THI
THỔ tự sanh kim biến Ngũ hành,
ĐỊA linh nhân kiệt thử đa sanh;
TÔN nghiêm tự tại nhơn chiêm vọng,
THẦN Thánh do nhơn ngộ đắc thành.
Chào chư vị, khá thành tâm khử trược, đâu đó nghiêm trang, tiếp lệnh QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN. Chào lui.
THI
Lặng lẽ đêm thanh cái cảnh này,
Mập mờ bóng thỏ khuất lằn mây;
Trong đàn câu kệ hòa lên xuống,
Ngoài đảnh lằn sương gội cỏ cây.
Nhà cửa một chòm đây chúng tạo,
Núi non muôn dãy đó ai gầy;
Có Trời cũng có người thêm sức,
Người hiệp cùng Trời mới đủ tay.
Cười! Vậy thì một việc chi trên thế gian nầy, mỗi sự chi cũng có Trời ban đặt, mà người cũng có chí thi hành. Bởi vậy, từ khi phẩm nhơn loại đã vì sự cảm nhiễm vật dục mà dời đổi bổn chơn tánh của Trời, rồi cứ mãi đành đọa lạc trầm luân dưới thế gian này, chẳng biết đâu mà tìm đường trở lại, rồi một ngày một tệ, một bữa một hung... Ôi! Vì vậy mà Trời đã lắm lúc cho nhiều chơn linh giáng thế để lập nên Tôn giáo mà độ rỗi cho đời, đời biết nghe thì đời sẽ hóa ra võ thuận, phong điều, nhơn thuần, tục mỹ, thì thế gian này cũng là Cực lạc thế giới. Ôi! Tiếc vì Trời đã cho một kiểu đồ là cái bánh kia, vẽ nơi giấy, cho chúng sinh biết rằng:
Phải làm bằng cách nào là khỏi thiu, hư, sống sít, sẽ ăn được đỡ lòng. Tiếc thay! Uổng thay! Trời đã thương người, vì người quá những tin lầm tưởng quấy, dè đâu cái bánh kia cứ vẽ thêm mãi để thờ. Mỗi bữa cùng đốt nhang cúng vái hoặc bày ra cùng nhau để tham thiền nhập định, luyện mãi cho cái bánh kia trở nên nguyên hình, rồi mặc sức ta ăn năm, ăn đời không hết. Cười!
Chẳng nghĩ cái bánh kia là mỹ thuật của Trời, còn ta phải thiệt hành, hằng ngày lo trồng các thứ cốc vật, đặng lâu ngày lấy lúa kia, giã ra gạo, gạo mới làm ra bánh, bánh đó sẽ được ăn một cách thực hành, đỡ đói, thêm no, làm cho con người trường sanh bất tử. Phải biết rằng, chừng nào ta lo cho có đủ lúa gạo sẵn sàng rồi thì bánh kia mặc tình kiểu này, kiểu nọ. Nói tóm lại, mỗi sự chi chi Trời đã ban đặt, mà người cũng phải thực hành, mới mong chứng nghiệm được. Vì loài người còn đương ở trong tình trạng thấp kém, nếu bắt chước chỗ cao thượng của Trời kia, Lão e rằng: Đã tốn công mà không kết quả đó chúng sanh. Cười... Đó là nhận về phần chúng sanh, còn riêng như Lão ngày trước kia, Lão mãi nói trung can nghĩa khí, tiết liệt thanh liêm, HÁN- ĐÌNH- HẦU đào viên kết nghĩa, mà Lão không chịu những khi đề đao thượng mã, bỉnh chúc đơn thân, nhất nguyện tử sanh danh bất hủ, truyền lưu vạn cổ, thì cái nói kia trò chơi ngoài miệng, thì đời chẳng khỏi cho là kẻ điên cuồng, múa mép chớ chi... Ôi! Người đã lâm vào cảnh khổ, ta muốn khỏi khổ, ta âu là tìm đường vạch lối, dầu cực khổ thế nào mà ta qua được bên tê rồi thì ta có lo gì mà không được an nhàn, thư thả.
Nếu ta biết chỗ rồi mà ta cứ mãi ngồi đây, vái Đất kêu Trời chỉ mỏi miệng chớ Trời làm sao đặng. Vì tại ta ngoài cảnh khổ, cũng muốn an thân giồi luyện, mà ngặt trong biển mê, tính lười biếng cũng không chừa, chỉ vái Trời mà không chịu sớm trưa tìm kiếm thì làm sao thoát ra biển khổ hả chúng sanh?
THI
Bể khổ thuyền gay đó sẵn chờ,
Tại người chẳng chịu khó, thôi thôi;
Âu đành mài miệt trầm luân mãi,
Mãi mãi sao đành vậy chúng ôi! (…)
BÀI
Giờ canh lụn đêm thanh lặng lẽ,
Thất Trung Quang cặn kẽ đôi lời;
Dạy chư Hiền đệ độ đời,
Dạy chư sanh chúng nhớ lời Phật Tiên.
Mở Đạo Trời qui nguyên vạn loại,
Dắt nhơn sanh ra khỏi bờ mê;
Tây phương Cực lạc thẳng về,
Lánh vòng tục lụy mựa hề chi chi.
Chúng sanh ôi! Có tri cơ Tạo,
Đời đảo điên đem Đạo cứu Đời;
Dạy cho người biết lẽ Trời,
Dạy cho người biết Đạo Trời ra sao.
Thế cuộc đã phong trào lôi cuốn,
Cũng bởi là cái muốn chúng sanh;
Muốn sao, muốn cạnh, muốn tranh,
Muốn quyền, muốn lợi, muốn giành giựt nhau.
Bởi cái muốn mà đau, mà khổ,
Chẳng lo mình gặp chỗ tai nàn;
Làm sao nhơn loại bình an,
Làm sao thế giới vạn bang cộng hòa.
Làm sao phải con nhà đạo đức ,
Làm sao mà thêm sức cho đời;
Làm sao đem mối Đạo Trời,
Làm sao độ tận cho đời mới hay.
Làm sao đáng một tay quân tử,
Làm sao cho thanh sử còn nêu;
Làm sao cả cất tiếng kêu,
Làm sao nhân loại học theo kiểu mình.
Làm sao đặng Thần kinh Quỷ phục,
Làm sao cho có chút công đời;
Đời là bể khổ vơi vơi,
Sao bằng Tiên cảnh không mơi, không chiều.
Đời khổ não lửa thiêu đốt cháy,
Đời như vầy ai hỡi ham chi!
Đời còn thị thị phi phi,
Đời như thế ấy có gì hay đâu?
Đời rộn rực bể dâu canh cải,
Đời vậy thêm báo hại cho người;
Đời sao đời chẳng sợ Trời,
Đời sao đời chẳng kiên lời Phật Tiên.
Đời sao cứ ngồi yên vậy mãi ?
Đời như vầy, đời lại ích chi?
Bố thây! Dứt cái đời đi,
Đời mà như thế, ra gì đó sao?
Sao bằng cảnh thanh tao vắng vẻ,
Mới không già, không trẻ chi mà!
Không người mà cũng không ta,
Người là ta đó, ta là người đây.
Khi dạo chơi nơi nầy chốn nọ,
Gót mây đưa, sớm đó chiều đây;
Đó đây cái cảnh như vầy,
Không sanh, lão, bệnh, tử, rày cũng không.
Bớ chúng sanh trần hồng lắm khổ,
Quyết dắt nhau thoát chỗ tai nàn;
Cùng nhau hôm sớm hỏi han,
Cùng nhau vui thú cảnh nhàn muôn năm.
Thôi Lão chào. Thăng ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét