Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

MỘT CUỘC ĐỜI DÂNG HIẾN



LÊ VĂN TRUNG (1875 – 1934)


Ông Lê văn Trung đến thế giới nầy vào năm 1875 và giã từ ngày 13 tháng 10 năm Gíap Tuất (1934). Với thời gian chỉ 59 năm mà Ngài đã để lại nơi trần thế nầy, một sự nghiệp lớn lao không thể đo lường được.

Thật vậy, khi nhắc tới danh tánh Lê văn Trung, ai là người Việt có nghiên cứu lịch sử trong giai đoạn đất nước Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, đều nghiêng mình kính cẩn công lao của Ngài đối với dân tộc và ai là người tín đồ Cao Đài cũng đều hết lòng ngưỡng mộ cuộc đời đức hạnh của Ngài, đồng thời cũng sùng bái sự nghiệp lớn lao mà Đức Ngài đã cống hiến cho Đạo trong thời buổi sơ khai.

Về phần Đời, Đức Hộ Pháp quả quyết rằng:

“Trót một đời người tìm chưa ra một ai biết thương nòi giống với một tấm lòng nồng nàn như Thượng Trung Nhựt (Thánh danh của Ngài Lê văn Trung). Bần Đạo chưa thấy hai người như vậy.”

Về phần Đạo, Đức Hộ Pháp cũng khẳng định:

“Ngày nay đạo Cao Đài đã nên hình tướng, đã đứng giữa hoàn vũ nầy một cách vinh quang là nhờ lẽ Chơn Thật của nó. Không có lưỡi gươm bén nào trị tinh thần đặng, thì cũng không có lực lượng nào đè nén đặng. Nó phải thắng đời để cứu đời.Một nền Chơn giáo cao thâm, có tinh thần dường nầy sẽ bất tiêu, bất diệt. Đó là nhờ ơn đầu tiên của Ngài khai mở.Chúng ta hãy cúi đầu cầu nguyện và cảm tạ ơn Ngài.”

Nói về sự nghiệp Đạo và Đời của Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung, Thượng Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh đã viết:

“Trên đường hoạn lộ Đức Ngài Lê văn Trung đã được danh vọng tuyệt đỉnh. Trong Nam dưới thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ nếu nói người duy nhứt đứng đầu quần chúng hướng về hạnh phúc của nhơn sanh , tranh đấu cho dân nghèo thì chỉ có Đức Ngài mà thôi. Ngài là một Thượng Nghị Viên độc nhứt được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh.

Đến khi được Thiên Lịnh của Đức Chí Tôn, Ngài lập tức vứt bỏ ngay địa vị, công danh, khoát áo nâu sòng, vui bề khổ hạnh. Danh lợi đối với Ngài lúc bấy giờ chỉ còn là bóng mờ, là cơn ảo mộng. Đức Ngài hiệp cùng Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm , ngày quên ăn, đêm quên ngủ, chung lo khai sáng mối Đạo Trời, mở mang vùng Thánh Địa, Ngài là hiện thân của Bác Ái, của Đức Tin vô cùng kiên cố.”

Nói về sự nghiệp và công đức của Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung, một nhà báo có tên tuổi lúc bấy giờ là Ông Diệp văn Kỳ đã viết bài phóng sự dài về đám tang của Ngài , xin được trích đoạn sau đây:

“ Ông Lê văn Trung đã làm được cái gì? Điều đó chưa biết. Chúng tôi chỉ biết rằng; Từ hôm Ông chết tới nay, ở Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, số người mỗi ngày đến chịu tang lấy muôn mà kể. Gìa trẻ, bé lớn, đàn ông, đàn bà ở lục tỉnh, ở Nam Vang, ở Lào…thảy đều thương tiếc, khóc than chẳng khác nào con mất cha mẹ.Nếu có thể lấy những chuông vải trắng bịt trên đầu làm khăn tang để làm thước đo sự nghiệp, công đức của người quá vãng, thì có thể nói rằng sự nghiệp và công đức của Ông Lê văn Trung là lớn nhứt ở Nam Kỳ vậy.”

Một Phó Trị Sự Phạm Kim Tuyến cũng đã viết:

“ Một Đức Quyền Giáo Tông đã từ bỏ chốn quan trường , từ bỏ cuộc sống giàu sang, danh vọng, tước trong quyền cao…Nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng mà đem thân vào cửa Đạo sống đời đạm bạc, cơm hẩm muối dưa…Thi thố sức tài quyết tâm hiệp cùng chư vị tiền khai gây nền Chánh giáo. Đời hành đạo của Ngài là một chuỗi dài sóng gió, nào là phải nằm gai nếm mật, nào phải nậm đắng nuốt cay bởi miệng thế thường tình, nào phải sa vào lao lý,…Nhưng dạ chẳng sờn, lòng chẳng nãn, chỉ mong đem Thánh Chỉ Đấng Cao Đài truyền bá khắp nơi, dẫn dắt nhơn sanh theo Thầy học đạo, bỏ dữ về lành…”

Nói tóm lại, công nghiệp của Đức Quyền Giáo Tông đối với Đạo quả thật là vô biên. Trong tám năm đầu, nền Đạo mới sơ khai với không biết bao nhiêu là nghịch cảnh , khó khăn đủ điều…Thế mà Ngài đã ra tay lèo lái, mọi sự đều vượt qua. Thật vậy, trong khoảng thời gian kể từ ngày lập Đạo cho đến lúc dời Tòa Thánh về làng Long Thành, Ngài đã trải qua biết bao nhiêu công khó mới gầy dựng nên cơ sở vững chắc mà ngày nay chúng ta hằng thấy.

Thế nhưng Ngài thường nói với mọi người:” Công khó ấy đều nhờ ở lòng tín ngưỡng, thành kính của anh chị em trong Đạo. Công của tôi chẳng bao giờ lớn hơn công của một tiểu giáo nhi .”

Đọc qua lời nói hết sức đơn giản và đầy khiêm nhượng như trên, chúng ta càng thấy nơi Ngài một đức hạnh sáng chói vô ngần, một gương phụng sự cho Đời, cho Đạo …mà người tín đồ Cao Đài cần noi bước.

Hiền Tài Phạm văn Khảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides