(Bộ Phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý)
Tiếp Điển :
THI :
Nghiệp chướng tiền khiên chốn ái hà,
Gây nên khổ hải vạn trùng ba;
Rán tu sớm khử trừ tam độc,
Nhẹ gánh phi thăng đến Phổ Đà.
QUAN ÂM BỒ TÁT, Bần Đạo chào chư Thiên mạng, mừng chư hiền đệ hiền muội.
Thừa lịnh Tòa Tam Giáo, nhơn danh Tam Trấn Oai Nghiêm Bần Đạo đến trước VẠN HẠNH THIỀN SƯ trong đôi khắc để giúp chư hiền đệ hiền muội đôi điều kiến thức trên phương diện tu thân hành đạo lập quả vị. Miễn lễ đàn trung đồng an tọa.
Chư hiền đệ hiền muội! Bần Đạo không bỏ lỡ một cơ hội nào nếu có dịp là tìm mọi cách để độ dẫn chư hiền đệ muội trên đường tu học. Bần Đạo nhờ hiền muội Ngọc Kiều vào phụ trách phần điển ký để hiền đệ Đạt Minh trở lại vị trí của một Chưởng Nghiêm Pháp Quân.
Chư hiền đệ hiền muội! Ngoài đời, nhơn sanh đang khổ lụy vì sự cộng nghiệp của nhơn sanh. Nghiệp ấy đã do nơi xa tình thương hoặc chối bỏ tình thương của Thượng Đế nên đã gây ra lắm điều phải trái hơn thua, từ đó là mầm nẩy sanh bao điều tranh chấp rồi lần hồi đi đến thảm trạng tương tàn tương diệt.
Với đức háo sanh của Thượng Đế mở đạo dạy đời thức tỉnh nguyên căn sớm hồi đầu hướng thiện, phân biệt được sự giả chơn hầu tìm về đường chánh giáo may ra còn sống sót để hưởng cảnh thái bình đất Thuấn trời Nghêu trong buổi lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Cũng mừng thay! Một số lớn nguyên căn đã thức tỉnh hồi đầu nhận đạo, thường thường người vào đạo có quan niệm là ăn chay niệm Phật tụng kinh sám hối, hành thiện để nhờ phước huệ Trời ban, nhưng có mấy ai chịu khó phân tách những giai đoạn tiến triển trong khoảng đời lập thân hành đạo và cũng có mấy ai chịu kiểm điểm xem sự tu học mình đã đến trình độ nào. Do đó nên sự tiến thối thăng đọa từng ngày hầu đã xảy ra không biết bao lần mà không hay không biết.
Hôm nay Bần Đạo đến đây phân tách những nét chính của những giai đoạn của đời người tu học để chư hiền đệ muội xem kỹ rồi tự trắc nghiệm bản thân mình, sau đó sẽ thấy rõ công nghiệp đức hạnh trong đời tu mình đã đếm mức nào rồi.
Những giai đoạn đó có thể tạm chia ra như sau:
1/ Là nhập môn hay nhập đạo hoặc qui y cũng thế.
2/ Là giữ đạo,
3/ Là học đạo.
4/ Là hiểu đạo.
5/ Là tu thân lập hạnh.
6/ Là hành đạo.
7/ Là Thánh thiện hay Thánh tâm hay giải thoát cũng thế.
Đây Bần Đạo sẽ diễn tả từng điểm một.
1/ Là nhập môn ( nhập đạo qui y)
Vì muốn xa lánh những điêu ngoa tội lỗi xảo trá sa đọa của nhân thế thường tình nên chọn một con đường để đời mình lấy đó làm lẽ sống, thích hợp với tâm linh, thuận Thiên hòa nhơn, nên phải đặt mình vào một nếp sống đạo lý. Đó là động lực thúc đẩy mình phải chọn một đoàn thể đạo đức hay một tôn giáo nào để nhập môn qui y.
Khi nhập môn rồi, đương nhiên tên họ lý lịch mình sẽ được ghi vào tịch đạo của tôn giáo đó và chịu theo nếp sinh hoạt của tôn giáo đó từ nọi quy đến giáo thuyết giáo điều. Còn về về phần Thiêng Liêng thì cũng đã được ghi danh tánh vào Thánh tịch hoặc Tiên tịch hay Phật tịch.
2/ Là giữ đạo :
Giữ đạo nơi đây có nghĩa là tôn trọng nôi qui luật lệ giáo thuyết giáo điều của tôn giáo đó, không dám làm trái lại. Nếu nhập môn qui y mà không giữ đạo chẳng khác chi một bịnh nhơn đến pháp sư xin sợi niệt lá bùa về treo trên ngạch cửa hoặc đeo vào cổ.
3/ Là học đạo.
Điều này mới bắt đầu hữu ích cho sự mở mang kiến thức. Học đạo hoặc từ người này truyền pháp cho người khác, hoăc xem kinh điển căn bản về giáo lý để biết được điều nào nên làm, nên nói, nên suy nghĩ, và việc nào không nên làm, không nên nói, không nên suy nghĩ, việc nào là thuận thiên hòa nhơn, việc nào là nghịch thiên phản nhơn, v.v… Nếu giữ đạo mà không học đạo chẳng khác chi một người học sửa máy thâu thanh, chỉ mua cái máy đem về để đó, hằng ngày đi ra đi vào, đi tới đi lui, trông bề ngoài cái máy ấy mà không chịu khó mở ra các bộ phận bên trong để nghiên cứu học hỏi hoặc nhờ người chuyên nghiệp chỉ giúp.
4/ Là hiểu đạo.
Điều nầy đã bắt đầu hơi khó rồi. Nói rằng hiểu đạo, ai cũng có thể nói được, nhưng hiểu cho đúng lại là một việc khác. Thế thường mỗi người hiểu đạo mỗi cách khác nhau, vì hoàn cảnh, nghề nghiệp, tập quán, xu hướng, .v.v… Chính điều đó là điều rắc rối. Thí dụ có ngươi hiểu đạo lại định nghĩa câu " Vật dưỡng nhơn" nghĩa là con vật phải phục vụ cho người, nhứt là chúng phải chết để làm miếng ngon thịt béo nuôi dưỡng con người. Biện luận như vậy để hợp thức hóa các trường hợp sát sanh. Có người lại định nghĩa câu ấy như vầy : " Vật dưỡng nhơn" là ý Thượng Đế muốn an bài cho vạn vật vì lòng hóa sanh. Vật nơi đây có nghĩa là hoa quả, thảo mộc, ngũ hành để lấy đó biến chế tất cả vật cần thiết để dùng trong mọi trường hợp như nhà ở, áo mặc, cơm ăn, nước uống, phương tiện di chuyển như thủy lục, không, bộ hành. Tất cả phương tiện đó xuất phát từ ngũ hành mà ra, trở thành vật dụng do trí khôn ngoan của Thượng Đế sẵn ban cho mỗi người từ dân quê mùa dốt nát đến hàng bác học siêu nhân.
Một thí dụ khác nữa : Như con người khôn ngoan, khi bịnh hoạn ốm đau có lương y bác sĩ lang ta lang tây. Hỏi vậy con cá dưới nước, con chim trong rừng, con thú trong hang không có lương y rồi chúng nó tuyệt nòi tuyệt giống hết sao ? Chúng vẫn có bản năng tự vệ, bản năng tự tồn mà những bản năng đó cũng từ đức háo sanh Thượng Đế an bài cho chúng đó thôi. Vật dưỡng nhơn hay vật dưỡng vật phải hiểu nghĩa như vậy, đừng nên hiểu khác mà trái với đức háo sanh, luật bảo tồn vạn vật của tạo hóa.
Thử đem so sánh hai định nghĩa như trên sẽ thấy ngay rằng hiểu như thế nào là đúng, thế nào là sai.
Cũng như hai tiếng "tự do" phải hiểu nghĩa trong sự tự do của mình, đừng vì đó mà làm mất tự do kẻ khác. Như vậy mới thật là tự do .v.v…
Hiểu đạo nơi đây chẳng những do sự học hỏi từ kinh điển Thánh Ngôn Thánh Giáo, mà lại còn hiểu do nơi tham thiền nhập định phát huệ tâm linh. Đó là hiểu.
Về nội tâm phải là bực tu hành chí nhơn chí chánh. Lòng trống không, diệt trừ tư tâm bản ngã tham vọng, đương nhiên cái chơn từ từ lộ dạng ứng hiện lên để cõi lòng thơ thới hoan hỉ tiếp nhận là môn học quí vô giá. Có hiểu đạo mới biết được vị trí của con người đứng chỗ nào trong Tam Tài và trong vạn linh, và hiểu mình phải làm và bắt buộc tự nguyện phải làm những gì để gọi là thuận thiên lý, phụng sự Thiên cơ.
5/ Là tu thân.
Nếu hiểu đạo mà không tu thân là người trốn trách nhiệm. Cũng như một đứa bé vừa tập nói chuyện, bảo chúng đọc một trang thơ lục bát, chúng vẫn đọc lưu loát nhưng không hiểu nghĩa thế nào. Tu thân nơi đây là bước đầu cho sự thanh lọc, mong tránh sự lỗi lầm do những việc thường nhựt chung đụng với đời sống chung quanh. Có tu thân, con người mới mong hoàn thiện để trở nên hột giống tốt cho thế hệ hiện tại cũng như thế hệ ở tương lai. Khi tu thân được hoàn thiện rồi bước ra trường đời, không gây điều tổn đức, thất nhân tâm, tổn nhân ích kỷ.
6/ Là hành đạo.
Hành đạo là bước đầu xây dựng nền tảng âm chất vững chắc cho tòa lâu đài Thánh thiện. Nhờ hành đạo mà các hàng Thần Thánh Tiên Phật càng ngày càng được đắc phẩm vị cao siêu.
Tu thân và hành đạo phải gắn liền nhau như gấm thiêu hoa. Tu thân và hành đạo cần phải được hỗ tương nhau để tiến hóa. Nếu hành đạo mà không tu thân là thiếu căn bản lương thiện. Nếu tu thân mà không hành đạo thì sự tiến hóa bị chậm trễ không biết ngần nào.
Cũng loài sâu, từ con bướm đẻ trứng, trứng nở thành sâu, nếu sâu con ấy có biết chăm sóc nuôi dưỡng sẽ trở thành tằm kéo tơ phục vụ loài người, công quả đáng kể. Cũng loài sâu, nếu không người, không sự chăm sóc nuôi dưỡng thi sâu vẫn là sâu, không ngày thành bướm.
7/ Là thánh thiện, thánh tâm hay giải thoát.
Xuyên qua một đoạn đường dài, từ nhập môn, giữ đạo, học đạo, hiểu đạo, tu thân đến hành đạo là khoảng thời gian chuẩn bị để kiện toàn cho ngày phát Thánh tâm, hiện Thánh ý, hành Thánh sự để đến giải thoát.
Giải thoát nơi đây không phải lìa của nhục thể hay trốn lánh nợ đời. Giải thoát nơi đây có nghĩa là hàng thánh thiện, bực siêu nhân, tuy ở tại cõi phàm gian ô trọc mà lòng chẳng nhiễm bụi trần ô trọc. Luôn luôn đem những kiến thức cao siêu giúp đời độ thế trên đường thánh thiện. Đó là giai đoạn đắc quả tại trần.
Trải qua 6 giai đoạn, người đạo hữu đã trải qua biết bao nhiêu sự giũa rèn trui đúc từ nhục thể đến tư tưởng, từ ngoại thể đến nội tâm. Có như vậy mới trở nên hàng thượng đẳng chúng sanh. Đừng bao giờ tưởng rằng mình nhập đạo lâu năm, đếm tuổi đạo là nhiều để đo số lượng công quả. Đó là sai lầm. Nếu không học đạo hiểu đạo, tu thân hành đạo, dầu có sống ngàn tuổi, giữ đạo ngàn năm, thì phàm tục vẫn là phàm tục. Đó là chưa kể đến những điều tội lỗi đã gây ra trong suốt thời gian dài đăng đẳng đó, trong tham, sân, si, dục, và cũng đừng hiểu lầm câu " Tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời" rồi dãi đãi không lo tu huệ. Tự bào chữa rằng phú quí vinh hoa cho thỏa mãn rồi một kiếp nào đó tu cũng thành có muộn gì.
THI :
Rán lo tu tỉnh tập từ ngày,
Đừng để buông lung phải trễ chầy;
Một kiếp tu hành muôn kiếp hưởng,
Phải lo công quả hạnh cho dày.
ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét