Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

 

Anh hùng Ngô Tùng Châu và đạo Cao Đài

 

(Bài thuyết đạo của Ngài Sĩ Tải Đặng Ngọc Dương tại Lăng Miếu Ngô Tùng Châu 

ngày 25/5/Canh Tuất-1970).

 


Kính thưa…

            Trước cảnh núi sông hùng vĩ, dưới vòm trời quang đãng bao la, với ngọn gió đông nam man mác, sự hịên diện đông đảo của quí vị quan khách và bà con đồng bào đồng đạo trong khung cảnh thế nầy, cũng nói lên được mối cảm tình và sự quan tâm sâu sát của quí vị đối với vị anh hùng dân tộc Ngô Tùng Châu và Tỉnh Đạo Cao Đài Bình Định chúng tôi.

           

Hôm nay, nhân ngày đặt viên đá đầu tiên xây cất Lăng Miếu Ngài Ngô Tùng Châu và cũng là ngày lễ kỷ niệm sự tuẫn tiết của Ngài tại thành Qui Nhơn gần 200 năm về trước. Thay mặt Tỉnh Đạo Cao Đài Bình Định, chúng tôi xin có đôi lời tưởng niệm công đức của Ngài để quí vị có mặt hôm nay, ghi lại mấy dòng lịch sử của một vị Tiền Bối đầy nghĩa cảm quyết liệt. Đồng thời, quí vị cũng sẽ thấy sự liên hệ thế nào mà Tỉnh Đạo Cao Đài chúng tôi lại đứng ra xây cất Lăng Miếu của Ngài, thiết tưởng đây là một vinh dự lớn.

                        Kính thưa quí vị,

            Lần giở lại trang lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ 18, chúng ta không làm sao khỏi ngậm ngùi vì đất nước đang trải qua một thời kỳ tao loạn cực kỳ đen tối mà sự tranh chấp không phải giữa ngoại xâm và dân tộc, mà chính là những người cùng huyết thống. Cái cảnh nồi da xáo thịt lúc bấy giờ đã làm cho dân tình điên đảo, nhân tâm điêu đứng, không làm sao kể xiết!

            Nhưng tất cả những gì xảy ra trên mặt đất nầy, dù bé nhỏ đến đâu cũng không phải tự nhiên mà có. Huống nữa, vận nước khi thạnh lúc suy cũng không phải do con người làm ra. Vả chăng, trên đời nầy, không phải muôn việc đều phó thác cho Trời mà cũng một phần do bàn tay nhân sự nữa.”Có Trời mà cũng có Ta” là vậy! Cho nên, hễ có một triều đại thì thịnh, thì có những bậc trung cang nghĩa khí ra đời, mà triều đại suy, thì nảy ra những loạn thần tặc tử.

            Người dân VN không tôn trọng cá nhân hay triều đại mà chỉ ca ngợi những thành quả của đạo đức muôn đời. Chả thế mà khi bờ cõi nước nhà bị phân tranh bởi sông Gianh, ngoài Bắc đang gặp            loạn kiêu binh của triều Lê mạt vận, thì ở trong Nam sau khi Chúa Nguyễn Vũ Vương mất, Trương Phúc Loan chuyên quyền, thì lại có bàn tay của nhà Nguyễn Tây Sơn xây dựng cho đất nước nầy một giang sơn thống nhất, một bờ cõi hùng vĩ, khiến cho ngoại bang dù lớn lao gấp mấy như Tàu có muôn vạn hùng binh cũng phải khiếp sợ. Nhưng đến khi cơ nghiệp nhà Tây Sơn bắt đầu suy sụp do bàn tay tham lam của Thái Sư  Bùi Đắc Tuyên đời vua Cảnh Thịnh, thì phải có sự phục hồi chấn chỉnh sau đó do sức quật khởi của triều đại Nguyễn Phúc Anh.

            Điều nầy còn ghi rõ nơi mảnh đất Bình Định nầy. Bên kia là đền Ba Vua (Tây Sơn), bên nầy là lăng Ngài Võ, Ngô. Tuy khi sống là một kẻ thù, mà lúc thác lại được tôn sùng trên cùng một mảnh đất. Ay mới lạ lùng mà thanh cao thy! Hùng tráng thay! Cái đạo lý của Đông phương, không phải tôn thờ cá nhân, mà tôn thờ đạo nghĩa là vậy!

                        Kính thưa quí vị,

            Trong một bối cảnh lịch sử vô cùng bi đát mà chính ta không phân minh như thế, tại thôn Thái Thuận , xã Cát Tài, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định (tức là nơi nầy), đã ghi danh một bậc hào hùng. Đó là Ngài Ngô Tùng Châu. Ngài xuât thân từ hàng Nho sĩ, Ngài đã hiểu được nhân tâm và am tường thời cuộc lúc bấy giờ nên đã theo phò Chúa Nguyễn Phúc Anh ngay từ buổi đầu bôn tẩu mưu việc phục quốc cho đến khi Nguyễn Vương thu phục Gia Định thành vào năm 1789, miền Nam nước Việt còn hoang tàn sau bao năm giặc giã. Ngài đựơc cử trong số 12 vị quan văn như: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định… vào chức Điều Trấn Quân , để đôn đốc việc canh tác và thu hoạch hoa màu. Cho nên, cuộc chiến trở thành ác liệt. Những trận giặc mùa đã làm cho mọi người dân cảm thấy cần phải có một cuộc thay đổi về nếp sống cho thuận lẽ Trời, nhất là những xáo trộn ở triều đình Cảnh Thịnh đã làm cho nhân dân vô cùng ta oán!

            Sau bao lần cùng NguyễnVương mưuđồ đại nghiệp, chẳng quản nhọc nhằn lao khổ. Đầu năm 1901, Ngài được cử làm Hiệp Trấn phụ lực với quan Hậu Bị Quân Võ Tánh trấn thủ thành Qui Nhơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng đoàn quân tinh nhuệ đã vây hãm thành nầy gần 3 năm trường đến lúc cạn lương thực.

            Tướng sĩ dưới quyền của 2 Ngài đã hết sức cố thủ,

nhưng Nguyễn Vương mưu sự giải vây, thì Ngài cùng Võ Tướng Quân trả lời là binh tinh nhuệ Tây Sơn đang ở quanh Qui Nhơn hết cả. Phú Xuân ăt bỏ trống và khuyên Nguyễn Vương gấp ra chinh phục kinh thành.

            Anh dũng thay! Khí phách thay! Mà cũng mưu lược thay! Những bậc chiến sĩ mưu đồ đại cuộc cứu quốc, người ở Biên Hoà, người quê Bình Định, nhưng hai miền đất Nam Trung như kết liên anh khí với nhau, nên quyết cùng nhau thọ tử để cho đại cuộc thành hình.

                        Kính thưa quí vị,

            Quí vị cứ tưởng cảnh ba quân tướng sĩ đang bị kiệt quệ, đói khát, nhôn nhao, lo sợ, trong một phạm vi, một bờ thành hạn hẹp, có kẻ đã xiêu lòng trước lời kêu gọi đầu hàng của đối phương, nhưng 2 vị chủ tướng vẫn một mực kiên trì. Thế rồi hai Ngài bàn tính với nhau, khi quan Trấn Thủ hỏi quan Hiệp Trấn về mưu lược, Ngài Ngô chỉ vào chén độc dược mà nói rằng: “Kế của tôi đó”. Và Ngài Võ lại cho dựng lên một lầu Bát Giác bằng rơm khô, để rồi kết cuộc là sự toàn thắng của Đại nghĩa. Một Ngài đã dùng chén thuốc độc để giữ tròn khí tiết, thì một Ngài sau đó đã dùng ngọn lửa hồng nơi lầu Bát Giác để làm rạng chí trung kiên.

            Người dân Bình Định từ đó lại lưu truyền trong dân gian câu ca dao: “Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên,

            Cảm thương ông Hậu thủ thiềng (thành) ba năm”.

là do sự kiện nầy.

            Bức thư tuyệt mạng của hai Ngài lời lẽ rất thống thiết. “Phận ta làm chủ tướng, đành liều chết dưới cờ, còn các tướng sĩ không có tội gì nên đừng sát hại”, đã cứu được đại quân trong tình thế như rắn mất đầu.

            Tấm gương khẳng khái của 2 Ngài khiến cho đối phương cảm kích. Cho nên, tướng Trần Quang Diệu đã cho tẩn liệm và an táng hai Ngài theo hàng Tướng quân. Các tướng sĩ còn lại an toàn tánh mạng. Lịch sử đến đây đã mở ra một trang sáng chói của đạo đức muôn đời của dân tộc VN. Một đàng vì đại cuộc hy sinh để mưu dựng cơ đồ cho Tổ Quốc, một đàng vì tình đồng loại, vì nghĩa trung liệt mà đã tương kính nhau không gây cảnh tương tàn ác độc phi nhân nghĩa như xã hội ngày nay. Hai bên đối phương đã tranh nhau một định mệnh.

            Cái chết của hai Ngài đã bao hàm một ý nghĩa sâu xa của tinh thần trách nhiệm và tình nghĩa đồng bào! Cụ Phạm Quỳnh, một học giả nổi tiếng hồi đầu thế kỷ nầy, đã viết về sự tuẫn tiết đầy nghĩa khí và trung cang của hai Ngài như sau:

            –“Cô thành đương nhật nghị nhiên, vị quốc tận trung, võ tướng văn thần tranh nhất tư;

            – Cổ mộc tà dương kiến thử, linh nhơn khí cảm, linh tư di lũng tự thiên thu.”

            Tạm dịch: “Nghĩ chuyện thành côi ngày ấy, vì nước trọn trung, văn võ tranh nhau tròn một thác; Thấy cảnh cây già nắng xế, khiến lòng bỗng nhớ, miếu mồ còn lại với nghìn thu”.

            Đặng Đức Siêu, một quan văn, soạn văn tế cho vua Gia Long, đã viết hồi năm 1801:

            “Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí,

            Ngọn quang minh hun mát tấm trung cang”.

Nhưng càng rõ rệt hơn nữa là câu liễn của vua Gia Long nơi Đền thờ Song Trung ở An Nhơn hiện giờ vẫn còn:

“Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ,

Trung thần bất nhị, nhị trung thần ”.

            Khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, Ngài Ngô Tùng Châu được truy tặng là Tán Trị Công Thần Đặc Tiến, Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Trụ Quốc Thái Sư, tước Châu Quận Công, thuỵ là Trung Ý. Đến đời vua Minh Mạng 1831, gia phong Ngài là Tá Vận Công Thần, Hiệp Tá Đại Học Sĩ, Thiếu Sư, Ninh Hoà Quận Công, đổi thuỵ là Trung Mẫn.

Kính thưa quí vị,

            Cái chết của Ngài Ngô là cái sống bất diệt của đạo nghĩa, nên anh linh của Ngài còn hiển hách mãi về sau. Ngài đã hộ trì cho công cuộc phục hưng tôn giáo đạo nghĩa trên mảnh đất nầy mà những sự kiện tâm linh nơi Đạo Cao Đài đã ghi rõ rệt.

            Nguyên từ năm 1939, một đàn cơ của Đạo Cao Đài tại Toà Thánh Châu Minh thuộc Phái Đạo Tiên Thiên, Đức Thượng Đế Giáo Chủ Đạo Cao Đài đã sắc lệnh vị Thần Ngô Tùng Châu hộ trì cho một đệ tử của Phái Đạo Tiên Thiên còn rất trẻ tuổi là Anh Lớn Bảo Cơ Quân Huỳnh Thanh của Hội Thánh chúng tôi ngày nay, để đem mối Đạo về truyền bá đầu tiên nơi địa hạt Phù Cát nầy. Tuy dưới thời kỳ đô hộ Pháp, đạo dụ số 10 của vua Bảo Đại đã ban hành: “Cao Đài thư tịch bất đắc truyền bá Trung Kỳ”. Nhưng với sự âm phò mặc trợ linh thiêng của Ngài nên tất cả mọi khó khăn trong việc đi lại và truyền đạo của Anh Lớn Huỳnh Thanh đều qua khỏi, nên chỉ trong vòng 2 năm là số người theo Đạo ở khắp các phủ huyện trong tỉnh Bình Định đã lên đến mấy ngàn người, nhiều tư gia đã biến thành Thánh Thất theo lối “cải gia vi tự”.

            Bài cơ Ngài Ngô Tùng Châu về giáng đầu tiên , chúng tôi đã liên lạc với gia đình và hiện còn nhớ rõ những lời Ngài dặn cho gia tộc và con cháu trong đó. Khi giáng cơ, Ngài xưng là Việt Nam Đại Thần Ngô Tùng Châu, bài thi như vầy:

            Việt  quốc vong tràn trải mấy thu

            Nam giang nước chảy biến giòng chu.

            Đại đồng ngoảnh lạihồn trơ lảng

            Thần tượng màng chi khách bạt chu.

            Ngô rụng tuồng phơi buồn ứa luỵ

            Tùng còi cành đượm ánh sương mù.

            Châu đi châu lại như hồn mộng,

            Giáng thế lời ta khuyến bạn tu.

                        Kính thưa quí vị,

            Cao Đài giáo chúng tôi là một tổ chức cứu độ bằng mọi pháp môn phương tiện, để thực hiện chủ trương dung hoà Kim Cổ Đông Tây, tâm vật bình hành, nhất là phục hưng đạo đức cổ truyền của dân tộc, phát huy cổ xuý tinh thần ái quốc ái quần trong mọi tầng lớp để đào tạo những con người mới, hầu góp  phần xây dựng nước Việt nam độc lập hùng cường trong thế giới thanh bình đạo đức. Trong lúc hai làn sóng văn minh khoa học vật chất của Tây phương và đạo học tâm linh của Đông phương đang ồ ạt tiến vào Việt Nam và nạn chiến tranh tàn khốc đã đưa dân tộc chúng ta đến một khúc quanh lịch sử, không những quê hương bị điêu tàn, mà tinh thần dân tộc gần như sụp đổ.

            Cũng như các tôn giáo đoàn thể khác, đạo Cao Đài chúng tôi vẫn cố gắng đem hết tâm lực để cùng nhau trước tiên xây dựng lại nếp sống tinh thần đạo nghĩa, chồng hoà vợ thuận, con phải hiếu, cha phải từ, công dân phải trung thành với Tổ Quốc. Rủi gặp cơn biến cố lâm nguy, con người biết hy sinh vì đạo nghĩa, không đem lòng tham dục, không tham sống, không sợ chết, không phản bội quốc gia dân tộc. Ong cha chúng ta đã để lại những di sản tinh thần quí giá, có lẽ nào chúng ta không bảo vệ hay phát huy ngày thêm rạng rỡ, để làm nòng cốt cho công cuộc phục hưng xứ sở, kiến thiết quê hương cho được? Vì vậy, bổn đạo Cao Đài chúng tôi nơi đây hôm nay được cùng chư quí vị làm một việc có ý nghĩa trong muôn ngàn công tác khác, để làm tròn sứ mạng cứu nước độ đời.

            Cho dù, khách bàng quang có cho là dị đoan mê tín hay viện cớ nầy cớ nọ để xuyên tạc một sự thật đã xảy ra đi nữa, thì những viên đá đầu tiên đã đặt nền móng cho đền thờ Ngài hôm nay do những chứng nhân của sự kiện hiển hách thuộc về Ngài và sự dự chứng của đông đủ quí vị quan khách cũng như đồng bào đồng đạo tại địa phương nầy. Điều đó, chứng tỏ rằng công đức của Ngài đã rất được lâu dài, cho dù từ ấy đến nay, trải 70 năm qua mà danh vẫn còn thế hệ sau ghi tạc.

                        Kính thưa quí vị,

            Nhân đây, chúng tôi cũng xin được mạn phép dài dòng để sơ lược về duyên do mà con cháu Zngài Ngô tại đây đã đến với Tỉnh Đạo Cao Đài chúng tôi cho quí vị được tường lãm.

            Trong lúc đầu giữ đạo và truyền đạo tại tỉnh nhà, hằng năm, trong dịp tân xuân, chúng tôi đều có đến chiêm ngưỡng nơi Lăng Mộ Ngài nơi địa phương nầy, cũng như Lăng Mộ Ngài Võ Tánh ở An Nhơn vậy!

            Thế rồi, nếu chúng tôi nhớ không lầm thì trong số đạo hữu của chúng tôi, có một vài người trong Ngô tộc được biết về sự linh thiêng hiển hách của Ngài qua các đàn cơ dạy Đạo, nên đến bây giờ còn lại người cháu duy nhấtcủa đời thứ 7 là cụ Ngô Tùng Du, người đã gần 80 tuổi, vì tuổi già sức yếu, nên không thể đảm đương được chu toàn sự nghiệp của tiền nhân, trong lúc Lăng Miếu bị đổ nát. Vả lại, nhìn chung trong họ cũng chẳng cònai có đủ khả năng, cụ Du bèn trực tiếp với anh em Cao Đài ở địa phương qua môi giới của người được tin cậy là anh Nguyễn Cấn, một Chức sắc của Tỉnh Đạo Cao Đài ở Chánh Danh để xin thương lượng cúng hiến số ruộng tự điền ấy cho Tỉnh Đạo Cao Đài chúng tôi.

            Trước tấm lòng thành kính tha thiết của cụ Du, qua một ý kiến thư đề ngày 01/01/1969 gởi cho Tỉnh Đạo Bình Định. Chúng tôi thiết nghĩ: với một vị anh hùng tiết liệt của dân tộc, đồng thời là một vị Thần linh từng hộ trì cho công cuộc truyền đạo ở địa phương nên chúng tôi không dám chối từ. Và sau khi hội nghị chung Ban Tỉnh Đạo chúng tôi bèn chấp thuận nguyện vọng của cụ Du với trách nhiệm: Xây dựng Lăng Miếu và lo hương hoả cho cố Anh hùng Ngô Tùng Châu cùng cố Phu nhân vào ngày 25/5 và 24/6 Am lịch hằng năm, qua các văn kiện chính thức của Hội Đồng Gia Tộc Họ Ngô lập ngày 02/6/1969 và án lệnh của Toà Sơ Thẩm Bình Định tuyên ngày 11/ 7/ 1969 đã được trước bạ tại Đà Nẵng ngày 21/8/1969 cho Tỉnh Đạo Cao Đài Bình Định chúng tôi trọn quyền cải danh lập bộ với số ruộng của Ngài Ngô Tùng Châu lưu hạ gồm có 8 mẫu toạ lạc tại xã Cát Tài và xã Cát Minh, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngoài ra còn có trích 2 mẫu để bán lấy tiền trước bạ ruộng kia, nếu không được miễn thuế và làm kinh phí cho công cuộc xây cất Lăng Miếu mới nầy.

            Thế là từ đây và mãi mãi về sau, cái di sản về sự nghiệp của cố Anh hùng Ngô Tùng Châu, Tỉnh Đạo Cao Đài chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về hương hoả cũng như các ngày lễ kỷ niệm. Nhìn qua một số ruộng lưu hạ của Ngài chắc có lẽ không khỏi có một vài ý niệm khách quan cho rằng chúng tôi nhận lấy sự nghiệp của Ngài sẽ là nguồn lợi cho Tỉnh Đạo?

            Thành thật mà nói, chúng tôi không dám nghĩ là được hay bị nhận cái sự nghiệp to tát nầy, nhưng chúng tôi quả quyết rằng vì  nghĩa vụ đối với một vị công thần đã có công hộ trì cho cơ đạo nên chúng tôi phải có bổn phận kiến thiết Lăng Miếu để phụng tự và mở mang những cơ sở xã hội từ thiện, như trường học, thư viện, cô nhi viện, dưỡng lão đường… Trong phạm vi khả năng hoa lợi, để Ngài được chứng kiến di sản của Ngài được sử dụng trong công cuộc xây dựng đạo nghĩa chung cho con cháu Tiên Rồng. Nhờ vậy,an nhàn trên Thiên vị, Ngài sẽ nở những nụ cười hoan hỉ. Chúng tôi xin hứa với Ngài, nhất quyết chúng tôi không đem tài sản của Ngài vào bất cứ công việc gì không có tính cách lợi chúng ích đạo.

              Sự dự định của chúng tôi là thế, nhưng việc làm của chúng tôi trong bước đầu bởi chưa được sự cảm thông chung nên còn gặp đôi khó khăn trắc trở. Lăng mộ cũ của Ngài thì ở nơi mất an ninh, hơn nữa lạigần rừng núi, thiếu vẻ quang chiêm, thành thử chúng tôi phải tìm nơi khác để có đủ cả hai phương tiện ấy. Mặc dầu ông Xã Trưởng Cát Tài rất có nhiều thiện chí đối với vị Anh hùng dân tộc nầy, nhưng chúng tôi phải vất vả nhiều trong việc tìm đất công để xây cất không thành. Mãi đến ngày 25/4/1970 Tỉnh Đạo chúng tôi mới mua đựơc khoảnh đất nầy của ông Cố ông Ao mà đến hôm nay mới cử hành đặt đá được, không kịp sự dự định ban đầu của chúng tôi là sẽ khánh thành trong ngày lễ kỷ niệm nầy.

            Đó là tất cả nguyên nhân thực hiện công tác xây cất của Tỉnh Đạo Cao Đài Bình Định chúng tôi vậy!

                        Kính thưa quí vị,

            Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin trích đọc một đàn cơ của Ngài Ngô Tùng Châu mới giáng dạy tại Thánh Thất Kim Quang Minh Đài vào tối hôm qua:

            Tiếp điển-Thi:

                        Việt bang nào phải có ba kỳ

                        Nam Bắc Trung phần do Pháp ly.

                        Công nghĩa hy sinh vì Tổ Quốc

                        Thần trung tuẫn tiết lúc lâm nguy.

                        Ngô  thân bất độ hà thân độ

                        Tùng đạo tùng thiên chánh pháp qui.

                        Châu thỉ phục hoàn đời mạt kiếp

                        Giáng phân lý sự rõ tường tri.

 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . .  . . . .  . . . . . . . . . . . . . . .  

            Giờ nầy Lão vâng lệnh Thiên sắc giáng đàn để đôi lời đàm đạo cùng chư Thiên Mạng trong việc hành đạo, sau cũng để đôi lời với các cháu.

            Những dĩ vãng chứng minh huyền linh của Đạo Trời vì thế, từ ngày Khai Đạo, các bậc công thần văn võ các triều vua cùng qui phục dưới chân Thầy, để lo bồi công lập đức, lãnh Thánh sắc giúp phần hữu hình trên đường hành đạo.

            Vì vậy, ý Lão không muốn cho thân tộc của Lão hưởng phần tế tự vì câu:

– Lưu hữu dư bất tận chi công, dĩ hoàn tạo hoá.

            – Lưu hữu dư bất tận chi lộc, dĩ hoàn triều đình.

            – Lưu hữu dư bất tận chi tài, dĩ hoàn bá tánh.

            – Lưu hữu dư bất tận chi phúc, dĩ hoàn tử tôn.

            Vì ý nghĩa của 4 câu lưu ấy mà ý Lão không muốn cho một cháu nào hưởng phần vật chất của triều đình ban cấp tế tự Lăng Miếu của Lão.

            Bởi câu: “Thế sự vạn bang đô thị giả,

                           Nhơn gian đạo đức  quả vi chơn”.

            Lão muốn để phúc đức cho con cháu mà thôi! Vậy cháu Ngô Tùng Du là phần hiện tại trong trưởng tộc, cháu nghe lời Lão Tổ nhắn với các cháu nam, nữ, lão, ấu, rán hồi đầu hướng thiện qui vào Đại Đạo để được Đại Ân Xá Kỳ Ba. Các cháu nên tin rằng: Phần Thiêng Liêng các Đấng Vô Hình còn phải tu công lập đức, để được tiến bộ trên đường đạo đức tăng phẩm vị Thiêng Liêng thay, huống chi các cháu hiện mang phàm thể xác, một kiếp đời sống có là bao! Danh lợi mà chi? Tiền của mà chi? Chết chỉ nắm hai bàn tay trắng. Chỉ có đem theo tội hay phước mà thôi!  Nay  ông cũng được tăng phần  phẩm vị,  nhưng

ngày kia sẽ rõ. Hiện giờ các cháu cũng chẳng cần biết mà chi. Chỉ gắng lo kêu gọi nhau, nhắc nhở nhau trên đường tu học lập công thì Tổ được vui lòng lắm vậy !

            Thi:     Ngô Tùng Du cháu rán tin ông

                        Lời dạy đơn sơ gắng nhớ lòng

                        Lập chí  lập tâm chơn chánh nghĩa

                        Theo Thầy  lập Đạo hưởng ân hồng.

            Sau đây Lãocũng để lời tri ân t6ám lòng nhiệt thành tâm đạo của Chư Thiên sắc đã hết tâm thành lo việc kiến thiết Lăng Miếu của Lão. Điều nầy Lão ghi ân. Song Lão để đôi lời hãy tuỳ tiện mà tạo tác, không nên làm quá sức bởi sự hữu hình hữu hoại Lão không thích. Mong sao chư Thiên sắc tạo Lăng Miếu rồi thì tuỳ phương tiện tạo cơ sở từ thiện, lợi ích chung cho Đạo, cho nhơn sanh là Lão đồng ý tán thành và chúc tụng. Chớ tạo đồ sộ mà làm chi, “cung kỉnh bất như phụng mạng”.

            Lão cũng để lời cầu chúc các vị quan khách ngày trí thạch sắp đến được thành công, có Lão chứng minh. Nhưng Lão mong sao mỗi mỗi rán lập công, trung cang nghĩa khí chánh chơn phụng sự cho dân cho nước, hầu đem lại cảnh trật tự thái hoà cho dân tộc, cho nhân quần. Đó là mỹ ý của Lão hằng mong muốn.

            Lão chẳng muốn có sự nguy nga, vì phần tư lợi tư kỷ thì không bao giờ được như ý. Bởi Đạo là lẽ chung. Phải làm lợi ích chung. Vì tư riêng mới sinh ra lòng gian trá, đua tranh nghịch lẫn nhau. Ý Lão chỉ mong muốn có bấy nhiêu thôi! Trong hàng Thiên sắc cứ y đồ án, mà y theo ngày đã định khởi công. Phần hữu hình có chư hiền, phần vô vi có Lão hỗ trợ trong ngoài các Thánh Đường thuộc Tỉnh nhà nầy đây vậy !

             Thi:    Lời thật nói ra đáng nhớ ghi

                        Đừng mong lời dạy qúa cao kỳ

                        Thiên cơ đã rõ từ xưa dạy

                        Nay rán hành y rán kịp kỳ.

                                                x

            Bài:    Được hân hạnh làm dân đất Việt,

                        Giống Tiên Rồng rõ biết việc xưa

                             Tinh thần truyền thống có thừa

                Anh hùng bất khuất hơn thua chẳng màng.

                        Quyết bảo vệ giang san một dãy

                        Nước Việt Nam hiện tại còn đây

             Được hàng Thánh sự hiệp vầy

                Công trình hiển hách đến ngày tương lai.

                        Nay được Đức Cao Đài Thượng Đế

                        Nơi Thánh địa chẳng trễ thời kỳ

                             Cứu đời trong lúc loạn ly

               Phải tường Đạo pháp của Thầy mới an.

                        Đất linh kiệt vẻ vang tốt đẹp

                        Sanh anh tài liên tiếp xưa nay

                             Để lo bảo vệ giống nòi

              Non sông gấm vóc đến ngày bình thanh.

                        Phần vô vi điển lành hộ trợ

                        Chư Thiêng Liêng giúp đỡ mọi Hiền

                             Hữu hình Thiên sắc cần nên

                Lo toan mọi việc vững bền thành công.

                        Bởi thời kỳ Hoa Long đại hội

                        Cơ tuyển chọn gạo cội trên sàng

                              Phân phàm chọn Thánh rõ ràng

                Ai người trung liệt trung cang danh đề.

                        Giòng lịch sử lời phê linh diệu

                        Trên bốn ngàn năm chịu thăng trầm.

                              Ngày nay còn phải gia tăng

                Nhiều điều khổ khó mới rằng đáng trang.

                        Công oanh liệt chiến tràng đắc thắng

                        Được vẻ vang mới đặng lộc trời

                              Lộc trời ban thưởng cho người

                Nhờ người vẹn giữ rạng ngời nhứt tâm.

                        Chữ nhứt tâm cao thâm huyền bí

                        Bực anh hùng Chí Sĩ Đạo Trời

                             Nếu ai đắc nhứt nên người

                 Nếu tu đắc nhứt về Trời khó chi.

                        Chư Thiên sắc trí tri cách vật

                        Đã tâm thành ý thật từ lâu

                             Tu thân đã được trọn câu

                Tề gia hành đạo, ngỏ hầu hưởng chung.

                        Sư trị quốc tương phùng nhờ đó

                        Chữ nhứt tâm gắn bó Đạo Trời

                             Mới bình thiên hạ kịp thời

               Thượng nguơn Thánh đức nơi nơi thanh bình.

                        Lời Lão Tổ đinh ninh ghi nhớ

                        Trong họ Ngô khá sợ khá tu

                             Chớ nên lơ lảng phận tu

                Lập tâm chánh nghĩa thiên thu sử đề.

                        Lão hứa lời lệnh phê đã dạy

                        Hộ điển lành cả thảy tỉnh nhà

                              Ai người hành đạo gần xa

                Dù gặp khổ khó tưởng mà Lão đây.

                        Lão sẽ đến cứu nguy mọi việc

                        Vì sứ mệnh chí quyết độ đời.

                             Độ đời thoát khỏi nạn tai

                Non sông Tổ Quốc mới rày bình an.

                        Lão giã từ ân ban nam nữ

                        Cùng tinh tấn  trọn chữ nhứt tân

                             Ngày đêm tưởng niệm tu thân

                Cho cơ đạo được hoá hoằng khắp nơi.

                                                            Lão xin giã từ – Thăng.

            Xin trân trọng cám ơn và kính chào toàn thể đồng bào đồng đạo.

                                                           Đặng Ngọc Dương

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides