Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Ý NGHĨA CỦA MỖI CÂU NGUYỆN TRONG “NGŨ NGUYỆN”



lotus
Nam mô:
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh
Tam nguyện xá tội đệ tử
Tứ nguyện thiên hạ thái bình
Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh.





1. Câu nguyện thứ nhứt: Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai.
Khởi sự đọc câu nguyện thứ nhứt, tâm người tín đồ hướng về Đại Đạo. Tại sao vậy?
- Bởi vì Đại Đạo (hay là Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa) là nguồn cội sinh ra vũ trụ và muôn loài vạn vật. Từ Đại Đạo xuất phát ra cơ sinh hóa, giáo hóa, dưỡng dục và cứu rỗi muôn loài.
Nguyện cho Đại Đạo hoằng khai, tức là cầu mong cho Đại Đạo khai mở cơ giáo hóa và cứu rỗi chúng sanh trong thời kỳ Tam Kỳ Phổ Độ nầy.
Đại Đạo là cứu cánh, Thế Đạo và Thiên Đạo là những phương tiện, những con đường cứu rỗi, còn chúng sanh là mục tiêu giáo hóa và cứu độ.
Trong cơ giáo hóa và cứu rỗi chúng sanh có cơ ân xá để giúp cho chúng sanh có dịp hối quá tiền phi, đóai công chuộc tội, lập công bồi đức, hầu được giảm tội tăng phước, minh đạo tiến đức mà tiến hóa tâm linh, thượng thăng lên hàng Cửu Phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Đại Đạo thì muôn đời hằng hữu, nhưng cơ giáo hóa, cứu rỗi và ân xá thì có định lệ và thời kỳ (Nhứt Kỳ Phổ Độ, Nhị Kỳ Phổ Độ, và Tam Kỳ Phổ Độ).
Ở mỗi thời kỳ Phổ Độ đều có chư Phật, Thánh, Tiên giáng thế độ đời, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, để dạy dỗ chúng sanh cải ác tùng lương, cải tà qui chánh, và dìu dắt các bậc nguyên căn phản hồi nguyên bổn.
Đặc biệt nhứt, trong thời kỳ này là Thời Kỳ Phổ Độ lần thứ ba và lần chót, trước khi lập đời trở lại Thượng Nguơn Thánh Đức, chính Thượng Đế mượn linh cơ diệu bút giáng trần lập Đạo. Tất cả chư Thần Thánh Tiên Phật đều nhứt loạt giáng điễn khuôn phò cơ Đạo, tận tâm dạy dỗ và dìu dắt nhơn sanh vào đường đạo đức.
Nguyện cho Đại Đạo hoằng khai là tỏ lòng thành kính hưởng ứng và xiển dương cơ cứu thế kỳ Ba của Thượng Đế.
Thượng Đế hoằng khai Đại Đạo, thì tín đồ phải biết tôn vinh cơ cứu thế, phải biết tiếp nhận Giáo Lý Đạo mà hoằng khai Thế Đạo để cho đúng với lý Thiên Nhơn hiệp nhứt, thì công cuộc cứu thế của Đại Đạo mới thành tựu mỹ mãn.
Muốn cho Thế Đạo được hoằng khai tốt đẹp thì tất cả tín đồ phải biết tu sửa cuộc đời mình cho ra nhơn hiền thánh triết, hạnh Phật nết Tiên, hầu nắm vững “Quyền Pháp” mà Thượng Đế đã ân ban, hầu lập thành “Quốc Đạo” và mở rộng cơ cứu thế khắp năm châu bốn bể.
Trời mở cơ cứu độ chúng sanh, mà tín đồ Đại Đạo chưa đủ tài đức, chưa đủ trình độ tiếp nhận “Quyền Pháp” thì Đại Đạo cũng không thể hoằng khai theo ý nguyện của tín đồ.
Vậy người tín đồ, khi lập nguyện cho Đại Đạo hoằng khai, thì không thể nguyện suông như trả bài để cho lời nguyện bay theo gió, mà phải ý thức rằng mình có bổn phận phải tu thân sửa mình cho triệt để, dẹp hết “phàm tâm” để cho “chơn tâm” hay “đạo tâm” hiển lộ, thì mới đủ khả năng và tư cách thế Thiên hành hóa, thay Trời cứu thế độ dân được.
Đại Đạo không hoằng khai đơn phương, mà phải do ý nguyện của tín đồ cũng như của nhơn sanh, như vậy lòng người và ý Trời mới đủ tác năng giúp cho cơ Đạo thành tựu. Sách nho có câu: “Nhơn hữu thiện nguyện, Thiên tất tùng chi” nghĩa là con người có nguyện lành, thì Trời mới ứng giúp cho.
Nghĩ như vậy, người tín đồ mới thấy sự lập nguyện của mình có tính cách chủ quan chớ không phải khách quan, có tánh cách chủ động chớ không thụ động.
Lập nguyện theo chiều hướng Trời và Người hiệp một, thì sự lập nguyện đó mới thiêng liêng và trọng đại.
Nghĩ tới Đại Đạo trước tiên, người tín đồ thi hành “Đại Lễ” đối với nguồn gốc của muôn loài vạn vật, tức là nguồn gốc của chính linh hồn và thể xác mình, tức là Đấng Đại Từ Phụ của mình và của muôn loài vạn vật.
Đại Đạo của Trời hoằng khai thì “Tâm Đạo” của tín đồ cũng phải hoằng khai để cho Ý Trời và lòng người hiệp nhứt vào một mục tiêu cứu độ của Đại Đạo, thì cơ cứu thế mới thành tựu như ý.
Đại Đạo hoằng khai tại xứ Việt Nam là vạn hạnh cho dân tộc nhỏ bé nầy, và chính dân tộc nầy cũng được Thượng Đế ban trao cho “Quyền Pháp” để hoằng khai cơ cứu thế khắp năm châu bốn bể. Đó là vạn hạnh cho cả nhơn loại trên quả địa cầu “68” nầy.

DamSen


2. Câu nguyện thứ hai: Nhì nguyện phổ độ chúng sanh
Khi lập nguyện, trước tiên người tín đồ nghĩ tới “Đại Đạo” tức là nghĩ đến nguồn đầu của vũ trụ càn khôn, của sanh linh vạn vật. Đó là nghĩ đến cứu cánh của Đại Đạo.
Trong câu nguyện thứ hai, người tín đồ nghĩ đến việc phổ độ chúng sanh tức là nghĩ đến mục tiêu cứu độ của Đại Đạo.
Đại Đạo là cái “Vô Vi“. Muốn cứu độ chúng sanh thì phải làm sao? Tức là phải mượn cái “Hữu Vi” làm môi giới, làm trung gian.
Vô Vi là gì?
- Là Thượng Đế, là Thần Thánh Tiên Phật, đang vận chuyển máy Thiên Cơ để thực hiện cơ cứu thế, cứu độ chúng sanh.
Hữu Vi là gì?
- Là Tòa Thánh, Hội Thánh, là Thiên Phong Chức Sắc, là Tín Đồ ở trong cửa Đạo, đang chung tâm hiệp trí để thi hành “Thiên Ý, Thiên Lệnh” lo tổ chứcc ác cơ quan Đạo, rèn đúc giáo sinh, giáo sĩ, phổ thông Giáo Lý, bành trước cơ Đạo, rước người vào cửa Đạo, thay mặt Vô Vi trên tất cả mọi hình thức, mọi phương diện giáo hóa và cứu độ chúng sanh, bỏ dữ theo lành, rời sông mê sang bến giác.
Lập nguyện như vậy, người tín đồ phải nghĩ rằng mình là kẻ trung gian giữa Đại Đạo và chúng sanh, hay nói cho đúng hơn, là người thay mặt cho Đại Đạo để thể hiện cơ cứu thế tại trần gian nầy. Về phương diện nầy, trong nhiệm vụ nầy, người tín đồ phải biết mình là động lực, là cơ năng của Đại Đạo, phải chủ động chớ không thụ động, phải tích cực chớ không tiêu cực, để chiếm phần ưu thắng trong công quả thế Thiên hành hóa, giáo dân phục thiện.
Vậy thì lập nguyện có nghĩa là khấn hứa làm tròn Thiên Chức, và trước tiên là lãnh hội phương pháp tự độ lấy mình, tạo cho mình có đủ tài, đủ đức, có đủ trình độ giác ngộ tâm linh để hoàn thành sứ mạng tự giác giác tha, tự tiến hóa theo đường Chánh Đạo và dìu dắt chúng sanh cho tròn hạnh nguyện giáo dân vi thiện.
Trước khi muốn độ chúng sanh, người tín đồ phải tu học theo Giáo Lý Cao Đài, làm thế nào cải đổi con người của mình từ phàm ra Thánh, từ tục hóa Tiên. Chừng nào “phàm tâm tử, đạo tâm sanh” “nhơn dục tịnh tận Thiên Lý lưu hành” thì người tín đồ mới gọi là có đủ trình độ thay Trời phổ độ chúng sanh.
Trong quá trình học Đạo và hành Đạo, người tín đồ lần hồi thâm nhiễm Giáo Lý Cao Đài do Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy dỗ mới biết nhận ra cái “Đạo Tâm” của mình, và chỉ khi nào dứt tuyệt cái “phàm tâm” mới vận dụng được cái “Đạo Tâm để làm công quả.
Làm công quả với “Đạo Tâm” thì công quả đó mới có giá trị. Nếu làm công quả bằng “phàm tâm” thì công quả đó chẳng những không có giá trị trước Thiêng Liêng, trái lại còn gây ra sự khảo đảo tác hại cho tình đạo cho uy tín của Đạ .
Nếu người tín đồ chỉ biết vận dụng “phàm tâm” để làm công quả thì chỉ quẩn quanh trong 4 nẻo “Tình, Tiền, Danh, Lợi” rốt cuộc rồi chỉ phá Đạo chớ không phục vụ cho Đạo.
Việc phổ độ chúng sanh có 2 nghĩa:


1. Nghĩa tích cực: mình phải tận độ chúng sanh trong bản thân mình trước tiên. Bản thân tuy là vật chất, nhưng là một guồng máy tinh vi “Thiên Tạo” chớ không phải là “Nhơn Tạo”. Mặc dầu nhơn thân do cha mẹ đẻ, kỳ thật do luật “Âm Dương Ngũ Hành” tác động mà tạo tác ra phàm thân để làm trú sở cho Linh Hồn tu học tiến hóa.
Luật “Âm Dương Ngũ Hành” là tuyệt đối của Đại Đạo, của Trời Đất. Con người chỉ thay mặt cho Trời Đất giúp cho cơ sinh hóa tác động, chớ con người không nắm quyền sinh hóa được.
Bản thân con người được ví như “Tiểu Thiên Địa” trong đó có Âm Dương Ngũ Hành tạo ra sự sống của con người. Nếu chúng sanh trong bản thân con người bị tiêu hao, bế tắc, chết chóc, thì con người chịu đau khổ, bởi vì sự sống của chúng sanh (tế bào) tạo nên sự sống của bản thân con người. Con người làm chủ cái thể xác mà không biết “tu Tánh luyện Mạng” thì bản thân sẽ suy sụp lần hồi và chuyển luân theo đường “Tứ Khổ” (Sanh, Lão, Bịnh, Tử), bị luật vô thường đào thải mà kẹt mãi trong những kiếp luân hồi.
Nói tóm lại, nếu người tín đồ biết tự giác, thì hãy lo tận độ “chúng sanh trong bản thân mình” trước nhứt, đem sự sống “tiên thiên” vào thay sự sống “hậu thiên” hầu đạt được sự sống “trường sanh” nhiên hậu mới có đủ trình độ của bực “Chơn Nhơn” vui sống trong cuộc “Hằng Sống” của Trời Đất.
Suy ra cho thật kỹ, nếu mình không cứu độ chúng sanh trong bản thân mình để cho chúng nó rên siết, đau khổ, bế tắc, chết chóc, thì cuộc sống của mình cũng đau khổ bế tắc. Bản thân mình vốn nó không có đạo, hay nói cho đúng hơn, mình đã vô đạo đối với bản thân mình, thì mình lấy đạo ở đâu mà đi phổ độ chúng sanh ngoài đời được. Ít ra mình cũng đem đạo đức vào bản thân mình để tự ban vui cứu khổ cho chúng sanh trong bản thân mình, nhiên hậu mình mới có niềm vui mà cứu độ kẻ khác được. Vã lại, mỗi con người, mỗi chúng sanh, khi sanh ra đời cũng theo luật quả báo luân hồi, có nhân quả riêng, có biệt nghiệp riêng, thì có ai ở ngoài nhúng ta vào giác ngộ và độ rỗi thay cho họ được, trừ phi chính họ phải tự giác mà thôi.
Bởi thế cho nên, muốn phổ độ chúng sanh một cách tích cực, người tín đồ phải phổ độ chúng sanh nơi bản thân mình trước đã, rồi mới phổ truyền Giáo Lý Đại Đạo kêu gọi những người khác phổ độ chúng sanh nơi bản thân của họ. Nơi mỗi con người đều có cuộc phổ độ chúng sanh tích cực, thì công cuộc phổ độ chúng sanh của toàn Đạo mới đạt kết quả toàn hảo.
Nói tóm lại, phổ độ chúng sanh một cách tích cực là tự tu, tự giác. Mà muốn tự giác thì phải biết phép “Tu Tánh Luyện Mạng” nhiên hậu đắc cái ĐẠo nơi bản thân mình rồi mới có đủ trình độ giác tha được. Nếu mình để cho cái Đạo nơi bản thân mình bế tắc, nghĩa là mình chưa tự độ được mà đi độ người khác là điều ảo vọng.
Trong bài “Minh Chân Đạo” Đức Thích Ca Như Lai có dạy rằng:
- Ớ chúng sanh! Trần ai là một nơi sông mê bể khổ, lại cũng là một trường học hỏi ung đúc sự thất bại hay thành đạt buổi tương lai của chúng sanh. Nếu trong thế gian nầy, mà trọng kiếp con người tìm đặng chổ biết, gìn đặng bổn tâm, cách lìa pháp tướng, thì thế gian đây vẫn là Niết Bàn Cực Lạc vậy.
DIỄN CA:
Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh,
Lụy trần ai khó tỉnh lấy linh tâm.
Kìa xa xa khổ hải đoái thâm thâm,
Nọ văng vẳng tiếng chuông rền “không sắc”
Mãi tử thiên kim nan đắc,
Hoán thân vạn lượng hà tồn.
Buổi sanh tiền nếu chẳng sớm bôn chôn,
Đến liễu tu8? làm sao đền tội lỗi?
Tam Giáo qui nguyên đại hội
Ngũ Chi hiệp nhứt chân truyền,
Hỏi khách trần, nào kẻ có nhân duyên?
Đây Đại Đạo cứu người qua bỉ ngạn.
Tiền, trung, hậu, hie6.p hòa cơ tạo sáng,
Phật, Thánh, Tiên, ngôi vị sẳn chương toà,
Nhớ rằng: “Tự giác, giác tha”
Trích trong quyển: Đạo Nguyên Chánh Nghĩa
Trong ngày Lễ Phật Đản, mùng 8 tháng 4 năm Ất Tỵ (07-05-1965) Đức Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Như Lai Thế Tôn có dạy về lẽ “Tự giác giác tha” như sau:
- Hỡi chư môn đồ! hỡi chúng sanh! Bổn Sư lâm đàn chứng lễ cúng dường của chư môn đồ cũng như toàn cả chúng sanh lễ bái. Bổn Sư ban ơn lành và khuyên chư môn đồ nên nhớ lời nầy:
“Cây biết cội, nước biết nguồn” như thế mới gọi biết hành cái Đạo của Ta . “Tự giác giác tha”, đem giống từ bi gieo trên ngũ trược cho toàn cả chúng sanh khỏi cảnh nghiệp chướng luân hồi, như thế mới gọi là tu cái hạnh của Ta. Bằng chẳng đươc., muôn ngàn kiếp thế gian nầy không cải tạo, thì mong gì đắc quả Như Lai.
Lành thay! Lành thay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Ngâm:
Tây Phương đất Phật gầy nên,
Tam Kỳ Phổ Độ xây nền âu ca.
Trong kỳ đàn tại “Huờn Cung Đàn“, tuất thời ngày 29 tháng 8 năm Ất Tị (24-09-1965), Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Đại Từ Tôn có dạy về lẽ tự tu tự độ để có trình độ độ tha như sau:
- Các con tự hỏi mình đặt thân vào cửa Đạo để làm chi? Có phải để tự giác tự tu, tự nhận làm những việc thiện, việc nhân nghĩa để trả lần bao nghiệp oan khiên tiền kiếp, nhẹ mình hầu sớm để hưởng đời Thượng Nguơn Thánh Đức, an cư lạc nghiệp, đất Thuấn, trời Nghiêu, sau ngày viên mãn phủi sạch nợ trần, điểm linh quang được trở về hiệp nhứt cùng Thầy Mẹ chăng?


2. Nghĩa tiêu cực: Người tín đồ tu học và am tường Giáo Lý Cao Đài qua lời dạy của Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng, vừa tự độ lấy mình, vừa đem ra truyền bá sâu rộng trong đại đa số quần chúng đều được nghe biết may ra trong số đó có bực nguyên căn nghe kịp “lời vàng tiếng ngọc” hồi tâm thức tỉnh, tìm đường trở lại cửa Đạo, từ đó mới lãnh hội được phương pháp phục hồi nguyên bổn mà trở lại ngôi xưa vị cũ. Đó cũng là trường hợp phổ độ chúng sanh, nhưng chỉ có hiệu quả tiêu cực.
Đó là điều mà Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng đã dạy ngay từ buổi khai Đạo.
Đạo khai để cứu đời, chớ không phải làm nhăng cho đời, mà cứu bằng cách nào vậy hởi các con?
Chính các con phải tự cứu mình trước rồi mới có phương tiện và điều kiện cứu kẻ khác. Tự cứu mình như thế nào đó các con?
Trước hết phải thành thật với lòng mình, tự đóng khung mình trong kỷ luật Đạo, gội rửa hết những tánh ích kỷ xấu xa, ý nghĩ đen tối, tánh nết ghen hiền ghét ngỏ, tập lần đức bác ái vị tha, tinh thần phục thiện, thực hiện được đường lối công bình, bác ái, từ bi. Ba điểm đó là sơ khởi người mới giữ Đạo phải tập làm cho được …
Trên thực tế, chúng ta thấy đa số người say mê Giáo Lý Tôn Giáo chỉ với mục đích tôn sùng, thờ phượng, đề cao Giáo Lý của các Đấng Giáo Chủ chớ không hề áp dụng Giáo Lý vào việc tu thân sửa mình để đi đến trình độ tự giác giác tha. Lại cũng có những hạng người, khi vào cửa Tôn Giáo thì chỉ mong Trời Phật độ, chớ không hề thực hành theo lời dạy của Trời Phật để tự độ lấy bản thân mình, xây dựng đạo đức nơi con người mình để làm tiêu biểu cho sự lợi ích và thành công cụ thể của Tôn Giáo trong nhơn tâm thế đạo.
Những người biết đi khuyến dụ người khác trở về với Đạo, mà chính bản thân mình không đạt được tí gì về sự lợi ích và công dụng của Đạo, có khi tâm tánh còn động loạn hơn người vô đạo, bản thân còn đau khổ hơn người vô minh nữa, thế thì rõ ràng là mang danh Đạo mà bỏ Đạo không hay.
Phổ độ chúng sanh mà chưa biết tự phổ độ lấy mình, là cái khuyết điểm trầm trọng của đa số người chấp “công quả” mà bỏ “công phu”. Không tự giác thì làm sao có trình độ để giác tha được (?).
Bởi vậy cho nên, muốn phổ độ chúng sanh cho có công quả với Đạo, người tín đồ trước phải sửa mình, sửa cho triệt để, gột rửa cho sạch “phàm chất” để cho “thánh chất” lộ bày, nhiên hậu mới dám nói là thay Trời để dìu dắt chúng sanh được.
Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy Đạo trên 60 năm, kim ngôn như nước bể, thánh triết như cây rừng, cũng chỉ mong cho chúng sanh hiểu được Chơn Lý tự giác giác tha đó mà thôi. Chính các Ngài cũng thường nhắc nhở tín đồ phải học theo Giáo Lý, áp dụng Giáo Lý mà tu thân sửa mình cho ra người đạo đức, chớ các Ngài, dù có thương, cũng không ẩm bồng ai mà đưa lên cảnh Tiên nhà Phật được.
Cái tệ nạn của Tôn Giáo là mong kết nạp cho thật đông tín đồ, tưởng vậy và có công, có quả, nào dè đâu tín đồ vào Tôn Giáo mà không tu thân sửa mình, mặc áo Đạo, mang danh Đạo mà tấm lòng không theo Đạo, không có tâm Đạo và hạnh Đạo, thì cửa Tôn Giáo lần hồi sẽ rối ren vì phàm tánh khảo đảo phàm tánh, ma tánh tranh chấp với ma tánh, sanh ra thù nghịch chia rẽ trong cửa Đạo. Rốt cuộc, sự phổ độ bừa bải, kết nạp số đông người vào Tôn Giáo mà không dạy việc tu thân sửa mình, thì Tôn Giáo chỉ còn là trường huyết chiến mà thôi.
Chúng ta chán thấy hiện nay trên thế giới có nhiều Tôn Giáo trong đó tín đồ còn biểu lộ tánh chất hung bạo, tranh giành ảnh hưởng, quyền thế, lợi lộc, xua nhau vào trường huyết chiến triền miên, thật là khủng khiếp còn hơn loài Ma Vương, Ác Quỉ. Công cuộc phổ độ như thế ấy gẫm có kết quả lợi ích gì cho xã hội nhơn loài (?).
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy có giải về chữ “Tam Kỳ Phổ Độ” như sau:
- Tam Kỳ Phổ Độ là gì?
Là Phổ Độ lần thứ ba.
- Sao gọi là phổ độ? Phổ độ nghĩa là gì?
Phổ là bày ra. Độ là cứu chúng sanh.
- Chúng sanh là gì?
Chúng sanh là toàn cả nhơn loại, chớ không phải lựa chọn một phẩm người như ý phàm các con tính rổi.
- Muốn trọn hai chữ phổ độ phải làm thế nào?
Phải bày Bửu Pháp chớ không đặng giấu nữa. Nghe và tuân theo.
Theo lời dạy của Đại Từ Phụ trên đây thì công cuộc phổ độ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lần nầy thật là vĩ đại.
Vật thiết nghĩ người tín đồ khi lập nguyện, nên nhớ rằng ý nguyện của mình vĩ đại, lời nói của mình thốt ra phải thành thật, và việc làm của mình để phụng sự cơ Đạo cũng phải tận tâm tận lực thì mới làm tròn sứ mạng theo “Thiên Ý”.

DamSen


3. Câu nguyện thứ ba: Tam nguyện xá tội đệ tử


Đối diện với Thiêng Liêng, người tín đồ tự nhận rằng mình là người có tội, là vì có tội mới sanh ra cõi thế gian là nơi sông mê bể khổ.
Do sự tác động của luật nhân quả, linh hồn con người đầu thai trở lại thế gian là vì chưa hoàn thiện sứ mạng làm người để tiến hóa cao hơn lên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nhưng tiến hóa hay thoái hóa cũng do chính con người thức giác hay mê muội mà thôi.
Người tín đồ tự nhận mình, hoặc có tội trong tiền kiếp, hoặc trong hiện kiếp, nên mới xin Trời Phật ân xá cho mình.
Muốn cầu xin ân xá thì trong lòng phải thật sự ăn năn cải hối, và kể từ lúc bước vào cửa Đạo, phải quyết tâm làm lành lánh dữ, lành nhỏ không bỏ, dữ nhỏ không làm, cải đổi tánh tình, cải thiện hành động, làm thế nào cho con người mình trở nên thuần lương đạo đức, thì sự cầu xin xá tội mới có giá trị và kết quả. Nếu cầu xin xá tội cũ, mà cứ gây thêm tội mới hoài thì sự cầu xin xá tội trở thành vô nghĩa hay vô ích.
Xá tội không có nghĩa là bôi sạch tội, rửa sạch oan khiên một cách vô điều kiện, bởi vì luật nhân quả chí công vô tư, không cho phép xá tội dễ dàng được, mà có thể cho đoái công chuộc tội, thọ nhận hồng ân đại xá, nếu năng làm công đức, phước nhiều hơn tội, thì tội nọ lần lần giảm tiêu. Kinh sám hối có đoạn:
… Năng làm phải nhựt nhu ngoạt nhiễm,
Lâu ngày dồn tính đếm có dư,
Phước nhiều, tội quá tiêu trừ;
Pháp Trời thưởng phạt, không tư chẳng vì.
Thấy lỗi mọn, chớ nghi chẳng hại,
Thường dạn làm tội lại hằng hà,
Vì chưng tựu thiểu thành đa;
Họa tai báo ứng, chẳng qua mãy hào.
Giữa bụi thế giữ sao chẳng vấy,
Biết ăn năn xét lấy sửa lòng,
Làm người nhơn nghĩa xử xong;
Rủi cho gặp lúc long đong chẳng sờn …
Người cầu xin xá tội phải thật tâm chừa bỏ dứt khoát tư tưởng, lời nói, việc làm trái với đạo lý, và khi bước chân vào cửa Đạo phải nhứt tâm làm lành, tuân hành luật Đạo, sửa đổi con người mình theo khuôn mẫu mực thước của Đạo, tự nhiên tội lệ sẽ lần lần giảm tiêu, dữ tan lành hiện, họa lui phước tới chẳng sai. Chớ nếu nguyện thì cứ nguyện, như trả bài thuộc lòng, mà tâm phàm tánh tục không sửa đổi, ý xấu, lời tục, việc làm sai trái không chừa bỏ, tội ác cứ vướng thêm hoài, càng ngày ác tánh càng tăng, tội lỗi càng ngày càng chồng chất thêm mãi, thì có Trời Phật nào xá tội cho mình được. Hoặc giả, có người ở ngoài đời thì làm tội theo đời, khi vào cửa Đạo làm tội theo đạo, đi tới đâu thì gieo rắc ác trược, gây oán chác hờn, ganh gổ, sân hận, ngạo mạn sanh ra sự khảo đảo, sự lủng đoạn trong cửa Đạo … như thế thì Trời Phật dù rộng lượng từ bi bác ái đến đâu cũng không thể bỏ qua luật công bình mà xá tội cho mình được. Huống chi, theo luật nhân quả, hễ gieo giống hạt nào thì hưởng thứ quả nấy. Sách Nho có câu: “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, tử tế tư lương Thiên Địa bất thác” nghĩa là “chứa điều lành thì hưởng phước lành, chứa điều ác thì nhận quả ác, nghĩ cho kỷ, Trời Đất nào có sai lầm đâu“.
Trong Kinh Sám Hối cũng có đoạn:
… Trên đầu có bủa giăng Thần Thánh,
Xét xem người tánh hạnh dữ hiền,
Làm lành đặng hưởng phước duyên;
Trong lòng nham hiễm lộc quyền giảm thâu.
Đừng tính kế độc sâu trong dạ,
Mà gổ ganh oán chạ thù vơ,
Trái oan nào khác mối tơ;
Rối rồi không gở bao giờ cho ra …
Tâm nguyện của người xin xá tội, là muốn được bôi xóa những vết nhơ, những tì hằng trong cuộc đời mình, để cho mình không còn mặc cảm tội tình, hối hận sai trái, để cho lương tâm được an vui với cuộc đời trong sạch, để từ đó về sau giá trị con người mình nhờ Đạo mà được nâng cao lành mạnh và hạnh phúc.
Chí nguyện của người xin xá tội là hứa hẹn với Trời Phật và với lương tâm là sẽ sửa đổi cuộc đời mình bằng cách tuân theo luật Đạo mà làm lành lánh dữ, cải ác tùng lương, cải tà qui chánh, theo đường siêu tránh nẻo đọa để cho cuộc đời mình lần lần thay đổi nên nhẹ nhàng thánh thiện tội đã qua được ân xá, thì sấp tới sẽ không bao giờ có thể vi phạm. Lập nguyện như thế, với tâm nguyện và ý chí như thế, thì việc lập nguyện mới có ý nghĩa xác thực, kết quả cụ thể, bằng không thì chỉ là lời nói suông từ đầu môi chót lưởi, bay đi theo gió mà thôi.
Luật thế gian cũng như luật Thiên Đình không bao giờ chấp nhận lời cầu nguyện như thế. Nói cho đúng hơn, nếu người tín đồ muốn đi theo con đường Chánh Đạo thì phải dùng “Chánh Tâm” mà cầu nguyện và hành Đạo.
Nếu cái “Tâm” không chơn chánh, cái “Tánh” không ngay thật thì vẫn là tâm phàm tánh tục. Đó là động cơ sanh ra thất tình lục dục, gây ra điều tội lỗi khó lường được.
Sách Dưỡng Chơn Tập có nói:
- Tâm sanh chủng chủng ma sanh, tâm diệt chủng chủng ma diệt.
Nói như thế có nghĩa là, hễ tâm sanh tánh động thì thất tình lục dục nỗi lên làm Ma phá tan Đạo nhà. Trái lại, nếu người tu biết “Tồn Tâm dưỡng Tánh” hoặc là “Tu Tâm luyện Tánh” hay là “Minh Tâm kiến Tánh” thì lần hồi phàm chất sẽ tiêu tan, thánh chất hiện ra đưa tín đồ vào Đạo, diệt trừ tội nghiệp từ căn gốc.
Người thông hiểu lý Đạo thì nhận biết rằng, tội hay vô tội cũng đều do “Tâm” mà thôi. Vậy thì thay vì cầu Trời khẩn Phật xá tội cho mình, trước tiên mình phải xá tội cho mình trước.
Có người hỏi:
- Tự xá tội cho mình bằng cách nào?
Đáp:
- Bằng cách tự nhìn thấy cái “Tâm” cái “Tánh” của mình. Khi Tâm mình vừa khởi lên một ý tưởng gì, thì cái Tánh mình phải xét liền xem cái ý tưởng đó tốt hay xấu, lành hay dữ, trược hay thanh, rồi tự phê phán lấy mình, nhiên hậu mình sẽ nhận ra ngay điều gì nên nói, điều gì nên làm, và thế nào là chánh, thế nào là tà, thế nào tốt, thế nào là xấu, thế nào là nên, thế nào là hư. Đó là máy lương tâm nhạy bén hay xét biết để đi lần vào đường Chánh Đạo.
Người tín đồ biết công phu “Qui Tâm” là biết giữ Đạo chơn chánh nơi bản thân mình. Công phu càng tích cực chừng nào thì tánh mình càng minh, trí mình càng sáng chừng nấy, nhờ đó mình mới nhận ra “Chơn Tâm thanh tịnh” của mình chính là nguồn lành cội phúc của mình.
Trở lại Chơn Tâm vô nhiễm là cách xin xá tội hữu hiệu và thực tế hơn cả. Nếu tự mình không biết diệt trừ căn gốc tội lỗi của chính mình, thì không có Trời Phật nào xá tội cho mình được.
Ví dụ: Nếu bản thân mình nhơ bẩn thì chính mình phải biết tự tắm gội cho mình được sạch sẽ, chớ mình đi cầu xin Trời Phật tắm gội cho mình sao được. Nếu mình làm như thế chẳng hóa ra là người vô ý thức, nếu không nói là ngu muội.
Cái thân mình nhơ bẩn, mình biết. Hỏi vậy chớ cái “Tâm” mình nhơ bẩn mình có biết được không (?). Nếu không biết được thì đi vào cửa Đạo học phép tu thân sửa mình để làm gì (?) có ích gì (?).
Câu nguyện thứ ba nầy có ý nghĩa:
- Người tín đồ biết mình có tội, nhận tội, xin chừa tội để được hưởng sự ân xá của Trời Phật trong thời kỳ Đại Ân Xá lần thứ ba nầy.
- Muốn làm con của Thượng Đế, làm đệ tử của Tiên Phật thì phải lập tâm trong sạch, thanh cao, sáng suốt, và việc đầu tiên là phải tự rửa tội cho mình nhiên hậu mới được Trời Phật xá tội cho mình hầu cứu rỗi mình trở về cõi Tiên nhà Phật. Mình xin xá tội cho mình, mình cũng xin xá tội cho kẻ khác.
Chính trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ nầy, chúng ta mới thấy có nhiều vong linh được xá tội trở về nhập cơ trần tình cùng con cháu và đồng đạo. Cũng có nhiều vị nhờ được hưởng hồng ân đại xá, đồng thời với công phu tu luyện và công quả giúp Đạo mà được Thượng Đế sắc phong vào hàng Tiên Thánh, trở lại trần gian, giáng cơ thăm viếng hoặc dạy Đạo cho đoàn hậu tấn.
Một vị Tiền Bối trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ông Cao Triều Phát, xưa kia chưởng quản chi phái Hậu Giang, nay liễu Đạo rồi, thường giáng cơ tâm tình đạo sự với những đồng đạo đi sau.
Trong công quả của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Cao Đài Giáo Việt Nam, ngài có giáng cơ dạy về “câu nguyện thứ ba” như sau:


- Cao Triều Phát, Tệ Huynh chào mừng chư Thiên Ân hướng đạo, chào các em đạo tâm lưởng phái,

- Các em đã nguyện với Thầy là “xá tội đệ tử” ở câu nguyện thứ ba. Ý rằng nhắc nhở các em tha lỗi cho kẻ khác, cho đồng đạo trước khi Thầy tha lỗi mình. Những vết hằng đen đúa đã trải qua thời gian gió bụi, cứ để gió bụi khỏa lấp nó đi, để lấp lên một lớp vàng son sáng lạng ở hiện tại và cho mai sau.

DamSen


4. Câu nguyện thứ tư: Tứ nguyện thiên hạ thái bình.


Chữ “thiên hạ” ở đây có nhiều nghĩa:
- Thiên hạ là cõi thế gian, cõi đất, đối nghĩa với chữ “thiên thượng” là cõi Trời, cõi Thiên Đàng, cõi Trời Phật.
- Thiên hạ cũng có nghĩa là xã hội loài người
Ví dụ: chúng sanh trong thiên hạ
- Thiên hạ còn có nghĩa là những người bàng quang trong xã hội.
Ví dụ: có tin thiên hạ đồn rằng …
- Thiên hạ còn được hiểu là cõi Tiểu Thiên Địa trong bản thân con người đối nghĩa với Đại Thiên Địa là cõi Trời Đất.
Câu nguyện thứ tư, trước tiên, cần được hiểu là người tín đồ, với tấm lòng thương đời, yêu người, cầu xin cho cõi đời thế gian được thái bình an lạc. Cầu xin cho xã hội loài người hay thế giới chúng sanh khắp hoàn cầu không phân ranh giới hay dân tộc, cho cả thảy được thoát khỏi thiên tai địa ách, thảm họa chiến tranh cùng tất cả mọi khổ nạn, bệnh tật, đói khát, đau thương, tang tóc, được sống trong cảnh phong điều võ thuận, quốc thới dân an, được hưởng cuộc đời trong trời Nghiêu, đất Thuấn.
Thiên hạ là môi trường sống chung của nhơn loại. Cầu nguyện cho môi trường sống chung được thái bình an lạc là cầu nguyện cho nhơn loại trong đó có bản thân mình được sống trong hoà bình hạnh phúc.
Mỗi cá nhơn là một nhân tố sống trong lẽ sống chung của loài người mà thiên hạ là môi trường. Nếu mỗi nhân tố đều biết Đạo, biết thực hành Đạo Đức biết cầu nguyện và thực hiện thái bình từ nội tâm, và nếu tất cả nhân tố đều nhứt loạt làm như vậy, thì cái Tâm lành của chúng sanh sẽ biến đổi ngoại cảnh của trần gian ra thái bình an lạc tức khắc.
Tâm phát ra ý nguyện lành, và quyết chí thực hiện theo lời nguyện đó thì sẽ cảm ứng được với lòng Trời mà sửa đời ra thạnh trị ngay.
Đối với bản thân mình, tức là thiên hạ của chính mình, nếu người tín đồ biết tu tâm dưỡng tánh, biết làm cho tâm mình hòa hiệp với Tâm của Trời Đất tức thì chúng sanh trong bản thân mình cùng với mình được hưởng ngay cảnh thái bình an lạc. Đó là cách cầu nguyện thiết thực nhứt.
Nếu mỗi người tín đồ biết trở lại cái “Chơn Tâm” tức là cái Tâm thanh tịnh của mình, thì mọi việc hành sự của mình đều do “Đạo Tâm” hành theo “Thiên Lý” cả.
Chính cái “Đạo Tâm” của tín đồ tạo ra cảnh thái bình an lạc cho các Thánh Thất, Thánh Tịnh, Hội Thánh, Tòa Thánh, chừng đó danh xưng của các ngôi nhà nầy mới thật là đúng nghĩa: nơi chư liệt Thánh Tông Đồ của đấng Chí Tôn biểu hiện Thánh Tâm, vâng theo Thánh Ý mà cầu nguyện và thể hiện cho thiên hạ thái bình.
Trong đêm giao thừa, 30 tháng chạp năm Tân Hợi (14-02-1972) Đức Đông Phương Chưởng Quản giáng cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (Sài Gòn) có dạy như sau:


Người đời thường cầu nguyện, cầu xin sự thái hòa an lạc từ trên trời ban xuống. Nhưng có mấy ai biết sự an lạc thái hòa phải chính nơi lòng người tạo nên, và chính nơi tập thể loài người vùng lên mà có.
Nếu từ cá nhân, từ tập thể loài người bất lương, vô đạo đức, còn đầy dẩy lòng dục vọng nhỏ nhen, tham lam, ích kỷ, tật đố xấu xa trong xã hội mạnh được yếu thua, thì dầu có dập đầu cầu nguyện khắp các đền chùa, am tự thánh đường, cho đến mãn kiếp muôn đời, sự an lạc thái hòa không bao giờ đến.

DamSen


5. Câu nguyện thứ năm: Ngũ nguyện Thánh Thất an ninh.


Câu nguyện thứ 5 nầy đã được Đức “Quan Âm Như Lai” giảng dạy như sau: (Trích Thánh Giáo Sưu Tập của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, đàn cơ tại Minh Lý Thánh Hội, tuất thời ngày 14 tháng giêng năm Kỷ Dậu 02-02-1969)

- Tam Trấn Oai Nghiêm, Quan Âm Như Lai, Bần Đạo chào chư hiền đệ hiền muội,

- Chư hiền đệ, hiền muội! Trong giới Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hằng ngày mỗi thời cúng đều có 5 câu nguyện. Câu nguyện chót là “Ngũ Nguyện Thánh Thất an ninh“.
Thông thường chư hiền đệ hiền muội hiểu nghĩa rất hẹp, là cầu nguyện cho Thánh Thất là chỗ thờ phượng được an ninh. Nếu hiểu như vậy thôi, thì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cần phải nêu câu ấy lên để mà làm chi. Vậy chớ người đời mỗi lần đến lễ Phật dưng hương đăng hoa quả, kèm theo đó xin Phật phù hộ đủ điều, có khác chi đâu?
Chư hiền đệ muội phải hiểu như thế nầy:
- Thánh Thất gồm có Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên Đài. Thánh Thất cũng là tượng trưng cho hình thể Chí Tôn Đại Từ Phụ, trong đó có cả Thượng Đế đến vạn linh. Một tổ chức rộng lớn như vậy cũng thể hiện cho Càn Khôn Vũ Trụ.
Muốn cho Càn Khôn Vũ Trụ được điều hòa nhựt nguyệt tinh tú, Thượng Đế phải năm giữ “Quyền Pháp” cũng như điều hành guồng máy Đạo. Một tổ chức từ nhỏ đến lớn cũng phải có “Quyền Pháp”. Nếu không “Quyền Pháp” điều hành vận chuyển thì các khối tinh cầu trong vòng luân chuyển sẽ đụng nhau, thì vũ trụ nầy mất sự an ninh. Còn các phần hành của mỗi tổ chức không theo “Quyền Pháp” thì tổ chức đó bị loạn.
Đức Giáo Tông Thái Bạch, đầu xuân Kỷ Dậu đã đề cập đến hai chữ “Quyền Pháp” khá nhiều rồi. Hôm nay Bần Đạo chỉ phớt qua để chư hiền đệ muội lưu ý mà không nhầm lẫn.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đến ngày nay còn trong vòng phân hóa, vì chỉ có “Pháp” mà không có “Quyền”. Ai cũng nói mình làm đúng “Pháp” không theo một quyền lực của tổ chức khác. Vì “Quyền Pháp” chưa nghiêm minh nên cơ phân hóa, sự chia rẽ đương nhiên là thế!
Giờ đây Bần Đạo trở lại câu nguyện thứ năm:
Thánh Thất cũng tượng trưng cho lớn nhứt là vũ trụ, nhỏ nhứt là bản thân cá thể con người, cho đến từ cá thể côn trùng thảo mộc, bò bay máy cựa. Nếu vũ trụ chẳng an ninh, cơ sanh hóa không thể trưởng thành, guồng máy cai trị nhà nước nếu chẳng an ninh, thì xáo trộn từ đầu não chỉ huy đến hạ tầng quần chúng; gia đình nếu chẳng an ninh thì làm sao an cư lạc nghiệp, hạnh phúc được; bản thân nếu chẳng an ninh thì đời người như mất hết chín phần mười. Như vậy an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới, mọi lãnh vực.
Chư hiền đệ muội là người tầm Đạo tu thân, cũng hoài vọng an ninh. Nếu thậm đa tửu nhục thì ngũ tạng lục phủ mất an ninh. Nếu thậm đa sắc dục thì bản thân cũng mất an ninh.
Nói rộng ra một chút: Như người sử dụng các loại xe, không thi hành đúng luật đi đường, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình.
Trên đường Đạo, hoặc đường đời cũng thế, nào có khác chi đâu, mọi sự kiện xảy đến cho mình, đa số tự mình gây nên, chỉ thiểu số từ ngoại cảnh đưa đến mà thôi. Cái ngoại cảnh ấy cũng do ảnh hưởng phần nội tâm mà ra, chớ không hoàn toàn là rủi ro từ đâu đưa đến. Nếu thiếu đức, ngoại cảnh mới xâm vào.
Chư hiền đệ muội thử nghĩ: có bao giờ những người thân tu đạo đức mà lại gặp những bạn hữu tửu nhục đạo tặc đến rũ ren, hay trái lại, có bao giờ những người đổ bác đạo tặc mà có người bạn văn nhân sĩ khí đến bao giờ. Như vậy là nội tâm mỗi người thuần chơn đúng đắn sẽ có ngoại cảnh an lành tốt đẹp trở duyên. Nội tâm sẳn dành chỗ phụng thờ Thượng Đế, hoài bảo những việc làm của Thượng Đế, thì không còn chổ nào trống để cho tà mị lấn chen.
Trích: Kinh Tam Giáo Nhựt Tụng Diễn Giải
Biên Soạn: Thiện Trung Nguyễn Xuân Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides