Tuất thời, 15-7 Ất Mão (21-8-1975)
THANH MINH ĐỒNG TỬ
Tiểu Thánh chào chư Thiên ân hướng đạo. Chào chư liệt vị đạo tâm nam nữ. Tiểu Thánh vâng lịnh đến trước báo đàn. Có Đức Giáo Tông lâm đàn. Chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin xuất ngoại ứng hầu. Lui.
TIẾP ĐIỂN
THI
Đắc nhứt tâm rồi thế mới yên,
Muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền,
Tham thiền tâm sẽ hòa muôn vật,
Hòa ấy làm nên đạo phối Thiên.
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH
Bần Đạo mừng chư hiền đệ, hiền muội. Miễn lễ, đồng an tọa. (…)
Chư hiền đệ, hiền muội! Đứng trước cuộc biến chuyển đổi thay của đời làm dao động tinh thần, bàng hoàng trước thế sự, Bần Đạo vẫn chấp nhận và thông cảm đối với chư hiền đệ, hiền muội trong cõi đời đầy cát bụi, thân phàm tục phải xông pha làm sao khỏi nám da rỗ gót.
Chư hiền đệ, hiền muội hãy bình tâm để kiểm điểm và tự nhận hiện tại chính mình là ai trong dân tộc này, hoàn cảnh này. Có tự nhận như vậy để tạo lòng tự tín cho mình. Nếu chư hiền tự nhận là người trong Tam Kỳ Phổ Độ, dầu ở hàng Thiên ân hay tín đồ chăng nữa, cũng đều hấp thọ phần nào chơn lý trong quyền pháp Đạo thì Bần Đạo khuyên nên vững vàng trước lời dạy của Thánh giáo từ mấy mươi năm qua hay từ ngàn xưa để lại.
Dầu tôn giáo nào, dầu chi phái nào, dầu bảo là tà là chánh, thì Đạo vẫn là Đạo. Cái lý chơn chánh của Đạo đều không chấp nhận gì cả mà hoàn hảo tất cả. Phương chi chư hiền đang tu học đại thừa Thiên đạo thì hãy dụng tâm của thiên địa mà tu, hòa mình với sự vật mà sống. Như thuyền đã ra khơi, dầu muốn dầu không mỗi người đều phải chấp nhận có bổn phận trên các con thuyền mà chư hiền đệ, hiền muội là một thuyền trưởng hay một thủy thủ trên con thuyền Đại Đạo.
Một ân phước Đức Thượng Đế ban cho dân tộc này trước thế giới thì chư hiền đệ muội hãy dõng mãnh trên dòng đời xuôi ngược, chịu đựng cho qua cơn trốt gió bão bùng, dầu có tổn thương đến xác thịt hay tình cảm, nhưng đừng rời ánh sáng duy nhất của ngọn hải đăng để vượt về cho đến bến.
Chư hiền đệ muội hãy nhìn kìa, lòng tự tín đã giúp cho người đời đi đến chỗ đắc nhứt mà mảnh đất bé nhỏ mầu mỡ này hiện tại như trăm hoa đua nở. Loài hoa nào biết thu hút tinh hoa của nhựt nguyệt, biết tiếp nhận đủ vượng khí[1] của đất trời thì muôn màu khoe sắc để kết quả tốt đẹp, bằng ngược lại thì sớm tàn tạ mà không thể quy trách nhiệm cho chủ vườn hoa. Chư hiền đệ muội hãy thấy chỗ đắc nhứt, đắc đạo ở hoàn cảnh bên ngoài mà thâu nhiếp[2] chỗ đắc nhứt, đắc đạo của tâm linh.
Chư hiền ghi nhớ mấy lời:
Cơ Tạo Hóa cùng thông biến dịch[3],
Kiếp nhơn sanh trong xích đa thù[4],
Vào đời phải sớm lo tu,
Biết người biết vật công phu huyền đồng.
Sống thường tình trong vòng thường đoạn[5],
Pháp đại thừa biến mãn tam thiên[6],
Dầu bao nhiêu cảnh đảo điên,
Hữu hình hữu hoại, chơn nguyên giữ gìn,
Thuyền không đáy[7] vạn linh nương cậy.
Tâm bình yên hưởng lấy thanh bình,
Trăm sông ngàn rạch vẫn tình,
Gương trong lộng đủ muôn hình vẫn trong.
Phá hình danh[8] để lòng vô niệm.
Vô niệm rồi trách nhiệm mới xong,
Thiên điều thưởng phạt chí công,
Hòa mình với cảnh trong lòng được an.
Chư hiền đệ, hiền muội! Năm Đại Đạo thứ 14 tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Thượng Đế đã mở màn đại đồng hiệp nhứt; cho đến thời kỳ này, Cơ Quan có sứ mạng gồm bốn thời kỳ mà Đức Thượng Đế ban cho.[9] Bần Đạo phân để chư hiền đệ muội Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý hay tất cả đều ý thức đến diễn hành tuần tự của Thiên lý mà hành cho đúng Đạo. (…)
Bần Đạo ban ơn chư hiền đệ, hiền muội.
------------------------------
[1]Vượng khí旺氣: Khí lành, sáng đẹp.
[2]Thâu (thu)收: Tóm bắt lấy, giữ lấy. Nhiếp攝: Nuôi dưỡng.
[3]Cùng thông biến dịch窮通變易: Lẽ Trời tự nhiên, hết khi bế tắc sẽ tới lúc thông suốt.
[4]Xích: Xích xiềng trói buộc. Đa thù多殊: Nhiều sự khác biệt. Cả câu ý nói kiếp người ở thế gian phải chịu sự ràng buộc, chi phối của những cái dị biệt về quan niệm, tư tưởng, v.v...
[5]Thường đoạn常斷: Hay gián đoạn, không liên tục, không vững bền. Vòng thường đoạn: Vòng sinh diệt của thế gian.
[6]Biến mãn變滿: Biến hóa khắp cả. Tam thiên三千: Ba ngàn thế giới.
[7]Thuyền không đáy: Thuyền bát nhã, ám chỉ tâm pháp đại thừa, pháp môn tham thiền tịnh luyện.
[8]Hình danh形名: Hình tướng và tên gọi, ám chỉ cái giả tạm bên ngoài.
[9] Đàn cơ tại Vĩnh Nguyên Tự ngày 01-3 Kỷ Mão (20-4-1939), Đức Chí Tôn dạy về bốn thời kỳ: Đại đồng lý thuyết; Đại đồng công dụng; Đại đồng chủ nghĩa, và Đại đồng thành lập. Có thể tham cứu toàn văn thánh giáo này trong bài “Nhắc chuyện năm xưa”, in trong tạp chí Cao Đài Giáo Lý, năm thứ nhứt, số 3, tháng 4-1947, tr. 14-17.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét