Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021
Đức Khổng Tử với Đạo Cao Đài
Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Khổng Tử là Giáo chủ Nho Giáo. Đồng thời với Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ Phật giáo và Đức Lão Tử Giáo chủ Tiên giáo. Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đạo Cao Đài thờ cả ba vì Gíao chủ nầy với ý nghĩa ” Qui Nguyên Tam Gíao “
Riêng về Nho giáo, Đức Khổng Tử chấn hưng Đạo Nho, hệ thống hóa giáo lý Nho giáo thành một học thuyết triết học nhân sinh (Đạo làm người) một cách chặt chẽ và hoàn hảo. Chính vì vậy, Đức Chí Tôn dùng cái tinh ba của giáo lý nầy để đưa loài người vào một trật tự xã hội mới, lập đời Thánh Đức. Đó là con đường Nho Tông Chuyển Thế mà đạo Cao Đài chọn làm hướng đi cho thời Hạ ngươn Mạt Pháp, thời kỳ mà nhơn loại đang phải đương đầu với những thảm họa: Chiến tranh, Thiên tai, xã hội Đạo Đức suy đồi, luân thường đạo lý ngữa nghiêng…Thế giới đầy bất ổn…
Ngoài ra, trên nền tảng căn bản tu tập, người tín đồ Cao Đài trước hết phải chu toàn phần Nhơn Đạo sau đó mới bước lên Thánh Đạo, Tiên Đạo, rồi Phật Đạo… Điều nầy được Đức Chí Tôn khẳng định trong Thi Văn Dạy Đạo (TNHT trang 232) như là:
Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn đạo,
Còn có mong chi đến đạo Trời.
Ngoài ra, Đức Khổng Tử còn giáng cơ ngày 17 tháng giêng năm 1932 minh định rằng:
NGÃ dĩ từ chương giáo nghĩa phương,
KHỔNG văn hoằng hóa sự luân thường.
PHU thê, phụ tử, quân thần đạo,
TỬ đệ phùng thời độ thiện lương.
Diễn dụ:
Các sĩ cùng chư khanh nghe rõ: Việc Tam giáo hiệp nhứt. Từ khi mới mở mang Trời Đất đã có Đại Đạo. Tam giáo vốn một nhà, đời sau chia làm ba, chớ kỳ trung một bổn, kẻ thế không thông hiểu nên tranh luận giành điều chơn giả với nhau hoài. Những người xưng mình là Minh Sư, thọ truyền cho đồ đệ, thì mỗi người cũng muốn khoe tài mình mà truyền khẩu với chúng sanh rằng, đạo mình chánh, đạo khác tà: Té ra mình là manh sư gạt chúng.
Nếu Đạo Tiên, Đạo Phật mà không dùng văn chương thì lấy chi mà tả kinh diễn kệ. Còn học Nho mà không học Đạo thì ra người cuồng sĩ kiêu căng.
Vậy khuyên mấy sĩ Ba Đạo cũng đồng tìm kiếm gốc cho minh chơn lý., đặng trước độ mình, sau độ chúng. Vậy mới gọi là Chánh kỷ hóa nhơn.
Thi rằng:
Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng, vọng chia ba.
Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
Thích, Đạo tỷ như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua,
Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
Tam giáo từ xưa vốn một nhà.
KHỔNG PHU TỬ
Điều nầy Đạo Cao Đài cũng khẳng định: Tam Giáo đồng do từ một gốc sinh ra như trong bài Khai Kinh cúng Tứ Thời đã nêu rõ:
“Trung dung Khổng Thánh chỉ rành,
Từ Bi Phật dặn lòng thành, lòng nhơn,
Phép Tiên Đạo tu chơn, dưỡng tánh,
Một cội sinh ra ba nhánh in nhau,
Làm người hiểu rõ lý sâu,
Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh.”
Nhân ngày 27 tháng 8 Âm Lịch, vía Đức Khổng Phu Tử, ai là người thấy trong ta vẫn còn nguồn Đạo Đức của Ngài, xin hãy dành một phút tưởng nhớ Đức Khổng Tử là Đấng: “Trừng Chơn, Chánh Quang, Bửu Quang, Từ Tế và được Đức Chí Tôn phong phẩm Thiên Tôn.”
(ĐẾN VỚI ĐẠO CAO ĐÀI- P.V K)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét