1. ĐẠO
Đạo ở đâu xa phải nhọc tầm
Hỡi người tu học nhớ “Minh Tâm”
Đi vào “Thanh Tịnh” mà suy cứu
Bắt mối “Vi Mô” Đạo dễ cầm
Tầm Đạo chi xa phải nhọc công
Qui tâm tìm lại “Chủ Nhơn Ông”
Ông đi vắng mặt gà bươi bếp
Chó sủa đêm trăng, lòng hỏi lòng
Lộn xộn, lăn xăn Đạo khó tìm
Muốn hành Chánh Pháp “phải ngồi im,
Hỏi ta có phải là “Cầy Thịt”
Hay giống “Thiêng Liêng” rõ nỗi niềm.
******
Ở trong khoảng trời đất này, con người muốn làm một việc vẻ vang đệ nhất, thì có chi bằng đọc sách. Còn ở trong hạng người đọc sách, mà muốn lên một bậc cao thượng tót vời, thì có chi bằng học Đạo.
Châu tử nói rằng: Đọc sách là để cầu Đạo, chẳng vậy thì đọc làm gì? Chứ học mà thi cử (Đây là chỉ hạng người đọc sách thuộc lòng để thi làm quan mà thôi, chớ không tìm cầu đạo lý để trau dồi đức hạnh) là việc ngoài phận sự, rất tiếc cho sự học ấy làm hư biết bao nhiêu người ta!
Đạo Đức kinh có nói rằng: "Cố lập thiên tử, trí tam công; tuy hữu củng bích dĩ tiến tứ mã, bất như tọa tấn thử Đạo". Nghĩa là: Cho nên lập ngôi thiên tử, đặt bực tam công, tuy có ngọc Củng và giục xe ngựa tứ, chẳng bằng ngồi một chỗ mà nghĩ thấu trong cái đạo này (Trong Đạo Đức kinh, chương 62, trước câu này có nói rằng: "Nhân tri bất thiện, hà khí chi hữu!" Nghĩa là: người nào mà chẳng lành, có phải bỏ họ đâu! Cho nên sau mới tiếp nói: "Cho nên lập ngôi thiên tử, đặt bực tam công", là chủ ý để dạy người chẳng lành nói trước kia. Thiên tử chủ đạo, tam công dạy đạo. Tam công là: Thái sư, Thái phó, Thái bảo, để làm kiểu mẫu cho Thiên tử, Thiên tử phải noi theo đó mà ban bố cái đạo. Chữ Củng, trong bản xưa viết ngọc bằng chữ cọng, là ngọc bích to. Bích là vật làm bằng ngọc, hình tròn thể trời, giữa trống thể đạo. Bản nay hay viết tài xóc bằng chữ cọng, là hai bàn tay nắm lại. Tư Mã Ôn Công nói: ngọc bích lớn như hai bàn tay nắm lại (củng thủ) cũng thông. Chữ tiến nghĩa là tiến đạo, dẫn tới, giục tới. Con ngựa tứ là ngựa tốt, ngựa hay, bốn con thắng vào một cỗ xe. Tuy có ngọc bích là lạ và giục xe ngựa tứ là tốt, mà dạo chơi như ngôi thiên tử, bậc tam công, nhưng chẳng bằng ngồi mà nghĩ tới, nghĩ thấu cái Đạo thanh tịnh vô dục này. Ý nói: đừng thấy ngọc bích, ngựa tứ mà ham, vì không phải quý gì đâu, chỉ có thêm hại là lấy lòng tranh giành. Duy có Đạo là quý mà thôi. Sao vậy? Đạo Đức kinh có tiếp giải rằng: Bất viết: cầu dĩ đắc, hữu tội dĩ miễn dã? Nghĩa là: Chẳng nghe nói: cầu gì đặng nấy, có tội được khỏi tội sao? Có chỗ giải nghĩa câu trên là: Lập ngôi thiên tử, đặt bậc tam công đặng đem cái Đạo này mà cứu người. Tuy đem cho ngọc củng bích là quý, xe ngựa tứ là tốt, chẳng bằng đem gieo cái Đạo này cho nhiều. Nhưng dịch như thế, thì bỏ mất chữ "tọa").
Hồi xưa, các đế vương đã lo đạo vua mà lại gồm đạo thầy. Cho tới đời đức Khổng tử, cái đạo này chẳng còn ở tại nhà vua nữa, mà ở nơi kẻ sĩ (người thông chữ nghĩa, nghiên cứu học vấn). Đời nay, không phải là không có kẻ sĩ, mà ai là kẻ thấy mà biết Đạo, ai là kẻ nghe mà hiểu Đạo?
Vả chăng Đạo như con đường cái, thì có phải khó biết đâu! Lỗi tại người không cầu đến nó mà thôi, chớ cầu thì đắc đặng. Bậc thiên tử đặng Đạo thì gìn giữ được thiên hạ, các chư hầu đặng Đạo thì giữ được đất nước, quan khanh đại phu đặng Đạo thì gìn giữ được cửa nhà,
kẻ sĩ thứ đặng Đạo thì gìn giữ được thân mình.
Tài là món người ta dùng mà ít khi đến rồi việc (chỉ được một lúc). Đức là món đồ để trau mình mà hữu danh. Còn Đạo thì vô danh, nên dùng nó được hoài. Cho nên người quân tử chỉ lo học Đạo này, công danh phú quý đều coi như phù vân, mặc nó lại lại đi đi, trong lòng vẫn không không,
chẳng chút nào động cả.
Có kẻ nói: người quân tử chỉ lo học Đạo, mà làm vậy có đặng ích gì chăng?
Đáp: Có.
Dám xin chỉ bảo giùm.
Người học Đạo là học cái ở nơi ta. Tâm phải mở rộng, thân phải tươi nhuần, bịnh có thể mạnh, chết có thể khỏi. Sự ích như thế này, thì còn sự ích nào hơn nữa?
Lại hỏi: Người học Đạo quả thiệt có sự ích, với sự vui đó sao? Mà nay, người thế thấy có kẻ học Đạo thì đều mắng họ là làm xằng, là tại sao vậy?
Đáp: Đạo Đức kinh nói rằng: "Thượng sĩ văn đạo cẩn nhi hành chi, trung sĩ văn đạo nhược tồn nhược vong, hạ sĩ văn đạo đại tiếu chi; bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo". Nghĩa là: Người thượng sĩ nghe Đạo thì ân cần mà làm theo, người trung sĩ nghe Đạo thì như nhớ như quên (không chú ý lắm), kẻ hạ sĩ nghe Đạo thì cười lớn lên: nếu không cười thì đâu đủ gọi là Đạo (vì Đạo rất khó,
chẳng phải bọn tầm thường mà hiểu được).
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Trong hạng người đọc sách, cao thượng đệ nhất, thì có chi qua người học Đạo. Mà từ xưa đến nay, kẻ học Đạo đông đúc, còn người thành Đạo lưa thưa, cái duyên cớ ấy bởi đâu?"
"Trước phải có căn khí cao, kế đó phải đọc sách nhiều, sau rốt phải sớm gặp thầy. Căn khí chẳng cao thì không mong gì xuất thế được; đọc sách chẳng nhiều thì không thể thấy lý mà nhìn biết ngay được; không gặp thầy sớm thì hay lầm vào nẻo bàng môn, tiểu thuật; rốt cuộc chẳng đặng thành đại Đạo."
"Hãy coi thử Chung, Lữ, Tử, Dương, Ngọc Thiềm, Khưu Tổ chư tiên, đều là hạng đĩnh ngộ siêu quần, lòng đầy muôn quyển, lại sớm gặp tiên sư. Nhờ vậy mà danh nêu tiên tịch (bộ tiên),
thân thoát trần phàm."
"Bằng trong ba điều đó mà sót lấy một, chắc khó mà thành Đạo. Nếu bảo rằng lời ta có chỗ gì sai, thì xin hỏi lại các Ngài nơi Bồng đảo."
2 . LÝ
Lý trong trời đất rất cao sâu,
Chánh Pháp Vô Vi, Đạo nhiệm mầu,
Là “Tánh” là “Tâm” là “Mạng” lý
Buông dây mất mối Đạo nan cầu
Ai hay tầm “Lý” Đạo trong ta
Kiến tánh minh tâm rõ Đạo Nhà,
Đạo có một, Một là sự thật
Vì sao phân rẽ chánh hay tà?
Có “Lý” đương nhiên có “Khí” “Hình”
Mất trung mất chánh, “Lý” không minh,
Có lành, có dữ, vì mê chấp;
Trở lại ngôi “Trung” ngộ Đạo mình.
Đạo có một mà thôi. Ở trên trời thì gọi là mạng, ở nơi người thì gọi là tính, ở tại vật thì gọi là lý. Cái lý này lưu hành ở trong khoảng trời đất, phát hiện trong việc làm hằng ngày. Sự gì, vật gì đều có cái lý đương nhiên (cái lý phải như vậy) không thể rời ra được, tức là có cái lý sở dĩ nhiên (duyên cớ làm ra vậy), không thể dời đổi được.
Duy người quân tử hay nói lý, thì mới lấy lý mà xét vật: phải quấy, lành dữ, nhân đó mà bầy ra. Như vậy gọi là vô ngã (không có cái "ta"). Vô ngã thì công chánh, công chánh đặng quang minh (sáng suốt), quang minh ắt cư xử nhằm lẽ, mà lại cùng tột tính vật (biết hết tính vật). Nếu lấy cái "ta" mà xét vật, thì sanh lòng thương ghét không chừng, chẳng khỏi nhậm tình (theo cái ý riêng của mình). Nhậm tình thì tà tây, tà tây bị hôn tối, hôn tối ắt điên đảo, rối loạn, chỉ biết có "ta" mà không biết có lý.
Có lý thì có khí, khí lộ mà lý ẩn. Có khí thì có hình, hình lộ mà khí ẩn. Lý chẳng bao giờ không "trung" (ngay chính), còn khí thì "thiên" (chinh nghiêng) (Chữ "trung" và chữ "thiên", tôi dịch là ngay chính và chinh nghiêng, đây là lấy cái thể mà nói. Còn về phần dụng, chữ "trung" có nhiều nghĩa, xin xem cuốn chót Dưỡng Chân tập có bài chữ "trung" giải rõ.), hình lại cũng "thiên". "Trung" không có gì chẳng lành, "thiên" có chỗ chẳng lành. Nếu muốn biến đổi cái chẳng lành vì "thiên" mà ra, đặng quy về chỗ lành ở ngôi "trung", thì khi trong lòng mới máy động, phải tỉnh sát cho nghiêm mật.
Điều gì phát nơi "trung", theo lý, thì khuếch sung nó. Điều gì phát nơi "thiên" thuộc hình, thì tuyệt bỏ đi. Lâu lâu như vậy thì cái lý tự nhiên thường còn, cái dục tự nó tiêu mất.
Cái lý trong thiên hạ chẳng thể không cùng cứu, mà cũng chẳng thể nào cùng cứu cho trọn hết. Có chỗ bí yếu, là phân biện sự lầm lạc trong tâm ta mà thôi. Phân biện thì quang minh, quang minh đặng chân thành, chân thành thì sẽ rõ các lý trong thiên hạ ở tại ngôi "trung" vậy.
Thánh nhân có nói rằng: Thương thì muốn nó sống, ghét thì muốn nó chết. Đó là một sự lầm (Ái chi dục kỳ sinh, ố chi dục kỳ tử, thị hoặc dã).
Nhân một hồi nóng, giận quên thân mình, quên luôn đến người thân thích nữa. Chẳng phải là lầm sao? (Nhất triêu chi phận, vong kỳ thân, dĩ cập kỳ thân, phi hoặc dư?)
Do theo lời Thánh nhân nói trên mà bàn rộng ra: Khi mình gặp cảnh nghèo hèn, lại mong cầu giàu sang cũng là lầm. Tà giáo mê hoặc lòng người, phép vua cấm mà còn chưa dẹp hết. Ta muốn lấy lời nói suông để cản, ngăn, cũng là lầm.
Cái Đạo của Thánh Hiền phải chờ người xứng đáng mới thi hành được. Nay muốn cho bọn dung chúng làm, chẳng phải lầm sao?
Việc có cái mà mình không thể nào làm nên, vật có cái mà mình không thể nào có đặng, nhưng cứ toan tính hoài trong tâm, cũng là lầm. Người ta có kẻ không phương ép uổng theo mình, việc có phần chẳng thế làm nên vội gấp, nhưng cứ bo bo lo lắng, chẳng phải lầm sao?
Phận sự của mình bây giờ chẳng làm, mà phát sinh ý muốn bông lông ra ngoài, đó là lầm vậy.
Lời Thánh nhân chẳng sợ, mà lại tưởng đến việc tà tây của bọn vô đạo, không phải là lầm sao?
Biết rõ một điều lành là "trung", mà chẳng trí trung (thật hiện chỗ "trung" đó); biết rõ muôn phép do tâm, mà chẳng liễu tâm (dọn sạch cái tâm mình, xét thấu cái tâm mình), ấy là lầm.
Biết rõ sinh tử là việc lớn, mà chẳng nhận bản thể tự tính là không sinh (vô sinh); biết rõ vô thường đến chóng mau, mà chẳng tìm hiểu nó vốn chẳng mau chậm (vô tốc) (Thể tức vô sanh, liễu bản vô tốc), không phải lầm sao?
Lý là món ta sẵn có, khươi vạch ra thì tự nhiên có. Dục là cái ta vốn không, hằng xét rõ tự nhiên không. Nén dục gìn lý chẳng phải là hai việc riêng nhau. Hễ nén được một phần dục tức là gìn được một phần lý. Hễ nén được mười phần dục tức là gìn được mười phần lý. Lợi cho người có chi hơn lý, mà người gìn giữ lý thì ít. Tổn cho người có chi hơn dục, mà người buông theo dục lại nhiều.
Người có lòng dục cũng như cây có sâu ăn ruồng ở trong ruột, chẳng bao lâu thì phải chết. Người ta lấy dục làm vui, mà chẳng biết dục là lửa dậy, chẳng giục tắt nó thì nó sẽ đốt cháy mình. Thần hồn bị nó chưng khô, tửu sắc làm hao tinh khí, sinh bệnh, sinh ghẻ, ngày đêm rên xiết. Nhà Phù đồ (nhà Phật) gọi chết rồi sau mới chịu tội, mà chẳng rõ sinh tiền đây đã chịu tội trước rồi.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Chu tử có nói: Minh bất chí tắc nghi sinh, minh vô nghi giả. Nghĩa là: Rõ chẳng tới nơi, tới chốn, ắt sinh lòng ngờ vực. Hễ rõ được rồi, thì hết ngờ vực. Kẻ nhiều năm khảo cứu nghĩa lý mà còn chưa nhìn được lý cho chánh chân, làm theo lý cho phải phép, huống hồ là kẻ không có công học vấn. Người thế nhờ MINH LÝ mà bảo thân vẫn nhiều, vì TRANH LÝ mà táng thân lại cũng chẳng phải ít. Cho nên, Thiền gia lại cho lý là chướng ngại.
Nguồn: Dưỡng chơn tập của Ngài Nguyễn Minh Thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét