(Trích CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN - Diệu Nguyên)
Làm người, không ai có thể vượt ra ngoài định luật sinh tử. Con người vẫn tự hỏi: Chết rồi sẽ đi về đâu? Ngày nay câu trả lời đã biết được rõ ràng qua lời tường thuật chi tiết của chính những người đã bước qua thế giới bên kia, bản thân đã trải nghiệm lúc xuất hồn đi về cõi vô hình.
Thật vậy, trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ vào luật đại ân xá của Đức Chí Tôn Từ Phụ, thông qua phương tiện cơ bút, nhiều chơn linh quá vãng đã được phép về đàn kể lại cho người trần thế cuộc hành trình của hồn linh sau khi lìa khỏi xác phàm ngõ hầu khuyên nhủ thế nhân hãy gắng chí lo tu.
Hành trình về cõi hư vô của các chơn linh không giống nhau vì tùy thuộc vào quá trình sống của mỗi người lúc còn trên dương thế. Sau đây là vài trường hợp cụ thể do các chơn linh kể lại sau ngày thoát xác: Có hồn phải chịu ai hoài nắng sương nơi tuyền đài, có hồn được chuyển kiếp trở lại làm người, có hồn phải đầu thai làm kiếp thú hoặc quái nhân để đền trả tội xưa, có hồn được Thiêng Liêng rước về non thần tịnh luyện trước khi thọ phong phẩm vị, có hồn trở về cõi thượng thiên trong khi thể xác vẫn còn nằm tại thế gian, v.v…
1. LÝ VẠN DŨ (1877-1949)
Vào giờ Ngọ ngày 28-5 Tân Mão (02-7-1951), tại Thanh Tịnh Đàn (Mỹ Tho), Đức Đông Nhạc Đại Đế dẫn hồn của tiền bối Lý Vạn Dũ ([1]) nhập cơ sau ba năm (ba mươi sáu tháng) tạ thế. Lý tiền bối tường thuật như sau:
Ba sáu tháng xa nhà cách trẻ
Hai tám này vui vẻ Ngọ nay
Bấy lâu dật dựa tuyền đài
Hồn linh cam chịu ai hoài ([2]) nắng sương.
Tiền bối cho biết vì sao hồn linh phải chịu khổ não nơi tuyền đài: Lúc còn tại thế, vì mải lo tạo dựng sự nghiệp vật chất hầu bảo dưỡng thê nhi nên vô tình gây tạo tội lỗi.
Phải đảo điên
Tại vì tiền
Mất tâm thiền
Mất tâm thiền tại thiên gia thất
Lo bảo toàn vất vả lao tâm
Khổ lòng đau nhức chích châm
Mấy mươi năm chịu lạc lầm không tu.
Lòng không tu
Bị lờ lu
Mất tánh nhu
Mất tánh nhu, cần cù lo liệu
Sợ thiếu dùng lịu địu trẻ thơ
Cho nên tội lỗi bất ngờ
Tiền duyên nghiệp chướng khổ cơ ngạ hàn.([3])
Nhờ các con biết lo tu hành và cầu nguyện nên tiền bối Lý Vạn Dũ được hưởng ân đại xá, thoát cảnh khổ sầu nơi địa ngục và được trở về cõi trần hàn huyên cùng con cái:
Con tu cha đặng ngao du
Con thành cha đặng thoát cù lộn quanh.([4])
Nhờ con chí khí tu hành
Ra công phổ cứu cầu danh cha về.
(...) nhờ lòng tu đức của các con nên cha mới đặng linh hồn thong thả hầu nương cửa thiền ôn dưỡng tâm linh chờ ngày lãnh bảng Tiên ban. Nhờ con cùng rể giúp cha, ấy gọi đền ơn dưỡng dục đó vậy. Nay cha mới biết là con tu cứu cửu huyền thất tổ đặng tiêu diêu. Ấy cũng nhờ Kỳ Ba đại xá.
(…)
Cùng CHÁNH,([5]) con tạm làm bài vị của cha để nơi tiền giác Thanh Tịnh này cho cha mộ triêu ([6]) hầu nghe kinh mau siêu thoát, vì nơi gia bất tịnh, khó nổi cho linh hồn hoạt bát kệ kinh. Con khá hiểu mà giúp cha. Ấy là con trả hiếu cho phụ thân, là rể thảo đó vậy.
Chơn linh tiền bối Lý Vạn Dũ về sau chẳng những lìa khỏi u đồ mà còn thoát cảnh luân hồi sanh tử nơi thế gian và đắc vị Phước Đức Chơn Thánh. Ấy nhờ con cháu biết tu và đứng vào hàng Thiên ân sứ mạng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
2. LÊ VĂN MỄ
Tiền căn là một vị sơn thần nhưng vì không chu toàn trách nhiệm nên ngài bị đầu thai trở lại làm người trong ba kiếp. Ở kiếp thứ ba, Lê tiền bối hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và thọ phẩm Giáo Hữu (đặc trách ngoại giao). Tuy nhiên do phạm lỗi, tiền bối phải chịu đầu thai làm kiếp thú.
Sau ngày tiền bối thoát xác, gia đình và đạo hữu thường cầu xin Ơn Trên cho biết tin về người quá cố. Mãi đến mười lăm năm sau, tiền bối mới được Đức Lý Giáo Tông cho về trần gian kể lại câu chuyện luân hồi quả báo trên ngọn linh cơ tại Vĩnh Nguyên Tự (xã Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Long An) vào ngày 02-12 Tân Sửu (07-01-1962):
LÊ VĂN MỄ
Ngu đệ xin nghiêng mình chào chư Thiên mạng. Chào liệt vị nam nữ đàn trung. Mừng nhục tử, nhục tôn. Ngu đệ xin mời chư Thiên mạng cùng liệt vị đồng an tọa để ngu đệ có đôi lời phân giải.
Rất hữu phước thay khi buổi sanh tiền, ngu đệ đã được chen mình vào cửa Đạo. Tuy bước tu hành vẫn còn xiển bạc, nhưng nhờ thời kỳ hạ nguơn ân xá, nên ngu đệ mới được phần ân huệ của Chí Tôn ban bố.
Với tấm lòng vẫn khăng khăng vì Đạo, gặp phải thời kỳ Đại Đạo rẽ chia, cơ đại đồng khai diễn, ngu đệ làm Giáo Hữu ngoại giao, dầu quyền phong nhưng đã trọn tâm vì Đạo, nên được phần chứng chiếu của Thiêng Liêng. Ôi! Bởi tiền khiên nhân quả, nên hậu kiếp phải đền bồi. Khóc ...
Hôm nay mà ngu đệ còn trở lại chốn đền vàng bạn ngọc nầy thì làm sao khỏi tủi mừng rơi lệ. Vậy chư Thiên mạng cùng thân bằng nghe đôi lời trong khi quá vãng.
BÀI
Mười lăm năm cách xa trần thế,
Nghĩ phận mình tội lệ đa mang,
Hổ vì khi ở thế gian,
Đường tu xiển bạc lỡ làng công phu.
Bởi tiền kiếp vụng tu gây tạo,
Nên hậu lai trả báo cho rồi,
Người đời xem thấy than ôi,
Nhưng khi hiểu lại thì rồi nghiệp oan.
Đệ phúc sanh vào hàng đạo đức,
Tiền căn xưa lãnh chức Sơn Thần,
Cũng vì trễ biếng phân vân,
Thác sanh cõi tạm hồng trần gian nan.
Trải hai kiếp chịu đàng nhơn quả,
Vì sân si tai họa tạo nên,
Đành rằng bản án đề tên,
Chuyển về dương thế chịu đền tội xưa.
Nay tính lại đã vừa ba kiếp,
Ngoài trăm năm gặp dịp xá ân,
Sanh vào bên cội đức nhân,
Đường tu sẵn có đỡ đần hồn linh.
Nay đệ đem tiền trình thuật lại,
Cho tỷ huynh phải trái nghe rành,
Luật Trời chẳng đặng cải canh,
Luân hồi quả báo không dành cho ai.
Sống lo tạo gia tài sản nghiệp,
Vùi tấm thân trong kiếp nắng mưa,
Cháy da dưới bóng trời trưa,
Thê thằng tử phược ([7]) bây giờ trối trăn.
Cảnh phú quý cơ bần lộn lạo,
Từ nguyên nhân trở tráo hóa nhân,([8])
Hễ mình gieo giống nợ nần,
Thì mình phải chịu đường trần trả vay.
(…)
Nay đệ được thoát vòng lao lý,
Nhờ Thiên Tòa ngọc chỉ thứ tha,
Thứ tư lên chốn trần la,
Độ đời cứu thế chứng tòa kim liên.([9])
Ai cũng có căn nguyên bổn giác,
Hễ giống người thì khác thú chim,
Bởi không thức tỉnh kiếm tìm,
Kiếp người phải chịu đắm chìm biển sâu.
Người chẳng biết quày đầu hướng thiện,
Coi luân hồi là chuyện vu vơ,
Trái oan gây tạo một giờ,
Từ người đến thú ai ngờ được chăng?
(...)
Đệ nhắc đến càng nhiều tủi hận,
Mười lăm năm còn bận đệ huynh,([10])
Chuyện rồi một kiếp phù sinh,
Tội mình mình gánh, khổ mình ai hay.
Nếu trước chẳng học bài đạo đức,
Bóng Từ Bi ([11]) giúp sức chở che,
Dễ chi tỉa đậu ra mè,
Làm sao mong thoát ê hề ngục môn.
Đó, đệ luận sanh tồn nhân quả,
Chư tỷ huynh biết ngả luân hồi,
Nhìn trong thân tộc thương ôi,
Xin cho đệ tỏ vài lời gọi kêu.
3. PHAN VĂN THANH (1890-1950)
Tiền bối hành đạo tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (đường Nguyễn Khoái, quận 4). Vì trót phạm lỗi lầm nên sau khi thoát xác tiền bối phải chịu đầu thai làm quái nhân trong sáu năm để đền tội xưa.
May được bá tánh xót thương bố thí nên trong sáu năm làm quái nhân, tiền bối đã giúp song thân thoát cảnh cơ hàn và xây chùa làm nơi lánh đục tầm trong. Nhờ công quả trợ giúp mẹ cha trong việc xây dựng sự nghiệp đạo đức này, tiền bối trả xong nợ tiền khiên, mãn kiếp được trở về cung Thái Ất tịnh luyện trong chín năm, đắc vị Hiển Thế Đạo Nhơn.
Tiền bối giáng cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 10-5 Ất Tỵ (09-6-1965) kể lại ngọn ngành như sau:
Xin tường thuật đoạn đường tu niệm,
Mười lăm năm luân chuyển bao lần,
Đến năm Đinh Dậu tân xuân,
Thiên ân đại xá non thần luyện đơn.
Đã trả xong nghiệp trần oan trái,
Lịnh Tam Tòa cho lại đàn cơ,
Phướn thần đưa đón chực chờ,
Cùng chư huynh đệ một giờ tỏ phân.
Đêm thanh vắng tố trần ([12]) mọi nỗi,
Hỡi đệ huynh phước tội soi gương,
Từ khi sanh cõi trần dương,
Phúc hồng gặp Đạo thoát đường trần ai.
Mấy mươi năm trả vay vay trả,
Một cuộc đời vất vả lăn thân,
Hy sinh vì Đạo vô ngần,
Chẳng quên chút phận ân cần sớm trưa.
Vì cảnh ngộ đẩy đưa tình thế,
Vì lòng phàm còn để lấn chen,
Lỡ lầm thói cũ đã quen,
Vương mang lấy tội, ăn năn muộn màng.
Khi thoát khỏi trần gian tục lụy,
Công quả kia đắc chỉ Thiên Cung,
Tội làm âu phải đền xong,
Sáu năm trở lại trần hồng hóa sanh.
Thoát thai bào biến thành quái tướng,
Để cho đời lầm tưởng dị nhân,
Song thân trong cảnh cơ bần,
Cũng nhơn lấy hội tìm phần dưỡng nuôi.([13])
Lòng mẹ cha chán rồi thế tục,
Quyết lập chùa tránh đục tầm trong,
Sáu năm quái tướng trần hồng,
Gầy nên sự nghiệp cho dòng mẹ cha.
Mãn kiếp được thoát ra khỏi xác,
Trở về nơi cực lạc Linh Tiêu,
Thiên Tôn Thái Ất dắt dìu,
Tam Kỳ ân xá tránh điều trầm luân.
Chín ngày chốn non thần luyện đạo,
Là chín năm tu tạo nơi trần,
May thay đầy đủ chơn thân,
Mới hay kết tụ nguơn thần anh linh.
Nay giáng thế tường trình mọi nỗi,
Hỡi đệ huynh sớm tối lo lường,
Vô tư thiên địa chiêu chương,([14])
Thần minh thời sát ([15]) không phương thoát nàn.
Nghĩ đến cuộc trần gian thế sự,
Nhớ những điều lành dữ mà kinh,
Hỡi ôi thế thái nhơn tình,
Suy ra mình gẫm phận mình mà đau.
Bởi vì nghiệp tự trau tự chuốc,
Bởi quên đường về được quê xưa,
Đến nay chợt tỉnh cũng vừa,
Trách chi lòng tục ngăn ngừa lỗi ta.
Gương Tệ Huynh bày ra trước đó,
Để đệ huynh xem rõ mà làm,
Nghiệp trần thôi chớ vương mang,
Tội trần thôi chớ lấp đàng tồn sinh.
4. HOÀNG ĐÌNH LẬP
Anh Lập nguyên là thành viên tập thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý, sau khi từ trần (1968) đã được chuyển kiếp trở lại làm người. Trước khi đi đầu thai, anh được Ơn Trên ban đặc ân cho về trần gian bày tỏ cùng gia đình và các đạo hữu trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ngày 08-8 Mậu Thân (29-9-1968):
LINH QUANG THỔ ĐỊA
Bản Thần chào chư Thiên mạng, chư chức việc nội ngoại và đạo hữu đàn tiền .
Vâng lịnh Đô Thống Quản Địa Thần, Bản Thần hôm nay đến tiếp rước Nam Phương Thổ Địa Thần Kỳ dẫn vong hồn Hoàng Đình Lập về thăm viếng và từ giã thân bằng quyến thuộc trước khi đi đầu thai chuyển kiếp. (…)
Nam Phương Thổ Địa vừa qua đến Ngọ môn đang chờ kia. Thôi, Địa xin chào chung chư liệt vị đằng vân tuần du. Xin kiếu.
TIẾP ĐIỂN
HOÀNG ĐÌNH LẬP
(…) Lập cùng với nhiều vong hồn khác được đầu thai chuyển kiếp, nhưng Lập được đặc ân hơn các vong hồn khác là nhờ có tiền thân phụ Đô Thống Quản Địa Thần ([16]) tấu trình xin cho Lập được phép ghé lại đây hội kiến và nói một ít lời cuối cùng trước khi chuyển kiếp.
Tiểu sinh xin phép quý vị cho tiểu sinh ít thì giờ để hàn huyên cùng gia quyến. Vì thì giờ chẳng có bao nhiêu trong lúc đó còn bao nhiêu vong linh khác ở ngoài cửa đợi chờ.
(…) Lập hằng mong ước, kiếp này đã lỡ rồi, mười lăm năm sau sẽ là một giáo sĩ lành mạnh.
Sau đây Lập để lời cùng các anh chị em thanh thiếu niên Phổ Thông Giáo Lý.
(…) Các bạn nên hiểu như vầy: Bất cứ một cái nhân nào đương nhiên sẽ kết quả đó. Trong cõi thiêng liêng hư vô bất muội, người nào có những tư tưởng nào trong phạm vi nào và sống trong đời sống nội tâm nào, khi hồn lìa khỏi xác sẽ về hợp và sống trong bầu vị bản chất của nó. Nhờ vậy mà người có thiện tâm muốn tu để giải thoát nghiệp duyên hồng trần chắc chắn sẽ được như ý nguyện.
Nói một cách khác, tuy trong cõi hư linh có muôn triệu triệu thế giới, có không biết bao nhiêu những chòm những nhóm mà nơi sách Thần Linh Học hay Thông Thiên Học gọi là khóm hồn. Mỗi khóm đều có mỗi trình độ tiến hóa cao thấp khác nhau, loại nào tự nó sẽ tìm và quy tụ về loại ấy. Vì vậy các đạo kinh luôn luôn dạy khuyên người đời hãy cố gắng lo gây tạo những nhân lành, đừng vọng động những kết quả mà sẽ kết quả không sai chạy một mảy hào.
(…) Tiểu sinh xin chào tạm biệt quý liệt vị, vì Nam Phương Thổ Địa Thần Kỳ hối thúc, các vong linh sửa soạn lên đường.
5. TRƯƠNG THÀNH THIỆN (1945-1972)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống tu hành theo tân pháp Cao Đài, anh Thiện ([17]) tạ thế năm hai mươi tám tuổi. Mặc dù lúc sống chưa lập được công trạng với Đạo nhưng nhờ ân phước của nội tổ cùng phụ mẫu đã dày dạn công tu và đắc quả vị nên anh không bị luân hồi chuyển kiếp mà được rước về non thần tu học. Trong thời gian tám mươi mốt ngày (cửu cửu), chơn linh anh Thiện còn được đưa về Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân, quận 4) vào giờ Ngọ ngày 30-5 Nhâm Tý (10-7-1972) để tường thuật sự tình lúc lâm chung cùng những việc xảy ra sau đó.
MINH ĐỨC KIM TIÊN (THIÊN HUYỀN MINH)
(…) Anh đôi lời truyền lại, giờ linh chuyển ngọn linh cơ thay Nguyệt Đức Kim Tiên đang ngự bồ đoàn tịnh dưỡng, đưa chơn linh hồi trần trong cửu cửu nơi cõi vô hình tu học.
Kiếp sống tạm của con người cần phải lập công bồi đức, trả nghiệp oan khiên để lúc hồn rời khỏi xác được phản hồi non bồng tự tại.
Vậy các em sắp được hưởng thời thượng nguơn thánh đức, hãy lo lập công bồi đức hầu hưởng ngôi vị. Đó là Kỳ Ba ân xá. Nếu không thế thì đâu được đoạt vị dễ dàng.
Nay chuyển ngọn cơ đôi lời lưu lại, chư Thiên mạng cùng các em hiện còn xác thân hãy lo lập đức kỳ công, đến ngày chung cuộc mới đặng non bồng cựu vị.
Vậy Thiên mạng cùng các em tịnh tâm tiếp hộ chơn linh. Anh điển hồi Tiên cảnh.
TIẾP ĐIỂN
(…) THIỆN. Tôi chào mừng Thiên mạng, anh chị đàn trung. Con mừng ba cùng chị em an tọa. Con xin phép đôi lời tường thuật một giấc ngủ ngàn thu của đời người hai tám (28), cũng là một chuyển kiếp hồi trần để làm tròn phận sự đối với ngọn rau tấc đất. Riêng ơn sanh thành dưỡng dục con chưa trọn phần đền đáp. Tử thần đưa con vào cõi vô hình, sự phán xét vô hình, con được hưởng luật ân xá. Giờ đây con thuật lại cho ba tường tự sự. Đây không phải con làm cho ba cùng anh chị cô bác phải động lòng cảm xúc.
Trước khi anh Thiện lìa trần, trên đường thi hành công vụ của người trai thời chinh chiến, anh đã được Đức Nguyệt Đức Kim Tiên ([18]) báo mộng cho biết mạng căn đã hết và khi hồn anh vừa lìa khỏi xác thì liền nhìn thấy Đức Nguyệt Đức Kim Tiên cùng một thơ đồng cầm phướn lịnh chờ sẵn để rước anh về cõi không. Anh Thiện kể:
Đầu cúi lạy cha già ba lạy,
Để cư tang con mãi ghi lòng,
Con đà trở lại huờn không,
Tỏ bày đôi đoạn chơn đồng truyền qua.
Ngày sơ lục ([19]) con đà vận chuyển,
Đoàn công-voa ([20]) trực tiến cao nguyên,
Kon Tum đoàn tụ dây chuyền,
Phần con tiếp liệu chở chuyên vận hành.
Vừa đến nơi hoàn thành hồi phục,
Vì con đường chận khuất khó ra,
Dừng chân ở lại đó mà,
Đêm khuya mơ giấc mộng mà như đây.
Bác Huỳnh Đức lời này truyền lại,
Vì mạng căn nên phải cam đành,
Giã từ phưởng phất đêm thanh,
Rồi sau trở lại ngọn ngành phân qua.
Khi hồi tỉnh rõ ra giấc mộng,
Thời bên ngoài tợ sóng dập vào,
Tùy theo còi lịnh biết sao,
Mọi người đều phải nhập vào hầm nương.
Từ nửa đêm thường thường liên tiếp,
Tiếng thần công khủng khiếp lòng quân,
Bao nhiêu tiếng dội không ngừng,
Tinh thần rối loạn tưng bừng trước sau.
Đến sáu giờ đổ vào thác lũ,
Thấy hết rồi chỗ trú ẩn nương,
Giờ đây đến lúc đoạn trường,
Rơi vào một quả biết lường nơi ai!
Bị đứt đoạn lìa tay phía hữu,
Phần nhục thân khó cứu lại nguyên,
Ngũ tạng bị lủng đâm xuyên,
Hồn rời khỏi xác sẵn liền bác Năm.
Đã chực sẵn tay cầm phướn lịnh,
Hình ba màu ([21]) tề chỉnh nghiêm phong,
Cạnh bên có một thơ đồng,
Phất qua diêu lại cõi không rước về.
Nhìn bốn phía tư bề lặng lẽ,
Vừa bước vào cầm thẻ xưng danh,
Tay nương tịnh thủy dương nhành,
Rải vào linh điển phục sanh thể hình.
Lúc này, anh Thiện được gặp lại bà nội (đắc vị Hồng Cúc Tiên Nương) và mẹ (đắc vị Thanh Lan Tiên Nữ).
Kìa ửng lộ chơn hình nội tổ,
Cùng mẫu thân mạng số phân qua,
Phủi rồi một kiếp trần mà,
Trở về không cảnh vào ra non bồng.
Anh Thiện được mẹ dẫn hồn trở về nhà riêng để báo tin cho cha. Do đó, đúng vào ngày anh mất, trong giấc ngủ trưa, tiền bối Kiến Minh nằm mơ thấy một phụ nữ đưa một cậu con trai đến nhà. Tiền bối nói: “Tôi nhớ dường như tôi còn thiếu nợ bà một số tiền. Để tôi gởi trả bà.”
Người phụ nữ khoát tay: “Không, không! Đã không còn nợ nần gì nữa.”
Liền lúc ấy, tiền bối choàng tỉnh mộng vì chuông điện thoại chợt đổ liên hồi. Ấy là cú điện thoại báo tin anh Thiện tử trận. Tiền bối chỉ hiểu được ý nghĩa của giấc mơ sau khi anh Thiện giải thích trong đàn cơ:
Này hỡi ba giờ thanh gặp gỡ,
Xuất hồn chơn vận trở về gia,
Mẫu thân cùng trẻ đó mà,
Giấc mơ không rõ ấy là báo tin.
Anh Thiện được đặc ân hy hữu trở về hàn huyên cùng gia đình, nhờ hưởng công quả của cha. Số là trong lúc tang gia bối rối, lại nhận được thánh sắc đi hành đạo tại đồng bằng sông Cửu Long, tiền bối Kiến Minh vẫn tuân hành thánh lệnh, cam lòng để việc hậu sự cho con trai qua một bên mà dốc tâm lo tròn việc đạo:
Tưởng đâu thế từ nay quạnh quẽ,
Nào hay đâu đặng vẽ ngọn cơ,
Đó nhờ trong lúc ban sơ,
Phụ tình ly biệt tơ mơ giấc nồng.
Thọ lịnh sắc cõi lòng tan nát,
Nhưng vững vàng phú thác ân Thiên,
Nhờ đây ân huệ hưởng liền,
Cúi đầu lạy tạ trần miền ân cha.
Là một thanh niên Việt gốc Hoa, sinh thời anh Thiện có người yêu tên Huệ. Chị rất chung tình, thường ra mộ thăm anh, cúng trái cây. Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân, quận Tư), vào giờ Ngọ ngày 29-3 Giáp Dần (21-4-1974), anh Thiện giáng cơ khuyên chị Huệ hãy vui sống, tìm hạnh phúc mới. Hai câu thơ anh nhắn nhủ “người ngọc” thật đẹp, dùng điển cố Phụng cầu hoàng ([22]) rất ý nhị:
Phím đã tróc, hoàng cầu khó khảy,
Thay phím vào hầu khảy bản sau…
Bài thơ lãng mạn chơn linh anh Thiện gởi chị Huệ như sau:
Đây một đoạn gởi qua người ngọc,
Cảm tình xưa hình vóc còn đây,
Biết rằng đờn sẽ đứt dây,
Nên chưa khảy đặng bản này du dương.
Kẻ vô ảnh ai tường cho đặng,
Người hữu hình lòng chẳng vơi lòng,
Hồn linh phiêu tựa cõi không,
Nhìn xem hình thể cõi lòng tả tơi.
HUỆ, em tường những lời tiên liệu,
Đã hiện ra nặng trĩu lòng ai,
Phất phơ vóc liễu hằng ngày,
Chiều mơ bóng nhạn viếng rày mộ hoang.
Nhìn khói tỏa hương tàn khói nhạt,
Ngày qua ngày thắm thoát thoi đưa,
Một trái cây, nửa miếng dưa,
Chết lòng người sống sớm trưa âu sầu.
Phím đã tróc, hoàng cầu khó khảy,
Thay phím vào hầu khảy bản sau,([23])
Vô hình vô ảnh lời trao,
Giờ đây nhắc lại vết đau ai mà.
Qua ngày tháng, trôi qua nào trở,([24])
Đã qua rồi mối nợ không khiên,([25])
Xác thân đáy mộ nằm yên,
Linh hồn trở lại non Tiên luyện thần.
Trong giấc mơ đôi lần hội ngộ,([26])
Ấy mộng hồn là chỗ cõi không,
Giờ đây nương bút điển đồng,([27])
Phân qua đôi đoạn mộng lòng vỡ tan.
6. LÝ THỊ MỸ (1908-1971)
Đạo tỷ thánh danh là Thanh Lan, hành đạo tại Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt. Sau khi thoát xác, đạo tỷ trở về non tiên luyện thần, đủ tám mươi mốt ngày (cửu cửu) thì đắc vị Thanh Lan Tiên Nữ chiếu theo thánh sắc của Đức Vô Cực Từ Tôn do Linh Sơn Thánh Mẫu tuyên đọc tại Huờn Cung Đàn, vào giờ Ngọ ngày 29-01 Nhâm Tý (14-3-1972):
Thọ lịnh Mẫu Hoàng đọc chiếu phê,
THANH LAN TIÊN NỮ chánh danh đề,
Luyện thần bát nhứt (81) vào ngôi vị,
Sắc tứ truyền ban ngọc bút đề.
Trong ngày thọ phong thánh sắc chứng đạo, Đức Thanh Lan Tiên Nữ giáng cơ thuật lại cuộc hành trình về cõi hư linh: Trong năm ngày (ngũ nhựt) hôn mê trên giường bệnh, hồn đạo tỷ di chuyển khắp âm cung, đến điểm cuối cùng là Nghiệt Cảnh Đài. Tại đấy, toàn bộ những gì con người gây tạo nơi trần thế đều được chiếu lại rõ nét như những thước phim, đương sự không thể nào chối cãi. Sau đó có sắc lịnh Diêu Trì Cung rước hồn đạo tỷ nhập Thiên môn, vào cung Thái Ất tịnh luyện chờ ngày thọ sắc phong.
Giờ nhắc lại trước ngày rời xác,
Kiếp vô thường dời dạt âm cung,
Ngũ nhựt di chuyển khắp cùng,
Đến qua điểm chót tâm trung Cảnh Đài.
Nhìn trước án ai hoài chiếu ánh,
Chiếu hào quang lóng lánh lạ thường,
Kim Tiên ([28]) ngự trước án đường,
Một bên Hồng Cúc Tiên Nương ([29]) điệp cầm.
Sắc Diêu Trì tương lâm ([30]) đại điện,
Rước hồn linh di chuyển Thiên môn,
Nhập vào Thái Ất cung môn,
Nhìn cờ Tam Giáo ([31]) chơn hồn hồi quy.
Theo lịnh sắc vân phi thượng đảnh,
Nhập điển thiêng thọ lãnh chơn thân,
Dưỡng nuôi chơn khí tịnh thần,
Điển quang chói sáng nơi trần rọi soi.
Trong lần giáng đàn trước đó tại Huờn Cung Đàn, vào giờ Ngọ ngày 30-11 Tân Hợi (15-01-1972), Đức Thanh Lan Tiên Nữ xác nhận rằng kết quả tốt đẹp ấy một phần cũng nhờ ở công đức tu hành của thân nhân cùng sự thành tâm nguyện cầu của con cháu:
“Như tôi giờ này được phục hồi là nhờ Tiên Nương ([32]) phụng tấu, cùng chư tử tế ([33]) nguyện cầu và hiền huynh ([34]) lập công tại thế, đã cứu vãn nên chơn hồn được hồi phục non thần tịnh luyện chờ ngày phục vị.”
7. HUỲNH CHƠN (1904-1973)
Cũng có trường hợp xác thân còn sống nơi trần nhưng linh hồn đã vân phi cõi thượng. Đây là một ân sủng hết sức hy hữu dành riêng cho bậc Thiên ân sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ.
Tiền bối Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam) lâm trọng bệnh. Trong quá trình điều trị bác sĩ đã dùng vài loại thuốc không phù hợp với người trường trai.
Sợ nguơn thần vướng vòng ô trược, tiền bối cầu nguyện Thiêng Liêng để được hồi quy. Động lòng từ bi thương xót đệ tử, Đức Tôn Sư (Đông Phương Lão Tổ) bắt hồn một con dã nhân cho nhập xác tiền bối, chịu thay tiền bối trả nghiệp thân. Kiếp sau nhờ công ấy dã nhân “sẽ được lộc cao hưởng nhờ”.
Hồn tiền bối tuy được “chín trùng thượng thăng”, nhưng vẫn còn mối dây liên hệ với phần nhục thể nên mỗi khi thân xác tại thế gian chịu phần trọng trược thì hồn tiền bối tu trong thạch thất cũng vì thần giao cách cảm (telepathy) mà ảnh hưởng. Giống y chuyện Dự Nhượng đả long bào trong truyện Đông Chu Liệt Quốc.([35])
Trong lần giáng cơ đầu tiên sau ngày quy thiên, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, vào giờ Tuất ngày 15-6 Quý Sửu (14-7-1973), tiền bối kể lại như sau:
. . . Thương thay con thảo vợ hiền,
Đau chưn hả miệng mới yên tấc lòng.
Sợ nguơn thần vướng vòng ô trược,
Đêm đêm cầu cho được hồi quy,
Nỗi lòng trời đất chứng tri,
Tôn Sư mở lượng từ bi hải hà.
Bắt dã nhơn cho hòa thể phách,
Dụng thần thông trọng trách phó giao,
Thay vào trả nghiệp khổ đau,
Mãn căn sẽ được lộc cao hưởng nhờ.
Đêm hai bảy (27) đúng giờ duyên khởi,
Tiết đông thiên Tân Hợi lạnh lùng,
Chơn hồn phiêu phưởng thung dung,
Nương theo tay áo chín trùng thượng thăng.
Vào thạch thất ngồi an tu luyện,
Chờ mãn căn xuất hiện huyền công,
Tuy hồn lìa cõi trần hồng,
Nhưng còn ảnh hưởng trong vòng nhục thân.
Cứ mỗi lúc chịu phần trọng trược,
Là mỗi lần thạch thất cảm giao,
Nhớ xưa Nhượng đả long bào,
Chỉ trong chiếc áo đớn đau nhiều bề.
Nhờ huynh đệ cận kề đưa tiễn,
Hàng Thiên ân lực điển trùng trùng,
Trợ duyên trước lúc lâm chung,
Độ an thể phách phá vùng hắc quang.
*
Qua các câu chuyện trên đây, có thể rút ra ba điều sau:
- Luật Thiên điều thưởng phạt vô cùng nghiêm nhặt. Mọi việc làm tốt xấu của con người nơi thế gian sẽ quyết định bước hành trình của linh hồn nơi cõi hư vô. Do đó, Đức Thanh Lan Tiên Nữ khuyên người cõi thế:
Tránh tội ác gian tà tâm tục,
Gần thiện từ cội phúc nguồn tu,
Nhứt nhựt hành ác tội dư,
Chung thân hành thiện có dư đâu nào.
Luật để tránh, chớ vào lưới luật,
Nếu chẳng tuân phẩm bực không còn,
Sống trần thể xác dường non,
Án che màn ảnh mỏi mòn điểm linh.
Rời khỏi xác cực hình nhiều nỗi,
Lúc tội tình sám hối muộn màng,
Xác thân còn ở thế gian,
Gắng lo hành thiện thiên đàng hồi quy.([36])
- Việc tu học và hành đạo của thân nhân còn ở thế gian cũng như điển lực cầu nguyện của các đạo hữu có một ảnh hưởng rất lớn hộ trợ chơn linh người quá vãng thăng tiến nơi cõi hư linh.
- Đừng vì tình yêu thương theo lẽ thường tình, muốn kéo dài sự sống của phần nhục thể mà phá hủy công trình trì trai giới sát của người tu, khiến cho chơn linh người quá vãng phải chịu nặng nề ô trược.
DIỆU NGUYÊN
-----------------------------------
([1]) Là cha của đạo tỷ Lý Thị Mỹ (quả vị Thanh Lan Tiên Nữ).
([2]) Ai hoài 哀 懷 : Buồn nhớ não nuột.
([3]) Cơ 飢 : Đói. Ngạ 餓 : Rất đói. Hàn 寒: Lạnh lẽo.
([4]) Thoát cù lộn quanh: Thoát khỏi cảnh luân hồi chuyển kiếp.
([5]) Là con rể, tức đạo trưởng Trương Truyền Chánh (1907-1988), thánh danh Kiến Minh), quả vị Đắc Tâm Chơn Thánh.
([6]) Mộ 暮 : Buổi chiều. Triêu 朝 : Buổi sớm.
([7]) Thê thằng tử phược 妻 繩 子 縛 : Vợ con trói buộc.
([8]) Từ cõi thượng giới đi xuống trần gian (nguyên nhân), vì phạm lỗi nên đầu thai làm thú, rồi từ thú tiến hóa lên làm người (hóa nhân).
([9]) Tòa kim liên: Tòa sen vàng làm chỗ ngồi của các Đấng thiêng liêng.
([10]) Còn làm bận lòng anh em đạo hữu lo lắng vì không biết tin tức tiền bối Lê Văn Mễ sau khi tạ thế.
([11]) Bóng Từ Bi: Đức Chí Tôn.
([12]) Tố trần: Trần tố 陳 訴, bộc bạch, kể rõ nỗi oan khiên.
([13]) Cha mẹ đưa người con dị dạng quái tướng đi “trình diễn” để xin tiền bá tánh.
([14]) Vô tư thiên địa chiêu chương 無 私 天 地 昭 彰 : Trời đất vô tư (không thiên vị, công bằng), sáng rỡ (chiêu chương).
([15]) Thần minh 神 明: Các vị thần thánh. Thần minh thời sát 神 明 時 察: Các vị thần thánh mỗi thời khắc đều xem xét tội phúc con người.
([16]) Sinh thời là tiền bối Hoàng Ngọc Tạo (thánh danh Hồng Phước), làm Minh Tra tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, quy thiên năm 1966.
([17]) Con trai tiền bối Trương Truyền Chánh (thánh danh Kiến Minh). Đạo trưởng Kiến Minh là pháp đàn bộ phận thông công (Hiệp Thiên Đài) của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt và về sau là Phó Tổng Lý Minh Đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Diệu Nguyên gọi Trương Thành Thiện là cậu Chín.
([18]) Sinh thời là tiền bối Phan Khắc Sửu (1905-1970), thánh danh Huỳnh Đức, là người thân quen với gia đình nên anh Thiện thường gọi là bác Huỳnh Đức hay bác Năm.
([19]) Mùng 6 âm lịch.
([20]) Convoi: (Tiếng Pháp) đoàn xe nhiều chiếc nối nhau chạy.
([21]) Phướn Tam Thanh có ba màu tượng trưng cho Tam Giáo, kể từ trên xuống là vàng (Phật), xanh (Tiên), đỏ (Nho).
([22]) Phụng (phượng) là con trống, con mái gọi là hoàng. Phụng cầu hoàng là con chim trống đi tìm con chim mái để kết bạn. Tích xưa kể rằng Tư Mã Tương Như 司 馬 相 如 (179-127 trước Công Nguyên), tự Tràng Khanh 長 卿, người ở Thành Đô, đời Hán (Trung Quốc) văn hay, đàn giỏi. Khi đến chơi nhà viên ngoại họ Trác, đã đàn bài Phụng cầu hoàng 鳳 求 凰. Con gái viên ngoại là Trác Văn Quân 卓 文 君 , trẻ tuổi góa chồng, dọn về ở với cha. Nghe bản đàn tình tứ ấy nàng liền bỏ nhà cuốn gói trốn theo Tư Mã.
([23]) Ngụ ý khuyên chị Huệ hãy tìm hạnh phúc mới.
([24]) Trôi qua nào trở: Ngày tháng trôi qua nào có thể quay trở lại.
([25]) Khiên 牽 là lôi kéo. Tiền khiên 前 牽 là những nợ nần trong các kiếp trước, sang kiếp này chúng lôi kéo người mắc nợ đòi phải trả. Đã qua rồi mối nợ không khiên: Ngụ ý nói rằng anh Thiện và chị Huệ không còn mắc nợ nhau nữa, vì thế cả hai chẳng bị ràng buộc bởi duyên nợ vợ chồng.
([26]) Chị Huệ vài lần nằm mộng thấy anh Thiện về thăm.
([27]) Đồng: Đồng tử thủ ngọc cơ.
([28]) Đức Nguyệt Đức Kim Tiên (thế danh Phan Khắc Sửu, 1905-1970).
([29]) Sinh thời là đạo tỷ Ngô Thị Có (1889-1959) và là mẹ chồng đạo tỷ Thanh Lan (Lý Thị Mỹ).
([30]) Tương lâm 將 臨 : Sắp đến.
([31]) Cờ Tam Giáo: Cờ Tam Thanh, từ trên xuống có ba màu vàng (Phật), xanh (Tiên), đỏ (Nho).
([32]) Đức Hồng Cúc Tiên Nương.
([33]) Chư tử tế 諸 子 婿 : Các con và rể.
([34]) Là chồng (Trương Truyền Chánh, thánh danh Kiến Minh).
([35]) Dự Nhượng người nước Tần, theo phò Trí Bá được Bá rất yêu quý, tôn trọng. Sau khi Triệu Tương Tử giết Trí Bá, Dự Nhượng nói: “Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ. Ta phải liều chết báo thù đền ơn.” Nhượng đổi họ thay tên, lẻn vào cung để đâm Tương Tử nhưng việc bại lộ. Tương Tử thương kẻ trung nghĩa, tha chết. Dự Nhượng lại giả làm người cùi, câm, không ai nhận ra tông tích. Nhượng nấp ở gầm cầu Tương Tử sắp đi qua, định ám sát. Con ngựa Tương Tử cỡi bỗng hí lên sợ hãi. Tương Tử sai người đi lùng bắt được Nhượng. Tương Tử trách: “Sao ngươi lại muốn báo thù đến như vậy?” Nhượng đáp: “Trí Bá xem tôi như người quốc sĩ, tôi phải báo thù theo lối quốc sĩ.” Tương Tử ngậm ngùi khóc: “Ta tha cho nhà ngươi thế cũng đã đủ rồi. Ta không tha cho nhà ngươi nữa.” Nhượng nói: “Tôi xin chịu chết, nhưng xin cho tôi cái áo của ngài để tôi thỏa chí báo thù.” Tương Tử khen có nghĩa, cổi áo đưa cho Nhượng. Nhượng cầm gươm đánh vào áo ba lần, rồi trở ngược lưỡi gươm tự sát. Tương Tử xem lại long bào thì thấy những nơi bị Nhượng đánh đều rướm máu, là do lòng chí thành của Nhượng cảm ứng mà ra. Tương Tử rất hoảng sợ, sau đó ngả bệnh.
([36]) Huờn Cung Đàn, 29-01 Nhâm Tý (14-3-1972).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét