GS. Hoàng-Mai
Nhập Đề :
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư có dạy:
"Trời sinh ta Trời ta đồng thể,
Bể khơi dòng, dòng bể luân lưu,
Đố ai rõ nẻo cuối đầu
Khứ lai vô tận, phát thâu vô cùng ".
Đố ai rõ nẻo cuối, đầu.
Thiên nhân hiệp nhất là điểm đầu hay điểm cuối trong chu trình tiến hóa của con người ?
Nói đến hiệp tức là phải hiểu ngầm là có quá trình ly tan, có ly tan rồi mới có hiệp.
Tan, hiệp là nguyên lý Đạo vận hành, là quá trình phóng phát từ nhứt bổn tán vạn thù, rồi vạn thù qui nhứt bổn.
Từ Đại Linh Quang tách ra vô vàn tiểu linh quang và cuối cùng tiểu linh quang trở về hiệp nhứt với Đại Linh Quang.
Trong chu trình vận hành tiến hóa,con người có khả năng hiệp nhứt được với Trời là do tính đồng nhứt thể với Trời.
Tính đồng nhứt thể trong nguyên lý Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể.
Thiên Địa vạn vật đồng nhứt thể là gì ?
Thiên Địa: (Càn -Trời, Khôn -Đất)
Là Bản Thể, là cơ nguyên sanh hóa vũ trụ vạn vật.
Vạn vật : gồm vật chất và sinh vật hiện hữu nơi thế gian từ loài thô sơ đến loài tinh tấn, tất cả đều là hiện thân của Trời Đất (Càn Khôn).
Trong đó con người là chủ thể tương đối hoàn hảo nhất,có thể tiếp tay cùng Trời Đất trong cơ vận hành tiến hóa.
Đồng nhất thể: cùng một bản thể. Bản thể đó là Đạo. Thầy có dạy:
"Chúng sanh là bản thể của Đạo, mà bản thể của Đạo là bản thể của Thầy".
Thầy là ai ?
Thầy dạy: "Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy, Thầy nói một Chơn Thần mà biến hóa Càn Khôn thế giới và cả vạn loại.
Thầy là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần Thánh Tiên Phật".(TNHT 1, tr.52)
"Bởi một chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong càn khôn thế giới nên chi các con là Thầy, Thầy là các con". (TNHT, tr.31)
Đặc biệt trong kỳ Phổ Độ lần thứ Ba này Thầy tá danh là Cao Đài. Tá danh là mượn tên. Sao gọi là mượn tên, vì "danh mà gọi được thì không phải là danh thật sự". Không chấp vào danh Cao Đài, để thể hiện chơn lý siêu việt, phổ quát và vĩnh cửu của Cao Đài.
"Cao Đài là cái Đài Cao,
Vượt lên tất cả đón rào ngăn che....
Ngoài Trời Thượng Đế bao la,
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn".
Ngoài Trời Thượng Đế bao la là Thượng Đế Hữu Ngã.
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn là Thượng Đế Vô Ngã.
* Thượng Đế Hữu Ngã là Thượng Đế có chủ thể, có ngôi vị, hình tướng, được nhân cách hóa với muôn hình, muôn vẻ tùy theo tâm tưởng của con người.
Thượng Đế đã sáng tạo vũ trụ và con người. Mỗi chúng sinh là hình ảnh của Ngài. Khi ngắm nhìn vạn vật trong thiên nhiên và vũ trụ. Con người thấy vết tích của Thượng Đế ẩn tàng nơi mỗi sự vật, giúp con người khám phá Thượng Đế là Đấng quyền năng vô biên và thương yêu muôn vật.
Trong tôn giáo Cao Đài, Thượng Đế được xưng tụng là đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát; là Đức Chí Tôn, là Đấng Tối Cao, Chúa Tể Càn Khôn Vũ trụ.
Chúng ta còn xưng tụng Ngài là Đấng Đại Từ Phụ (là người Cha rất hiền từ) nói lên tình yêu thương, mối liên hệ ruột thịt giữa Cha và con.
Ngài là Thầy: để chỉ sự giáo hóa chúng sanh. Với biểu tượng là Thiên Nhãn, Ngài luôn giám sát và điều động vũ trụ vạn vật.
* Thượng Đế Vô Ngã là Thượng Đế nội tại, Thượng Đế không thị hiện bằng hình tướng, mà bằng nguyên lý, bằng qui luật sanh hóa vận hành mà các bậc Giáo Chủ xưa tạm gọi là Đạo.
Đạo là động năng siêu việt nguyên sơ, phổ quát vĩnh cửu; còn được gọi là khí Tiên Thiên, khí Hư Vô.
Nguyên lý Thiên Nhiên, Nguyên Lý Tự Nhiên. Khi Đạo ở thể tiềm ẩn chưa hiển dương là Vô Cực, là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí.
Khi Đạo vừa hiển dương là Thái Cực, là Cơ Nguyên hóa sanh vũ trụ vạn vật.
Hoàng Cực: là Đạo Trung Hòa, ẩn tàng trong vũ trụ vạn vật, để điều phối và làm động năng thúc đẩy vũ trụ vạn vật tiến hóa trong hòa diệu và cuối cùng trở về hiệp nhứt cùng Bản thể vũ trụ.
Trong Giáo Lý Đại Đạo, Thượng Đế Hữu Ngã và Thượng Đế Vô Ngã là một thực thể thống nhứt bất khả phân, bao gồm hai phương diện nội tại và ngoại tại của Bản thể vũ trụ.
Thế nên, trong tôn giáo Cao Đài, Vô Cực (Thượng Đế Vô Ngã) là Hư Vô Chi Khí, cũng là đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu (Thượng Đế Hữu Ngã).
Thái Cực là Đạo (Thượng Đế Vô Ngã) cũng là Đức Cao Đài. Đức Chí Tôn, Đấng Đại Từ Phụ (Thượng Đế Hữu Ngã)
Thầy có dạy:
"Thái Cực lâm trần buổi Hạ Nguơn,
Giơ tay độ chúng lại đường chơn,
Con nào thấu đáo cơ huyền diệu;
Thấy vậy không lo lại biếng lờn"
(ĐTCG, tr.181)
Thái Cực lâm trần buổi Hạ nguơn là Thượng Đế Vô Ngã đã được Hữu Ngã hóa.
Thái Cực là Thầy, Vô Cực là Mẹ nhưng Vô Cực nhi Thái Cực (Chu Liêm Khê) nên Thầy và Mẹ chỉ là một, ví dụ như nan tre khi vòng lại thành vòng tròn gọi là Vô Cực, khi kéo thẳng ra thành một đường thẳng gọi là Thái Cực. Đường thẳng vẽ đứng lên là số 1.
Như vậy Thái Cực trong đó đã bao hàm lý Âm Dương.
Từ Thái Cực âm dương biến sanh vạn loại: "Có Thầy mới có các con...".
Các con là ai ? Các con là con của Thầy.
Con Thầy thì phải giống Thầy, nên mỗi con người, vạn vật đều thọ bẩm khí dương quang của Thầy và khí âm quang của Mẹ.
Thầy Mẹ dụng Dương, Âm quang hóa sanh Càn Khôn Vũ trụ. Trong đó con người đứng phẩm tối linh trong vạn vật.
Con người cấu tạo do Âm quang và Dương quang của Trời Đất nên con người cũng có khả năng sanh dưỡng như Trời Đất, con người là tiểu thiên địa trong Đại Thiên Địa, là một tạo hóa trong Tạo Hóa.
Kinh Tắm Thánh câu 5-6 có dạy:
"Đại Từ Phụ từ bi tạo hóa,
Tượng mảnh thân giống cả Càn Khôn".
(xem kinh Thiên Đạo,Thế Đạo)
Mảnh thân phàm trần con người giống cả Càn Khôn Vũ Trụ, nên Càn Khôn Vũ Trụ có gì thì con người có nấy.
Tiên học tự điển nơi chữ Nhân, Thiên có viết:
Nhân thân là một tiểu thiên địa,
Trên Trời, những Vì Tinh Tú có thể thấy được là 84.000.
Nhân thân có 84.000 lỗ chân lông.
Trời Đất cách nhau 84.000 dặm.
Tâm Thận cách nhau 8 tấc 4 phân.
(Tấc ở đây tính theo tấc của châm cứu tức là đồng thân thốn chớ không phải tấc tây)
Trời đất lấy 12 tháng làm một năm.
Nhân thân lấy 12 kinh làm 1 vòng (như Thủ Thái âm Phế kinh,Túc dương kinh, Đại Trường kinh)
Trời đất có lục khí (phong,hàn...)
Nhân thân có lục phủ.
Trời đất có ngũ hành.
Nhân thân có ngũ tạng.
Trời đất có Nhựt, Nguyệt
Nhân thân có hai mắt.
Trời đất có gió mây, khí gió mây một ngày, một đêm lên xuống 25.500 đ.
Nhân thân có khí hô hấp thổ nạp,một ngày một đêm tiến xuất 25.500 lần .(Mỗi lần có 16 tức (hô + hấp). 24 giờ có 1440 phút. Như vậy 1 ngày 1 đêm có 23.040 tức.
Trời đất có Thiên Hà tiếp Hoàng Hà.
Con người có thiên căn (Nê Huờn) tiếp địa h (Vĩ Lư, hi âm).
Trời đất có mây mưa,
Nhân thân có khí dịch,v,v....
Cụ thể nơi mặt con người cũng tượng đủ âm dương, ngũ hành.
Âm dương: Mắt trái : Thái dương, Nhật,
Mắt phải: Thái âm, Nguyệt.
Ngũ hành:
Trán: Hỏa tinh, Mũi:Thổ tinh, Tai trái:Mộc tinh, Tai phải: Kim tinh, Miệng: Thủy tinh.
Đốc mạch còn được gọi là Hoàng Hà (sông).
Nhâm mạch còn được gọi là Tào Khê (suối).
Ngoài Trời đất có biển, sông, suối, ao, hang, động, giếng, ngòi, lạch, gò.
Trong nhân thân cũng có đủ ví dụ: Tủy Hải, Khí Hải, Huyết Hải, Dũng Tuyền, Thiên Cốc, Ngọc Trì, Thái Uyên, Tiền Cốc, Hậu Khê, Thiếu Trạch...(huyệt châm cứu).
Tóm lại, Vũ trụ là đại hòa điệu của Thiên nhân địa, nếu thiếu 1 trong ba thì sự hòa điệu không còn. Tam tài là gốc của Vũ trụ vạn vật. Trong đó: "Trời sanh, Đất dưỡng, con người hoàn thành". Trời đất Vũ trụ, chúng sinh cùng một bản thể Đạo.
Đạo Trời Đất gồm bản thể bất biến và thế giới hiện tướng biến thiên sanh hóa muôn loài.
Con người vạn vật cũng có bản thể bất biến của Đạo Trời ban cho là phần hồn, là diểm linh quang của ngôi Thái Cực tức là chơn linh lồng trong thể xác trọng trược biến thiên. (ĐTCG. tr.172).
Nhờ bản thể bất biến đó mà con người có thể tu tiến thành chủ thể hoàn hảo về cõi thượng thiên.
Đó là ý nghĩa câu: "Các con là Thầy".
Trước khi các con là Thầy thì các con phải là các con. Nghĩa là: Các con phải là con người.
"Con người là chữ Nhân phết một phết bên tả là chánh dương, bên hữu là chơn âm. Âm dương lộn lạo bởi con người có động có tịnh, nửa trược nửa thanh".(ĐTCG, tr.298)
"Phàm hay Thánh, Phật hay ma đều do con người...
Phàm hay Thánh chỉ cách biệt nhau ở chỗ không được trọn tốt trọn lành, hoặc được trọn tốt trọn lành mà thôi".
(Đức Vạn Hạnh Thiền Sư)
Con người mà "năm phút trước họ có tác phong đạo hạnh của một vị Bồ Tát, nhưng năm phút sau, cũng con người ấy, họ có thể là kẻ hung ác bạo tàn". (VHTS)
Thế nên Thiên Đàng và Địa Ngục chỉ cách nhau một tư tưởng.
Tâm thức con người hay bị ràng buộc vào những đau khổ và hạnh phúc đang diễn tiến triền miên, từ nội tâm đến ngoại cảnh, chi phối con người trong cuộc sống hữu hạn nơi thế gian.
Thế gian là trường huấn luyện để tu chứng đắc các cấp Phật Tiên Thánh Thần mà tất cả nhân loại đều là thí sinh.
Muốn cho con cái khôn lớn nên người, cha mẹ không thể bồng ẵm hay để con quấn quít bên mình mãi mãi mà phải gạt lệ xa con, cho con đi vào trần thế để học hỏi.
"Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày khôn" (Ca dao VN)
Trường học thế gian chia ra nhiều cấp: Con người, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Con người muốn đạt đến ngôi vị nào thì phải học những bài học cấp lớp ấy cho thuộc, làm bài cho đủ điểm thì mới được lên lớp.
"Muốn Tây Thiên trùng phùng ngôi vị,
Thì trần gian lập ý vị tha,
Từ bi theo hạnh Di Đà;
Công bình, bác ái hải hà bao dung.
Nhơn Đạo dạy Tam tùng, tứ đức,
Ngũ thường lo đúng mức thuần phong,
Gia đình, xã hội cũng đồng;
Noi gương mỹ tục giống dòng Nghiêu Vương.
Thần Đạo lập con đường phải lối,
Phận công dân sớm tối lo tròn,
Quan trường, tể tướng, tôi, con,
Vẹn tròn hiếu nghĩa, lòng còn thanh liêm.
Thánh Đạo chung một niềm ngay thẳng,
Chí công bình trong trắng tâm thanh,
Không thiên, chẳng vị em, anh,
Lời ngay lẽ phải phân rành quang minh.
Tiên Đạo chỉ xử tình, xử thế,
Bác ái trau tập thể hòa thương,
Yêu cùng nhơn loại bốn phương,
Thanh nhàn thỏa chí dặm trường ngao du.
Phật Đạo dụng đường tu thanh tịnh,
Từ bi hành nhường nhịn lẫn nhau,
Không chê kẻ thấp người cao;
Chẳng vì chức tước nghèo giàu phân tranh.
Đại Đạo vốn năm nhành tôn giáo,
Kể trên đây đào tạo lọc lừa,
Hợp thời độ thế tùy ưa ;
Hạ, trung, thượng đủ, đều vừa ý chung".
(Kinh Tam Nguơn Giác Thế)
Ngũ chi Đại Đạo : Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo là năm nấc thang tiến hóa, mà người tín đồ Cao Đài phải lần lên cốt yếu là tự tu, tự tiến để hoàn hảo hóa bản thân và phụng sự tha nhân.
Hiền nhân vì thương đời mà đạt cơ tùng khổ; tùng khổ là đồng cam cộng khổ với nhân sanh.
Thần nhân vì thương đời mà lập cơ thắng khổ; thắng khổ là khắc phục mọi hoàn cảnh giúp nhơn sanh bớt đau khổ từ vật chất đến tinh thần.
Thánh nhân vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ; thọ khổ là chịu đựng, gánh vác, nhận lãnh mọi sự đau khổ để cầu cho nhơn sanh hết khổ, xây dựng hạnh phúc cho nhơn sanh.
Tiên vì thương đời mà bày cơ thoát khổ, là tìm phương pháp để thoát ra được sự đau khổ rồi dẫn dắt nhơn sanh thoát khổ như mình.
Phật vì thương đời mà tìm cơ giải khổ, tìm phương cách giúp chúng sanh cởi bỏ hết các mối đau khổ.
Nếu nói thế gian là "bể khổ", thì khổ chính là đề thi để rèn luyện những thí sinh. Những nỗi nhọc nhằn tâm tư, những nghịch cảnh bao quanh lấy kiếp người, là những bài toán đố mà mỗi người khi giải được bài toán khó sẽ trở thành học trò giỏi nâng cao trình độ của mình và được lên lớp.
Hiền, Thần, Thánh, Tiên, Phật là những nguyên vị dành cho những thí sinh đắc cử.
Đạo muội xin tạm hệ thống bằng đồ bản để chúng ta dễ hiểu:
Lớp: Môn học: Môi trường thực hành: Ðức tánh:
Nhân đạo Tùng khổ Gia đình Lòng nhơn + đức tánh tốt của con người
Thần đạo Thắng khổ Xã hội + Yêu dân, yêu nước
Thánh đạo Thọ khổ Quốc gia + Công bình "Thương người như thể thương thân
Tiên đạo Thoát khổ Nhân loài + Bác ái; Thương người hơn mình
Phật đạo Giải khổ Chúng sanh + Từ bi; quên mình vì người
* Ghi chú: (+) Là dấu "thêm vào"
Thí dụ : Thần đạo gồm những đức tánh của Nhân đạo thêm vào những đức tánh của Thần đạo.
Để thực hiện đức tánh Công bình, bác ái, từ bi quên mình vì người, mỗi người chúng ta cần phải ghi nhớ lời dạy của Đức Lê Đại Tiên: "Phải xem mình là hạt bụi lưng trời, xem thiên hạ như bể rộng bao la". (TGST .67)
Xem mình là hạt bụi bé nhỏ mong manh để trừ bớt cái ngã tầm thường của mỗi chúng ta.
Xem thiên hạ là bể rộng bao la để mỗi người cố hòa mình phục vụ thiên hạ. Cho tấm lòng rộng mở, khi tâm hòa được với thiên hạ cũng là hòa được với Thiên thượng. Vì lòng thiên hạ là lòng Trời.
Đó chính là chúng ta đã tiếp tay cùng Thượng Đế trong sứ mạng vi nhân mà cũng là sứ mạng Đại Thừa.
Mặt khác con người là vật tối linh. Trên có Thầy Mẹ cùng các Đấng Phật Tiên Thánh Thần chăm sóc thương yêu.
Con người cũng noi theo gương Phật Tiên mà ban rải tình thương cho đàn em nhỏ bé của chúng ta là các loài thảo mộc, thú cầm, kể cả vật chất khoáng sản. Mỗi vật dầu nhỏ bé tí ti cũng đều có chút ánh sáng tiểu linh của Từ Phụ ban cho và đều nằm trong Bát hồn chúng sanh.
"Bát Hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh".
Bát Hồn: vật chất hồn, thảo mộc hồn... Ví du:
- Vật chất có điểm thảo mộc hồn như bông đá...
- Thảo mộc có điểm thú hồn như cây mắc cở.
- Thú cầm có điểm nhân hồn như loài cầm điểu thì có két, cưỡng, nhồng. Tẩu thú: chó, ngựa, khỉ. Ngư: cá ông... Thế nên chúng ta đừng sát hại chúng vô cớ. Mà cần thương yêu, chăm sóc chúng để giúp chúng mau tiến hóa; viễn đích tiến hóa của chúng là hóa nhân (hóa thành con người) rồi từ đó tiến lên các đẳng cấp trên.
Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh là người tín đồ Cao Đài cần phải công phu. Công phu là phương pháp làm sáng tỏ điểm linh quang, làm chơn linh của chúng ta mỗi ngày một rực rỡ quang huy.
Công phu gồm cả song tu Tánh Mạng.
Ở địa vị nhân phẩm,ngoài hành tròn nhơn đạo mỗi người cần noi phẩm hạnh và thực hành như Thần để đạt được Thần hồn.
Có Thần Hồn rồi cố đạt được Thánh Hồn.
Có Thánh Hồn phát triển lên Tiên Hồn.
Tiên Hồn tiến lên Phật Hồn.
Phật Hồn rồi tiến thành Đại Hồn (Thiên Hồn)
Tức là hiệp cùng Đại Hồn của khối Đại Linh Quang.
Xin lấy ví dụ giản dị để chúng ta dễ hình dung.
Đại Linh Quang ví như nguồn sáng 100 watt,
Con người là nhân hồn với tiểu linh có ánh sáng 10 watt.
Lên Thần Hồn tiểu linh quang sáng thêm 20 watt.
Lên Thánh Hồn tiểu linh quang sáng thêm 40 watt.
Lên Tiên Hồn tiểu linh quang sáng thêm 60 watt.
Lên Phật Hồn tiểu linh quang sáng thêm 80 watt.
Lên Đại Hồn tiểu linh quang sáng 100 watt.
Trên thực tế có những học trò giỏi có thể học nhảy lớp, không cần theo thứ tự. Thí dụ từ nhân phẩm có thể tu đắc Thánh phẩm, Tiên phẩm đó cũng là đặc điểm của Đại ân xá trong kỳ phổ độ lần Ba nầy. Và ngược lại cũng có học trò dở bị lưu bang, có khi còn bị xuống lớp.
Tóm lại:
Thiên Nhân hiệp nhất là viễn đích cuối cùng mà con người phải đạt đến. Hiệp nhất là kết quả nội tại trong tình thương mà Đức Chí Tôn đã dành cho đàn con "Thầy là các con, các con là Thầy" và sau những ngày đi du học nơi cõi trần gian. Kết quả chính là những bằng cấp mà mỗi người mang về ra mắt Thầy Mẹ đang trông ngóng đàn con.
"Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh"
Đáp lại tình yêu thương Cha Mẹ, dầu đang ở nghìn trùng xa cách nơi cõi thế gian, người con chí hiếu vẫn luôn luôn nhớ đến Cha Mẹ, muốn gặp lại Mẹ Cha thiêng liêng. Mỗi người cần phải giữ lòng thanh tịnh, giữ những phút giây yên lặng thiêng liêng để cảm nhận được Cha Mẹ bằng thần khí, bằng tư tưởng. Đó chính là đạt được Thiên Nhân hiệp nhất trong từng phút, từng giờ. Trên cơ sở đó con người dễ dàng tu tiến có thể vượt cấp mau trở về cùng Mẹ Cha.
Kính chúc quí vị đạt được Thiên Nhân hiệp nhất từng phút, từng giờ và cuối cùng trở về với Thầy Mẹ trong lý Thiên Nhân hiệp nhất "Thầy là các con, các con là Thầy".
Giáo-sĩ Hoàng Mai
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét