Thi:DI truyền Chơn-Giáo buổi Tam-Kỳ,LẠC Đạo tâm thành khả đắc tri,TIÊN bút nhuận ban nhơn tỉnh thức,QUANG minh bố điển vật năng vi.PHẬT môn khải ngộ huờn minh pháp,Khai sáng Chơn-Truyền toan cứu chúng,Kinh mầu thông triệt đấng huyền-vi.
Chào chư sĩ-tử.Thi:Cảm động Phật Tiên buổi cuối cùng,Nương vầng mây bạc bỏ Kinh Cung,Cứu dân khói lửa tam miền tục,Độ thế tang thương lánh nạn hồng.Gió bụi thương ôi! đời ngắn ngủi,Thanh nhàn sao chẳng muốn thung dung,Kìa xem cơ diệu đà xây đến,Đến buổi hoàng-lương một giấc phùng.Hựu:Huyền linh chẳng vị đổi công đâu,Diệu pháp muốn nên ý nhiệm mầu,Thiên-lý thâm thâm tua kiếm hiểu,Cơ Trời sẽ thấy chẳng bao lâu.
Thiết tha cho trần cấu, thương hại bấy nhơn gian, đấng làm người trong cuộc dinh hoàn, đường Thiên-lý mấy ai kiếm hiểu: Kẻ tin có Trời, thì cầu Trời chứng chiếu, lo lót Thánh Thần đặng làm theo ý riêng của mình đồ danh trục lợi; người không tin thì đánh đổ, chê bai, ngạo mạn, khinh rẻ Phật Tiên.
Chưa mấy kẻ vì lịnh Phụ-Hoàng, vì đời giúp Đạo. Thế nên mãi mãi lạc lầm vào đường mê tín, vào chốn khổ sầu. Cái phép diệu luân chuyển càn-khôn, vận hành nhựt nguyệt, gió bấc, mưa phùn, há không phải cái phép huyền vi cơ Tạo-hóa hay sao?
Cái sự biến đổi, non dời, cồn dâu hóa bể, sanh tử bất kỳ, nạn tai không hẹn, há không phải là phép huyền linh, cơ chuyển vận đó ư?
Than ôi! thế mà cượng cầu cải luật, mê tín cậy quyền thì thử hỏi cuộc đời sống tạm, kìa khách văn-nhân gọi mình bác-lãm quần-thơ, có cầm đặng số mạng mình chăng?
Thử hỏi kẻ vô sĩ gọi mình thao-lược siêu quần, có định nên số kiếp mình đặng chăng? Chẳng qua là hành trong một điểm nhỏ, như đom-đóm chớp kia rồi cũng hóa ra đống tro tàn.
Nhiều khi cũng muốn nắm quyền Chủ-Tể sửa cuộc thiên nhiên, nhưng tạm giả cũng ra trò vô dụng. “Niên, ngoạt, nhựt, thời, giai tải định; tán lai do mạng, bất do nhơn”. Thì ra một bữa cơm đỡ dạ, Hàn-Tín còn chịu ơn Phiếu-Mẫu kia mà.
Đó là cái kết quả của sĩ quân cượng lý. Còn kẻ tu, đổi chác với Phật Trời: mơi kệ chiều kinh, đốt giấy tiền vàng bạc làm như lo lót đặng cầu phước cho đạt lòng dục vọng, thì lại lầm đường mê tín. Cậy thế lực Thần Tiên xin tai tiêu, bịnh giảm, rồi kết quả ra sao?
Lương-Võ-Đế cất 72 kiển chùa, lấy của bất lương rồi cũng phải ngạ tử đài thành.
Ôi, đời như thế mà văn-nhân tao-sĩ như thế, còn nói chi đến Đạo-Đức tinh thần. Ai là kẻ biết thờ Trời kỉnh Phật, biết thương vạn loại, biết trọng kinh-luân, biết đường chánh-giáo, biết tiền căn hậu quả, biết thế sự bình bồng, biết lối giàu sang như mây nổi, biết đường Chánh-Đạo mà lần theo, thì phải biết: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Mới đem thân đến trước Thiên-Bàn tỏ lòng thành kỉnh, đem tâm ra ngoài vòng mê tín mà lập chí giúp đời tu thân hành Đạo. Đó mới là người tu theo Chánh-Tín, bỏ giả về chơn.
Than ôi! Mê-tín hay chánh-tín, đều do ở lương tri, lương năng của vạn loại mà ra. Nhưng đời lắm lối khoe tài, người nhiều phen tự thị, cái chánh tâm thành ý ai rõ đặng, theo lối vật chất ép đè, người lắm khi cải cách.
Một chữ “Biết” dại khôn khó biện, trong nhân quần mấy kẻ tinh thông.
Đời thường rằng: “Khôn sống, bóng chết”, nhưng nơi vật lý thử xem: kìa loài chim Anh-Võ khôn ngoan, có tài học nói như người mà cũng vì khôn của chim, đành phải bị cắt lông vào lồng bó buộc. Kìa loại khỉ múa nhảy như người, khôn lanh quá đỗi, người làm thức tuồng chi, khỉ cũng biết làm đặng vậy. Thế cũng vì khôn, khỉ đành phải chịu xiềng xích hằng ngày. Cái vui thú rừng xanh, nước biếc, động thẩm sơn cao kia, không còn vui thích, mà đành phải chịu bó chân vào cột cái, rường nhà, rồi cũng có cái ngày kia gởi thân cho chó chủ. Kìa con tằm khôn khéo, tơ không cần kéo mà nhuyễn, kén không cần máy mà tròn. Cũng vì khéo của tằm mà đến khi tơ thành kén tốt, rồi không khỏi vào chảo nước sôi!
Thử xem loài ong bay ngàn rừng, muôn núi, góp nhụy tốt bông màu đem về làm ra mật, nhờ khôn khéo mà tạo nên mùi ngọt. Chừng mật đầy ổ thì, ô hô! phải chịu vào mũi khói đuốc tàn.
Ấy là về loài vật, còn cái khôn như loài người, người lại càng chết, lại càng tiêu diệt mau hơn.
Khôn ai bằng Tần-Thỉ-Hoàng gồm thâu lục quốc, đến khi thành nghiệp đế-vương rồi, tính diệt trò, đốt sách, để ngày sau nội giòng họ kế nghiệp xưng vương, nào hay cũng vì cái khôn của Tần-Thỉ-Hoàng, mà khiến các nước ghét ganh mới có cái nạn Hớn Sở diệt Tần, thành ra nghiệp đế Tần chưa đặng hai đời phải hủy sạch. Than ôi! lấy cái tỷ lệ của nhơn tình mà luận vào lý Đạo thì chẳng là thảm trạng lắm ư? Khôn mà chắc gì đặng sống, dại mà chắc gì phải chết, thế nên con người phải “biết” mà giữ lấy tâm hồn, càng lẫn lộn mưu khôn, càng chịu điều cay nghiệt.
Lấy cái trí độ nhơn sanh mà đo cơ Tạo-hóa thì không thế chi chắc được. Đời ôi! nầy thử xem kẻ trọng đời thiên phái duy-vật, người trọng Đạo mến phái duy-tâm, thế mà sự sống cũng chung ăn ở với nhau hằng ngày, cũng hấp thụ nơi ánh thái-dương, lằn quang điển, vậy mà cũng tranh hùng, tự thị, tôn tặng lấy mình. Thử hỏi: nếu chẳng có huyền linh thì dầu duy-tâm hay duy-vật cũng phải điêu tàn tiêu diệt. Biết cho thiệt biết, chớ trọng lấy mình, xét xử công minh mới rõ tình hình của Chơn-lý.
Chơn-Lý, mà tự khoe mình rằng hiểu thì chưa ắt đặng hoàn toàn. Vậy cũng vì năm lỗi bảy lầm mà đời càng ngày càng trụy lạc, Đạo-đức càng ngày càng luân vong. Thảm thương! Trọng khoa-học, tự tôn khoa-học, trọng tinh-thần, tự đỡ tinh-thần, làm cho vạn loại phân vân, cơ đời biến đổi. Đạo-đức từ xưa đến nay trên mặt hoàn cầu nước nào cũng cần phải có khoa-học Đạo-đức cả, nếu có khoa-học mà không Đạo-đức thì người càng thêm làm ác, bằng có Đạo-đức mà không khoa-học thì người lại mê muội biếng lười.
Thế nên nước muốn mạnh, dân muốn khôn thì Đạo-đức và khoa-học cần phải đi cặp với nhau luôn mới đặng. Nay lấy ví dụ mà xét điều mê-tín với chánh-tín, thì hạng văn nhân chỉ trọng ở chỗ lý luận về chỗ giả thuyết mà thôi. Hỏi trọng khoa-học chê Đạo-đức, có phải là mê tín chăng? Hỏi người đời tin ở nơi ngôn luận kia có phải là mê tín chăng? Vậy mê tín hay chánh-tín cần phải xét kỹ bài nầy mới rõ đặng. Chánh tín bao giờ cũng có chủ trương, mà mê-tín bao giờ cũng là giả thuyết. Nếu đem ngoài quyền thế, lấy lẽ công bình thì đời phải cần học tầm ở chỗ Đạo-đức mới đặng thấu triệt máy nhiệm mầu và tấn hóa theo cơ Trời mới có ngày thoát ly tình muội.
Thi:Xót bấy nhơn sanh mãi lạc lầm,Học ăn, học nói, học mưu thâm,Khôn hơn dại đó, khôn là dại,Dại nhịn khôn đây, dại chánh tâm.Biết đặng cơ Trời là thiệt biết,Thông đường Đạo-đức mới nên khâm,Dị-đoan mê-tín thôi đừng trách,Trách có lòng người chước quỉ thầm.
Bần-Đạo chào chư sĩ-tử ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét