Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

TÍNH MỆNH SONG TU


Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ phiên dịch

TU THỂ XÁC LẪN THẦN HỒN.

Về phương diện tu trì, tất cả các môn phái Đạo Lão đều chủ trương TÍNH MỆNH SONG TU. Vậy chúng ta cần nghiên cưú vấn đề.

Trong chương này, ta sẽ lần lượt khảo sát:

1. Tính Mệnh là gì?

2. Thế nào là Tu Tính?

3. Thế nào là Tu Mệnh?

4. Thế nào là Tính Mệnh Song Tu?
1. TÍNH MỆNH LÀ GÌ?
A. Theo đại đa số, thì Tính là Thái Cực, là Tuyệt đối, Mệnh là Âm, Dương là Tương đối.

Sách Tiên Học Tập Cẩm viết: “ Thái Cực là Tính, Lưỡng Nghi là Mệnh. Tuy có 2, nhưng thực ra thời Tính làm chủ. Tính không sinh diệt, còn Mệnh thời không sinh diệt. Tính vô thuỷ chung, mà Mệnh thời có thủy chung.”

Khưu Xử Cơ, trong quyển Đại Đơn Trực Chỉ viết:” Bí quyết Kim Đơn là tại hai chữ TÍNH, MỆNH mà thôi.

TÍNH là Trời, thường tiềm ẩn nơi đỉnh đầu, Mệnh là Đất, thường tiềm ẩn ở rốn. Đỉnh Đầu là TÍNH CĂN, rốn là MỆNH CĂN. 1 căn, 1 đế là căn nguyên, là tổ trời đất. TÍNH ở trong Đầu, là Diên, là Hổ, là Nước, là Kim. MỆNH ở nơi rốn, là Cống, là Long, là Hỏa, là Rễ...”

Tào Văn Dật nữ chân nhân viết:

Thần thị Tính hề, Khí thị Mệnh,

Thần bất ngoại trì, Khí tự định.

Bản lai nhị vật, cánh thùy thân.

Thất khước tương hà vi bản tính?

Dịch:

Thần ấy TÍNH kia, Khí ấy MỆNH,

THẦN chẳng ngoại trì, Khí tự định.

Tính Mệnh chẳng thân, thân chi khác?

Mất Tính, Mệnh đi, âu sính vính.

Chân Thạch Tử cho rằng: Thần là Tính, Tức (Khí, Hơi) là Mệnh.

Ngộ Chân Trực Chỉ viết:

Tính là Pháp Thân thượng sự

Mệnh là Ảo Thân thượng sự.

Tính là Vô Vi chi đạo,

Mệnh là Hữu Vi chi đạo.

Viên Giới Khuê cho rằng: “Tính là Trong, Mệnh là Ngoài. Lấy trong tiếp ngoài, thời Đại Đạo thành vậy.”

Ngộ Chân Thiên và Xiển U (tức Ngộ Chân Thiên Xiển U) cho rằng: “ Nội Dược liễu Tính, Ngoại Dược liễu Mệnh. Nội Dược là Tiên Thiên, Vô Tư, Vô Chứng. Ngoại dược là hữu vi, hữu tác,

tự Hậu Thiên hoàn phản Tiên Thiên.”

Tiên Học Tập Cẩm bàn về Tính Mệnh như sau:
Tính là gì?

-Tính là không hay, không biết, thuận theo luật Trời (thế tức là sống hồn nhiên,tiêu sái).

-Tính là cái gì:

-Tròn vành vạnh.

-Sáng chói chói.

-Sạch lâng lâng.

-Đỏ hây hây. (Thế nghiã là Tính là Bản Thể).

-Tính là Vô Dục để xem thấy Diệu (thấy những gì Vi Diệu).

Mệnh là gì?

Mệnh là nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh.

Mệnh là Có Dục để nhìn thấy Kiếu (thâý những gì hữu tướng, hữu hạn).

Tiên Học Diệu Tuyển cho Tính là Chân Tâm.

Tiên Học Diệu Tuyển còn viện dẫn Thiền Sư Huyền Diệu Hòa Thượng, mà cho rằng Tính là Chân Như Bản Tính, là Tự Tính Thanh Tịnh Tâm, là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.

Huyền Diệu Hoà Thượng cho rằng: Tính là Tuyệt Đối.

Tính cũng có Khi được coi là Lý, và Mệnh là Khí.

Tiên Học viết: “ Âm Dương, Tính Mệnh chủng chủng dị danh, yếu ngôn chi, bất ngoại Thần Khí.” “Âm Dương, Tính Mệnh, nhiều tên khác nhau, chung qui vẫn không ngoài 2 chữ Thần, Khí.”

B. Cũng có 1 số Đạo Gia cho rằng: Tính là Dương, Mệnh là Âm.

Viên Đốn Tử viết:

“ Nhất là Đạo, Đắc Nhất là Đắc Đạo, Đạo là Vô Cực. Nhị là Lưỡng Nghi. Lữơng Nghi là Âm Dương. Âm Dương là Tính Mệnh. Tính Mệnh là Thần, Khí.”

C. Cũng có vài người chủ trương Tính Mệnh đều là Tuyệt Đối.

Tính là Nguyên Thuỷ Chân Như, Mệnh là Tiên Thiên Nhất Khí.

Lưu Ngộ Nguyên viết: “Tính Mệnh bất tại nhãn,nhĩ, tị,thiệt, thân, bất tại Tâm, Can, Tì, Phế, Thận, bất tại tam bách lục thập cốt tiết, bất tại tứ chi, bách mạch, huyết dịch biệt hữu cá, vô phương, vô sở, vô hình, vô tượng, đích bí mật vật sự, bất tại nội, bất tại ngoại, chính tại Hư Vô, Tịch Liêu chi cảnh...

D. Tổng Luận.

Tham khảo các Đạo gia, các Thiền Sư danh tiếng, ta đi đến kết luận như sau:

Tính là Tuyệt Đối, Mệnh là Tương Đối.

Con người có 3 phần: Thần, Hồn, Xác hay Tinh, Khí, Thần, thì Thần là Bất biến, là Tuyệt Đối.

Còn Hồn hay Tiểu Ngã thì đầy thất tình, lục dục, biến thiên, tương đối, nên cần phải tu.

Xác con người cũng biến thiên như vậy, và cũng cần phải gìn giữ cho mạnh khoẻ, hẳn hoi,

cũng cần tu luyện nữa.

Thần là Tính.

Mệnh là Xác, Hồn.

Các Tông Phái Đạo Lão đều chủ trương Tính Mệnh song tu. Nhưng Bắc Tông thời lo Tu Tính nhiều hơn, họ chủ trương: “Tam phân mệnh công, Thất phân Tính học”, “Luyện kỷ, hoàn Hư”. Họ có nhiều sách như Trùng Dương Toàn Chân Tập, Đơn Dương Chân Nhân ngữ lục, Đại Đơn trực chỉ, Bàn Khê Tập, Thanh Thiên ca chú v.v...

Còn Nam Tông thời:” Ngôn Mệnh giả đa, ngôn Tính xứ thiểu.” Họ thường: “Tường vu Mệnh, nhi lược vu Tính.” (Nói rõ về Mệnh, nói sơ về Tính), hay Tiên Mệnh hậu Tính.

Họ muốn “Tính Mệnh Song Tu, hình Thần câu diệu.”

Họ có 7 giai đoạn tu luyện như sau: Ngưng Thần Định Tức, Vận Khí khai Quan, Bảo Tinh luyện Kiếm, Thái Duợc trúc Cơ, Hoàn Đơn Kết Thai, Hỏa Phù Ôn Dưỡng, Bão Nguyên Thủ Nhất. Họ ưa đọc:

Ngộ Chân Thiên, Hoàn Nguyên Thiên.

Vì thế tôi dịch: “Tính Mệnh song tu” là “Tu xác Thân lẫn Thần Hồn”.

Theo Lưu Nhất Minh, thì “tu Tính Mệnh xong rồi, chỉ còn Thiên Lý, thì mới thấy được Bổn Lai Diện Mục. Theo Nho, thì gọi là “Minh thiện phục sơ”, Đạo thì gọi là “Hoàn Nguyên Phản Bản.” (Dưỡng Chân Tập trọn bộ và Châu Dịch Xiển Chân, Nguyễn Minh Thiện, Ấn hành tại Hoa Kỳ,1994, tr. 13 Chu Dịch Xiển Chân.)

2. THẾ NÀO LÀ TU TÍNH.

Nếu ta biết Tính là Tuyệt Đối, thì Tu Tính đòi hỏi 1 điều kiện tiên quyết là Giác Ngộ được Bản Tính ấy.

Chính vì vậy mà các Đạo Gia thường nói:

“Mệnh yếu truyền, Tính yếu ngộ, Hay Tính khả tự ngộ, Mệnh yếu sư truyền.”

Khi bàn đến Tu Tính, người xưa thường nói: “Vô tu, vô chứng, Thiên nhiên cụ túc.” “Chẳng có gì mà Tu, chẳng có gì mà chứng. Thiên nhiên đã đầy đủ”

Tu Tính tức là sống hồn nhiên vô tư, thảnh thơi trong lòng tạo hoá: Đó chính là: “Bất thức, bất tri, thuận Đế chi tắc.”

Chính vì thế mà Châm Thạch Tử cho rằng: “ Một khi đã mở Đạo Nhỡn, thời vạn năm là một niệm, một niệm là vạn năm, làm theo sở thích, cái gì cũng được.”

Cũng được, là cái gì cũng đúng theo luật Trời, như Luận Ngữ đã nói:

Tòng Tâm sở dục,

nhi bất du củ” (Luận Ngữ . 11,4)

Cốc Dương Tử viết: Bất thủ khiếu, bất điều tức, hư cực, tĩnh đốc, nhất niệm bất sinh, thử thượng thừa chi công phu dã.Đạo Sĩ Hồ Hỗn Nhiên bình luận về Tu Tính như sau: “Vô vi là luyện kỷ, là Tính Công, là khử Tam Tâm, diệt Tứ Tướng, tuyệt Lục Dục, đoạn thất tình, không còn bận tâm lo lường thế sự. “

Viên Giới Khuê cho rằng: “ Tu Tính là tức lự, vong cơ, hợp tự nhiên.”“Dẹp bỏ lo lường, thoát cơ duyên, thung dung vui sống, hợp tự nhiên.”

Văn Đạo Tử cho rằng: “Tính là Thiên, là Đạo, cho nên Minh Tính là Minh Thiên, Minh Đạo...Giữ cho Tính được vẹn toàn là Hợp Đạo, là Đạt Thiên.”

Ông chủ trương: “ Tu Tính là thanh tâm, quả dục, thanh tĩnh, vô vi...lòng luôn hướng về Thượng Đế,”

Tóm lại, Tu Tính là Hư Tâm, Nhập Định, Xuất Thần, Hoàn Hư, là Đại Giác, Đại Ngộ, là xuyên qua được bức màn hiện tượng, hình hài, tâm tư, đạt tới Chân Tính Hư Vô Diệu Giác, dữ Thiên Địa đồng thọ,

là Đạt Thiên, hợp Đạo .

Nói theo danh từ của Đạo Lão, thì Liễu Tính tức là: Đắc Thai Tiên.

Và vào được Trung Cung Mậu Kỷ của vũ trụ và của lòng con người, là “Cùng thủ sinh thân, thụ khí sơ”, là khế hợp được với Thiên Tâm.

Khảo về Tính, tôi thấy các Đạo Gia xưa đã tìm ra được cái gì chí quí chí bảo của Con Người vì Tính con người là Tuyệt Đối, là Pháp Thân, là “Vạn cổ trường tồn chi Thân”, là Hư Vô Diệu Giác, trường sinh cùng Trời Đất. (Xem chú 26).

Lại còn chỉ rõ Tính ở Nê Hoàn, Mệnh ở Khí Huyệt. Thật là huyền diệu!

3. THẾ NÀO LÀ TU MỆNH.

Có người hỏi Văn Đạo Tử thế nào là Tu Mệnh. Ông đáp: “ Đó là Tịch Cốc, Đạo Dẫn, là Bế Tức, Vận Khí, là Phục Thực Kim Thạch, Dược Vật, là Phòng Trung Thái Thủ Nguyên Âm”.

Như vậy là Văn Đạo Tử trong có mấy chữ đã bao quát hết tất cả các phương pháp Tu Mệnh.

Tu Mệnh chính cũng là đại khái phép Luyện Đan thịnh hành từ thời nhà Hán với Ngụy Bá Dương và thời nhà Tấn với Bão Phác Tử.

Tu Mệnh đại khái được xây dựng trên niềm tin rằng: Nếu Tâm, Thân con người biết tu luyện cho đúng phương pháp,

sẽ trở nên:

-Khang kiện.

-Trường sinh.

-Bất lão, bất tử.

Phương pháp tu Mệnh rất là đa tạp, nhưng nếu ta hiểu tu Mệnh là tu ảo thân, là tu những gì biến thiên nơi con người, thì ta thâý nó vẫn không ngoài những gì gọi là:

-Tu Tâm cho an định, sảng lạc.

-Tu Thân cho kiện khang, linh hoạt.

Tu Tâm như giới sân nộ (tức giận), giới sắc dục...

Tu Tâm tức là Thiểu Tư, Quả Dục theo chủ trương Lão Tử.

(Kiến tố, bão phác, thiểu tư, quả dục. Lão Tử, Đạo Đức Kinh, ch. 19)

Dịch:

Hiển dương Đạo, sống cho phác thiệt,

Ít đam mê, và ít riêng tây. (ĐĐK. chương 19.)

Nơi chương 37 ĐĐK, ta thấy Lão Tử cũng dạy y như vậy:

Kìa gương cao cả tầng cao,

Vô danh, thuần đức, nhẽ nào chẳng theo.

Sống phác giản,chẳng đeo danh lơị,

Lòng thênh thang, sạch mọi tham lam,

Không tham, lòng sẽ bình an,

Tự nhiên, thiên hạ thái khang an bình.

Tu Tâm là “Địch trừ huyền lãm, năng vô tì hồ?” ĐĐK chương X.

Dịch:

Làm sao rũ sạch hà tì,

Gương lòng vằng vặc, quang huy vẹn tuyền.

Tu Tâm là: Khử phàm tâm, độc tồn Chân Tính.

Dịch:

Tạp khoáng Phàm Tâm, trừ sạch hết,

Cho vàng Chân Tính hiển lộ ra...

Tu Tâm là diệt trừ vọng niệm, bởi vì:

Vọng Niệm tài hưng, thần tự thiên,

Thần thiên, lục tặc loạn tâm điền,

Tâm điền ký loạn,tâm vô chủ,

Lục Đạo luân hồi, tại mục tiền.

Dịch:

Vọng niệm vừa sinh, thần tự thiên,

Thần thiên, lục tặc loạn tâm điền,

Tâm điền đã loạn, thân vô chủ,

Lục Đạo luân hồi trước mắt liền.

Tu Tâm là thu nhiếp tâm thần, không cho ngoại trì, phóng đãng. Chính vì vậy mà người xưa nói:

“Đạo quí thu liễm, bất quí phát tiết.”

Tiên Học Diệu Tuyển viết: Tâm vừa trì tán, lập tức thu hồi. Tu Tâm quí tại Hư Tâm, quí tại vô niệm.

Tam Mao Chân Quân có thơ:

Linh Đài trạm trạm tựa băng hồ,

Chỉ hứa Nguyên Thần, lý diện cư.

Nhược hướng thử trung lưu nhất vật,

Khởi năng chứng đạo, hợp Hư Vô.

Dịch:

Tâm Linh vằng vặc tưạ băng hồ,

Chỉ khứng Nguyên Thần lý diện cư.

Nếu để vật chi vương vấn đó,

Làm sao chứng Đạo, hợp Hư Vô?

Ngoài phương pháp Tu Tâm ra, còn thấy rất nhiều phương pháp tu luyện cho thân thể trở nên khang kiện.

Xin liệt kê như sau:

a. Điều Hoà Ngũ Tạng, bằng cách ăn uống thanh đạm, khởi cư hữu thường, dùng các thuốc điều hòa ngũ tạng,

bồi bổ ngũ tạng.

b. Khai thông Huyết Mạch, thông thấu cốt tiết, bằng những phương pháp:

-Án Ma, Ma Sát (Massage, kinésithérapie).

-Tập Bát Đoạn Cẩm, Thập Nhị Đoạn Cẩm. (Xem phụ lục cuối chương)

-Quán Khái tạng phủ, bằng phép nuốt nước bọt, gọi là Yết Tân, Thấu Yết. (Xem Huỳnh Đình Kinh giải, Nguyễn Văn Thọ, nơi chương Ba).

-Thổ cố, nạp tân; thổ trọc, nạp thanh. (Thở hơi xấu, cũ ra, hít khí trời thanh khiết vào). (Xin đọc Lục Tự Quyết, nơi chương 6, Huỳnh Đình Kinh giải của tác giả).

c. Khai thông kinh mạch.

Người xưa gọi thế là:

-Đạo Dẫn, hay Vận Khí, Điều Tức. (Xem Huỳnh Đình Kinh giải, chương 20)

-Phục Khí. Hấp thụ Tiên Thiên Khí để nuôi dưỡng thân tâm. (Xem Huỳnh Đình Kinh Giải, chương XXX.)

Tất cả các phương pháp nói trên, dĩ nhiên là có mục đích làm cho cơ thể khang kiện.

Chúng cũng có năng lực chữa được nhiều bệnh kinh niên. Chúng cũng có thể làm cho con người sống thọ, sống khỏe, sống minh mẫn. Nhưng chắc chắn nó không thể làm cho con người Trường Sinh, Bất tử được.

Tu Mệnh là Ngoại Đạo. Tu Tính mới là Nội Đạo.

Tính Mệnh song tu.

Chính vì vậy, mà Đạo Lão, nhất là từ thời Tống, thời Nguyên đến nay, đều chủ trương tính mệnh song tu.

Người xưa có thơ:

yêú truyền, Tính yếu ngộ,

Nhập thánh, siêu phàm do nhữ tố.

Chỉ tu Tính, bất tu Mệnh,

Thử thị tu hành đệ nhất bệnh.

Chỉ tu Tổ Tính, bất tu đơn,

Vạn kiếp Âm Linh, nan nhập Thánh.

Đạt Mệnh Tông, mê Tổ Tính,

Kháp tự giám dung, vô bửu kính.

Thọ cùng Thiên Địa, nhất ngu phu,

Quyền ốc gia tài, vô chủ bính,

Tính, Mệnh Song Tu, huyền hựu huyền,

Hải để hồng ba, giá pháp thuyền.

Sinh cầm, hoạt tróc giao long thủ,

Thủy tri tượng thủ bất hư truyền.

Dịch:

Mệnh phải truyền, Tính phải ngộ,

Siêu phàm, nhập thánh chính do ta.

Chỉ tu Tính, không tu Mệnh,

Đó là tu hành đệ nhất bệnh,

Chỉ tu Tổ Tính, chẳng tu Đơn,

Vạn kiếp Âm Linh, khó thành Thánh.

Đạt Mệnh Tông, mê Tổ Tính,

Khác nào soi gương, không bửu kính,

Thọ cùng Trời Đất, nhất ngu phu.

Tuy được gia cơ, dùng chẳng biết.

Tính Mệnh Song Tu, huyền thật huyền.

Sóng thần đáy biển, đẩy Pháp Thuyền.

Giao long vùng vẫy, tay không bắt,

Mới hay tay thợ chẳng hư truyền.

Muốn hiểu thêm về Tính Mệnh Song Tu, chúng ta hãy đọc thêm ít nhiều nhận định của người xưa:

Tào Văn Dật, nữ Chân Nhân viết:

Thần thị Tính hề, Khí thị Mệnh,

Thần bất ngoại trì, Khí tự định.

Lữ Tổ toàn thư có những câu:

-Dưỡng Khí an Thần thị bí quyết.

-Thần định khí hòa, khí hòa đơn kết.

-Chân Đạo dưỡng Thần, ngụy Đạo dưỡng hình.

-Hành, trú, tọa, ngọa, duy định, hư, linh.

-Tọa tĩnh giả, thu kỳ Khí, thủ kỳ Thần dã.

-Thu kỳ phù động chi khí, nhi kỳ Khí nãi sinh.

-Thủ kỳ tán loạn chi thần, nhi Chân Thần tự hiện.

Đọc mấy câu này, ta thấy ngay khi nói Tính Mệnh Song Tu, thì chữ Tính và Chữ Mệnh được hiểu là Thần, Khí, là Âm, Dương tương đối, như nơi đây Lữ Đồng Tân giải: Thủ kỳ Thần là Thủ kỳ tán loạn chi Thần.

Tính Mệnh Song Tu có thể tóm tắt bằng mấy chữ:

Thủ Trung, Bão Nhất, Điều Tức, Ngưng Thần.

Khí tụ, Thần ngưng tắc hoạt, Khí tán thần ly tắc tử.

Sách Trúc Trai Đạo Ngữ có ghi:

Tu tính là công trình luyện Tâm, Tu Mệnh là cải biến khí chất.

Nhận định như vậy, là các vấn đề trở nên sáng tỏ.

Châm Thạch Tử viết: “Thần vi Tính, Tức vi Mệnh. Quang phong, tễ nguyệt, Tính Công dã.

Chân tức miên miên, Mệnh Công dã. “

“Thần là Tính, Tức (Hơi Thở) là Mệnh. Tâm như gió mát, trăng trong, đó là Tu Tính. Hơi thở điều hòa,

liên tục, đó là Tu Mệnh.”

Tính Mệnh Song Tu chung qui chỉ là điều tức, ngưng Thần (Trương Tam Phong). Mã Hợp Dương nhận định về Tu Tính, Tu Mệnh như sau:”

Nho gia nói: Dưỡng Tiểu Thể nơi mình là Tiểu Nhân; dưỡng Đại Thể nơi mình là Đại Nhân. Cái Bản Lai Tính Mệnh nơi mình là Đại Thể, không chốn,không nơi, thông thiên, triệt địa. Còn cái Nhục Thể hậu thiên và Vọng Niệm nơi ta là cái Tiểu Thể hèn hạ nhất. Đại Nhân thơì ức vạn niên không hủy hoại, tiểu nhân thời sinh tử, luân hồi.”

Nếu trên quá trình tu luyện, mà con người biết suy tư như vậy, thì còn gì hay hơn?
Nhận định tổng quát về Tính Mệnh Song Tu.

Trên đây, ta đã trình bày 1 cách trung thực về thế nào là Tính, thế nào là Mệnh, thế nào là Tính Mệnh Song Tu.

Thiết tưởng cần phải nhận định hẳn hoi về vấn đề này:

A. Trước hết, ta thấy các bậc Chân Nhân trong Đạo Lão, có nhiều vị đã không bận tâm đến những công trình tu luyện xác thân, như ta đã thấy mô tả nơi trên. Đó lại là những bậc sáng lập ra Đạo Lão, hay những tao nhân, mặc khách nổi danh 1 thời. Đó là Lão Tử, Trang Tử, Thiệu Khang Tiết, Tô Đông Pha, Đào Tiềm v.v...

Trang tử nhận định nhu sau: “Suy bào, hô hấp, thổ cố nạp tân, (làm những động tác như) gấu trèo, chim lượn, chỉ cốt là để tăng tuổi thọ. Đó là những ngươì thuộc phái đạo dẫn (Vận khí điều tức), muốn sống lâu như Bành Tổ...

Thánh Nhân không cần khắc ý mà vẫn cao nhân đức, không câu nệ Nhân Nghĩa mà vẫn tu, không màng công danh mà vẫn trị, không chu du sông biển mà vẫn ở khắp nơi, không đạo dẫn mà vẫn thọ, quên mọi sự mà vẫn có mọi sự, điềm nhiên vô cực mà mọi vẻ đẹp vẫn theo. Đó là đạo Trời Đất, đó là đức của Thánh Nhân...

Cho nên nói: Điềm đạm, tịch mịch, hư vô, vô vi là sự thảnh thơi của Trời Đất, là chất liệu của đạo đức. Cho nên Thánh Nhân thảnh thơi và bình dị, bình dị nên điềm đạm. Bình dị, điềm đạm nên ưu hoạn không thể xâm nhập, tà khí không thể tập kích, cho nên đức toàn mà Thần vẹn. Thánh nhân sống thời Thiên Hành (Hành Động tự nhiên), mà chết là Vật hóa (chịu định luật biến hóa chi phối hình hài).

Thiệu Khang Tiết có thơ:

“An lạc ngũ thập niên,

Nhất đán cảm trọng tật,

Nhưng tại thịnh hạ trung,

Phục trẩm cơ bách nhật.

Biêm cứu dữ dược thạch,

Bách liệu hiệu vô nhất,

Dĩ mệnh thính vu Thiên,

Ư tâm hà sở thất?

Dịch:

An lạc năm mươi năm,

Một hôm lâm bệnh nặng.

Gặp tiết Hạ nấu nung,

Liệt giừơng gần bách nhật.

Châm cứu đủ mọi cách,

Mà không công hiệu gì,

Sống thác phó mặc Trời,

Tâm ta đâu mất mát.

Như vậy có nghĩa là: Thánh Nhân, Chân Nhân một khi đã tìm ra được Bản Lai Diện Mục của mình, khi đã tìm ra được Thiên Tâm rồi, thì sống tự nhiên, bình dị. Chính vì vậy, mà Nhập Dược Kính có thơ:

Đại Đạo hư vô, pháp tự nhiên,

Tự nhiên chi ngoại, cánh vô huyền.

Trí nhu, chuyên khí anh nhi dạng,

Cơ tức cầu san, khốn tức miên.

Dịch:

Hư vô, đạo phỏng tự nhiên,

Ngoài ra còn có phép huyền nào đâu.

Sống đời thanh thản, tiêu dao,

Đói ăn, khát uống, khác nào anh nhi.

B. Xác Thân con người có thể trường sinh, bất lão.

Sau này, có nhiều người lại đảo ngược vấn đề. Thay vì tin rằng: Chỉ có Nguyên Thần, Nguyên Thần trong con người là Bất tử, họ lại chủ trương xác thân này nếu biết tu luyện, có thể trở nên bất tử. Sách Hiện Đại Đạo Gia Tu Luyện Bảo Điển gọi chủ trương này là: Nhục Thể chi trường sinh bất lão. Dĩ nhiên là đã có nhiều người tin như vậy, và bên Trung Hoa đã có thời thịnh hành phong trào luyện thuớc trường sinh. Ta cũng nên nhớ: Tần Thủy Hoàng đã sai Từ Phúc, Hán Vũ Đế đã sai An Kỳ Sinh vượt thuyền ra Đông Hải để tìm thuốc trường sinh bất lão. Và chủ trương này, dĩ nhiên, được gắn liền vơí các phương pháp Tu Mệnh đa đoan, mà ta đã đề cập đến ở trên.

Chỉ nên nhận định rằng: Xác Thân không thể nào trường sinh bất tử được, cho nên Tu Mệnh chỉ có thể Diên Niên Tăng Thọ, làm ta sống thêm ít tuổi mà thôi. Mà Diên Niên, Tăng Thọ không được coi là Đạo. Chính vì vâỵ mà các Đạo Gia thường cho rằng: Cái mà chúng ta mệnh danh là Tu Xác Thân chỉ là Ngoại Đạo, chỉ là Bàng Môn Tả Đạo.

Lữ Đồng Tân cũng đã viết: Chân Đạo dưỡng Thần, Ngụy Đạo dưỡng hình.

Trương Tử Dương trong sách Ngộ Chân Thiên viết:

Yết tân, nạp khí thị nhân hành,

Hữu dược phương năng Đạo Hoá sinh

Trương Bình Thúc có thơ:

Huyền Tẫn chi môn, thế hãn tri,

Hưu tương khẩu vị, vọng thi vi.

Nhiêu quân thổ nạo kinh thiên tải,

Tranh đắc Kim Ô, nạch thố nhi.

Dịch:

Huyền Tẫn chi môn, chẳng hiểu gì,

Mới đem mũi miệng, vọng tác vi.

Dẫu anh thổ nạp, ngàn năm suốt,

Tiên đan đoạt được, dễ dầu chi.

Nếu ta hiểu tu là làm cho con người trở nên hoàn hảo, thì nói Tính Mệnh Song Tu tức là chấp nhận Tính và Mệnh, Thần và Khí đều ở tronh vòng Hậu Thiên, tương đối. Mà đã nói Tương Đối thời phải nói Biến Thiên, sinh tử. Cho nên ta phải hiểu công phu tu luyện Tính Mệnh nói trên là cốt để từ Hậu Thiên phản hoàn lại Tiên Thiên.

Và để chúng ta thấy rõ đường hướng Tính Mệng Song Tu, ta ghi nhớ:

1. Tu Mệnh (tu xác) cho thân thể khang cường.

2. Tu Mệnh (tu phàm tâm) để diệt trừ vọng tâm, vọng niệm.

3. Mục đích tối hậu là làm sao cho Thiên Tâm hiện ra, làm sao cho Tâm Tử, Thần Hoạt. (Tu Tính.)

Chính vì thế mà Tung Ẩn Tử đã viết:

-Giữ cho tâm bình thản, thì sẽ tuyệt được niệm lự, du tư. (Tu Mệnh, tu phàm tâm).

-Ngồi ngay ngắn thân hình, giữ cho không còn thiên kiến. (Tu Mệnh, tu xác thân).

-Như vậy, Linh Đài sẽ thanh tĩnh và Nguyên Thần tự nhiên sẽ tới. (Tu Tính)

Cao sĩ thời Tu Tính trước, Hạ sĩ thời Tu Mệnh trước.

Mục Đích của Tính Mệnh Song Tu chính là phát huy tất cả các tiềm năng, tiềm lực trong con người, và chính là công trình vĩ đại đi tìm và làm hiện ra Thượng Đế Nội Tại, mà Đạo gia gọi là Nguyên Thần, Thiết Hán, Bất tử Nhân hay Bản Lai Diện Mục.


MỤC LỤC.

A. Bát Đoạn Cẩm.

(Trích sách Vạn Bảo Toàn Thư. Xem thêm Trung Hoa Đạo Gia Đại từ Điển, tr. 1031-1033)

1. Đệ Nhất Đoạn.


Lưỡng thủ kình Thiên lý Tam Tiêu.

兩 手 擎 天 理 三 焦


Giơ hai tay lên Trời để điều hòa Tam Tiêu


Tập 4 lần

1. Hai tay giơ lên cao, lòng bàn tay quay lên trên, 10 ngón tay giao nhau. Hai khuỷu tay thẳng, đồng thời kiễng hai gót chân lên.

2. Nghỉ.

3. Hai cánh tay đưa xuống.

4. Nghỉ.

Làm như vậy, liên tiếp 3 lần. Đến lần thứ 4 hai chân chụm lại.

2. Đệ Nhị Đoạn.


Lưỡng Thủ Khai Quang Tự Xạ Điêu.

兩 手 開 弓 似 射 鵰


Hai tay như dương cung bắn chim cắt

                                          

Tập 4 lần.

1. Tay phải nắm lại. Cánh tay giang thẳng về phía hữu. Tay trái nắm đưa ngang vai, nắm tay ngưả lên. Mắt chăm chú nhìn về phía tay trỏ, đồng thời, chân phải bước sang phải 1 bước, khụyu hai đầu gối xuống như cưỡi ngựa. Gót chân không kiễng.

2. Đổi tay, đầu gối vẫn giữ nguyên.

3. Đổi tay như 1.

4. Đổi tay như 3.

Làm như vậy 4 lần. Hết lần thứ tư, hạ hai tay xuống. Đứng thẳng người lên.

3. Đệ Tam Đoạn.


Điều lý tỳ vị đơn cử thủ.

調 理 脾 胃 單 舉 手


Giơ tay lên, để điều lý tì vị

                                                   

Tập 4 lần.

1. Tay phải giơ lên cao, lòng bàn tay ngưả. Ngón tay hướng về phía tả. Tay trái buông thòng xuống phía trái, lòng bàn tay quay xuống, ngón tay hướng về phía trước. Tay trái buông thõng, úp sấp, ngón tay hướng tiền.

2. Tay trái giơ cao lên, lòng bàn tay ngửa. Ngón tay hướng về phía hữu. Tay phải buông thõng, úp sấp, ngón tay hướng tiền. (Hướng về phía trước).

3. Như 1.

4. Như 2.

Xong 4 lần, 2 tay buông xuôi như cũ.

4. Đệ Tứ Đoạn.


Ngũ lao, thất thương vọng hậu tiều

五 勞 七 傷 望 後 瞧


Mắt ngó phía sau, chữa ngũ lao, thất thương

                                                 

Tập 4 lần.

1. Quay đầu phía phải, mắt nhìn phía sau.

2. Quay đầu thẳng lại.

3. Quay đầu phía trái, mắt nhìn phía sau.

4. Quay đầu thẳng lại.

Làm như vậy 3 lần, lần thứ 4, hai chân chụm lại.

5. Đệ Ngũ Đoạn


Dao đầu bãi vĩ, khử tâm hỏa.

搖 頭 擺 尾 去 心 火


(Nghẽo đầu, khụm gối, khử tâm hỏa)

                                    

Tập 4 lần.

1. Chân phải đạp sang phiá phải. Khuỵu 2 đầu gối như cưỡi ngưạ. Nghẹo hẳn đầu về phía phải.

2. Quay đầu ngay lại.

3. Nghẹo hẳn đầu về phía trái.

4. Quay đầu ngay lại.

Làm như vậy 3 lần, đến lần thứ 4, đứng thẳng người lại, hai chân đứng thẳng lên, hai chân khép lại, 2 gót kiễng lên.

6. Đệ lục đoạn


Bối hậu thất điên, bách bệnh tiêu

背 後 七 顛 百 病 消


Vận lưng 7 lần có thể trừ bệnh.


                                                

Tập 4 lần.

1. Hai chân đặt xuống rồi kiễng ngay lên.

2. 3. 4. Như lần 1.

Làm như vậy 3 lần, đến lần thứ 4, thì đặt 2 gót xuống.

7. Đệ thất đoạn.


Toán quyền nộ mục tăng khí lực.

攥 拳 怒 目 增 氣 力


Nắm tay mắt giận tăng khí lực.

                                         

Tập 4 lần.

1. Chân phải đạp sang bên trái. Khuỵu chân như cưỡi ngựa. Đồng thời tay phải sang phải, bàn tay nắm ngưả lên. Mắt đột xuất (trợn), nhìn thẳng phía trước.

2. Đổi tư thế 2 tay.

3. Như 1.

4. Như 2.

Như vậy 3 lần. Đến lần thứ 4, hai tay thõng xuống, mình chân trở về nguyên vị.

8. Đệ Bát Đoạn.


Lưỡng thủ phàn túc, cố thận yêu

兩 手 攀 足 固 腎 腰



Hai tay nắm chân khỏe thận yêu

                                             

Tập 4 lần.

1. Mình cúi về phía trước, càng nhiều càng tốt. Đầu gối thẳng, đồng thời 2 tay đưa xuống nắm lấy các đàu ngón chân. Đầu nghẹo về phía sau. Mắt nhìn về phía sau.

2. Nghỉ.

3. Đứng thẳng người, Tay về nguyên vị.

4. Nghỉ.

Làm 3 lần. Đến lần thứ 4, hai chân đứng thẳng lên,2 đầu gối chõe ra. Cuối cùng, quay mặt phía mặt trời,

hô hấp lâu mấy lần.

B. Thập Nhị Đoạn Cẩm.

Sáng khi dậy, ngồi trên giường tập 1 lần. Tối trước khi đi ngủ, tập 1 lần. Trong ngày, lúc rảnh, có thể tập.

1. Khấu xỉ 扣 齒。Đập răng vào với nhau, cho gân cốt hoạt động, tinh thần thanh minh. Mỗi thứ 36 lần.

2. Yết Tân 咽 津。Để lưỡi lên cúa hồi lâu, nước bọt sẽ sinh. Nuốt xuống. Khi nuốt phải nuốt mạnh cho thành tiếng. Như vậy nước bọt nuôi ngũ tạng, giáng hỏa. Càng nhiều lần càng tốt.

3. Dục diện bộ 浴 面 部。 hai tay xoa vào nhau cho nóng, rồi lấy tay xoa từ cổ lên trán, đến chân tóc, như rưả mặt.

4. Minh Thiên cổ 鳴 天 鼓。 Hai tay bịt hai tai, lấy đầu ngón tay đập vào 2 xương sau ót 24 lần. Lấy tay bịt lỗ tai, để ngón tay trỏ chồng lên ngón giữa, rồi búng xuống.

5. Vận Cao Hoang 運 膏 肓 。 Huyệt Cao Hoang ở 2 bên bả vai (dưới đốt xương sống 4, tính ra hai bên 3 tấc). Quay 2 vai 7 lần, sẽ tiêu ma bệnh toàn thân.

6. Thác Thiên 托 天。 Nắm 2 tay lại. Mũi hít hơi vận lên Nê Hoàn, đồng thời đưa 2 tay lên cao như đỡ Trời (thác Thiên). Rồi buông 2 tay xuống. Làm như vậy 3 lần. Khử được tà khí nơi ngực và bụng.

7. Tả hữu khai cung 左 右 開 弓. Nín hơi. Tay trái dơ thẳng ra. Tay phải như dương cung. Hai mắt tuỳ nghi, nhìn theo tay trái, hay tay phải (tay nào dơ thẳng thì nhìn). Mỗi tay ba lần, tả được Tam Tiêu hỏa.

8. Phàn Đơn Điền 攀 丹 田 . Tay trái đỡ ngoại thận (thận nang). Lấy tay phải xát đơn điền 36 lần. Rồi lấy tay phải đở thận nang, lấy tay trái xát đơn điền 36 lần.

9. Sát nội thận huyệt 擦 內 腎 穴 . Cần nín hơi. hai tay xoa nóng lên, trà xát nơi Mệnh Môn (vùng xương sống sau lưng, ngang rốn) 36 lần.

10. Sát Dũng Tuyền huyệt 擦 涌 泉 穴 . Lấy tay trái giữ chân trái. Lấy tay phải xoa lòng bàn chân trái 36 lần.

11. Ma Vĩ Lư huyệt 摩 尾 閭 穴 Huyệt này ở cuối xương sống, trên giang môn. Thống huyết mạch châu thân. Thoa nó rất có ích.

12. Sái thoái 洒 腿 . Chân trái đứng thẳng, chân phải dơ cao lên, đá ra phía trước 7 lần. Đổi chân, làm như trên, giúp lưu thông huyết mạch.

Bị chú. Thập nhị đoạn cẩm dĩ nhiên là hay hơn Bát đoạn Cẩm.

Đạo Học từ điển bỏ đoạn Sái Thoái, lấy 11 đoạn trên hợp lại thành Bát Đoạn Cẩm: 1. Khấu xỉ 2. Dục diện, minh cỗ 3. Tuyền yêu 4. Tả hữu khai cung 5. Ma sát đan điền 6. Sát nội thận huyệt . 7.

Ma Vĩ lư huyệt 8. Sát Dũng Tuyền huyệt.

-Nhiều người cho rằng: Bát đoạn cẩm là do Chính Dương Chân Nhân, Chung Ly Quyền, sáng tạo ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides