Diệu Nguyên
Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, hàng môn đệ Cao Đài ở khắp mọi nơi lại hân hoan chuẩn bị thiết đại lễ Vía Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu và Hội Yến Bàn Đào vào đêm trung thu rằm tháng 8.
Ngưỡng vọng về Đức Mẹ trong mỗi mùa trung thu, chúng ta hãy cùng ôn học lại những thánh giáo của Đức Mẹ trong mấy mươi năm qua với chủ đề: Nơi có tình thương là có Mẹ.
Trải qua gần một trăm năm khai đạo Cao Đài, bên cạnh các ngôi thánh đường thờ kính Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, chúng ta cũng thấy có không ít các ngôi Diêu Trì Bửu Điện hay Điện Thờ Phật Mẫu được xây dựng nên để thờ kính Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu là Mẹ Linh Hồn của toàn cả vạn linh sanh chúng.
Năm xưa, trong một buổi lễ an vị ngôi Diêu Trì Bửu Điện tại một thánh thất, Đức Mẹ đã giáng đàn để những lời giáo huấn như sau:
Các con đã chung tâm hiệp sức, kẻ có của, đứa có công, đã xây cất nên hình thể trụ tướng, để tượng trưng lòng kỉnh thành ngưỡng mộ đối với Mẹ. Đó là về mặt tinh thần của các con. Còn về phần công quả hành đạo đối với ngôi Diêu Trì Bửu Điện, cần phải có một tác dụng gì đáng kể để cứu thế độ dân. Nếu không phải nhằm vào tác dụng ấy thì không thể hiện đúng lòng đại từ đại bi của Đức Mẹ Diêu Trì nơi cung Vô Cực.
Các con thử nghĩ lại: Một bà mẹ phàm trần nhục thể có khi nào bằng lòng nhìn thấy sự hy sinh đói rét, dốt nát, tội lỗi để tạo phần vật chất xây dựng lầu đài cho mình an hưởng đâu con? ([1])
Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu nó đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con.
Mẹ không nắm quyền sanh phạt các con. Ngược lại, Mẹ nắm phần cứu rỗi. Cho nên, thương là Mẹ, yêu là Mẹ, tha thứ, sinh dưỡng, bảo tồn, tất cả đều là Mẹ. Các con có nghĩ đến lòng Từ Mẫu chăng? ([2])
Trên thế gian này có không biết bao nhiêu bà mẹ phàm trần đã đem hết tấm lòng yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, nuôi nấng cho con mình được nên người, được hạnh phúc, được đủ đầy sung túc, cho dù mẹ phải chịu đựng bao cay đắng, hy sinh, gian khổ nhọc nhằn suốt cả cuộc đời. Thế nhưng có không ít những đứa con vô tình không hề nhận ra được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ mình.
Chúng ta cũng thế. Đức Mẹ thương chúng ta nhiều như vậy, mà có bao giờ chúng ta nghĩ đến lòng Từ Mẫu chăng?
Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường
Không lãnh vực, không biên cương
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.([3])
* Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận yêu thương chúng sanh nhưng Đức Mẹ cần có những sứ giả để mang tình vô cực đến khắp mọi nơi, cho những chúng sanh đau khổ bất hạnh. Các sứ giả đó là ai?
Vì đời chịu nỗi đảo điên
Mới cho con đến phổ truyền đạo cơ
Vì đời đen tối mịt mờ
Cho con xuống thế trong giờ loạn ly
Vì đời giữa lúc khuynh nguy
Mới cho con đến trong kỳ Long Hoa
Nguyên nhân đắm đuối ái hà
Mẹ cho con đến để mà gọi kêu.([4])
Mẹ đặt trọn niềm tin tưởng nơi các con, vì ngoài các con ra, Mẹ không làm cách nào để truyền đạt nguồn sống vô biên ấy cho cõi trần đầy hỗn độn vô minh.([5])
Cuộc đời sanh chúng đang đau khổ về tâm, thân nhiều lắm rồi đó con, tưởng Mẹ chẳng phải nhắc lại làm chi. Các con là hiện thân của Mẹ, dù lớn dù nhỏ, dù ở đây hay ở đâu, dù đoàn thể này hay đoàn thể khác đi nữa, chỉ với mục đích là đem tình thương Vô Cực gắn liền mọi đổ vỡ tâm hồn cho sanh chúng lân nhân.([6])
Các con nhìn chung quanh các con. Ôi! Biết bao là thảm trạng! Biết bao những tâm hồn cô đơn non nớt, yếu ớt đói lạnh, đầu đàng xó chợ không nhà, thiếu áo hụt cơm, thiếu bao sự an ủi vỗ về của những bực từ ái, ra công cứu trợ! Họ đang chờ những bàn tay dịu hiền, những tấm lòng từ ái của các con.([7])
Chúng ta có sẵn lòng làm sứ giả mang tình thương vô cực của Đức Mẹ đến cho vạn linh sanh chúng đang đau khổ chăng?
* Ngoài việc trợ giúp cho nhơn sanh về phương diện vật chất, Đức Mẹ cũng trông cậy ở hàng Thiên ân sứ mạng trợ giúp nhơn sanh về phương diện tâm linh hay tinh thần:
Các con ôi! Đứng trước Mẹ, các con là những phần tử giác ngộ hơn. Các con được sớm biết linh căn nên đã lo bề tu thân hành đạo để cứu rỗi linh hồn. Ngoài các con ra, Mẹ nghĩ lại mà thương cho biết bao đàn con khác còn đang đắm chìm trong bóng tối, trong tội lỗi đọa đày, không biết chừng nào thoát ra khỏi vòng trầm luân khổ hải.([8])
Các con rất hữu duyên mà được dự yến Bàn Đào với Mẹ và chư Thiên. Mẹ nhìn lại còn những con khác chưa được như các con, lòng Mẹ rất thương xót. Chúng nó thiếu mọi phương tiện để đến với Mẹ như các con. Thế nên trong giờ dự Yến, các con hãy để giây phút lắng đọng tâm tư hướng về những con ấy.([9])
Thế nên, trong bài kinh Lạy Mẹ mà chúng ta tụng đọc hằng ngày trong các thời cúng có các câu như:
Lạy Mẹ đại từ đại bi
Xin thương con dại ngu si phàm trần
Cho người đem khỏi mê tân
Đặng cho con dại Nguơn Thần mở mang.
(. . .)
Lòng con rót cạn chữ thành
Lạy nhờ Đức Mẹ xin nhìn chăm nom
Cho người hôm sớm thăm lom
Cho người dạy dỗ mai hôm kịp thì.
Trước đây, Đức Mẹ đã cho chư Phật Tiên Thánh Thần cùng các vị Tiền Khai Đại Đạo dìu dắt chúng ta thoát khỏi mê tân (bến mê), giúp cho nguơn thần được mở mang để biết đâu là bờ giác, đâu là thiện ác đọa siêu, để biết chọn con đường đạo đức tu hành hầu thoát khỏi đau khổ luân hồi sanh tử. Ngày nay, đã giác ngộ tu hành, đến lượt đạo hữu chúng ta sẽ là “người” đem nhơn sanh thoát khỏi mê tân, sẽ là “người” hôm sớm thăm lom, dìu dắt nhơn sanh trên bước đường tu hành giải thoát.
* Trong công quả độ đời, Đức Mẹ dặn dò chúng ta:
Con phải có bàn tay của Từ Mẫu, phải có bàn chơn của Đức Thế Tôn, phải có khối óc của Đấng Háo Sanh Tạo Hóa, thì tâm linh con mới phát hiện ra cảnh thiên đàng cho vạn loại trong hồi khốn khổ nguy vong. (. . .)
Ngày nào con bước chân đến nơi khổ nạn chúng sanh, đưa tay phổ tế, là ngày giờ ấy con đem được tình thương của Mẹ chan rưới cho mọi người và chính Mẹ đã ngự ở lòng các con.([10])
Theo lời Mẹ dạy, chúng ta phải có đôi bàn tay của bà mẹ hiền để vỗ về, xoa dịu, đỡ nâng những mảnh đời bất hạnh.
Chúng ta cũng cần có đôi bàn chân của Đức Thế Tôn, là Đấng sau khi chứng quả vô thượng bồ đề chánh đẳng chánh giác đã cất bước đi khắp nơi để đem chân lý giải thoát đến cho nhơn sanh. Cũng như Ngài, chúng ta phải đến với nhơn sanh đau khổ chứ chẳng phải đợi người đến cầu xin sự trợ giúp của mình.
Chúng ta cần phải có khối óc của Đấng Háo Sanh Tạo Hóa để có đầy đủ trí huệ sáng suốt dẫn đường cho nhơn sanh trở về cõi thiên đàng cực lạc.
Đức Mẹ luôn ngự nơi lòng các sứ giả đang mang tình thương của Mẹ đến cho vạn linh sanh chúng để thêm sức cho họ và xua tan mọi nỗi nhọc nhằn, khổ khó. Chính vì lẽ ấy mà chúng ta khẳng định rằng nơi có tình thương là có Mẹ.
* Chúng ta cứu giúp chúng sanh nhưng thực ra cũng là tự cứu giúp mình, lập vị cho mình nơi cõi thiêng liêng hằng sống. Đức Mẹ dạy:
Trong khi thế sự đảo huyền
Mà con vẫn được ân Thiên hộ trì
Mở lòng bác ái từ bi
Cứu con mà cũng cứu nguy cho đời
Ráng lên hỡi các con ơi
Trong khi tận thế cơ Trời chuyển xây.([11])
Đứa khôn ngoan dắt dìu đứa dại
Người dư ăn nghĩ lại kẻ nghèo
Giữa hồi sinh sống hẹp eo
Giữa khi tranh chiến đành theo số phần.
Con chia sớt tình thân nghĩa cả
Mẹ sẵn sàng ban trả vốn lời
Miễn là con biết thương người
Biết đem thanh thế giúp đời độ nhơn.
Các con lo cho đời, cho chúng sanh, nhân quần xã hội, đem lại nguồn an ủi tinh thần cho họ, đem lại sự cơm no áo ấm, nhà ở, trường học, bịnh viện, v.v... Đó là nguồn hạnh phúc cho họ, mà chính là hạnh phúc của các con đó, vẫn vĩnh cửu, trường tồn, mưa không lạt, nắng không phai, trộm không cắp, cướp không giựt, lửa không cháy, phong ba bão táp không hề hấn gì.([12])
* Mẹ dạy chúng ta hãy đoàn kết lại với nhau, kêu gọi anh chị em cùng chung tay hành thiện giúp đời:
Một hột cát cô đơn lăn lóc
Khó nên cồn dãy dọc dãy ngang
Tấm lòng từ thiện sẵn sàng
Gọi kêu em chị trên đàng quả công.([13])
* Đức Mẹ cũng dạy chúng ta hãy thực hành hạnh bác ái vị tha, yêu thương, đùm bọc, cứu giúp rộng khắp, không phân biệt người thân kẻ sơ, cùng hay khác gia đình, chủng tộc, tôn giáo, bởi lẽ xưa nay con người thường có tâm lý chỉ thương yêu, đùm bọc, đỡ nâng những ai cùng gia đình, cùng chủng tộc, cùng đoàn thể, cùng tôn giáo với mình. Đức Mẹ dạy:
Cùng một nhà, thương nhau đùm bọc
Cùng một đoàn, chí dốc đỡ nâng
Binh nhau vì một giống dân
Giúp nhau vì một tình thân đạo đồng.
Ngoài gia đình thì lòng không nghĩ
Ngoài tập đoàn, không ý giúp vùa
Không tình dân tộc, không ưa
Không đồng tôn giáo, không vừa tình thương.
Lý do đó tạo đường nghiệp quả
Thế nhân rồi mất cả từ tâm
Dàm danh khóa lợi giam cầm
Làm sao nhơn loại muôn năm thái bình?
Hỡi con ôi! Đây tình Từ Mẫu
Có con nào hiểu thấu lòng Già
Gieo mầm bác ái vị tha
Tu thân học đạo cho hòa vạn dân.([14])
Chúng ta hãy noi theo lòng Từ Mẫu, thực hành hạnh vô phân biệt, yêu thương rộng khắp, vì cho dù khác gia đình, khác màu da sắc tóc, khác đoàn thể tôn giáo, nhưng tất cả đều là anh chị em cùng chung một Đấng Cha Trời, cùng chung một Đức Mẹ linh hồn của vạn linh sanh chúng.
* Để có thể thực hành hạnh bác ái vô phân biệt, chúng ta hãy luôn nhớ rằng trong tất cả mọi người đều có một điểm Linh Quang của Thượng Đế và phục vụ cho nhơn sanh chính là phục vụ cho Thầy, cho Mẹ.
Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo (Mát-thêu 25:1-46) chép lời dạy của Chúa Giê-su về ngày phán xét cuối cùng:
Khi Con Người [Chúa] đến trong vinh quang của Người [Chúa], có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ [cả thế gian] sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử [người chăn chiên, chăn cừu] tách biệt chiên [cừu, người tốt lành] với dê [kẻ xấu xa]. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
Bấy giờ Đức Vua [Chúa Giê-su] sẽ phán cùng những người ở bên phải [người tốt lành] rằng: “Nào những kẻ Cha Ta [Đức Chúa Trời] chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”
Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”
Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”
Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”
Thế là họ [những người bên trái, là dê] ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính [ở bên phải, là chiên hay cừu] ra đi để hưởng sự sống muôn đời.
Khi chúng ta lãnh hội được ẩn ý của Đức Giê-su trong lời dạy về phán xét cuối cùng thì ta hiểu vì sao trong Thiên Chúa Giáo có rất nhiều nữ tu quên mình để tận tụy nuôi những người cùi, bệnh nhân AIDS (sida), trẻ mồ côi, v.v... Mà tấm gương sáng nhất về việc phụng sự Chúa bằng cách phụng sự những người bất hạnh trong xã hội này có lẽ chính là Mẹ Tê-rê-sa, rất nổi tiếng trên thế giới.
Như để giải thích vì sao Mẹ rất tận tụy chăm sóc, an ủi những con người bất hạnh, Mẹ từng nói như sau:
- Tôi thấy Chúa trong mỗi con người. Khi tôi rửa vết thương cho người cùi, tôi thấy mình đang chăm sóc chính Chúa.
- Những người hấp hối, tàn tật, tâm thần, bị ruồng rẫy, bị ghét bỏ – họ là Chúa Giê-su đang cải trang.([15])
Cuối thập niên 1970, tại thành phố Boston ở bang Massachusetts (nước Mỹ) Mẹ Tê-rê-sa giảng về thương yêu, là cách Mẹ và những nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ khai sáng nhận ra Chúa Ki-tô trong số những người khó nghèo cùng khổ nhất.
Mẹ kể, có lần người ta nhặt trên đường phố Calcutta (Ấn Độ) một người ăn xin đang hấp hối và chuyển ngay kẻ bạc phước đến dòng tu của Mẹ. Một nữ tu đã dành trọn ngày rửa sạch những thương tích trên thân xác tiều tụy kia. Thế rồi, giữa giảng đường im phăng phắc, Mẹ hạ thấp giọng, thổ lộ cùng mọi người rằng thật ra nữ tu ấy đang chí thành rửa sạch những vết thương của Đức Giê-su. Mẹ nhấn mạnh, bằng cách giấu mình trong những hình hài quá đỗi xấu xí hay cực kỳ hèn mọn, Chúa Ki-tô muốn thử thách lòng nhân ái của các môn đồ.([16])
Năm 1979 Mẹ Tê-rê-sa được trao giải Nobel Hòa Bình vì tất cả những hoạt động bác ái của Mẹ. Theo thông lệ, sau lễ trao giải, một đại yến được tổ chức tại Khách Sạn Lớn ở thủ đô Oslo (nước Na Uy), với khoảng hai trăm năm mươi thực khách, có Chủ Tịch Quốc Hội và Thủ Tướng Na Uy đến dự. Lần đầu tiên trong lịch sử giải Nobel Hòa Bình, đại yến này bị hủy bỏ vào năm 1979 vì Mẹ Tê-rê-sa quyết định dùng số tiền bảy ngàn Mỹ kim đài thọ chi phí cho đại yến để tổ chức bữa ăn tối Giáng Sinh cho hai ngàn người không nhà. Đối với Mẹ Tê-rê-sa, giải Nobel Hòa Bình là quà tặng cho người nghèo.
Mẹ về với Chúa năm 1997 (87 tuổi) sau đó đã được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô phong Thánh (năm 2016).([17])
* Vào một đêm trung thu Hội Yến Bàn Đào năm xưa, Đức Mẹ đã hỏi các vị dự yến như sau:
Mẹ cùng chư Phật Tiên sẽ đến với các con trong ngày Hội Yến Bàn Đào. Thế các con hãy suy nghĩ xem các con hiến dâng điều gì để Mẹ được vui lòng nhất? ([18])
Mẹ chỉ mong và chấp nhận hoàn toàn nơi lòng thương yêu hòa ái, hợp đoàn thành một khối. Đó là trang trọng nhứt.([19])
Kinh Thánh (Mát-thêu 5:23-24) cũng đã ghi lại lời dạy của Chúa Giê-su hơn hai ngàn năm trước:
Nếu khi nào ngươi dâng của lễ trên bàn thờ mà sực nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, hãy để của lễ ngươi trước bàn thờ, hãy đi làm hòa cùng anh em đã, rồi ngươi hãy đến dâng lễ.
Do đó, trước khi huynh tỷ đệ muội chúng ta tổ chức đại lễ Vía Mẹ Diêu Trì và Hội Yến Bàn Đào, mỗi người chúng ta hãy tự xét lại bản thân xem đã thực sự hòa ái với anh chị em đồng đạo của mình chưa; nếu còn điều chi xích mích bất hòa thì phải tự hạ mình đi làm hòa với anh chị em của mình trước rồi hẳn dâng lễ lên Đức Mẹ.
Tình thương yêu hòa ái giữa anh chị em chúng ta mới là lễ vật trang trọng nhất dâng lên Đức Mẹ để Mẹ được hài lòng. Có như thế, các lễ vật như hoa quả, rượu trà mà chúng ta dâng lên cho Đức Mẹ mới được Ngài chấp nhận. Đức Vân Hương Thánh Mẫu xác nhận điều này như sau:
Trung thu này Đức Mẹ hài lòng các em nên đã ban ơn cho chư Phật Tiên Thánh Thần đến dự Hội Yến đêm mai. Sự hài lòng này không phải là do những lễ vật hiến dâng của các em trong Hội Yến mà là ở sự đồng tâm hiệp lực của các em cùng nhau ưu tư lo lắng trong những ngày qua.([20])
Để duy trì tình thương yêu hòa ái và tình đoàn kết trong tập thể, Đức Mẹ đã dạy một cách nghiêm khắc như sau:
Từ đây sắp tới, Mẹ cấm không được một đứa nào có quyền nghĩ quấy một đứa khác, cũng không có quyền nói một ngôn ngữ nào có tánh cách châm chích hoặc khiêu khích đứa khác. Mỗi đứa có bổn phận đặc biệt là hãy tìm lại bầu không khí năm xưa, gây dựng lại tình thương yêu bị sứt mẻ, để một ngày rất gần, cùng quây quần tiếp tục đạo nghiệp còn dang dở, và cũng bảo chúng nó rằng mình đã vào Đạo, đã hy sinh rượu ngon thịt béo để chay lạt, đã hy sinh giờ giấc thụ hưởng để đi đó đi đây, thức hằng đêm này qua đêm khác để hành đạo, đã hy sinh tiền bạc và sức khỏe để phụng sự đạo mà không thể hy sinh lòng tự ái tự cao, không thể hy sinh mọi chấp ngã do tai nghe mắt thấy hay sao? Nếu hy sinh những phương diện kia mà không hy sinh những phương diện này về nội tâm thì chẳng khác nào như nước đổ lá môn hoặc nước rót vào giỏ…([21])
Tóm lại:
Mỗi khi đón mừng đại lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Mẹ Linh Hồn vạn linh sanh chúng, chúng ta cùng ghi nhớ thánh huấn của Mẹ:
1. Mẹ không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương. Nơi đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ. Nơi đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ.
2. Mẹ cậy nhờ chúng ta, những người đã giác ngộ tu hành, hãy làm sứ giả mang tình thương vô cực của Mẹ đến cho vạn linh sanh chúng.
Trên bước đường cứu nhân độ thế, hàng sứ giả của Mẹ cần phải có bàn tay của Từ Mẫu, bàn chân của Đức Thế Tôn và khối óc của Đấng Tạo Hóa.
Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta hãy thực hành hạnh thương yêu không phân biệt. Một khi chúng ta mang tình thương vô cực của Mẹ đến cho vạn linh thì Mẹ luôn ngự nơi tâm ta, hằng giúp sức cho ta trên bước đường cứu độ.
3. Tình thương yêu hòa ái đoàn kết giữa anh chị em chúng ta chính là lễ phẩm trang trọng nhất hiến dâng lên Đức Mẹ trong đại lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Hội Yến Bàn Đào vào đêm trung thu rằm tháng 8 hằng năm. Nơi nào có tình thương là nơi ấy Mẹ hằng ngự.
Thánh thất Trung Hiền
15-8 Canh Tý (Thứ Năm 01-10-2020)
DIỆU NGUYÊN
-------------------------------
([1]) Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Đinh Mùi (18-9-1967).
([2]) Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Đinh Mùi (18-9-1967).
([3]) Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Đinh Mùi (18-9-1967).
([4]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Mậu Thân (11-5-1968).
([5]) Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Nam Thành), 25-5 nhuần Tân Hợi (17-7-1971).
([6]) Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Nam Thành), 25-5 nhuần Tân Hợi (17-7-1971).
([7]) Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, 04-01 Ất Tỵ (05-02-1965).
([8]) Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Bình Hòa), 28-8 Đinh Mùi (01-10-1967).
([9]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 13-8 Kỷ Mùi (03-10-1979).
([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Mậu Thân (11-5-1968).
([11]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Mậu Thân (11-5-1968).
([12]) Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, 04-01 Ất Tỵ (05-02-1965).
([13]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Đinh Mùi (23-5-1967).
([14]) Thánh thất Bình Hòa, 15-8 Đinh Mùi (18-9-1967).
([15]) Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri, truyện số 64: Suy Niệm Từ Mẹ Tê-rê-sa. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 158. (Quyển 42-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([16]) Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri, tr. 158.
([17]) Huệ Khải, Nhịp Cầu Tương Tri, tr. 79.
([18]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 11-8 Bính Dần (14-9-1986).
([19]) Thánh thất Tân Định, 15-8 Canh Tuất (15-9-1970).
([20]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 14-8 Bính Thìn (07-9-1976).
([21]) Thánh thất Tân Định, 15-8 Canh Tuất (15-9-1970).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét