Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Tâm pháp giải trần lao



Ôn học lời dạy của Đức THÁI THƯỢNG ĐẠO TỔ

Huệ Khải

THÁNH GIÁO ĐỨC THÁI THƯỢNG ĐẠO TỔ

Cơ quan Phổ thông Giáo lý
Tý thời, 15-02 Quý Sửu (18-3-1973)

. . .

THI

THÁI hòa vạn tượng chiếu Nam giao,
THƯỢNG đức trì tu phóng nghiệt bào,
ĐẠO thị hư vô nhi vạn hữu,
TỔ truyền tâm pháp giải trần lao.

THÁI THƯỢNG ĐẠO TỔ.

Khánh hỉ! Khánh hỉ chư môn sanh nam nữ!

Qua mấy nghìn năm rồi mà chư môn sanh vẫn còn ghi nhớ ngày Lão trải ánh linh quang đến cõi trần để đem vạn linh từ chốn trầm luân trở về cùng Đạo.

Nhân lòng thành kính của chư môn sanh, Lão đáp lại câu “Thượng đức bất đức, hạ đức chấp đức, chấp trứ chi giả bất minh đạo đức” để giảng lại cho chư môn sanh ngõ hầu áp dụng trên đường tu thân hành đạo. Lão miễn lễ, chư môn sanh đồng an tọa.

THI BÀI

Hỡi hành giả muốn thông lý đạo,
Nghe lời Ta dặn bảo trì tu,
Kiếp người dày dạn công phu,
Mà không thoát khỏi ngục tù này ư?
Điểm linh quang ban từ thượng giới,
Vào nhục thân vun xới cội lành,
Âm dương, động tịnh, trược thanh,
Thần hình tương ỷ tương sanh đó là.
Lặng lẽ nhìn Trời ta vốn một,
Máy hữu hình then chốt như nhau,
Thanh đó là trược nguồn đầu,
Động cùng nên tịnh diệu mầu lắm thay!
Là thượng đức hòa hài muôn vật,
Không ngã nhân, đắc thất, vong tồn,
Thân thiên hạ, đạo linh hồn,
Vui tình Tạo hóa, bảo tồn vạn sanh.
Đức đã tột, thần hình hòa diệu,
Đạo chói ngời, quan khiếu giao thông,
Dù còn ở chốn trần hồng,
Như non vời vợi, như dòng luân lưu.
Tiên thiên khí một bầu thâu liễm,
Dụng nguơn thần trợ hiểm phò nguy,
Vô vi mà vô bất vi,
Dựng đời trị đạo thực thi tài thành.
Người hạ đức còn tranh chấp đức,
Lập đức trong lãnh vực bù trừ,
Có thật thì phải có hư,
Công ơn ắt phải công tư đắp bù.
Người tu học trước tu lập đức,
Đạo đức tròn vượt bực thế nhân,
Vào trần chẳng nhiễm bụi trần,
Nhục thân chế ngự, kim thân trau dồi.
Đạo có nói ba ngôi mà một,
Nhơn sanh này vốn một trong ba,
Dể duôi nên vướng trần la,
Thiên khuynh địa hãm ái hà giam thân.
Nho mới dạy ba giềng năm mối,
Thích tam quy ngũ giới làm đầu,
Đạo dùng tam bửu luyện trau,
Năm hành sanh khắc diệu mầu tầm tu.
Chỗ hòa hợp công phu tác động,
Cấm sát sanh để rộng lòng Nhân,
Trên trời sao Tuế rạng ngần,
Phương Đông ổn định khí thần hòa vui.
Người Can đởm vững ngôi hành Mộc,
Thân khỏi loài tà độc nhiễu nhương,
Cấm trộm cắp, không tổn thương,
Hành Kim vượng khí vẹn đường Nghĩa ân.
Trời Thái Bạch muôn phần tỏ rạng,
Đất phương Tây sung mãn điều hòa,
Người thì trường Phế tăng gia,
Kiện hành thông khí mặn mà dưỡng nuôi.
Cấm tà dâm trau dồi đức Lễ,
Hỏa hậu điều tiết chế âm sanh,
Trên trời Huỳnh Hoặc trong thanh,
Phương Nam an định điềm lành việc may.
Người Tâm trường an bài sinh động,
Chủ hình hài huyết thống truyền ban,
Giữ cho thần định khí an,
Vóc hình khang kiện đảm đang trị vì.
Cấm tửu nhục kiên trì đức Trí,
Thạnh mậu nhờ hành Thủy rưới chan,
Thần tinh soi sáng dặm ngàn,
Đất thì phương Bắc thoát nàn giảm tai.
Người Thận thủy đủ đầy mát mẻ,
Cho bàng quang nhặm lẹ điều hành,
Cấm điều vọng ngữ hư danh,
Giữ gìn chữ Tín cho thành thiện chơn.
Thổ trung ương trong phần chuyển vận,
Trời Trấn tinh khởi chấn thiên quang,
Đất là Mồ Kỷ định an,
Người thì Tỳ vị kiện khang lưu hành.
Học tìm hiểu cho rành đạo lý,
Tìm cho thông cốt chỉ bì phu,
Nội tâm ngoại cảnh vận trù,
Thường hành nhật dụng công phu viên thành.

Hỡi chư môn sanh! Đạo không nói được chỗ nói, mà làm được chỗ làm. Đọc thơ không nên để đọc thơ, mà cầu lý. Lý đã thông thì việc làm sẽ thành tựu. Lão ban ơn cho chư môn sanh. Nhớ lời Lão dạy.

Chư môn sanh! Vừa có lịnh từ Ngọc Hư Cung chuyển đến. Chư môn sanh thành tâm tiếp Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng lâm. Lão hồi động phủ. Thăng.

*

1. Đức ĐẠO TỔ dạy:

THÁI hòa vạn tượng chiếu Nam Giao,
THƯỢNG đức trì tu phóng nghiệt bào,
ĐẠO thị hư vô nhi vạn hữu,
TỔ truyền tâm pháp giải trần lao.

太和萬象照南交 / 上德持修放孽袍 /

道是虛無而萬有 / 祖傳 心法解塵牢 .

TÌM HIỂU:

Nam Giao 南 交: Tên gọi của Việt Nam có từ đời Hán. Bấy giờ Sĩ Tiếp (sử thường viết là Sĩ Nhiếp, cũng gọi Sĩ Vương, 187-226) được tôn là “Nam Giao học tổ” vì có công truyền bá Nho học vào Việt Nam.

Thái hòa 太和: Theo Thái bình kinh khi ba khí của Trời, Đất, Người (tam tài) hợp lại thì sinh ra khí Thái hòa. Thái hòa là khí sinh ra cảnh thái bình.[1]

Vạn tượng 萬象: Vô số hình ảnh.

Thượng đức 上德: Bậc đức cao, đức lớn.

Trì tu 持修: Tu hành không lơi lỏng.

Nghiệt bào 孽袍: Cái áo oan nghiệt. Phóng nghiệt bào 放孽袍: Cởi bỏ cái áo oan nghiệt (đang bao trùm lấy thân mình).

Trần lao 塵牢: Nhà lao trần gian. Ngụ ý rằng cõi thế gian là nhà tù giam hãm con người.

Bài thơ xưng danh quán thủ là Thái Thượng Đạo Tổ. Đại ý bài thơ như sau:

Khí thái hòa chiếu sáng đất Việt tạo nên vô số hình tượng đẹp. Ngụ ý, do dân Việt biết tu hành, Người hòa cùng Trời và Đất, tạo thành bầu điển lành chiếu sáng rực rỡ. (Tuy nhiên mắt thường không thấy.)

Bậc thượng đức tu hành không lơi lỏng để cởi bỏ chiếc áo oan nghiệt. Ngụ ý, do nhiều kiếp luân hồi, nợ nần vay mượn, mỗi mảnh đời hiện nay đang chịu nhiều ràng buộc giống như khoác vào thân chiếc áo oan khiên nghiệp chướng. Bậc đức cao siêng tu giải trừ nghiệp chướng tức là đang lo cởi bỏ cái áo ấy.

Đạo vốn là hư vô nhưng luôn có trong vạn vật hữu hình. Ngụ ý rằng Đạo vô hình, mắt trần không nhìn thấy nhưng không chỗ nào, không điều gì không tàng ẩn Đạo.

Đức Đạo Tổ truyền dạy tâm pháp (phép tịnh luyện, phép ngồi thiền) để các đệ tử thoát khỏi kiếp lao tù trần thế. Ngụ ý, trần gian là ngục tù giam hãm kiếp người, nhờ hành thiền mà con người sẽ được giải thoát.

*

2. Đức ĐẠO TỔ dạy:

THÁI THƯỢNG ĐẠO TỔ. Khánh hỉ! Khánh hỉ chư môn sanh nam nữ!

TÌM HIỂU:

Khánh hỉ! Khánh hỉ!: Chúc mừng! Chúc mừng!

Sau khi xưng hồng danh, tại sao Đức Đạo Tổ lại hai lần nói Khánh hỉ 慶喜 để chúc mừng các môn sanh nam nữ?

Con người biết tu hành để giải nghiệp, thoát cảnh trần gian bó buộc như cảnh lao tù, cho nên Ngài chúc mừng. Hơn nữa, thời hạ nguơn mạt kiếp người đời rất đông mà người tu rất ít, cho nên Ngài chúc mừng thêm lần nữa cho ai biết hành thiền để giải thoát.

*

3. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Qua mấy nghìn năm rồi mà chư môn sanh vẫn còn ghi nhớ ngày Lão trải ánh linh quang đến cõi trần để đem vạn linh từ chốn trầm luân trở về cùng Đạo.

TÌM HIỂU:


Trong bài kinh xưng tán Tiên giáo của Cao Đài có câu: Nhị ngoạt thập ngũ phân tánh giáng sanh. Ngày rằm tháng Hai hàng năm môn sanh Cao Đài các nơi đều cử hành đại lễ kỷ niệm thánh đản của Đức Thái Thượng Đạo Tổ. Do đó khi lâm đàn Ngài dạy như trên.

*

4. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Nhân lòng thành kính của chư môn sanh, Lão đáp lại câu “Thượng đức bất đức, hạ đức chấp đức, chấp trứ chi giả bất minh đạo đức” để giảng lại cho chư môn sanh ngõ hầu áp dụng trên đường tu thân hành đạo. Lão miễn lễ, chư môn sanh đồng an tọa.

TÌM HIỂU:

Thượng đức bất đức 上德不德: Bậc đức cao không theo quy ước đạo đức của thế tục (cách cư xử của các vị có thể không giống như quy ước xã giao, luân lý thông thường của người đời).

Thí dụ một, người thế gian xem chuyện giao tế, thăm hỏi lẫn nhau là lễ nghĩa ở đời. Bậc thượng đức quý thời gian eo hẹp, chỉ muốn dành hết ngày giờ để tu học, hành thiền cho nên không chịu giao du, hạn chế những sự thăm viếng phù phiếm.

Thí dụ hai, người thế gian xem chuyện khóc lóc thảm thiết trong đám tang là hiếu, là thương nhớ kẻ qua đời (nên có nhà còn tốn tiền thuê người khóc mướn). Khi ma chay, cúng giỗ thì sát sanh đãi đằng linh đình để trả nợ miệng. Bậc thượng đức hiểu rằng tất cả các việc làm lầm lẫn đó đều trói buộc vong hồn vào vòng luân hồi, không còn nẻo siêu thoát. Thế nên bậc thượng đức không làm đám tang rình rang và không cúng giỗ với tiệc mặn linh đình theo kiểu dân gian.

Thí dụ ba, người thế gian xem chuyện sinh con nối dõi tông đường là hiếu. Bậc thượng đức xem xuất gia tu hành mới là đại hiếu vì người tu có thể cứu rỗi cho cửu huyền thất tổ, trái lại hôn nhân, con cái là ràng buộc. Thế nên, khi thái tử Cồ Đàm (Gautama) sinh con trai đầu lòng, Ngài bèn đặt tên là La Hầu La (Rahula), có nghĩa là chướng ngại và trói buộc. Sau đó, ngài mau mau trốn khỏi hoàng cung tìm đạo, sợ nấn ná thì sẽ có thêm một La Hầu La khác!

Thí dụ bốn, người thế gian xem việc phá hoại hôn nhân của kẻ khác là ác độc. Nhưng Đức Phật Thích Ca nghĩ khác. Khi biết em họ của Ngài là A Nan (Ananda) đang làm đám cưới, sợ A Nan vì việc này mà chìm đắm biển trần, Phật liền rời tịnh xá, đi thẳng vào hoàng cung và đưa A Nan về tịnh xá quy y ngay, bất chấp chú rể lẫn cô dâu dang dở việc trăm năm. Nhờ Phật hành xử theo bậc thượng đức mà sau này ông A Nan thành chánh quả.

Hạ đức chấp đức 下德執德: Kẻ đức thấp câu nệ vào quy ước đạo đức của thế tục (tục đức).

Chấp trứ chi giả 執著之者: Kẻ mà câu nệ (tục đức) như vậy. Chấp trứ cũng đọc là chấp trước.

Bất minh đạo đức 不明道德: Không hiểu rõ hai chữ đạo đức đúng nghĩa theo đạo lý.

Nguyên ý trong Đạo đức kinh (chương 38) là: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.” 上德不德, 是以有德. 下德不失德, 是以無德. (Bậc đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức đúng theo lẽ đạo, không phù phiếm. Người đức thấp câu nệ vào tục đức, tuy không đánh mất tục đức phù phiếm, nhưng vì thế mà lại không có được cái đức của bậc siêu phàm.)

Ở đây Đức Đạo Tổ nhắc lại ý Đức Lão Tử (một kiếp giáng sinh của Ngài), phân tách thế nào là sống đạo đức chân chính và thế nào là sống đạo đức giả tạo, phù phiếm (tục đức).

Sống đạo đức chân chính là tu hành, lấy việc trau dồi tâm linh làm trọng, thuận theo lẽ Trời, không câu nệ những hình thức giả tạo do quy ước xã hội bày ra (mỗi nơi, mỗi nền văn hóa đều khác nhau).

*

5. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Hỡi hành giả muốn thông lý đạo,
Nghe lời Ta dặn bảo trì tu,
Kiếp người dày dạn công phu,
Mà không thoát khỏi ngục tù này ư?

TÌM HIỂU:

Hai chữ ngục tù làm con người ngạc nhiên. Ai cũng nghĩ rằng mình đang tự do, có bị bỏ tù đâu? Ở đây Đức Thái Thượng nói tới ngục tù tinh thần.

Ơn Trên thường dạy rằng phàm nhân thực sự chưa làm chủ nhân ông nghĩa là làm chủ thân xác và ý muốn của mình.

Thật vậy, tham, sân, si và lục dục thất tình luôn xui khiến, dẫn dắt con người làm theo ý chúng. Những ham muốn trần tục đang trói buộc, giam cầm con người. Ngoài ra, thân thể còn bị bệnh tật đeo đẳng. Thế nên Tiên gia bảo con người đang ở trong nhà tù mà vách nhà tù này xây cất bằng bệnh tật và những ham muốn phàm tục, chúng làm con người thật sự mất tự do.

Người tu hành dùng công phu luyện đạo để chế ngự tham sân si, lục dục thất tình, phá bỏ những ham muốn ràng buộc. Công phu đạt hiệu quả lại có năng lực giữ gìn thân thể khỏe mạnh, thoát khỏi bệnh tật.

Nói khác đi, tu thiền hay tịnh luyện là tìm sự giải thoát. Tu thiền mà còn thấy ràng buộc, chưa thong dong cả thân xác lẫn tinh thần, tình cảm tức là còn bị ở tù, là tu chưa tiến bộ, chưa có kết quả.

Đức Thái Thượng hỏi: Kiếp người dày dạn công phu,/ Mà không thoát khỏi ngục tù này ư? Ngài ngụ ý nhắc nhở môn đồ hãy tin tưởng vào phép tu thiền có thừa năng lực huyền diệu để giải thoát cho con người. Nếu người chưa được giải thoát, chẳng qua vì chưa công phu thật sự đủ đầy, đúng mức.

*

6. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Điểm linh quang ban từ thượng giới,
Vào nhục thân vun xới cội lành,
Âm dương, động tịnh, trược thanh,
Thần hình tương ỷ tương sanh đó là.

TÌM HIỂU:

Linh quang 靈光: Trời là Thái cực Đại linh quang, người là tiểu linh quang vì thọ nhận một điểm linh quang do Trời ban cho. Bởi thế, Trời và người cùng một bản thể (đồng tính, đồng chất). Chỗ đồng nhất đó là ánh sáng thiêng liêng (linh quang).

Vào nhục thân vun xới cội lành: Con người mang điểm linh quang trong thân xác, sống trên đời để tu hành, lập công quả bồi âm đức. Khi đủ đầy công quả, công trình và công phu thì trở về hiệp một với Thầy (Đại linh quang). Ai sống ở trần gian biết lo tu hành thì gọi là “vun xới cội lành”.

Âm dương, động tịnh, trược thanh 陰陽動静濁 清: Âm dương, động tịnh, trược thanh đều có ở vũ trụ và con người. Đó là hai lực lượng đối lập tạo thành “động năng” cho vũ trụ vận hành, và làm nên “bộ máy” cho con người sống, tu hành ngõ hầu tiến hóa. (Cục pin, bình ắc quy nhờ có hai cực âm và dương mà tạo ra dòng điện có nhiều công dụng.)

Thần hình 神形: Thần (phần linh diệu, vô cùng sáng suốt) và hình thể (thân xác).

Tương ỷ 相倚: Nương dựa vào nhau.

Tương sanh 相生: Sinh ra nhau.

Thần hình tương ỷ tương sanh: Trong phép tu luyện khử trược lưu thanh, thần và hình thể cùng được trau giồi, tâm linh và thân xác nương vào nhau mà phát huy tới chỗ đẹp đẽ, linh diệu, như vậy gọi là tương ỷ tương sinh.

Tu thiền đúng mức và đúng cách thì thân thể khỏe mạnh, dung mạo hiền từ, nét mặt tươi tắn và hòa ái (hình). Đồng thời, tu thiền giúp tâm linh sáng suốt, trí huệ hoát khai, không bị u mê mờ mịt... (thần).

*

7. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Lặng lẽ nhìn Trời ta vốn một,
Máy hữu hình then chốt như nhau,
Thanh đó là trược nguồn đầu,
Động cùng nên tịnh diệu mầu lắm thay!

TÌM HIỂU:

(a) Đạo gia cho biết con người ngang hàng trời đất vì là một với trời đất, cùng một cấu tạo âm dương như vạn vật trong vũ trụ.

Xưa, Trang Tử Nam hoa kinh, thiên Tề vật luận 齊物論 viết: Thiên địa dữ ngã tịnh sinh nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. 天地與我并生而萬物與我為一. (Trời đất với ta cùng sinh ra một lượt mà vạn vật với ta là một.)

Nay, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy (Thiên Lý Đàn, 04-02-1966):

Con là một thiêng liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể linh quang...

(b) Thanh trược, động tịnh là hai mặt đối lập của một thực thể, cũng như đêm ngày là hai mặt của một thời gian, khái quát hóa thì gọi là âm dương. Hết trược thì thanh, hết động thì tịnh. Nói khác đi, cái này chuyển thành cái kia. Thế nên Đức Đạo Tổ dạy rằng trược là cội nguồn của thanh, hết động thì trở nên tịnh, đó là lẽ đạo nhiệm mầu, huyền diệu:

Thanh đó là trược nguồn đầu,
Động cùng nên tịnh diệu mầu lắm thay!

*

8. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Là thượng đức hòa hài muôn vật,
Không ngã nhân, đắc thất, vong tồn,
Thân thiên hạ, đạo linh hồn,
Vui tình Tạo hóa, bảo tồn vạn sanh.

TÌM HIỂU:

Thượng đức (bậc đức cao) là người đạt đạo, hòa hài muôn vật trên thế gian. Đã hòa hài muôn vật thì không còn phân biệt. Không phân biệt thì không thấy có người có ta, không thấy được thua, không thấy mất còn.

Thân thiên hạ, đạo linh hồn: Lấy đời mình phụng sự xã hội, nước non, chúng sanh. Tuy thân sống trong vòng trần gian ràng buộc với nhiều trách nhiệm làm người, nhưng tinh thần hay tâm hồn thì cao thượng, hướng về đạo, phụng sự đời mà không để đời cám dỗ. Nói khác đi, xác nương đời mà hồn không lìa đạo.

Vui tình Tạo hóa, bảo tồn vạn sanh: Bậc thượng đức không còn phân biệt ta và người cho nên luôn làm ích lợi cho đời, luôn bảo tồn sự sống muôn vật mà không bao giờ thấy có mình làm ơn, không lúc nào thấy có người thọ ơn. Lòng vị kỷ được thay thế bằng lòng trời đất hay là tình Tạo hóa.

Hình ảnh tuyệt đẹp ấy của bậc thượng đức cũng được diễn tả thơ mộng qua lời Đức An Hòa Thánh Nương dạy (CQPTGL, 06-3 Giáp Tý):

Sống đây vũ trụ là nhà,
Tình là non nước, nghĩa là vạn sinh.

*

9. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Đức đã tột, thần hình hòa diệu,
Đạo chói ngời, quan khiếu giao thông,
Dù còn ở chốn trần hồng,
Như non vời vợi, như dòng luân lưu.

TÌM HIỂU:

Trên kia (đoạn 6), trong điều kiện con người còn tu tập, còn mượn “nhục thân vun xới cội lành” thì Đức Đạo Tổ dạy “Thần hình tương ỷ tương sanh”. Ở đoạn này Ngài dạy rằng “thần hình hòa diệu” tức là hồn xác không còn là hai mặt đối lập nữa, và đây là kết quả của quá trình tu tập đến mức “đức đã tột” và người tu khai thông được huyền quan khiếu.

Huyền quan khiếu 玄關竅 là nê hoàn cung 泥丸宮, là linh đài 靈臺, là cốc thần 谷神, nằm trong tâm điểm đầu não con người. Y học gọi nơi ấy là não thất ba. Với hành giả Cao Đài, đó là chỗ ngự của Thiên nhãn nội tại (immanent God’s eye).

Như thế, “quan khiếu giao thông” là mở khiếu huyền quan, là khai Thiên nhãn nội tại, là đạt tới kết quả “Đạo sáng ngời” nơi thân mình.

Thần hình hòa diệu theo lời dạy của Đức Chí Tôn cũng là “Thần hình câu diệu tứ phương cộng đồng” 神形俱妙四方共同 (Cơ quan Phổ Thông Giáo lý, 29-02 Mậu Ngọ). Bốn chữ tứ phương cộng đồng này cũng là ý nghĩa của “hòa hài muôn vật”, “không ngã nhân” ở đoạn 8 trên đây:

Là thượng đức hòa hài muôn vật,
Không ngã nhân, đắc thất, vong tồn

Thần hình hòa diệu (hay thần hình câu diệu) là lúc mà Trang Tử gọi là thể Đạo 體道 (nhập với Đạo trở thành cùng một thể: to identify with Dao).

Đạo đức kinh (chương 25) viết: “Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại nhi nhân cư kỳ nhất yên.” 道大,天大,地大,人亦大. 域中有四大 而人居其一焉. (Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong thiên hạ có bốn thứ lớn, mà người là một.)

Nói “Đạo lớn” thì khó hình dung vì Đạo vô hình. Nói “trời đất lớn” thì dễ hình dung hơn vì trời đất hiện ra trước mắt. Cho nên lấy hình ảnh trời đất lớn để giúp con người dễ liên tưởng tới cái lớn của Đạo. Sau cùng lại nói “người cũng lớn” mà còn e kẻ học đạo không chú ý nên Đức Lão Tử bèn nhắc lại, nhấn mạnh lần nữa rằng người là một trong bốn cái lớn.

Đức Lão Tử không nói người lớn cỡ nào, nhưng hiểu ngầm ở đây là người cũng lớn như trời đất. Con người lớn như trời đất này đương nhiên không hề là phàm nhân tục tử. Đấy chính là bậc “thượng đức”, là người “đức đã tột”, và đã đạt được chỗ “thần hình hòa diệu”.

Tầm cỡ con người vĩ đại ấy được Đức Đạo Tổ ví von một cách thơ mộng là “như non vời vợi”. Vời vợi (vòi vọi) tức là cao lắm, xa lắm. Con người vĩ đại ấy vừa vượt lên khỏi mọi giới hạn của thế gian, vừa là sinh lực tràn chảy như suối nguồn bất tận. Đó là hình ảnh tượng trưng của “như dòng luân lưu”.

*

10. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Tiên thiên khí một bầu thâu liễm,
Dụng nguơn thần trợ hiểm phò nguy,
Vô vi mà vô bất vi,
Dựng đời trị đạo thực thi tài thành.

TÌM HIỂU:

Nguơn thần (nguyên thần) 元神 là điểm linh quang, là phần tiên thiên trong tâm con người. Cái đó chưa bị thất tình lục dục làm nhiễu loạn. Nguyên thần gắn liền với hồn 魂 (dương). Trái lại, thức thần là phần hậu thiên, luôn bị nhiễu loạn do thất tình lục dục. Thức thần gắn liền với phách 魄 hay vía (âm).

Tu luyện theo Đạo gia là luyện hồn chế phách, diệt thức thần để giữ nguyên thần, trở về nguyên tính mà Phật gọi là bản lai diện mục (cái mặt mũi nguyên sơ của mình).

Đức Đạo Tổ dạy “vô vi mà vô bất vi”. Ngài nhắc lại một câu trong chương 37 Đạo đức kinh: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.” 道常無為而無不為. (Đạo thường không làm gì mà chẳng gì lại không làm.) Câu này thường khó hiểu vì mới nghe qua dễ tưởng chừng như nói năng mâu thuẫn.

Để hiểu ý nghĩa vô vi mà vô bất vi hãy trở lại đoạn 8 trên đây: Bậc thượng đức nhờ đã hòa hài muôn vật nên không còn phân biệt có người có ta. Thế nên luôn làm ích lợi cho đời, mà không bao giờ thấy có mình làm ơn, không lúc nào thấy có người thọ ơn. Hành xử như thế tức là vô vi.

Dựng đời: Xây dựng cuộc đời.

Trị đạo 治道: Đem đạo trời đất ra áp dụng cho đời.

Tài thành 裁成: Xén tỉa, điều tiết, bồi đắp cho tốt đẹp hơn.

Dựng đời trị đạo thực thi tài thành: Bậc thượng đức thi hành trách vụ của mình là đem đạo trời đất áp dụng cho đời, nhằm xây dựng, sửa sang, điều tiết, bồi đắp cho cuộc đời tốt đẹp hơn.

*

11. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Người hạ đức còn tranh chấp đức,
Lập đức trong lãnh vực bù trừ,
Có thật thì phải có hư,
Công ơn ắt phải công tư đắp bù.

TÌM HIỂU:

Ba đoạn 8, 9, 10 trên đây đã nói về bậc thượng đức, mẫu người lý tưởng mà hành giả phải đạt tới. Đoạn 11 này nói về người hạ đức với những đức tính, hành vi trái ngược hẳn. Nói gọn, hạ đức làm theo hữu vi, nên có phân biệt ta người, hơn thua, được mất, và làm ơn thì mong được báo đáp. Đó là chỗ Đức Đạo Tổ dạy: Công ơn ắt phải công tư đắp bù.

Lưu ý, công tư 工資 ở đây nghĩa là của cải, tiền bạc đem trao đổi với công việc đã làm. Tiền lương, tiền công thợ (salary, wages) chính là công tư. Đừng lầm với công tư 公私 theo nghĩa chung và riêng (public and private).

*

12. Đức ĐẠO TỔ dạy:


Người tu học trước tu lập đức,
Đạo đức tròn vượt bực thế nhân,
Vào trần chẳng nhiễm bụi trần,
Nhục thân chế ngự, kim thân trau dồi.

TÌM HIỂU:

Đoạn này Đức Đạo Tổ nhắc nhở điều tiên quyết của người tu là lập đức để “vượt bực thế nhân”, tức là trở nên phi phàm. Phi 非 là trái ngược. Phi phàm 非凡 là trái ngược với người đời. Người đời giữa cõi trần luôn lấm nhiễm bụi trần, còn người phi phàm thì “Vào trần chẳng nhiễm bụi trần”. Muốn được vậy, theo Đức Đạo Tổ dạy, người tu phải làm chủ thân xác và thực hành đạo pháp: “Nhục thân chế ngự, kim thân trau dồi.”

*

13. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Đạo có nói ba ngôi mà một,
Nhơn sanh này vốn một trong ba,
Dể duôi nên vướng trần la,
Thiên khuynh địa hãm ái hà giam thân.

TÌM HIỂU:

Ba ngôi là tam tài 三才 (thiên địa nhân). Người là một trong tam tài, tuy ba mà một (tam tài đồng nhất thể).

Hai câu “Đạo có nói ba ngôi mà một,/ Nhơn sanh này vốn một trong ba” trước sau chỉ vẫn một ý. Đức Đạo Tổ nói hai lần mà không qua một ý là để nhấn mạnh giá trị siêu việt của con người, cái giá trị được Trang Tử ca ngợi: Trời đất với ta cùng sinh ra một lượt mà vạn vật với ta là một.

Nhưng giá trị con người trên nguyên tắc càng siêu việt bao nhiêu thì thực trạng nhãn tiền lại càng bẽ bàng bấy nhiêu. Một bên cao chót vót, một bên thấp lè tè.

Vì sao con người không có được giá trị siêu việt? Đức Đạo Tổ đã cho biết lý do: “Dể duôi nên vướng trần la,/ Thiên khuynh địa hãm ái hà giam thân.”

Dể duôi: Coi thường.

Trần la 塵羅: Tấm lưới trần gian. Trần gian ràng rịt, trói buộc con người cũng như tấm lưới bắt chim.

Thiên khuynh địa hãm 天傾地陷: Trời nghiêng, đất vùi lấp.

Ái hà 爱河: Con sông tình ái. Tình ái làm con người chìm đắm cũng như sông sâu sóng cả. Có câu Ái hà thiên xích lãng 爱河千尺浪 (con sông yêu đương nổi sóng cao cả ngàn thước).

Con người coi thường, không bảo trọng địa vị của mình là đồng nhất thể với trời đất. Thế nên người sống trong đời như con chim mắc lưới, như kẻ xuống sông đắm thuyền, ở trên cạn thì đất lở trời nghiêng. Những ẩn dụ dữ dội ấy nhằm minh họa cho chỗ chí nguy của con người nếu như không biết tu để thoát ra khỏi vòng luân hồi.

*

14. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Nho mới dạy Ba giềng Năm mối,
Thích Tam quy Ngũ giới làm đầu,
Đạo dùng Tam bửu luyện trau,
Năm hành sanh khắc diệu mầu tầm tu.

TÌM HIỂU:

Từ đoạn này trở đi Đức Đạo Tổ đem đối chiếu Tam giáo để phô bày cho môn sanh thấy rõ Khổng (Nho), Lão (Đạo), Thích (Phật) ngôn ngữ tuy khác nhau nhưng chung quy chỉ nói cùng một lẽ (Tam giáo nhất lý).

Tương đồng Tam giáo tóm tắt như sau:
KhổngLãoThích
Tam cang Tam bửu Tam quy
- Quân thần cang
- Phụ tử cang
- Phu thê cang - Nguơn thần
- Nguơn khí
- Nguơn tinh - Quy y Phật
- Quy y Pháp
- Quy y Tăng


Theo lời Đức Chí Tôn dạy trong Đại thừa chơn giáo, bài “Thập tự Tam thanh” (28-8 Bính Tý), có thể hiểu như sau:

Nguơn thần trong mỗi người như ông vua làm chủ một nước. Quy y Phật là tịnh dưỡng nguơn thần, bảo trọng chủ nhân ông của mình, tương đồng với đạo vua tôi (Quân thần cang).

Quy y Pháp là giữ gìn nguơn khí, tương đồng với đạo cha con (Phụ tử cang).

Quy y Tăng là bảo tồn nguơn tinh. Bảo tinh thì liên quan tới sắc dục (sex), thế nên tương đồng với đạo vợ chồng (Phu thê cang).

*

15. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Chỗ hòa hợp công phu tác động,
Cấm sát sanh để rộng lòng Nhân,
Trên trời sao Tuế rạng ngần,
Phương Đông ổn định khí thần hòa vui.
Người Can đởm vững ngôi hành Mộc,
Thân khỏi loài tà độc nhiễu nhương…

TÌM HIỂU:

Đoạn 14 trên đây chỉ nói phớt qua về lẽ tương đồng Tam cang, Tam bửu, Tam quy. Từ đoạn này, Đức Đạo Tổ đối chiếu Tam giáo cho môn sanh hiểu rõ lẽ tương đồng giữa Ngũ thường 五常 hay Ngũ đức 五德 (Khổng), Ngũ hành 五行 (Lão), và Ngũ giới 五戒 (Thích).

Sao Tuế 歲星: Tuế tinh, Mộc tinh 木星, sao Mộc, Jupiter.

*

16. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Cấm trộm cắp, không tổn thương,
Hành Kim vượng khí vẹn đường Nghĩa ân.
Trời Thái Bạch muôn phần tỏ rạng,
Đất phương Tây sung mãn điều hòa,
Người thì trường Phế tăng gia,
Kiện hành thông khí mặn mà dưỡng nuôi.

TÌM HIỂU:

Thái Bạch 太白: Kim tinh 金星, sao Kim, Minh tinh 明星, sao Minh, sao Khải Minh 啟明, sao Trường Canh 長庚, sao Mai (mọc lúc rạng sáng, the Morning star), sao Hôm (mọc lúc chiều hôm, the Evening star), Venus.

*

17. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Cấm tà dâm trau dồi đức Lễ,
Hỏa hậu điều tiết chế âm sanh,
Trên trời Huỳnh Hoặc trong thanh,
Phương Nam an định điềm lành việc may.
Người Tâm trường an bài sinh động,
Chủ hình hài huyết thống truyền ban,
Giữ cho thần định khí an,
Vóc hình khang kiện đảm đang trị vì.

TÌM HIỂU:

Huỳnh Hoặc 熒惑: Hỏa tinh 火星, sao Hỏa, Mars.

*

18. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Cấm tửu nhục kiên trì đức Trí,
Thạnh mậu nhờ hành Thủy rưới chan,
Thần tinh soi sáng dặm ngàn,
Đất thì phương Bắc thoát nàn giảm tai.
Người Thận thủy đủ đầy mát mẻ,
Cho bàng quang nhặm lẹ điều hành…

TÌM HIỂU:

Thần tinh 辰星: Sao Thần, Thủy tinh 水星, sao Thủy, Mercury.

*

19. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Cấm điều vọng ngữ hư danh,
Giữ gìn chữ Tín cho thành thiện chơn.
Thổ trung ương trong phần chuyển vận,
Trời Trấn tinh khởi chấn thiên quang,
Đất là Mồ Kỷ định an,
Người thì Tỳ vị kiện khang lưu hành.

TÌM HIỂU:

Trấn tinh 鎮星: Sao Trấn, Thổ tinh 土星, sao Thổ, Điền tinh 填星, sao Điền, Tín tinh 信星, sao Tín, Saturn.

Bảng đối chiếu tóm tắt năm đoạn 15-19 như sau:
Sát sanhDu đạoTà dâmTửu nhụcVọng ngữ
5 đức Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín
5 hành Mộc Kim Hỏa Thủy Thổ
5 sao sao Mộc,
sao Tuế
(Jupiter) sao Kim,
Thái Bạch
(Venus) sao Hỏa,
Huỳnh Hoặc
(Mars) sao Thủy,
sao Thần
(Mercury) sao Thổ,
sao Trấn
(Saturn)
5 phương Đông Tây Nam Bắc Trung ương
10 can Giáp, Ất Canh, Tân Bính, Đinh Nhâm, Quý Mồ, Kỷ
5 khí Ấm áp Mát mẻ Khô nóng Lạnh lẽo Ẩm thấp
5 màu Xanh Trắng Đỏ Đen Vàng
5 tạng Gan, Mật
(can, đảm) Phổi (phế) Tim (tâm) Thận,
Bàng quang
(bọng đái) Lá lách,
Dạ dày (tỳ vị, bao tử)


*

20. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Học tìm hiểu cho rành đạo lý,
Tìm cho thông cốt chỉ bì phu,
Nội tâm ngoại cảnh vận trù,
Thường hành nhật dụng công phu viên thành.

TÌM HIỂU:

Cốt chỉ bì phu 骨脂皮肤: cốt (xương), chỉ (mỡ), bì phu (da).

Vận trù 運籌: Điều khiển, hoạt động.

Nội tâm ngoại cảnh vận trù: Làm sao cho cảnh bên ngoài không chi phối lòng người tu. Cảnh biến đổi mà lòng không biến đổi.

Thường hành nhật dụng 常行日用: Ngày ngày đều thực hành không bỏ sót.

Viên thành 圓成: Thành công trọn vẹn.

Đức Đạo Tổ dạy người học tu phải tìm cho thấu lý. Từ chỗ cạn (ngoài da) đi vào sâu hơn (mỡ, thịt), rồi tới chỗ sâu kín tận cùng (xương, tủy).

Áp dụng, thử hỏi: Từ đoạn 1-13, đang dạy người tu phải lập đức để luyện cho thành bậc thượng đức, vì sao tới đoạn 14 thì Đức Đạo Tổ lại chuyển sang đối chiếu lẽ tương đồng của Tam giáo?

Sự đối chiếu này ngụ ý sâu xa rằng Cao Đài ngày nay vốn là tinh ba chắt lọc từ Tam giáo xa xưa. Thế nên chỉ tu một pháp môn Cao Đài mà vẫn bao trùm, xuyên suốt luôn Tam giáo.

Đây là tấm lòng từ bi cứu độ chúng sanh của Đức Đạo Tổ. Bởi lẽ, có thể một số người tuy học đạo Cao Đài nhưng chưa dứt bỏ hoài nghi, còn ngó đông ngó tây, phân vân cao thấp. Đức Chí Tôn cũng vì thương nên có lần dạy: “Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm vị mình thì hay hơn tuông bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất.” (Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển 2, 21-7-1926)

Lại hỏi: Khi đối chiếu Tam giáo, Đức Đạo Tổ vắn tắt ở Tam cang, Tam bửu, Tam quy nhưng lại rất chi tiết ở Ngũ giới cấm. Vì sao thế?

Khi ban ơn cho thời pháp này, từ đoạn 11 trở lên, Đức Đạo Tổ dạy môn sanh về bậc thượng đức. Nhưng làm sao để trở thành thượng đức? Câu trả lời nằm ở đoạn 12, Đức Đạo Tổ dạy phải lập đức. Hồi khai Đạo, Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đã nói đạo đức cũng như một cái thang vô ngần, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng là ngang bực cùng Thầy…” (Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển 1, 19-12-1926)

Nhưng phải lập đức bằng cách nào? Đức Lão Tử dạy: Đi xa ngàn dặm, bắt đầu từ dưới chân. 千里之行, 始于足下. (“Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ.”, Đạo đức kinh, chương 64). Đi xa thì từ chỗ gần, lên cao thì từ chỗ thấp. Do đó người tu khởi sự lập đức bằng cách giữ Ngũ giới.

Ngũ giới của Phật giáo Nhị kỳ Phổ độ thật ra không khác mười giới của Bà la môn giáo (Ấn Độ giáo)[2] hay mười điều răn của Do Thái giáo[3] trong Nhất kỳ Phổ độ. Sang Tam kỳ Phổ độ, Đức Chí Tôn lập Tân luật nhưng vẫn giữ nguyên Ngũ giới của cựu luật có từ hai kỳ phổ độ trước. Đức Chí Tôn dạy: “Chẳng phải Thầy còn buộc theo cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng.”[4] Đủ thấy thấy Ngũ giới quan trọng biết bao.

Trong năm giới, nếu chưa giữ được trọn đủ thì chí ít phải giữ được giới đầu tiên là không sát sanh. Giữ giới này thì phải ăn chay. Giới này quan trọng và căn bản đến nỗi ngày mới khai Đạo, Đức Chí Tôn đã đại ân xá, cho phép ai ăn chay mười ngày trở lên thì được thọ bửu pháp tức là tu thiền, tập làm hành giả để mon men bước vào con đường học làm bậc thượng đức.

*

21. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Hỡi chư môn sanh! Đạo không nói được chỗ nói, mà làm được chỗ làm. Đọc thơ không nên để đọc thơ, mà cầu lý. Lý đã thông thì việc làm sẽ thành tựu. Lão ban ơn cho chư môn sanh. Nhớ lời Lão dạy.

TÌM HIỂU:

Đạo không nói được chỗ nói: “Đạo khả đạo phi thường Đạo” 道可道非常道 (Đạo đức kinh, chương 1), nếu nói ra được thì cũng chưa tới hết lẽ mầu nhiệm tuyệt đối.

... mà làm được chỗ làm: Đạo vốn vô vi, nhưng không gì mà chẳng làm được. Đây là một khía cạnh khác của “vô vi nhi vô bất vi”.

Đọc thơ không nên để đọc thơ, mà cầu lý: Độc thư cầu lý 讀書求理. Đọc kinh sách để tìm hiểu thấu suốt nghĩa lý thâm sâu. Nhưng không dừng lại ở tri thức, thỏa mãn với kiến văn mà phải thực hành. Trí giả chưa đủ, còn phải tiến lên làm hành giả.

*

22. Đức ĐẠO TỔ dạy:

Chư môn sanh! Vừa có lịnh từ Ngọc Hư Cung chuyển đến. Chư môn sanh thành tâm tiếp Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng lâm. Lão hồi động phủ. Thăng.

TÌM HIỂU:

Động phủ 洞府: Động tiên, nơi ở của ông tiên.

Liền sau thời pháp của Đức Đạo Tổ là thời pháp của Đức Chí Tôn.

*

SUY GẪM:

Tu Cao Đài là tu Tam giáo, tu ba trong một. Đi xa khởi từ gần. Lên cao leo từ chỗ thấp. Muốn làm bậc thượng đức thì người tu bắt đầu từ chỗ lập đức. Lập đức khởi đầu bằng giữ Ngũ giới. Ngũ giới khởi đầu bằng mở lòng Nhân, không sát sanh, học theo đức hiếu sanh của Trời. Thế nên nhập môn rồi thì phải tập ăn chay. Chí ít giữ mười ngày chay cũng đủ điều kiện để xin thọ tâm pháp giải trần lao trong kỳ Ba đại ân xá.

Huệ Khải

________________

Chú thích:

[1] Tham khảo: Tư tưởng Đạo gia 道家思想 của Lê Anh Minh, chương 3, câu 71: Tam khí hợp tịnh vi Thái hòa dã. Thái hòa tức xuất thái bình chi khí. (Thái bình kinh)

三氣合并為太和也.太和即出太平之氣. (太平經).

[2] Mười giới răn của Bà la môn: ahimsa (không giết chóc); satya (không nói dối); asteya (không trộm cắp); brahmacharya (không buông thả theo ham muốn); aparigraha (không tham lam); saucha (phải sạch sẽ, tinh khiết); santosha (biết bằng lòng); tapas (kỷ luật với bản thân); svadhyaya (phải học tập); ishvara pranidhana (vâng phục mệnh Trời).

[3] Điều răn 6-10 của Do Thái giáo: 6. Không được giết người; 7. Không được ngoại tình; 8. Không được trộm cắp; 9. Không được làm chứng dối hại người; 10. Không được ham muốn vợ người ta, không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.

[4] Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển 1. Tòa thánh Tây Ninh, 1964, tr. 29.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides