Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

2. Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)

HAI


Lễ khánh thành ngôi Trung Hưng Bửu Tòa và ra mắt Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài vào ngày 01-6 Bính Thân (Chủ Nhật 08-7-1956) đã khép lại giai đoạn Chỉnh Cơ Lập Pháp, chuẩn bị tiến vào giai đoạn Khai Cơ Giáo pháp. Các hướng đạo cảm thấy Hội Thánh như đoàn thủy thủ đang bước vào con tàu vừa hạ thủy. Trước mắt là biển trời bát ngát bao la mà từ người nắm lái đến những tay chèo đang mỗi lòng mỗi ngả. Vì đâu và vì sao?
Sau lễ, Hội Thánh đã cùng nhau hội họp liên miên. Những bất đồng bất ý, những trái ngang xung khắc đã làm xáo trộn bao nhiêu tâm trường, lung lay nguồn thánh đức. Mỗi bậc Thiên ân dường như lỏng tay sứ mạng, mù tối với quyền danh, bất thông với quyền pháp.
Một tuần trôi qua, tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 07-6 Bính Thân (Thứ Bảy 14-7-1956), Đức Cao Tiếp Văn dạy:
Giờ nầy Bản Thánh đến đây với chư hiền huynh, hiền tỷ có nhiệm vụ đối với công cuộc hiện thời.
Bản Thánh ước mong sao chư hiền quên cá nhân để lo đại cuộc. Cơ đạo nơi đây được tiếp kỳ thánh đức, được sứ mạng trung hưng đạo pháp. Ơn Trên đã ban trao cho một số Thiên ân nhiệm vụ, chơn truyền được chỉ đạo của Đấng trọn lành, kể ra cũng danh dự. Một Hội Thánh miền Trung được uy thanh khắp gần xa, người người kính nể. Nhưng đi sâu vào nội bộ thì thành thật mà tỏ bày, còn vấp phải không biết bao kẻ bịnh nầy người tật nọ. Ai ai cũng mang những vết thương hoặc đã lành hoặc còn lở, hoặc ít hoặc nhiều. Cái thân hình chưa liền lỉ thì làm sao ăn nói với đời? Thầy có từ bi mà che đậy bao nhiêu cũng không phải vì ta mà vì quần sinh, nguyện lo cứu độ.
Thầy cũng thường nhắc đi nhắc lại cái bổn phận một Thiên ân. Bất cứ trong giờ phút nào cũng từ bi tinh tấn, không nghĩ quấy làm sai. Khởi một niệm không lành, chưởng ([1]) tạo cho kiếp sau nhiều ác quả, nên lúc nào cũng làm khuôn làm mực để gương tốt cho người noi theo, cho người mến yêu mà tin tưởng.
Chư hiền đã được hồng ân tiếp kỳ đại xá, thiệt là vinh hạnh biết bao! Hội Thánh được xây dựng trong buổi đạo pháp trung hưng mà người Thiên ân hướng đạo không đủ tư cách để lãnh đạo thì làm sao mong đến mục đích hoàn thành sự nghiệp của thời Chỉnh Cơ Lập Pháp.
Nay Đền Thánh đã hoàn thành nhờ sự góp sức của nhơn sanh, nhờ lòng nhiệt thành của toàn đạo mới được đầy đủ tốt đẹp như thế nầy. Nhưng sở dĩ hôm nay còn có việc lo việc buồn, toàn đạo chưa yên tâm mà trông thấy cái dung nghi mỹ miều của nó, ai ai cũng phải buồn, trông đến là khổ tâm, là bị thâm thiếu một số tiền to lớn.
Chư hiền có biết bởi những lý do nào mà không được viên mãn, lại hóa nên cạnh góc? Cái cạnh góc đó sở dĩ còn là do nơi tính cẩu thả, lòng háo dục háo kỳ. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của nhơn sanh để cho rơi rớt đổ tháo, miếng ăn tấm mặc của nhơn sanh làm cho mất mát, xương máu của nhơn sanh làm cho hao tổn.
Bao nhiêu lòng thành vì Đạo của toàn đạo đã đem xây đắp ngôi Thánh Đền, lòng thiết tha tin tưởng ở Hội Thánh, ở ban tạo tác Thánh Đền. Cái số đọng ấy là cái phần hư hại để lại cho bao nhiêu nhơn sanh phải trả. Trả cái nợ nhơn quả mà mình tự gây ra, hoặc lúc trước, lúc giờ, hoặc có làm, không làm mà có phần liên đới. Liên đới vì bằng gián tiếp gây nên. Cái nguồn nhơn quả nầy xây vần không một lẽ gì mà thay đổi.
Chư hiền huynh bình tĩnh mà xét lại cái lỗi của mình. Khi thấy được lỗi thì bước tu mới công hiệu. Kẻ thấy lỗi để sửa lỗi là kẻ đã gần với ánh sáng chân lý. Kẻ thấy lỗi mà chối lỗi là kẻ gần với tà quyền. Hôm nay cơ đạo bước sang giai đoạn Trung Hưng Giáo Pháp, không còn khen hay chê. Không còn vừa theo ý muốn, mà quyết làm cho ai nấy phải được Thánh được Hiền. Bởi vậy kẻ hướng đạo ỷ mình thì bị luật Thiên điều sa thải, không vì lý do gì mà tư vị. Nên Thầy nói Thầy quyết tâm làm hai nẻo chánh tà; không buộc con cái Người phải đi, mà chỉ cho con cái Người phải biết.
Hôm nay lễ khánh thành đã xong. Nó đem lại bao nhiêu hương vị để tô điểm cho Hội Thánh, rồi nó mang về bao nhiêu tốt đẹp để gieo rải mười phương. Việc ấy đã làm cho toàn thể thỏa mãn. Nhưng nó lại để lại bao nhiêu khó khăn cho chúng ta giải quyết. Cái khó khăn đây ta cần tìm thử manh mối nào. Ai đã làm cho xáo trộn? Hội Thánh ư? Nhơn sanh ư?
Phần đó là phần nhơn quả. Nhơn không lành, quả không tốt. Hoặc người xới người gieo, hoặc mình gieo người chăm bón. Nhưng trong cái nhân không lành đó có nhiều cái giá trị bằng y khoa, hóa chất. Nếu ta vui mà chịu lấy cái quả kia thì cũng thấy được phần lợi ích. Nó mang lại cho kẻ khổ tâm để đền bù, vá đắp.
Ôi! Xét lại chư hiền chưa tìm được manh mối mà giải quyết, chớ nó có khó gì đâu. Nếu người bình tĩnh một chút, đừng nóng nảy thì thấy được một cách dễ dàng. Phần phước đó chỉ người nào bình tĩnh mới được hưởng.
Người hưởng được là người có duyên phước như trên. Họ lúc nào cũng thung dung hòa huỡn, một đức tính thanh cao hòa ái. Xưa nay những việc lớn trên đời làm được, làm nên sự nghiệp vĩ đại chỉ có những người đó mà thôi. Chư hiền cố gắng mà học lấy đức tính đó mới giải quyết được bao nhiêu việc khó khăn. Còn việc hôm nay không phải là việc khó mà Thầy phải cho nó bằng cách khó để toàn đạo tiến lên lập lấy kỳ công mà thi lấy, lãnh lấy bằng tốt nghiệp.
Cái việc làm của chư hiền cũng như việc làm của người thợ đào giếng. Giếng thiếu nước hoặc khô nước là vì người thợ đào chưa đúng chỗ, chưa tới mạch. Vì vậy mà tức mà buồn. Tức ai? Sao không tức lấy mình? Buồn ai? Sao không buồn mình? Mình thiếu lập trường, thiếu kinh nghiệm, nên công việc tổ chức đã đem lại một mớ kết quả đủ thứ chua chát, ngọt bùi. Có tổ chức mà không theo tổ chức, có nội quy mà chẳng làm đúng nội quy. Trên dưới loạn hàng, khách chủ không phân minh, dưới trên không tuân y mạng lịnh. Kẻ no người đói gây sự bất hòa, kẻ chính người tà chung lộn làm nhơ danh đoàn thể. Các hiền phải kiểm thảo gắt gao.
Bản Thánh để lời ước mong phải tự mình thấy có nhiều khuyết điểm. Bản Thánh chào.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày hôm sau, 08-6 Bính Thân (Chủ Nhật 15-7-1956), Đức Chí Tôn dạy:
THI
Ngọc lành không dễ mấy người xem
Hoàng lịnh Thầy ban chớ tỵ hiềm
Thượng đạt phải tay ra gánh đạo
Đế thừa Giáo Hội phải non mềm.
THẦY CÁC CON.
Thầy mừng các con. Miễn lễ. Các con an tọa.
Giờ nầy Thầy đến cùng các con, để lời nhắc khuyên các con ráng lo tròn nhiệm vụ mà đoạt lấy ngôi vị thanh cao.
THI
Cao ngôi nhờ ở đức tài cân
Đài điện lần ba đã giáng trần
Thượng đạt những con giềng mối giữ
Đế Nghiêu trở lại cứu muôn dân.
BÀI
Thầy ngự điển để lời cùng trẻ
Những từ lâu lời lẽ cạn phân
Đưa con nhẹ bước phong trần
Dạy con rõ thấu nguyên nhân lẽ đời.
Con nhớ lại những lời Thầy nhủ
Con bình tâm mà chủ lấy tâm
Chúng sanh trong cõi luân trầm
Mà con còn bị lạc lầm bởi ai?
Nay là lúc Thầy khai đạo pháp
Đem các con quy hạp một nhà
Trung hưng giáo lý lần ba
Dựng thành thánh thể gần xa hướng về.
Trong Giáo Hội nhứt tề mới phải
Bởi vì đâu trái lại lòng Thầy
Bửu Tòa vừa mới dựng xây
Pháp môn còn nắm trong tay mọi người.
Thương cơ đạo chia mười xẻ bảy
Mối chơn truyền bẻ gãy làm đôi
Thuyền từ biển khổ nổi trôi
Không người lèo lái khúc nôi đoạn trường.
Thầy thấy con trăm phương ngàn kế
Lo lợi danh mà phế cảnh nhàn
Làm cho sanh chúng hoang mang
Hôm nay Thầy đến mở đàng trung hưng.
Hưng cơ đạo khai từng cửu phẩm
Phẩm trung hưng tô đậm màu cờ
Con đừng suy tính ngẩn ngơ
Bước đi độ kẻ đương chờ đợi con.
Trong Hội Thánh lo tròn Thiên sứ
Sứ mạng trao gìn giữ môn sanh
Gọi nhau chung một nẻo lành
Khuyên nhau xây đắp lòng thành đức tin.
Ngôi thánh thể đã in hình Đạo
Đạo là nguồn sanh tạo vạn linh
Vạn linh chung đúc khối tình
Tình thương thắt chặt hòa bình vững yên.
Con nghĩ kỹ, pháp quyền đã có
Có lời Thầy giao phó mỗi con
Mỗi con biết ý vẹn tròn
Tròn câu Thiên mạng nước non được nhờ.
Đừng nhớ mình vẩn vơ quanh quẩn
Đã dày công thân phận lớn lao
Hoặc là hạnh xứng tu cao
Mà so tính mãi làm sao được hòa.
Nếu là anh cho ra quảng đại
Nếu là tu thì phải thiệt thua
Mặc đời trống đổ chuông khua
Từ bi như Phật ở chùa uy nghi.
Nếu có công đừng vì kể lể
Nếu thương đời đừng nệ thân danh
Lòng con như tấm vải lành
Nếu con không khéo, nó thành tả tơi.
Con chìu chuộng vì đời mến đạo
Con ôn hòa mong tạo quả duyên
Con trong nhục mà không phiền
Thứ tha kẻ quấy là Tiên Thánh rồi.
Sao phẩm ấy không ngồi lại bỏ?
Bạch Ngọc Kinh là đó của con
Con tranh danh thế cho còn
Còn danh còn thế thì mòn quả công.
Kẻ thua thiệt Thầy bồng Thầy đỡ
Hưởng phước đởi mấy thuở nên Tiên
Ở đời lớn tước cao quyền
Còn đâu mong hưởng thiêng liêng bao giờ.
Trung Hưng Bửu Tòa hôm nay đã đem lại cho con những gì? Các con đã thấy nó gắn vào các con một cái tên, mà cái tên đó mọi người đã nghe đã biết. Nghe được thì chúng sanh sẽ tìm đến các con. Biết được thì chúng sanh sẽ làm theo đức tính của các con. Nên hôm nay các con đã mang vào mình một cái tên, cái tên chính đáng ra đời. Tên ấy không phải ngay lúc bây giờ mới có, mà từ lâu người ta đã trông đợi. Cái tên đã có, một ngày sẽ xuất hiện để làm bao nhiêu việc mà Thiên sứ đã trao.
Các con đứng trước cảnh đời đen tối, bước đạo quanh co, người Thiên sứ phải làm sao đem lại cho đời một cuộc an bình sáng tỏ, cho đạo một lối thông suốt vinh quang. Gánh đã đặt lên vai, trống thiêng liêng giục giã, mau bước lên đường. Giờ phút nầy không còn tính tới bàn lui mà phải cương quyết một đường nhắm tới cho kịp bước Thiên cơ.
Các con đồng hành trên khoảng lộ đồ muôn dặm, phải dìu bước nương nhau. Mỗi một bước một gay go, đường sá xa xôi nguy hiểm, phải cẩn thận dặt dè, đừng nghĩ đông có sức mà vấp bao trở ngại. Ngay bây giờ các con phải lên đường với bao sứ mệnh độ đời, gieo truyền thánh đức, làm sao cho nhơn sanh cảm mến giáo lý của Thầy, làm sao cho người người cảm phục.
Bậc Thiên ân hướng đạo là tông đồ cứu thế, gieo ánh sáng khắp nhân gian. Nên chi kẻ làm tôi cho lý tưởng không còn lo riêng nghĩ hẹp, mà phải quên mình, hiến thân cho đại cuộc để tròn câu Thiên mạng. Trong buổi Tam Kỳ, người có sứ mệnh nơi thân là người phải cho đúng đắn. Người của các con là người của Đạo. Lời nói của các con là lời nói của Thầy. Việc làm của các con là việc làm của hàng thánh đức. Các con đừng tưởng rằng không quan hệ. Các con buồn lẫy, giận hờn, câu mâu, lỗ mãng; người ta không nói là thái độ của cá nhân, mà người ta cho bao nhiêu cử chỉ hành động của mỗi người là hiện thân của Đại Đạo.
Các con có phá Đạo không? Có làm nhục hổ cho Thầy không?
Con không nghĩ thế, nhưng con chưa dằn được hỏa tánh, không kềm được ý muốn, không chủ được lòng dục, nên chi con lúc Phật lúc ma. Thầy ước sao người của mỗi con phải luôn gần Thầy. Giờ phút nào cũng tắm gội cho sạch bợn đời còn lại, để rồi thay Thầy mà độ người, tiêu biểu cho đời bao nhiêu cái hay cái đẹp. Người đời trông vào các con mà tôn thờ chân lý, nên các con phải thận trọng cho nhiều. Các con làm đẹp lòng Thầy là các con nhờ có nhiều đức tốt. Nếu các con làm sai ý Thầy là các con đã kém sút hồng ân. Thầy thương con mà phải nói. Nói cùng con đây cũng trông sự cố gắng của các con mà sửa cải tính tình.
Quyền pháp nhiệm mầu sở dĩ chưa trao tận tay là vì con còn ít nhiều cá tính nhỏ hẹp. Còn nhỏ hẹp thì làm sao dung chứa mọi người? Còn nhỏ hẹp thì sao gánh vác việc đạo cho nổi? Vậy các con phải quảng đại từ bi, các con phải ôn hòa thành kỉnh. Các con phải làm chủ lấy con, đừng nô lệ cho ý tình, đừng đầu hàng ma cảnh. Các con quyết tiến thì ma quỷ phải lui. Các con quyết tâm thì Thầy giúp sức. Các con nên cẩn thận dặt dè.
Người tướng soái cần phải đứng trước đầu tên mũi đạn. Nếu không mau lẹ thì chớp nhoáng sẽ găm bao nhiêu vết thương lợi hại. Nên lúc đi lúc đứng, khi tới khi lui, đều nhắm người liệu mình mà làm theo binh thơ đã dạy. Dù cho bên địch có đủ pháp nhiều tài, phun lửa khạc mưa cũng bình tĩnh mà chỉ huy, giữ đội ngũ quân binh đừng cho rối loạn. Người tướng soái là thế, người hướng đạo phải quan trọng hơn mới được. Ở đời, còn có kẻ cầm đuốc đưa lên mà bị sỉa hầm lạc lối, còn người đi thầm trong rừng vắng mà trúng nẻo yên thân. Vì sao con biết không?
Hôm nay Thầy đến cùng các con, là Thầy chỉ đạo. Các con là người gần gũi Thầy hơn, được Thầy sai bảo. Thầy chủ tọa nơi đây, các con làm sai, nói quấy là lỗi ở Thầy. Ở thế gian hay Thiên Đình cũng cho là thế. Vì vậy mà Thầy rất lo. Thầy cho các con biết rằng mỗi khi các con bất ý cùng nhau là Thầy khổ tâm lắm. Phương chi các con nổi giận gây hờn, thì thú hình hiện ra, thiên lương tiêu mất. Nếu các con có thánh nhãn nơi người, trông vào Hội Thánh trong lúc bấy giờ, nó không có Phật cốt Tiên phong mà đều mang hình quái quỷ.
Ôi! Buồn lắm con! Nếu không có quyền pháp của Thầy thì ma quỷ thừa dịp lúc nầy, trong có nội ứng, ngoài có ngoại xâm, nó tràn vào thánh địa, phanh phui thánh thể còn chi! Vậy các con nên nhớ.
Các con trong Hội Thánh phải có một đức độ cao siêu, lòng từ bi hiển hiện. Cái quyền mà vạn linh trao cho các con để các con điều khiển con thuyền cứu thế, cái pháp mà Thầy trao cho các con để các con hóa độ quần sinh, quyền đó pháp đó do đâu? Có phải các con chịu ơn nơi Thầy và vạn linh mà được? Các con nên chọn lấy nơi mà các con đứng, chỗ mà các con nương. Nhơn sanh đã vì Thầy mà quên thân với Đạo, các con cũng vì Thầy mà quên thân với chúng sanh. Các con nhờ chúng sanh mà hưởng hồng ân quyền pháp. Chúng sanh là nước lành vô lượng, các con là tôm cá bơi lội. Các con đừng quên cái sống của mình trong nước.
Thầy hằng nói quyền vạn linh là quyền của Thầy chia ra. Mà vạn linh là cấp tín đồ phải nằm dưới chót để làm nền tảng cho các con kiến thiết lâu đài. Phần nặng nhọc ở chúng sanh, các con phải biết thương mà giữ gìn nhắc nhở. Nếu Đền Thánh có, Hội Thánh có mà nhơn sanh không có thì sao? Đền Thánh và Hội Thánh có mục đích cứu đời, mà nhơn sanh không có thì làm thế nào có hai phần ấy được?
Vậy các con từ đây nên nhận khuyết điểm mình và đề phòng bước sau. Nếu các con không có một tư cách xứng đáng, lại có nhiều thái độ tầm thường, thời chẳng lẽ được làm anh hướng đạo mà để cho đàn em khinh bỉ. Nếu bước tiến của nhơn sanh một ngày được giác ngộ mà Hội Thánh thiếu bản sắc uy nghi thì chúng sanh coi thường, mà coi thường thì còn gì giá trị của Đạo? Đạo mất giá trị thì quyền pháp còn ăn nhập vào đâu? Quyền pháp bị đen tối đi rồi thì chúng sanh tha hồ trụy lạc. Đối với tội ấy, các con tu bao nhiêu kiếp mới đền xong?Vậy phận sự của các con lấy làm trọng hệ.
Tại sao lần nầy Thầy buộc các con những điều khó khăn như thế? Lần nầy là lần xây dựng một giáo quyền đúng theo tân pháp tôn chỉ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Trung hưng đạo đức là lần phải được nêu cao thánh đức để bảo đảm Giáo Hội, mà cũng là lần chỉnh pháp lập pháp.
Thầy cũng nhận thấy các con đã tiến cao một bước đạo khả dĩ lắm. Các con đã từng vào tù ra tội, đã từng chịu nhục chịu khổ, lò đời nung nấu đã bao phen. Nên người của con không cần phải khen hơn chê. Các con phải kiên trì nhẫn nại.
Vì vậy mà Thầy mới ban cơ truyền pháp nơi đây. Nếu con nào không chịu nổi thì đó cũng là do phần phước của nó. Nó không chịu nổi thì Thầy sẽ chuyển quyền pháp đến một nơi nào có thể chịu nổi. Các con suy nghĩ lại.
Bước đạo sau ngày khánh thành bị quỷ vương thừa dịp xen vào gây giữa các con những điều tranh chấp phiền giận. Đó cũng là cơ thử thách để chọn lựa một số đức độ mềm dẻo, tâm trí anh minh. Nhưng Thầy đã cho chư Thần đến xua đuổi bọn ma quỷ ra ngoài thánh địa.
Thầy ban ơn các con.
Qua nhiều đàn cơ tại Trung Hưng Bửu Tòa, các chức sắc được Ơn Trên chấn chỉnh bảo khuyên. Hội Thánh theo lệnh Ơn Trên chú trọng việc mở các khóa tu cho chức sắc, nhất là chăm lo xây dựng họ đạo, tạo lập thánh thất khắp các tỉnh. Những thánh thất lập sau lễ khánh thành Trung Hưng Bửu Tòa, Ơn Trên cho lấy chữ TRUNG đặt đầu hiệu thất.([2])
Tại các địa phương đạo, trình độ tu học của tín chúng còn non kém, đa phần mang tinh thần tín ngưỡng, sùng bái hơn là cầu chân lý đạo, tìm phương môn giải thoát. Ngoài xã hội còn lắm chuyện oái oăm, lắm điều trắc trở mà hàng Thiên ân giáo phẩm chưa đồng đức đồng tài, đồng tình đồng chí. Ơn Trên buộc tất cả Thiên ân giáo phẩm lo đi vào nội tâm, chỉnh đốn nội bộ, am hiểu pháp quyền, chỉnh pháp chỉnh tu.
Đợt nhập tịnh bảy mươi hai ngày được tổ chức từ ngày 27-7 Bính Thân (Thứ Bảy 01-9-1956). Trước đó, vào ngày 26-7 Bính Thân (Thứ Sáu 31-8-1956), Đức Ngô Cao Tiên lâm đàn dạy về chương trình nhập tịnh:
Việc nhập tịnh phải có nguyện lực, phải trọn đức tin. Không trọn tin không bao giờ đắc pháp. Không nguyện lực không mấy thuở thành công. Bần Đạo ước mong lòng giác ngộ của chư hiền quyết tu. Việc phải trái không lo. Lo là lo lòng mình còn mê muội phải trái. Từ xưa nay trên lịch sử tiến hóa, hễ ai có ý thức nào thì sự ứng hiện tùy theo mình. Tâm giả gặp giả, tâm chơn gặp chơn. Chư hiền đồ chớ ngại. Bần Đạo buộc phải làm những việc như sau:
1. Phải họp nhau mà làm bài Hồng Thệ xưng tụng hằng ngày theo bốn điểm Bần Đạo đã dạy.([3])
2. Phải tụng Kinh Thông Minh, Nhụy Châu và xưng tụng công đức Chí Tôn.
3. Phải kiểm điểm mình mỗi buổi, hay trước mặt Thầy bằng Kinh Cảm Ứng.
4. Phải có đạo y.
5. Ăn đúng bữa, tu đúng giờ.
6. Sửa cải tính tình bằng nét mặt, giọng cười, khi ngồi, lúc đi cho ra hình Tiên Phật. Nghĩa là tinh tiến, dõng mãnh, hoan hỷ Bồ Tát.
7. Không lậu Thiên cơ.
Còn về chơn truyền có sửa cải chi, thì việc ấy để tự Bần Đạo cùng Tam Giáo. Vì chánh pháp ngày trước Bần Đạo đã lập thành, Nội Luật dâng lên Tam Thanh Điện chấp y. Nhưng nơi đây Bần Đạo cũng chế giảm nhiều rồi, vì muốn cho Hội Thánh Truyền Giáo có một quyền pháp uy nghi, chớ nếu tín đồ thì phải y, không một ai được trái luật. Vì vậy mà trong thời kỳ nhập tịnh chế bớt ba bài Tam Giáo, ngoài ra thời y. Kỳ xuất tịnh tùy chư hiền đồ.([4])
(…)
Việc Hội Thánh thì các hiền đồ y theo thánh ý đã ra. Kỳ nầy toàn đạo nhập tịnh, chư tín đồ tu công cầu nguyện để tránh bớt tai họa của đời.
Bần Đạo không muốn xây dựng một cơ sở nào bằng tâm dục vọng. Phải đứng trên đạo pháp mới trường tồn. Lời nói của người mà thiếu đạo hạnh, dù hay cũng hay trong chốc lát. Việc làm dù có tài, cũng đứng vững trong chớp mắt mà thôi.
Nếu chư hiền đồ có hạnh Bồ Tát, có tâm bồ đề, dù cả nửa thế giới công kích cũng vô ích. Có bao nhiêu kẻ phá hoại cũng chẳng đổ xê được. Vì vậy mà chư hiền đồ phải đi trên thuần chân vô ngã, mặc ai tiếng thị lời phi. Mà dù có thị phi óng dậy đi nữa, tai Bồ Tát nghe như lời xưng tụng niệm kinh kệ, không thấy thù mà là bạn linh sơn cốt nhục.
Đàn ngày 02-9 Bính Thân (Thứ Sáu 05-10-1956), Đức Hưng Đạo Tổng Lý dạy:
Hưng phế từng phen cuộc biến dời
Đạo lành ẩn hiện há đầy vơi
Tổng quy nhứt mạch tâm tâm niệm
Lý sự đôi bên chớ dể ngươi.
Bản Thánh chào chư vị. Giờ nầy Bản Thánh phụ bút để lời cùng chư Thiên ân.
Trải qua mấy mươi năm gặp biết bao sóng gió chướng ngại, nhưng thuyền đạo cứ vượt qua lướt mạnh. Nay nhờ kinh nghiệm qua đôi lần thất bại mà được thành công, nghĩa là chiến thắng ma cảnh bên ngoài. Dù trước mắt còn có bao nhiêu nguy hiểm cũng không lo ngại, vì bên trong có những tay hướng đạo đủ gan góc lập trường. Người đã từng xông pha trong cảnh khổ để thắng khổ, vẹt lối chông gai dẫn đoàn thiện tín vào trận địa mở phá vòng vây. Hàng ngũ thắt chặt, chí hướng vững bền, cờ đạo giương cao.
Người hướng đạo không đầu hàng trước sự đe dọa bằng gươm súng, bằng thế lực, cám dỗ bằng tài sắc lợi danh, không chịu cuốn ngọn đạo kỳ trước cơn bão tố. Toàn đạo đã đúc thành một khối trung kiên, thì còn ngại gì sự khó khăn của bước tiền đồ.
Không phải từ đây tới nữa là hết gay go. Càng tiến lên, càng gặp nhiều nguy hiểm, gai gốc đầy đuờng, núi sông cản trở. Nên người hướng đạo phải đủ thuật đủ tài, đủ quyền đủ pháp. Vì vậy thánh ý muốn cho chư Thiên ân có một pháp đạo tinh tường, một tâm thể viên minh mới đủ vượt qua ma đời quỷ thế .
Hôm nay Bản Thánh mừng nơi này đã làm được hai việc: Một là được suốt thông đời đạo phần ngoài; hai là luyện kỷ tu thân phần tâm giới.
Phần ngoài, hiền hữu Sơ Thanh đã đi vào Nam nhận thấy công việc làm của mười hai chi phái đạo. Công việc truyền đạo giữ đạo của các chi phái còn ngổn ngang phức tạp, mà người hướng đạo lại thiếu hạnh Thánh Thần. Nền Đạo đã đi đến một bước tối nguy. Phần đông kẻ có tâm đều lo ngày gần đây nó sẽ bị sụp đổ. Nhưng cơ Trời mầu nhiệm, phép Thánh ẩn vi, Đạo có thạnh có suy, suy rồi thạnh.
Hôm nay là mùa đông tiết trời ê ủ, buốt giá lạnh đồng. Trong mùa đông thiên nhơn vật cỏ cây đều tê tái, co rút cằn cỗi. Sức mạnh chư hiền hữu đã thu liễm vào trong, giữ lấy sự sống của quả tim vạn vật, chờ ngày xuân sẽ đơm chồi nẩy lộc.
Ngày đông không phải sức vạn hữu tiêu trầm hết đâu. Còn những lực lượng to lớn đương quyền như gió mạnh xô cây, mưa dầm thác núi, gió dông mỗi phút mỗi tăng, nước dâng cuồn cuộn, sấm nổ nháng trời, phe đảng của hung thần cũng còn mạnh lắm.
Sơ hào quẻ Phục , một điểm dương trong năm sức âm mà không bị diệt tiêu. Có một hào đơn cô, ngó như yếu ớt, ai không lo sợ. Nhưng một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật là Đạo, thì Phục trưởng thành Lâm , Lâm trưởng thành Thái là ngày trời đất thanh hòa hiện bao sức mạnh, các hiền có biết được đâu.
Nghĩa là có mười hai quẻ là KHÔN, PHỤC, LÂM, THÁI, TRÁNG, QUẢI, CÀN, CẤU, ĐỘN, BĨ, QUAN, BÁC là mười hai chi. Hôm nay vận khí tiến chủ hào là PHỤC, thì còn có một chi đương quyền, rồi đến ba chi là thành cơ mầu nhiệm.
Hiền SƠ ra đi cũng thấy tình trong nội bộ, tình ngoài phái phe. Càng tin tưởng là Thầy ban sứ mạng nơi nầy thì phải lo xúc tiến. Lúc nầy chưa phải thời xúc tiến về phần dụng mà lo phần thể. Vì quẻ PHỤC là phần tâm pháp, nội giới cầu lấy thánh ân.
Các hiền nơi đây còn thiếu thánh ân nên chưa tin thánh ý, nên cơ đạo bị chậm trễ, thánh đức chưa được trao truyền.
(…)
Vậy đợt tịnh nầy còn nhiều trở ngại nên về pháp môn Đức Ngô Cao Tiên không bằng lòng. Vì chỗ quá thương của Thầy mà sự phát tâm của đạo đồ không mạnh. Cầu đạt đạo pháp có dễ gì đâu! Các hiền không có tâm thanh tịnh thì Thầy ngồi đâu mà chủ tọa? Ngồi trên mê vọng không có gốc, cũng như bọt nước trên sóng lúc lắc đảo chao, ai ngồi trên đó thì phải lọt tuốt xuống đáy nước còn gì. Cười…
Vậy muốn đắc đạo phải thanh tịnh. Có thanh tịnh thì có Thầy hằng ngự mà chỉ truyền bí pháp; còn mê vọng riêng rẽ ý tình thì bị sóng gió. Mà sóng gió là nơi bể khổ không bờ. Thầy muốn cứu chúng sanh nên thả thuyền bát nhã; thuyền ấy là đạo pháp. Thuyền bát nhã không đáy mà chở cả vạn ức kẻ trầm luân không khẳm. Người bất nhơn hay kẻ vô duyên thấy nó không đáy, sợ chìm, nên mãi không lên, kéo vào cũng không xuống.
Kỳ tịnh nầy cũng thế đó, các đệ ạ. Các đệ làm sao chứ muôn năm có một. Nếu cơ đạo Trung Tông không thọ được tâm pháp, không tiếp được thánh ân, mong gì Khai Cơ Giáo Pháp.
Thánh ý cho biết hoa đẹp có ngày tàn, nhường cho nụ quả. Nơi nầy không xong thì Thầy chuyển đi nơi khác. Các đệ không xong thì sứ mạng sẽ quy về người khác. Mong sao lòng nghi kỵ và lòng tính lo phải sớm diệt tận.
Bản Thánh dẫn chứng một việc trong Tây Du: Đường Tăng đi thỉnh kinh Tây phương. Tây phương là gì? Tây phương có phải cung Đoài chăng? Kinh có phải pháp đạo chăng? Đi có cả Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng và con ngựa. Ngựa là ý, Tề Thiên là tâm. Tâm đi trước dẫn đường, ý đi sau chở thuốc (Tam Tạng). Thất tình lục dục là Bát Giới, Sa Tăng quảy gánh đi sau hộ trì Tam Tạng. Coi đó mà tu. Chủ được ý, tình phải hướng về cung Đạo, phải y trên kinh pháp, phải giữ lấy ba huê, khiến được lục căn mang gói quảy bầu, chủ trì được thất tình, hộ phó hành lý.
Vậy người tu phải vô tâm, vô cố, vô chấp, vô ý mà cầu sự thanh tịnh. Học các pháp tham thiền, công phu; mở cho được cửu khiếu quan thông, xây pháp đạo trên thất bửu trùng lầu mà mở con đường trí năng quán chiếu.
Bởi vậy đạo khai, pháp khai, khai sinh cơ thông, khai nguyên giáo pháp. Nơi đây được truyền từ năm Nhâm Thìn mà đến nay mới làm được phần ngoại giới, còn phần tâm linh chưa đạt. Pháp luyện châu là một pháp tu công đốn ngộ, nhưng ít người luyện tập thường xuyên. Cúng nước quỳ hương cũng chưa được đại chúng.
Hôm nay kỳ nhập tịnh, phần đông còn dục vọng, chưa nhận rõ pháp đạo thâm vi. Không phải một sớm một chiều mà thành công được. Phải nhiều năm luyện tập, phải quyết chí tu hành, phải vô niệm mới thành chơn, phải thuần chơn mới đi vào vô ngã.
Hễ vật chi mau thành thì mau hoại, kết sớm tàn sớm. Vật quý báu vô giá, phải là người đại chí, đại căn mới mong làm chủ được nó. Nó là báu vật, phải đổi một công trình xứng đáng là phải công phu luyện tập nhiều năm. Lấy một món đồ giá trị phải trả một số tiền lớn lao. Đổi một quyền pháp tối linh phải bỏ ra những ý dục tâm mê, tình riêng nghiệp xấu. Đạo pháp không chịu sống chung với lũ ma mê vọng, mà làm cho lũ ma trong người phải quy y về đạo pháp như bè lũ của Đường Tăng.
Vậy đợt nhập tịnh, chư hiền gắng lên. Đã nửa đợt bỏ công rất nhiều mà thâu của không mấy. Phải chăng bị ruộng xấu hay chẳng làm đất bỏ phân? Tại hạn hán thiên tai hay tại mình không chăm nom bón xới? Việc nầy Bản Thánh nói rõ rồi. Vậy gắng lên mà phát tâm, nửa đợt sau thâu nhiều quả tốt.
Việc đàn mật truyền, chư hiền nào phát tâm thì sẽ yêu cầu Hiệp Thiên Đài xin lập. Lợi bất khả độc, mưu bất khả cộng. Vì vậy phải mật truyền.
Hiền SƠ về phục lệnh.([5]) Bản Thánh thay mặt Hội thánh ban ân. Bắt đầu ngày 15-9 hiền vào công phu để tồn dưỡng, sẽ dạy riêng.Bản Thánh chào.

----------------------
([1]) Chưởng: Chủng 種, trồng, gieo.
([2]) “Việc lập thất phải được hành sự sáu tháng, mới ban lịnh và cho hiệu. Ngoài Giáo Tông, chư hiền trong lưỡng đài có quyền nếu là đúng luật. Lấy chữ TRUNG đặt đầu các hiệu thất…” (Đức Ngô Minh Chiêu, ngày 27-7 Bính Thân, Thứ Bảy 01-9-1956)
([3]) Bốn điểm Đức Ngô dạy trong đàn ngày 23-01 Bính Thân (Thứ Hai 05-3-1956) tại Trung Hưng Bửu Tòa: (a) Đức tin hồi hướng về Thượng Đế; (b) Ngôn ngữ, cử chỉ, hành động đều để cúng dường cho Thượng Đế; (c) Thân phận được hiến trọn cho quyền năng Thượng Đế; (d) Vô vọng, vô dục mà tiếp giao, liên kết cùng Thượng Đế.
([4]) Đức Ngô đã hướng dẫn về nghi thức và kinh kệ, kết hợp vừa công truyền vừa tâm truyền trong các đợt tu.
([5]) Giáo Sư Thái Sơ Thanh vào Nam liên giao tìm hiểu trở về.



PHẠM VĂN LIÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides