc cũng không chê cười,

Con ơi! nhớ bấy nhiêu lời.

Chồng khuyên vợ

Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa anh làm bếp, nửa toan làm buồng.

Anh cậy em coi sóc trăm đường,

Để anh buôn bán trẩy-trương thông hành,

Còn chút mẹ già, nuôi lấy cho anh,

Để anh buôn bán thông-hành đường xa.

Liệu mà thờ kính mẹ già,

Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.

3.Hát chèo :
Vở chèo Quan Âm Thị Kính

( đoạn kết cục )

Lấy lửa thử vàng,

Này ai ơi, lấy lửa thử vàng,

Vàng đem thử lửa, lại càng thêm tươi.

Con người ta, sinh ra ở trên đời,

Lấy chữ tình đem thử dạ người thủy chung.

Lấy chữ tu đem thử bền lòng,

Lòng bền nhân ái là tu vòng trần gian.

Dầu có oan thời mấy cũng giải oan.

4. Bài tụng Công nghiệp Đức Trần Hưng Đạo
( Thơ Thất ngôn cổ phong )

Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn,

Một bực vĩ nhân của nước nhà,

Một đấng anh hùng của thế giới,

Một vị lương đống triều Đông A.

Chiến công đệ nhứt trong Việt sử,

Thắng Nguyên, uy danh vang gần xa.

Quân Ngyên vốn là quân Mông Cổ,

Đã từng diệt Tống, đánh bại Nga.

Từ Á sang Âu đâu cũng thắng,

Thế mà hai lần đều thua ta.

Vì Hưng Đạo Vương gan sắt đá.

Quyết chí "sát thát" cứu sơn hà.

Tâu vua " Xin chặt đầu tôi trước,

"Rồi hãy hàng giặc mà cầu hòa".

Trước sau vẫn lấy Trung làm Hiếu,

Tư hiềm đâu bằng công nghĩa mà,

Tấm gương trung nghĩa cảm tướng sĩ.

Trên dưới một lòng phò quốc gia.

Trận "Hàm Tử", "Chương Dương", "Tây Kết",

Trận "Vạn Kiếp", "Bạch Đằng" xông pha.

Chém Toa Đô, lại bắt Ô -Mã,

Chiến công oanh liệt , gương không nhòa.

Văn mô, vũ liệt truyền muôn thủa,

Đọc hịch dường đọc bài quốc ca !


Lễ hội : Theo Ông Jean Duvignaud, giáo sư Đại học tổng hợp Paris, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu các nền văn hóa thế giới :
" Lễ hội có những hình thức và nguồn gốc vô cùng đa dạng. Nhưng chính sự đa dạng này thể hiện vai trò trọng yếu của hội hè nói chung trong đời sống cộng đồng.

Nhà xã hội học Durkheim đã nhìn lễ hội như một "phấn khích" mà cường độ của nó duy trì sự đoàn kết của một tập đoàn hay một dân tộc : ở đó người ta thể hiện, người ta hình dung những mối quan hệ vô hình mà con người tồn tại với thiên nhiên và những qui luật của nó.

Là một thiết chế thực sự, lễ hội bảo vệ, tái sinh và tái tạo sợi dây liên kết các thành viên của một xã hội.

Trong quyển " Kho tàng Lễ hội cổ truyền Việt nam" TS. Nguyễn Chí Bền viết: "[ . . .}Lễ hội trở thành một sinh họat văn hóa – tín ngưỡng của cộng đồng, một thành tố văn hóa đặc biệt ở làng quê . . . Các trò diễn, các nghi lễ đưa con người vào tâm thế trở về cội nguồn, tắm mình trong không gian huyền thọai, đậm đặc chất lịch sử. Và biểu hiện trong con người lòng biết ơn, sự ước mong thầm kín khi họ đến với vị Thánh của làng, đến với Thần linh để cầu mong cho bản thân, gia đình dòng họ, cộng đồng sự bằng an, sinh sôi nẩy nở của con người lẫn tạo vật. "

( Ảnh minh họa Lễ hội giổ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng-Phú Thọ )


KHẢ NĂNG ĐÓNG GÓP CỦA TÔN GIÁO CAO ĐÀI VÀO NỀN VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC NHÂN LOẠI

Nhấn mạnh lại nguồn gốc sâu xa của văn hóa :
-" Văn hóa rất tế nhị mà bao la, trầm mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. . ." ( Đức Lý Giáo Tông )

Từ đó, liên hệ với tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt" và mục đích" Thế đạo Đại đồng, Thiên đạo Giải thoát" của đạo Cao Đài, ta thấy Cao Đài đang un đúc, phục hưng cái "Chân" nơi mọi thực tại con người, mọi tôn giáo, mọi cộng đồng dân tộc để phát huy thành cái Thiện cái Mỹ cho thời đại TKPĐ.
Trên đây ta thấy văn hóa rất bao la, trong đó, tôn giáo là một mặt của Văn hóa Đạo đức, thế nên với danh nghĩa ĐĐTKPĐ, Cao Đài đã và đang đóng góp vào nền văn hóa đạo đức một cách tích cực trong vai trò tôn giáo của mình.
Nhưng trong tương lai, Cao Đài còn phải vượt xa, vượt cao hơn nữa lên đến tầm vóc Đại Đạo mới đạt đến mục tiêu Văn hóa Đạo đức một cách trọn vẹn.

a)- Với phương tiện tôn giáo : Cao Đài đã có đầy đủ những hình thức văn chương– kinh điển – nghi lễ để thúc giục nhân sanh hướng thiện và giác ngộ bằng đạo lý biểu hiện qua các hình thức ấy.

b)- Với Giáo lý Đại Đạo và Tân Pháp Đại Đạo, Cao Đài sẽ phục hồi nhân bản nơi mỗi con người và phục hưng nhân bản trong mọi sinh hoạt toàn diện của con người, trong mọi cộng đồng, mọi quốc gia dân tộc và thế giới. Đó là sứ mạng trọng đại nhứt mà cũng có tính văn hóa đạo đức cao nhứt.


Do đó , tôn chỉ " Thế đạo Đại đồng và Thiên đạo Giải thoát" sẽ được nhân loại thực hiện bằng KHOA HỌC và VĂN HÓA.

Thời đại ngày nay, phương tiện khoa học và phương tiện văn hóa đã tiến bộ vượt bậc, Sứ mạng Cao Đài phải làm sao cho có tính khoa học đó là khoa học văn minh toàn diện và văn hóa đó là văn hóa đạo đức thế gian lẫn xuất thế gian..

Chúng ta tin rằng Sứ mạng Cao Đài hay Sứ mạng ĐĐTKPĐ đó là sứ mạng khả thi , bởi vì Cao Đài đã được Đức Thượng Đế khải thị từ Nhân bản và đặt nó trên nền tảng Nhân bản mà cứu cánh của Nhân bản ấy chính là tiến hóa trở về Thượng Đế.

( Hình trên: Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương; Hình 1: Múa cung đình - ảnh tư liệu ; Hình 2:Lễ hội trong Văn miếu với dàn trống cổ truyền - ảnh tư liệu)
Thiện Chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides