TS. Sanjay Gupta – chuyên gia trong lĩnh vực khoa học thần kinh, trưởng ban y tế của CNN cho biết, trong vòng 2 tháng kể từ lần gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma, ông đã trở thành một người hoàn toàn khác.
Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Nguồn: CNN
“Gia đình và bạn bè từng mô tả tôi là một người thú vị nhưng ‘hiếu động’ và cáu kỉnh. Tuy nhiên, những tính khí 'khó chịu' đó đã biến mất hoàn toàn trong thời gian gần đây... Giờ đây, tôi không cần phải cố gắng nhiều khi duy trì sự chú ý và tập trung khi chơi với đứa con nhỏ của mình. Thay vì liên tục 'giám sát' điện thoại, tôi nhận ra niềm vui của việc được sống trong một thế giới không bị phân tâm”, ông chia sẻ trong một bài viết trên CNN.
TS. Sanjay Gupta. Nguồn: CNN Sau đây là câu chuyện về sự thay đổi kỳ diệu của TS. Sanjay Gupta:
Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 2016, khi tôi có cơ hội dành một buổi sáng để thiền hành cùng nhà sư Đạt Lai Lạt Ma (Đạt Lai Lạt Ma là danh hiệu của một nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng thuộc trường phái Cách lỗ. Vị Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là vị thứ 14, sống lưu vong tại Ấn Độ từ 1959 đến nay, ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989, đồng thời là người đại diện Phật giáo hiện nay trên thế giới).
Thiền không phải là việc dễ dàng, ngay cả với Đạt Lai Lạt Ma
Ở tuổi 81, Đạt Lai Lạt Ma vẫn duy trì một lịch trình làm việc hiệu quả mỗi ngày. Để bắt đầu, ông thức dậy lúc 2h40 và bắt đầu thiền lúc 3h sáng, khi hầu hết mọi người xung quanh vẫn còn đang ngủ.
Trước khi bước vào khu vực cá nhân của Đạt Lai Lạt Ma, tôi và những người đi cùng được nghe một số lưu ý như: bắt tay là cử chỉ có thể chấp nhận nhưng phải được thực hiện bằng cả 2 tay, cố gắng đừng quay lưng về phía nhà sư khi rời khỏi phòng, mặt đối mặt với ông càng nhiều càng tốt, đừng hướng chân về phía ông trong lúc ngồi trên sàn…
Ngay sau đó, cánh cửa mở ra, tôi và mọi người được bước vào căn phòng giản dị của Đạt Lai Lạt Ma – nơi ông đang chìm sâu vào thiền định. Tôi cởi giày, ngồi xếp bằng ở một góc phòng để tránh đưa chân về phía nhà sư, nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở.
Vài phút sau đó, giọng Đạt Lai Lạt Ma vang lên: “Các vị có câu hỏi nào không?”. Tôi ngước lên, nhìn thấy khuôn mặt đang mỉm cười của Đạt Lai Lạt Ma và trả lời: “Thiền quá khó với tôi”.
“Tôi cũng vậy. Thiền hành mỗi ngày trong 60 năm qua, nó vẫn khó”, Đạt Lai Lạt Ma đáp lại.
Tư duy hiệu quả hơn nhờ thiền định phân tích
Phải thú nhận rằng tôi có một nỗi ngạc nhiên pha lẫn cảm giác yên tâm khi nghe được một điều rằng, ngay cả Đạt Lai Lạt Ma – vị tu sĩ Phật giáo, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng – cũng "gặp rắc rối" với thiền.
“Tôi nghĩ anh sẽ thích thiền định phân tích”, Đạt Lai Lạt Ma gợi ý với tôi. Nghĩa là thay vì hướng sự tập trung vào chỉ một đối tượng được lựa chọn trước, tôi nên nghĩ về một vấn đề đang cố gắng giải quyết hoặc một chủ đề mình đang quan tâm. Đạt Lai Lạt Ma muốn tôi tách biệt một vấn đề cụ thể ra khỏi mọi thứ khác, đặt nó vào trong một “chiếc bong bóng” rộng rãi và rõ ràng.
Với đôi mắt nhắm lại, tôi nghĩ về một điều đang thôi thúc mình, một vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Khi tách biệt và đặt nó vào một “chiếc bong bóng” như lời hướng dẫn, một số thứ đã xảy đến một cách tự nhiên. Vấn đề đó đã nhẹ nhàng “nổi lên” và hiện ra rõ ràng trước mắt tôi. Trong tâm trí của mình, tôi thậm chí có thể tùy ý “xoay” hay “lật úp”, “lật ngửa” nó.
Và tôi nhận ra, đây chính là một bài tập để phát triển khả năng “siêu tập trung”. Bởi khi “chiếc bong bóng” nổi lên, nó đã tự bứt mình ra khỏi những yếu tố khác, chẳng hạn như những cảm xúc chủ quan. Lúc vấn đề “tự cô lập” lại như vậy, tôi có thể thấy nó hiện ra dưới một góc nhìn hoàn toàn rõ ràng.
Trên thực tế, chúng ta thường để những yếu tố cảm xúc không liên quan làm mờ đi giải pháp hiệu quả ở ngay trước mắt. Nó dễ dẫn đến cảm giác chán nản. Theo Đạt Lai Lạt Ma, thông qua thiền định phân tích, chúng ta có thể sử dụng tư duy logic và tính hợp lý để nhìn nhận những nghi vấn một cách rõ ràng hơn, tách bạch chúng ra khỏi những suy nghĩ không phù hợp, xóa đi những nghi ngờ và dễ dàng tìm ra những lời giải đáp hoàn toàn sáng tỏ.
Đây là một phương pháp rất đơn giản và hợp lý, và quan trọng nhất là nó cực kỳ hiệu quả với tôi.
Món quà quý giá dành cho cả những người hoài nghi nhất
Là một chuyên gia trong lĩnh vực khoa học thần kinh, tôi chưa từng nghĩ rằng một tu sĩ Phật giáo, dù là Đạt Lai Lạt Ma, có thể dạy mình cách kết hợp hiệu quả giữa việc suy luận và tư duy đa chiều (critical thinking, đôi khi được dịch là tư duy phản biện) vào trong cuộc sống. Nhưng đó chính xác là điều đã xảy ra.
Nó đã hoàn toàn biến đổi tôi theo một chiều hướng rất tích cực. Từ đó, tôi luyện tập thiền định phân tích mỗi ngày, thường là vào lúc sáng sớm.
2 phút đầu tiên vẫn là giai đoạn khó khăn nhất. Đó là lúc tôi tạo ra “bong bóng suy nghĩ” để nó “nổi lên”. Sau đó, tôi sẽ đạt được trạng thái có thể được mô tả là “trạng thái trôi chảy”. Khi đạt đến trạng thái này, 20 – 30 phút trôi qua thật sự dễ dàng.
Nhờ đó, tôi tin tưởng hơn bao giờ hết rằng, ngay cả những người hoài nghi nhất cũng có thể đạt đến thành công với phương pháp thiền định phân tích này.
Trong những ngày nghỉ, tôi dành nhiều thời gian nhất có thể để truyền đạt lại bài học tư duy thú vị này từ Đạt Lai Lạt Ma đến gia đình, bạn bè, và dạy họ các nguyên tắc cơ bản của thiền định phân tích. Và hơn tất cả mọi thứ khác, đây chính là món quà mà tôi mong muốn được gửi tặng đến mọi người nhất.
Theo Bích Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét