Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Tinh Thần Cứu Cánh



Tinh Thần Cứu Cánh

Kệ

Tinh Thần đạo đức khai nguồn sáng,
Cứu Cánh nhân sinh tỉnh mộng vàng.

ooo

Mộng vàng xét lại giấc mơ say,
Đêm vắng trăng soi, luống cảm hoài;
Gió thổi đầu gành tê tái bước,
Mây trùm đỉnh núi trách hờn ai !
Lá lay người thế, xoay từng chập,
Thăm thẳm ven sông, lướt dặm dài;
Nhìn cảnh gợi lòng thương khách tục,
Vì lo ăn ở, ngậm sầu cay !

Hỡi chư hiền nam nữ !

Tinh thần là gì ?

Là cái thuộc về vô hình, khác với vật chất là hữu hình. Tinh thần cũng là sự tổng hợp của tình cảm, trí tuệ và ý chí.

Chư hiền hãy suy nghiệm cho thấu đáo thì rõ được cái lý của nó, là lấy tình cảm để làm cái nguyên động lực cho trí tuệ áp dụng ý chí, để đem trí tuệ hướng dẫn lại tình cảm. Đó là nền tảng căn bản của sự sáng tạo tinh thần.

Vậy nên tinh thần phải được tự do phóng đạt hoàn toàn mới phát triển đặng.

Tại sao tinh thần phải được tự do ?

Là vì tinh thần con người thường bị ảnh hưởng ám thị , bị dục vọng đen tối làm cho nó mất hết tự do động tác. Vậy khi đề cập đến tự do, là phải loại trừ cái vô minh mê muội, cũng như phải xô đuổi cái dục vọng ra khỏi con người.

Bởi cớ đó mà cần được tinh thần minh mẫn trong sạch để cho tư tưởng khỏi bị hoen ố, lệch lạc sai lầm, thì tinh thần mới có được phóng đạt tự do, tư tưởng mới sáng suốt chân mỹ.

Còn cứu cánh là gì ?

Là sự tế độ, là đem con người mê được tỉnh, là cứu vớt những kẻ khổ đau được an vui. Cứu cánh cũng có nghĩa là cuối cùng, kết quả là phản ảnh lại phiền não, là hỗ động tương sanh, và là con đường trái ngược với nọa tính của vật chất chính là con đường cứu cánh.

Cứu cánh của hành động là triển khai tính chất tự do nơi con người, là tự động tính của nhân vị.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Con người sống trong xã hội có cảm thông những sự đau khổ của con người mới thấy cái ánh sáng nơi trí tuệ, những nguyên lý và phương pháp cứu cánh để sống.

Giáo lý và cuộc đời như hai sợi dây điện, hễ đụng chạm nhau là phát sinh ra lửa, ánh lửa đó là nguyên lý linh động. Một khi chư hiền đem giáo lý sống trong cuộc đời, chư hiền mới trực nhận được những nguyên lý linh động đó. Nếu giáo lý tách xa cuộc đời thì giáo lý chỉ là giáo lý, không phải là sự cứu cánh.

Vậy nên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay đời gọi tắt là Cao Đài Giáo, là kết quả của lẽ cứu cánh. Thực hiện giáo lý vào trong bản thân cuộc đời, trách nhiệm hầu như là sự giáo dục tư tưởng và xây đắp niềm tin cho một xã hội đang xung khắc và hỗn loạn.

Thế thì Đại Đạo phải làm gì đúng theo chánh pháp để chứng minh sự khai hóa kỳ ba mà đời đã và đang sống giữa lúc tang thương dâu bể, nạn máu chảy xương phơi ?

Kìa, những tiếng kêu la rên xiết !

Nọ, những lời cầu nguyện vái van !…

Được chăng ? Có chăng là may ra Đấng Đại Từ Phụ bố hóa hồng ân cứu thế.

Mà chư hiền nam lẫn nữ là những bực chức sắc lãnh sứ mạng thế Thiên hành hóa, làm sao cuộc đời bi đát âm u trở nên an bình sáng lạng thì mới đúng nghĩa là đạo cứu đời, theo lời Đức Chí Tôn và Đức Diêu Trì Kim mẫu cùng hàng phật tiên thánh thần hằng dạy chỉ.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Hồi Chuông đang báo động,

Cứu Khổ phải làm sao ?


Chư hiền phải quên mình vì đại nghĩa, vì chánh pháp mà gác lại hình thức một bên, dẹp lại những lý thuyết trừu tượng tĩnh quan để giải phóng tâm trạng cầu an. Mà sợ người đời cho rằng làm chánh trị, rồi làm sao tinh luyện nên một ý thức hệ cứu cánh hợp với giáo pháp Cao Đài hầu có đem lại những truyền thống thiện mỹ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ghi vào lịch sử ?

Hỡi chư hiền nam nữ !

Cuộc tang thương biến đổi,

Sự đau khổ giày vò !


Là một cảnh trạng chua xót não phiền chung cho chúng sanh nói chung, cho dân tộc Việt Nam hiện đại nói riêng, mà cũng là một cơ hội hản hữu để rèn luyện những bực hướng lãnh chức sắc, thúc đẩy, nói một cách khác, là bắt buộc các nhà hướng lãnh chức sắc nam nữ hoàn thành sứ mạng thiêng liêng giao phó, nghĩa là biểu hiện một cuộc cách mạng đạo đức cứu cánh vị tha, thoát khỏi cảnh điêu đứng khổ đau, phá tan gông cùm phiền não mà thay lại công lý và nhân đạo.

Vậy cứu cánh có hai phương thức :

Tinh thần;

Vật chất.



Nhưng không cứu cánh suông bằng giáo điều, mà phải nhắm vào thực tiễn. Lão cũng lưu ý đến chư hiền nam nữ, với sự tu yếm thế là chỉ nhìn về phần ích kỷ cầu an, mặc cho thế gian, là một điều chưa lãnh giáo của thiêng liêng mở Đạo kỳ ba mà phần nhập thế công truyền là phần chính.

Chư hiền hãy quay lại thực tế và cứu xét lý đạo !

Có phải thời kỳ mạt pháp, có phải đời khổ, đạo khai mở ra chăng ? – Khai mở để cứu độ nhân sanh. Trái lại, không phải khai mở để đem lại người tu có mộng thành tiên tác phật hết !

Lão dạy như thế có lẽ chạm vào lòng tự ái của một số nhà tu xuất thế gọi là môn bí pháp tâm truyền. Nhưng thử hỏi : trong lúc chiến họa binh đao, tiếng bom đạo gào thét vang trời, tiếng khóc than con người thê thảm, chư hiền có đành tịnh tọa tham thiền chăng ? Hay là phải hòa mình với nhân sanh tìm phương cứu cánh để khi ánh sáng chiếu lại chân trời, thế gian vãn hồi an tịnh rồi luyện đơn hống khí có được chăng ?

Tại sao lão dẫn giải như thế ?

Là vì, với hiện trạng thế đời, tinh thần cứu cánh phải được thiệt thi. Ví như thời xưa, những truyện tích còn lại, chỉ cho chư hiền thấy lúc trần gian chiến họa như đời Phong Thần, chư phật tiên còn lâm trần để diệt ngụy trừ tà, khi dẹp yên khói lửa mới trở về bồng lai tiên cảnh ngồi tu. Một sự kiện tuy xa xưa, nhưng nó là một điển hình để cho chư hiền nam nữ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhìn thấy mà đi vào đường tu thực tế.

Chư hiền cần quan niệm rõ, hiện sinh chư hiền còn dính líu sự đời trói buộc, nào thê thằng tử phược, nào chồng, nào cha, nào vườn ruộng cửa nhà, những vấn đề liên quan cùng xã hội. Chư hiền còn ăn còn mặc, thì thử hỏi có cách biệt cuộc đời được chăng ? Nếu gọi là được, chư hiền ngồi tịnh luyện khi nghe bơm nổ đạn rơi hay nghe người nhà đau ốm đang đói rên than, chư hiền có nghĩ đến chăng ? Có nói là hi sinh, không cảm xúc chăng ? Thêm vào đó, có số người gọi là tu tịnh mà còn dục lợi cầu danh, cạnh tranh chốn thương trường : hỏi lại, Tịnh như vậy nghĩa là sao ? Có thật lòng chăng ? Còn nếu có gọi là tịnh để an dưỡng tinh thần cho yên định khỏe khoắn, sáng suốt trí tuệ,… để rồi lo đạo giúp đời, như vậy, danh nghĩa của người đạo mới là sáng tỏ.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Nhìn qua diễn trình xã hội nào là trật tự bị xáo trộn, nào là giải phóng cực đoan, nào là cướp bóc giết người, ôi ! một tệ trạng trường đời ô hợp và phức tạp !

Như vậy, đời sống con người lại cần phải có một căn bản sống và chân lý thiết thực; không thể nào lấy sự vô ý nghĩa làm lý do sinh tồn trường cửu mà xâm nhập vào tiềm lực cứu cánh nhân sanh. Chư hiền phải chận ngăn lại làn sóng vô thường thiếu tinh thần cứu cánh.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Người sinh ra ở đời, xưa nay chưa có ai trường sanh bất tử. Chết là con đường diễn tiến kết cuộc của đời sống, hay là bước sang qua thế giới khác.

Mà thà là chết còn hơn sống khổ đau từ tinh thần lẫn vật chất ! Đã biết dầu anh hùng cái thế, dầu mỹ nữ kiều diễm hay là bực vua chúa, khanh tướng công hầu rốt cuộc, thân tứ đại hoàn về tứ đại, hay nói cách khác là tro bụi hiện nguyên hình tro bụi.

Để hàn gắn lại những vết thương tinh thần vừa chận đứng những mị thuyết vô luân vô đạo xâm nhập vào bản thể nhân sanh, người đạo nói chung, chức sắc hướng lãnh nói riêng, phải nhìn cảm giác tế nhị phong phú đạo đức hơn người thường. Để chi ? – để hầu có phục vụ nhân sanh và cứu cánh.

Vậy qui luật cứu cánh của Đạo là phối hợp, là xướng hòa, là sống vui. Sở dĩ có sự chưa hợp, chưa hòa, chưa vui được là bởi còn gián cách, còn mâu thuẩn. Ví dụ như trời đang quang đảng, đất đang an tịnh, bổng nhiên gió dậy mây che rung chuyển ! đâu có phải trời đất không hòa ? Nói tại và bị là không đúng; mà là vì có ngọn cuồng phong ở đâu thổi đến. Một khi gió lặng thì tự nhiên trời đất lại tương cảm, nhân vật xướng hòa, hanh thông vui sống, cây cỏ sởn sơ, núi sông cẩm tú.

Hỡi chư hiền !

Quá trình xã hội, nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử loài người có nhiều tiêu chuẩn xác định giá trị con người đã bị đào thải, hay nói cách khác, là được quan niệm một cách sai lầm. Vì bởi cái tham vọng của một số người trục lợi đồ danh làm giảm đi giá trị luân lý con người. Chính những người tham vọng đó, kẻ còn thì suy tàn ẩn dạng, người mất thì bị đời lên án khắt khe chê biếm, cũng do qui luật cứu cánh nhất quán vùng lên để gầy lại lẽ sống con người. Đó là đạo vậy.

Như thế, ý chí cứu cánh là sự giác hóa của con người biết khơi động những tiềm lực sinh động đạo đức tiến bộ của thời đại, biết sử dụng khả năng trí tuệ triển khai phát huy cái đạo làm người, biết đem bản thân mình phụng sự cho lý tưởng vị tha; mục đích chính yếu là cứu cánh con người thoát khỏi đời sống khổ đau và tinh thần bị trói buộc.

Vậy chư hiền nam nữ là người đạo, là nhà tu, không nên ghé mắt nhìn vào con người sa đọa lạc lõng, vào cảnh trạng phù du hư ảo bên ngoài để đem tinh thần đạo đức mà đổi lấy vật chất đỉnh chung. Có được vậy, chư hiền mới làm sáng danh đạo nêu cao giá trị của mình như một bản nhạc thiên nhiên mà tiết tấu hòa nhịp với trăng sao, sông núi.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Muốn thể hiện lẽ cứu cánh, chư hiền phải khẳng nhận Đạo Trung Dung, nghĩa là không thái quá, không bất cập, trung bình ở giữa, để luôn luôn giữ được cái thế quân bình trong mọi trạng huống, mọi trường hợp. Trung Dung phải hướng về Thượng Đế và biết đặt tiêu chuẩn đời sống đạo lý và xã hội loài người. Bởi vì Trung Dung là trung tâm bất biến của vũ trụ, nghĩa là Trời vậy. Theo Đạo Trung Dung là theo Đạo Trời, chớ không đi trên con đường lưng chừng để tránh cho mình sự phiền nhiễu.

Muốn thể hiện cứu cánh, chư hiền lúc nào cũng phải để tâm đến việc nhân, để tâm đến việc nghĩa.

Hễ là người có nhân thì biết yêu thương người.

Hễ là người có nghĩa thì biết giúp đỡ người.

Con người sở dĩ chưa làm được nhân, chưa giữ được nghĩa, là vì số người ấy phạm phải nhiều điều tội lỗi, là vướng lấy những bịnh : cá nhân vụ lợi, ích kỷ hại nhân, anh hùng chủ nghĩa.

Vì cớ chỉ biết cái lợi cho mình, cái của ta là trên hết, mới suy tính kế kế, mưu mưu, muốn cho mình giàu sang, muốn cho mình yên vui, muốn cho mình trường thọ. Còn ai nghèo khổ, đau thương, suy tàn, chết chóc mặc ai ! Bởi thế mà sinh ý chẳng liên can, thiên ý đến tuyệt diệt. Tuy là người, kỳ thật cũng như cỏ cây, cầm thú. Trái lại, nếu số người nông nổi cực đoan ấy diệt được những chứng bịnh kể trên là cái ta chỉ biết có mình, trở lại tâm địa khoáng đạt công minh, giàu sang nghèo khó, sống chết đều cùng chung đụng với mọi người, thì sinh ý quán triệt, tất cả mọi người đều được hả dạ mà thiên lý giữ được vẹn toàn tức là thân ta cùng vạn vật đồng nhất thể vậy.

Thi

TINH vi đạo đức gắng giồi trau,
THẦN trí sáng soi thấy đẹp màu;
CỨU khổ nhân sanh đang hấp hối,
CÁNH lòng từ thiện giúp cho nhau.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Hiểu biết tinh thần cứu cánh, không chỉ nhắm vào việc tế độ giải khổ mà thôi, còn phải nghĩ đến sự cứu cánh về phần tư tưởng, về sự tu tiến của người Đạo, nghĩa là làm cho người Đạo nhận được chơn lý đạo. Có nhận được chơn lý đạo, là khai sáng được tinh thần. Có khai sáng được tinh thần, người đạo mới xác nhận được trách vụ của mình và khẳng định được cái chân lý cứu cánh về giáo pháp.

Vậy chư hiền hãy quan niệm câu : “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri thị danh chơn Phật. Kim chư hiền nhược ngộ thử tâm , tất lập địa thành Phật vô khổ ngoại cầu”. Nghĩa là trong núi vốn không có Phật, Phật ở tại nơi tâm. Tâm trong sạch mà biết, ấy là Phật thiệt. Nay chư hiền nếu thấy được cái tâm ấy tức thì thành Phật, không phải uổng công tìm kiếm ở bên ngoài.

Như vậy, chư hiền thường nói : Phật tức tâm, nhưng cái tâm ấy phải sao mới là Phật. Cũng như chư hiền biết : Thầy là các con, các con là Thầy, mà Đức Chí Tôn đã chỉ dẫn. Vậy có nhận thức được cái tinh thần cứu cánh trên mọi phương thức, chư hiền mới nhận chân sự hành động hữu hiệu. Thêm vào đó, cứu cánh mà không có một hệ thống ý thức về sự vật, thì chưa hẵn là cứu cánh được cuộc đời sống đầy đau khổ của nhân sanh. Mà cái hệ thống ý thức ấy chính đã biểu thị ở tư tưởng để điều hòa và sáng tạo một ý chí chung sống trong lẽ cộng tồn. Cái tinh thần cứu cánh ấy làm cho con người thuận nhận được sự hòa đồng bao tâm hồn khao khát sống yên cộng lạc một nguồn sống bất tuyệt lưu hành tràn ngập từ cây cỏ đến núi sông; há chẳng phải là một hệ thống ý thức chơn lý cứu cánh ư ?

Vậy cái triết lý thực hiện cứu cánh là cả một quan niệm lý tưởng vĩ đại. Chư hiền cần suy cứu tận tường, minh xác được vấn đề nhập thế để hành động, đem cả thân tâm vào từng trải , gần gủi sát với đời, với thực tế, với khổ đau , với hiện trạng.

Vi vu gió thổi mây ngàn,
Cuộc đời sống gặp phủ phàng trớ trêu !


Bài


Mây vằng vặc trăng soi vũ trụ,
Thuyền lênh đênh nước lũ sông sâu;
Cuộc trần nhìn lắm bể dâu,
Tang thương ai khiến, khổ sầu ai gây ?
Chiều nắng rán, hây hây vẻ đậm,
Sớm mưa phùn, lấm tấm rơi dài;
Lá lay ác mộng đêm dài,
Dòng đời lạc lõng trôi ngoài ngàn khơi.
Chim bạt cánh, gió ơi ! đành thổi ?
Người khổ tâm, đạo hỡi gắng lo !
Vui chi ảo ảnh khoe trò,
Rừng già say ngủ, mặc cho thế tình.
Đèn tim lụn, sao nhìn sáng tỏ,
Đuốc cây tàn, nỡ ngó tối tăm !
Vương chi gió bụi cát lầm ,
Sớm mau giác ngộ thiện tâm dựng gầy.
Đi đúng hướng chông gai khỏi vướng,
Bước nhằm đường, sung sướng được yên;
Sự đời vay trả nhãn tiền,
Lo tu giải thoát, phước duyên gội nhuần.
Mượn đuốc tuệ soi vùng nẻo tối,
Dựng công lao mở lối khúc quanh;
Hễ tu thì phải biết hành,
Đáp lời cứu cánh, bảo sanh nhân loài.
Đời diễn biến, nạn tai đưa lại,
Đạo khai minh, khổ hải dẹp qua;
Thi gan bồi đắp vị tha,
Tinh thần cứu cánh suy ra đại đồng.
Rèn gươm đạo, diệt lòng tham vọng,
Luyện chí người, gầy mống từ tâm;
Cứu nguy khách tục lạc lầm,
Trở về chánh giác, biết tầm phước ân.
Nhìn bao kẻ phong trần hụp lặn,
Thấy lắm người sương nắng bước đi;
Giấc mê sao mãi duy trì ?
Hồi chuông cứu khổ ngân thì tỉnh mau !
Xây ý chí giồi trau thiện bảo,
Giữ đức tin, sáng tạo phước cao;
Tinh thần cứu cánh dồi dào,
Đồng tâm thực hiện lấp ao khổ sầu !
Gắng lo âu !
Dụng đạo mầu,
Mới sống lâu.



Hỡi chư hiền nam nữ !

Cuộc đời nhân thế như một thời kỳ bất đắc dĩ, nên Đại Đạo phát huy tinh thần đạo đức sâu rộng vào quảng đại nhân sanh với mục tiêu là giải thoát con người trở về cuộc đời an tịnh tuyệt đối.

Phật đã phán rằng : “Nước của bốn vùng đại dương chỉ có một vị là mặn; Đạo của ta cũng chỉ có một phong vị là giải thoát”. Và Phật cũng phán rằng : “Ta đã phát thệ lớn để xuống địa ngục cứu vớt chúng sanh, và quyết tâm không chịu vào niết bàn nếu ở địa ngục còn một chúng sanh đau khổ !” Cũng như Đức Chí Tôn đã dạy : “Chừng nào ở trên thế gian không còn một sự bất công, thì chừng đó Đạo ta mới thành vậy”.

……

Sự kiện cứu cánh suy nghiệm cho kỹ, là phải thực hiện cho kỳ được một cái lý đồng nhất của hai sự mâu thuẩn, thì không còn thấy điều sai biệt nữa. Có nhận thức được và làm cho các sự mâu thuẩn trở lại đồng nhất, tất là sự cứu cánh con người mới đạt thành kết quả.

Đây cũng là vấn đề không kém phần quan trọng liên hệ đến sự cứu cánh, là vấn đề nhân ái.

Vậy nhân ái là gì ?

Thể theo nguyên chữ hán, chữ nhân ở đây, gồm chữ nhân là người và chữ nhị được cấu tạo ( ). Vì có nhân, mới gây nên tình cảm nồng hậu đối với tha nhân, cũng như đối với sự vật, do đó mà có ái. Hai chữ thường đi đôi với nhau để biểu thị cùng một ý tưởng nhân dã ái nhân, vì người có đức nhân mới là người biết thương người (theo sách Luận Ngữ)

Nhân ái là điều cao đẹp của con người.

Có nhân mới có yêu. Lòng nhân biểu hiện một cách tự nhiên, không đột ngột, không miển cưỡng, biết hòa mình thân thiện với tha nhân, với vũ trụ , một cách thung dung, không để tư tâm tư trí làm lu mờ cái đức sáng, không để vật dục lôi cuốn gây ra những điều ác nghiệp, nghịch lại với thiên lý, là những điều làm mất sự an tịnh. Người biết nhân, điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác phải chịu : “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Hỡi chư hiền nam nữ !

Con người mà giữ được lòng nhân ái, làm được điều nhân ái, là thực hiện được sự cứu cánh, là tiến tới đại đồng vũ trụ.

Chư hiền phải nhìn thấy đặc tính của nhân ái là làm dừng lại cái đau khổ từ ngoại giới đưa vào. Đặc tính của nhân ái là xiển dương nhân cách của tha nhân, đặc tính của nhân ái là xây tạo tình cảm, đặc tính của nhân ái là thực hiện cứu cánh. Thế nên con người mà mất lòng nhân ái là không thể nói đến công bình nhân đạo. Người có lòng nhân ái, không bao giờ đứng hay ngồi nhìn trước cảnh người té xuống sông đang chới với, trước tai họa thiên nhiên do công lệ biến dịch. Tóm lại, biết xúc động, ngậm ngùi , thương cảm trước mọi thảm trạng của con người.

Người có lòng nhân ái không vì tư lợi, không vì cầu danh, mà là biết đặt một nghĩa cử yêu đời.


Phú Lối Thi


Đời là khổ, có lắm người rằng : chán !
Vội vàng chi, mà quên lãng đạo Nhân ?
Có buồn đau, mới nung nấu tinh thần,
Để hiệp sức, để góp phần cứu cánh.
Đời là khổ, bày chi trò bối cảnh ?
Sống yêu thương, khi ấm lạnh cùng chia;
Tay chặt tay, ai lại nỡ đoạn lìa,
Tình đồng loại ! nhớ lại kìa ! lẽ sống !
Đây đạo đức ! gia công xây nền móng,
Đây từ bi ! hãy gieo giống vị tha;
Đây công bình ! lo sáng tạo điều hòa,
Đây bác ái ! chung một nhà đồng thể.
Kìa sóng gió đùa thuyền nghiêng ngữa bể,
Người ái tha lại há để nhìn sao ?
Dẫu khó khăn trước cảnh trạng ba đào,
Phải tìm cách đem thuyền vào bến cũ.
Đường đạo đức, biết tu , lo tự cứu,
Không để cho vật dục phủ tâm hồn;
Liếc trường đời, trong cái lẽ : dại khôn,
Rồi cũng phải xác vùi chôn lòng đất.
Đâu sự thật ? Hỏi đâu là sự thật ?
Miệng hô hào rằng : giải thoát lo âu;
Nhưng sao lòng còn chất chứa gươm đao ?
Trường mâu thuẩn ! biết làm sao lường được.
Biết lẽ sống, đừng bày chi mưu chước,
Hãy tu mau, để tạo được tình thương;
Hãy đồng tâm, lấp bể khổ đoạn trường,
Hãy tỉnh dậy ! kìa hồi chuông cứu khổ.
Đêm lặng gió, nghĩ suy lòng giác ngộ,
Không thì sa xuống hầm hố gai chông ?
Chừng đó rồi có sám hối hoài công,
Đây chơn lý ! kíp khai thông tư tưởng.
Đạo thường chuyển, nhìn vô biên vô lượng,
Rõ lý rồi, hãy biểu tượng đường tu;
Nếu không lo, e phải gặp sương mù,
Người vô định, chịu dãi dù mưa nắng.
Hỡi khách tục ! đừng nhìn đời, hốt hoảng,
Kíp tu đi ! trút khổ nạn vai mang;
Trống giác mê, giục thức tỉnh mộng tràng,
Lo thực hiện lẽ tinh thần cứu cánh.
Đời loạn động, người dân lành nặng gánh,
Khổ !… Biết sao, để tránh đau thương ;
Kìa Đạo Trời ! đã khai mở lối đường,
Cùng nhau bước, cùng xây dựng tường thánh đức
Lời hằng ví : “Tu vốn là cội phúc” !
Mơ màng chi, ôm cái giấc Nam Kha ?
Ai cũng mong thấy được Hội Long Hoa ?
Đây. Đại Đạo mở kỳ ba cứu thế.

Kết Luận

Một lý thuyết nhiệm mầu đến đâu, một phương pháp hay đến bực nào, nếu trao tay cho những người không giải quyết được sự mâu thuẩn, cũng hóa ra vô ích.

Nhìn đời, con người đau khổ đều ôm mối hoài nghi. Nhìn kẻ lợi dụng danh từ, nhìn người tham vọng lại càng đâm lo nhiều hơn nữa ! Vì những người ấy chưa thành thật với mình, lòng còn đầy tham lam ích kỷ thì bảo sao đặt niềm tin cho được!

Nếu nói như vậy, rồi phó thác cho trời đất hay sao ? Hay là phó cho thời gian đưa đến đâu hay đến đó ?

Không ! Không thể có như vậy được. Con người phải tự nhận thấy rằng mỗi người đều có trách nhiệm tinh thần tự cứu trước đã, rồi mới nói đến cứu người, mà cái yếu tố chuẩn thằng là thành thật, là tình thương, là lòng nhân đạo.


Thi


Đời có gì đâu phải chán chê ?
Tại người chưa tỉnh, mãi còn mê ;
Quét tan tham vọng, xa phiền lụy,
Dập tắt tư tâm, lánh não nề !
Gươm thánh bén mài trừ trí muội,
Đuốc thần sáng rọi bước đường về;
Hồi chuông cứu khổ kêu người thức,
Cực lạc trần gian đến dựa kề.


ĐỨC QUANG GIÁC NGƯƠN TIÊN
Kinh Hồi Chuông Cứu Khổ Cải Tạo Con Người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides