Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021
LUẬN VỀ CHỮ “KHỔ”
VĂN PHÒNG PHỔ THÔNG GIÁO LÝ (Sài Gòn)
Tuất thời 14 tháng 5 Đinh Mùi (21-6-1967)
AN-HÒA THÁNH-NỮ, Tệ Nữ xin chào mừng chư Thiên-mạng, chào chư đạo tâm, chư chức việc Cơ-Quan Phổ-Thông Giáo-Lý, chư liệt vị thân hào cố hữu viễn cận hương lân cùng nội ngoại tôn thân.
Hôm nay, Tệ Nữ không dám vì sự gia tư tử tôn mà làm bận lòng chư Bộ Phận Hiệp Thiên Đài và chư quí liệt vị, mà chỉ vì có bổn phận cần phải lập công bồi đức để góp phần vào Tam-Kỳ Phổ-Độ là thời kỳ đại ân xá. Do đó, Tệ Nữ xin bù đắp lại tấm lòng chơn tình của quí liệt vị nên Tệ Nữ nêu ra đây một đề tài mà Tệ Nữ đã học hỏi được và cho đó là con đường giải khổ cho tất cả mọi người và mọi giới ở thế gian còn mang nhục thể trong lớp bụi hồng.
Chư quí liệt vị ôi! ai cũng biết và cũng than thế gian là biển khổ nhưng chưa tìm hiểu tận gốc rễ của sự khổ để đào sâu bứng gốc rễ đó gọi là giải khổ, mà người đời chỉ than suông rồi thôi, để cho mặc định luật, mặc thời vận đẩy đưa. Mọi hoạt động trong buổi đời, muốn làm thì làm, muốn ăn chơi thì ăn chơi, làm tất cả những gì mà tâm trí của mình tự cho là phải, là thích, là thỏa mãn mọi tánh tò mò, chớ không tìm coi sự làm đó sẽ gây ra cái nhân gì và sẽ đem lại kết quả gì.
Thử nghĩ lại mà xem: một đứa trẻ thơ vừa mới chào đời thì đã mở miệng than hai tiếng “khổ a”. Sự than đó có phải chăng than vì điểm linh quang từ cõi thượng giới toàn tri toàn năng nay lại phải mang một mảnh hình hài ô trược, để rồi lăn vùi theo mọi ngoại cảnh trong cõi sắc giới này rồi không ngày trở lại, hay là than thở vì điểm linh quang sẽ phải ảnh hưởng nơi nhục thể, bị bức màn vô minh rồi không sử dụng đúng mức độ của bộ máy tối linh đó cho hạp với Đạo lý.
Người thế gian thường than khổ khi gặp một việc gì bất trắc nan giải. Những tưởng sự khổ nảy sanh trong mọi cảnh, nhưng nào hay đâu sự khổ ấy đã có nguyên thủy từ buổi sơ sanh và cũng nên hiểu rằng: nếu thế gian là bể khổ thì Tạo Hóa đã sanh vạn linh đến đây để làm chi rồi phải chịu đọa đày trong cảnh khổ.
Tạo Hóa đã sanh vạn linh đến cõi hồng trần là đã tạo hóa mọi thủy tú sơn kỳ, quả hoa châu ngọc, và mọi tiện nghi tối thiểu và cần thiết để dinh dưỡng bảo tồn cho vạn linh ấy. Nhưng than ôi! Người sanh trong cõi sắc giới này, vì quá nặng thương cái ta nên đã bị bức màn vô minh buông xuống rồi không nhìn thấy đâu là thiên lý lưu hành.
Nhớ lại mà xem: Sĩ-Đạt-Ta trước kia nào phải thiếu chi về vật chất của một vị Hoàng Tử ở chốn ngai vàng điện ngọc, gác phụng lầu son. Nếu xét về mặt hữu hình vật chất, thì người ấy không còn thiếu chi nữa mà gọi rằng khổ. Nhưng nhờ nơi người là một điểm nguyên căn tá trần, được sớm giác ngộ, liền bỏ chốn ngai vàng điện ngọc để tìm nguyên nhân cội rễ của sự khổ hầu tìm phương giải khổ cho nhân loại.
Nếu người tọa hưởng nơi chốn ngai vàng, chưa chắc gì đã ngộ được giáo lý, và cũng chưa chắc gì đem lời Đạo lý gây được niềm tin cho nhân loại.
Triết lý Phật Giáo cho rằng chúng sanh đang ở trong tứ khổ, đó là: sanh, lão, bịnh, tử. Nhân thế thường hiểu đại khái về bốn khổ đó nhưng chưa đào sâu để tìm thấy mỗi khía cạnh trong mỗi cái khổ. Do đó, từ xưa đã lắm người tu đã tìm thấy nguyên nhân sự khổ, đã biết cách giải khổ, nhưng rồi sự khổ vẫn huờn khổ, nào có mấy ai tự hào rằng mình đã được vẹn toàn thụ hưởng hạnh phúc trần gian ngoài vòng tứ khổ.
Người đời ở trong một hoàn cảnh nào, một khi còn chú trọng về bản ngã, là cái ta, thì không bao giờ được sung sướng. Gần người mình ghét cũng khổ, xa người mình thương cũng khổ, thiếu thốn tiện nghi cũng khổ, dư dả xài không đúng chỗ gây điều tội ác cũng khổ.
Trong tình giao hữu, gặp người nói quấy, nếu dùng lời minh chánh ắt phải phật lòng cũng khổ, bằng nể tình người, nói bọc xuôi theo, nhưng tâm mình nhận xét là sai, cũng khổ.
Trong một đoàn thể, khi luật pháp qui điều đã định, trong lúc đó có một số nhơn viên thừa hành công vụ đi ngoài luật pháp qui điều, một người có quyền hành điều khiển đoàn thể đó, nếu thẳng thắn vì luật pháp qui điều, ắt phải phật lòng bạn rồi mất bạn, mất người phục vụ đoàn thể, cũng khổ. Nếu vì tình để được người cộng sự thì va chạm luật pháp qui điều, cũng khổ.
Trong hai tâm hồn của hai lớp người, một lớp người vì mưu sinh trong bất chính, khi thực hành một việc gì, tự đào sâu trong tâm não, tìm mọi bí quyết để thành công, nhưng chưa tìm ra lối thoát, cũng khổ. Một lớp người kia đang tìm mọi cách để đem lại hạnh phúc cho người đời, nhưng tìm chưa ra hoặc tìm ra mà hoàn cảnh không cho phép để thực hiện ý chí, cũng là khổ.
Thử so sánh lại hai lãnh vực hoạt động của hai lớp người, một lớp phục vụ loại người theo đường lối thanh cao nhơn nghĩa và đạo lý, một lớp chỉ phục vụ cho ích kỷ, cho cá nhơn, cho gia đình trong phương tiện tội lỗi trái đạo lý, cả hai cũng đều là khổ.
Hỡi những ai còn sanh trong vòng thế tục hãy xem mình là hột bụi cỏn con trong sa mạc và một giọt nước li ti trong khe suối, một cánh nhạn tung bay giữa trời nước bao la, một cây thông đứng giữa trời, dang những cành trơ trọi hứng lấy mọi sự biến chuyển của Xuân Hạ Thu Đông, để lòng mình được thênh thang rười rượi mát mẻ theo nhịp thiên nhiên.
Người đời thường nghĩ rằng vào Đạo tìm lý tu thân để giải khổ hầu thành Thần Thánh Tiên Phật, về hưởng thú tiêu dao nơi miền Thiên-Đường Cực-Lạc hay Bồng-Lai Tiên-Cảnh. Nếu đã có ý nghĩ đó là đã gây ra một cái nhân trong bánh xe luân để chờ ngày kết quả là luân hồi chuyển kiếp. Vì còn mang nhục thể, hễ làm một việc gì, tuy chưa làm thì đã nghĩ ngay đến cái lợi sắp đem lại cho mình, mặc dầu cái lợi đó trong hoạt động thiện từ, nghĩa nhân và Đạo lý.
Nếu nói về hạnh thường nhơn, tam phẩm chí nhơn, thì những ý nghĩ đó rất là tốt đẹp, vì chỗ tư lợi đó là bước đầu để dẫn người đời có tánh tham lam đi lần lần vào nẻo thiện. Còn khi muốn giải thoát mọi oan khiên nghiệp chướng ở chốn hồng trần, thì không nên nghĩ đến những gì có lợi cho mình, mặc dầu cái lợi đó hợp lý hợp tình và hợp đạo đức. Khi làm, chỉ làm vì ý thích việc từ thiện nhân ái, vì đạo lý, vì thích hợp với lẽ Trời mà làm, đừng mong vọng, đừng tư tâm những gì sẽ đưa đến. Chỉ một chút đó thôi, được giải khổ hay không cũng một nơi đó. Bởi vì hễ mong muốn là còn dục vọng, còn dục vọng là đã giao nhân trong bánh xe luân, mà hễ luân hồi lên xuống nhiều đời nhiều kiếp không sao tránh khỏi những nghiệp duyên mới trong những kiếp lai sanh. Càng luân hồi là càng gây thêm sự khổ.
Tệ Nữ trước kia kể ra thì sự tu hành công quả chưa có bao. Ngày nay được đắc vị vào hành Thánh Nữ là nhờ những đặc điểm sau đây:
1) Những ngày tàn tạ của chuỗi đời, Tệ Nữ đã trọn thành trọn kỉnh, nhìn nhận rằng trên không đã có bộ máy huyền linh do Trời cai quản sắp xếp mọi điều.
2) Trọn lòng tin tưởng trong việc thiện từ nhơn nghĩa, khuyến khích tử tôn noi theo đàng đạo lý đừng để dở dang, và cũng chính tự mình rán làm những gì có thể được.
3) Đến giờ phút cuối cùng sắp cổi bỏ nhục thể, bao nhiêu ăn năn hối hận những gì trong chuỗi đời đã tạo gây, và xin nguyện nếu được về cõi Tiên Thiên, nguyện sẽ cùng các Đấng tùy duyên hóa độ người đời theo đường Đạo lý để thuận lòng người và hạp lòng Trời.
4) Nhờ công quả và đại nguyện của các con phục vụ Đạo Trời với tất cả tấm lòng thành và mọi sở hữu.
Nhờ bốn yếu tố đó nên ngày nay Tệ Nữ được thoát ngoài bánh xe luân hồi chuyển kiếp, không bỏ một dịp nào có thể khuyên nhủ cùng tỉnh thức người đời.
Tệ Nữ nhớ lại hồi buổi sinh thời, tuy trong phạm vi nhi nữ thường tình, Tệ Nữ đã có những tư tưởng về đạo lý, nghĩ ra thiệt rất buồn cười, nhưng lúc đó nào có biết chi, tưởng vậy là hay là đúng. Tệ Nữ tưởng rằng cứ việc lo làm cho ra tiền bạc thật nhiều, đem cúng Phật cúng Trời để cầu xin Trời Phật phù hộ những gì mình mong đợi, ví như gia quyến được bình an, con cháu làm quan, buôn bán lời to, mua vé số được trúng thêm nữa, v.v...
Nhưng đến giờ phút này, thấy lại những điều đó hoàn toàn là những mong vọng đổi chác trong tinh thần thương mãi. Trời nào chứng kiến và chìu mình đâu. Cũng may lúc bấy giờ, những phương tiện làm ra tiền không đụng chạm đến lỗi niềm đạo lý. Thật ra thì có câu: “Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô căn”.
Khi Trời đất đã ban cho mình có lộc, đừng nên hưởng hết, cũng như được trái ngon đừng nên ăn hết, hãy chừa một số nào đó đem đi ươm để gây giống khác.
Tâm địa một người lập vườn cũng thế, nhưng khác nhau trong hai tư tưởng. Có người lập vườn với bộ óc kinh doanh, sản xuất thật nhiều để đem lại nguồn lợi cho chính mình cũng như con cháu sau này. Có người lập vườn khác cũng có tư tưởng như vậy, nhưng đã thêm một tư tưởng mới. Đó là vì yêu thương nghề, vì thích thú nhìn xem sự nẩy mầm đâm tược cùng sự phát triển của các tầng lớp thảo mộc hoa quả dưới ánh Thái dương.
Mỗi một đêm, sáng ra người chủ vườn đi xem từng chi tiết một trong sự nẩy nở từng loại thảo mộc, rồi thiết tha thán phục máy nhiệm mầu của Tạo Hóa. Hơn nữa, sự lập vườn ngoài mục đích yêu nghề cùng thủ lợi, lại còn nghĩ đến sự sản xuất với vô tư, miễn được sản xuất cho nhiều, nếu không may gia quyến không được hưởng thì cũng có người khác hưởng. Đó là một tâm hồn mới.
Kìa có Thiên Sứ nơi cung Thái-Ất và cũng hết giờ cần phải trở về chầu lịnh. Tệ Nữ xin chào chung chư quí liệt vị, Tệ Nữ xin kiếu từ, thăng...
THỨC TỈNH NGƯỜI ÐỜI
(Tiếp Điển:)
THANH-Y ĐỒNG-TỬ, Tiểu thánh chào chư Thiên mạng, chào chư đạo tâm nam nữ.
Vâng lịnh Thiên-Tôn từ Cung Thái-Ất, Tiểu Thánh đưa hồn MINH-TRA HỒNG-PHƯỚC nhập đàn để hội ngộ cùng đệ huynh trong đôi khắc. Tiểu Thánh chào chung, xin xuất ngoại hộ điển cho chơn hồn, xin kiếu...
(Tiếp Điển:)
MINH-TRA HỒNG-PHƯỚC Hoàng-Ngọc-Tạo, Tệ Đệ chào nhị vị Đạo Trưởng Bảo Pháp và Hiệp Lý, xin chào chung quí vị đạo đức các nơi từ trong đến ngoài hiện diện nơi đây. Tôi mừng chung toàn thể đạo huynh, đạo tỷ, đạo đệ, đạo muội trong Cơ Quan.
Vắng nhau trong một thời gian ở thế trần, nhưng ở miền Tiên cảnh chẳng có mấy ngày. Một buổi tái ngộ, tôi cũng muốn để lại một vài vần thơ lưu niệm.
THƠ RẰNG:
Cất bút đề chơi mấy vận thi,
Gởi người trần tục nhắn tương tri;
Tu hành thì phải tu cho thiệt,
Thành Phật Thánh Tiên có dễ gì!
* * *
Dễ gì chứng quả cõi Tiên Thiên,
Nếu chẳng tu theo hạnh Thánh Hiền;
Năm trược buộc ràng thân nghiệp chướng,
Bốn tường giam hãm kiếp oan khiên;
Thất tình dối gạt tâm ngơ ngác,
Lục dục phỉnh lừa tánh đảo điên;
Bớ Chủ Nhơn Ông rình bắt nó,
Trui rèn ý mã với tâm viên.
LẠI CŨNG THƠ RẰNG:
Tâm viên ý mã được thâu rồi,
Thanh tịnh để lòng được nghỉ ngơi;
Rồi kiếm phi long nơi sáu nhánh,
Kế tìm ngọa hổ tại năm chồi.
Lại qua liên tục khi đi chạy,
Lên xuống luân phiên lúc đứng ngồi;
Cửa đóng then gài xong sáu nẻo,
Khai thông thượng đỉnh lại Cung Trời.
(Thăng...)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét