Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

VŨ TRỤ QUAN

Tiếp-Pháp Trương Văn Tràng

Vũ Trụ là gì ?
Lục Cửu Uyên người Trung Hoa sanh vào khoảng năm 1139-1192 nói rằng :
    " Thượng Hạ tứ phương viết Vũ Cổ vãng kim lai viết Trụ ".
( Bốn phương trên dưới gọi là Vũ, xưa qua nay lại không cùng gọi là Trụ ). Ở đây, chúng tôi muốn nói : Đạo biến hóa tạo Thiên, lập Địa, sanh hóa muôn loài. Tức là dịch lý của Vũ Trụ có liên đới quan hệ với đời sống của chúng ta. Đạo Dịch ấy trải qua 2 thời kỳ :

TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO - HẬU THIÊN ĐẠI ĐẠO.

TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO

Đạo có trước Trời là vô danh, vô hình mà Đức Chí Tôn vi chủ, như câu Thánh Ngôn nói rằng :
" Khi chưa có Trời Đất thì Khí Hư Vô sanh có một Thầy và Ngôi của Thầy là Thái Cực, Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến ra Biến Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mà tạo lập Càn Khôn Thế Giái. "
Theo bài Thánh Ngôn nầy mà suy, chúng ta hiểu như vầy : Thoạt kỳ thủy, thì Khí Hư Vô sanh có một Đức Chí Tôn và Thái Cực.
Kế đó, Đức Ngài ngự trên ngôi Thái Cực mà điều khiển Thái Cực sanh ra Âm Dương. Từ đó về sau, Lưỡng Nghi cứ biến hóa mà tạo Thiên lập Địa. Hoặc nói cách khác là số 1 biến ra số 2, số 2 biến ra số 4, số 4 biến ra số 8, số 8 biến hóa vô cùng mà tạo lập Trời Đất.

Sự tích Tiên Thiên Bát Quái Đồ
Vua Phục Hy sanh về đời tối cổ bên xứ Trung Hoa. Thời đại ấy, Thần linh học phát triển đến tột độ cao siêu. Ngài là một Ông Vua Minh Quân Thánh trị tài cao, đức rộng tinh thần minh mẫn, hàm dưỡng được trọn vẹn trí huệ của Trời ban cho. Huệ nhãn của Ngài xem suốt cõi vô hình.

Khi dạo trên bờ sông Hà ( Ngày nay gọi là Huỳnh Hà ), Ngài trông thấy một con thú mình ngựa đầu rồng, mạng danh là Long Mã, trên lưng có năm mươi lăm chấm. Vua Phục Hy do đó mà chế ra bản đồ " Tiên Thiên Bát Quái ", người đời thường gọi là Phục Hy Bát Quái.
Sự tích Long Mã
Theo sách Nho, Long Mã bề cao 8 thước, năm tấc ( Thước Tàu ), xương cổ dài, chưn ngựa đầu rồng, trên mình có vảy như rồng.
Kinh Dịch chép rằng : Long Mã là vật linh : Kết hợp bởi 8 tinh túy của Thái Dương Hệ biến hiện dưới tầm mắt của Vua Phục Hy là một vị chí Thánh, xem được các vật trong cõi vô hình, thấy rõ Linh Vật của Trời Đất, mang chở những cái tinh anh của Thái Dương Hệ,
Rồng là một linh vật trong số Tứ Linh : " Long, Lân, Qui, Phụng ", có đủ nơi mình tinh túy của Vũ Trụ. Ngựa là vật chở người và đồ vật đi mau lẹ.
Tóm lại, Long Mã tượng trưng Âm Dương tương hiệp, tức thời gian trôi qua mau lẹ và mang theo những tinh túy của Trời Đất để chan rưới sự sống cho muôn loài vạn vật.
Vua Phục Hy sanh đời tối cổ bên Tàu 4449 trước Tây Lịch, căn cứ theo đó mà phác học bản đồ " Tiên Thiên Bát Quái ".
Xuyên qua Tam Giáo chúng tôi thấy sau :
a) Đạo Giáo : Đạo Đức Kinh chương một nói rằng : " Vô danh Thiên Địa chi thủy ". Không tên là cái có trước Trời Đất. Nay như hỏi cái " Vô danh " ra sao ? Đạo Đức Kinh chương 25 nói rằng : " Có cái tự nó hỗn luân mà sanh thành lấy nó. Cái ấy sanh trước Trời Đất, yên lặng trống không, đứng một mình mà chẳng nghiêng chẳng lệch, lưu hành khắp nơi mà chẳng mòn mỏi. Cái ấy khá gọi là nguồn sanh hóa Thiên hạ, Ta không biết tên gì, song mượn chữ gọi là Đạo ".

      " Hữu vật hỗn thành, Tiên Thiên địa sanh, Tịch hề, liêu hề, Độc lập nhi bất cải, Châu hành nhi bất đãi; Khả dĩ vi Thiên Hạ mẫu, Ngô bất tri kỳ danh, Tự chi vi Đạo.
b ) Nho Giáo : Chu Liêm Khê là người Trung Hoa, sanh vào khoảng năm 1017-1073 nói rằng :

    " VÔ CỰC nhi Thái Cực ".
Sở dĩ nói rằng : " Vô Cực " mà Thái Cực là vì Thái Cực ở trong Vô Cực mà ra. ( Hữu sanh ư vô ).
Hoặc nói rõ là : Vô Cực là cái bản thể vô vi tự tại, lặng lẽ bất biến, người ta dùng ngôn ngữ để mô tả thì không nói rõ được, dùng trí phàm để ngẫm nghĩ, thì không ngẫm nghĩ nổi, nhưng đứng về phương diện Dịch Lý thì gọi Vô Cực là Thái Cực là đầu mối sanh Âm Dương.
c ) Phật Giáo : Phật Giáo gọi Đạo là Chơn Như. Có câu nói rằng : " Chơn Như giả Vũ Trụ chi bản thể, nải bất sanh, bất diệt, vô thủy, vô chung, bất tăng, bất giảm ". Nghĩa là Chơn Như là bản thể của Vũ Trụ, chẳng sanh, chẳng diệt, không trước, không sau, chẳng thêm, chẳng bớt. Tịnh thì gọi là Chơn Như, Động thì hóa dục vạn vật ( Chư Pháp ).
Tóm lại : Khí Hư Vô, cái Vô danh, Vô Cực, Chơn Như, danh từ tuy khác, nhưng tựu trung đều chỉ về một bản thể " Không ".
Có điều nên lưu ý là : Tuy nói Đạo là vô danh, vô hình, vô sắc, tức cái bản thể " Không ", nhưng cái bản thể " Không " ấy chẳng phải trống rổng mà nó lại là " Có " tức là cái " diệu hữu " là cái năng lực sanh hóa, Đạo Đức Kinh chương 14 nói rằng :
Đạo có 3 trạng thái là : Di, Hi, Vi.

      " DI : Xem mà chẳng thấy nên gọi là Di HI : Lóng mà chẳng nghe, nên gọi là Hi, VI : Bắt mà chẳng nắm được, nên gọi là Vi ".
Di, Hi,Vi ba trạng thái hỗn hợp, thành một bản thể. Cái bản thể ấy phía trên không phản chiếu ánh sáng, phía dưới không ẩn khuất bóng tối,vằng vặc mà chẳng có tên, rồi lại trở về chỗ không vật. Thật Đạo là hình trạng của cái vô hình, là tượng của cái vô vật.

      ( Thị chi bất biến danh viết DI, Thính chi bất văn danh viết HI, Bác chi bất đắc danh viết VI, Thử tam giả bất khả tri cật, Cố hỗn chi vi nhứt, Kỳ thượng bất kiếu, Kỳ hạ bất muội, Thằng thằng bất khả danh, Phục qui ư vô vật, Thị vị trạng chi vô trạng ).
Tóm lại, nay như nói Đạo là " Không " thì chẳng phải, còn như nói Đạo là " Có " thì lại lầm, cho nên nói Đạo dường như có, dường như không, tức trong cái " Không " có cái " Diệu hữu " là năng lực hay hóa sanh, sanh hóa.
Thái Cực, khi tỏ lên rồi, Thái Cực cứ Tịnh và Động mà sanh Lượng Nghi. Nghĩa là Thái Cực khi Tịnh thì sanh Khí Âm, tịnh hết sức rồi lại động, động thì sanh khí Dương. Thái Cực luân chuyển một động, một tịnh mà sanh nhị khí Âm Dương.
Âm Dương có tánh tương khắc mà lại tương hòa. Bởi tương khắc cho nên Âm Dương gặp nhau thì hỗn độn, đến tột độ rồi lại điều hòa. Chính sự hỗn độn điều hòa của Âm Dương nhị khí là Cơ định vị Trời Đất.
Theo sách Nho : Trong lúcÂm Dương hỗn độn điều hòa, khí nhẹ thì bay lên cao thành Trời, khí nặng thì chìm xuống thấp thành Đất. Cao thấp đã phân, tức Trời Đất đã định vị, rồi từ đó về sau, Đạo lại biến hóa nữa mà hóa sanh muôn loài. Thời kỳ nầy gọi Hậu Thiên Đại Đạo ( Đạo có sau Trời ) sẽ kể như sau :


HẬU THIÊN ĐẠI ĐẠO

Nhắc lại : Khi Trời Đất phân ngôi cao thấp rồi, trong khoảng không gian ở giữa Trời Đất. Khí Âm Dương lại hỗn độn điều hòa nữa mà hóa sanh vạn vật. Đức Chí Tôn dạy rằng :
Thánh Ngôn : " Khi tạo lập Càn Khôn Thế Giái rồi Thầy phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là : Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm gọi là chúng sanh. Vậy các con đủ hiểu rằng : Mỗi vật hữu sanh nơi Thế gian nầy đều do Chơn Linh Thầy mà ra. Có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha sự sống, vì vậy nên lòng Háo sanh của Thầy là vô tận ".
Ở đây, Đạo Đức Kinh chương 1 nói rằng :
      " Hữu danh vạn vật chi mẫu "
Chữ " Hữu danh " ám chỉ Trời Đất, có hình danh là nguồn hóa vạn vật.
Kinh Dịch lại nói rằng :

      " Thiên Địa nhơn luân, Vạn vật hóa thuần, Nam Nữ cấu tinh, Vạn vật hóa sanh ".


Nghĩa là Trời Đất ngui ngút hóa thuần muôn vật. Vạn loại đến lượt nó, khi trưởng thành rồi, giống đực và giống cái giao cấu mà sản xuất vạn vật.
Cơ hóa sanh vạn vật như thế, cho nên không bao giờ cùng tận.
Chu Liêm Khê là người Trung Hoa sanh vào khoảng năm 1017-1073 nói rằng :
Dương động thì biến hóa, Âm tịnh thì tập hợp. Bởi sự biến hóa và sự tập hợp của Âm Dương nhị khí mà sanh ra Ngũ hành (Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ). Cái Chơn của Vô Cực là Lý, cái Tánh của Âm Dương Ngũ Hành là Khí. Lý và Khí diệu hợp mà quẻ Kiền sanh con trai, quẻ Khôn sanh con gái.
Sự tích Hậu Thiên Bát Quái
Lạc Thơ là sách do sông Lạc mà lập thành, nguyên Vua Võ, sanh lối 2206 trước Tây Lịch. Thỉ Tổ nhà Hạ, khi nước lụt, người ta trấn nước ở bực sông Lạc, khi nước cạn, có một con Linh Qui đội cầu, trên lưng có 9 số, Vua Võ theo đó mà sắp đặt thành họa đồ Hậu Thiên Bát Quái.

Máy Huyền vi tức Đạo : Nguyên Vạn vật do Đạo mà sanh nên gọi là xuất sanh. Vạn vật tử ở thế gian thì về với Đạo, cho nên gọi nhập tử. Trong sách " Cung Oán Ngâm Khúc " Ông Ôn Như Hầu nói rằng : " Máy Huyền vi mở đóng không lường " tức Đạo.

Âm Dương giao cảm ( Khí hòa ) mà hóa sanh vạn vật. Nam Nữ giao cấu ( hình hòa ) mà sản xuất muôn loài.
    (Thể theo Nho Giáo Trần Trọng Kim )
Đây là đầu mối mà Vua Võ, đời nhà Hạ bên Tàu sanh lối 2206 trước Tây Lịch, căn cứ để lập thành bản đồ Hậu Thiên Bát Quái. ( Xem hình trang 88 )
Tóm lại : Tiên Thiên Bát Quái vẽ tượng Âm Dương, như chúng ta thấy Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến ra Bát Quái, nghĩa là số 1 biến ra số 2, số 2 biến ra số 4 v.v . . . .
Hậu Thiên Bát Quái định số Ngũ Hành, tức như nói rằng : Dương động thì biến hóa, Âm tịnh thì tập hợp; bởi sự biến hóa và tập hợp của Âm Dương mà sanh Ngũ Hành ( Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ ).
Hai Bát Quái Tiên Thiên và Hậu Thiên làm biểu lý nhau mà thành Dịch Lý của Vũ Trụ.
Dịch lý gồm có hai trạng thái : Một trạng thái thì bàng bạc trên Hư không, một trạng thái nữa thì trường lưu trong vạn vật. Một đàng phân tán, một đàng thu liễm, thành một đóng một mở máy huyền vi ( 1 ) là nơi xuất sanh, nhập tử muôn loài, vạn vật. Kinh Dịch nói rằng :

      " Nhứt hạp, nhứt tịch vi chi biến hóa, Vãng lai bất cùng vị chi Đạo ".
Nghĩa là một đóng, một mở gọi là biến hóa; qua lại, lại qua không cùng gọi là Đạo.
Đạo biến hóa vận hành như thế, cho nên có một hôm Đức Khổng Phu Tử đứng trên bờ sông ngắm nước chảy mà than rằng :

      " Thệ giả như tư phù, bất xá trú dạ ".
Nghĩa là ngày đêm cuồn cuộn chảy như thế nầy ư ! ?
Đại ý nói rằng : Dịch lý luôn luôn chuyển vận không ngừng, cũng như nước sông chảy đi kia vậy. Thời tiết theo đó mà vần xoay; hết Xuân Hạ thì tới Thu Đông, vạn vật theo đó mà sanh thành trưởng dưỡng, già chết rồi tái sanh nữa.
Giả sử : Nước chịu hơi nóng Thái Dương, nước thoát lên không gian làm mây; mây tan rã xuống trần gian thành nước. Còn như những vật hóa sanh như : Lá cây biến thành sâu, củ cỏ biến thành dế, chuột biến thành dơi, lươn biến thành chồn v.v . . . .Biết đâu những vật nầy còn biến hóa thế nào nữa, nhưng chúng tôi không biết được.
Chúng ta thử tạm dùng hột lúa là vật có hình chất, để minh chứng sự thay đổi của vạn vật.
Thoạt kỳ Thủy, Âm Dương vận hành, một đơn cử xuất phát, lưu hành trong Vũ Trụ mà nương theo Luật " Đồng khí tương cầu " cấu sanh hình thể hột lúa thế nào thì chúng ta không biết, nhưng khi hột lúa có đủ thể chất rồi. nó cũng vẫn còn thay đổi nữa.
Đại để như : Hột lúa được gieo xuống đất thì nó nương theo Tứ Đại (Địa, Thủy, Hỏa, Phong) mà biến thành cây mạ. Cây mạ khi được cấy xuống ruộng thì cây mạ biến thành cây lúa, đến lượt cây lúa đơm bông trổ hột lúa khác. Nếu hột lúa mới nầy được gieo nữa thì nó cũng thay đổi như hột lúa trước. Có điều lạ là : Khi hình thể nầy biến ra hình thể khác thì cái nguyên thể của nó không còn nữa. Như hoa thành trái thì hoa tàn, trái thành cây thành thì trái hoại. Đó là bởi vật nầy ăn sâu vào vật nọ, thành thử, chúng nó sanh ở đây thì tử ở kia.
Vạn vật theo cơ tuần hoàn của Trời Đất mà diễn tiến rất mau lẹ. Giác quan chập chạp của chúng ta chưa kịp nhận định trạng thái nầy thì nó đã biến sang trạng thái khác. Nhưng lúc nào vạn vật cũng phải theo Đạo mà sanh tồn thì mới sống và tấn hóa, cho nên Đạo Đức Kinh chương 39 nói rằng :

      " Thiên đắc nhứt dĩ thanh, Địa đắc nhứt dĩ ninh, Thần đắc nhứt dĩ linh, Vạn vật đắc nhứt dĩ sinh, Kỳ tri nhi nhứt giả, Thiên vô dĩ vi thanh, tương khủng liệt, Địa vô dĩ vi ninh, tương khủng phế, Thần vô dĩ vi linh, tương khủng liệt, Vạn vật vô dĩ vi sinh, tương khủng diệt ".
Nghĩa là : Trời đặng Một (Đạo) thì trong sáng, Đất đặng Một thì yên lặng, Thần đặng Một thì Linh Thiêng, muôn loài đặng Một thì sanh tồn. Đến như số Một (Đạo) nói đây, nếu : Trời chẳng đặng nó để làm cơ sở trong sáng thì e Trời phải vỡ, Đất chẳng đặng nó để làm cơ sở yên lặng thì e Đất phải lở, Thần chẳng đặng nó để làm cơ sở linh thì e Thần phải tản, muôn loài chẳng đặng nó để làm cơ sở sanh tồn thì e muôn loài phải dứt.
Thế đủ hiểu rằng người ta phải theo Đạo mà sanh sống và Tấn hóa đến chỗ Chơn Thiên Mỹ. Trái lại thì người ta phải dứt.
Hai chương " Thượng Thừa, Hạ Thừa " sau đây giảng giải phương pháp thông đạt Đạo, nhưng, chúng tôi xin nghị luận Thiên Triều, Luật Nhơn Quả và Luân Hồi trước, rồi sau sẽ bàn đến pháp môn tu tập.

QUAN NIỆM THIÊN TRIỀU

Chúng ta trông thấy Vũ Trụ bao la : Trên có Trời che, dưới có Đất chở, ở giữa có sơn xuyên, thảo mộc, cầm thú và người ta. Mỗi mỗi đều an bày một cách trang nghiêm huyền nhiệm. Nếu suy diễn nữa, chúng ta tin tưởng rằng phía sau Thế Giới vạn hữu còn có một Thế Giới huyền linh nữa. Thống trị Thế giới huyền linh là Đức Thái Cực Thánh Hoàng và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ trì. Triều của Thượng Đế, chúng ta tạm gọi là Thiên Triều :
Thánh Ngôn của Bà Bát Nương : :

    " Trong Vũ Trụ bao la, không gian ở trên là Thượng tầng Bí Pháp của quyền năng Thiêng Liêng Đức Chí Tôn vi chủ; Thần, Thánh, Tiên, Phậ hộ trì, Thời Gian ở dưới có đủ khí chất để tạo dựng Thế giới hữu vi và vật chất hữu hình. Phép mầu nhiệm ấy do quyền năng tuyệt đối của Đức Chí Tôn vận chuyển, khiến cho Không Gian phối hợp với Thời Gian thành cơ huyền nhiệm tạo lập Càn Khôn, hóa sanh vạn vật và Đức Chí Tôn còn hiệp lập Thiên Thơ định thành Thiên Điều là Pháp Luật Thống Trị Càn Khôn Vạn Vật ".:

THIÊN CUNG
1. Tân tả Bạch Ngọc Kinh

      Một tòa Thiên Các ngọc làu làu, Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao. Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu, Muôn trùng nhịp khảm hiệp Thiên Tào. Chư Thần chóa mắt màu thường đổi, Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao. Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi, Vững bền vạn kiếp chẳng hề sao. ( Thánh Ngôn )
2. Ngọc Hư Cung : Ngọc Hư Cung sẵn có Thiên Điều là luật thưởng phạt Bát Hồn (Bát hồn là : Vật chất Hồn, Thảo Mộc Hồn, Thú Cầm Hồn, Nhơn Hồn, Thần Hồn, Thánh Hồn, Tiên Hồn, Phật Hồn) , Ngôi hành pháp là Linh Tiêu Điện, có đủ oai linh của Thái Cực Thánh Hoàng ban bố, để giữ vững máy hành tàng Đạo vô vi
Luật tấn hóa của Bát Hồn do quyền năng vô đối của Chí Tôn phán định. Chơn Pháp ấy vận hành từ vô vi ra hữu tướng, từ hữu tướng trở lại vô vi, mỗi đều căn cứ vào :

      Hư vô là chuẩn đích. Vận chuyển là hành tàng. Điều hòa là phương pháp. Chơn chánh là phương định.

ĐỨC THƯỢNG ĐẾ

Theo lẽ thường, trông thấy một tòa nhà nguy nga, đồ sộ, chúng ta liên tưởng đến vị Kiến Trúc Sư phát họa, tao tác nó. Trông thấy đứa bé ngộ nghĩnh, chúng ta nghĩ đến cha mẹ nó. Cũng như trông thấy Vũ Trụ bao la: Trên có Trời, dưới có Đất, giữa có sơn xuyên cẩm tú, thảo mộc muôn màu, ngắm đến vạn vật có thiên hình, vạn trạng khác nhau, nhưng mỗi mỗi đều an bày với một cách vô cùng tuyệt xảo; trông thấy Vũ Trụ vạn vật như thế, ắt chúng ta nghĩ đến Đấng Tạo Hóa, mà Nho Giáo sùng bái với danh hiệu Thượng Đế. Mời quý Ngài cùng chúng tôi tham cứu như sau :
Tham khảo kinh điển : Bà-La môn giáo giảng cái thuyết Tam Vị nhứt thể :

      Brahma : Hóa công. Vishmou : Thành tựu. Shiva : Hủy diệt.
Đạo Giáo giảng cái thuyết Ứng hóa Tam Thanh :

      Thái Thanh. Thượng Thanh. Ngọc Thanh.
Đó là chỉ vào một Đức Thượng Đế Ứng Hóa Ba Ngôi.
Tham khảo lễ nghi : Tôn giáo nào cũng có sùng bái một Đấng Cao cả hơn hết, nhưng mỗi Tôn Giáo, tùy cách lập giáo, và tùy ngôn ngữ của Dân tộc mà xưng tụng một danh hiệu riêng như : Phật giáo Đại Thừa thờ Đức A-Di-Đà-Phật, tức đức Phật sanh trước muôn vàn Đức Phật khác.
Đạo Giáo thờ Đức Thái Thượng Đạo Tổ, tức Đấng tối cao vô thượng.
Nho giáo thờ Đức Thượng Đế.
Vốn có một Đức Chí Tôn, nhưng sùng bái với nhiều danh hiệu. Nay khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Đức Chí Tôn tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tức là danh hiệu qui nguyên Tam Giáo, như chúng tôi đã giải trong mấy chương trước.
Tham cứu thực tế : Người thế gian chưa mấy ai nghe Trời nói, chưa mấy ai trông thấy Thiên Thể của Đức Chí Tôn. Nhưng, mỗi khi lâm tai nạn thì ai cũng kêu Trời cầu cứu. Vậy lòng tín ngưỡng đã có từ ngàn xưa.
Rất may cho nhơn loại, ngày nay Đức Chí Tôn dùng huyền diệu Tiên gia khai mở mối Đạo Trời, mà Đức Ngài cầm quyền Thiêng Liêng Chưởng Giáo, nhờ sự linh ứng của phép phò cơ, chấp bút mà chúng ta suy diễn đến Đấng Tối cao vô thượng với một cách rõ ràng hơn ngày trước.
( Xem lại chương tiểu sử Đại Đạo )
Chúng tôi xin trích trong sách Phật một chuyện cha con của người kia học hỏi chơn lý như sau, âu cũng giúp thêm một tia ánh sáng :
Người con xin cha dạy chơn lý.
Người cha nói : Con lấy một nắm muối bỏ vào chậu nước, hôm sau con trở lại xem.
Người con làm theo lời cha.
Hôm sau người cha bảo :
Muối mà bỏ vào nước hôm qua, con hãy mang lại đây cha xem.
Bây giờ, người con vớt mãi mà không thấy muối, vì muối đã tan và hòa trong nước rồi.
Người cha bảo : Con hãy nếm nước trong chậu, nếm nước trên mặt, nếm nước ở giữa, xem như thế nào ?
Thưa cha mặn và vẫn mặn.
Con nếm cho thật kỷ rồi lại đây cha bảo.
Người con nếm đi nếm lại rồi thưa :
Thưa cha, vẫn mặn.
Người cha trịnh trọng nói : Thế đó con ạ! Con không phân biệt được cái Thực thể tinh vi tạo dựng Vũ Trụ, sanh hóa muôn loài, vì nó đã hòa hợp với thế giới vạn hữu, cũng như muối hòa hợp với nước kia vậy.
Cây chuyện nầy đại ý cũng như Thánh Ngôn Đức Chí Tôn nói rằng : " Các con đủ hiểu : Mỗi vật hữu sanh nơi thế gian nầy đều do Chơn linh Thầy mà ra. Có sống ắt có Thầy, Thầy là Cha sự sống."
Kinh Upanishads nói rằng : Tất cả cái gì ở thế gian đều có Thượng Đế bao bọc. Cái Thực thể ấy là nguồn sống tràn ngập cả Vũ Trụ : Từ các vì Tinh Tú, các Quả Địa cầu hình thành trong vòng trật tự cho đến các loài động vật, mỗi mỗi đều nương nhờ nguồn sống ấy mà sanh tồn và tấn hóa.
Vậy mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng đều có sự sống ở trong mình, mà sự sống thì trông không thấy, lóng không nghe, rờ không đụng. Như thế thì chúng ta chẳng lẽ chúng ta phủ nhận sự sống của mình sao ? Sự hiện hữu của Đức Thượng Đế cũng vậy. Nghĩa là : Chẳng lẽ vì trông không thấy, lóng không nghe, rờ không đụng, mà chúng ta cho là không có Thượng Đế sao ?
Có điều khó cho Thế nhơn là Đức Chí Tôn ngự trị trên cõi siêu nhiên, cảm quan của người ta không đến được, làm cho người đời bánn tín bán nghi. Trái lại, các nhà chơn tu nhờ lòng tín ngưỡng dẫn họ đến trước Thượng Đế, với một cách rõ ràng.

LUẬT NHƠN QUẢ

Nhơn chỉ về hạt giống, Quả chỉ về trái mới sanh. Tóm lại, Nhơn Quả có nghĩa đen là gieo giống nào thì hái trái ấy. Đây Nhơn Quả có nghĩa bóng là làm lành thi phước trả lại, làm dữ thì họa đến không sai. Sự báo ứng lành dữ y như gieo giống nào thì hái gặt trái ấy kia vậy. Kinh Phật thường lấy việc trồng dưa, trồng đậu làm tỷ dụ với Luật báo ứng, cho nên có câu : " Chưởng qua đắc qua, chưởng đậu đắc đậu ".
Chúng tôi xin phân tách việc trồng đậu như sau, để nương đó mà nhận thức Luật Nhơn Quả đối với kiếp người.

      Hột đậu gieo xuống đất là Nhơn. Đất, Nước, Gió và Hơi nóng mặt trời là Duyên. Trái đậu mới sanh là Quả. Nhơn, Duyên, Quả là ba yếu tố sanh hóa vạn loại.
Nay chúng ta nương theo cách trồng đậu, để nhận xét Luật Nhơn Quả đối với kiếp người thì chúng ta hiểu rằng : Tư tưởng , lời nói, cách hành vi của người, sau khi tác động rồi còn lưu lại một diển ảnh trong không gian đó là Nhơn.

      Tinh thần của Vũ Trụ là Duyên. Phước họa trả lại cho người là Quả.
Vậy những điều phước họa, bây giờ là cái kết quả của sự hành vi trước, còn về hành động bây giờ sẽ làm Nhơn cho ngày sau, hoặc trong kiếp hiện tại, hoặc trong kiếp vị lai. Theo lẽ nầy mà suy ra : Kiếp hiện tại vừa trả Quả cho kiếp quá khứ vừa tạo Nhơn cho kiếp vị lai và như thế rồi Nhơn kia Quả nọ, Quả nọ Nhơn kia, nối liền nhau thành một sợi dây duyên nghiệp ràng buộc chúng sanh trong bánh xe Luân Hồi không lối ra, nếu người ta không giác ngộ.

LUẬT LUÂN HỒI

Luân hồi nghĩa là xoay chuyển mãi, cũng như bánh xe lăn qua rồi lăn qua nữa không lúc lào ngừng.Về Đạo pháp, chữ Luân hồi chỉ về mặt chuyển kiếp của chúng sanh, như kiếp nầy làm người, kiếp tới làm Tiên Phật hay Ngạ quỉ, hay xúc sanh. Tấn hóa hay thối hóa đều do sở hành của người mà ra.
Đức Chí Tôn dạy : " Các con sanh trưởng nơi Thế gian nầy, khi tử hậu các con đi đâu ? Chẳng có một đứa hiểu cơ mầu nhiệm ấy. Thầy nói : Cả kiếp Luân Hồi của chúng sanh, thay đổi từ vật chất ra thảo mộc, từ Thảo Mộc ra Côn Trùng, từ Côn Trùng ra Thú Cầm, loài người phải chuyển kiếp ngàn ngàn muôn muôn lần mới đến địa vị Nhơn Phẩm.
Nhơn Phẩm chia ra làm nhiều hạng, bậc Đế Vương nơi Địa Cầu nầy chưa bằng bực chót Nhơn phẩm Địa Cầu 67, số Địa Cầu càng tăng lên; Nhơn Phẩm càng cao trọng. Mãi đến Đệ Nhứt Địa Cầu, Tam Thiên Thế Giới, rồi mới đến Tứ Đại Bộ Châu, rồi mới vào Tam Thập Lục Thiên; qua Tam Thập Lục Thiên rồi còn phải chuuyển kiếp tu nửa mới vào Bạch Ngọc Kinh, Phật gọi Niết Bàn.
Một kẻ kia, tuy chưa có chơn trong Tôn Giáo, song đã làm tròn Nhơn Đạo, tức làm xong bổn phận làm người, thì buổi chung qui cứ theo nấc trên mà tiến lần. Trên đường về Thầy, các con thử nghĩ ngày nào mới đến ? Vì vậy, nên Thầy ban cho nhơn loại một quyền hành rất rộng. Nếu các con sớm tỉnh ngộ thì một đời tu cũng có thể trở về cùng Thầy. Nhưng tiếc thay ! Thầy chưa từng thấy kẻ ấy ".
Riêng về kiếp luân hồi của cá nhơn, chúng tôi xin nghị luận như sau : Vả lại, mỗi người trong chúng ta đều có ba xác thân :

      1. Đệ nhứt xác thân, tức Phàm Thể. 2. Đệ nhị xác thân, tức Chơn Thần. 3. Đệ tam xác thân, tức Chơn Linh.
1. Luân hồi của phàm thể : Cả Cơ chuyển sanh, biến kiếp đều do khí Âm Dương, Ngũ Hành diệu hợp mà nên thể chất và trưởng thành, nghĩa là từ buổi thành hình trong bào thai đến khi ra đời và nên vai nên vóc, lúc nào cũng nhờ khí Âm Dương, Ngũ Hành sanh dục, trưởng dưỡng đến mãn kỳ sanh thọ thì thể xác tiêu tan. Lúc bấy giờ, Tứ Đại ( Địa, Thủy, Hỏa, Phong ) hườn nguyên về bản chất tự nhiên của nó, để rồi chuyển hóa hình hài khác nữa.
Vậy Nhơn thân vốn tạm khí chất của Vũ trụ cấu sanh, cho nên người ta phải vay nợ của Âm Dương, Ngũ hành gọi là nợ tiền khiên. Luật Nhơn quả đã định cơ vay trả ấy, dầu người nào muốn phủ nhận cũng không chối được. Nhơn quả là nguyên nhân sanh kiếp Luân hồi. Ấy vậy, nên hễ muốn giải thoát kiếp sanh tử thì phải thanh toán mối nợ tiền khiên ấy.
2. Luân Hồi của Chơn Thần
Thánh Ngôn năm Mậu Thìn ( 1928 )
" Thầy nói : Chơn Thần là Đệ Nhị xác thân của các con, là khí chất ( Sperme évaporé ) bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy. Trung tim nó là Óc, cửa ra vào là mỏ ác chữ gọi Vi Hộ; nơi ấy, Hộ Pháp hằng đứng gìn giữ Chơn Linh các con khi luyện Đạo, đặng giúp cho Tinh hiệp với Khí và đưa Khí đến Thần. Tinh-Khí-Thần hiệp nhứt thì mới siêu phàm nhập Thánh ".
Phận sự của Đệ Nhị xác thân là dìu dẫn nhục thân hành động theo Thiên Lý. Trong kiếp hiện tại, nếu Chơn thần làm chủ Nhục thân khiến cho phàm thể hành động theo Chơn pháp thì chung qui Chơn thần sẽ được hiệp với Chơn linh, tạo thành một khí thể Vô Vi, chẵng những khi tử hậu được siêu thoát cõi trần mà lúc sanh tiền cũng có thể xuất ngoại. vân du trong cõi Ta bà nữa, người tu đến đây gọi là Đắc Đạo.
Trái lại, nếu trong kiếp hiện tại, Chơn thần không làm chủ Nhục thân để cho Đệ Nhứt xác thân buônglung theo phàm trần, phóng túng theo vật chất gây nên tội tình ác nghiệt thì khi nhục thân tiêu tan dưới mồ, Chơn thần phải thọ lãnh tội nghiệp ấy mà chuyển sanh kiếp khác, để rồi tạo dựng một nhục thân thô kịck thấp hèn hơn; đó gọi thối hóa. Vậy chúng sanh sở dĩ siêu hay đọa là tại Chơn thần một phần lớn.
3. Luân hồi của Chơn Linh
Thánh Ngôn năm Mậu Thìn ( 1928)
" Thầy đã nói : Nơi thân phàm của các con mỗi đứa Thầy đều có cho một Chơn Linh theo gìn giữ Chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng không cần nói các con cũng hiểu rằng : Chơn Linh ấy vốn vô tư mà lại đặng phép giao thông cùng cả Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và Các Đấng Trọn Lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt việc lành, điều dữ điều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa phán xét, bởi vậy một mãi không sai : Dữ lành đều có trả. Lại nữa, Chơn Linh ấy có tánh Thánh nơi mình, chẳng phải gìn giữ các con mà còn dạy dỗ các con nữa, thường nghe đời gọi lẫn là lương tâm ".
Theo Thánh Giáo, chúng ta hiểu rằng :
Chơn Linh nương Chơn Thần để dự trường thi công quả tại thế gian. Chơn Thần có phận sự chế ngự Nhục thân, Chơn Linh lại gìn giữ Chơn Thần.
Trong kiếp hiện tại, nếu Chơn Thần không chế ngự Nhục thân, Chơn Linh không gìn giữ Chơn Thần hành động theo luật pháp chơn truyền, đến khi Nhục Thân chết thì Chơn Thần phải chuyển kiếp. Còn Chơn Linh thì phải chờ mãi cho đến khi nào Chơn Thần tạo được một Nhơn Hình có đầy đủ thiện quả thì Chơn Linh sẽ đến cùng Chơn Thần hiệp tạo Khí Thể vô vi, như đã nói trên, tiếng thông thường gọi đó là đắc quả Thiêng Liêng. Theo Thánh Ngôn : Kẻ hành giả phải có Khí thể ấy thì mới đặng đến trước mặt Đức Chí Tôn.
Nói rút lại : Thế gian là trường học của chúng sanh, là trường thi công quả của muôn loài : Đắc thì về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, thất thì còn ở lại trần gian, chen lấn cùng các vật thể hữu vi, để đoạt cơ chuyển luân tấn hóa, mà then chốt là Nhơn Quả và Luân Hồi.
Nhơn Quả và Luân Hồi thường đắp đổi lẫn nhau, để định sự Tấn Hóa hay Thối Hóa của chúng sanh, nghĩa là có Nhơn Quả thì có Luân Hồi, mà Hễ có Luân Hồi thì có Nhơn Quả. Ấy vậy nên ngày nào chúng sanh không tạo Nhơn Quả thì sẽ không Luân Hồi, mà hễ không Luân Hồi tiện thị cũng chẳng gây ra Nhơn Quả.
Không Luân Hồi, Không Nhơn Quả tức là giải thoát kiếp sanh tử.
Tóm lại : Quan niệm Vũ trụ nói đây là Vũ trụ tinh thần Đạo lý tạo lập Càn Khôn, sanh hóa vạn vật, mà chúng ta phải biết, để làm khuôn thước cho sự tu tập của mình. Trong trương trước, chúng tôi có trích chương 39 Đạo Đức Kinh rằng :
Kỳ trí chi Nhứt giả, vạn vật vô dĩ sinh tương khủng diệt ( Đến như một cái Đạo nói đây, nếu muôn loài chẳng đặng nó để làm cơ sở sanh tồn, thì e muôn loài phải dứt ). Thế đủ hiểu Đạo đối với Nhơn Sanh trọng yếu là thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides