Thánh Thất Thái Hòa, ngày 13-9-ĐĐ.30 (Ất Mùi)
(28-10-1955)
THI
BỬU Tòa ngày một trổ thêm hoa,
THỌ sắc Thiên cung đến Bửu Tòa;
THÁNH đạo muốn nên tua học ĐẠO,
NƯƠNG theo quyền pháp đến Long Hoa.
Thánh Nữ chào chư Thiên ân, chư Đạo hữu.
Giờ nầy Tiểu Nương vâng Thánh lệnh Đức DIÊU CUNG báo tin: Chư Đạo hữu thành tâm nghiêm Đàn tiếp lệnh Đức Phổ Đà để Người chỉ dạy.
Vậy khá thành tâm nghiêm Đàn. Chào chư Thiên ân, chư Đạo hữu.
TIẾP ĐIỂN:
THI
QUAN cảnh trần gian cảnh não nề,
ÂM vân vắng khách bước đi về;
BỒ đoàn những đợi trao linh pháp,
TÁT lập cơ quan việc nặng nề.
Bần Đạo chào chư Thiên sắc, chư Thiên Ân và chư ái nữ.
Giờ nầy Bần Đạo vì lòng nhiệt thành của chư Nữ phái, nên giáng dạy đôi phần Pháp Đạo, mong sao chư Hiền nữ dốc hết khả năng tu học và lập công để ngày Long Hoa được tranh cử cùng Nam giới vào hàng Tiên bang Thiên vị.
Chư Nữ phái còn chậm chạp thờ ơ với nhiệm vụ thiêng liêng, với công phu tu học.
Chư Hiền nữ ôi!
Giữa buổi đời Thiên ám Địa hôn, nhơn loại lầm mưu chước tà quyền, đã gây nên nạn máu xương chồng chất. Người với người tàn sát lẫn nhau, bốn biển đã thành một trận địa, bom đạn giáo gươm xâu xé múa men chạm đụng nảy lửa tung khói mịt trời, tiếng khóc tiếng la dậy đất, xương xương chồng chất ngày một như núi như gò, máu máu đổ chảy thành sông thành biển, cuộc xáo lộn gớm ghiết kinh hồn, đá cũng rên, cây cũng khóc, thì mấy ai thoát khỏi lưới rập của Ma vương!
Nơi đây, nhờ hồng ân cứu thế, ngọn đuốc dương cao, đã dẹp bao hắc ám âm u trở nên xán lạn, thì hân hạnh dường nào!
Nền Đạo được hoằng dương, pháp môn được trao tặng, tiếng trống giọng còi inh ỏi, mau mau tỉnh thức lên đường, lánh vào cảnh Thánh nhà Tiên mà tránh tai tránh nạn!
Giờ ngày nầy không còn dụ dự rụt rè, mà phải dứt bỏ trần tình: Nào lợi danh tài sắc đỉnh chung, không nên bận bịu say sưa rồi trễ chân xuống thuyền giải thoát.
Chư Hiền nữ cũng rõ thấy sự đời, trò tuồng diễn đã bao màng, kết quả con người có ra chi! Một tràn đau khổ thất vọng! Dù kẻ cao quyền lớn tước, nằm trên đống bạc đống vàng, hỏi được mấy ai trọn hưởng? Hay là sớm có chiều không, mới ông cụ bà cô, ngó lại đã đứa tù người khổ. Phải chăng sự đời là giấc chiêm bao, tuồng ảo mộng, như bọt nước trên lượn sóng xao, như khóm mây thẩn thơ trước gió. Mong sao chư Hiền nữ sớm hồi đầu, định trí bình tâm mà suy nghĩ sự đời, nếu thấy được thì chóng lo dứt khoát đừng bịn rịn vấn vương mà ăn năn không kịp, chi bằng sớm chiều vui với bạn đạo đức nhà tu, tiếng kệ bài kinh, yên tịnh tháng ngày, không bận trần duyên, mà được thanh nhàn vào ra thong thả.
THI
Thong thả chiều mai hưởng phước lành,
Pháp quyền nương đó để tu hành;
Công phu công quả chung xây đắp,
Chớ dạ thờ ơ phải nhọc nhành.
Nầy chư Hiền nữ ! Đạo khai đã một thời gian dài, kể nay đã hơn ba mươi năm rồi đó, số người trong Đạo kể cũng bộn bề, nhưng lại được mấy kẻ hữu duyên thấu suốt con đường Đạo pháp.
Nơi đây, nhờ sự nhiệt thành trong bao năm cực khổ, vật lộn với ma đời, chống chế cùng hoàn cảnh, chiến thắng cả kẻ nghịch quân thù, phấn đấu trước bao hiểm trở, lo tu lo học, giữ gìn đoàn thể cho đến ngày cơ Đạo phục hưng. Vì lẽ đó, mà THẦY điểm công ban phước, trao Quyền cho Pháp, để đủ phương tiện chống đỡ với thời gian, xông lướt trên con đường giải thoát.
Hiện nay có Hiền nữ còn bao nhiêu sự đời trói cột: Nào con, nào chồng, ruộng vườn, nhà cửa, trâu heo, suốt tháng tối ngày, bao nhiêu vật ấy sai sử, cứ vâng vâng, dạ dạ, phục vụ mãi mà không chán không lờn. Ngoại cảnh: Lợi danh, đỉnh chung vật chất câu nhử cuốn lôi. Nội giới: Lục dục thất tình sai sử, mà các Hiền nữ nào biết nào ngờ; thân phận khổ đau, linh hồn khốn đốn, nên bước ra nửa bước đã nhớ lại nhà, vắng một phút một giây sợ của tiền trộm đạo, thì sao hưởng được hạnh phúc công bằng, sao thấy được tự do chơn lý.
Hôm nay Bần Đạo hé cửa huyền vi, mở đường sinh lộ, các Hiền bình tỉnh mà suy nghiệm lẽ u ẩn nhiệm mầu.
Y theoThánh Giáo của LÝ GIÁO TÔNG. Bần Đạo lý giải câu:
“BẠCH HẮC PHÂN PHÂN LẬP CỬU CUNG”
để cho Hiền nữ có một tri năng mà bước lên cõi lành, hưởng cơ tận độ.
Ở đời có phải có trái, có Thánh có Phàm. Phải trái là lẽ đương nhiên, Thánh Phàm là phương áo lý. Nên chi Trời Đất có Âm Dương, Âm Dương là cơ động tịnh, là pháp biến hóa chuyển luân, luật thiên nhiên mấy ai thấu đáo?
Các Hiền về Nữ giới được thọ Pháp Luyện Châu theo nguyên tắc dựng xây Càn Khôn vạn vật theo 3 thể: LÝ, KHÍ, HÌNH.
Hình hay số là phương pháp lý giải của Bần Đạo, tùy theo mỗi nơi mà mượn đủ hình thức, bằng cách này cách khác mà chứng minh để làm phương học hỏi. Đã nói con số không (0) và bao nhiêu con số có là nói cơ mầu nhiệm của Trời Đất. Không hay Có, là sự biến hóa của ĐẠO của THẦY. Có ấy là lẽ phân hình lập pháp bằng số học để cho các Hiền nam giới tìm hiểu huyền vi định lệ, pháp Đạo phi thường: Đặt các dấu hiệu vào mỗi nhóm mỗi phần, lại thấy nhóm ít trở nên nhiều, phần to hóa ra nhỏ, trừ được cứ trừ, trừ cho hết cho rồi, còn lại bao nhiêu là của phần tự hữu, hằng hữu, nhơn lên cho thấy, thấy không phải bao nhiêu mà càng lớn càng nhiều, càng vô tận bao la, thì càng thấy vạn vật chúng sinh là một.
Bây giờ đối với các Hiền chưa đủ trình độ tìm hiểu bằng số tượng, Bần Đạo lại đơn cử một vài ví dụ bằng hình tượng là chữ. Chữ Quốc âm, các Hiền nữ đều có học cũng nên tìm học thêm bằng đạo lý:
Chữ có Phụ âm và Nguyên âm. Trong không âm và âm là hai thể. Hai thể ấy là Âm và Dương của Tạo Hóa.
Âm nương Dương mà hiển, Dương nương Âm mà đạt. Âm Dương điều hòa hỗn hợp thì hóa hóa, sanh sanh, tạo nên một khí hạo nhiên nuôi nấng cho vạn vật chúng sinh, chở che cho Càn Khôn nhựt nguyệt tinh tú.
Vì vậy mà chữ không âm là: B, C, D, Đ, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, V, X là thể Dương quang. Chữ có âm là: A, Ă, Â, E, Ê, I, O, Ô, Ơ, U, Ư, Y là thể Âm diệu. Âm Dương luân chuyển ngược xuôi mới có các chữ chồng lẫn lộn nhau vần xuôi vần ngược. Ngược xuôi phải hòa đồng mới thành tiếng nên lời. Phụ Nguyên ghép lại mới ra hình ra chữ .
Chữ cũng có Âm Dương, mà Âm Dương là gạch liền gạch đứt, liền đứt xếp chồng, hoặc trước, hoặc sau, hoặc liền, hoặc dứt, sắp nhau thành quẻ, thành tượng, thành hào, lập Bát Quái, dựng năm hành, định can chi, phân thời tiết. Càng chồng càng đổi, càng đổi càng thay thì càng thấy Bát Quái trở nên 64 Quái rồi động tịnh đảo điên biến thay hỗn hợp mà hóa hóa, sanh sanh phồn tạp vô cùng, không biết mấy muôn mấy ngàn tượng quẻ mà kể! Cũng như không âm và nguyên âm ghép lại thành tiếng, càng ghép càng thay đổi lộn lạo ngược xuôi. Trong chữ sinh ra biết bao nhiêu tiếng, những tiếng đó do chữ và vần xuôi ngược ghép thành, mà xuôi ngược là lẽ Đạo giáng thăng, không nguyên là Âm Dương hợp nhất. Âm Dương có hợp nhất thì Pháp Đạo được hòa minh, Pháp Đạo có giáng thăng thì chúng sinh mới hưởng công bình hạnh phúc.
Giáng thăng là nẻo đọa đường siêu. Biết cách hòa đồng thì đó là pháp luân thường chuyển. Nên các Hiền thấy rõ: Muốn chữ không và nguyên ghép lại cũng chưa đủ, cần phải đem hai thể nhỏ là vần xuôi vần ngược mới ra tiếng, nhưng tiếng ấy còn ở trong trạng thái chật hẹp, lẻ tẻ, không nên câu thành bài, vì còn thiếu dấu.
Hai thể xuôi ngược đã được hợp thành mà thiếu dấu: \ /. ?~ (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã) thì không sao nên hình bài văn câu chuyện. Vì vậy: Các dấu kia giúp cho các chữ nên lời, các câu nên chuyện, là Luật Pháp đó vậy!
Cũng như đứng trong cảnh gia đình hay đoàn thể mà trên thuận dưới hòa thì nên công lợi việc, rạng tiếng thơm danh, và nếu gia đình hay đoàn thể đó có một cương lãnh hẳn hoi, trật tự vững chắc, tổ chức hoàn toàn, kỷ luật được nêu cao, mỗi người trong gia đình biết tôn trọng, thì danh dự cá nhân được rỡ rạng, danh dự của đoàn thể được bay xa. Còn như một đôi vợ chồng, một số anh em, một nhóm đoàn thể họp lại mà thiếu các dấu thuận hòa, trật tự kỷ cương ấy, giống như một hàng chữ quốc âm bỏ các dấu - huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã thì có họp lại cũng không nên trò lợi ích! (…)
Nguyên âm, Phụ âm là hai thể động tịnh. Vần là do hai thể tương hòa mà có. Vần lại tương hiệp mới sinh ra tiếng. Tiếng do chữ do vần tạo nên, nhưng chưa đầy đủ, cần phải chồng ghép nhiều lần, càng ghép càng chồng, càng đổi càng thay lại càng biến hóa vô cùng vô tận!
Sự biến hóa mà được điều hòa trật tự, chia câu phân loại, đều phải có một luật riêng, luật ấy đã đặt vào đâu thì tiếng ấy không còn thay đổi được nữa; nhưng còn nương nhau trên pháp cú để thành sự, sự sự nương nhau mà thành hệ thống, điều mục, chương khoản. Nên dù cho bao nhiêu hình trạng cũng không ngoài hai thể đối hình, hai vần đối tượng. Hình tượng cấu thành sự việc là nhờ luật qui định bằng các dấu và năm âm.
Ta nên thấy Vần, Thể, Sự ,Vật là bốn Pháp môn: Cái ngược, cái xuôi, cái lên, cái xuống. Ngược, xuôi, lên, xuống là Pháp Đạo phi thường. Tất cả vạn vật trong vũ trụ không một vật nào tránh được luật ấy. Và vì lẽ đó mà chúng sinh nơi cõi hữu lậu nầy phải chịu quay theo bánh xe luân chuyển, gặp vui gặp khổ không chừng, sự mất sự còn không định, muôn giống muôn loài sống còn cũng vì lẽ đó mà bị cuốn lôi tất cả vào lối mờ mịt khổ đau!
Chúng sinh cũng như bọt nước trên mặt thủy triều, trôi dọc trôi ngang, không sao có quyền tự chủ. Vì chúng sinh vô minh, chúng sinh tham vọng, rồi gây ra ái dục, dục vọng vô cùng, mà đào sâu hố huyệt, chôn thân đời đời khốn nạn. Chư Hiền nữ nên suy gẫm mà tự tỉnh hồi hướng tu hành mà thoát ra ngoài lưới trần bao chặt.
Nói đến việc tu hành, các Hiền nữ nên biết: Ở đời, một việc chi đã có, hoặc nhỏ hoặc lớn, hoặc thường hoặc quí, đều bởi có công phu mới nên được. Công phu đó phải trải qua nhiều lần, do nhiều bàn tay và mồ hôi sức lực mới hoàn toàn, vật ấy đã về phần của ai thì nấy phải bỏ bao nhiêu công sức để đổi lấy nó, nếu không đổi bằng công sức thì bỏ tiền ngang với giá trị của vật mà đổi. Như vàng là vật có giá trị của người đời, phải do nhiều công phu gạn lọc, phân tách, bỏ các thể chất hỗn hợp với nó như: Đá, kim, chì, thau v.v...Có phải bởi một bàn tay đâu các Hiền nữ?
Không một vật nào tự nơi một người làm nên, nên các Hiền nữ tu đây không phải do tự mình mà lam nên Tiên, Phật. Làm nên Tiên Phật có dễ gì đâu? Người tu phải nhờ nhiều người giúp đỡ, nhất là thầy và bạn, phải được khảo đảo nhiều phen, ma luyện muôn vàn lần mới nên bảo vật vô giá là ĐẠO.
Thật thế, nếu người tu không có bạn, không có thầy thì mong gì đắc Đạo, nên ai đã tu là phải tôn thờ Tam bảo: TĂNG, PHÁP, PHẬT.Ta lại suy luận mà tìm hiểu như con số 1, phải viết 1, ai cũng học như thế, viết như thế. Ở đây, ở chỗ khác, ở khắp nơi, ở đâu đâu cũng có con số 1 đó. Con số 1 giống nhau, ai cũng thấy như nhau, mà đơn số là chừng ấy, hay là các bài tính ở đây hay ở khắp nơi, ai cũng học và tính như một thể thức.
Ta lại thấy chữ. Ai cũng học bao nhiêu chữ, bao nhiêu dấu, cách ghép vần đọc tiếng có khác gì đâu. Kẻ này viết, kẻ kia đọc, hoặc mọi người viết cho mọi người xem, ai cũng xem, cũng viết như một thứ. Chữ như thế, số như thế, thì có lạ gì, khác gì, mọi người trông lấy, làm lấy, thì tại sao mà khác nhau? Chữ không khác, số không khác, thì Luật pháp Đạo cũng không khác. Sở dĩ cái khác đây là cái vô minh, cá nhân, bản vị. Nếu ta bỏ những cái cá nhân bản vị của ta, mà ta cùng trông cùng xem và làm như mọi người thì lo gì không thành Tiên Phật, lo gì thế gian chẳng được hòa bình.
Các Hiền tự suy nghiệm những vật thể cơ cụ ở đời, cái nồi ấy, cái vung ấy. Cái bù lon một phân hai thì con tán kia cũng một phân hai mới sít soát. Con tán nước nầy, bù lon nước khác mà ghép thành chặt chịa là vì sao? Vì làm đúng một kiểu tấc, phân, ly...
Đạo pháp cũng thế, chủ nghĩa cũng thế! Chữ a, số 1, không ai không biết. Chữ phải viết như vậy, số phải viết như vậy, mọi người nhìn qua là đủ hiểu, nhìn qua mà không biết là người viết không nhằm, nên con người Tu phải giữ đúng luật pháp, thì trở nên người có hạnh, có đức. Luật pháp được tôn thờ, tự mình phải luôn luôn đồ tập, rồi nhờ chung quanh bạn bè xem xét, coi có đúng chưa, nếu chưa thì phải đồ tập viết lách cho đúng mới thôi.
Nên kẻ làm thợ, làm cái gì ra cái nấy, cái chén, cái thìa, cái tô, cái chậu, không cái nào giống cái nào mà loại nào ra loại nấy, cao thấp tròn méo in hệt nhau một cỡ, là vì cùng một khuôn, một lò sản xuất. (…)
Tất cả là THẦY, của THẦY, đâu đâu cũng do một Đạo. Đạo là THẦY hay THẦY là Đạo. THẦY với vạn vật vũ trụ là một. Ta với THẦY là một. Một là tất cả, mà không còn chi mà gọi là tất cả. Vì đã nói 1 thì không thể có tất cả nữa. Nhưng bây giờ còn nói tất cả là muốn cho tất cả gần như 1, rồi in như 1 và sáp nhập thành 1, thì đâu còn nói tất cả, đâu còn nói người, nói ta. Muốn nói 1, ta phải rèn luyện khép thân vào cái khuôn số 1 để cho được trở thành cái gì mà bớt cái gì. Ta đã bớt cái phần trong tất cả, rồi ta cùng những cái giống hoặc gần như một để làm cho trong tất cả giảm bớt cái số tất cả, và sẽ không còn tất cả. Không còn tất cả thì còn cái gì? Còn cái giống như, hay y hệt. Con số 1 giống như hoặc y hệt cũng không còn giống như, không còn y hệt. Hễ còn giống như, còn y hệt, cũng không phải hoàn toàn. Không phải hoàn toàn thì còn những gì? Còn đối lập riêng rẽ. Ta không để còn giống như, còn y hệt thì không còn riêng rẽ. Không còn riêng rẽ là đã hỗn hợp với con số 1. Con số 1 nằm trong con số 0. Con số 0 biểu thị cho con số 1, là mầu nhiệm, là Đạo.
Các đệ tìm hiểu. (…) Bần Đạo chào./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.
10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS) Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét