5.11. Thánh giáo
“Chư hiền đệ, hiền muội có nghĩ gì về giáo thuyết hay ý thức hệ Cao Đài?
“Hỡi chư hiền đệ muội, có sự đánh mất vật chất hay tiền tài nào nguy hại bằng sự đánh mất ý thức hay tâm hồn?
“Chư hiền ôi, manh áo sô gai, nhà tranh vách đất, ngao du sơn thủy mà tâm hồn trong sạch an vui còn hơn ngựa xe chen chúc, gác tía đài son, bon chen xuôi ngược với sự việc đánh mất cả chính mình mà nào ai có biết. Mượn phương tiện để phục vụ cho cứu cánh, đừng để cứu cánh phải vùi chôn trong phương tiện phù ba. Chân lý không là sự rải rác chấp nhận. Chân lý là sự giác ngộ đơn thuần.”
* Suy Niệm 11: Phương tiện và cứu cánh
Cuối đoạn 5.2 Đức Lý Giáo Tông có nêu lên chủ đề bài giảng của Ngài: “Điều mà Bần Đạo muốn nói hôm nay là hình thể Đạo và giáo thuyết hay ý thức hệ Cao Đài.”
Như thế, Ngài không dùng cách nhập đề lung khởi. Tuy nhiên, trong tám đoạn tiếp theo đó, Ngài không nói ngay ý thức hệ Cao Đài nghĩa là gì; thành thử chúng ta dễ ngộ nhận rằng Ngài đang nhập đề lung khởi.
Thật vậy, trong tám đoạn sau Ngài bàn tới nhân sự và hành chánh Đạo (5.3; 5.8; 5.9), vật thể vô tri và tâm hồn thánh thiện (5.4), Thượng Đế hữu ngã và Thượng Đế vô ngã (5.5), chăm sóc tâm điền (5.6), Bồ Tát Đạo (5.7), hình thức và nội dung (5.10). Từng vấn đề đều được Ngài trình bày đủ hai mặt đối lập của nó. Qua đó, Ngài cho thấy những điểm mạnh và những điểm yếu trong quá trình tu học và hành đạo của chúng ta tùy thuộc vào ý thức của chúng ta.
Thế rồi Đức Lý nhắc lại chủ đề bài giảng: “Chư hiền đệ, hiền muội có nghĩ gì về giáo thuyết hay ý thức hệ Cao Đài?”
Nói tới ý thức hệ tức là nói tới một giá trị tinh thần, cái giá trị mà phần đông đại chúng lơ là. Bởi vậy, để thức tỉnh chúng ta, Đức Lý Giáo Tông hỏi: “Hỡi chư hiền đệ muội, có sự đánh mất vật chất hay tiền tài nào nguy hại bằng sự đánh mất ý thức hay tâm hồn?”
Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, Chúa Giêsu Kitô từng hỏi không khác: “Vì nếu người ta được cả thế gian mà phải đánh mất linh hồn mình, thì nào có lợi gì?” (Mátthêu 16:26)
Câu hỏi của Chúa là câu hỏi tu từ. Ngày nay câu hỏi của Đức Lý cũng có thể là câu hỏi tu từ, nhưng Ngài trả lời luôn: “Chư hiền ôi, manh áo sô gai, nhà tranh vách đất, ngao du sơn thủy mà tâm hồn trong sạch an vui còn hơn ngựa xe chen chúc, gác tía đài son, bon chen xuôi ngược với sự việc đánh mất cả chính mình mà nào ai có biết.”
Sống ở thế gian nhị nguyên con người luôn luôn phải chọn lựa; vấn đề là hãy lựa chọn sao cho tốt nhất. Ở đoạn 5.8 trên đây Đức Lý đã nói tới phương tiện, cái tạm mượn; giờ đây nhắc lại nó trong mối tương quan với cứu cánh (mục đích tối hậu), Ngài dạy: “Mượn phương tiện để phục vụ cho cứu cánh, đừng để cứu cánh phải vùi chôn trong phương tiện phù ba.”
Lời dạy của Đức Lý Giáo Tông là một chân lý, và Ngài bảo thêm: “Chân lý không là sự rải rác chấp nhận.” Thật vậy, chân lý về mối tương quan giữa phương tiện và cứu cánh từng được Đức Phật Thích Ca dạy không khác trong Nhị Kỳ Phổ Độ. Kinh Viên Giác (Chương Sáu: Thanh Tịnh Tuệ) chép: “Biết kinh biết pháp cũng chỉ như ngón tay chỉ mặt trăng; hãy nhìn mặt trăng và biết ngón tay không bao giờ là mặt trăng cả...”
Làm sao để chân lý được chấp nhận rộng khắp? Trong lịch sử nhân loại, người ta từng dùng sức mạnh để một “chân lý” nào đó được chấp nhận. Trong tinh thần nhân bản Cao Đài, tôn trọng mỗi người là một chủ thể tự do, Đức Lý Giáo Tông dạy: “Chân lý là sự giác ngộ đơn thuần.” Và như thế, một lần nữa, vai trò của giáo dục, của thuyết giáo được mặc nhiên xác định ở đây.
5.12. Thánh giáo
“Ý thức hệ chân chính Đại Đạo đã quá sáng tỏ làm chói mắt cả thế nhân rồi nhân thế lại tưởng tượng rằng chân lý của Đại Đạo cũng chỉ là ánh sáng trong tầm mắt hạn hẹp hay tưởng tượng quẩn quanh của riêng mình mới thật đáng thương.”
* Suy Niệm 12: Nhận thức hữu hạn
Tự thân lời dạy này của Đức Lý Giáo Tông đã rõ ràng. Ở đây, Ngài cho thấy con người nhận thức hữu hạn vì cái tâm phàm phu của mình. Trong một bài giảng ở London năm 1896, Đại Sư Vivekananda (1863-1902) cũng chỉ rõ điều ấy khi nói: “Mọi thứ bị cái tâm [phàm] làm cho hạn giới thì đều trở thành hữu hạn.” (Swami Vivekananda, Jnana Yoga. Germany: Jazzybee Verlag, 1964. Chapter 6: The Absolute and Manifestation, p. 51.)
5.13. Thánh giáo
“Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài. Cao Đài không tự nó sinh phát riêng cho Việt Nam hay bất cứ nước nào, không là của người này hay kẻ kia, không là Tây Ninh hay Bến Tre, không là Truyền Giáo hay Tiên Thiên. Cao Đài là Cao Đài thế thôi. Chân lý tự nó phủ nhận chân lý.”
* Suy Niệm 13: Tuyệt đối và tương đối
Thượng Đế là tuyệt đối thể bất khả tư nghị. Mọi nỗ lực của con người nhằm diễn tả Thượng Đế đều là đem cái hữu hạn để thăm dò cái vô hạn.
Đại Sư Vivekananda nói: “Giờ đây nếu Tuyệt Đối Thể trở thành hữu hạn do cái tâm [phàm], thì không còn là tuyệt đối nữa; mà trở thành hữu hạn.” Theo nghĩa này, Đại Sư hàm ý rằng cái tâm phàm phu của chúng ta thật sự không thể biết được Thượng Đế: “Một Thượng Đế mà ta biết đến thì không còn là Thượng Đế nữa; Ngài trở thành hữu hạn giống như một người trong chúng ta. Ta không thể biết Ngài. Ngài luôn luôn là Đấng Bất Khả Tri.” (Jnana Yoga, p. 51.)
Thật ra, lời lẽ của Vivekananda nào có gì mới mẻ đâu. “Đạo khả đạo phi thường Đạo. / Cái Đạo mà nói được thì không phải là Đạo vĩnh hằng.” Đức Lão Tử ngay khi mở đầu Đạo Đức Kinh há chẳng bảo thế ư?
Ngày nay Đức Lý Giáo Tông bảo: “Cao Đài [a] không là Cao Đài [b], đó chính thị là Cao Đài [a].” Cao Đài [a] thì tuyệt đối bất khả tư nghị; Cao Đài [b] thì tương đối trong sự diễn tả của thế nhân hay trong sự thể hiện ở thế gian. Nói khác đi, Cao Đài [b] là Cao Đài hạn hẹp trong cái khung tôn giáo; Cao Đài [a] là Cao Đài trong ý nghĩa Đại Đạo siêu vượt trên tôn giáo.
Tương tự, Đức Lý Giáo Tông dạy: “Chân lý [a] tự nó phủ nhận chân lý [b].” Chân lý [a] là chân lý tuyệt đối; chân lý [b] là chân lý tương đối do nhận thức của tâm phàm.
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Cao Đài không tự nó sinh phát riêng cho Việt Nam hay bất cứ nước nào...” Bằng cách nói như vậy, Đức Giáo Tông cho thấy Cao Đài là Đại Đạo. Thế nhưng phần đông người đạo Cao Đài hay nhấn mạnh nhiều tới yếu tố bản địa (hoặc nội sinh) của tôn giáo mình và vì thế dễ bỏ qua ý nghĩa Đại Đạo của Cao Đài.
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Cao Đài (...) không là của người này hay kẻ kia, không là Tây Ninh hay Bến Tre, không là Truyền Giáo hay Tiên Thiên.”
Lời dạy này liên quan tới văn hóa hành đạo của các cộng đồng Cao Đài (đã nói ở Suy Niệm 6). Tôn giáo Cao Đài nếu không phân hóa, Đức Giáo Tông đã không phải dạy như thế.
5.14. Thánh giáo
“Chư hiền muốn thiết lập thành quả để tạo cơ trình tiến tới sự hiệp nhứt cho Đại Đạo thì nên hiểu, bất cứ sự phân hóa nào cũng không thể vượt qua khỏi vòng trời đất hay huyền linh của Thượng Đế Chí Tôn.”
* Suy Niệm 14: Phủ định sự phân hóa
Khi nói về sự phân hóa trong tôn giáo Cao Đài, một vài người cố ý tưởng tượng ra cái gọi là “mười hai chi phái” [xem Phụ Lục 2]. Theo tượng số học Cao Đài, số mười hai là số của Trời. Vậy, phải chăng họ ám chỉ tôn giáo Cao Đài phân hóa là do “ý Trời”? Thế nhưng lời dạy của Đức Lý Giáo Tông trong đoạn 5.14 này và đoạn 5.15 tiếp theo đã phủ định sự tưởng tượng của họ.
5.15. Thánh giáo
“Chư hiền hãy gom các chiếc mai vàng vào cành mai tươi tốt để khoe sắc với Chúa Xuân. Nếu kết hợp chỉ là kết hợp, phân hóa chỉ là phân hóa, đó cũng là cơ [là mầm mống] tận diệt của cuộc đời.”
* Suy Niệm 15: Một ẩn dụ
Đức Lý Giáo Tông dạy bài này vào rằm tháng Giêng (1974), thì vẫn đang là mùa xuân, nên Ngài nhắc tới “các chiếc mai vàng”.
Thật ra không ai có thể “gom các chiếc mai vàng vào cành mai tươi tốt”. Đây chỉ là một ẩn dụ.
“Cành mai tươi tốt” tượng trưng tôn giáo Cao Đài; mỗi “chiếc mai vàng” tượng trưng từng cộng đồng Cao Đài hiện hữu với những ưu điểm riêng sẵn có. Thay vì những nét đẹp rời rạc, lẻ tẻ trong tình trạng phân hóa hãy kết hợp lại thành một thực thể toàn vẹn.
Trong Tâm Lý Người Đạo Cao Đài (Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2017, tr. 33-34), tôi bày tỏ:
“Ngày nay, thực trạng lịch sử của tôn giáo Cao Đài cho thấy hai tác động đối lập: Một mặt, trong khi cố gắng phát triển đạo trên phạm vi địa phương của mình, mỗi Hội Thánh thực sự góp phần hiệu quả làm đạo phát triển nhanh. Mặt khác, trái ngược lại, mỗi Hội Thánh càng cố gắng phát triển theo cách riêng của mình thì càng gia tăng thêm khoảng cách với các Hội Thánh khác, và càng gây thêm những cản trở trên con đường thống nhất đạo Cao Đài.
“Từng Hội Thánh có thể có một số điểm mạnh, nhưng xét về tổng thể thì sức mạnh của cả nền tôn giáo Cao Đài đang bị phân tán rời rạc. Nếu Hội Thánh Cao Đài là một thực thể thống nhất và toàn vẹn, thì tất nhiên đạo Cao Đài có được sức mạnh tổng hợp để góp phần thâu ngắn hành trình và thời gian hoàn thành mục đích tối hậu hay cứu cánh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”
Chấm dứt hiện trạng phân hóa để trở lại một thực thể toàn vẹn không đơn giản chỉ như một phép cộng trong số học. Mà hiện trạng phân hóa nếu cứ tồn tại như một lẽ đương nhiên, như một số phận an bài thì quả là nỗi buồn quá lớn cho hai chữ Đại Đạo. Nhưng nào phải chỉ là nỗi buồn, bởi Đức Lý Giáo Tông cảnh báo: “Nếu kết hợp chỉ là kết hợp, phân hóa chỉ là phân hóa, đó cũng là cơ tận diệt của cuộc đời.”
Cụm từ “kết hợp chỉ là kết hợp” khiến chúng ta nghĩ tới một phép cộng mà những thành phần vì lý do nào đó lại nằm trong sự kết hợp ấy có lẽ không khác hơn những kẻ “đồng sàng dị mộng”. Thiếu một chất keo, họ sẽ tan rã. Chất keo ấy là chi? Trong đàn cơ tại thánh thất Nam Thành ngày Thứ Hai 31-3-1969. Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy: “Hiệp mà không hòa thì trước sau gì cũng tan rã.”
Cụm từ “phân hóa chỉ là phân hóa” khiến chúng ta nghĩ tới một sự phân hóa kinh niên. Tình trạng này đương nhiên không tạo nên hình ảnh tích cực của đạo Cao Đài bởi lẽ trong Suy Niệm 1 đã nêu câu hỏi: Bản thân tôn giáo Cao Đài vẫn còn trong trình trạng phân ly thì làm sao có thể kêu gọi nhân loại xây đắp một Đại Đạo không phân biệt, rẽ chia, kỳ thị?
Chúng ta biết rằng có câu nói được cho là lời Đức Khổng Tử: “Chớ càm ràm tuyết phủ mái nhà hàng xóm khi thềm nhà của mình còn chưa sạch.” Trong lời dạy ngày 31-3-1969 đã dẫn, Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt nói tương tự: “Muốn tạo thế nhân hòa cho thiên hạ, trước tiên ta hãy tạo thế nhân hòa cho chính bản thân. Vậy điều phải quyết định đầu tiên là tạo thế nhân hòa trong lãnh vực Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, sau đó sẽ làm động năng kiến tạo toàn thể.” Nội bộ tôn giáo Cao Đài có nhân hòa thì mới có thể thống nhất nền đạo.
5.16. Thánh giáo
“Thượng Đế vẫn hiếu sinh, phân hóa phi phân hóa, kết hợp phi kết hợp. Đó là ý nghĩa của cuộc hiếu sinh xây chuyển.”
* Suy Niệm 16: Ngôn ngữ nhất nguyên
Chúng ta sống trong thế giới nhị nguyên nên không tránh khỏi nhận thức và diễn tả về Thượng Đế theo óc nhị nguyên, dùng ngôn ngữ nhị nguyên.
Trong bài giảng này, Đức Lý Giáo Tông giúp chúng ta quen với ngôn ngữ nhất nguyên; bởi vậy, ở đoạn 5.13 Ngài dạy “Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài”, và ở đoạn 5.16 này ngài dạy “Thượng Đế (...) phân hóa phi phân hóa, kết hợp phi kết hợp.”
Trong đoạn 5.16 này Đức Lý Giáo Tông dạy: “Thượng Đế vẫn hiếu sinh...” Nhưng, hơn thế nữa, trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày Thứ Tư 08-02-1967, Đức Cao Đài dạy: “Sự thương yêu là cơ thể của Thầy.”
Mọi sự phân hóa đều đối nghịch với thương yêu. Ai thật sự thương Thầy (Thượng Đế) thì không thể chấp nhận phân hóa.
5.17. Thánh giáo
“Bần Đạo dạy hôm nay cho chư hiền đệ, hiền muội cũng đủ để tạm làm hành trang trên đường về cùng Thượng Đế để khỏi trở ngại lạc lầm.
Hãy trỗi bước lên đường chánh đạo,
Hãy lập tâm hoằng giáo độ nhơn.
Rồi xem máy Tạo tuần huờn,
Cái cơ đào thải, bảo tồn phân minh.”
* Suy Niệm 17: Hành trang ân tứ
Hiện thực hóa ý thức hệ Cao Đài là một hành trình không dễ dàng. Kẻ hành nhân nào trên đường thiên lý bao giờ cũng cần mang theo hành trang, dù ít dù nhiều. Và Đức Lý Giáo Tông, người Anh Cả Vô Vi, với lòng thương yêu đàn em phàm thế của Ngài đã ân tứ hành trang: “Bần Đạo dạy hôm nay cho chư hiền đệ, hiền muội cũng đủ để tạm làm hành trang trên đường về cùng Thượng Đế để khỏi trở ngại lạc lầm.”
Kẻ hành nhân trên viễn trình hiện thực hóa ý thức hệ Cao Đài rất dễ nhận ra mình cô đơn, nên Đức Lý Giáo Tông khuyên:
Hãy trỗi bước lên đường chánh đạo,
Hãy lập tâm hoằng giáo độ nhơn.
Và người ấy hãy tận nhân lực, vững tin vào Lẽ Trời:
Rồi xem máy Tạo tuần huờn,
Cái cơ đào thải, bảo tồn phân minh.
5.18. Thánh giáo
“Bần Đạo ban ơn lành cho tất cả chư hiền hiện diện hôm nay.
“Bần Đạo sẽ hộ phò cho chư hiền trên đường tu thân hành đạo được vững vàng. Bần Đạo giã từ. Lui.”
* Suy Niệm 18: Thương yêu và hộ phò
Kết thúc lời dạy về ý thức hệ Cao Đài, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo từ giã đàn em trần gian. Ngài dạy: “Bần Đạo ban ơn lành cho tất cả chư hiền hiện diện hôm nay.”
Ơn của Ngài là ơn gì? Tại sao Ngài ban ơn? Câu trả lời là đây: “Bần Đạo sẽ hộ phò cho chư hiền trên đường tu thân hành đạo được vững vàng.”
Tuy nhiên, Ngài ban ơn mà có khi ơn Ngài không được nhận bởi vì ai đó không tu thân hành đạo để xứng đáng với ơn Ngài.
Ngày Thứ Bảy 24-4-1926 ngài Ngô Văn Chiêu từ tạ ngôi vị Giáo Tông, do đó phẩm Giáo Tông bị trống. Ngày Thứ Sáu 29-10-1926, Đức Cao Đài ban cho Đức Lý Thái Bạch phẩm Giáo Tông Vô Vi. Kể từ ấy, trách nhiệm của Đức Lý càng nặng nề hơn. Những đàn em của Ngài nơi trần gian, nếu hết lòng hành đạo có nghĩa là ý thức chia sẻ trách nhiệm ấy với Ngài, thì đương nhiên các vị ấy luôn luôn được người Anh Cả Vô Vi này thương yêu hộ trì.
Tình thương yêu và sự hộ trì của Đức Lý Giáo Tông dành cho những ai cùng với Ngài đồng hành sứ mạng Cao Đài từng được chính Đức Lý xác nhận trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ngày Thứ Sáu 30-8-1985 như sau: “Bần Đạo đã đến với chư đệ muội sau lịnh phán của Đức Chí Tôn và Hội Công Đồng Tam Giáo. Từng bước chân, từng việc làm cho đến mỗi tâm tư suy diễn đều được Thần Minh ứng trực. Thế chư hiền đệ muội chưa cảm nhận được sao?”
Hiểu được rốt ráo ý thức hệ Cao Đài và hết lòng hy hiến đời mình cho ý thức hệ này nào phải việc đơn giản, dễ dàng. Lời từ giã của Đức Lý Giáo Tông vì vậy không đơn thuần chỉ là từ giã. Lời Ngài truyền tải tình thương vô biên của Ngài dành cho những đứa em đồng hành với Ngài, cũng là lời hứa chở che và hộ trì các em Ngài.
6. Thay lời kết
Tấm ảnh in ngoài bìa tập tiểu luận này mượn của tạp chí LIFE (thành phố New York, tháng 7-1948). Trên Lôi Âm Cổ Đài của Tòa Thánh Tây Ninh, một vị lễ sanh đang đánh trống mở đầu lễ cúng giờ Tý.
Từ thời xa xưa, trong các nền văn hóa khác nhau, trống được dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn, trống được dùng làm phương tiện truyền tin qua những khoảng cách lớn. Trống còn được dùng để thúc giục lòng quân, để giữ đều nhịp bước, và để rao truyền mệnh lệnh hay loan báo những điều quan trọng…
Lời Đức Lý Giáo Tông dạy về ý thức hệ Cao Đài ví như tiếng trống để thức tỉnh các cộng đồng Cao Đài, thúc giục các bậc hướng đạo ở các cộng đồng ấy hãy thoát khỏi não trạng phái chi, hãy trả lại cho Cao Đài chân diện mục của Cao Đài, như Đức Lý Giáo Tông dạy ngắn gọn: “Cao Đài là Cao Đài thế thôi.” Nói khác đi, đó là một Cao Đài không bị chi phái hóa.
Nhưng, trải qua gần một thế kỷ phân hóa, não trạng chi phái khó mà bật rễ một sớm một chiều, như người xưa từng nói: “Giang sơn dễ đổi, bổn tánh khó dời.” (Giang sơn dị cải, bổn tánh nan di. 江山易改, 本性難移.) Hay như Cựu Ước chép: “Chẳng lẽ người Ê-ti-ô-pi-a [ở châu Phi] lại đổi được màu da, và con beo lại đổi được những lốm đốm trên mình?” (Giêmêria 13:23).
Nhận thức như vậy không phải là tiêu cực, bi quan, mà để lãnh hội vì sao trước khi dạy về ý thức hệ Cao Đài, trước khi nêu lên “Cao Đài không là Cao Đài, đó chính thị là Cao Đài”, Đức Lý Giáo Tông mời gọi những người Cao Đài “hãy hiến thân để phục vụ thánh thể của Đức Chí Tôn”. Ở đây, hiến thân mang ý nghĩa cao cả của từ ngữ là giải trừ cái ta, cái óc địa phương, v.v… của người hướng đạo Cao Đài.
Ý thức hệ Cao Đài theo lời dạy của Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch cần được giáo dục cho các thế hệ tương lai của đạo Cao Đài. Hãy giúp những tâm hồn trong trắng ấy thấu hiểu và biết trân trọng giá trị tuyệt đối của “Cao Đài là Cao Đài thế thôi”.
Việc giáo dục ý thức hệ Cao Đài cần được thực hiện thường xuyên và lâu dài, trực tiếp và gián tiếp. Gián tiếp là thông qua các ấn phẩm của nhà Đạo. Trực tiếp là đưa vào nội dung các buổi thuyết đạo hàng tháng vào hai ngày sóc vọng tại họ đạo (theo quy định trong Tân Luật Cao Đài), vào các khóa đào tạo giáo lý ngắn hạn hay dài hạn. Nơi nào mở được Học Viện Cao Đài thì chương trình đào tạo nhất thiết phải có môn học ý thức hệ Cao Đài. Môn học này cần kết hợp với sử Đạo và tâm lý người Việt (hay hẹp hơn là tâm lý người đạo Cao Đài):
- Sử Đạo về thời kỳ phân hóa trong thập niên 1930 cần chú ý giải trừ huyền thoại về cái gọi là “mười hai chi phái” - con số mười hai (con số của Thượng Đế) được tưởng tượng ra để ngụ ý rằng sự phân hóa của tôn giáo Cao Đài không ra ngoài “ý Trời”!
- Về môn tâm lý người Việt (hay hẹp hơn: tâm lý người đạo Cao Đài) cần cho thấy song song với những nét tâm lý tích cực lại có một nhược điểm cố hữu là óc bè phái, phân biệt địa phương, thiếu đoàn kết, và cục bộ. Cần khảo sát xem phải chăng nét tâm lý không tích cực này đã tác động phần nào đến quá trình phân hóa của tôn giáo Cao Đài.
Nếu một cá nhân tu theo đạo Cao Đài chỉ để riêng bản thân được cứu độ, thì có lẽ người ấy chẳng cần biết ý thức hệ Cao Đài. Ngược lại, nếu hiểu thật sự “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” là gì, thì không thể bỏ qua ý thức hệ Cao Đài trong việc giáo dục tín hữu Cao Đài.
05-11-2017
Huệ Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét