ĐỖ THỊ KẾT
Đã hơn hai mươi sáu năm từ khi Đạo Trời xuất hiện tại xứ Thanh, vùng địa linh nhân kiệt: tháng 4 Giáp Tuất (1994) ─ tháng 4 nhuần Canh Tý (2020). Và đã hơn mười một năm từ ngày cơ sở đạo Thanh Hóa được thành lập: 15-3 Kỷ Sửu (2009) – 23-4 nhuần Canh Tý (2020). Ấn tượng trong tôi là sự huyền vi mầu nhiệm thiêng liêng, là giấc mơ được khai mở, tiếp nhận mối Đạo Trời từ những vị tiền bối: Nguyễn Hữu Văn, Lê Hợi; từ những người tiếp bước đầu tiên như: chị Quy, chị Tuyết, chị Ngà, anh Tư, chị Báu, chị Nguyên, v.v… Bao vị đã về chầu Thượng Phụ, bao vị còn đây, bên Thầy, bên bạn, rồi bao người kế gót tiền nhân tầm tu nhập Đạo, tưởng tin một dạ một lòng, bao người đã từng kề vai sát cánh, đã quan tâm đến việc dựng xây mối đạo.
Tôi mến mộ những anh chị với giọng đọc thánh giáo, giọng ngâm thơ truyền cảm có sức lay động lòng người. Đúng là những tình cảm ấy đã khắc sâu trong tôi tự bao giờ. Yêu con người, yêu non sông gấm vóc Việt Nam, tự hào về những vị anh hùng dân tộc, tôi đã từng viết về xứ Thanh, nơi sản sinh bao nữ liệt, anh hùng; Nông Cống, Cửu Chân, núi Tùng; Nghi Sơn với Giếng Ngọc; truyền thuyết An Tiêm; hội thề Lũng Nhai, mười năm Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn nằm gai nếm mật; Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, bao danh nhân huyền tích; mười hai đời Chúa Trịnh, chín đời Chúa Nguyễn… Đúng là nơi phát tích vương triều, nhiều đời vua chúa, nơi có lịch sử diệu kỳ. Vùng đất biểu trưng. Di tích lịch sử xứ Thanh dễ gì kể hết, thắng cảnh xứ Thanh nơi đâu có thể nhiều hơn.
Và tôi từng nghĩ: Nền Tam Kỳ xuất hiện nơi đây đâu phải ngẫu nhiên, đâu thể thiếu bàn tay Tạo Hóa. Từ khắp nơi, anh chị em về đây tay bắt mặt mừng trong tình yêu thương huynh đệ, con cái một Cha. Tất cả cùng thắp lửa đức tin, hướng về nguồn cội.
Nơi đây không thiếu những người sẵn sàng kề vai gánh Đạo, phụng sự xả thân, dẫu không ít những bổn đạo chịu đựng gian nan vất vả, những hạn chế khó khăn. Vẫn có trong tôi bao điều cảm phục những cảnh con cái của Thầy bươn bả đường xa, dốc đèo gập ghềnh, nắng bụi mưa bùn, từ miền núi cao chí miền biển xa, lắm lúc cháy da, lắm khi buốt lạnh, lặn lội đi về để được hành lễ, sinh hoạt.
Bà Đỗ Thị Loan ở tận thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, địa phận giáp Lào, nơi định cư gồm đa số là dân tộc Thái, Mường, đã từng túi vải, nón lá đội nắng đội mưa, khuỵu gối, phồng chân với những đoạn đường không phải lúc nào muốn đi xe là xe sẵn có. Đường sá đâu dễ như bây giờ, mà có dễ thì điều kiện đâu để gọi xe máy, bước xe đò. Lội bộ cả giờ, đón xe khách, đến điểm dừng rồi lại cả giờ ngược bộ từ điểm dừng tại thành phố Thanh Hóa tới chợ Bôn, vào cơ sở Đạo ở thôn Ngọc Tích, xã Đông Thanh. Bà Loan cũng đã từng vào lập công nhiều đợt tại Hội Thánh (63 Hải Phòng, Đà Nẵng). Bà quy vị ngày mồng 5 tháng 4 năm Canh Tý. Tuần lục cửu đúng vào 28 tháng 4 nhuần năm Canh Tý (2020).
Nhà bà Loan cũng như nhiều nhà nơi đây có ngôi thờ Đấng Chí Tôn với Thiên Nhãn gắn lên tường, với kệ thờ thật cao, khi đặt lễ phẩm phải bắc ghế thang một mét mới tới. Tôi đề cập đến chi tiết này bởi đặc điểm giống nhau của nhiều nhà là thờ ông bà cùng gian chính, hai bên kệ thờ Thầy, chỉ thấp hơn khoảng ba tấc, bên dưới, lại là salon, bàn tiếp khách. Tôi hiểu vì nhiều lý do, điều kiện, trong đó có lý do là không có sự thống nhất của toàn gia đình. Gia đình đó thường chỉ có một người nhập môn. Nếu người này ra đi thì sau các tuần cửu hoặc qua đại tường thì nơi thờ Thầy cũng không còn nữa. Hiện tại, con trai và dâu út (ở với bà) cũng rất tích cực hưởng ứng các tuần cửu, cúng chay. Đang lúc tình hình cơ sở có những trở ngại về nhân sự và địa điểm sinh hoạt nên các thành viên Ban Cai Quản, Ban Trị Sự và bổn đạo phải đến tận nhà để lo cúng tuần.
Đường xa vời vợi, nắng nóng cháy da, đa số là phụ nữ, người già, có nơi phải vượt qua gần hai trăm cây số mới đến chỗ cúng tuần. Làm sao đây? Không thể bỏ rơi bà, mà người đâu, tiền bạc đâu, sức khỏe đâu để đến nhà lo cho trọn vẹn. Lần đầu tiên huy động người đi cúng, thuê xe mười sáu chỗ, phí tổn một triệu tám trăm ngàn đồng. Ít người đi thì thuê xe nhỏ hơn, tiền ít hơn. Vấn đề ở đây là bổn đạo khó khăn, chi phí đâu đáp ứng ít nhất mười hai lần đi như thế. Ấy thế mà, duyên may lại đến, lúc khốn khó, nan giải lại có quý nhân phò trợ. Thương bà, thương nhơn sanh, hiểu được thực trạng này, chị L ở Đà Nẵng ngỏ ý hỗ trợ chi phí thuê xe đi cúng tuần bà Loan với số tiền tám triệu đồng. Mong sao mọi người được khỏe mạnh, an lành để hộ trì giác linh bà Loan cho tròn tình trọn nghĩa.
Vô cùng biết ơn những tấm lòng đã ưu ái, quan tâm đến bổn đạo Thanh Hóa trong bao việc từ trước đến nay và sau nữa.
Ngày 23-4 nhuần năm Canh Tý này cũng là ngày đáng nhớ của cơ sở Đạo nơi đây. Nhà bà Hường cho mượn cách đây hơn mười một năm, nay phải hoàn trả để con cháu trong gia đình bà tiện bề ăn ở, sinh hoạt.
Điều kiện thực tế của cơ sở đạo Thanh Hóa hiện nay vô vàn khó khăn. Ban Cai Quản nhiệm kỳ mới phần lớn là nữ… Địa điểm sinh hoạt chung tạm thời của bổn đạo cũng không có, nói chi đến ngôi Tam Đài.
Vị trí khu đất cơ sở đạo Thanh Hóa xin giao để làm nơi đặt trụ sở sinh hoạt lễ bái tôn giáo Cao Đài tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn “đã không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn huyện lỵ huyện Đông Sơn… quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Đông Sơn” (theo văn bản trả lời của Phó Chủ Tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa ngày 16 tháng 4 năm 2019). Như vậy có nghĩa là cơ sở đạo Thanh Hóa nên tìm khu đất khác có đủ điều kiện, phù hợp với yêu cầu xây dựng “trụ sở sinh hoạt lễ bái tôn giáo”.
Man mác những nỗi niềm… Hơn hai mươi lăm năm rồi! Bao người đã ra đi khi chưa một lần nghe tiếng trống Lôi Âm vang vọng, tiếng chuông Bạch Ngọc ngân nga tại chốn địa linh này!
Trong vô vàn khó khăn gian khổ, trong chao đảo gập ghềnh, mong sao tất cả cố vượt qua, thể hiện sự vững vàng đức tin, sự bền tâm tu học. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, mong cho tất cả thân hòa dìu dắt nhau, sao cho ý Trời, lòng người hiệp một.
ĐỖ THỊ KẾT
Thanh Hóa 16-6-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét