NGÔ VĂN CHIÊU - người mở con đường thiền của đạo Cao Đài
Tiếp theo bài "Ngô Văn Chiêu - người môn đệ Cao Đài đầu tiên (phần II)"
Rời đảo Phú Quốc ngày thứ Ba 29-7-1924 (28-6 Giáp Tý), hôm sau tiền bối Ngô Văn Chiêu về tới Sài Gòn. Thoạt đầu, tiền bối trọ tại khách sạn Bá Huê Lầu, đường Pellerin (nay là Pasteur). Tiền bối nhiều lần thay đổi chỗ trọ, có lúc dời về đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải, Đa Kao), rồi về đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), gần chợ Bến Thành, mướn nhà trên lầu một, phía dưới là một phòng răng. Năm 1928 (Mậu Thìn), nơi cuối cùng tiền bối trú ngụ trong thời gian sống tại Sài Gòn là nhà số 110 đường Bonard (nay là Lê Lợi). Tiền bối ở trên lầu hai, tầng trệt là tiệm tạp hóa của một Hoa kiều (người Hải Nam).[1]
Lúc ở đảo Phú Quốc tiền bối đã có tình giao hảo với đạo Minh Sư. Trở về Sài Gòn, tiền bối hay ghé chùa Ngọc Hoàng (Ngọc Hoàng điện), nguyên của đạo Minh Sư.[2] Ngoài ra, tiền bối ít khi giao du, giữ hạnh ẩn tu giữa Sài Gòn nhộn nhịp.
I. TIỀN BỐI NGÔ VĂN CHIÊU VÀ MƯỜI HAI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI ĐẦU TIÊN
Đúng một năm sau ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu rời khỏi đảo Phú Quốc, có một nhóm công chức người tỉnh Tây Ninh đang làm việc ở Sài Gòn thực tập xây bàn (la table tournante) để tiếp xúc với cõi siêu hình theo cách chỉ dẫn trong các sách Thông linh học (Spiritisme) in bên Pháp. Bấy giờ, những năm 1924-1925, đang có một làn sóng Thông linh học lan tràn khắp cả Nam Kỳ, theo báo cáo của một chủ quận được ghi nhận trong phúc trình “Le Caodaĩsme” (01-01-1932) của Lalaurette, Thanh tra chánh trị và hành chánh sự vụ (Inspecteur des affaires politiques et administratives).[3]
1. Nhóm xây bàn ở phố Hàng Dừa
Nhóm xây bàn ở phố Hàng Dừa (Arras) lúc đầu chỉ có bốn người:
- Tiền bối Cao Quỳnh Cư (1888-1929) và vợ là Nguyễn Thị Hiếu (tức Hương Hiếu, 1887-1971). Tiền bối Cư bấy giờ làm thơ ký Sở Hỏa xa Sài Gòn, ngạch tham tá (commis), thuê nhà ở số 134 đường Bourdais (nay là Calmette, quận 1).
- Tiền bối Cao Hoài Sang (1901-1971), tham tá Sở Thương chánh Sài Gòn[4], thuê nhà ở đường Arras,[5] cách nhà tiền bối Phạm Công Tắc một căn[6].
- Tiền bối Phạm Công Tắc (1890-1959), thơ ký Sở Thương chánh Sài Gòn.
Việc xây bàn hàng đêm của nhóm Cao-Phạm diễn tiến như sau (lược ghi một số điểm mốc chính)[7]:
Thứ Sáu 24-7-1925 (04-6 Ất Sửu): Hai tiền bối Cư, Tắc ghé nhà tiền bối Sang tập xây bàn, nhưng không kết quả.
26-7-1925 Chủ Nhật (06-6 Ất Sửu): Xây bàn, tiếp được chơn linh Cao Quỳnh Tuân (1844-1896) là thân phụ tiền bối Cư. Từ đó, các vị hàng đêm liên tục xây bàn.
Thứ Sáu 28-8-1925 (10-7 Ất Sửu): Xây bàn tại nhà tiền bối Cư, tiếp được Đức Chí tôn, nhưng Ngài ẩn danh, chỉ xưng là AĂÂ, mượn ba con chữ đầu tiên của bảng chữ cái quốc ngữ. A do Alpha hay a (con chữ đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp), tượng trưng đầu mối của vũ trụ vạn vật, tức là Thái cực (theo biểu tượng cổ). Ă và Â là biến thể của A, như là âm và dương (lưỡng nghi sinh ra từ Thái cực). Dấu Ú trên chữ Ă trông giống phần âm ngửa lên, màu đen; dấu ^ trên chữ A trông giống phần dương úp xuống, màu trắng trong biểu tượng cổ của Thái cực (xem minh họa dưới đây). Có thể hiểu AĂÂ là một cách biểu thị Thái cực âm dương. Thái cực là đầu mối sinh ra càn khôn vũ trụ nên AĂÂ và Thái cực đều biểu thị Thượng đế vô ngã (impersonal God).
Trung tuần tháng 9-1925 (hạ tuần tháng 7 Ất Sửu): Nhóm Cao-Phạm chuyển sang dùng đại ngọc cơ để cầu tiên theo phương pháp cổ truyền của đạo Lão.
Thứ Ba 15-12-1925 (30-10 Ất Sửu): Đức AĂÂ dạy ba vị tiền bối Cao-Phạm: “Ngày mồng 1 tháng 11 này tam vị phải vọng thiên cầu đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quỳ giữa trời, cầm chín cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng đế ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà quy chánh.” Đây là lần đầu tiên nhóm Xây bàn được nghe hồng danh Cao Đài, và chính thức trở thành môn đệ Cao Đài từ ngày 16-12-1925.
Thứ Hai 11-01-1926 (27-11 Ất Sửu): Tiền bối Lê Văn Trung (1876-1934) đến nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư (134 Bourdais) hầu đàn, được Đức Cao Đài ban ơn cho bốn câu thơ.
Thứ Hai 18-01-1926 (05-12 Ất Sửu): Tuân lịnh Đức Cao Đài, nhóm Cao-Phạm mang đại ngọc cơ đến nhà tiền bối Lê Văn Trung (ở đường Quai Testard, nay là Châu Văn Liêm, quận 5, Chợ Lớn). Đức Cao Đài giáng cơ thâu nhận Lê tiền bối làm môn đệ.
2. Nhóm Cao-Phạm hiệp với tiền bối Ngô Văn Chiêu
Khoảng hạ tuần tháng 01-1926 (trung tuần tháng 12 Ất Sửu): Đức Cao Đài dạy nhóm Cao-Phạm phải hiệp cùng tiền bối Ngô Văn Chiêu lo mở đạo Cao Đài, và phải kính tiền bối Chiêu làm Anh Cả. Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), nghi thức cúng lạy… Cũng từ đó, việc lập đàn cầu tiên được tổ chức như sau: Ngô tiền bối làm pháp đàn; hai tiền bối Cư và Tắc làm đồng tử âm dương (song đồng); tiền bối Hương Hiếu làm điển ký.
Tại Sài Gòn, chiều 30 Tết (thứ Sáu 12-02-1926), các tiền bối cùng nhau đi một vòng ghé nhà từng bạn đạo. Bắt đầu đi từ nhà tiền bối Võ Văn Sang (Cầu Muối), rồi lần lượt ghé các tiền bối: Cao Quỳnh Cư, Vương Quan Kỳ (80 Lagrandière, nay là Lý Tự Trọng, quận 1), Lê Văn Giảng (85 Lagrandière), Nguyễn Trung Hậu (Đa Kao, quận 1), Nguyễn Văn Hoài, Phạm Công Tắc, Đoàn Văn Bản (42 Général Leman, nay là Cao Bá Nhạ, quận 1), Nguyễn Hữu Đắc (100 Lục Tỉnh, nay là Hùng Vương, quận 6)[8], Lý Trọng Quý. Cuối cùng về đến nhà tiền bối Lê Văn Trung thì vừa kịp đón giao thừa.
Tại từng nhà, tiền bối Ngô Văn Chiêu và cặp đồng tử Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư lập đàn cơ. Đức Cao Đài Tiên ông ban ơn cho mỗi chủ nhà một bài tứ tuyệt, ngụ ý khuyến tu, khích lệ các tiền bối gắng công gầy dựng nền tôn giáo Cao Đài.
Tết Nguyên đán Bính Dần trôi qua. Sang giờ Tý ngày mùng 9, các tiền bối thiết lễ vía Trời lần đầu tiên tại nhà tiền bối Vương Quan Kỳ (đêm thứ Bảy 20-02-1926). Đức Cao Đài dạy:
Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.
Tiền bối Ngô Văn Chiêu bạch với Đức Cao Đài, xin một bài thơ điểm danh chung cho những người đang có mặt. Đức Cao Đài ban ơn như sau:
Chiêu, Kỳ, Trung, độ dẫn Hoài sanh,
Bản, đạo khai Sang, Quý, Giảng thành.
Hậu, Đức, Tắc, Cư thiên địa cảnh,
Quờn, Minh, Mân đáo thủ đài danh.
Quờn, Minh, Mân là ba người khách của tiền bối Vương Quan Kỳ. Sang có thể là Cao Hoài Sang, trùng tên với Võ Văn Sang. Như vậy, tuy bài thơ nêu mười hai tên gọi, nhưng có thể hiểu là điểm danh mười ba vị đệ tử đầu tiên, trong đó tiền bối Ngô Văn Chiêu đứng đầu, làm anh cả.
Theo luật đạo Cao Đài, đứng đầu hội thánh (Cửu trùng đài) là giáo tông (pope)[9]. Giáo tông được giải thích là anh cả (the eldest brother); toàn thể môn đệ đối với nhau là anh chị em (brothers and sisters) như con một nhà, cùng thờ chung một Cha (Father) hay một Thầy (Master) thiêng liêng là Đức Cao Đài Thượng đế (God).
Từ khi rời Phú Quốc về Sài Gòn, tiền bối Ngô Văn Chiêu vẫn tiếp tục con đường tu luyện theo nội giáo tâm truyền (esotericism) do Đức Cao Đài truyền dạy. Khi nhóm Cao-Phạm vâng lịnh Đức Cao Đài tiếp xúc với Ngô tiền bối (hạ tuần tháng 01-1926) thì người đang trong thời kỳ tu luyện tâm pháp nên không trực tiếp tham gia hoạt động phổ độ, tức là theo ngoại giáo công truyền (exotericism). Vì thế, trong đêm giao thừa đón năm mới Bính Dần, Đức Cao Đài dạy chung ba vị Lê văn Trung, Vương Quan Kỳ và Nguyễn Văn Hoài như sau: “Trung, Kỳ, Hoài, ba con phải lo thay mặt Chiêu mà đi độ người. Nghe và tuân theo.”
Mỗi thứ Bảy, tiền bối Ngô Văn Chiêu cho làm một tiệc chay nhỏ ở căn phố trọ (số nhà 110 Bonard, Sài Gòn) để đãi các em đã thay mặt người đi truyền đạo. Tiền bối còn xuất tiền may tặng một vài vị áo dài để mặc cho tươm tất mỗi khi đi phổ độ các nơi.[10]
3. Tiền bối Ngô Văn Chiêu tách ra khỏi hoạt động phổ độ
Ngô tiền bối hướng dẫn nhóm Phổ độ được khoảng ba tháng thì bắt đầu diễn ra những sự kiện quan trọng để chuẩn bị thành lập Hội thánh Cao Đài. Ba sự kiện có liên quan tới Ngô tiền bối như sau:
* Tháng 4-1926: Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc gặp tiền bối Ngô Văn Chiêu, truyền lịnh may thiên phục giáo tông (áo màu trắng, có thêu tám quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn). Tiền bối Hương Hiếu được lịnh đem lại bàn cơ chén nước lạnh để Đức Cao Đài vẽ kiểu thiên phục. Khi nào may xong áo, sẽ lập đàn cơ để Đức Cao Đài chỉ rõ vị trí đặt tám quẻ trên áo.
* Chủ Nhật 18-4-1926 (07-3 Bính Dần): Đức Cao Đài dạy tiền bối Hương Hiếu cách may mão giáo tông (màu trắng, cao 33,30cm, có hai dải thòng xuống vai, rộng bản 3cm, dài 30cm). Ngày hôm sau, tiền bối Hương Hiếu làm thử một cái mão bằng giấy dâng lên để Đức Cao Đài sửa lại cho đúng.
* Thứ Năm 22-4-1926 (11-3 Bính Dần): Cầu cơ tại nhà tiền bối Cao Quỳnh Cư. Trong lúc dâng lên Đức Cao Đài cái mão giáo tông làm thử (lần thứ nhì), tiền bối Hương Hiếu đã tỏ ra vội vàng, nên Đức Chí tôn dạy: “Trúng. Mà ai đội con phòng lật đật!”
Như thế, Ðức Chí Tôn đã tiên tri Ngô tiền bối sẽ không nhận phẩm giáo tông. Thật vậy, đây là lúc tiền bối Ngô Văn Chiêu quyết định tách ra khỏi hoạt động phổ độ, trở về với nếp sống ẩn tu cố hữu trong sáu năm qua. Người muốn dốc trọn tâm chí và dành nhiều thời gian vào việc tu thiền cho thành công ngõ hầu xây dựng nền tảng vững chắc cho nội giáo tâm truyền.
Tiền bối Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị giáo tông vào ngày thứ Bảy 24-4-1926 (13-3 Bính Dần). Người cũng hoàn lại tiền bối Hương Hiếu số tiền đã mua vải để may bộ thiên phục và mão giáo tông theo lịnh Đức Cao Đài. Tuy Ngô tiền bối từ tạ, nhưng ngày nay toàn đạo Cao Đài vẫn kính ngưỡng người là Đệ nhất Giáo tông.[11]
II. SÁU NĂM CUỐI ĐỜI TIỀN BỐI NGÔ VĂN CHIÊU (1927-1932)
Những người chọn con đường ẩn tu để hành thiền (tịnh luyện) đã dần dần tìm đến tiền bối Ngô Văn Chiêu xin thọ pháp môn. Một nhóm môn đệ ở Cần Thơ đã hình thành Chiếu Minh đàn. Đàn (séance) là nơi cầu tiên để tu học. Chiếu Minh phát triển dần dần trở thành một nhánh tu kín (esoteric) của đạo Cao Đài, khổ hạnh, ngủ ngồi, khi thoát xác cũng ở tư thế ngồi, con mắt trái mở ra là ấn chứng đắc đạo. Người tu nam và nữ đều ghép chữ Minh vào tên gọi để làm tên đạo, như: Minh Chiêu (Ngô Văn Chiêu), Minh Huấn (Lê Văn Huấn), v.v. Tháng 5-1927, các vị này tạo lập nghĩa địa Chiếu Minh ở Cần Thơ.
Chủ Nhật 27-6-1927 (18-5 Bính Dần), tại Chiếu Minh đàn Cần Thơ, Đức Cao Đài giáng cơ dạy Ngô tiền bối: “Tại lời nguyện của con khi trước, nay Thầy đã hứa cho con ngồi yên tịnh đặng Thầy dìu dắt con theo Thầy. . .”
1. Thăm núi Tà Lơn lần đầu
Trung tuần tháng 6-1928 (cuối tháng 4 Mậu Thìn), Ngô tiền bối xin nghỉ việc sáu tháng để đi du lịch Cam Bốt (thăm núi Tà Lơn,[12] Đế Thiên Đế Thích…) theo lịnh của Đức Cao Đài. Lúc này số môn đệ Chiếu Minh tháp tùng theo tiền bối có khoảng ba mươi người. Khởi hành ngày thứ Tư 13-6-1928.
Trở về làm việc ở Sài Gòn một thời gian, sau đó Ngô tiền bối và một số môn đệ Chiếu Minh chu du sáu tỉnh ở Nam Kỳ. Chuyến đầu ghé ba tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre. Chuyến sau đi ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
2. Hiển đạo tại thế
Thứ Năm 03-4-1930 (05-3 Canh Ngọ), Ngô tiền bối vẫn đang ở Sài Gòn (110 Bonard), nhưng đàn cơ giờ Ngọ tại Hiệp Minh đàn (Cái Khế, Cần Thơ) lại tiếp được một bài thơ thất ngôn bát cú do tiền bối và tiên ông Vân Trung Tử cùng giáng cơ ban cho:
Xuân giao phưởng phất hạ phùng nhiên,
Ngoạn cẩm VÂN TRUNG thạch động tiền.[13]
Võ trụ hoằng khai thành giác cố,
Đống lương đạo mỹ nghiệp hoàng duyên.
Thành tâm thủ lễ sanh CHIÊU ĐỊA,[14]
Lạc ý quang nhơn vận đạt thiên.
Minh hóa di thân triêm phổ chúng,
Anh linh hàm vịnh cổ kim truyền.
Sự kiện này chứng minh Ngô tiền bối đã đắc đạo tại thế gian, thân phàm vẫn ở Sài Gòn nhưng hồn linh có thể xuất ra chu du viễn xứ. Hàng năm, môn sanh Chiếu Minh lấy ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch làm lễ kỷ niệm ngày tiền bối Ngô Văn Chiêu hiển đạo tại thế.
3. Thăm núi Tà Lơn lần thứ nhì
Tháng 12-1931 (Tân Mùi), Ngô tiền bối xin nghỉ việc, về Cần Thơ dưỡng bệnh, ở tại nhà ông Lý Trọng Quý, số 39, đường Nguyễn An Ninh.
Thứ Tư 30-3-1932 (24-02 Nhâm Thân), Ngô tiền bối đi thăm núi Tà Lơn lần thứ nhì. Người tỏ ý sẽ thoát xác nơi đây. Các môn đệ đi theo hết sức khẩn khoản, tiền bối mới bằng lòng trở về Cần Thơ.
Chủ Nhật 10-4-1932 (05-3 Nhâm Thân), tiền bối về đến Cần Thơ và ở luôn tại đây cho tới ngày quy thiên. Vì tiền bối không chịu tá túc trong nhà của bất kỳ môn đệ nào, môn sanh Chiếu Minh cất cho người một lều tranh giản dị (thảo lư), không xa nghĩa địa Chiếu Minh, cách châu thành Cần Thơ khoảng 3km.
4. Cỡi rồng về nguyên
Sáng thứ Hai 18-4-1932 (13-3 Nhâm Thân), tiền bối bảo môn sanh chuẩn bị xe đưa người về nhà ở tỉnh Tân An. Sau khi xong buổi ngồi thiền giờ Ngọ, đồng tử Lê Văn Ngưng (1906-1948) cõng tiền bối ra xe. Người ngồi riêng ở băng sau. Cùng đi có các môn sanh là bà Võ Văn Thơm, bà Trần Thị Hường (bà Tư Huỳnh)[15], đồng tử Ngưng, và con gái thứ năm của tiền bối (Ngô Thị Nguyệt). Dọc đường, da mặt và thân thể Ngô tiền bối dần dần chuyển thành màu vàng nghệ.
Xe qua phà Cần Thơ, đi tiếp đến Vĩnh Long rồi xuống phà Mỹ Thuận. Phà chạy ra gần giữa sông Tiền (một nhánh sông Cửu Long, chín rồng) thì Ngô tiền bối đã nhẹ nhàng thoát xác lúc 3 giờ chiều. Việc này ứng hợp với lời Đức Cao Đài dạy tiền bối vào giữa năm 1924 (Giáp Tý):
Giờ này Thầy điểm thâm công,
Ngày sau con sẽ cỡi rồng về nguyên.
Môn sanh yêu cầu quay phà trở lại. Xe vừa lên khỏi phà thì gặp xe của hai môn sanh Nguyễn Văn Huỳnh (Tư Huỳnh) và Bùi Quang Huy vừa đến.[16] Mọi người đưa nhục thân Ngô tiền bối trở lại thảo lư ở Cần Thơ. Lúc này da tiền bối trở lại bình thường, con mắt trái (dương) mở to ra, nhìn như người sống, con mắt bên phải (âm) khép kín.
5. Lễ tang Ngô tiền bối
Môn sanh Chiếu Minh tìm thấy ở thảo lư một bao thơ với di ngôn của tiền bối, ngắn gọn:
Thôi, các em nhứt tâm.
Thầy chẳng quên ta. Ta hằng tại. Chẳng đặng nhiều lời.
Nay kỉnh tạ,
Bần đạo
Chiêu
22/8/31
Trong bao thơ còn có 100 đồng bạc. Tiền bối dặn dò chỉ chi tiêu cho lễ tang ngần ấy thôi. Không được nhận tiền điếu tang, để khỏi trái phương châm của người là “Nhứt hào vô phạm”.
Tuân theo di ngôn của tiền bối, khi liệm di thể tiền bối trong tư thế ngồi thiền, môn sanh Chiếu Minh đàn Cần Thơ dùng một áo quan hình lục giác (hình khối sáu mặt, tương ứng sáu chữ Nam mô Cao Đài Tiên ông), đường kính 0,8m, cao 1,20m.
Tất cả việc khâm liệm đều do các môn sanh thân tín tự tay đảm nhiệm. Tiền bối dặn các môn sanh đẩy xe đưa lục giác ra nghĩa địa Chiếu Minh, cách thảo lư khoảng 200m. Lục giác được đặt trên một nền đã xây sẵn, sau đó xây gạch bao kín chung quanh. Bên ngoài xây thành một cái tháp.
Đám tang rất đơn giản, yên tịnh, không kèn trống, không tụng kinh cầu siêu. Lúc sinh tiền, Ngô tiền bối bảo rằng người đã cầu nguyện cho bản thân hàng ngày, đã biết mình là ai, chết rồi sẽ đi đâu, nên không cần đọc kinh cầu siêu nữa.
Số người đưa tiễn tiền bối từ các nơi đổ về Cần Thơ lên tới hàng ngàn người. Tất cả môn sanh và nhiều người khác đã xin thọ tang. Tang lễ trở thành sự kiện đăng trên các báo.
Theo đàn cơ tại thảo lư vào giờ Dậu ngày thứ Sáu 03-8-1934 (23-6 Giáp Tuất), Đại tiên Ngô Văn Chiêu đã lập vị Ngôi Hai Giáo chủ.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, tr. 355.
[2] Năm 1863, đời vua Tự Đức, tổ thứ mười lăm của Minh Sư là Đông Sơ rời Trung Quốc sang Việt Nam lập ngôi chùa mang tên Quảng Tế Phật đường ở tỉnh Hà Tiên. Chùa do công xây dựng của ông Ngô Cẩm Tuyền, sau tu lên phẩm đại lão sư (pháp danh Ngô Đạo Chương). Năm 1905, ông Ngô về Đa Kao lập Ngọc Hoàng điện. Vì thiếu tiền, ông phải nhượng lại ngôi chùa còn dang dở. Từ năm 1982 chùa đổi tên là Phước Hải tự, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nay ở số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1.
Ngọc Hoàng điện (đầu thế kỷ 20)
[3] “Une véritable vague de spiritisme sévissait en 1924-1925 dans toute la Cochinchine.” (Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế : Nxb Thuận Hóa, 1996, tr. 43.)
[4] Sở thương chánh (bureau des douanes et régies): Cũng gọi nhà đoan, quan thuế, hải quan.
[5] Nay là đường Cống Quỳnh, đoạn ở khoảng trước chợ Thái Bình, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
[6] Nền cũ hai nhà này là vị trí Cơ quan Phổ thông Giáo lý hiện nay (số 171B Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1).
[7] Xem thêm: Dũ Lan Lê Anh Dũng, “Cao Đài biên niên yếu lược”, nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 147, tháng 3-2007, tr. 85-103.
[8] Tiền bối Nguyễn Hữu Đắc là thân hữu của nhóm Cao-Phạm, về sau tu theo đạo Minh Lý.
[9] Xem thêm: Dũ Lan Lê Anh Dũng, “Tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc và cách dịch tên gọi các chức sắc Cửu trùng đài”, nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 147, tháng 3-2007, tr. 114-128.
[10] Lịch sử quan phủ Ngô Văn Chiêu. Sài Gòn: 1962, tr. 41.
[11] Năm mươi bốn năm sau, thứ Năm 13-3-1980 (27-01 Canh Thân), sự kiện này được giãi bày qua chính lời dạy của Đức Ngô Minh Chiêu tại đàn cơ ở tu viện Minh Đức (Vũng Tàu): “Nhưng rất tiếc, Tiên huynh chưa hoàn thành được chỗ nội đơn đại dược, nên Tiên huynh không dám nhận ngôi vị giáo tông mà Từ phụ ban cho, và nhường luôn việc truyền pháp cho Ngọc Lịch Đại tiên.”
[12] Người Việt gọi Bokor là núi Tà Lơn hay Trà Lơn. Núi cao 1.080m, thuộc tỉnh Kampot (người Việt gọi là Cần Giọt).
[13] Vân Trung là tiên ông Vân Trung Tử.
[14] Ngô tiền bối có bụng to như ông Địa, nên có biệt danh là Chiêu Địa.
[15] Đắc quả Như Ý Nương nương.
[16] Tiền bối Nguyễn Văn Huỳnh đắc quả Thiên Môn Đế quân. Tiền bối Bùi Quang Huy đắc quả Huệ Mạng Kim tiên.
Phú Nhuận 27-3-2008
Huệ Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét