Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

 


ÍT NHIỀU CẢM NGHĨ SUY TƯ VỀ

THIỀN HỌC VIỆT NAM [1]

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 



Trong bài này tôi chỉ đưa ra ít nhiều suy tư, nhận định về Thiền học Việt Nam, với mục đích minh chứng rằng các thiền sư Việt Nam thực ra là những nhà tư tưởng thâm thúy lỗi lạc. Những thơ văn, những lời đối thoại của các ngài có thể qui nạp về một hệ thống tư tưởng có mạch lạc phân minh. Phương pháp mà tôi dùng để soi rọi vào tư tưởng các ngài rất là giản dị. Tôi chỉ dùng thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể với những hệ luận của nó về vũ trụ, về nhân sinh, về tu chứng để hệ thống hóa tư tưởng các ngài.

Sở dĩ tôi dùng thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể để tìm hiểu Thiền học Việt Nam, chính là vì tôi đã dùng thuyết này để soi rọi vào các đạo giáo để tìm cho ra cốt tủy tinh hoa các đạo giáo. Tôi thấy, với bất kỳ đạo giáo nào, nếu ta dùng thuyết trên để làm kim chỉ nam hướng dẫn, làm chìa khóa để mở kho tàng tư tưởng của các thánh hiền muôn thuở, thì ta cũng được toại nguyện vì tất cả những gì ta tưởng là bí ẩn, đều được trình hiện ra một cách sáng tỏ, rõ ràng. Riêng đối với Thiền học Việt Nam, tôi sẽ dùng các văn bản, các sách vở để chứng minh rằng Thiền học Việt Nam đã lấy học thuyết ấy làm cơ bản suy luận. Hơn thế nữa, có vậy mới thấy được một sắc thái đặc biệt khác của Thiền Việt Nam là khuynh hướng hòa đồng Tam giáo, cho rằng tam giáo chỉ khác nhau ở SỰ mà giống nhau ở LÝ, khác nhau ở THÔ mà giống nhau ở TINH.

Hải Lượng Đại thiền sư Ngô Thì Nhậm đời Tây Sơn (1746-1803) viết: «Phật diễn giảng Kinh Lăng Già, tức cũng là giảng cái huyền hư của Chu Dịch. Cương yếu của đạo lý là ở trong Lăng Già. Lăng Già giảng chữ TINH rất là rạch ròi. Đại để Phật gia thích dùng chữ nghĩa sâu kín, không có sức hiểu biết sắc bén thì không thể hiểu được, mà đã hiểu được thì hiểu sâu sắc.

«Lại nói: Cái học từ chương của Nho gia, cái học chay cúng của Thích gia ấy là “chạy theo dị đoan”. Cái Đoan (hệ thống) của Phật và Thánh có bao giờ Dị (khác) với nhau đâu, nhưng từ chương và chay cúng là cái Thô của Nho và Thích. Nếu không bắt đầu từ cái Thô, thì cái Tinh của đạo lý người ta không do đâu mà vào được. Đời xưa người ta bẩm sinh thuần túy, vô luận học Nho hay học Phật, đều là Lý trước mà Sự sau; đời sau thì lại Sự trước mà Lý sau. Từ chương, chay cúng cũng là thuộc về Sự, học giả bỏ Lý mà chạy theo Sự thì cái hại không xiết kể.» [2]

Sách Hồng Mông Hạnh của Tỳ kheo Giác Lâm[3] nhận định về Tam giáo như sau:

«Ba đạo cây cối một nhà,

Chi chi diệp diệp hằng hà vô biên.

Những người thiển học thất truyền,

Ngỡ là Nho giáo, Phật, Tiên khác dòng.» (tr. 6b)

Nét đặc thù thứ ba của Thiền học Việt Nam là Lý sự vô ngại, tức là vừa chủ trương Thiền (đốn ngộ) vừa chủ trương Tịnh Độ [Thổ] (tiệm tu). Có lẽ đây cũng là ảnh hưởng của phái Lâm Tế.[4]

Đầu sách Thiền học tu chân yếu chỉ quốc âm (Hội An bổ, Hàm Dương tịnh xá) có đôi câu đối sau:

- Tu tịnh thổ giả, tự tịnh kỳ tâm, phương thốn cư nhiên liên giới,

- Tu thiền tọa giả, đạt thiền chi lý, đại đạo tận thị bồ đoàn.

Tạm dịch:

Tu tịnh thổ (độ), tịnh tâm mình,

Rồi ra tâm địa sẽ thành tòa sen.

Tọa thiền cốt đạt lý thiền,

Rồi ra đại địa đều nên bồ đoàn.





ĐẠI CƯƠNG THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

Thiền học Việt Nam chấp nhận như Nho, Lão rằng: Có một thực thể, một bản thể duy nhất, bất sinh bất diệt, vô thủy vô chung đã phóng phát, hình hiện ra cái thế giới hiện tượng này.

Như vậy, khi chưa có trời đất thì bản thể ấy ở trong thế tiềm ẩn, chưa hiển dương, nhưng hằng viên dung toàn mãn, và được gọi là Chân Như.

Duy Thức Luận của Phật giáo giải thích Chân Như như sau: «Chân vị chân thực, biểu phi hư vọng. Như vị như thường, biểu vô biến dịch. Vị thử chân thực vu nhất thiết pháp, thường như kỳ tính, cố viết chân như.» (Chân như là chân thực, nghĩa là không phải hư ảo; Như là như thường, nghĩa là không thay đổi. Cho nên chân thực trong mọi hiện tượng, không thay đổi bản tính gọi là chân như).[5]

Khi hình hiện ra trời đất rồi, thì phân thành hai phần hỗ tương đối đãi. Đó là:

① Phần Bản thể bất biến, gọi là Tì Lư hay Chân Tâm, hay Phật, Phật tính (Thường = Ngã = Bất biến tính = Tịch diệt = Hư vô = Lạc, v.v.)

② Phần Hiện tượng biến thiên, gọi là Vạn Pháp, là Chúng Sinh, v.v. (Vô thường = Vô ngã = Sinh tử; Biến thiên = Luân hồi = Sắc tướng = Khổ, v.v.)[6]

Đặc biệt nhất là khi hình hiện ra vũ trụ vạn hữu rồi, thì cái Bản thể bất biến ấy vẫn lồng sâu trong lòng vạn hữu chúng sinh, và đưa đến hệ quả rất quan trọng đối với Phật giáo. Đó là niềm tin: Chúng sinh giai hữu Phật tính.

Và như vậy, công trình tu trì chính là cốt tìm ra lại cái chân như bản thể ấy, cái bản lai diện mục ấy.

Để minh chứng đại khái cho phần trình bày trên, tôi mượn lời tiến sĩ Phan Huy Ích (1751-1822) khi đề tựa quyển Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Hải Lượng Đại thiền sư Ngô Thì Nhậm như sau: «Đạo lớn phát ra tự trời, lưu hành khắp vũ trụ, phân tán thành vạn vật. Cái Thể thì đồng, nhưng cái Dụng thì dị (khác). Đồng là gốc mà Dị là ngọn. Xem bề ngoài thì tưởng như khác đường khác nẻo, nhưng thống hội lại cho đến chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu, thì chẳng có gì vượt ra ngoài đạo lớn kia được.

«Giáo lý của Thích Ca tuy là nói Không tịch, Hư vô, nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng lũy, thấy rõ chân như. Cho rằng Minh tâm kiến tánh là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết Thành ý trí tri của Nho gia, ta thấy chẳng có gì là trái ngược…» [7]

Nếu chúng ta vẽ một vòng tròn, thì tâm điểm sẽ là Chân tâm, Vòng bên ngoài sẽ là vòng biến dịch, vạn hữu hình tướng, sinh diệt vô thường. Khi mê thì ta sẽ dời bỏ lần chân tâm mà tiến mãi về hình thức sắc tướng sinh diệt bên ngoài, để cuối cùng trở thành một Xiển Đề, một người đại gian đại ác. Còn nếu như chúng ta nhận thức ra được chân tâm, thoát ly dần dà được vòng kiềm tỏa của hình tướng, thì đó là rời bỏ được dòng sinh tử luân lưu, trở về được với Niết bàn không tịch.



Vạn hữu sinh diệt
(tâm điểm vòng tròn là Chân Tâm)

Trong kinh Tu Sám Yếu Chỉ, nơi cuối kinh Pháp Hoa, ta thấy có ghi như sau:

«Sở vị thuận nghịch thập tâm, thông ư mê ngộ lưỡng phái. Cố mê chân tạo ác, tắc hữu thập tâm nghịch Niết Bàn lưu, thuận sinh tử hải. Thủy tòng vô thủy, vô minh, khởi ái, khởi kiến, chung chí nhất thiết Xiển Đề, bạt nhân bạt quả, sở dĩ trầm luân sinh tử, vô giải thoát kỳ.

«Kim ngộ Tam Bảo thắng duyên, năng sinh nhất niệm chính tín, tiên nhân hậu kỷ, cải vãng tu lai, cố khởi thập tâm nghịch sinh tử lưu, thuận Niết Bàn đạo, thủy tắc thâm tín, nhân quả bất vọng, chung tắc viên ngộ tâm tính ban tịch…» [8] (Thế gọi là Thuận nghịch thập tâm, thông suốt hai chiều Mê Ngộ. Cho nên mê chân, làm ác, thì sẽ đi ngược dòng Niết Bàn mà xuôi vào bể sinh tử. Mới đầu đi từ chỗ Vô Thủy, Vô Minh, yêu đời luyến cảnh, sinh nhân sinh quả, để cuối cùng thành Xiển Đề gian ác, trầm luân trong sinh tử, không kỳ giải thoát… Nay hiểu được Tam Bảo căn duyên, phát sinh được một niệm chánh tín, coi người hơn mình, cải quá tự tân, cho nên khiến thập tâm chuyển ngược dòng sinh tử, thuận theo đạo Niết bàn, mới đầu thì tin rằng nhân quả có thực chẳng sai, sau thì hiểu thấu được tâm tính bản tịch của mình…)

Thiết tưởng nói về hai chiều thuận nghịch của vòng biến thiên chi phối vũ trụ, trời đất, người, như vậy là quá rõ.

THEO VẾT CHÂN CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM

Cho nên các thiền sư bên Trung Hoa cũng như bên Việt Nam, ai nấy cũng đều cố gắng suy tư để tìm cho ra căn do, nghĩa lý của vũ trụ và con người.

Cổ Đức nói:

«Nghiên cùng chí lý, dĩ ngộ vi tắc.» [9]

(Suy cho thấu triệt lẽ Trời,

Bao giờ thấu triệt mới nguôi công trình.)

Thiền sư Nguyễn Khánh Hỷ cũng đã viết:

Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không,

勞 生 休 問 色 兼 空

Học đạo vô qua phỏng tổ tông.[10]

學 道 無 過 訪 祖 宗

(Kiếp trần khoan nói sắc cùng không,

Học đạo hơn gì kiếm tổ tông…)

Mà tổ tông chúng ta chính là căn nguyên, gốc gác ta, chính là Đạo, chính là Thái hư.[11]

Bài Minh trong Bia ở chùa Sùng Thiện Diệu Linh, núi Long Đôi, dựng thời Lý, có đoạn:

Chí diệu chí tịch, 至 妙 至 寂

Vô tượng vô hình, 無 象 無 形

Cưỡng tự lập danh, 強 字 立 名

Hi Di tự tại, 希 夷 自 在

Đạm bạc mị đãi, 澹 泊 靡 待

Tiên thiên đạo sinh, 先 天 道 生

Niết nhi bất tri, 涅 而 不 緇

Ma nhi bất lận, 磨 而 不 磷

Thuần túy duy tinh… 純 粹 唯 精 [12]

Rất diệu mà rất tĩnh,

Không dáng cũng không hình,

Gượng đặt tên cho nó,

Cực nhỏ và cực tinh.

Đạm bạc riêng tồn tại,

Thuở trước đất trời sinh,

Muốn nhuộm đen chẳng được,

Đem mài vẫn nguyên lành,

Diệu thay cái tâm ấy,

Thuần túy và tinh anh.

Thế giới sa bà này chính là hiển dương của cái bản thể, cái hư vô diệu thể ấy.

Hư vô diệu thể vẫn khoe bày,

Khắp cõi sa bà gió dịu bay;

Vui nhất vô vi ai cũng hiểu,

Vô vi nhà ở chính nơi này.

(Diệu bản hư vô nhật nhật khoa, 妙 本 虛 無 日 日 夸

Hòa phong suy khởi biến sa bà; 和 風 吹 起 遍 娑 婆

Nhân nhân nhận thức vô vi lạc, 人 人 盡 識 無 為 樂

Nhược đắc vô vi, thủy thị gia.)[13] 若 得 無 為 始 是 家

Trong những bài thơ trích dẫn trên, ta thấy các Thiền sư Việt Nam đã không ngại dùng những danh từ: Hi Di hay Vô vi của đạo Lão để mô tả cái Hư vô diệu thể. Cũng có vị lại dùng những danh từ hoàn toàn của Nho giáo để trình bày quan niệm Thiên địa vạn vật nhất thể của đạo Phật. Trong bài Thanh Tu Thiển Thuyết của Phật giáo, khoảng đầu thế kỷ XX, có đoạn sau:

«Thuở Hồng Mông chưa phân trời đất,

Thảy thảy đều chưa dựng Hóa Công;

Thanh thanh khí thái hư không,

Gọi rằng Vô cực một vùng hồn nhiên.

Ngôi Thái Cực dần dần hun đúc,

Khí Âm Dương trổ mộng hai vừng;

Chí chân một điểm thâm tàng,

Nguyên tinh, nguyên khí, nguyên thần biến thông.

Ấy Tiên Thiên, Kiền Khôn định vị,

Diệu xiển ra Tứ Tượng lưỡng nghi;

Màu thay khí hóa tinh vi,

Ngũ hành Bát quái đồng thì diễn suy.

Máy tạo hóa huyền kỳ chí diệu,

Đem Tiên Thiên chuyển hiệu Hậu Thiên;

Phục đông, Cấu hạ căn nguyên,

Hào Khôn biến Khảm, hào Kiền biến Ly…»

Sách Hồng Mông Hạnh của Tỳ kheo Giác Lâm đã trình bày lại các tư tưởng trên rất rõ ràng.

* Về Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể, sách viết:

«Trải xem thiên địa Hồng Mông,

Hư vô nhất khí tượng cùng hỗn mang.

Tam tài thuở chửa phân trương,

Kiếp dường bát ngát, đời dường mênh mông.

Trời chưa có, đất còn không,

Người ta quạnh quẽ mịt mùng dưới trên.

Tự nhiên một khí nổi lên,

Tì Lư Nhất Thích bỗng liền hóa ra.[14]

Thon thon dáng tựa trứng gà,

Khí thanh, khí trọc hợp hòa Âm Dương.

Tự nhiên chấn động khai trương,

Mới có Bàn Cổ, Tam Hoàng định phân.

Thiên Tí, Địa Sửu, Nhân Dần,

Ba giờ khai tịch linh thần đã an.

Thái Cực nhất khí chân nguyên,

Lưỡng nghi, Tứ tượng sinh nên muôn loài.

Thành cơ Tạo Hóa chẳng sai,

Dựng nên núi cả, sông dài, biển sâu.

Sơn xuyên, thành thị, đâu đâu,

Phật tổ biến hóa, phép mầu ghê thay…» [15]

Cuối sách, nơi trang 14a, có kệ rằng:

«Động tĩnh đột tàng, thủy triệu sơ,

Huyền hoàng khôi tạo vận thần cơ,

Chân không, chân sắc, chân cao hậu,

Thiên địa nhân tòng nhất Thái hư.»

Có chấp nhận lẽ Thiên Địa vạn vật Đồng Nhất Thể ấy mới hiểu được tại sao có người trí, kẻ ngu, người thiện, kẻ ác: Kẻ trí và người thiện là do bẩm thụ được khí khinh thanh; người ngu kẻ ác là do bẩm thụ khí trọng trọc.

Văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni viết:

Tam tài ký biện, 三 才 既 辨

Quí tiện phân yên, 貴 賤 分 焉

Khí bản tuân mạt, 棄 本 徇 末

Thất tính tự nhiên.[16] 失 性 自 然

Tam tài đã phân biệt,

Sang hèn đều chia đôi,

Bỏ gốc, đua theo ngọn,

Sớm để mất tính Trời.

Tuy nhiên dẫu là kẻ thiện, người ác truy kỳ căn đều có Chân như Phật tánh bình đẳng như nhau.

Sách Thanh Tu Thiển Thuyết viết:

«Khí thanh trọc chia làm trời đất,

Đủ tinh thần, hà nhạc, chung linh.

Thánh hiền phú bẩm tinh anh,

Hạ ngu tra chỉ cùng loài tứ sinh.

Tuy phú khác tinh anh tra chỉ,

Tính khôn linh một thể như nhau,

Trí ngu, thiện ác xôn xao,

Vận cùng lánh khỏi được sao luân hồi.»

Cho nên muốn hiểu rõ con người, phải phân biệt trong một con người có hai thứ Tâm:

① Vọng Tâm (Tư tâm) gồm thất tình lục dục, cũng còn gọi là Thế gian tâm. Vọng tâm tư tâm thì ai ai cũng khác nhau.

② Chân Tâm (Công tâm, Thiên tâm) gồm đủ đạo lý cương thường, còn gọi là Tịch diệt tâm.

Tu là cốt dập tắt cái tính người, mà khởi lên cái tính trời. Hải Lượng Đại thiền sư viết:

«Phật nói Tịch diệt, không phải thật là Tịch diệt như người ta tưởng. Tịch là trái với Huyên (ồn ào), Diệt là trái với Khởi (dậy). Có diệt được cái tính người, thì cái tính trời mới dậy được. Đại phàm, tính trời thì khó dậy, tính người thì khó diệt.» [17]

Hòa thượng Hải Âu (Vũ Trinh) (?-1828) bàn:

«Cái nghĩa chữ Tịch diệt thực là huyền diệu lắm thay. Không ồn ào thì làm sao có lặng lẽ (tịch), không dậy lên thì làm sao có dập đi (diệt). Ồn ào và dậy lên là tính người. Tịch (lặng lẽ) và Diệt (dập tắt) là tính trời, cùng với nhân tâm và đạo tâm gần giống nhau… Dập tắt (diệt) được tính người, thì tính trời được trọn vẹn. Tính được trọn vẹn thì là Định, mà Định thì gọi là Tịch diệt. Sách Nho có chữ Vô ngã, sách Đạo có chữ Táng ngã đều theo cái nghĩa ấy…» [18]

Đại Tuệ Phổ Giác Thiền sư người Trung Hoa có viết:

«Thế gian tâm khi đã diệt, tịch diệt tâm liền hiện ra. Tịch diệt đã hiện ra thì pháp môn của hằng hà chư Phật đã nói đều cũng đã trình hiện, pháp môn khi đã trình hiện thì đó chính là chân cảnh giới tịch diệt.» 世 間 心 既 滅,寂 滅 心 即 現 前,則 塵 沙 諸 佛 所 說 法 門 一 時 現 前 矣 法 門 既 得 現 前, 即 是 寂 滅 心 之 真 景 界 也 (Thế gian tâm ký diệt, tịch diệt tâm tức hiện tiền, tắc trần sa chư Phật sở thuyết pháp môn nhất thời hiện tiền hĩ. Pháp môn ký đắc hiện tiền, tức thị tịch diệt tâm chi chân cảnh giới dã.)[19]

Hiểu rõ căn cơ cốt cách con người như vậy sẽ hiểu tại sao tu lại có thấp có cao, có nhanh có chậm, có đốn có tiệm khác nhau.

Hạ ngu, tiểu đức thì hãy cố lo giữ vẹn luân thường, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.

Còn những bậc thượng căn, phải nhờ minh sư chỉ điểm sẽ tìm cho ra bản lai diện mục vốn sẵn có trong mình.

Thanh Tu Thiển Thuyết viết:

«Nơi cơ bút, chốn giáng kinh,

Khuyên lành, răn giữ đinh ninh rõ ràng.

Cũng thế đạo luân thường nhật dụng,

Hễ làm người phải chóng noi theo;

Bớt đường dâm dục sa kiêu,

Trời cho phúc lộc, thêm điều thọ khang.

Còn những bậc lòng trần rũ sạch,

Phải tu cho kiến tánh minh tâm;

Đạo mầu vô thượng thậm thâm,

Bổn lai diện mục lọ tầm đâu xa.

Báu trong nhà ai ai cũng có,

Sách gọi là Vô giá minh châu;

Chân truyền ẩn bí đã lâu,

Hội kỳ Phật tổ, hoàn cầu khai hoang.

Mối huyền cơ đăng truyền tâm ấn,

Trước tiên cần ngũ giới tam qui;

Muốn cho biết đạo Vô vi,

Quải trừ vọng niệm tham si mọi đàng.

Chí thành phỏng minh sư chỉ điểm,

Tu làm sao tánh phục Kiền sơ;

Đơn truyền thái dược trúc cơ,

Vũ văn hỏa hậu, căn lô phép màu.

Ấy tính đạo công phu diệu quyết,

Quán hạnh thâm, ngũ uẩn giai không.

Ly tứ tướng, mới thần thông,

Muốn thành chính quả lập công cho dày.

Chớ chấp nê bề ngoài sắc tướng,

Trước độ mình, độ chúng theo sau.

Mày ngang, mũi dọc như nhau,

Ngộ là Tiên Phật, mê hầu chúng sinh.

Phật Thánh Tiên thiên kinh vạn quyển,

Ngộ đạo rồi, muôn khiếu đều thông…»

Sách Hồng Mông Hạnh cũng cho rằng muôn loài đều có Tính Phật, Khí Thiên như nhau:

«Nhân vật cầm thú sinh nên,

Cùng có tính Phật, khí thiên hội đồng.» (tr. 2b)

Và vì ai ai cũng đã sẵn Tính Phật, Khí Thiên, nên biết đường tu trì sẽ thành Thiên, thành Phật.

«Kinh rằng: Nhân Phật dữ đồng,

Thiên sinh anh hùng, Nhân lại thành Thiên.

Dù ai biết được sự duyên,

Tối thượng thừa Thiền, pháp đại Tiên Ông.» (tr. 12a)

Hiểu được hai phương diện Hằng-Biến của vũ trụ và của con người, ta sẽ hiểu được rằng: về phương diện biến thiên hình tướng thì Phật giáng trần có thuở có thì; còn đứng về phương diện bản thể, thì chân thể, thì Phật tính, thì Chân như làm gì có trước có sau. Về phương diện hình tướng, thì muôn loài muôn vật khác nhau, thì mây là mây nước là nước; nhưng về phương diện bản thể thì đâu đâu cũng là một khí Thái Hư tung hoành muôn phương , tỏa lan nghìn cội. Lời đối thoại sau đây giữa thiền sư Đức Thành và vua Trần Thái Tôn nói lên cái tư tưởng đó:

Đức Thành hỏi Trần Thái Tôn:

- Xưa đức Thích Ca Thế Tôn lúc chưa rời trời Đâu Suất, thì đã giáng sinh ở cung vua Tịnh Phạn; lúc chưa ra khỏi bào thai bà mẹ, thì đã độ hết mọi người, điều ấy là thế nào?

Trần Thái Tôn đáp:

- Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt,

Muôn dặm không mây, muôn dặm trời.

(Ý nói: Chân như từ muôn kiếp vốn lồng trong vạn vật, cũng như gặp buổi trăng trong, đâu có sông nước thì đấy có trăng in đáy nước, vạn hữu như mây, bản thể như trời; mây tan, trời sẽ lộ.)

Đức Thành lại hỏi:

- Chưa rời [trời Đâu Suất], chưa ra [khỏi bào thai] đã được chỉ bày rồi, còn đã ra [khỏi bào thai] thì việc ra sao?

Trần Thái Tôn đáp:

- Mây sinh đỉnh Nhạc, mây trắng xóa,

Nước đến Tiêu Tương, nước xanh rờn.

(Ý nói: Con người khi đã sinh ra lẽ tất nhiên phải chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, mỗi cái nhân sinh ra cái quả tất yếu, cho nên nếu tu cho thành chính quả, ắt cũng sẽ thành Phật như đức Như Lai.)

Thiền Tông Bản Hạnh quảng diễn lại những ý tứ trên bằng những vần thơ sau:

Mây lên núi bạc hằng lô,

Nước xuống nguồn Tào vằng vặc sáng thanh.

Pháp thân trạm tịch viên minh,

340 Tự tại tung hoành viên mãn Thái hư.

Tùy hình ứng vật như như,

Hóa thân bách ức, độ chư muôn loài.

Ứng hiện dưới đất trên trời,

Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài.

345 Đã đặt hiệu là Như lai,

Sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì?

Nguyệt luân biến hóa quang huy,

Thiên giang hữu thủy cùng thì bóng in…

Đức Thành lại hỏi căn nguyên,

350 Đế vương ngộ đạo, nhân duyên như hà?

Này lời Thái Tôn đưa ra,

Lưỡng mộc đồng hỏa đôi ta khác gì.

Đương cơ đối đáp thị thùy,

Thực tính ứng dụng cùng thì nhất ban.

355 Phóng ra bọc hết càn khôn,

Thâu lại nhập nhất mao đoan nữa là…

Ma Ha Bát Nhã Ba La,

Tam thế chư Phật chứng đà nên công.

Bách giang vạn thủy triều đông,

360 Ngộ đáo giá lý, thực cùng tề nhau.

Phật tiền, Phật hậu, trước sau,

Bát nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho.

Ai ai đạt giả đồng đồ,

Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà,

365 Mùa Xuân vạn vật khai hoa,

Cành cao, cành thấp vậy hòa chứng nên…

Thật là những tư tưởng đẹp đẽ. Như vậy theo các thiền sư Việt Nam, xưa nay không phải có một Phật Như Lai, mà đã có muôn vàn Phật Như Lai. Hễ ai đạt đạo thì cũng là Như Lai, y hệt như khi mùa Xuân tới, muôn hoa đua nở, thời cành cao cành thấp dày đặc những hoa; hoa cành trên không vì ở cành trên mà hãnh diện; hoa cành dưới không vì ở cành dưới mà bớt sắc hương.

Sau này Tuệ Trung Thượng Sĩ truyền đạo cho vua Nhân Tôn, cũng chỉ dạy cho vua biết rằng: Phật chính là bản thể con người, Phật chính là Chân tâm con người, hằng lồng trong con người và hằng chiếu diệu hình hiện ra bên ngoài qua các cánh cửa ngũ quan. Chính vì thế mà Thiền Tông Bản Hạnh đã chép:

468 Tuệ Trung trỏ bảo liền tay,

Tức tâm thị Phật xưa nay bụt truyền.

470 Tâm là bản thể căn nguyên,

Tâm là Nhất tự pháp môn thượng thừa.

Tâm bao bọc hết Thái hư,

Tâm năng ứng dụng tùy cơ trong ngoài.

475 Tâm hiện con mắt lỗ tai,

Hay ăn hay nói mọi bài khôn ngoan.

Tâm năng biến hóa chư ban,

Vạn pháp cụ túc lai hoàn như như.

Nhân Tông hoàng đế Điều Ngự,

Nghe Tuệ Trung thuyết, ngộ đà viên thông…

Nếu bản thể hình hiện chiếu diệu qua ngũ quan, thì khi ngũ quan bị kích thích tới mức cao độ, con người có thể trong một phút giây, đi ngược lại đường của ngũ quan, mà bừng tỉnh nhận ra chân tâm bản thể ở nơi mình… Có vậy, mới hiểu tại sao sau khi nghe một tiếng quát, sau khi mũi bị vặn, chân bị kẹp, mà có những thiền sư đã giác ngộ, và cũng hiểu tại sao trong quiyển Kinh Lăng Già (Lankavatara-sutra)[20] đã có nói đến cách truyền pháp không phải bằng ngôn ngữ, mà bằng nhìn ngó, hoặc giương mày trợn mắt, hoặc kêu thổi, múa may…

Nếu vậy thì diệu đạo chớ nên tìm ở Tây thiên, mà phải tìm ở quanh mình, tìm ở trong lòng mình.

Thiền sư Nguyễn Nguyện Học (?-1174) viết:

Đạo vô ảnh tượng, 道 無 影 象

Xúc mục phi dao, 觸 目 非 遙

Tự phản suy cầu, 自 反 推 求

Mạc cầu tha đắc.[21] 莫 求 他 得

(Đạo không hình bóng,

Trước mắt đâu xa,

Tìm tự lòng ta,

Chớ tìm chốn khác…)

Nếu Đạo ở sẵn trong lòng ta, thì dĩ nhiên hướng ngoại mà tìm cầu là ngu si u tối. Người xưa nói:

«Hướng ngoại tác công phu, tổng thị si ngoan hán.» [22]

向 外 作 功 夫, 總 是 癡 頑 漢.

(Hướng ngoại làm công phu,

Đều là phường si ngốc.)

Nếu Đạo ở sẵn trong lòng ta, thì Phật Như Lai hay Bồ Đề Đạt Ma bất quá chỉ là những ngón tay Ấn Độ, dùng để chỉ trăng lòng con người. Ngón tay thời có sinh có diệt, có hình tướng, nhưng chân tâm con người làm gì có sinh diệt, làm gì có sắc tướng, tượng hình… Mới hay: Chân Phật vô hình, chân đạo vô thể, chân pháp vô tướng.[23] 真 佛 無 形, 真 道 無 體, 真 法 無 相.

Các vị thiền sư Việt Nam khi đã biết rõ mình có Phật tính, liền ra công trừ khử ngũ uẩn, trừ khử hình tướng, vạn pháp biến thiên bên ngoài, cốt sao cho bản nguyên chân tính, như khung trời muôn dặm hiển lộ ra, sau khi các áng mây mù dục vọng đã biến tan đi. Chính vì thế mà trước khi băng hà, Trần Nhân Tôn đã phán dạy như sau:

Vạn pháp bản lai chân không,

Chẳng mắc mớ pháp mới thông lòng Thiền.

615 Đó là pháp tính tự nhiên,

Bất sinh bất diệt, bản nguyên lầu lầu.

Chư tổ phó chúc bấy lâu,

Ấy nghĩa mạt hậu dể sau mà dùng…[24]

Thiền sư Phan Thường Nguyên (1110-1165) đời Lý cũng viết:

Tại quang tại trần, 在 光 在 塵

Thường ly quang trần, 常 離 光 塵

Tâm phủ trừng triệt, 心 腑 澄 徹

Dữ vật vô phân, 與 物 無 分

Thể vu tự nhiên, 體 于 自 然

Ứng vật vô ngân…[25] 應 物 無 垠

Băng Thanh dịch:

Gửi mình trong ánh sáng,

Gửi mình trong bụi trần,

Mà thân không nhuốm bụi,

Mà ánh dương chẳng gần,

Tâm can thường trong suốt,

Vạn vật chẳng riêng thân,

Với tự nhiên là thế,

Ứng vật diệu vô ngần.

Chính vì hiểu được rằng ai ai cũng có Phật tính trong mình, chính vì hiểu rằng tu đạo chính là diệt vọng tâm, khởi chân tâm, chính vì biết rằng lúc đắc đạo thì cũng ngang hàng với chư Phật:

Bách giang vạn thủy triều đông,

360 Ngộ đáo giá lý, thục cùng tề nhau.

Phật tiền, Phật hậu, trước sau,

Bát nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho.

Ai ai đạt giả đồng đồ,

Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà.

Mùa Xuân vạn thụ khai hoa,

Cành cao cành thấp, vậy hòa chứng nên.[26]

Cho nên các vị thiền sư Việt Nam giữ được tinh thần độc lập và rất hiên ngang, không hề tự ti mặc cảm. Chính vì thế mà thiền sư Vô Ngôn Thông đã làm bài kệ sau đây:

Thiên hạ bốn phương lồng lộng,

Tuyên truyền bậy bạ rằng:

Thủy tổ ta ở Tây thiên,

Đã truyền chánh pháp nhãn tạng,

Gọi là Thiền,

Một dóa hoa năm cánh,

Hạt giống truyền nhau bất tuyệt.

Những lời mật ngữ, những đạo bùa pháp và trăm nghìn thức rắc rối khác đều gọi là tông chỉ của tâm.

Đều gọi là bản tính thanh tịnh,

Thực ra Tây thiên là đâu?

Tây thiên chính là đất này,

Mặt trời mặt trăng chính là

mặt trời mặt trăng hôm nay.

Hễ chấp thì liền bị kẹt,

Và vu oan cho cả Phật lẫn Tổ.

Sai một ly đi một dặm,

Ngươi nên quan sát vấn đề cho kỹ lưỡng,

Cẩn thận đừng nên đánh lạc hướng hậu lai,

Đừng hỏi ta nữa,

Ta vốn không nói gì đâu.[27]

Chân Nguyên Thiền Sư, tác giả Thiền Tông Bản Hạnh, chính vì hiểu rõ lẽ bất nhị pháp môn (thiên địa vạn vật đồng nhất thể), nên đã can đảm coi vua Trần Nhân Tôn là Thích Ca tái thế, Pháp Loa là Ca Diếp, Huyền Quang là A Nan.[28]

Thiền sư viết:

Cho hay đức Phật Thích Già,

Hóa thân ức bách khắp hòa mười phương.

Hiện ra làm quyền đế vương,

740 Chí tôn Phật tổ Giác Hoàng Quốc Trung.[29]

Cơ duyên ứng xuất vương cung,

Cơ duyên mãn hạn hội đồng linh san.

Chân Phật nào có niết bàn,

Nghiêm chứng không tịch phục hoàn bản nguyên.[30]

Ngài, như các thiền sư chân chính khác, khuyên ta;

Ai khôn chớ chạy Tây Đông,

Bôn trì Nam Bắc luống công mê hồn.

Liễu ngô bất nhị pháp môn,

750 Chân không tự tính chẳng còn cầu ai…[31]

Trình bày quan điểm của ni xưa về vũ trụ, nhân sinh, về Phật tính, vọng tâm, về cách tu chứng và liễu đạo của các ngài, tôi chỉ muôn nhấn mạnh rằng các vị chỉ đề cao Phật tại nơi tâm, chứ không đề cao Phật tổ Như Lai ở tại tây phương Thiên Trúc, và không thần thánh hóa quá mức đức Thích Ca, và cho rằng bất kỳ ai đạt đạo cũng sẽ như ngài. Các ngài đã phá chấp, phá mê, ung dung tự tại tới một mức độ siêu việt. và đây là khẩu khí của nữ thiền sư Lý Ngọc Kiều (tức Diệu Nhẫn, 1041-1113):

Sinh lão bệnh tử, 生 老 病 死

Tự cổ thường nhiên, 自 古 常 然

Dục cầu xuất ly, 欲 求 出 離

Giải phược thiêm triền, 解 縛 添 纏

Mê chi cầu phật, 迷 之 求 佛

Hoặc chi cầu thiền. 惑 之 求 禪

Thiền phật bất cầu, 禪 佛 不 求

Bế khẩu vô ngôn. 閉 口 無 言

Sinh lão bệnh tử,

Lẽ thường tự nhiên,

Muốn cầu siêu thoát,

Càng trói buộc thêm.

Mê phải cầu Phật,

Hoặc phải cầu Thiền,

Chẳng cầu Thiền, Phật.

Mím miệng ngồi yên.[32]

Một hôm Viên Chiếu thiền sư (999-1091) đang ngồi trước thềm, chợt có một tăng đồ hỏi: «Phật và Thánh nghĩa thế nào?» Sư đáp:

«Ly hạ trùng dương cúc, 籬 下 重 陽 菊

Chi đầu thục khí oanh.» 枝 頭 淑 氣 鶯

(Trùng dương đến, cúc vàng dưới giậu,

Xuân ấm về oanh náu đầu cành.)[33]

Học giả Cao Xuân Huy chú thích câu này như sau: «Một nhà thiền học đời Đường là Tông Mật đã phân tích và so sánh các phái biệt Thiền tông và đã chia làm 7 phái. Phái thứ 4 gọi là Trực hiển tâm tính tông; nó nêu lên cái xúc loại thị đạo nhi nhậm tâm nghĩa là ở trong bất cứ cái gì cũng có Đạo (tức là Phật), trong cỏ cây hoa lá đều có Phật tính cả. Do đó muốn tìm Phật thì không phải tìm đâu xa, mà phải tìm trong cái tâm của mình, phải để cho cái tâm của mình thoải mái tự do, thì mới hiểu được Đạo. Trái với phái thứ 3 cho rằng: Nhất thiết thị vọng, nghĩa là cái gì cũng là giả; phái [thứ 4] này chủ trương: nhất thiết thị chân, nghĩa là cái gì cũng là thật. Do quan niệm trên mà khi tăng đồ hỏi Phật là gì, Thánh là gì, thì Viên Chiếu đáp: muốn biết Phật là gì Thánh là gì thì chỉ cần nhìn xem cây cúc ở dưới giậu trong tiết Trùng Dương, hay chim oanh ở đầu cành trong một ngày xuân ấm áp. Phật và Thánh xét về bản thể không khác gì nhau cả. Quan niệm phái này và Trang Tử có nhiều chỗ đồng nhất.» [34]

Những ai không biết rằng Đạo lồng trong vạn vật mà cứ đi tìm nó ở chỗ xa xôi huyền bí, đi tìm cái «huyền cơ», thì cũng như người không biết cách bưng mâm nước, chỉ đưa đến đổ vỡ mà thôi.[35]

Viên Chiếu thiền sư nói:

«Bất thận thủy bàn kình mãn khứ, 不 慎 水 盤 擎 滿 去

Nhất tao tha điệt hối hà chi?» 一 遭 蹉 跌 悔 何 之

(Mâm nước đầy bưng đi bất cẩn,

Vấp ngã rồi ân hận được sao?) [36]

Không biết được lẽ Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, trước hết sẽ không hiểu được tinh hoa đạo Phật, sau nữa sẽ không hiểu được Thiền, rồi cứ xoắn xuýt vào các tiểu tiết, hôn trầm trong những thói dị đoan, thật chẳng khác nào:

Manh qui xuyên thạch bích, 肓 龜 穿 石 壁

Ba miết thướng cao sơn. 跛 鱉 上 高 山

(Rùa mù soi mãi vách non,

Ba ba khập khễnh leo hòn núi cao.)

Còn nếu ta biết lấy thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể mà Chân Nguyên thiền sư gọi là Bất nhị pháp môn, cũng như các giáo sĩ bà La Môn gọi là Advaita, thì trước hết ta sẽ hiểu được căn nguyên vũ trụ, nguồn gốc quần sinh (Chân Như, Như Lai), hiểu được sự dị đồng giữa quần sinh, giữa các hạng người (đồng là đồng bản tính; dị là khác về tâm tư, trí lự, hình hài, sắc tướng), biết được đâu là Đạo, đâu là Phật (Chân tâm ở sau bức màn Vọng tâm) mà tìm về, để có thể thể nhập vào Đạo và Phật, như lửa phừng trong lửa, nước hòa với nước, khí pha cùng khí… tìm ra được phẩm cách cao sang của mình, tìm lại được cái ung dung thư thái cố hữu của mình, tìm ra được bản lai diện mục của mình, phục hoàn được chân nguyên bản tính của mình, phục hoàn được Kiền sơ, tức là Vô Cực Thái Cực theo từ ngữ Nho và Lão mà bài Thanh Tu Thiển Thuyết đã vay mượn như ta thấy ở trên.

Sống trong thế giới hiện tượng biến thiên, tức là sống trong vòng luân hồi (theo từ ngữ Phật giáo), trong vòng tuần hoàn biến dịch (theo từ ngữ Nho gia). Hải Lượng thiền sư cho rằng nói luân hồi hay tuần hoàn thì cũng y hệt như nhau.[37] Mà sống trong vòng tuần hoàn biến thiên sinh diệt, trong vòng luân hồi, tức là sống trong vòng hiện tượng sinh diệt, khổ đau, vô thường, vô ngã.

Tu là làm sao siêu xuất ra khỏi vòng biến thiên sinh tử, ra khỏi vòng biến dịch nhị nguyên tương đối, tương đãi, để thực hiện cái tâm tịch diệt, cái niết bàn tịch diệt. Thế là trở về được với căn nguyên, thực hiện được bất nhị pháp môn, mà bất nhị pháp môn là vô đối, là viên dung toàn mãn, siêu xuất trên các cặp đối đãi Hữu-Vô…

Trần Nhân Tôn cho rằng còn nói hữu còn nói vô tức là còn ở trong vòng thế giới tương đối tương đãi, như vậy mà cầu giải thoát thì có khác nào vạch thuyền tìm gươm, vạch tranh tìm ngựa, ôm cây chờ thỏ đâu.[38]

Chính vì vậy mà tôi muốn kết thúc bài kệ này bằng bài kệ Bát bất của Tuệ Trung Thượng Sĩ:

Pháp thân vô khứ diệc vô lai, 法 身 無 去 亦 無 來

Chân tính vô phi diệc vô thị. 真 性 無 非 亦 無 是

Hữu hữu vô vô tất cánh đồng, 有 有 無 無 必 更 同

Phiền não bồ đề nguyên bất nhị, 煩 惱 菩 提 原 不 二

Bất sinh hoàn bất diệt, 不 生 還 不 滅

Vô thủy diệc vô chung.[39] 無 始 亦 無 終




---------------------------------------------------------------------
CHÚ THÍCH

[1] Bài viết này đã đăng tập san CAO ĐÀI GIÁO LÝ của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, kỷ niệm rằm tháng 2 năm Kỷ Mùi (1979).

[2] Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tr. 126-127

[3] Tỳ kheo tu ở chùa Hồng Phúc, phường Hòe Nhai, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sách được khắc in thời Minh Mệnh (1820-1841). Sách này cũng có tên là Hồng Mông Tạo Hóa Chư Lục Bản Hạnh. Bản chữ Nôm này hiện tồn ở Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Vạn Hạnh, tp HCM.

[4] Sau khi Huệ năng mất, Thiền tông phát triển thành 5 phái hay 5 nhà (Ngũ gia tông phái). Đó là: phái Lâm Tế của Nghĩa Huyền (?-866), phái Qui Ngưỡng của Linh Hựu (771-853) và Huệ Tịch (807-883), phái Tào Động của Lương Giới (807-869) và Bản Tịch (840-901), phái Vân Môn của Văn Yến (862-949), và phái Pháp Nhãn của Văn Ích (885-959).

[5] Thơ Văn Ngô Thì Nhậm, tr.48, chú 1.

[6] Nhất Hạnh, Nẻo vào Thiền học, tr. 156.

[7] Thơ Văn Ngô Thì Nhậm, tr.48

[8] Sách đã dẫn, tr. 4b, 5a.

[9] Thiền Đạo Tuyển Yếu, tr. 29.

[10] Thơ Văn Lý Trần, tr. 458-459.

[11] Thơ Văn Lý Trần, tr. 459, dòng 5.

[12] Thơ Văn Lý Trần, tr. 401-410.

[13] Thơ Văn Lý Trần, tr. 304. Thiền sư Chân Không Vương Hải Thiềm (1046-1100)

[14] Tì Lư hay Tì Lư Giá Na = theo Phật giáo, chính là căn nguyên vũ trụ. Nhất thích = một giọt. Chỗ này, Tì Lư cũng có nghĩa như Thái Cực.

[15] Sách đã dẫn, tr. 1a, 1b.

[16] Thơ Văn Lý Trần, tr. 427.

[17] Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tr. 109.

[18] Sách đã dẫn, tr. 109-110.

[19] Thiền Đạo Tuyển Yếu, tr.23.

[20] Kinh này tương truyền do Đạt Ma truyền sang Trung Hoa để làm thánh điển cơ sở cho thiền tông. Về cách truyền pháp đặc biệt này, xin xem quyển 2 của Kinh Lăng Già.

[21] Thơ văn Lý Trần, tr. 501.

[22] Thiền Đạo Tuyển Yếu, tr. 1.

[23] Thiền Đạo Tuyển Yếu, tr. 2.

[24] Thiền Tông Bản Hạnh.

[25] Thơ văn Lý Trần, tr. 476.

[26] Thiền Tông bản Hạnh.

[27] Nhất Hạnh, Nẻo vào Thiền học, tr. 108-109.

[28] Xem Chân Nguyên Thiền Sư, Tu Thư Vạn Hạnh xb, 1978, tr. 24.

[29] Ám chỉ Trần Nhân Tôn.

[30] Thiền Tông Bản Hạnh.

[31] Thiền Tông Bản Hạnh.

[32] Thơ văn Lý Trần, tr. 340. Bài thơ này do Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình dịch.

[33] Thơ văn Lý Trần, tr. 267-281.

[34] Thơ văn Lý Trần, tr. 290, chú 3.

[35] Thơ văn Lý Trần, tr. 290, chú 4 (Cao Xuân Huy chú).

[36] Thơ văn Lý Trần, tr. 267-281.

[37] Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tr. 162-163.

[38] Xem bài kệ Thuyết hữu thuyết vô của Trần Nhân Tôn trong Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tr. 185-188.

[39] Sách đã dẫn, tr.188, chú 1.

1
   2

3   4

5   6

7    8

9    10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides