Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

THẲNG MỘT ĐƯỜNG VỀ


ĐẠT ĐỨC

I. CƠ TẬN ĐỘ KỲ BA
Ngày xưa Phật dạy rằng nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước trong bốn bể. Thật vậy, vì chúng sanh mê mờ mà tạo nên nghiệp; do đó có sanh lão bệnh tử và không biết bao nhiêu thứ khổ khác nữa.
Kẻ nghèo suốt đời chôn chặt tâm hồn và thể xác trong tấm mặc miếng ăn, nào có biết gì thêm. Kẻ giàu tuy sung sướng nhưng sự sung sướng của họ chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu vật chất xác thân, đầu mối của mê mờ tội lỗi. Có tội lỗi là có khổ. Thế nên con người mọi nơi mọi lúc đều lẩn quẩn triền miên trong cái khổ.
Trời sanh con người để chịu khổ ư?
Không, con người vì nghiệp nối chuyền mà có sanh tử luân hồi. Sự có mặt của con người trên thế gian này là công lệ trả vay vay trả, mà cõi đời là nơi giũa mài tôi luyện để tiến hóa. Con người có vào đây mới thấy mất còn, mê ngộ.
Nhưng than ôi! Vào đây là vào cõi ta bà dục giới, vào trong bể khổ sông mê. Bao trò huyễn hóa tục trần ám ảnh, bao danh lợi tài sắc phỉnh phờ khiến cho con người ham luyến, lấy giả làm chơn, lấy hư làm thiệt, đắm say mê mệt, mãi vùi chôn chơn tánh trong oan oan nghiệt nghiệt nối chuyền. Trong đêm trường tăm tối tìm đâu ngọn đuốc soi đường? Trong vũng khổ ao sầu, ai người ra ơn tế độ?
Đức Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Chúa Giê Su, v.v... đã ra ơn tế độ và trở thành những con người bất diệt. Các ngài đã từ trong khổ đau của chúng sanh mà tìm thấy lối ra, khai phóng một con đường. Đó là con đường của sự sống tình thương và lẽ thật. Con đường đi lên duy nhất của vạn hữu chúng sanh. Con đường giải thoát tâm linh, trở về cùng như lai tự thể. Con đường đó là Đạo. Đạo lớn của trời đất ở đây đã trở thành phép mầu cứu thế.
“Sáng nghe được đạo, tối chết cũng được.” ([1]) Thật là lời nói bất hủ.
Ngày nay trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ, một lần nữa Đạo lớn của Trời đến với con người. Ánh bình minh đã lộ, rọi thấu nơi sâu thẳm của lòng người, làm bừng lên những tâm hồn giác ngộ. Muốn giác ngộ phải bươn bả đi lên vì Đạo không ở nơi lý thuyết mà ở nơi thực hành. Ơn giác ngộ không dễ cho không mà đòi hỏi nhiều công phu tu tiến.
Tổ chức Giáo Hội là một công trình giáo hóa, có đủ quy luật Thiên điều thì người học đạo phải tuần tự đi vào quy trình, bước lần lên những nấc cao hơn trên đường về Thượng Đế.
II. VÀO CỬA ĐẠO
Bước đầu của người tín đồ Cao Đài là lễ nhập môn.
Nhập môn là gì? Nhập là vào, môn là cửa. Nhập môn là vào cửa. Cửa đây là cửa Đạo.
Đạo pháp ví như tòa nhà. Vào nhà thì trước phải vào cửa. Nên người vào học đạo thường được gọi là môn đồ, môn đệ hay môn sinh – nghĩa là người học trò trong cửa Đạo, để theo Thầy học Đạo.
Thầy đây là ai? Là Thượng Đế.
Làm môn đệ Thượng Đế là làm đệ tử nhà Tiên. Làm đệ tử nhà Tiên để học đạo là nguyện sanh vào cõi thiêng liêng hằng sống, đoạn dứt thế gian đau khổ, chứng ngộ Đạo lớn của Trời.
Học đạo là học cái gì? Là học cái tự tánh của mình, phát huy cái bản thể Phật tánh, gọi là quy y Phật. Nhưng muốn làm sáng tỏ cái bản lai Phật tánh đó phải nương ở pháp môn, gọi là quy y Pháp. Có pháp môn, nhưng còn phải có người hướng dẫn pháp môn, do đó mà có quy y Tăng. Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng.
Điều kiện đầu tiên của người học đạo là phải biết quy y tam bảo. Quy y nghĩa là nương theo mà về. Nương nơi Phật, nương nơi Pháp, nương nơi Tăng. Về đây là về với tự tánh của mình, trở lại với Đạo (chỗ bản lai, nguồn đầu của trời đất vạn hữu).
Vì vậy, người tín đồ phải:  Tin thờ Thượng Đế. ‚ Tuân giữ pháp môn. ƒ Yêu kính và vâng nghe hàng giáo phẩm, nương vào đoàn thể mà tu.
Ba yếu tố này là kim chỉ nam, là hướng đi duy nhất. Người cầu đạo phải nắm chặt ba yếu tố này mà nương về với Đạo. Không giữ trọn ba yếu tố này là lạc hướng đi, muôn kiếp ngàn đời mất ơn cứu rỗi.
Khi đã tìm thấy hướng đi, tự tâm giác ngộ, quyết chí tu hành, hăng hái lên đường, nhắm thẳng nơi Thầy mà đến.
Vậy phải chuẩn bị hành trang, tạo điều kiện thuận lợi lâu dài; phải dọn mình bằng nguyện lực, tối thiểu giữ sáu hay mười ngày chay trong tháng, tuân y năm điều răn cấm:
- Không sát sanh hại mạng (giữ đức Nhân).
- Không tham lam trộm cắp (giữ đức Nghĩa).
- Không tà dâm (giữ đức Lễ).
- Không say sưa rượu thịt (giữ đức Trí).
- Không nói dối, nói sái quấy... (giữ đức Tín).
Đây là điều giao ước để lọt vào cửa Trời, đổi mới cuộc đời mình trong ơn sống lại. Người cầu đạo phải bền tâm lập chí, tự thắng bao oan nghiệp tiền khiên từ bao kiếp dồn lại.
Trong lễ nhập môn, vị Đầu Họ còn làm phép giải oan để người cầu đạo nhẹ bớt nghiệp sâu tội lớn, nhẹ bớt trở ngại trên đường tu. Để bảo đảm hơn nữa, luật Đạo còn cho thêm hai người hộ trợ, sớm hôm gần gũi trông nom chăm sóc thường xuyên – ấy là hai đạo hữu dẫn tấn.
Để được nhiều ơn phước điển huệ Trời ban, người cầu đạo trọn hết tâm thành, tự mình nói lên lời hứa nguyện, ghi sâu vào tâm não cái ngày mình phục sinh. Lời hứa nguyện của một linh hồn trong ơn cứu rỗi được ghi vào Thiên điều. Chư Phật Tiên, Thánh Thần theo lời hứa nguyện đó mà khải ngộ tâm linh, dắt dìu hộ độ người cầu đạo.
Theo lời Thầy dạy, người nhập môn phải đến trước bửu điện thề liền, nội ngày đem tên vào bộ đạo. Lời thề nhập môn như sau:
“Tôi là (họ tên) ... tuổi ... Thề rằng từ đây biết một đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì thiên tru địa lục.” ([2])
Ấn tượng này ghi sâu vào tâm thức người cầu Đạo một sự cam kết thiêng liêng, không bao giờ chối Thầy bỏ Đạo.
Con người nhiều đời nhiều kiếp sa đọa phàm trần, lạc bước sẩy chân vào sự chết, xa lìa Đạo. Hôm nay gặp kỳ đại ân xá, Thượng Đế ban bố hồng ân, người tín đồ Cao Đài sớm thức tỉnh tu hành, nương theo Đạo Thầy lần bước men chân trên đường trở về với Đạo, hội hiệp cùng Thầy. Thật là ơn phước lớn lao, nhơn duyên hy hữu, muôn năm một thuở.
III. PHẨM HẠNH NGƯỜI CAO ĐÀI
Tín đồ Cao Đài là người giác ngộ ơn cứu rỗi Kỳ Ba do Đức Cao Đài làm chủ. Mỗi người phải thấy được tinh thần nhất quán, dung thông của Đạo; đem cả tâm hồn, thể xác, nguyện trọn đời trung thành, hy sinh phục vụ Đạo; học tập, rèn luyện sự sống tình thương và lẽ thật, v.v… Nghĩa là biết sống theo bản tánh trọn lành thánh khiết của Thượng Đế, điều nhiếp với thiên nhiên, hiểu biết quy luật vũ trụ, phát triển trực giác huệ tâm, hòa đồng cùng vạn vật, mở rộng lòng từ bi hỷ xả, thấy được tự tánh hằng còn, dung thông chứa chở muôn loài, đem thân mình hòa cùng vũ trụ.
Tín đồ Cao Đài luôn luôn tự lực tu chứng và giúp người tu chứng; tôn trọng tổ chức, gìn giữ giới luật, thương yêu, đoàn kết, bảo vệ sự thống nhất của Giáo Hội; có khả năng hướng dẫn quần chúng về với Đạo.
IV. NHIỆM VỤ TÍN ĐỒ CAO ĐÀI
1. Trọn đời không lúc nào ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm hạnh và năng lực phục vụ Đạo.([3])
2. Sẵn sàng hy sinh trọn đời vì Đạo.
3. Thực hiện cho kỳ được lẽ Đạo trong cuộc sống của mình. Nghĩa là phải hiểu Đạo, ăn ở theo Đạo bằng tất cả ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của mình trong mọi lúc, mọi nơi, mọi việc, nhất là những việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.
4. Chăm lo xây dựng Đạo như lo cho tánh mạng của mình.
5. Nêu cao tinh thần thương yêu mọi người. Không phân biệt đời, đạo. Nhìn nhận mọi người cùng bản thể chơn như từ Thượng Đế phú ban.
6. Phục vụ Đạo theo đúng tôn chỉ, mục đích của Đạo. Không phe nhóm thân sơ, lợi danh quyền vị. Không suy tôn, không xu hướng thần tượng cá nhân. Giữ vững tinh thần thống nhất Giáo Hội.
7. Phải gương mẫu và bảo vệ danh nghĩa chung của Giáo Hội. Thực hiện đúng đắn lời dạy của các Đấng và Hội Thánh.
8. Tuân y quyền pháp, luật lệ Đạo. Không vượt cấp, lạm quyền, dua nịnh.
V. THỜ PHƯỢNG
Người tu nương về tam bảo là mong được sự soi sáng chơn tâm tự thể của mình. Đem tự tánh nương vào Thượng Đế (bản thể trọn lành) cũng như đem ngọn đèn chưa sáng mồi vào ngọn lửa để được sự sáng truyền sang. Do đó người tu lấy việc hồi hướng thờ phượng Thượng Đế làm trọng.
Việc thờ phượng Thượng Đế là pháp môn dồi trau tự tánh một cách phổ thông, mà có hiệu lực chắc thiệt vô cùng. Công việc dồi trau tự tánh không phải một ngày một buổi mà phải thường xuyên, liên tục, thiết cận bản thân. Nên luật buộc người đã nhập môn cầu Đạo phải lập Thiên bàn thờ Thầy để phần hồn có nơi quy hướng. Người môn đệ quyết chí theo Thầy thì phải luôn luôn gần gũi bên Thầy, sớm hôm hầu hạ Thầy để học lấy thánh nghi đạo thể, để cho tâm linh mình mỗi ngày một lớn khôn, mỗi ngày một gội ơn thánh hóa.([4])
Thượng Đế là Thần, ngự tại Thiên Nhãn, trong người chúng ta cũng có Thần của Thượng Đế. Thần ấy có sự sáng và sức sống miên trường bất tuyệt, là ngọn đèn huệ hay đèn Thái Cực.
Người tu học đạo là học cách hiệp âm dương, quy tam bửu. Hai chén nước có nắp đậy là cơ giáng thăng, đóng mở cửa âm dương. Hoa, rượu, trà là tam bửu (Tinh, Khí, Thần). Năm cây hương là ngũ phần hương ([5]) hay ngũ khí triều nguơn.([6]) Ngọn đèn Thái Cực luôn luôn chiếu sáng là giữ cho linh hồn mình không giờ phút nào mê mờ đen tối.
Thầy dạy:
Tôn chỉ đạo CAO ĐÀI tỏ rõ
Mượn hữu hình bày tỏ chỗ vô
THIÊN BÀN làm cái bản đồ
Coi ngoài mà biết điểm tô trong mình
Tuy là sự giả hình sắp đặt
Trái trông sao thì mặt cũng in
Người tu phải biết giữ gìn
Chuẩn thằng quy củ mà tìm Thiên cơ
Tại sao lại dạy thờ THIÊN NHÃN
Thiên Nhãn là căn bản chúng sanh
Đó là một Đấng trọn lành
Một ngôi CHÚA TỂ hóa sanh muôn loài ([7])
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
NĂM CÂY NHANG ngũ hành mới tượng
Mới phân ra bốn hướng bốn phương
CẶP ĐÈN là tiểu âm dương
Tức là nhựt nguyệt chiếu chương đêm ngày ([8])
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tinh, khí, thần, trong mình có đủ
HOA, QUẢ, TRÀ thể dụ tam quang
LƯ TRẦM để tại trước bàn
Tiên thiên lập đảnh, hậu càn an lư.([9])
Có người nghĩ rằng người mới nhập môn cầu đạo ăn chay sáu (hay mười) ngày một tháng là bậc hạ thừa Nhơn Đạo, tại sao bàn thờ Thầy có đủ âm dương, ngũ hành, tam bửu là dạy tu Thiên Đạo?
Người tu bước đầu phải ăn chay sáu hay mười ngày, giữ giới hạ thừa Nhơn Đạo, rồi mới lần lần tiến lên. Cũng như người vào nhà thì trước phải qua cửa, nhưng đã vào cửa tất phải bước tiếp vô nhà. Người nhập môn cầu đạo dù chưa trường trai tuyệt dục song hướng đi lên tất phải đến đó. Có đến đó mới qua các tầng công phu cao hơn, đón ơn thánh hóa nhiều hơn.
Thầy đến thế gian để đem con cái Thầy về. Thầy phải tùy trình độ căn cơ chúng sinh mà dắt dìu từng bước. Dù lâu mau sớm muộn cũng phải đi cho đến Thầy. Còn phần Nhơn Đạo là duyên nghiệp tạo ra, xử sao cho tròn xong bổn phận thì thôi. Điều ấy cũng cần, song cần hơn là chúng ta (những chơn linh của Thầy đến thế gian) có nhớ Thầy, tìm Thầy mà về hay không. Điều đó mới quan trọng.
Về bằng cách nào?
Thầy đến dạy Đạo dìu bước chúng ta. Thầy trao cho chúng ta một bản đồ chỉ cho đường đi nước bước. Chúng ta theo Thầy là noi theo cái bản đồ đó mà về. Ơn cứu rỗi ở đó. Cơ tận độ là đó. Thầy nơi đó, mà quyền pháp Thầy cũng nơi đó.
Vì vậy nghi thức thờ phượng tuy hữu vi hữu tướng song ẩn tàng yếu lý vô vi.
Nhà nào được lập Thiên bàn thờ Thầy là nhà đó có Thầy hằng ngự. Có Thầy ngự thì ma quỷ dang xa, phước lành kiết tập, điển huệ trùm bao, thiện khí dương dương, lòng người nương đây mà trưởng dưỡng đạo tâm, tô bồi phước quả.
Vậy bổn phận làm con (mà cũng làm môn đệ của Thầy) là phải biết hết dạ thờ Thầy. Thượng khách đến nhà còn phải trọng vọng dường bao, huống chi là Thầy (Thượng Đế Chí Tôn) đến ở cùng ta, thì ta phải hết lòng thành kính, đem tâm thành lẽ thật mà thờ Thầy, giữ hòa khí trong nhà, thương yêu quý mến mọi người như Thầy thương ta vậy.
VI. PHÁP MÔN LỄ BÁI
1. Lễ bái
Tôn giáo chăm lo phần hướng dẫn tâm linh, phát huy bản thể trọn lành của Thượng Đế nơi tự thân mỗi người. Bằng bất cứ hình thức nào tôn giáo đều dạy con người đem tâm hồn mình hồi hướng, giao cảm cùng Trời, thông công hòa nhập cùng Trời mà nâng bước tiến tâm linh mình ngày thêm thánh thiện. Pháp môn lễ bái là công phu khắc kỷ phục lễ, thuần thiện theo lẽ Trời mà dồi trau tự tánh.
Tâm bệnh con người, theo lời Phật là mạn nghi. Mạn là khinh lờn; nghi là thiếu lòng thành kính trọn tin. Hai căn bệnh này là chướng ngại lớn nhất trên đường tu, vì nó phân hóa sự chí thành thông thần, cắt đứt mọi giao cảm của con người với Thiên điển của các Đấng trọn lành sẵn lòng ban ơn cứu độ.
Công phu lễ bái là pháp môn uốn nắn, kềm chế lậu chướng mạn nghi. Lễ bái là công phu đem tâm tánh con người trở về thuần thiện với lẽ Trời, hiệp cùng tâm vũ trụ. Lễ bái là trừ cái ta ngã mạn, trưởng dưỡng lòng thành. Con người khi đối diện với Thần linh, tất phải đem lòng thành kính nên dễ hòa nhập, dễ thông thần.
Vậy lễ bái là công phu sơ khởi đi vào sinh hoạt tâm linh để lần đến những bước tiếp theo là tịnh định tham thiền, luyện đạo. Sự lễ bái trưởng dưỡng tâm linh phải chuyên cần, đều đặn thường xuyên mới đạt kết quả, tiến bộ mau, nhưng không được tham cầu dục vọng. Sự nuôi dưỡng tâm linh cũng như nuôi dưỡng thể xác, phải thích hợp nhuần nhuyễn, học hỏi và bổ túc thường xuyên, phải thâm hậu và tinh tiến.
Pháp môn lễ bái là cửa ngõ đi vào công phu tu dưỡng nội tâm, phát huy tự tánh, không tôn giáo nào thiếu được, mặc dù phương cách không giống nhau.
2. Công phu cúng nước, quỳ hương
Người vào tu mục đích nuôi dưỡng phần hồn ngày một tinh minh sáng suốt, nên phần thông công giao cảm cùng Thầy bằng công phu cúng nước, quỳ hương được xem là rất quý trọng, cần thiết.
Cúng nước là dâng lễ cúng Thầy theo tứ thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu). Lễ phẩm là bông, trà, rượu. Kinh tụng là những bài có quy định ở Kinh Tận Độ,([10]) hay Kinh Thiên Đạo Và Thế Đạo.
Vì sao phải cúng Thầy vào các thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu?
Nuôi dưỡng phần hồn cũng là nuôi dưỡng thần thể, khí thể, tinh thể. Tinh, Khí, Thần trong con người cũng theo độ số âm dương của trời đất mà có giáng thăng, đóng mở. Như giờ Tý, nhất dương sanh, giờ Mẹo, giờ Dậu âm dương quân bình hỗn hợp, giờ Ngọ nhất âm sanh. Thần khí trong người cũng như trong muôn loài vạn vật đều có sự ứng thông liên hệ theo độ số của trời đất rất ư mật thiết, nên nuôi dưỡng phần hồn phải theo các giờ đó mà khai thông thần khí, mở các khiếu huyệt...
Quỳ hương cũng là phần thông công cùng Thầy rất quan trọng.
Thần thể trong người được tinh minh sáng suốt là nhờ định lực được thâm hậu, định lực thâm hậu là nhờ tâm an khí định, dứt sạch nội chướng ngoại duyên. Phương pháp quỳ hương đối diện cùng Thầy, trực tiếp thông công, nối liền thần thể, là pháp môn công phu phổ thông và có hiệu lực bậc nhất.
Quỳ hương thường sau các giờ cúng, hoặc lúc thuận tiện mà ngoại cảnh thiên nhiên thêm tĩnh mịch, linh khí dồi dào, tâm thần dễ phần tịnh định giao cảm với Thiêng Liêng.
VII. ĂN CHAY, LUYỆN ĐẠO
Ăn chay có các điều lợi ích như sau:
- Không dùng thịt cá là không trực tiếp hay gián tiếp giết hại sinh mạng loài vật; thì giữ được lòng nhân.
- Ăn rau trái hoa quả thì dễ tiêu hóa, ít bệnh tật.
- Ăn chay để răn lòng, ngăn bớt tham dục, lần lần đi vào công phu tu tâm dưỡng tánh.
Ăn chay theo Tiên gia còn có một ý nghĩa khác:
Phàm các vật thực ăn vào biến thành huyết. Huyết sanh tinh. Tinh huyết nuôi thân thể. Tiên gia dùng Tinh luyện Khí, dùng Khí luyện Thần. Tinh, Khí, Thần là ba món báu để kết thành kim đơn xá lợi, nên Tinh phải trong sạch. Tinh trong sạch là nhờ thức ăn ngũ cốc, rau củ, hoa quả. Tinh huyết người ăn mặn bị nhiễm huyết nhục trọng trược của cầm thú nên không thể luyện đạo được.
Thầy dạy:
“Nếu như các con còn ăn mặn [mà] luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng?
Như rủi bị huờn thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn. Mà trược khí lại là vật chất tiếp điển (bon conducteur d'électricité) thì chưa ra khỏi làn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.
Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc nhân tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.
Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo.” ([11])
Ăn chay kỳ là để tập ăn chay trường. Ăn chay trường là để luyện đạo. Nếu ăn chay trường mà không luyện đạo kể cũng uổng. Nhưng ăn chay trường qua sáu tháng mới được luyện đạo, vì qua sáu tháng thì các tế bào trong tinh huyết mới thay đổi hoàn toàn, trong sạch hoàn toàn.
Tân Luật dạy: Trong bậc hạ thừa ai đã ăn chay được mười ngày trở lên, thì thọ truyền bửu pháp đặng.([12])
Thầy dạy:
Nguơn thần, nguơn khí với nguơn tinh
Hiệp lại lâu lâu nó tượng hình
Phá cửa Linh Đài vào bái Phật
Ngũ hành hiệp nhứt rất mầu linh.([13])
Vì vậy luyện Đạo buộc phải trường trai, để nguơn tinh được trong sạch, hiệp với nguơn khí, nguơn thần mà kết thánh thai phật tử.([14]) Luyện châu có nhiều bậc.
Trước nhất là Linh Châu, còn gọi là Hồi Hướng Linh Châu (54 hạt), dùng chung cho đạo hữu nam, nữ. Tiếp theo là Tướng Châu (nam 18 hạt, nữ 108 hạt). Sau đó là Tâm Châu.
Linh Châu có hiệu quả như niệm Phật vãng sanh theo Tịnh Độ Tông. Linh Châu là một phương định thần, không cần điều tâm, điều tức; luyện bất cứ lúc nào rảnh rỗi trong ngày, cương yếu là phải đủ đức tin và lòng hồi hướng. Linh Châu luyện đủ tạng có kết quả, sẽ qua Tướng Châu.
Tướng Châu là thêm một nấc, tâm tức nương nhau, an thần diệt nghiệp. Hàng Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự nam nữ cần phải vào bậc công phu này. Tướng Châu nhiều ngày thuần thục lần đến Tâm Châu.
Tâm Châu là đã trường trai, tuyệt dục, giải thoát tại gia, chuẩn bị vào phần luyện đạo, tức là tam bảo hoàn châu. Lời Thầy dạy: Luyện châu là cái bước đầu / Bước đầu làm được là cầu bước sang. “Bước sang” tức là bước sang phần luyện đạo.
VIII. TÍN ĐỒ CAO ĐÀI VỚI HỌ ĐẠO (THÁNH THẤT)
Chúng sanh vì xa lìa tự tánh mà thánh đức không còn, nghìn đời bị trói chặt trong vòng sự chết. Ma quỷ là chúa của sự chết, ở trong vòng của sự chết là tôi tớ của ma quỷ.
Từ bỏ sự chết trở về với sự sống thiêng liêng của mình, ấy là phục sinh. Phục sinh là sống trong ơn tái tạo của nền tân pháp Đức Chí Tôn, là sống trong quyền pháp tận độ của buổi Tam Kỳ Phổ Độ.
Trong buổi Kỳ Ba tận độ, Thầy đến đem con cái của Ngài về ngôi xưa vị cũ, mở nước Thiên Đàng quy hồi các đẳng linh căn lập thành quốc độ, chuyển nguơn tái tạo lập nên các dòng họ thuộc về Ngài.
Dòng họ này là dòng họ thiêng liêng trong ơn phục sinh tái tạo. Mỗi đạo hữu khi đã quy tùng chánh pháp, chịu lễ nhập môn, là đã phục sinh, sống trong ơn phước này. Kể từ đây có tình nghĩa linh sơn cốt nhục. Ngày còn ở thế thì vui sống trong quyền pháp họ đạo. Ngày về Thầy cũng cùng với họ đạo mình mà đoàn viên tụ họp ở nước Thiên Đàng, muôn năm vui cảnh an nhàn cực lạc.
Quyền lập họ là quyền của Giáo Tông, mỗi Đức Giáo Tông có riêng một tịch đạo. Những họ đạo được lập trong đời Đức Giáo Tông nào là thuộc tịch đạo của Đức Giáo Tông đó, tức là dòng họ của Ngài.
Mỗi họ đạo có một cơ sở tín ngưỡng là thánh thất. Thánh thất có một Đầu Họ vào phẩm Lễ Sanh. Dưới quyền Lễ Sanh Đầu Họ có các Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự nam nữ trông nom các địa phận Đạo, hiệp cùng Đầu Họ trông nom quyền pháp, cứu độ chúng sanh. Ngoài ra còn có Ban Cai Quản coi sóc mọi việc trong họ đạo. Mọi việc làm của Ban Cai Quản đều có sự lãnh đạo của Đầu Họ, sự hưởng ứng giúp đỡ của các Ban Trị Sự và nhơn sanh.
Đầu Họ thay mặt Hội Thánh; Ban Trị Sự thay mặt nhơn sanh; Ban Cai Quản do nhơn sanh bầu ra để thi hành đạo sự. Ba phần này phải hiệp một. Mọi chương trình kế hoạch tiến hành của bốn cơ quan trong họ đạo đều có sự đồng ý của Đầu Họ và nghị quyết của Ban Trị Sự nam nữ.
Đầu Họ lãnh đạo toàn diện, chủ tọa các cuộc họp của họ đạo gồm đủ các Ban Trị Sự và Ban Cai Quản, chủ tọa hội đồng Ban Trị Sự, hội đồng Ban Cai Quản. Ngoài ra Hành Chánh, Phổ Tế, Minh Tra, Phước Thiện đều có sự sinh hoạt riêng của ngành mình, nhưng sự sinh hoạt ấy cũng trong chương trình kế hoạch chung của họ đạo, tương quan, đồng bộ với các cơ quan trong họ đạo.
Phổ Tế lo tài liệu và tổ chức các lớp học tập cho chức sắc, chức việc các ngành, chương trình tu học các cấp đạo hữu, tài liệu dạy các lớp thanh thiếu đồng.
Phước Thiện soạn chương trình lập công tích phước cho các cấp đạo hữu trong kế hoạch kinh tế, tài chính của họ đạo.
Phổ Tế, Phước Thiện còn phối hợp hoạt động về học đường, dưỡng lão, cô nhi, ấu trĩ viện, cùng các cơ sở văn hóa xã hội khác.
Họ đạo là địa bàn thực hiện chương trình cứu độ của Thầy tận cơ sở nhân sinh, khắp hang cùng ngõ hẻm, thì các đạo hữu trong họ đạo phải hết lòng xây dựng chánh pháp của Thầy, phải thấy mình là một thiện dân gương mẫu, một nhân viên giữ đạo, có khả năng truyền đạo.
Phái nữ trong họ đạo tùy tài đức tham gia các ngành, các chức vụ y như phái nam. Ai ai cũng chuẩn bị ngày về cùng Thầy bằng công phu và công quả, bằng lòng thành và sự hy sinh, bằng đức tin kiên cường dõng mãnh, bằng sự đóng góp hết cả tâm hồn, thể xác của mình.
Thượng Sanh coi về thánh thất thì nhân viên Minh Tra ở đây là người của Ngài; toàn đạo phải vùa giúp người của Ngài làm tốt công tác bảo pháp nơi này.
IX. TÍN ĐỒ CAO ĐÀI VỚI TỊNH THẤT
Sau khi thọ lễ nhập môn hay tắm thánh, người thọ lễ đương nhiên là tín đồ Cao Đài.
Nhập môn là vào cửa. Vào cửa tất vào nhà. Nhà đây là thánh thất, tịnh thất.
Thánh thất là nhà thánh, nơi học đạo, lập công của toàn đạo; đó là bước đầu của người vào đạo. Ai cũng qua đây để tô bồi thánh đức, tập giữ tánh tình, nương đây làm trường thi công quả, nương đây tập giữ giới ăn chay; đó là bậc hạ thừa.
Theo Tân Luật, trong hàng hạ thừa ai giữ trai kỳ từ mười ngày trở lên được thọ truyền bửu pháp, vào tịnh thất có người chỉ luyện đạo. Cũng ở Tân Luật, tịnh thất là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào tu luyện. Bậc hạ thừa trai kỳ từ mười ngày được vào tịnh thất thì bậc thượng thừa trường trai giới sát, luyện đạo tu đơn dĩ nhiên là người đã tu luyện tại tịnh thất.
Tịnh thất có điều luật của tịnh thất. Tịnh chủ dìu dắt, hướng dẫn người vào tu tùy theo các bậc tu (trình độ).
Người vào tịnh thất phải có người đạo đức hơn hướng dẫn và có một người đạo hữu bảo hộ. Tịnh thất cấm tất cả người ngoài không được vào, chẳng luận quan viên, chức sắc hay thân tộc, tín đồ. Không được thư tín vãng lai với người ngoài, trừ thân nhân, nhưng phải được tịnh chủ xem trước. Cấm không được chuyện vãn với người ngoài, trừ cha mẹ, con cháu đến thăm [không nói vợ hay chồng], nhưng phải được tịnh chủ cho phép.
Bậc tu thượng thừa vào tịnh thất có cả tín đồ còn đang tại gia và các chức sắc, tu sĩ, nhân viên, chức việc các cơ quan. Người tại gia vào tu với điều kiện là không trở ngại về phần nhơn đạo.
Người vào tịnh thất luyện đạo phải giữ giới thượng thừa, tức là phải trường trai tuyệt dục vì luyện đạo là luyện Tinh, Khí, Thần để có một xác thể thiêng liêng, làm Thần thể mà về Trời. Cái Thần thể ấy là kim thân hay mâu ni xá lợi. Người ở thế gian phải có một xác thể, thì ở các cõi trên, các cảnh giới trên phải có một Thần thể. Điểm linh quang hay linh hồn con người là một ánh sáng; nó cần một thể xác tinh anh, nhẹ nhàng hơn không khí để hiệp hòa tánh mạng hầu có sự sống hằng hữu thiêng liêng.
Vậy thánh thất là cơ sở lập công tạo phước, xây dựng đời sống an vui tại thế gian. Tịnh thất là cơ sở luyện đạo để trở về các cõi trên mà hưởng đạo quả trường sanh bất tử. Nơi rước nơi đưa, đầu đuôi không thiếu được. Nếu đạo pháp không hiện đủ, cơ hiển vi tâm và tướng không hình thành thì con đường cứu rỗi của Thầy làm sao tận độ chúng sanh? Làm sao đem chín mươi hai ức nguyên nhân trở về ngôi xưa vị cũ?
Tịnh thất thuộc về phần tu luyện theo hệ thống tịnh đường của Hội Thánh. Tịnh chủ do Hội Thánh bổ nhiệm. Mỗi họ đạo, thánh thất, hoặc đôi ba thánh thất có chung một tịnh thất. Thánh thất, tịnh thất có sự liên quan chặt chẽ, nâng đỡ và vùa giúp lẫn nhau.
Vào tịnh thất không phân biệt hàng chức sắc hay đạo hữu, tùy cấp bậc tu mà học đạo và luyện đạo.
Thượng Phẩm coi về tịnh thất thì nhân viên Minh Tra là người của Ngài. Toàn đạo phải hết lòng vùa giúp người của Ngài làm tròn nhiệm vụ.
X. TÍN ĐỒ CAO ĐÀI VỚI XÃ ĐẠO
Người được tắm thánh là đạo dòng, tức là đạo hữu có dòng máu đạo từ trong bụng mẹ. Người tắm thánh, người nhập môn đều là đạo hữu, cùng trong một họ đạo hay một nhánh trong họ đạo là xã đạo. Xã đạo là cơ sở sát tận nhơn sanh hơn hết. Xã đạo là một Hội Thánh nhỏ, người nắm quyền pháp nơi đây là Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự nam nữ.
Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự có tâm đức, khả năng thì đạo hữu được học hỏi nhiều và tiến bộ nhiều, khiến cho vẻ đạo được sáng tỏ, tổ chức được uy nghi, đường thánh đức lâng lâng thông suốt, v.v... Nên Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự là cây cờ đạo cắm ở địa phương; người đời nhìn vào đây mà thấy được vẻ đẹp của đạo, giá trị quyền pháp trong ơn cứu rỗi của Thầy.
Phó Trị Sự là Giáo Tông em. Thông Sự là Hộ Pháp em. Người anh, người chị trong địa phương nhỏ phải có tâm đức như Giáo Tông, Hộ Pháp trong địa phận nhỏ của mình. Như thế mới đảm đương được trách nhiệm dẫn dắt nhơn sanh, làm cho toàn đạo mến thương kính nể.
Phó Trị Sự, Thông Sự là người trực tiếp hướng dẫn nhơn sanh, phải chịu nhiều khó khăn; nếu không bền tâm, kiên chí, không lấy tình đạo làm tình nhà, cùng anh em trên kính dưới nhường thì không thể gây được tinh thần đạo đức giữa nhau để làm nền tảng cho bao công trình xây dựng.
Vì vậy, Phó Trị Sự, Thông Sự nam nữ làm sao cũng tạo cho toàn đạo một tinh thần thương yêu thắm thiết đậm đà như ruột thịt, mặn nồng nghĩa chị tình anh, gần gũi ra vào, sớm hôm có nhau, lẽ đạo tình đời trao đổi cho nhau bằng như tình keo sơn gắn bó.
Vậy đạo hữu muốn nên cho mình, muốn nên cho Đạo, phải tôn trọng quyền hành Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự; phải quý yêu quyền pháp ở người mà vâng theo lời chỉ bảo, trên dưới một lòng, trong ngoài duy nhất, cùng tạo cảnh thiên đường hạnh phúc tại thế gian.
Chánh Trị Sự là Đầu Sư em, lãnh đạo một hội thánh nhỏ, sát cận với nhơn sanh, chia vui sớt nhọc với các Phó Trị Sự, Thông Sự; chăm nom giúp đỡ Phó Trị Sự, Thông Sự làm tròn trách nhiệm; buộc các Phó Trị Sự, Thông Sự gần gũi nhơn sanh, nắm vững số đạo hữu từng gia đình một, biết rõ từng người một trong mọi gia đình để nâng đỡ dắt dìu hoặc liệu phương điều độ.
Chánh Trị Sự hằng ngày cầu nguyện và xem xét kỹ lưỡng, ngăn ngừa mọi sai phạm giới quy, uốn nắn mọi lỗi lầm lệch lạc, để ý các mầm non, đặt người trông nom hướng dẫn. Phải tạo cho được lòng hiếu thảo của lớp nhỏ, gương mẫu của người già, đức độ của kẻ bề trên, kính thành của người bề dưới. Ai nấy đều lấy đạo che thân, lấy thành tín làm vinh, lấy thương yêu làm lẽ sống, hòa mình trong ơn tái tạo của Thầy, không cạnh tranh, không thù ghét, không chê bai hờn giận, trách móc gièm pha, mà chỉ một mối tình đậm đà tha thiết, con chung một Cha, thờ chung một Thầy, cùng chung một Đạo, mọi việc quan hôn tang tế, vui khổ sớt chia, gìn giữ mối tình thù tạc vãng lai giữa nhau cho khắng khít.
Rủi có sự bất hòa giữa đạo hữu, hoặc có sự xáo trộn trong bất cứ gia đình nào, toàn Ban Trị Sự phải hợp đồng xúm nhau giải khổ, phải hết lòng cầu nguyện và khắc phục cho kỳ được. Phó Trị Sự, Thông Sự phải vừa giúp nhau làm tròn bổn phận, nhưng không được chia rẽ bất hòa, lẫn lộn quyền hành mà phạm luật.
Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự phải luôn luôn họp bàn hội ý mọi vấn đề về đời sống tinh thần, vật chất của đạo hữu; rút kinh nghiệm, đặt kế hoạch, xây dựng, hướng dẫn đạo hữu, nhất là kế hoạch xây dựng con em trong gia đình đạo, tạo điều kiện cho lớp trẻ có môi trường sinh hoạt đạo, gieo hạt giống đạo trong tâm hồn trong trắng của trẻ bằng mọi hình thức cần thiết.
Những đạo hữu vì sinh kế đi xa, phải thư từ liên lạc, thường xuyên cầu nguyện, hướng dẫn đường tu việc đạo, đừng để cho bỏ Đạo xa Thầy, sai đường lạc lối. Nơi đạo hữu đến có thánh thất thì gởi gắm sinh hoạt, giới thiệu cùng địa phương nơi đến. Thảng như đạo hữu mình có ý kiến xin định cư lâu dài, bằng lòng nhập vào họ đạo nơi đến, thì xin trình họ đạo mình xét. Nếu được sẽ xuất tịch rõ ràng.
Các Phó Trị Sự thay phiên nhau mỗi ngày dâng cho Chánh Trị Sự một người công quả đặng thăm viếng, giúp đỡ đạo hữu đau yếu hoặc tai nạn. Đó là vẻ đẹp của Đạo, Pháp Chánh Truyền có ấn định, song hiện nay chưa có nơi nào thực hiện. Mong rằng điều này sẽ được thấy trong tương lai.
XI. NGƯỜI CAO ĐÀI VỚI ĐỒNG ĐẠO
Người Cao Đài đối xử với nhau đồng nhìn nhận một Cha chung là Thượng Đế, cùng trong môn đệ của Thầy, là bạn đồng hội đồng thuyền trong hồng ân tái tạo. Mối quan hệ không những là chuỗi ngày tạm bợ tại thế gian, mà còn liên quan mật thiết trong cõi vô hình. Mối tình linh sơn cốt nhục đậm đà tha thiết gắn chặt lẽ sống tâm linh thiêng liêng cao cả, đó đây bạn Thánh trò Tiên.
Vì vậy với bổn đạo, người Cao Đài một lòng thương yêu quý mến, thành tâm giúp đỡ, san sẻ buồn vui, gìn giữ nhau trong vòng đạo pháp, nhắc nhở chỉ vẽ nhau lẽ thật điều hư, dìu bước nương chân trên đường về Thượng Đế. Chơn thành cởi mở bao dung, đùm bọc lẫn nhau, giữ trọn lời Thầy là sự sống tình thương và lẽ thật.
Chúng sanh có nhiều căn trí khác nhau nên Trời lập Đạo tùy đó mà bày ra nhiều phương tiện pháp môn tận độ chúng sanh. Cao Đài là một tôn giáo mới có tính cách tổng hợp dung hòa, nên đối với các chi phái dầu hữu vi hay vô vi, người Cao Đài vẫn quý mến nhau trong tình nghĩa một nhà, một Cha, một Thầy. Lòng thương mến nhau bao giờ cũng đậm đà thắm thiết, giúp đỡ nhau chí tình, chơn thành và tận tụy.
XII. TÍN ĐỒ CAO ĐÀI VỚI ĐỒNG BÀO NHƠN LOẠI
Người Cao Đài học tu theo đạo, hành trì pháp đạo là đem đạo vào lòng. Lòng có đạo là có Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Có được tám điều đó là đời sống có Đạo. Đối với người thân trong nhà, bà con lối xóm, đồng bào nhân loại, vạn hữu chúng sanh, người Cao Đài đem tâm đạo của mình mà đối xử với mọi người, nói lên giá trị tâm linh của con người giác ngộ. Với mọi người, mọi việc không quan trọng hóa vấn đề được thua, còn mất, thành bại, mà quan trọng là chỗ đúng đạo hay không. Không đúng đạo thì dẫu vàng bạc châu ngọc cũng không màng. Còn đúng đạo thì dầu có hy sinh tính mạng cũng xem thường ngõ hầu cầu lấy sự sống tâm linh với cái vinh dự con người khí tiết, cốt cách nhà Tiên.
Tín đồ Cao Đài giữ theo lời dạy thiêng liêng: Kính thiên hạ như kính Trời, trọn chỗ chí thành mà an vui với Đạo. Đối với đồng bào, nhân loại xem như ruột thịt chí thân, hết lòng thương yêu giúp đỡ, lịch thiệp và chơn tình. Chuyện đời hay dở, còn mất, lòng người đen bạc đổi thay, đó là việc của người, riêng mình với bổn phận người tu là phải giữ tròn tâm đạo.
XIII. TÍN ĐỒ CAO ĐÀI VỚI CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ
Tín đồ Cao Đài về mặt đạo lo tu tâm luyện tánh, về mặt đời lo tròn nghĩa vụ công dân. Lo tròn nghĩa vụ công dân không có nghĩa là tham gia đảng phái chính trị, mà là làm bổn phận một người dân đối với đất nước và dân tộc mình. Yêu Tổ Quốc, thương đồng bào, lo cho nước giàu dân mạnh, không tranh giành quyền lợi, không kỳ thị rẽ chia. Thế nên tín đồ Cao Đài dứt khoát không tham gia đảng phái chính trị. Tham gia đảng phái chính trị là tham gia các xu hướng khác nhau về chính trị.([15]) Khác nhau tất có mâu thuẫn, mâu thuẫn tất có nghịch thù. Với người chơn tu đạo đức, vô ngã thuần chơn, lòng thương rộng lớn vượt lên trên mọi tranh chấp, kỳ thị bất đồng, làm theo Đạo Trời là bao trùm tất cả, luôn luôn thương yêu cảm hóa mà cứu độ chúng sanh thoát khỏi sông mê bể khổ, tội lỗi vô minh, về chỗ trọn lành là Thượng Đế.

ĐẠT ĐỨC



------------------------------------------
PHỤ LỤC: NGHĨA THẬT CỦA “CHÁNH TRỊ”
Thánh giáo do Đức Tam Trấn Oai Nghiêm Quan Âm Như Lai dạy tại Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 14-01 Kỷ Dậu (02-3-1969):
Chư hiền đệ là những người trong cửa đạo, từ lâu không dám bàn đến hai tiếng chánh trị, vì quan niệm rằng chánh trị là có lập phe lập đảng, có tranh bá đồ vương, có giựt giành quyền thế. Tại hiểu như vậy nên không dám nghĩ và bàn đến hai tiếng ấy. Thật nghĩa của nó là cao quý biết bao
Định nghĩa: Chánh là chánh trực, quang minh, ngay thẳng, đúng đắn, có nhân nghĩa đạo đức và háo sinh. Trị là an ninh, bảo tồn trật tự, hòa thuận dưới trên.
Trên thế gian này, nhân loại vì còn những quốc gia trong vòng loạn lạc triền miên, danh từ chánh trị bị lạm dụng vì người chấp hành không đúng nghĩa của nó. Bởi đó mà danh từ ấy không được đề cập trong cửa tôn giáo hay đạo giáo.
Ngày nay cũng như từ bao giờ, những phần tử tốt, tu hành chân chính trong cửa đạo hằng hoàn thiện hóa từ nội tâm đến ngoại thể con người mình cho đúng với hai chữ đạo đức. Đó là phần vụ tu thân. Còn phần lập công bồi đức là việc tế nhân độ thế, làm những công việc xã hội từ thiện, lấy lý đạo lồng vào việc làm để tỉnh thức kẻ tội lỗi hung ác trở lại đường thiện lương thuần mỹ, giáo dân vi thiện.
Độ được một người vào cửa thiện là giảm đi một phần tử xấu của quốc gia. Độ được một người biết làm công việc giáo dân vi thiện là đã bớt đi hàng trăm phần tử xấu của quốc gia. Nếu độ được trăm, ngàn, muôn, triệu người như vậy thì một quốc gia đã giảm đi rất nhiều khám đường và sẽ chuyển những cơ sở ấy lại thành giáo đường. Như vậy không phải đạo đức là siêu chánh trị hay sao?
Nếu mỗi người thương nhau trong tình đạo hữu, trong tình anh chị em cùng một Cha chung Thượng Đế, lo dìu dẫn nhau, bảo trợ nhau, dạy dỗ nhau như người cùng ruột thịt thì xã hội quốc gia đương nhiên an bình, dân tình được lạc nghiệp. Việc làm ấy trong quyền pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã ấn định rõ ràng từ buổi sơ khai Đại Đạo.
Nếu cấp thừa hành đúng đắn nghiêm minh phổ độ chúng sanh càng đông thì quốc gia xã hội sớm thanh bình thạnh trị. Được thạnh trị nhờ chữ chánh: chánh tâm, chánh trực, chánh tín. Từ lớn chí nhỏ, từ quan chí dân, từ kẻ sĩ phu tới hàng cùng đinh mà được chánh thì lo gì không thạnh trị an ninh, quốc gia cường thịnh, xã hội thanh bình. Đó không phải đạo đức là siêu chánh trị hay sao?
Người làm đạo đức là làm chánh trị trong tình thương giáo dục và bảo tồn.([16])

-----------------------------------
([1]) Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ. (Luận Ngữ: Lý nhân)
朝聞道, 夕死可矣. (論語: 里仁)
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Bổn thứ Nhứt. Sài Gòn: Nhà in Tam Thanh, 1928, tr. 16-17. Đàn ngày 23 rạng 24-4-1926.
([3]) Học tập giáo lý thì tham dự các khóa đào tạo do Hội Thánh tổ chức. Ngoài ra, theo lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo tại Vạn Quốc Tự (07-12-1965), “mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh, hiền truyện”. Vì vậy, mỗi gia đình tín đồ cần có một tủ kinh sách.
([4]) Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Các em phải lo cúng kiếng thường. Một là tập cho chơn thần được gần gũi các Ðấng thiêng liêng cho đặng xán lạn. Hai là cầu khẩn với Ðức Ðại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh. Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên. Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ. Các em nhớ à.”
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển II, đàn ngày 08-5-1933.
([5]) Ngũ phần hương gồm có: giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.
([6]) Thầy dạy:
Còn muốn cho ngũ khí triều nguơn phải dụng công phu định cái tâm, gìn cái ý, bế ngũ quan, thì ngũ tạng hiệp về, tâm hồn thanh tịnh vô vi thì:
Nam phương Xích Đế triều nguơn.
Bắc phương Hắc Đế triều nguơn.
Đông phương Thanh Đế triều nguơn.
Tây phương Bạch Đế triều nguơn.
Các con khá hiểu.
Trước khi con người chưa tu luyện thì mỗi hành ở riêng mỗi chỗ, xa nhau như vầy:

Còn biết tu luyện rồi thì ngũ khí triều nguơn như vầy (dính chồng nhau):
Cao Đài Chiếu Minh, Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 168-169. (Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([7]) Đại Thừa Chơn Giáo, 2011, tr. 231.
([8]) Đại Thừa Chơn Giáo, 2011, tr. 233.
([9]) Hậu là hậu thiên. Đại Thừa Chơn Giáo, 2011, tr. 233.
([10]) Của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
([11]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, ngày 17-7-1926 (08-6 Bính Dần).
([12]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 17-7-1926 (08-6 Bính Dần), Thầy dạy: “Kẻ nào trai giới đặng mười ngày đổ lên thọ bửu pháp đặng.
Chư môn đệ phải trai giới. Vì sao?
Chẳng phải Thầy còn buộc theo cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên Phật đặng.”
([13]) Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 126.
([14]) Đối với Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, luyện đạo là luyện châu.
([15]) Để hiểu hai chữ chánh trị theo quan niệm của đạo Cao Đài, xin xem thêm Phụ Lục ở trang 87-88.
([16]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Mậu Thân - Kỷ Dậu 1968-1969. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 131-132.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides