Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Nguyễn Công Trứ

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể...

Đôi dòng tiểu sử
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) hiệu là Ngộ Trai, tự là Hy Văn, quê quán tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cụ thân sinh là Nguyễn Tần, đỗ Hương Cống đời nhà Lê.
Buổi thiếu thời, dù sống trong cảnh hàn vi, ông luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ ra làm quan giúp dân, giúp nước. Sau nhiều lần thi hỏng, ông cuối cùng đậu Tú Tài năm 1813 và đậu Giải Nguyên năm 1819.
Hoạn lộ của ông lắm bước thăng trầm: ông làm quan ở nhiều tỉnh, nhiều vùng, có khi lên đến Binh Bộ Thượng Thư, nhưng cũng có lắm lần bị dèm pha giáng chức. Ông giúp triều đình nhà Nguyễn đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa lớn (Lê Duy Lương, Nông Văn Vân, Phan Bá Vành...); làm Doanh Điền Sứ, giúp dân khai khẩn đất hoang (1828)...
Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu.
Nguyễn Công Trứ để lại nhiều tác phẩm chữ Hán (câu đối, sớ) cũng như chữ Nôm (thơ, hát nói, phú, câu đối, ca trù...). Thơ văn Nguyễn Công Trứ phản ảnh khá trung thực sự biến chuyển tâm lý của một nhà nho cổ điển qua từng giai đoạn đời sống. Phần lớn các tác phẩm hào hùng và ngạo nghễ, biểu lộ một bản lĩnh vững chắc, một chí khí mạnh mẽ, và thái độ cầu tiến, vươn lên. Lúc về già, sáng tác của ông lại tìm về tư tưởng an nhàn, hưởng lạc.

Than Nghèo

Chửa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hóa phải vay.
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gắp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này ?

Có lẽ ta đâu mãi thế này,
Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy.
Đã từng tắm gội ơn mưa móc,
Cũng phải xênh xang hội gió mây.
Hãy quyết phen này xem thử đã
Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay ?
Xưa nay xuất xử thường hai lối,
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.

Mãi thế rồi ta sẽ tính đây,
Điền viên thú nọ vẫn xưa nay.
Giang hồ bạn lứa câu tan hợp
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say.
Tòa đá Khương Công (1) đôi khóm trúc,
Áo xuân Nghiêm Tử (2) một vai cày
Thái bình vũ trụ càng thong thả,
Chẳng lợi danh gì lại hóa hay.

Chẳng lợi danh gì lại hóa hay,
Chẳng gì phiền lụy chẳng ai rầy.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặc tỉnh say.
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Của trời trăng gió kho vô tận,
Cầm hạc (3) tiêu dao đất nước này.

Vịnh Cảnh Nghèo

Chẳng phải rằng ngây chẳng phải đần
Bởi vì nhà khó hóa bần thần.
Mấy đời thầy kiện mà thua mẹo,
Nghĩ phận thằng nghèo phải biết than.
Số khá bĩ rồi thời lại thái
Cơ thường đông hết hẳn sang xuân.
Trời đâu riêng khó cho ta mãi,
Vinh nhục dù ai cũng một lần.
-----------------------
(1) Khương Công: tức Khương Thượng (còn được gọi là Khương Tử Nha, Lã Thượng, Lã Vọng) thường ngồi câu ở bến sông Vị trước khi ra giúp vua Chu Văn Vương.

(2) Nghiêm Tử: tức Nghiêm Tử Lăng, người đời Đông Hán, trước khi đắc dụng thường đi cày ruộng ở núi Phú Xuân.

(3) Cầm hạc: điển tích Triệu Thanh Hiến đời Tống đi làm quan ở đất Thục chỉ đem theo một cây đàn và một con chim hạc.

Đi Thi Tự Vịnh

Đi không há lẽ trở về không ?
Cái nợ cầm thư phải trả xong.
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Dở đem thân thế hẹn tang bồng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Trong cuộc trần ai, ai dễ biết
Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.

Chí Nam Nhi

Thông minh nhất nam tử
Yêu vi thiên hạ kỳ (1)
Trót sinh ra thì phải có chi chi,
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
Đố kỵ sá chi con tạo,
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.
Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung,
Cho rõ mặt tu mi nam tử.
Trong vũ trụ đã đành phận sự,
Phải có danh mà đối với núi sông.
Đi không, chẳng lẽ về không ?
----------------------------------
(1) Một người con trai thông minh; nên làm người khác thường trong thiên hạ. Lấy từ câu thơ Đường Giới tiễn bạn đi Trường An:
Nam tử yêu vi thiên hạ kỳ.

Chí Làm Trai

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng (1) vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (2)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
----------------------------------------
(1) Tang bồng: từ "tang bồng hồ thỉ" -- cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng.
Theo Lễ Kinh: cha mẹ mới sinh con trai,
lấy cung tên bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng treo ở ngoài cửa,
có ý mong cho con mình sau này lấy cung tên làm nên sự nghiệp vang thiên hạ.
(2) Hai câu thơ trong bài Quá Linh Đinh Dương của Văn Thiên Tường đời Tống. Người ở đời chẳng ai mà không chết, phải làm sao lưu lại tấm lòng son soi trong sử xanh.

Phận Sự Làm Trai

Vũ trụ chức phận nội (1)
Đấng trượng phu một túi kinh luân. (2)
Thượng vị đức, hạ vị dân, (3)
Sắp hai chữ "quân, thân" mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ (4) dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế (5)
Người thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.
---------------------------------
(1) Chức phận mình ở trong vũ trụ.
(2) Kinh luân: Trong việc kéo tơ, lấy tơ chia ra gọi là kinh, hợp những sợi tơ lại mà se thì gọi là luân (chỉ những người giỏi việc chính trị).
3) Trên vì người có đức (tức vua), dưới vì dân hưng lợi.
(4) tang bồng hồ thỉ: cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Theo Lễ Kinh: cha mẹ mới sinh con trai, lấy cung tên bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng treo ở ngoài cửa, có ý mong cho con mình sau này lấy cung tên làm nên sự nghiệp vang thiên hạ.
(5) Kinh tế: từ cụm từ kinh bang tế thế -- giúp nước cứu đời.

Ngất Ngưởng

Vũ trụ nội mạc phi phận sự (1)
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lòng,
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông, (2)
Gồm thao lược (3) đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc Bình tây cầm cờ đại tướng (4)
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên (5)
Đạc (6) ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dáng từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng. (7)
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không phật, không tiên, không vướng tục.
Chẳng Hàn, Nhạc, cũng phường Mai Phúc (8)
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Đời ai ngất ngưởng như ông.

--------------------------------------
(1) Trong vũ trụ đâu chẳng là phận sự.
(2) Đông: tức tỉnh Hải Dương.
(3) thao lược: Lã Thái Công đời nhà Chu làm ra sách Lục Thao để dạy việc binh. Tiên ông Hoàng Thạch trao Trương Lương sách Binh Thư Tam Lược để giúp Hán Cao Tổ, ý chỉ giỏi điều binh khiển tướng.
4) Khi đem quân đánh thành Trấn Tây ở Cao Miên,
ông được vua phong làm Bình Tây Đại tướng quân.
5) Năm ở kinh đô cởi dây thao đeo ấn từ quan.
(6) Đạc: cái mõ người ta thường treo vào cổ trâu bò để dễ tìm khi chúng đi lạc.
7) Lúc này ông đã về hưu trí, nhưng trong nhà vẫn dập dìu các cô đầu,
ngày ngày hát xướng. Có hôm ông đem các cô lên cả sân chùa mà hát ở đấy!
8) Hàn, Nhạc: tức Hàn Kỳ và Nhạc Phi, hai danh tướng đời Tống.
Mai Phúc: danh nho đời Đông Hán.

Kẻ Sĩ

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên. (1)
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu Hán, vốn sĩ này là quí.
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
hí hạo nhiên chí đại, chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất.
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, (2)
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn. (3)
Xe bồ luân (4) dầu chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.
Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí,
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên. (5)
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lang miếu, ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
Làm sao cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng. (6)
Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch. (7)
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh.

------------------------------------
(1) Tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên.
2) bồng tất: tên hai loại cỏ; cả câu chỉ chốn thảo dã kẻ sĩ ẩn thân lúc chưa gặp thời.
(3) Điếu Vị: tích Lã Vọng xưa ngồi câu bên sông Vị; canh Sằn: tích Y Doãn xưa làm ruộng ở đất Sằn.
(4) bồ luân: xe nhà vua thường dùng để đi rước người hiền về giúp nước.
(5) Ngăn sóng dữ để giữ trăm dòng sông.
(6) Việc chính trị đã định sẵn trong lòng; Việc giáp binh đã sắp sẵn trong bụng; Việc đời đều coi là phận sự của mình; Làm trai như thế mới đáng mặt hào hùng.
(7) Hoàng Thạch: tức Hoàng Thạch Công. Cuối đời nhà Tần, Trương Lương đi chơi ở đất Hạ Bì, đến Dĩ Kiều gặp ông già trao cho quyển Binh Thư Tam Lược mà dặn: "Đọc kỹ sách này sau có thể bình thiên hạ. Sau 13 năm nhà ngươi đến núi Cốc Thành, nếu thấy hòn đá vàng thì biết là ta đấy !" (Vì thế sau này người đời tôn ông lão là Hoàng Thạch Công). Đúng như lời dặn của ông, Trương Lương sau này cố công lớn trong việc giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán.

Cây Thông

Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Vịnh Hàn Tín

So tam kiệt, ai bằng Hàn Tín ?
Một tay thu muôn dặm nước non,
Những ngờ rằng khoán thiết, thư son,
Thái sơn như lệ, Hoàng hà như đái.
Hạp tảo Ngũ hồ song Phạm Lãi,
Khước lưu tam kiệt độc Trương Lương.
Đau đớn thay điểu tận, cung tàn,
Đầm Vân mộng phải mắc mưu con trẻ.
Nếu biết chữ "khả hành, khả chỉ"
Thời Ngũ hồ một lá cho xong,

Chữ Tình

Mưỡu:
Chữ tình là chữ chi chi,
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.
Sầu ai lấp cả vòm trời,
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung ?

Nói:

Đa tình là dở,
Đã mắc vào đố gỡ cho ra !

Khéo quấy người một cái tinh ma,
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy !
Đã gọi người nằm thiên cổ dậy,
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi.

Nực cười thay lúc phân kỳ,
Trông chẳng nói, xiết bao nhiêu biệt lệ.
Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ,
Càng tài tình càng ngốc, càng si.
Cái tình là cái chi chi ?
Làm chi lúng túng trong vòng!

Chữ Nhàn

Thị tại môn tiền: náo
Nguyệt lai môn hạ: nhàn. (1)
So lao tâm lao lực cũng một đàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được?

Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài.
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể.

Thoát sinh ra thì đà khóc chóe,
rần có vui sao chẳng cười khì?
Khi hỷ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi,
Chứa chi lắm một bầu nhân dục.

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn? (2)
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.

Ngã kim nhật tại tọa chi địa,
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi. (3)
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?

Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô riêng một thú thanh cao (4)
Chữ nhàn là chữ làm sao?
---------------------------------
(1) Chợ nằm trước cửa thì huyên náo; trăng soi dưới cửa thì thanh nhàn.
Câu này Nguyễn Công Trứ cũng có ý chơi chữ: Chữ "thị" nằm trong chữ "môn"
thành chữ "náo"; trong khi chữ "nguyệt" nằm trong chữ "môn" thì thành chữ "nhàn".
(2) Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn,
đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?
(3) Hai câu này ở bài tựa truyện Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên. Ý nói: Chỗ ta đang ngồi ngày nay đây, người xưa đã từng ngồi trước ta rồi.
(4) Ông Tô: tức Tô Thức hay Tô Đông Pha đời nhà Tống, một trong Bát Đại Gia của văn chương Trung Quốc, thường hay cùng bạn thả thuyền chơi trên sông Xích Bích. Ông là tác giả của hai bài phú nổi tiếng Tiền và Hậu Xích Bích Phú.

Cầm kỳ thi tửu

Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay,
Đàn năm cung réo rắt tính tình dây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, (1)
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà. (2)
Thú xuất trần, tiên vẫn là ta,
Sánh Hoàng Thạch (3), Xích Tùng (4), ờ cũng đáng!
Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng,
Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng. (5)
Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung
Người ở thế dẫu trăm năm là mấy.
Sách có chữ "nhân sinh thích chí" (6)
Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười,
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các, cho người biết tay.
Tài tình dễ mấy xưa nay.
---------------------------------
(1) Phẩm đề: phê bình. Nguyệt lộ: trăng và hạt móc.
(2) Tiêu sái: phóng khoáng. Yên hà: khói ráng, ý nói cảnh đẹp của đời ẩn dật.
(3) Hoàng Thạch: tức Hoàng Thạch Công. Cuối đời nhà Tần, Trương Lương đi chơi ở đất Hạ Bì, đến Dĩ Kiều gặp ông già trao cho quyển Binh Thư Tam Lược mà dặn: "Đọc kỹ sách này sau có thể bình thiên hạ. Sau 13 năm nhà ngươi đến núi Cốc Thành, nếu thấy hòn đá vàng thì biết là ta đấy !" (Vì thế sau này người đời tôn ông lão là Hoàng Thạch Công). Đúng như lời dặn của tiên ông, Trương Lương sau này
giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán.
4) Xích Tùng: tức Xích Tùng Tử. Theo Liệt Tiên truyện,
Xích Tùng Tử làm quan Vũ sư đời vua Thần Nông, sau đắc đạo thành tiên.
(5) Cung đàn hay, nước cờ sáng suốt; Lòng thơ vui, tính rượu nồng nàn.
(6) Đời Nam Tề, Trương Hàn có câu "Nhân sinh quý thích chí,
tu phú quý hà vi ?" Người ta ở đời cốt thỏa chí mình, nào cần giàu sang làm gì ?

Thoát Vòng Danh Lợi

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể.
Quá giả vãng nhi bất thuyết, (1)
cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Cuộc đời thử gẫm mà suy,
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ,
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
Mặc xa mã thị thành không dám biết,
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
Nào ai, ai biết chăng là?
----------------------------
(1) Lấy ý ở sách Luận Ngữ: việc đã qua rồi không nên nhắc nữa.

Vịnh Tiền Xích Bích

Mưỡu:

Gió trăng chứa một thuyền đầy,
Của kho vô tận biết ngày nào vơi ? (1)

Nói:

Ông Tô tử (2) qua chơi Xích Bích, (3)
Một con thuyền với một túi thơ.
Gió hiu hiu mặt nước như tờ,
Trăng chênh chếch đầu non mới ló.
Thuyền một lá xông ngang ghềnh bạch lộ, (4)
Buông chèo hoa len lỏi giữa sơn cương.
Ca rằng: quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang,
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương. (5)
Người ỷ ca (6) réo rắt khúc cung thương,
Tiếng tiêu lẫn tiếng ca vang mặt nước.
Sực nhớ kẻ cầm ngang giáo vịnh câu thơ thuở trước (7)
Nghĩ sự đời thêm cảm nỗi phù du. (8)
Đành hay trời đất dành cho
Hai kho phong nguyệt nghìn thu hãy còn.
Còn trời còn nước còn non.
-----------------------------------
(1) Lấy ý từ bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức (xem chú thích (2) ở dưới): Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt, thử tạo vật chi vô tận tạng, nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích -- Chỉ có gió mát ở trên sông, trăng sáng ở sườn núi là kho vô tận của tạo vật mà ta với ngươi cùng thích.
2) Tô tử: tức Tô Thức hay Tô Đông Pha đời nhà Tống, một trong Bát Đại Gia của văn chương Trung Quốc, thường hay cùng bạn thả thuyền chơi trên sông Xích Bích. Ông là tác giả của hai bài phú nổi tiếng Tiền và Hậu Xích Bích Phú. (3) Xích Bích: tên khúc sông nay ở huyện Gia Ngư tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Xưa vào thời Tam Quốc, tướng Đông Ngô là Chu Du mượn gió do Gia Cát Lượng cầu, dùng hỏa công phá tan hơn 80 vạn quân Tào Tháo ở đây. Tương truyền các sườn núi đá ở đây bị lửa đốt nên đỏ rực lên, người đời sau gọi là Xích Bích.
(4) bạch lộ: sương trắng
(5) Chèo quế sào lan; Đập bóng sáng chèo ngược sóng lên; Nao nao lòng ta;
Nhớ mỹ nhân ở một phương trời.
(6) ỷ ca: dựa vào bài hát mà họa lại.
(7) Tác giả nhắc chuyện năm xưa trên sông Xích Bích, gặp đêm thu trăng sáng, Tào Tháo uống rượu say rồi cầm giáo ra đứng ở đầu thuyền mà hát;
bài hát có ý coi thường thiên hạ.
(8) phù du: con vờ, sống trên mặt nước, sớm nở chiều chết. Từ sách của Trang tử: "phù du triêu sinh mộ tử". Ngày nay người ta thường dùng để ám chỉ những gì hư ảo, thoáng có thoáng không ở trên đời.

Vịnh Hậu Xích Bích

Sông Xích Bích vừng trăng sáng tỏ,
Ông Tô tìm thú cũ dạo chơi.
Bóng quang âm (1) nào đã mấy mươi,
Mà non nước xui nên lòng cảm kích.
Thi thành nhất bức thiên sơn tịch
Cô hạc hoành giang lược tiểu chu. (2)
Suốt năm canh bên gối mơ hồ,
Chiếc thuyền luống đi về trong bóng nguyệt.
Khách cười nói hỏi tên gì chẳng biết,
Liếc trông ra nào thấy đâu nào.
Ấy người hay hạc xinh sao.
-----------------------------------
(1) quang âm: ánh sáng và bóng tối của ngày đêm, ám chỉ thời gian.
(2) Xong một bài thơ nghìn dãy núi lặng im; Ngang sông một con chim hạc lẻ loi vượt qua chiếc thuyền con.

Tương Tư

Tương tư không biết cái làm sao,
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào ?
Lúc đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước,
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào.
Một nước một non người một ngả,
Tương tư không biết cái làm sao?

Vịnh Thúy Kiều

Đã biết má hồng thời phận bạc,
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt, thoa đành phụ nghĩa Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thì cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế !
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai !
Nghĩ đời mà ngán cho đời.

Già Cưới Nàng Hầu

Trẻ tạo hóa ngẩn ngơ lắm việc,
Già Nguyệt ông cắc cớ trêu nhau.
Kià những người mái tuyết đã phau phau,
Run rẩy kẻ tơ đào còn manh mảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh,
Nhất tọa lê hoa áp hải đường.
Từ đây là tạc đá, nghi vàng.
Bởi đâu trước lựa tơ, chắp chỉ.
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ,
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.
Tình đã chung lứa cũng phải vam,
Suốt kim cổ lấy làm phận sự,
Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ,
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành.
Xưa nay mấy kẻ đa tình,
Lão Trần là một với mình là hai.
Càng gìa, càng dẻo, càng dai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides