Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

CÔNG VỤ SỨ ĐỒ




(Sự Nghiệp Trung Hưng / Phạm Văn Liêm)


Trung Tông Đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đang trong kỳ sát hạch nghiêm khắc để đương nhiệm sứ mạng trung hưng, làm sáng danh Đạo, danh Thầy, thế mà các sứ đồ chưa tận lực đảm đương sứ vụ, quyền pháp chưa lãnh hội, chưa suốt thông. Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 08-11 Mậu Tuất (18-12-1958) Đức Giáo Tông dạy:
Sự nghiệp Truyền Giáo đã xây lên mấy từng, đã tô thành bức tường kiên cố. Bức tường ấy là thành trì chánh pháp trung hưng. Thành trì đó có phải là sự hy sinh vô bờ bến của toàn đạo? Bị giết chóc tù tội, hăm dọa thử thách, và cả một sự giác ngộ, xả thân hành đạo, xô ngã lâu đài của quỷ vương bằng danh lợi ái ân.
Sự nghiệp cao trọng, ân phước lớn lao mà các bực kỳ cựu dày công như Ngọc Trác, Nguyên Chất, Chơn Khai, Trí Hiển, Hữu Chí, Như Sơ, Nguyên Chí và nhiều anh hùng vô danh lãnh đạo đã dẫn đầu lịch sử.
Đến nay ơn đức Cha Trời đã thị hiện quyền pháp, chủ tọa ngôi trung hưng khai đạo. Nhìn lại nội bộ Lão cũng buồn cười. Sự nghiệp lớn lao mà người đương lấy sự nghiệp đó le the ngơ ngác.
Đức Giáo Tông than:
Ôi! Hồn ở đâu? Xác ở đâu? Lại nữa, người có tâm tư, có trách nhiệm được tin cậy là Thanh Long. Thanh Long là phách. Phách là một cơ quan then chốt. Phách là buồng phổi hô hấp mỗi ngày. Ôi, hồn xiêu phách lạc thì làm sao cho thể Đạo an toàn! Quyền đó, pháp đó. Quyền pháp không dính líu tương quan với thể Đạo thì làm sao chánh pháp thành hình. Bây giờ dù có truy hồn hú phách cũng chưa về được với thể Đạo. Cười...
Vậy thể Đạo nầy để nó không hồn. Người không hồn là người ra sao? Ngơ ngơ ngáo ngáo, nào biết sớm thấy trưa, nào tính hơn tính thiệt. Ôi, người đó là người khùng! Người không phách là người điên, hay lảng trí. Không lẽ ngôi Trung Tông nầy để nó hóa ra nguội lạnh không người làm chủ?
Hơn nữa, giữa lúc địa vị của ta chưa vững chắc trên lập trường chánh pháp mà bị hoàn cảnh giáo phái ghét ganh, quyền đời đố kỵ, toàn đạo lâm vào tình trạng đói rét bên ngoài, bên trong lòng mình mệt nhọc với chuyện đời gièm pha bó buộc. Hội Thánh hàng ngũ Thiên ân có ít, không đủ phân phối đó đây. Nỗi lại người ít mà còn thiếu tài kém hạnh, đạo đức chưa đáng gương mẫu, chưa trọn hy sinh. Nỗi nữa nhà không người lo hết việc, mà còn phải đưa đi đó đi đây. Nỗi nữa kinh tế tài chánh eo hẹp, thiếu nhiều điều kiện tiến tới. Trong nền quyền pháp thì tổ chức nhị hữu hình đài chưa lập. Lão khổ trăm bề!
Các hiền hôm nay đứng về nơi đây [Cửu Trùng Đài] là anh lớn lo trong lo ngoài, thì sứ mạng từ đây có thể đem thân gánh vác được không? Được hay không thì bốn vị Giáo Sư bàn kỹ rồi ngày rằm Lão sẽ đến chỉ thêm cho. Nếu được thì chọn ngày kiết nhựt nguyên thần mà làm lễ hồng thệ, đăng đàn thọ ân quyền pháp. Đưa bửu pháp trấn thần, để trên bàn tòa ngự Hiệp Thiên Đài. Chờ có lịnh sẽ dạy thêm về lễ hồng thệ. Bần Đạo chào.
Lời Đức Lý Giáo Tông dạy đã cho thấy rõ thực trạng của Hội Thánh bấy giờ. Một số chức sắc, chức việc đem lòng ngờ vực cơ bút, có lời ra tiếng vào rằng chánh đạo được đắp xây ở miền Trung đã bị canh cải đi vào ngõ ngách chi phái. Chánh đạo không không còn giữ theo chơn truyền buổi đầu mà đang bị hai đồng tử chi phối: Một đằng theo hướng của đồng tử Diệu Thông (Nguyễn Ngọc Hòa, vốn từ Hội Thánh Tây Ninh) bỏ Cửu Viện, lập cơ chế hành chánh đạo gồm bốn Cơ Quan; một đằng cho rằng đồng tử Liên Hoa xuất thân từ Chiếu Minh nhiếp theo đường lối tu đơn luyện đạo.
Về phần thực thi quyền pháp thì hai nhân vật cốt cán của Hội Thánh còn đang giong ruổi ở miền Nam. Thiên phong chức sắc Lưỡng Đài quá mỏng. Bốn Giáo Sư Cửu Trùng Đài còn phải kiêm nhiệm giáo vụ ở tỉnh. Bộ phận Hiệp Thiên Đài đang chỉnh đốn nhưng rất thiếu người.
Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 15-11 Mậu Tuất (25-12-1958), Đức Giáo Tông dạy:
THÁI bình nhơn loại ước chờ mong
BẠCH tận càn khôn mới đại đồng
KIM thạch dặn ai đừng đổi dạ
TIN(H) cầu Tạo Hóa bố thần thông.
Bần Đạo chào chư hiền đệ, hiền muội. Bần Đạo mời ngồi.
Sự nghiệp cứu thế lớn lao, Tiên Phật đã nhiều công phu xây đắp thì sứ mạng trung hưng không dễ một sớm một chiều mà xong. Các hiền đệ phải kiên tâm lập chí cho nhiều, đem thân thử thách với đời để rèn luyện tâm thân bền vững khỏe mạnh mới đủ phương tiện thay Trời chuyển pháp khai Đạo.
Chư hiền đệ đã thông cảm ít nhiều lòng ưu tư tha thiết của Bần Đạo, thì dốc hết can trường, một phen còn mất, để làm tròn trách nhiệm trong hội trung hưng mới khỏi uổng công trình toàn đạo nhiều năm xây đắp.
Nói tới hai chữ trung hưng, các hiền đệ đã quan niệm danh nghĩa nó to lớn vô cùng. Nếu không phải chịu mệnh Trời thì tài này đức kia làm sao mong mỏi? Việc cả vạn thế, rộng khắp năm châu, cao thâm mầu nhiệm, đem so với các đệ, làm gì nên sự? Trung hưng không phải việc cải lương giai đoạn hay một đôi lầm lỡ trong nội bộ, mà trùng tu chỉnh đốn tất cả, làm cho đâu đó được hưng khởi tinh thần, sự lý phân minh, mọi điều mới mẻ, trong ngoài đầy dẫy một tình thương nồng hậu, một hoài bão lâu dài, một sinh hoạt rộng lớn, sáng tỏ lâng lâng vẻ đạo thái bình.
Nói tóm lại, làm sao cho quyền pháp nội bộ trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được một sự chỉnh đốn mới mẻ vững chắc. Làm cho các giáo lý xưa nay tỏ rõ một con đường về với Chí Tôn. Làm cho nền chánh trị thế gian biết bảo vệ nhơn sanh, hưởng cảnh hòa bình đạo đức. Xã hội bây giờ không còn giai cấp rẽ riêng, không còn nhà nước chuyên quyền, nhơn dân thua thiệt.
Đức Giáo Tông dạy tiếp:
Nền chánh trị như Nghiêu Thuấn xưa kia. Vua như Thuấn áo sồng, nhà tranh, nền đất; tướng như Vũ tay lấm chân bùn. Vua tôi nào nghĩ đến nơi ăn chỗ ở của mình, mà lo cho trăm họ, quên cả mệt nhọc. Vua đến chơi với dân, thông cảm nỗi tình. Dân đến với vua, noi đường hạnh đức. Vì dân qua cửa không ghé lại nhà. Vì nước tình riêng không bận bịu.
Thế mà nền chính trị đó còn có người ganh ghét, còn có kẻ gièm pha, còn có tay lợi dụng. Sự nghiệp cũng không bao lâu thì nền an bang quốc độ phải bị đổi thay. Lựa là nơi nầy giờ đuốc rọi mười phương tìm không ra vua Nghiêu, tướng Vũ. Lẽ đó là bởi chánh trị tách rời tôn giáo đạo đức.
Nói đến tôn giáo đạo đức tách rời chánh trị cũng khó phần bành trướng mạnh mẽ. Vì không được mạnh mẽ nên tôn giáo mới tìm đủ tài lực, cậy đủ quyền thế để tranh đua khai đàn thuyết giáo. Giáo nào cũng muốn mạnh muốn hơn, mới có chê người khen mình. Gây nên công kích mâu thuẫn, hoặc chạy theo thời thế hay nương lấy thời thế chiếm nước cướp dân, làm cho danh nghĩa tôn giáo bị lu mờ, nhơn dân nhắm vào khuyết điểm mỉa mai, nhạo báng. Tôn giáo đổ nát chơn truyền bởi tay người đời óc non trí cạn.
Đời thế đó, đạo thế kia, bây giờ giữa các hiền đệ phải làm thế nào? Chạy theo chánh trị chăng? Chạy theo tôn giáo kia chăng?
Tôn giáo và chánh trị không đương nổi việc đời ngày nay, không phương cứu được nhơn dân khỏi cơn ác họa, nên Thầy mới khai Tam Kỳ Phổ Độ, trung hưng nền chánh trị Nghiêu Thuấn, nền tôn giáo Phật, Lão, Nho Tông để đời hưởng lấy một cảnh thái hòa, ngày xuân thấy Đạo.
Tam Kỳ Phổ Độ hôm nay bị xẻ năm chia bảy cũng là một điều đáng tiếc. Nhưng còn một điều đáng lo hơn bảy nhóm năm chi theo đây cậy đó. Pha lẫn chung rượu bồ đào với chung rượu men ngô. Đem đường thần thông cứu thế nhuộm lấy màu đời đen đỏ, làm cho pháp đạo không linh.
Hôm nay thế đạo bị nghiêng chinh, quyền đạo yếu mềm bởi nội tình chức sắc nhơn sanh chưa giác ngộ.
Có hưng có đổ, có hỏng suy mới có xây dựng. Chí Tôn ban sứ mệnh ở đây, pháp đạo trao vào tay những trang Thiên ân thật dạ. Bây giờ các hiền đệ nếu đã nhận rõ con đường và sứ mệnh trung hưng, một là tin ở quyền năng vận thời, hai là so sánh chọn một đường sống cho nhân loại, ba là phải quên thân vì Đạo. Nếu được ba điểm đó thì cùng Lão làm lấy nhiệm vụ trung hưng.
Nhiệm vụ trung hưng còn phải trải qua một thời kỳ dài mới thành công trọn vẹn. Đời các đệ chưa rồi, thì lo rèn luyện nung nấu lòng con dạ cháu kế tiếp để hoàn thành nhiệm vụ. Đừng dục vọng, đừng nóng nôn. Phải chậm rãi tuần tự với thời gian chờ thời đợi vận. Thời đã có, vận đạo được hanh thông thì chừng đó ta sẽ tiến mạnh khắp nơi khắp chốn.
Bây giờ thời chưa gặp, vận chưa hanh, lo đóng cửa tu thân, đào tạo nhóm con em đủ đức nên tài, dìu dẫn sắp xếp trong gia đình trên hòa dưới thuận. Gia đình hay nội bộ trong nền đạo làm sao có một chủ trương lành mạnh. Các nhân viên bộ máy chạy đều. Nam nữ đồng sức, dưới trên đồng tình. Lo cho nhau đủ ăn, khẳm tiêu,([1]) đời sống tạm thời khỏe vui. Nhà nào nhà nấy thương yêu tin cậy, giúp nhau theo tổ chức dựng xây.
Xây đắp nền nhơn đạo cho mạnh cho lành. Về việc cưới gả phải được đề cao, xây dựng hạnh phúc vợ chồng ngày mai, cho đạo hữu thành những gia đình tân dân minh đức. Đừng lầm nghĩ nhơn đạo là thường là kém. Phải lo nhơn đạo cho vững chắc, đời sống con em có nuôi có dạy khôn lớn thì gái trai nên đôi lứa. Đau được cấp dưỡng. Chết được chôn cất rỡ ràng. Đừng nghĩ nhẹ điều này mà đi vào nơi mông lung vô vọng.
Về thiên đạo Đoàn Giải Thoát, chức sắc Phước Thiện và chư Thiên ân quyền pháp không thể làm như ý chư đệ mà thành được. Mỗi một việc làm chia nhiều giai đoạn, từ đầu đến cuối, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Đừng nói cao mà làm thấp. Đừng nói ra được mà làm không được. Phải đặt con đường mười năm, hai mươi năm. Mỗi năm một bước. Mỗi bước phải làm gì? Như nói tu: Ăn chay cúng nước; hành công lập quả; tập những khổ hạnh; đào luyện tư tưởng, chế ngự ăn mặc đi, sống với tinh thần vô ngã; tham thiền luyện tánh. Dìu dắt lần hồi. Đừng ép ai không đủ sức và chưa giác ngộ.
Về giải thoát, trong thời gian vào ở nhà tu ba năm, không theo ý mình mà theo quyền pháp. Ngoài ba năm đã được điểm đạo thì quyền đi đây đó tự do, nếu xét người đã nên tự chủ. Trước ba năm có ba năm công cán, ba năm đức hạnh, ba năm vào nhà kín luyện thần nhập diệu. Không nên đưa cao mà té sâu làm hỏng danh quyền pháp.
Về chức sắc Phước Thiện thì cũng chia ra mười hai năm mà vạch chương trình tu công lập hạnh.
Chư Thiên ân cũng vạch một chương trình năm năm để tiến tới sứ mạng. Đừng buộc lắm. Về Giáo Hữu trở lên là thiên đạo, đi mấy năm vậy mới chí thiên đạo.
Sang xuân lo chỉnh đốn mọi mặt lại tất cả, nhất là nhơn đạo (Phước Thiện). Các cơ quan chức sắc trong Hội Thánh mở một vài kỳ tu học xiển luận các điều chuyên trách.
HÀNH CHÁNH: Khai cửu trù mà an bài trật tự trên dưới.
PHỔ TẾ: Khai cửu trù mà giữ đạo, truyền đạo, giáo hóa.
PHƯỚC THIỆN: Khai cửu trù mà tạo thế khai thế tân dân.
MINH TRA: Khai cửu trù mà bảo pháp.
Mỗi cơ quan đặt ra một câu. Ví dụ: Ngũ hành thì áp dụng phần an bài thế nào? Áp dụng phần truyền, giữ đạo thế nào? Phần bảo pháp và tạo thế làm sao?
Học một câu cho rành. Người Thiên ân và kẻ tín đồ đạo hữu cũng học câu đó mà áp dụng khác nhau. Ví như câu đó về thiên đạo thế nầy, về nhơn đạo thế kia, vạch một chương trình chung rồi mỗi người chuyên môn mỗi việc. Không ai đi ngoài câu ngũ hành đó. Các đệ nhớ học, sau chỗ nào chưa thông Lão sẽ khải thị cho.
Về việc huyền chức, nhờ đó mà tu. Nếu cần cứu chuộc họ bằng quyền sống thế gian cũng không phải tại chức vị làm trở ngại. Vì người nào quá tệ không kính tôn quyền pháp thì tùy Hội Thánh sắp đặt. Nhưng trước khi huyền chức hay bãi cũng nên khuyên can giác ngộ nhiều lần, để tội!
Về nghĩa địa, điều đó Lão có hứa sẽ lý giải nhưng chưa có dịp. Nó quan trọng vô cùng. Mỗi lần hồn xuất ra khỏi xác, thì xác ấy gọi là chết. Nhưng trong xác đã đành chết rồi mà cái hồn đôi khi cũng lướng vướng theo mồ mả, lấy đó làm nơi nghỉ chơi tạm trú. Trong cái xác còn thịt xương chưa ẩm nát thì các căn thức, thần kinh, nghiệp ý, vía phách chưa đi trọn. Vì vậy mà ở một nghĩa địa được nơi quyền pháp chọn đặt, có Thần trông nom, có điển linh thường soi rọi. Nên dù hồn chưa đi trọn cũng được yên tĩnh mà hối tiền, hồi hướng, không bị ngoại đạo tu la cám dỗ, ngạ quỷ nhiễu nhương. Nên có nghĩa địa cũng là dưỡng phần hồn trên phương diện tận độ. Vì vậy nên hiểu mỗi họ đạo đều có, là lợi về phương diện tận độ.
(…)
Về việc tổ chức Hội Thánh nơi đây quyết phải tiến hành đương vi sứ mạng. [Trần Văn] Quế và [Thanh] Long sẽ có một kỳ đàn. Bần Đạo sẽ xếp theo quyền pháp trong chương trình chỉnh tu quyền pháp. Nhưng cũng cần có một sự nghiệp uy nghi, thì Hội Thánh gần đây sẽ có người đủ điều kiện lãnh đạo. Các hiền cần phải trọn tin. Các hiền Phẩm, Tín, Hậu, Trường phải tự đương trách nhiệm mà lo an bài quyền pháp dưới trên. Mỗi hiền có một trách nhiệm. Ai lo phần nấy.
Về lãnh đạo cơ quan, thì Hội Thánh Hành Chánh để cho Thượng Thanh, Phước Thiện để cho Thái Thanh, Phổ Tế để cho Ngọc Thanh.
Ngọc trông nom về Phổ Tế mà xây dựng thế đạo. Thái trông nom về Phước Thiện mà xây dựng thiên đạo.
Còn chọn mỗi thánh thất một vị đầu họ. Một là chức sắc thuyên bổ giữ quyền ba năm. Hai là chọn tại địa phương có người xứng tài đức không luận Lễ Sanh hay Giáo Hữu. Vì trong thời biến để có người an toàn bảo pháp.
THI
Đàn nay điển huệ khó chan đều
Tìm hiểu lời Ta rẽ bước theo
Ngày đến mới hay cơn tái tạo
Trung hưng quyền pháp gắng trồng gieo
Gieo trong thánh huấn thiệt mà hư
Ai giỏi tìm là gọi Giáo Sư
Đất Việt chọn ai dân cửa Thánh
Biết rồi nhứt nhứt phải ưu tư
Tư ưu lo gánh nợ nhơn quần
Quần chúng chưa rành chỗ giả chân
Chơn thật lời Ta khuyên gắng lấy
Đương vi quyền pháp gội hồng ân
Ân phước Thầy cho ráng đáp đền
Làm sao cho Đạo mọi phần nên
Đừng rằng ỷ lại ai đâu nữa
Nắm lấy mối giềng cứu tuổi tên
Tên tông Truyền Giáo, pháp trung hưng
Hưng đạt lòng ta phỉ chí mừng
Mừng hội thăng bình ơn cứu Chúa
Đề phòng kẻ nghịch núp sau lưng
Lưng đầy mặc kẻ bán buôn đời
Chưa chủ lòng mình cũng bận chơi
Cát bụi có tung chừng gió dập
Sóng yên gió tạnh bởi thanh trời
Trời thanh muôn sự đều lành
Trời dông sóng gió tung hoành cũng kinh
Bắc Nam một mối tượng hình
Bảo an quyền pháp, giữ mình những cơn.
Trong việc sắp xếp an bài quyền pháp Hội Thánh, nữ phái được Ơn Trên đặt dưới quyền hướng đạo của bốn nữ Giáo Hữu là Hương Yến, Hương Huyên, Hương Hòe, Hương Thục. Nữ Đoàn Giải Thoát tu cầu đạo pháp dưới quyền huấn đạo của Đức Ngô Minh Chiêu. Tu xá đặt ở Tam Kỳ (Quảng Nam), được Ngọc Giáo Sư Trịnh Trung Tín và Cơ Quan Phước Thiện bảo trợ.
Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa, Tý thời ngày 16-11 Mậu Tuất (26-12-1958), Đức Quan Âm dạy:
QUAN chiếu bản lai khai bản giác
ÂM thanh sắc tướng hoán thành chơn
BỒ đoàn ngồi luyện tu đôi lúc
TÁT(C) Phật tạo Tiên mới rõ hơn.
Bần Nữ chào chư Thiên ân, chư đạo muội. Giờ nầy Bần Nữ thừa chiếu chỉ Thiên triều đến đây để dạy công việc tiến hành của bốn cơ quan và nữ phái. Chư Thiên ân an vị.
Cơ đạo trải qua thởi gian chưa phải nhiều, mà sự thăng trầm tụ tán, vinh nhục thạnh suy đã diễn bao nét bi hùng. Bần Nữ lấy làm e dè cho cuộc diễn tiến ngày mai. Cuộc đời buổi hạ nguơn này mỗi một giờ, một phút diễn tả đủ trò ảo hóa. Làm cho loài người không phân biệt giả chơn, nên không tự chủ tự cường. Ai cũng bị vật chất thôi miên, lợi danh ám ảnh, lôi cuốn cả cuộc đời vào nơi bể tham sân, núi gươm, ao lửa. Loài người rồi đây sẽ bị hành phạt một cách xứng đáng bởi tội ác bạo ngược sát nhơn. Trước tòa phán xét không có một người nào trọn vẹn được ơn phước quyền năng.
Nay, riêng nơi nầy được mang danh thánh địa, chịu dưới quyền pháp Kỳ Ba, mà Thiên thơ từ lúc tạo cõi đời đã sẵn có trong chương trình dựng nên loài người tại thế gian. Thế mà cũng không tránh khỏi cuộc hành phạt ấy.
Loài người ngày mai đều bị ném vào trong ao lửa và còn phải chịu nhiều cuộc hành phạt khác cho đến ngày tận chung tuyệt diệt. Nhưng trong loài người có kẻ hay người dở, kẻ trí người ngu. Nên để cứu lấy loài người dựng nên thánh đức, tái tạo một cuộc đời thanh bình là phải dựng nên một chánh pháp.
Nền chánh pháp Kỳ Ba nầy mà không được đại xá tận độ, thì cơ sàng sảy còn lấy được bao nhiêu? Mà nền chánh pháp trao cho một dân tộc hèn yếu, một quốc gia nhỏ bé để làm nơi cứu chuộc cho loài người trên bốn bể là lẽ công bình. Ở sau được nhắc tới, mà cũng tỏ được quyền uy thị hiện của Thầy cho nhơn loại một bài học để trừ dẹp cái bệnh kiêu căng, cái lòng ích kỷ, cái thói ngang dọc bạo tàn, cái lối anh hùng trí dũng, chẳng kiêng oai đức, chẳng thấu lẽ Trời.
Bài học nầy là ân phước của dân được chọn, nước được đặt quyền pháp, làm nguyên cơ cứu độ. Dân tộc nầy có thấy danh dự đó chưa? Chư Thiên ân đã biết mình trong ân phước nầy chưa? Chư đạo hữu có sung sướng hãnh diện trước loài người bằng nét thanh cao được nhiều an ủi không?
Chắc toàn đạo nói chung chưa thấy vinh hạnh đó. Bây giờ Bần Nữ muốn bàn cùng chư Thiên ân nơi nầy. Đã mang lấy cái tên trung hưng chánh pháp, đường đường một Hội Thánh lên tiếng cùng với mọi người, chư hiền phải làm sao cho xứng đáng cái tên tuổi đó. Đã nhảy lên lưng cọp thì không còn dụ dự gì nữa. Cứ cương quyết vỗ đầu nắm cổ mà giục tới. Đứng trên vũ đài còn sợ ai hơn ai giỏi. Cứ đương nhiên một tài vũ dũng chào địch thủ, thử lấy tài ba. Còn ngại gì nữa? Còn chờ ai, nhường ai nữa?
Quý hiền mau lên! Quyết liệt với chí mình và trách nhiệm đã giao. Phải tự nói ngoài mình ra không còn ai. Sứ mạng cải tạo thế gian dựng nên chánh pháp là mình. Mình mới ngăn nổi đoàn quân khát máu loài người. Mình mới cứu được người trong cơn khốn cùng bát loạn. Ngoài mình còn ai, ỷ lại ai? Trông cậy vào ai? Ai làm được việc nầy? Chỉ có người lòng thành được ơn ủy thác. Nói vậy để mạnh mẽ lên, thấy được việc làm của sứ mạng. Nên bỏ cái thói rụt rè nhác nhớm,([2]) cái lòng dụ dự nữ nhi. Hất cả danh lợi ái ân, lìa quê hương nhỏ bé, tình tứ hẹp chật, hạnh phúc bẩn thỉu, sự nghiệp nhỏ nhen, đem lại một tình thương đầy nhựa sống bao la cho nhân loại. Có gì phải lẩn quẩn loanh quanh, nay nhà tư mai cửa đạo, con khờ vợ yếu, dốt chữ đói cơm, cứ bận bịu chạy sớm lo chiều để cho tròn nhơn đạo.
Ôi, nhỏ nhen! Việc ấy chưa phải việc hướng đạo. Thiên hạ trên thế gian còn biết bao nhiêu người không nhà ở, không cơm ăn, không thân thiết, không được mạnh lành, không có tự do. Không những phần xác tồi tàn mà phần hồn cũng mờ đen ngu dại. Sao người hướng đạo không thương, không nghĩ đến đời họ đương kêu khóc rên rỉ kia? Họ sắp chết vì đói vì dốt, vì yếu, vì cô đơn, vì thất trận. Sao không đến cứu họ để thể hiện lòng háo sanh với một mạng sống không dễ? Lòng hướng đạo nên lớn mạnh, nên dũng cảm, nên lập chí anh hùng. Đừng thấy người mạnh, người đông mà rụt rè. Phải đương vi bất nhượng trước bất cứ một hoàn cảnh nào. Làm theo Y Doãn đi! Thái Công đi!
Đời khổ đã đến nhiều rồi! Nhơn loại quằn quại khôn cùng dưới cảnh hình phạt, không lẽ để kéo dài thời gian. Phải làm sao cho nhơn loại bớt nỗi đau khổ kia. Tiếng nói quyền pháp đã đến tai người chưa? Lời an ủi đã xoa dịu vết thương của người đương nhức nhối kia chưa? Đời sống lầm lỡ đã được lên tiếng gọi về nẻo thẳng đường ngay chưa?
Ôi! Hội Thánh đã làm gì để bảo vệ hòa bình, bảo an nhơn loại? Lời nói chưa vang, việc làm chưa đến, mà hàng rào phân cách lại được kín vây. Giặc cướp đủ bốn phương đã ó lên để quyết hãm thành lấn đất. Nếu quyền năng cho phép thì nó đã chích xong ngòi lửa năm châu một lượt rực lên, đốt sạch sành sanh.
Thầy còn chờ một lời ăn năn, một cơn hoán cải, mà cũng ân phước dành riêng cho thẻo đất nhỏ bé nầy, nhiều lần dữ lại thành may. Lưỡi kiếm đã kề cổ dân này mà phút chốc trở về cổ người hại.
Nói đến bên ngoài, chư Thiên ân đây còn đương thời kỳ chuẩn bị để rồi đăng đàn thuyết giáo mười phương. Nhưng nói chuẩn bị thì Hội Thánh đã chuẩn bị gì? Qua sông ư? Có thuyền không? Lên đường ư? Ngựa thắng cương chưa?
Nội bộ còn mê mệt, đâu đó chưa rồi. Nói đến Thiên ân thì không người nòng cốt gương mẫu. Nói đến bộ máy, bộ ngược bộ xuôi. Bàn đến nội tình kẻ vầy người khác. Trông qua hàng ngũ rối loạn rã rời. Ngó đến nhơn sanh như gà mất mẹ.
Phước Thiện đâu? Sao chưa đổi được thói tệ ra lành, dời loạn ra trị, cảnh đói rét được ấm no?
Phổ Tế đâu? Làm gì mà chưa xoa dịu nỗi đau thương của đời? Đây đường tối tăm, đuốc đèn chong dậy! Đây đường lầm lũi, tiếng còi cứu thế túc mau! Đây bị quỷ chước dỗ dành, gậy pháp tung đưa ngăn bọn mỵ!
Hành Chánh đâu? Không an vị để cho quyền pháp được linh. Không thấu lòng thấu cảnh nghiêng chinh mà lấp dựng một nền phong hóa mới.
Người người ham danh chuộng lợi, quên cả nghĩa vụ làm người. Sao không bảo người bỏ cái danh giả tạm, cái lợi ảo huyền, tìm đến cái lợi vĩnh cửu, thất bảo kim cương, cái danh chơn thật mỹ miều? Danh ấy đáng khen, lời ấy đáng chuộng.
Vậy thời kỳ chuẩn bị là thời kỳ củng cố nội bộ. Phần tu chỉnh quyền pháp Thiên ân. Về hình thức cũng là một việc cần, để cho Giáo Hội uy nghi, cho sáng danh tận độ.
Phần bảo dân dưỡng thiện, cố gắng mà xây dựng một nền phong hóa đạo đức trong nội bộ. Nhà nhà đầy vui tươi thuận thảo. Người người đều vui tươi mạnh lành. Làm sao cho lẽ sống được phục sinh, ân phước đó mới nên trọn vẹn.
Hiện tình nội bộ chưa thể nói là được sống trong lẽ sống đời đời. Sống đây là cái sống tạm thời của xác thịt, chớ linh hồn đã chết tự bao giờ. Người có hồi sinh chỉ nhờ ngọn lửa của điển quang sưởi lòng tê tái. Ráng làm cho họ mạnh thêm, lành thêm. Lấy họ làm con người kiểu mẫu, con người mới của thế hệ ngày mai.
Con người mới là con người được phục sinh, sống trong quyền pháp. Người sống trong quyền pháp dạy họ biết khôn ngoan về nghĩa vụ làm người, cách tương quan trong gia đình và giữa tình đồng đạo. Dựng vợ, gả chồng cho họ. Xây dựng gia đình hạnh phúc, để người họ hưởng lấy ân phúc, lấy đó làm gia đình kiểu mẫu, gia đình mới của thế hệ ngày mai. Gia đình giữa nhau kết thành một tràng bình đẳng, bác ái, bồ bặc xây đắp cho nhau, để tiến đến một gia đình công cộng.
Vậy Hội Thánh cố gắng hiệp cùng các cơ quan Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện, Minh Tra, nữ phái để hoàn thành chương trình giáo hóa cho rồi. Mỗi cơ quan đều làm một việc chung, chia ra kẻ làm việc nầy, người làm việc khác. Trên lề lối tổ chức đâu đó phải được tùy khả năng, tùy tài đức mà phân công, chớ không phải mỗi ngành mỗi cấp mà riêng rẽ nhau. Ai cũng ghé mắt trông dòm, để tai nghe ngóng, mà lo xây dựng cho mạnh cho lành.
Về thế đạo, lo xây dựng đời sống vật chất cho toàn đạo, đem hạnh phúc thế gian đến cho nhà người. Con nhỏ con lớn, người cha người anh, kẻ ruột kẻ da, phải có sắp xếp thứ tự rõ ràng, làm cho đầm ấm tươi vui, trong ngoài không rối loạn. Mở ấu nhi, dục nhi viện, để rèn luyện người mới lên hướng đạo Thiên ân. Mở tịnh xá nhà tu để gội oan khiên, đưa bước tự do cho đạo hữu lập trường công quả. Mở công nghiệp, nông thương làm chỗ đào tạo chuyên viên, tạo nên của lễ cứu chuộc.
Thôi, Bần Nữ xin chào chư hiền đệ, chư đạo muội.
Đàn ngày 17-11 Mậu Tuất (27-12-1958), Đức Quan Âm dạy tiếp:
QUAN thân bản giác diệt vô thường
ÂM tận quần mê ngộ nhứt dương
BỒ hạnh noi theo đường đạo đức
TÁT(C) ân tác phước hưởng thanh bường.
Bần Nữ chào chư Thiên ân. Chào chư đạo hữu, đạo muội. Chư môn tọa thiền nghe dạy tiếp bài.
Buổi đời mạt pháp, nhơn loại tập nhiễm thói hư nết xấu của đời, từ vô thỉ dĩ lai ([3]) chồng chất ngập đầy trong khuôn trời đất. Cảnh sống phàm phu nhích chơn há miệng đều là tội lỗi. Loài người gây tạo dẫy đầy ác họa, nào biết nào hay, nên phải chịu quẩn quanh trong sáu đường ba nghiệp. Làm sao thức tỉnh thế gian quày chơn trở lại?
Nói đến thế gian là một sự lầm lỗi to tát, không còn tồn tại lâu dài. Đời hạ nguơn mạt tận, thì người hạ nguơn cũng tiêu vong. Tất cả theo cõi đời nầy mà tiêu diệt. Không còn một cái gì sót lại ngày mai. Vì người hạ nguơn là người ác, đời hạ nguơn là đời cùng. Đã ác và cùng thì làm sao làm được con người ngày mai?
Con người ngày mai là con người bởi sứ mạng được chọn. Người ấy đã sống dậy ở cõi lòng. Lòng họ dính liền cùng Tạo Hóa với vạn vật bình đẳng nhất thể. Họ không thấy ai là người thân, kẻ thù. Vì họ biết xấu hổ nên họ được tinh tiến trên đường đạo đức. Buông xả những mối hại danh sắc ái ân, giải thoát tất cả cái gì ràng buộc nhỏ nhen tà vọng. Nhờ biết xấu hổ mà chừa được lòng tham muốn, tánh tham sân, đoạn ba nghiệp, lấp sáu đường, diệt vô minh, bản giác trở nên sáng tỏ. Đó là người ngày mai.
Muốn có người ngày mai ở trong đời thượng nguơn thánh đức, gọi là nguơn tái tạo thanh bình, bắt đầu từ đây lo xây dựng đào tạo con người mới, con người chất phác đạo hạnh.
Con người mới ở trong nguơn mạt tận nầy dù cho họa hại đến đâu cũng không tuyệt diệt. Vì người đó sống bất diệt, không chạy theo cái chết của quỷ ma, vô minh nghiệp chướng. Đời này làm sao có được con người ấy? Vì cái phàm phu ma quỷ nầy không một vọng niệm nào là trong sạch thì đời sống họ làm gì có được trong sạch mà làm người ngày mai. Bởi biết xấu hổ, họ làm được người ngày mai.
Đã nói [người] hạ nguơn là người đen tối. Tội ác loài người cũng như đám cây hạn hán đốt thiêu. Sinh khí khô cạn nơi thân cây, nhưng khi có được dịp hồng ân mưa móc, cây nào còn nhựa sống thì chỗi hình nứt lộc. Cũng như người còn đôi chút lương tâm, nghe đến đạo đức sanh lòng ngưỡng mộ. Vì người đã mộ biết điều lành nên theo, điều dữ nên tránh. Nếu thân bị lầm lỡ, bị thối hóa thấp hèn, mà biết xấu hổ, biết lập chí buông xả, là lòng người sống lại.
Vậy nói đến người mới là nói đám người nào? Đám người được chọn, đám người vì sứ mạng đến đây, đám người sớm đã giác ngộ đạo đức. Người đó là ai? Có phải chư Thiên ân chức sắc, chức việc và đạo hữu không?
Nếu nói người là người Thiên ân hướng đạo, thì đã có khi nào biết xấu hổ không? Hay đã được cái danh Thiên ân, cái chức hướng đạo rồi đem lòng cao ngạo không biết xấu hổ?
Đã là Thiên ân, mà không xứng đức hạnh, sao không xấu hổ? Đã là chức sắc, chức việc mà chưa đủ ân oai quyền pháp để trị đạo giáo dân sao không xấu hổ? Người hướng đạo dẫn đạo nhơn sanh, mà mình mờ mịt tối tăm, hướng ai? Một người mù dắt một bầy đui sao không xấu hổ?
Biết xấu hổ với thân phận, ngôi phẩm chức vụ mà không tròn không xứng, lấy làm ăn năn, lấy làm lo sợ. Nhờ biết xấu hổ mà cố gắng lòng mình, xa điều quấy thói hư, buông bỏ ý tham mê ưa muốn, để được nhẹ nhàng, để nên trong trắng, để hưởng tự do chung cùng Tiên Phật. Đó là phương chỉnh tu, trảy sạch phàm phu tội lỗi. Cũng như trảy gai tề nhánh cho cây được suôn sắn thẳng ngay.
Chư hiền ân nên xây dựng mình bằng pháp môn xấu hổ để trọn ân nên Thánh ngày mai.
Về bốn cơ quan, Đức Bồ Tát dạy:
Phần Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế làm một chương trình chỉnh tu nội bộ, tương quan trên dưới, nhứt trí thực hiện. Đừng chênh lệch nhau. Đừng riêng rẽ nhau. Phải nương tựa nhau, bàn tính với nhau để đưa bước nhơn sanh thành hình Hội Thánh. Cơ quan Minh Tra lo theo bước ba phần trên mà nhận xét để bảo tồn luật pháp.
Về việc sắp xếp nội bộ chờ kỳ đàn Hiệp Thiên Đài sẽ đặt lại bộ máy, sắp xếp việc làm. Bây giờ trong giai đoạn hỗn hợp, Hội Thánh thiếu người, chia nhau lo xong mọi việc.
Việc thi hành quyền pháp, chư hiền phải lo một chương trình, trước định liệu công tác ngày mai, rồi sẽ cùng Thiêng Liêng châm chước sửa đổi.
(…)
Việc cơ sở liên lạc cũng cần lắm. Nhưng hiện nay mỗi nơi thiếu người mà cũng ít ai lưu ý. Ngành Minh Tra là quan hệ cần thiết, nên tổ chức không sâu rộng, quyền pháp không diệu dụng, lề lối chưa rành. Ngay bây giờ đặt nó là quan trọng. Lời nói cho linh, việc làm cho sống, con người lãnh đạo nó là thần minh.
Phải sợ người trên. Phải kiêng người chức lớn. Nếu lớn nhỏ không phân biệt, trên dưới không rõ ràng, thì làm sao tránh được điều chuyên quyền loạn pháp? Nên chư Thiên ân trước phải trọng mình và tôn trọng lẫn nhau. Dưới kỉnh trên, trên nhường dưới, thứ đệ phân minh trước mặt Thầy, đừng nên làm trái thánh ý.
Biết tôn kính quyền pháp Thiên ân là thương Thầy mến Đạo, góp công xây dựng giáo quyền. Ai trái phản là người phá hại tổ chức. Nếu nhơn sanh không kiêng sợ chức sắc, thì nhơn sanh nương đâu mà đắc đạo? Cậy đâu mà được quyền pháp chở che? Nhơn sanh coi chức sắc không ra gì, coi nhẹ coi thường, coi như thế là coi Trời không ra chi. Đã phạm tội với Trời làm sao được cứu?
Còn giữa các hàng đẳng Thiên ân cũng phải kính mến nhau, buộc phải giữ yên trật tự. “Một đức trỗi hơn một phẩm cao.”
(…)
Về Phổ Tế, năm nay cũng nên chuẩn bị xây đắp hàng ngũ nội bộ của mình. Chọn giáo sĩ chia làm nhiều cấp. Mỗi cấp có một tên riêng để gọi. Bộ máy củng cố, việc làm nhờ lẫn nhau. Các hiền có trách nhiệm đều vào Nam là điều đáng khen mà cũng đáng lo. Nội tình tại Hội Thánh không người chủ trương, không thân ký ngụ.
Đàn ngày 27-11 Mậu Tuất (06-01-1959), Đức Lý Thái Bạch dạy về cảnh đời dâu bể đổi thay của buổi cùng mạt. Loài người thống khổ chết chóc đau thương, từng phút từng giờ sinh ly tử biệt. Ấy cũng bởi tội lỗi con người gây ra nên phải chịu trừng phạt. Nhưng Đạo khai để cứu đời nên Hội Thánh phải trọn vẹn thánh hình, quyền pháp tinh minh. Thiên ân phải đủ tài gánh vác sứ mệnh cứu độ quần sanh. Mùa xuân đến (Kỷ Hợi) được tiếp ân khai xuân phước thiện, Hội Thánh được lệnh soạn bài kinh cầu nguyện Phước Thiện và trình Ơn Trên duyệt để rồi ban hành cho toàn đạo đọc vào thời cúng giờ Ngọ mỗi ngày.
Trong đàn này, Hội Thánh bạch về việc kết tập Bửu Chương Pháp Đạo, Đức Lý dạy:
Sắp theo Bửu Chương, làm được thì nên soạn theo lối Kinh Lăng Nghiêm. Còn không thì như hiệp tuyển cũng được. Nhưng sẽ ra một bản kinh trong thời trung hưng đạo pháp. Nếu được ân phước nơi đây đón tiếp thì quý biết chừng nào!
Đàn ngày 29-11 Mậu Tuất (08-01-1959), Đức Hưng Đạo Đại Vương truyền lịnh: “Đọc lại bài kinh cầu nguyện [Phước Thiện].” Ngài phê:
Bản Thánh lấy làm buồn. Đã hiện ở luồng điển chia làm ba đoạn trong một bài kinh bố điển thì thế nào cơ sở Phước Thiện cũng bị trở ngại ba lần mới thành công. Dù có buồn cũng không sao sửa được máy Trời. Bản Thánh chỉ khuyên toàn đạo tu, một lòng dũng tiến và dốc hành trì pháp môn.
Bài nầy đáng ra được thêm vào một vế nữa về Tam Giới, Cửu Thiên hội bàn chư Phật Tiên, Thánh Thần thì quý biết chừng nào. Sao các đệ không nghĩ đến điều đó để cầu lấy thần lực quần Tiên gia hộ cho mạnh mẽ lên?
Thôi, Bản Thánh chỉ cho biết vậy. Mỗi đợt sẽ dẫn lời pháp môn.
Bài kinh cầu nguyện Phước Thiện chưa hoàn hảo, Đức Trần Tổng Lý vẫn ban hành để tụng vào thời cúng Ngọ:
Lòng thành vọng bái Thiên Nhan
Thương con Thầy đến bảo toàn căn nguyên
Mừng nay chánh giáo quảng truyền
Bảo dân dưỡng thiện pháp quyền Thầy ban…
Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, cuộc sống lâm nguy, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài được Ơn Trên thúc giục phát huy pháp môn phước thiện. Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn đảm nhận phần linh hướng vô vi Cơ Quan Phước Thiện. Đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 16-01 Đinh Dậu (15-02-1957), Đức Lê Văn Trung dạy:
Phước Thiện là nền tảng hòa bình, hạnh phúc, ấm no, theo tình đồng đạo. Tình là sự thương yêu. Đồng là sự bình đẳng. Đạo là sự sống. Sống bình đẳng và yêu thương thì sống không phải bằng máu đỏ thịt mềm. Ngoài áo cơm còn phải bằng hơi thơm, ánh sáng. Ánh sáng là sức nóng làm cho ấm áp muôn loài. Hơi thơm là không khí điển linh để trợ trưởng vận hành và dẹp thối trừ hôi, khai thông chướng ngại.
Phước Thiện là ánh đuốc Kỳ Ba soi đường tận độ. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài phát huy mạnh mẽ pháp môn này. Nhà nhà làm phước thiện, người người làm phước thiện. Tất cả cho phước thiện để khai thế tạo thế, bảo sanh dưỡng thiện, tiến đến sơ bộ đại đồng. Hình thức phổ cập là mỗi nhà đạo hữu phải thực hiện một hũ gạo phước thiện. Cứ mỗi lần đong gạo nấu cơm, lấy bớt một nắm gạo bỏ vào hũ, nghĩ đến việc giúp khó trợ nghèo, và thành tâm niệm: “Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.” Gạo ấy hàng tháng nộp cho tổ Thiện Gia Liên Bảo. Ở quy mô lớn hơn, Hội Thánh hướng đến lập công trường (xưởng dệt), nông trường (đưa bổn đạo di cư lập nghiệp).

-----------------------------------------
([1]) khẳm tiêu: Đủ tiêu dùng.
([2]) nhác nhớm: Lười nhác, không muốn làm gì hết.
([3]) dĩ lai: Cho tới nay.


PHẠM VĂN LIÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides