Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN


Thích Nữ Giác Liên
2635: Phật lịch 2555; dương lịch: 2011



Đã bao lần tôi về Ấn Độ và Nepal để dự lễ Phật đản. Năm nay Thánh địa Lumbini (Lâm-Tỳ-Ni) tu

sửa thêm nên thoáng mát, rộng rãi. Buổi lễ diễn ra rất long trọng, hoành tráng, có cả Tổng thống tham dự. Dân chúng kéo đến rất đông, mừng ngày Đấng cứu thế ra đời...!

Tôi có cảm giác vô cùng xúc động khi nhìn trụ đá cảm niệm Đức Phật giáng sinh. Năm 250 trước Tây lịch, Hoàng đế A-dục đã dựng trụ đá ghi rõ: Đây là nơi sinh Đức Phật Thích Ca. Nhà sử học Tây phương nói: Trụ đá này là bản khai sinh của Phật. Còn Hòa thượng Huyền Diệu cho rằng: “Trụ đá là nhân chứng biết nói - vì còn 5 dòng chữ đã khắc trên bia đá”.

Khoảng 8 giờ sáng, nghi lễ bắt đầu, các tôn giáo bạn trú xứ tại Lumbini, Tăng đoàn các nước (Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Sir Lanka, Đài Loan, Pháp, Đức, Áo, Nepal, Ấn Độ giáo, Miến Điện, Nepal, Việt Nam, Campuchia...) đều có mặt. Chư Tăng Ni theo nghi thức riêng của mỗi nước đều tụng kinh. Hòa thượng Huyền Diệu cùng Tăng Ni và Phật tử Việt Nam dâng hương lễ Phật. Nơi thánh địa âm vang lời cầu kinh, hòa lẫn những tiếng trống, chuông, mõ... âm vang hùng hồn, thanh âm êm dịu như ru hồn khách mộng trở về cõi tịnh, phủi sạch nợ trần ai!

Tôi nhìn trụ đá cảm nhớ ơn Đấng Từ phụ muôn đời của nhân loại: Thái tử Sĩ Đạt Ta, dòng Thích Ca oai hùng, quên đời vương giả, bỏ chốn thâm cung, gót son phong trần! 6 năm khổ hạnh rừng sâu! 49 ngày chứng quả tại cội Bồ đề. Đức Phật là người bằng xương, bằng thịt, như người bình thường... mà quá phi thường.

Cuộc đời của Đức Phật từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo, hành đạo và Niết Bàn... đều ở gốc cây. Ngài sinh tại Lumbini dưới tàn cây Hoa Vô ưu. Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề. Khi Phật dạy đạo cho đồ chúng cũng ngồi dưới bóng cây và khi nhập Niết Bàn, hơi thở cuối cùng, Ngài vẫn nằm giữa hai tàn cây Sala song thọ. Sự giáng trần của Ngài hình như có sự sắp đặt thiêng liêng, khoa học khó giải thích được. Chỉ có những tâm linh hòa với tâm linh mới đạt được tâm cảnh này!

Lịch sử ghi rõ, lúc Thái tử Sĩ Đạt Ta rời hoàng cung, trốn ra khỏi thành Ca Tỳ La Vệ cũng vào lúc Công chúa Da Du Đà La sinh Thái tử La Hầu La, nhân dịp đó Ngài bỏ trốn. Nhưng trước khi đi, Ngài muốn nhìn mặt con trẻ lần cuối. Ngài vào phòng thấy Công chúa đang ngủ say, ôm lấy đầu con thơ với tư thế che chở.

Ngài không nhìn mặt con được và Ngài đi đến chuồng ngựa gọi Xa Nặc, Xa Nặc nghe tin Ngài định trốn đi, thưa rằng:

Hỏi: Trời đất nhân gian, mờ mịt quá,

Giờ đây Thái tử định đi đâu?

Đáp: Chính đời mù mịt nên ta phải

Đi để tìm ra ánh đạo mầu.

Hỏi: Ngày mai bao kẻ sầu tang tóc

Ly biệt thưa Ngài lắm khổ đau?

Đáp: Ta sẽ trở về khi thấy đạo

Giải thoát nhân gian vạn khổ sầu.

Và Ngài tiếp: Rộn rã chim muông ríu rít ca

Dường như chào đón Sĩ Đạt Ta

Xa xa lấp lánh dòng sông bạc

Xa Nặc về đi cứ mặc ta.

Và Ngài đến dòng sông Anoma cắt tóc trao đồ cho Xa Nặc. Ôi! Cao cả thay Đức Phật của chúng ta. Cương vị hoàng gia sống trong cung hoàng điện ngọc, vợ đẹp, con xinh, ngôi báu sẵn dành... thế mà ra đi tìm giải thoát, dầm mưa dãi nắng, kham nhẫn mọi cảnh ngộ, mục đích cung hiến trí tuệ cho chúng sanh. Ai đã làm được công hạnh vĩ đại này? Chỉ có đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Khi Phật chứng quả, nói cùng chúng tăng: “Lúc ta còn trẻ là trang nam tử, ta cắt tóc đen, cha mẹ ta phản đối khóc đầy nước mắt, ta cũng nhất quyết xuất gia. Vì ta nhịn ăn quá lâu nên thân thể gầy yếu, ta không còn sức chịu đựng, tay chân ta như lóng tre, xương sống, xương sườn lồi ra cũng như cột của căn nhà đổ nát, đồng tử của ta nằm sâu như cái hố, thăm thẳm lung linh như độ giếng nước sâu. Da đầu ta khô héo, nhăn nheo như trái mướp đắng. Ta sờ vào da bụng và xương sống ta, hai thứ gần như dính lại.”

Nghe lời than của Phật, dù rằng trên trang sử nhưng cũng xót xa tận đáy lòng...! Tôi nước mắt long tròng! Đức Phật hành đạo quá khổ hạnh, mỗi ngày chỉ dùng vài hạt mè nuôi thân. Nhờ bát sữa của nàng Su Già Ta, Ngài có chút năng lực, tìm đến cội Bồ đề tọa thiền! 6 năm khổ hạnh, 49 ngày hành thiền. Tâm như bất động. Trong 49 ngày, Ngài ngồi thiền dưới 7 gốc cây.

Tuần thứ nhất Ngài ngồi tại cội Bồ đề. Tuần thứ 2, Ngài ngồi gần xéo cổng chính, nay làm tháp Animesh Locahn Chaitya. Tuần thứ ba, Ngài ngồi gần cội Bồ đề, có trụ đá và những đóa sen. Lúc ấy, Chư thiên nghi ngờ sự chứng quả của Phật, nên Ngài hiện thần thông, tạo thành ánh sáng rực rỡ và từ đó mọc lên 7 đóa sen. Phật đi kinh hành trên những đóa sen ấy. Tuần thứ tư, Phật an trú dưới gốc cây, nay làm đền thờ Rajagriha. Lúc đó Phật phóng hào quang ngũ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Tuần thứ năm, nơi cổng chính bước xuống cầu thang có trụ đá đánh dấu: Đây là nơi phía Đông Phật thiền định dưới cội cây Bồ đề. Tuần thứ sáu phía Nam Đại tháp, có hồ nước lớn. Lúc ấy Phật tọa thiền trong đêm mưa bão sấm sét, mãng xà vương Mucalinda (Thần Rắn Naga) 7 đầu xuất hiện bảo vệ che mưa cho Phật và tuần thứ bảy Phật hành thiền phía Đông Nam, gần cội Bồ đề không xa, Ngài an trú cội cây Rajayatana và Phật được hai thương buôn người Miến Điện tên là Tapussa (Ba Lợi) và Bhallika (Đề Vị), đến từ Ukkhala cúng dường cháo mạch và bánh mật ong. Đức Phật dùng thực phẩm xong, nhổ tóc tặng hai vị thương buôn ấy, và hai vị xin làm đệ tử Phật. Đó là hai vị đệ tử cư sĩ quy y đầu tiên và khi hai thương nhân về nước, xây tháp bằng vàng thờ tóc Phật. Hiện giờ còn ở Miến Điện gọi là chùa Tháp Vàng.


Đức Phật chứng quả thấy rõ chúng sanh trong sáu đường, quay cuồng trong kiếp luân hồi, bánh xe luân hồi chẳng buông tha ai cả! Nỗi khổ của chúng sanh bị kéo dài vô cùng tận. Đức Phật đã thoát ra, Ngài nói: “Trong dòng sống chết vô tận ta chạy mãi không nghỉ ngơi, từ bào thai này đến bào thai khác đuổi theo người chủ ngôi nhà. Ta phát giác người rồi mái sườn đều sụp đổ. Tâm lìa tạo tác tất cả diệt trừ xong”.

Đức Phật để lại cho chúng ta kho tàng vô giá: Di sản là trí tuệ, Hạnh độ tha, gương nhẫn nhục. Ngài đã hươi gươm huệ, đoạn lìa dây ái...! Cắt đứt lưới tình, chứng quả vô sanh, thế mà còn bị oan gia trái chủ Đề Bà Đạt Đa vô tâm sát hại...! Lúc Phật tọa thiền tại núi Linh Thứu cùng Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, A Nan... Đề Bà Đạt Đa cho hai binh sĩ ám sát Phật. Lệnh truyền: Hai tên lính ấy giết Phật xong phải xuống đường cũ! Hai người lính ấy mang gươm lên núi, khi đến gần Phật, họ hôn mê bất tỉnh hồi lâu, khi tỉnh lại, sám hối Phật và trình bày kế hoạch của Đề Bà Đạt Đa.

Đức Phật an ủi hai người ấy và Phật chỉ đường tắt cho họ xuống núi. Phật khuyên hai binh sĩ đừng theo nghề cũ nữa... Riêng Đề Bà Đạt Đa dù sắp đặt kế hoạch rất chu đáo nhưng cũng bị thất bại. Ông sai binh sĩ khi lên núi giết Phật xong, phải xuống đường cũ và đã có bốn binh sĩ khác chờ giết hai tên lính kia; và bốn người sát nhân cũng phải xuống đường cũ, sẽ bị tám sát nhân khác giết bốn người đó, và tám sát nhân xuống tới chân núi cũng bị 16 người phục kích thanh toán! Âm mưu rùng rợn bị hỏng, hai binh sĩ trước trốn mất, nhờ thế mà những tên sát nhân sau bỏ trốn luôn!

Khi Phật sắp nhập Niết Bàn liền gọi Ngài A Nan đến dặn: “Ta đã già, 80 tuổi, đến hạn kỳ cuối, đời người như cỗ xe cũ chạy nhờ những sợi dây chằng chịt nâng đỡ. Sau khi ta nhập Niết Bàn, các ông hãy lấy chánh pháp làm nơi an trú. Không nên tìm nơi an trú khác.” Lời dạy của Đấng Thế tôn là lời châu ngọc, là ánh đuốc soi đường, cảm ứng hàng trăm triệu người trên thế giới. Giáo pháp của Phật dạy: Duyên sanh, từ bi, trí tuệ, bình đẳng, giải thoát và giác ngộ!

Trong phiên họp ngày 15 tháng 2 năm l999, Hội đồng Liên hiệp quốc đã ý thức ký kết công văn số (A|54| L-59) quyết định hàng năm tổ chức ngày lễ Vesak, vào tháng 5 dương lịch, là ngày trăng tròn để kỷ niệm tưởng nhớ ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của Đấng cứu thế muôn đời của nhân loại.

Bạch Đức Thế tôn, giáo lý của Ngài như mặt trời rực chiếu, xoay vòng không bao giờ tắt...! Như ánh trăng thượng tuần, như Thái Sơn hùng vĩ... Ngài đã nhập Niết Bàn trên 2000 năm. Những lời Di giáo của Ngài như những dòng suối thiên nhiên cuồn cuộn chảy mãi, không cần số đếm và cũng không có chỗ gọi là tận cùng.

Hôm nay kỷ niệm đản sinh, nơi Phật giáng trần, chúng con cảm nhận công ơn Phật bằng tất cả trái tim… Ngài là vị Đạo sư cao cả, vĩ đại tuyệt vời... Ngài đã dũng mãnh bỏ lại những gì lạc thú trần gian... Oai hùng, kham nhẫn, vui chịu mọi cảnh ngộ... Ngài đã thực hành bản thân mình: Tìm đạo, Chứng đạo và Dạy đạo! Hôm nay Tăng Ni chúng con cùng Phật tử nguyện noi dấu bước chân Ngài. Sống trong chánh pháp của Ngài…!

Bạch Đức Thế Tôn, dù chúng con sinh ra khi Phật đã nhập Niết Bàn, chúng con chưa một lần đối diện với Đấng Từ phụ cao cả! Tuy thế, giáo lý Phật là thuyền bè, đưa chúng con vào thế giới vô cùng tận... Chúng con xin nguyện thể nhập vào Từ bi tâm của chư Phật...!


Nepal, ngày 16 tháng 5 năm 2011
Năm Tân Mão

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides