Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Công Truyền và Tâm Pháp


Thánh giáo tại Chi Hội Phước Thiện, ngày 4 tháng 7 năm ĐĐ.38 (1964)của Đức Thái Bạch Kim Tinh khuyên chư chức sắc các Hội Thánh từ Giáo hữu trở lên phải tu thiền định theo Đại Thừa : Trúc Cơ hay Chiếu Minh

THI:
THÁI hòa xây dựng dễ gì đâu!
BẠCH hắc phân minh ở Ðạo mầu.
KIM thạch dặn ai tua khá giữ,
TINH tường Chánh Pháp mới cao siêu.

Bần Ðạo miễn lễ Chư hiền an tọa nghe.

Từ ngày Thầy thiết lập Cơ Ðạo ở thế gian này, trải qua nhiều thời kỳ để tận cứu chúng sanh, đã dùng nhiều pháp môn, phương tiện nhưng do tay phàm canh cải làm thất lạc Chơn Truyền mà con đường về với Thầy bị bít, không phương thoát tục nên Ðạo thì nhiều, Tôn giáo cũng không ít nhưng con đường siêu sanh liễu tử bị ngăn ngại nên tu thì nhiều mà đắc ngộ lại ít, cũng như Ðạo Phật là một Tôn giáo rất siêu việt thâm diệu, khã dĩ đưa người siêu phàm nhập Thánh, nhưng từ ngày Phật Tổ truyền ban Ðạo Pháp cho Ca Diếp xuống đến Huệ Năng thì không còn có người đủ căn cơ đức độ để thọ truyền Chánh Pháp được nữa nên Pháp nhiệm không còn truyền lại, mà đã thất lạc Chơn Truyền rồi thì chúng ta nương đâu mà tu luyện để thoát vòng luân hồi sanh tử?
Vì lòng từ bi vô lượng của Thầy, thương xót đám sanh linh ở cõi trần này đương lặn hụp nơi biển trầm luân mà hạ mình giáng thế dùng Pháp môn cơ bút để rao truyền Chánh Ðạo kỳ ba này, nguyện tận cứu chúng sanh.
Con đường cứu độ của Thầy có nhiều phương tiện tùy theo trình độ và căn cơ của chúng sanh mà dẫn dắt từ chỗ thấp đến cao cũng như ông Thầy dạy học trò từ lớp này đến lớp khác.
Giữa cõi đời mạt kiếp nầy, loài người đắm say theo đà vật chất nên Thầy lập Ðạo trước nhất dùng thanh âm sắc tướng để tùy theo sự ưa thích của người mà dẫn dắt từ chỗ giả đến chỗ chơn, cũng như cha mẹ dùng bánh kẹo để dỗ con đi học, mục đích cũng mong cho con mau thành đạt, chớ Ðạo đâu ở nơi thanh sắc mà thành.
Ðó chẳng qua là thứ giả tạm mà thôi.
Cái ngày Ðạo đã trưởng thành thì Thầy sẽ dùng một con đường chân thật là cơ Tâm Pháp Bí Truyền để cho người nương theo đấy mà tu luyện, cũng như bộ chìa khóa mở cửa mà vào Bạch Ngọc Kinh, người nào không có nó thì phải chịu đứng ngoài, không có cách gì mà vào được.
Kẻ Thiên phong chức sắc được Thầy ban trao là để nương theo đấy mà lập công đặng trừ những điều tội lỗi mà tiền kiếp đã gây, chứ có phải lấy đó mà gọi là một thứ quyền tước để rồi Ðắc Ðạo đâu!
Ngày xưa Lương Võ Ðế lập được 72 ngôi chùa và làm không biết bao nhiêu phước đức về việc bố thí cho chúng sanh, khi gặp Ðạt Ma, hỏi có công đức như thế nào? Ðạt Ma trả lời: "Không có công đức chi cả, vì đó là pháp hữu lậu mà đã hữu lậu thì chỉ hưởng phước thế gian mà thôi, còn công đức thì cốt ở sự tu tâm luyện tánh. Có tu tâm luyện tánh thì vô minh, phiền não căn trần mới dứt sạch, tự tánh mới dứt sạch, tự tánh mới tỏ sáng mà hiệp cùng bản thể của Vũ trụ, đắc thành quả vị Phật Tiên".
Chứng minh lời Phật đã dạy cho Tu Bồ Ðề trong kinh Kim Cang rằng: "Nếu có chúng sanh lấy của Thất bửu đầy cả Tam Thiên, Ðại Thiên thế giới mà bố thí, so với chúng sanh có người thọ trì “Tứ cú kệ” thì công đức kia cũng không bằng người tu thanh tịnh."
Một điều chứng minh rất quan hệ làm cho ta không thể tưởng nghĩ được là lời Phật đã nói: "Nếu có người có công độ được muôn ngàn vạn ức La Hán, Thanh Văn cũng không bằng người tu giới Ðại Thừa thanh tịnh năm mười phút". Vì La Hán, Thanh Văn còn ở bậc Tiểu Thừa mà người đã tu lên bậc Ðại Thừa của Bồ Tát thì công đức cao lớn vô cùng.
Bởi vậy cho nên Thầy buộc những Chức sắc cấp bậc Hội Thánh từ Giáo Hữu trở lên phải tu theo Thượng Thừa mà Thượng Thừa là giới tu của Bồ Tát trong Ðạo Phật... Bồ Tát đã dứt được vô minh phiền não: tham, sân, si, mạn, không còn ngã nhơn, chúng sanh thọ giả thân, khẩu, ý đã hoàn toàn thanh tịnh. Họ đã hằng phát nguyện đem thân để hóa độ tất cả chúng sanh, nếu chúng sanh không thành Phật thì họ cũng nguyện không thành, luôn luôn giữ lòng từ bi hỷ xả. Người đứng ra nhận lấy quyền năng sứ mạng của Thầy, mang danh là Chức sắc của Hội Thánh thì phải có đức độ như thế nào? Phải tu giới hạnh làm sao? Nếu còn sân si, danh lợi, thị phi thì có khác gì chúng sanh đâu. Mà đã chúng sanh thì làm sao có thể cứu độ được chúng sanh? Khác nào kẻ đui dẫn người mù thì làm sao mà sáng được?
Bây giờ Chư Hiền nơi đây nên bình tĩnh, sáng suốt mà nhật xét. Người thế nào xứng đáng là bậc Hướng Ðạo, là người của Hội Thánh? Cái giá được tôn trọng là ở chỗ nào? Ở nơi danh dự ư? Ta nương với người có quyền thế có thể về cùng Thầy chăng? Hay là ta nương với Ðạo Pháp, lo tu luyện để cho tâm mình được trong sáng đặng hòa hiệp cùng Thầy? Cái gì nên theo? Cái gì nên bỏ?
Con người hiểu được cái Ðạo vô vi thanh tịnh thì đem cả vật báu nhiều gấp trăm ngàn thế giới này mà cho mình bảo phải đổi cái Ðạo thì cũng không thèm đổi. Vì dù cho của báu có nhiều nhưng đó là vật hữu lậu, bất quá ta chỉ được hưởng một thời mà thôi. Chớ cái Ðạo mà ta tu đắc ngộ được toại hưởng đời đời bất sanh, bất diệt. Nếu của thế gian này là quí thì Ðức Thích Ca không lìa ngôi mà bỏ đi tu chịu bao sự khổ hạnh!
Cũng vì lòng từ bi thương chúng sanh trong vòng bát khổ, nguyện tu thành Phật quả để đủ oai đức cứu độ chúng sanh. Tất Ðạt Ða đã hiện thân là Bồ Tát, thấy cảnh sanh, lão, bệnh, tử mà chưa đủ đức độ để cứu mà phải tu cho đến ngày đắc quả vô thượng chánh đẳng, chánh giác rồi mới đi độ người. Thế mà còn có kẻ toan mưu giết hại Phật.
Bây giờ ta thân tâm còn đen tối, qui giới chưa tinh thông mà dám lãnh trách nhiệm cứu thế, độ nhân!
Ôi! Làm một việc quá trái ngược với Ðạo như thế khác nào mù xua đuổi tối thì làm sao tối kia hóa ra sáng được? Ngày xưa Ðạt Ma đã thành một vị Tổ Sư từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa để truyền Ðạo đã hiện thân Bồ Tát. Khi đầu đem Ðạo Pháp truyền bá cho người, người không nghe mà phải lên núi xây mặt vào vách đá 9 năm để thật thanh tịnh và hoàn toàn giác ngộ rồi mới đi độ người.
Bây giờ Chư hiền có mặt nơi đây cũng như người ở nhà đã được Thầy ban cho một trọng trách Ðầu Họ cũng như Chư chức sắc, chức việc một quyền pháp thiêng liêng để thay Trời mà dìu độ sanh linh, nếu không tròn sứ mệnh thì rất đắc tội cùng Thầy mà cũng mất phần cứu độ. Bần đạo biết cơ Ðạo Trung Hưng phải trải qua một cuộc cảo chọn để phân phàm, chọn Thánh nên Lão đã trao Ðạo phục và gởi gấm tín đồ cho trọn quyền chăn giữ thì còn ngần ngại gì, lo sợ gì mà không trổi dậy đem cái sức bình sanh ra mà đảm đương trọng nhiệm? Hay Chư hiền sợ phàm hơn sợ Lão chăng? Sao không sáng suốt để nhận lấy công việc Ðạo? Hay là lòng còn ưng màu sắc thế gian, quyền hành nhân sự? Sao Chư hiền không nghĩ rằng ta lãnh sứ mạng Thầy để làm gì? Ta tu đây để mong hưởng quyền pháp của thế gian hay tu để mong ngày được về cùng Thầy an vui với Bồng lai tịnh cảnh?
Giữa lúc Cơ đạo Trung Hưng bị tan rã, quyền pháp không còn linh. Quyền Pháp ấy đã về tay người Ðầu Họ. Người Ðầu Họ đã được Trời ban trao trọn quyền hành Ðạo, trị Ðạo Chư hiền cố gắng tu luyện lấy thân tâm để xứng đáng một người anh trong Họ Ðạo. Bây giờ chỉ có con đường tu tâm luyện tánh mới có thể cứu khổ sanh linh giữa cõi đời mạt Pháp, ma cường. Nhân sanh chỉ còn đòi hỏi sự cứu vớt cho họ bằng cái đức độ của người Chơn tu. Một người Chơn tu đắc đạo có thể gánh vác tai nạn cho một nước hay một xứ sở, không cần phải học nhiều, nói giỏi, chỉ cần ở người có lòng thanh tịnh một phút cầu nguyện, van vái đều tiêu.
Ngày xưa các bậc Thánh nhân trị đời không cần nói nhiều, làm giỏi mà cốt ở thịnh đức mà thôi! Nên Lão đã nói "Thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo."
Lại nói: "Thức giả Ðạo chi họa ngu chi thủy". Người có học thức cũng là họa của Ðạo, nếu đem sử dụng cái trí thức làm lợi khí hay mưu mẹo để lừa gạt người, thì trí thức là đầu của sự ngu dốt.
Ngày xưa A Nan tu một lần với Phật chỉ chuyên lo phần nói cho nhiều, nhớ cho giỏi. Khi Phật thành rồi mà A Nan còn là Thinh Văn khóc lóc van xin nhờ Phật cứu độ, sau mới được chứng quả La Hán và làm Tổ thứ hai. Còn Huệ Năng không biết một chữ khi gặp Ngũ Tổ, phải xin ngủ nhờ với tăng chúng trong chùa, chịu cực khổ, chỉ biết giã gạo nấu ăn thời gian không được một năm mà được thọ truyền Y Bát.
Xem như thế Ðạo không cốt ở người học giỏi, nói hay mà kém phần Ðạo Ðức thì hóa ra xảo ngôn lịnh sắc.
Lão nhận thấy một số Ðầu Họ và một số Chức sắc, Chức việc đã có thiện duyên với nền Ðạo Pháp. Trải qua một cơn thử thách để phân biệt quặng vàng. Ngày nay đã rõ thứ nào là quặng, thứ nào vàng. Thứ nào là vùng mà đã quặng, thứ nào là vàng, mà đã là quặng thì cũng khó thành vàng, mà đã vàng thì cũng không bao giờ thành ra quặng được. Hễ người nào có thiện duyên với nền Chánh Pháp thì dầu sớm hay muộn cũng được đắc truyền. Không có thiện duyên với nền Chánh Pháp thì không bao giờ nghe được lời nói của Chánh Pháp phát tâm ưa muốn, thì đã được một phần nửa của công việc đắc độ rồi đó. Cái công đức độ được một người tu Thượng Thừa bằng vạn ức người tu Nhơn Ðạo. Một phút thanh tịnh hơn một kiếp làm phước ở thế gian. Ðó là số bí quyết để cho Chư hiền noi theo mà hành đạo sao cho cao đúng với con đường Ðạo Pháp để khỏi sai lầm. Bây giờ Chư hiền hãy nương theo mối dây Ðạo Pháp mà tu hành để dẫn dắt cho chúng sanh dưới quyền pháp của mình, cùng theo một mạch sống.
Ðược như thế thì công đức vô lượng, vô biên, không vì quyền tước hữu lậu mà lãng xao công việc

tu hành, là con đường tận cứu.
Ðường tận cứu Thầy Trời đã mở,
Chư Thiên ân khuyên chớ lơ là.
Ðạo mầu thanh tịnh mà ra,
Ðạo mầu ở chỗ bỏ ta ra ngoài.
Ðạo không ở hẹp hòi bỏn xẻn,
Ðạo là tâm yên lặng thanh cao.
Ðạo mầu khuyên chớ lãng xao,
Lãng xao ma quỉ lọt vào chẳng chơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides