Bảo Sinh- Trần Ngọc Lâm
“Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”
(Ca dao)
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”
(Ca dao)
Có nhiều người hỏi cách thiền mà không hỏi Thiền là gì? Hoặc coi Thiền là ngồi kiết già vận khí từ đan điền lên bách hội.
Nội dung của Thiền là sự tĩnh lặng ở trong tâm. Còn kiết già chỉ ở ngoại vi.
Thiền là dừng lại với chính lòng mình, là trống không. Thiền không chấp vào lời. Như Lai viết: “49 năm giảng đạo ta không nói một lời nào”. Thật ra 49 năm Như Lai đâu có im lặng, người thuyết pháp đầy đủ cái lẽ huyền vi của vũ trụ. Mà lý của vũ trụ là không lời, nên thiền cũng vô ngôn...
Như Lai đưa bông hoa mai trước 3000 đệ tử, bảo mọi người tìm cách lý giải. Chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Phật trao y bát thiền cho Ca Diếp.
Ca Diếp im lặng là vô ngôn. Thiền cũng vô ngôn vì lời dẫn ta đến chân lý, song lời không phải là chân lý. Nhiều khi lời lại che cả ánh sáng của tâm. Ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng ngón tay không phải là mặt trăng. Cũng như mặt trời mọc không bởi tiếng gáy của chú gà.
Còn theo kinh của Jé-su, thì hiện hữu không phải là chân lý, mà chân lý là lời. Kinh Tân ước “khởi nguồn là lời”. Lời là lời của Chúa.
Một thiền sư được hỏi Thiền là gì? Vị thiền sư liền đặt cái túi trên lưng xuống, rồi lại khoác cái túi lên lưng mà đi. Thiền sư muốn lý giải: “Thiền là vô ngôn. Thiền là cái ta đang sống”.
Thiền là sự quân bình của tâm linh:
“Ta như quả lắc, quả cân
Chuyển động là để tự tâm quân bình”
Thiền là thấy vạn pháp một cách toàn thể. Con mắt thái cực chứa sự biến đổi của cả âm lẫn dương, cả tốt lẫn xấu. Bởi:
“Ở đâu cũng một gầm trời
Thiện, ác - thật, giả - khóc, cười... đan chen”.
Đức Phật, chúa Jé-su, thánh A la... thường dim mắt lại, như hoạ sỹ đẩy sự vật ra xa mới thấy được cái toàn thể, không bị thu hút chỉ vào chi tiết. Câu ngạn ngữ quen thuộc mà ông bà ta thường ứng dụng:
“Trông lên mình chẳng bằng ai
Trông xuống lại thấy chẳng ai bằng mình”
Bởi nếu chỉ có trông lên, sẽ tự đau khổ vì thấp kém. Nếu chỉ trông xuống thôi sẽ sinh cao ngạo, hợm hĩnh. Vừa trông lên, vừa trông xuống là nhìn đời một cách trung dung “một vừa hai phải”- “không quá đáng” sẽ thấy hai chiều chân lý, tâm sẽ thiền.
“Không quá đáng” nghĩa là không chỉ nhìn sự vật một chiều, thấy trong thái cực chỉ có âm mà không có dương. Phải biết “nghe bằng hai tai” mới thấy được hai mặt của vấn đề. Nếu không, sẽ thành kẻ điên cực tả hoặc cực hữu. Bởi tất cả những gì quá hay, quá tốt đều có mặt dở của nó. Chỉ có “Một vừa hai phải” là trung dung của Nho giáo, có kinh trung đạo của Phật, có kinh Coran của đạo Hồi, có “biện chứng pháp” của Hê-ghel. Với người Pháp có “C’ests la vie”, với người Anh ta quan niệm có “Phớt ăng lê”, với người Mỹ ta giả dụ có “Mác kê nô”…
Khi đã biết “một vừa hai phải”, tâm sẽ tịnh, tuệ bừng sáng, thân tâm an lạc, ung dung tự tại, coi họa - phúc, sống - chết chỉ là một.
“Buông thõng hai tay đi vào chợ
Hoạ phúc mua đều có hoá không
Sinh tử bán rồi đời hết nợ
Buông tay đi suốt chợ âm dương”
“Đi suốt chợ âm dương” nghĩa là mang cái hữu hạn của con người hoà vào cái vô hạn của vũ trụ, thành bất tử:
“Hiểu hiện tại đang nằm trong vĩnh cửu
Thấy vô biên trong hữu hạn thân mình”
…
“Cho ta về chỗ gió mưa
Cho ta về chỗ có trưa, có chiều
Về nơi có ghét, có yêu
Nắng, mưa, yêu, ghét, sớm chiều như ta”
“Nắng, mưa, yêu, ghét” của bản ngã nhập cùng “nắng, mưa, yêu, ghét” của Tạo hoá, bản ngã sẽ tan biến thành vô ngã.
Kinh Đại Niết bàn có câu: “Con người quả là một cái Hư Vô trong cái vô cùng, vô tận của Trời Đất - mà cũng là cái Vô Cùng trong cõi Hư Vô. Một trung gian giữa hai cực: Có mà KHÔNG, KHÔNG mà Có. Vì thế nhìn đời không nên xem quá cao như non Thái, cũng không nên coi quá nhẹ như lông hồng.
Hiểu được cái lý của vũ trụ, cái tình của vạn vật, hành giả tìm thiền trong tánh không:
“Phải vào mới thấy lời ra
Phải yêu mới biết đâu là không yêu
Tìm ai suốt cả bốn chiều
Rồi ra mới biết bốn chiều đều không”
Tánh không coi sinh tử là một, vạn pháp bất sinh, bất diệt, “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”. Cái làm ta sống cũng chính là cái làm ta chết. Trong ca dao của ông bà ta xưa đã giúp ta hình dung được con gà, con lợn, ngộ được đạo trời, tự nhiên chấp nhận lẽ sinh tử cùng lá chanh, củ hành. Con chó cũng ngộ được lẽ sinh tử, tự nguyện yêu cầu: “Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng”. Hình tượng những con vật thân quen ấy là bài học để ngộ được tự lánh:
“Chỉ thẳng vào tâm
thấy tánh thành Phật”
Chấp nhận tự lánh của cuộc sống nó như thế, con người sẽ sống tự nhiên, như nhiên:
“Ung dung khắc trên khắc đi
Còi to cho vượt tranh gì trước sau”
Trong cuộc sống đời thường, thiền nhân không bỏ qua hình ảnh của chú cóc trong tranh dân gian - mà cảm nhận rằng:
“Chú cóc nhẩy ra
Thích thì ngồi đấy
Thích thì nhẩy đi
Sống như chú cóc vô vi
Nhẩy ra, ngồi đấy hoặc đi . . . chầu trời”
Thiền như cóc, ví như ta mặc áo vào, cởi áo ra, sau thời gian làm việc, đói ăn, khát uống, mệt thì đi ngủ. Bức tranh thiền của “cậu ông trời” quả là vi diệu như công án tượng trưng của thiền.
Do có quan niệm như vậy nên sống ở thời đại nào - kể cả thời hiện đại @ như hiện nay, thiền nhân vẫn luôn thanh thản vì họ hiểu luật nhân quả, nên họ không chống lại cái toàn thể, và chẳng khi nào:
“Chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi
Thì ta vẫn cứ phải trôi theo thuyền”.
Thiền nhân chỉ chứng kiến, chứ không có ý kiến. Tâm họ như tấm gương soi đủ vạn vật.
“Đến không đón
Đi không tiễn
Soi đủ điều
Không bàn luận”
Thiền nhân hoà vào thiên nhiên, hoà vào xã hội nên vạn sự như ý:
“Trong mười điều chín không như ý
Còn một điều lại ý chẳng như
Muôn cho vạn sự đều như ý
Cần một điều biến ý thành như”
Tâm thiền ở đâu, Phật ở đấy, niết bàn ở đấy:
“Tự nhiên chờ cái đến
Thanh thản tiễn cái đi
Yêu những điều không muốn
tâm nhàn hơn mấy trôi”
Đời một con người, kể cả nam và nữ, giàu hay nghèo, sang hay hèn dễ đã một ai trăm năm trẻ mãi? Đã mấy ai từ ấu thơ mà không trải qua những ốm đau do thời tiết, những bệnh tật thông thường, những tai nạn rủi ro, những sóng gió bất ngờ?
Bước vào tuổi lớn khôn, là người Việt đã mấy ai không hiểu ngoài cái tuổi tính theo dương lịch, còn có thêm tuổi Mụ - ấy chính là cái thời gian “chín tháng mười ngày” nằm trong bụng Mẹ - cả một khoảng thời gian ta đã được hưởng thụ khá nhiều những báu phẩm tinh túy của đất trời - mà đã có hưởng thụ thì phải có sự đáp đền theo năm, theo tháng. Ấy chính là nợ áo cơm - là công cha, nghĩa mẹ, ơn thày. Trong tuổi yêu đương đã mấy ai một lần suôn sẻ để trở thành hai chữ vợ chồng mà không qua những vui buồn, nhớ nhung, hờn giận? Trong công việc chọn ngành, chọn nghề “nhân sinh bách nghệ” dẫu thuận đà như buồm gặp gió mà không qua những cơn bão dậy, sóng xô trên những chặng đường thử thách, đắn đo va vấp... trong quy luật cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua?
Ấy là khi tự thấy được mình xứng đáng được trong tin cậy, được ngoài ít lời chê trách, oán ghét, hận thù. . . Và có cả những khi thấy mình yếu đuối, ươn hèn lầm lạc. Là những chặng đường dài đầy quanh co khúc khuỷu gập ghềnh. Lại có những ngã bảy, ngã ba mang những dấu ấn thành đạt và cả những mất mát đắng cay... dẫu cố quên lại càng thêm nhớ!
Với câu thành ngữ: “Bốn chín chưa qua, năm ba đã đến”, nếu trên còn cha mẹ già mà ngẫm tới bổn phận làm con có còn sai sót? Rồi trách nhiệm, bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Làm cha, làm mẹ con đẻ của mình, rồi tiến tới làm cha, làm mẹ con cái của người ta. Đó là những cô nàng dâu, những anh chàng rể... kẻo rồi:
“Bố vợ là mớ cọc chèo
Mẹ vợ là bèo trôi sông
Chàng rể là ông tám đời”
Vẫn biết thước đo của hạnh phúc hay bất hạnh trong suy ngẫm của thiền là “Trông người mà ngẫm đến ta”, mà giật mình còn biết bao nhiêu công việc phải làm. Ấy cũng là khi lực bất tòng tâm. Lúc còn trẻ dù được học, được hiểu trăm điều mà sao khi về già bỗng thấy sự đời có khi không phải: Hai với hai là bốn! Phải học thêm từ ông lão bảy mươi và học cả đứa trẻ lên mười. Học tới mức:
“Cái dại trước, cái khôn sau
Một lần ngã, chín lần đau nhớ đời”
Học đến nỗi:
“Tôi đi cuối đất cùng trời
Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê
Còn tôi quên nẻo đường về
Té ra mình đã... bị mê khi nào”
Cái sự mê ấy đâu phải dùng biện pháp “Thành sầu nan giải tửu vi binh”, mà phải ngộ tính vô ngã của lòng ghen tuông, đố kỵ. Người túi rỗng thường khinh bỉ kẻ nhiều tiền là tham lam keo kiệt; người giầu có lại coi người nghèo là lười biếng, ngu si. Họ hàng, bè bạn: “Lúc hoạn nạn thì trăm sự nhờ nhau, khi đã qua cầu thì “hê-lô” rút ván!”. Nếu lấy oán trả oán, oán thêm chồng chất, chỉ có lấy ân trả oán, oán mới tiêu tan.
Chuyện nhỏ nhặt đời thường, nói như Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
“Dâu con trong đạo gia đình
Chi bằng dẹp nỗi bất bình là xong”.
Vậy “chi bằng” là còn tức tưởi hậm hực, là đọc sai, là tam sao thất bản. Mà nguyên bản của Nguyễn Du là “thôi thì”! “Thôi thì dẹp nỗi bất bình…” mới là đại lượng, là vị tha, là không cố chấp - nhất là cương vị của các bậc bề trên.
Trong trào lưu xã hội đổi mới hiện nay, khi khoa học -kỹ thuật đã đem lại trăm nghìn cái hay, cái “được” nhưng chính nó đã làm “mất” đi không ít những nếp sống đẹp đẽ mà ông cha ta đã ngàn đời tạo dựng. Chân lý yêu thương giữa nam và nữ đâu còn thiêng liêng, trân trọng. Trai gái lần đầu chưa quen nhau đã có thể ôm eo dancing, ôm hôn thắm thiết. Ông bà nội, ngoại được mời đến dự lễ ăn hỏi cháu gái cưng. Vừa ngồi xuống ghế, các cụ đã được bố mẹ chúng cho xem cả một tập an-bom hai đứa hở vai, hở cổ ôm nhau trong giường rất tự nhiên. Và hơn thế, chỉ ít tháng nữa các cụ lại có chắt nội, chắt ngoại tha hồ mà ẵm, mà bồng.
* * *
Phiền não không rửa được bằng rượu mà phiền não chỉ rửa được bằng dòng chảy vô thường:
“Tâm như nước chảy trên nguồn
Soi hình tạo hóa mà không lưu hình”.
Lưu Linh xưa mượn say để phủ định bất công của xã hội. Cũng như khi Lão Tử bàn về cái say:
“Tửu gặp bạn hiền nghìn chén lẻ
Tình không tri kỷ nửa câu thừa!”
Thiền sư nói với kẻ say trong mê:
- Uống rượu là cái lộc của thầy. Không uống rượu là cái phúc của thầy. Song với người bình thường, những kẻ tiểu nhân mà say thì có thể là đại họa. Say rượu như Lưu Linh là cái phúc của kẻ đắc đạo. Coi như:
“Mình không chỗ đứng trên đời
Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu?!
Thì đi về chỗ bắt đầu
Cứ đi không đến, về đâu thì về.”
Không hiểu hết tính vô ngã thường của tính đố kỵ, ghen tuông của con người, kẻ sỹ xưa thường đắm say vào tửu sắc để mong quên đi hiện thực để được nằm mơ giữa ban ngày. Trong thời đại @ hôm nay? Không ít những ai đó tự cho mình là trí thức, song đứng trước những gập ghềnh của cuộc sống, họ chỉ biết ai oán nặng lời. Nửa ngày về sáng, họ có thể đã túm năm tụm ba để làm “đại ca” nơi quán xá. Nửa ngày về chiều họ có thể:
“Ngồi bia bọt vài giờ
còn hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ”!
Trong cuộc sống hiện tại, chỉ có những lứa đôi coi trọng sự thiêng liêng không gì so sánh nổi của mái ấm gia đình - cho dù mỗi người mỗi nơi làm việc, con cái học mỗi lớp mỗi giờ khác nhau, nhưng họ cố gắng tới mức cao nhất để không thể vắng những bữa cơm đoàn tụ. Mọi mâu thuẫn lớn nhỏ họ đều thông cảm lẫn nhau hoặc tìm cách thuyết phục. Thuyết phục không được thì khắc phục. Bởi “một sự nhịn là chín sự lành”. Nói chung, sống thời nào cũng vậy, chỉ có đưa tâm thức tới cõi thiền định mới gột rửa được lòng tỵ hiềm đố kỵ. Đố kỵ tỵ hiềm không tự nhiên có. Đố kỵ do nhân duyên giả hợp tạo nên. Vậy muốn thoát khỏi phiền não ta cần hiểu đạo bù trừ, thuyết thập nhị nhân duyên:
Trong cuộc đời đua chen, thiền nhân dân gian chấp nhận:
“Khôn sống, mống chết”
“Có ăn thì phải có làm
Không dưng ai dễ đem vàng đến chơi”
nhưng không chấp nhận quan điểm cực đoan: “Thà chết một đống còn hơn sống một người”, hoặc là “chúng mình cùng nghèo khổ”, cùng phá sản như nhau. Xin đừng dùng lời đẩy đưa cửa miệng:
“Chú khoẻ anh mừng
Nhưng chú coi chừng
Ai cho chú khoẻ?”
* * *
Thiền nhân cũng hiểu sự cạnh tranh, sự thi đua một cách vô ngã sẽ đưa xã hội tiến lên. Còn sự đố kỵ thì ngược lại. Song cũng không ít những trường hợp kẻ thù cũng đã giúp ta sửa chữa sai lầm còn nhiều hơn cả bè bạn. Phật tổ Như Lai đã từng cám ơn cả những kẻ thù mà không hề đố kỵ, ghen tuông:
“Vì nhờ có những kẻ thù
Nên ta sửa được đường tu đúng chiều”
Hoặc quan niệm như nhà thơ Yên Thao của thời @:
“Biết cạnh hoa thơm là cỏ dại
Đang buồn kẻ xấu ở quanh ta
Biết chẳng có gì là mãi mãi
Đừng bận soi gương thấy tuổi già”
Khi đã ngộ thiền, thiền nhân sẽ cảm thụ được phúc lạc tự bên trong:
“Trong trần ai có mấy nơi tĩnhh mịch
Trong lòng mình có mấy lúc thảnh thơi
Lúc thảnh thơi gặp nơi tĩnh mịch
Là khi mình thấy cả đích trước sau”.
Thiền thân tìm phúc lạc ở bên trong, Phật pháp là vô trụ xứ:
“Không mong nên chẳng cầu đi
Không phân khôn dại còn chi để buồn
Không gieo oán, chẳng chuộc hờn
Tâm như nước chảy trên nguồn là Tiên”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét