Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

TỪ LUẬT CẢM ỨNG ĐẾN THẾ THIÊN NHÂN HIỆP NHỨT TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ




Thiện Chí

Theo truyền thuyết của các Đạo gia từ xưa thì một kiếp giáng trần của Đức Thái Thượng Lão Quân là Đức Lão Tử. Đức Lão Tử sanh vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên, sáng tác nổi tiếng của Ngài là quyển Đạo Đức Kinh, là một pho Đạo học hàm xúc chủ thuyết Vô vi và hệ thống Vũ trụ quan - Nhân sinh quan siêu việt.

Nhưng trong kho tàng các thiện thư Tam giáo được truyền tụng nhiều đời từ các nhà Đạo đức học Trung Quốc, và được các học giả Tây phương nghiên cứu thì quyển kinh “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” rất được tôn kính và truyền bá để mọi người tu tập, hành thiện. Ngày nay, ngay như trong Đạo Cao Đài, kinh Cảm ứng rất được quý trọng, sử dụng trong đời sống tu hành, như phái Chiếu Minh vẫn trì tụng hằng ngày, và được ứng dụng giảng dạy giáo lý Đại Đạo trong tất cả các Hội Thánh Cao Đài.


TỪ LUẬT CẢM ỨNG ĐẾN THẾ THIÊN NHÂN HIỆP NHỨT TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Các nhà nghiên cứu, học giả Đông Tây đều cho rằng có sự dung hợp Tam giáo trong Cảm ứng thiên, ngoài những điều dạy về luật nhân quả báo ứng, còn đề cập đến nguyên tắc “tích thiện” tu tiên của Đạo gia, quan niệm “Trung, hiếu, hữu, đễ” của đạo Nho, ngũ giới cấm của Phật giáo.

Nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây là “Bên cạnh luật nhân quả báo ứng là luật Thiên Nhân tương cảm天人相感 (hay Thiên Nhân tương dữ 天人相與, Thiên Nhân hợp nhất 天人合一) mà Cảm Ứng Thiên muốn xiển dương.” như các nhà nghiên cứu bình luận (Lê Anh Minh, Tìm hiểu Cảm ứng thiên).

Xin đọc điều thứ ba trong KINH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG DIỄN NGHĨA do Đức Văn Xương Đế Quân giáng bút diễn nghĩa bằng thơ lục bát:

“Thứ ba điều luật thiện tâm,
Chứa nhiều âm chất, phước lâm khỏi tầm,
Nên hư do tại chữ tâm,
Làm người đạo đức tri âm kính nhường.
Ở đời cho vẹn nghĩa phương,
Đạo Trời ủng hộ, lộc thường đến thân.
Giữ tròn đạo đức nghĩa nhân,
Tà ma xa lánh, phước Thần giúp nên.
Lòng thành thấu đến Ơn trên,
Những điều làm phải ắt nên chẳng lầm.
Tu hành luyện đặng chữ tâm,
Có ngày trông cậy đặng tầm thần tiên. . .”

“Thiên Nhân hiệp nhất” là hai chiều cảm ứng hỗ tương.Ví như ta cất tiếng hô to giữa không gian núi non trùng điệp, hô càng to, âm thanh vọng lại càng vang dội liên hồi. Nên thánh giáo Cao Đài viết:

“Chư hiền gia tăng nguyện lực cho đến tối đa thì sẽ có sự cảm ứng với Thiêng liêng" (Quảng Đức Chơn Tiên, CQPTGL, 12 th.10.Nhâm Tuất (26.12.1982)

[Thánh kinh cũng viết:

- "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. (Luca 11:9)

- "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ". [Mathieu, 18:19-20] (Thuận nhân tâm ắt thuận Trời)]

[Trong Phật giáo, một danh hiệu của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm là: Tầm Thanh Cứu Khổ Nạn Đại-Từ Đại-Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ-Tát; cũng là sự cảm ứng tích cực giữa nguyện lực của chúng sanh với đại nguyện cứu khổ của Đức Phật.]

Hơn nữa, Kinh Đại Thừa Chơn Giáo trong Đai Đạo TKPĐ, Đức Chí Tôn có dạy:

“. . .Trời với người cũng đồng một lý, một khí mà ra, thì không cảm ứng nhau sao được? Vậy nếu người biết trau giồi linh tánh cho thiệt sáng suốt anh minh thì tự nhiên giao tiếp với Trời, thiệt là chẳng khó.”

(Đại Thừa Chơn Giáo, Mục 4 – Tồn tâm Dưỡng Tánh)

Ấy là:
“Thượng Đế từ trên cõi mịt mù,
Người đời thiện nguyện dốc lo tu,
Tạo cơ cảm ứng Thiên nhơn hiệp,
Để có thông công, có tạc thù!”

(Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 22 tháng 7 Tân Hợi,11-9-71)

Vậy qua Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và Thánh giáo Cao Đài, luật Thiên Nhân tương cảm đã được chứng minh. Nhưng còn hơn thế nữa, khi Đức Chí Tôn khai Đại Đạo TKPĐ, luật này còn được vận dụng triệt để, tạo thành thế “Thiên Nhân hiệp nhất” để hoằng khai Đại Đạo.

Chúng ta còn nhớ, trong thời kỳ phôi thai của nền Đạo, trước khi chánh thức khai mối đạo Trời, là Đạo do Đức Thượng Đế đích thân mở Cơ tận độ thời mạt kiếp, Ngài vẫn ứng dụng luật Cảm ứng Thiên Nhân hiệp nhất bằng cách dạy chư Tiền bối làm lễ “Vọng thiên cầu đạo”:

Đêm 30-10-Ất Sửu (thứ ba 15-12-1925), Đức A Ă Â giáng dạy ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang: “ Ngày mồng 1 tháng 11 này, tam vị phải Vọng Thiên cầu Đạo. Tắm gội cho tinh khiết, ra quỳ giữa trời, cầm 9 cây nhang mà vái rằng: “ Ba tôi là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, vọng bái Cao Đài Thượng Đế ban ơn dũ (càng, hơn )phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh.”

Ta thấy lời nguyện nầy tương tự như khai triển 4 câu thánh giáo trên ra văn xuôi.

Có thể nói quá trình Lập đạo, Khai đạo, hoằng đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhất nhất đều là những công cuộc “Thiên Nhân hiệp nhất”.

1. Hiệp nhứt tại tâm :

Thật vậy, Thầy dạy :

“Tâm con là chỗ chí linh,
Là nơi hiệp nhất nhân sinh cùng Thầy”
(CQPTGL,15.10 Giáp Dần, 28.11.74)

Hay:
“Con có Thánh Tâm sẽ có Thầy,
Thầy là Cha cả của Đông Tây;
Tây Đông dù biết hay không biết
Thì đức háo sanh cũng thế này”
(CQPTGL, Rằm tháng 1 Đinh Tỵ,4.3.77)

Thầy sở cậy nơi Thánh tâm của chúng ta mà vẫn hứa hằng ở bên mình để giúp sức. Trước khi “Khai Minh Đại Đạo” Thầy đã nhắc đến Thánh Tâm vào ngày 20.4 Bính Dần (31.5.1926):

“Thánh Tâm dầu phải chịu khổ trần đi nữa, thì chất nó cũng vẫn còn. Các con khác hơn kẻ phàm là duy tại bấy nhiêu đó mà thôi. . . Con chỉ có tu mà đắc Đạo. Phải ngó đến hằng ức, thiên vạn kẻ nhơn sanh chưa đặng khỏi luân hồi, để lòng từ bi độ rỗi kẻo tội nghiệp”

(TNHT, XB 1973, Tr.21)

“Thầy những mong ở một cõi trong sạch nhứt nơi trần gian, Thầy chứng vào cõi đó, Thầy ngự vào đó để cứu rỗi con cái của Thầy trong kỳ mạt kiếp… Cái cõi tịnh khiết mà Thầy muốn ngự đó, các con có để cho Thầy đến với các con không ? Hẳn là có rồi trong mỗi đứa!” (CQPTGL, Rằm.1 Nhâm Tý, 29.2.72)

2. Biểu hiện sự siêu mầu nhứt của thế Thiên Nhân hiệp nhứt là “Thiên Nhãn”

Thánh Tượng Thiên Nhãn là tượng thờ tối cao nhất của Đạo Cao Đài. Thiên Nhãn tượng trưng cho Chơn Thần của Thượng Đế. Thầy nói: “ Thần cư tại Nhãn”. Mà Thần của người lại do Trời phú bẩm. Vậy thờ Thiên Nhãn là thờ Thượng Đế Chí Tôn của vũ trụ mà cũng chính là thờ Thượng Đế nội tại trong mỗi con người nữa.

Mỗi giờ cúng kính, người tín hữu Cao Đài gom Thần nhìn ngay Thiên Nhãn để tạo điều kiện Thiên Nhơn hiệp nhứt. Con người là linh quang từ Trời ra đi, nay hướng về Thiên Nhãn để tìm đường trở lại cùng Trời.

3. Thánh Đường: nơi biểu hiện của thế “Thiên Nhân hiệp nhất” để thực hiện Tam Kỳ Phổ Độ:

Thánh Đường là biểu hiện thu nhỏ của vũ trụ, trong đó Đức Thượng Đế ngự trị, vận dụng Đạo mầu thúc đẩy chúng sanh tiến hóa dần dần đến mức chí thiện chí mỹ để hiệp một cùng Ngài.

Cấu trúc “Tam đài” của Thánh Đường còn thể hiện thế “ Thiên nhơn hiệp nhứt” của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Mở Đạo kỳ này Đức Chí Tôn dùng quyền năng của Ngài và tất cả các Đấng Thiêng Liêng tức phần “Thiên” thuộc Bát Quái Đài, kết hợp với Hội Thánh tức Cửu Trùng Đài là phần “Nhơn” để phổ truyền giáo lý. Nhưng muốn phối hợp hai năng lực này phải có một cơ quan chuyển tiếp. Đó là Hiệp Thiên Đài có khả năng tiếp nhận quyền pháp từ Bát Quái Đài để truyền đạt đến Cửu Trùng Đài và xét trình thỉnh nguyện của Hội Thánh dâng lên Bát Quái Đài. Nhờ đó, cuộc vận hành cơ Đạo trở nên “Thiên nhơn hiệp nhứt” mà Thiên nhơn hiệp nhứt cũng chính là mục tiêu tu chứng của người tín đồ Cao Đài để độ mình và độ người.

Vậy Thánh Đường với cấu trúc Tam Đài cũng là một nét đậm của thế Thiên Nhân hiệp nhất.

4. Sự ban hành Pháp Chánh Truyền và lập Tân luật của nền Đại Đạo thể hiện thế Thiên Nhân hiệp nhất:

Chúng ta đều biết, muốn tổ chức một nền tôn giáo phải có Đạo luật. Đối với Đạo Cao Đài, Đạo luật có hai bộ : Pháp Chánh Truyền và Tân luật, Pháp Chánh Truyền qui định việc tổ chức Hội Thánh do chính Đức Chí Tôn ban truyền ngay sau ngày Khai Minh Đại Đạo (15 Bính Dần - 1926). Tân luật bao gồm Đạo pháp – Thế luật và các qui định về Tịnh Thất, nói chung là các luật liên quan đến sinh hoạt của chư chức sắc và tín đồ trong nội bộ tôn giáo và ngoài xã hội. Tân luật do các vị tông đồ của Đức Chí Tôn soạn ra và dâng lên Ơn Trên một cách vô cùng tôn nghiêm để được Ơn Trên chuẩn y.

Thế là bộ luật Cao Đài được hoàn thành do sự phối hợp Thiên Ý và Thánh Tâm của chư vị Tiền Khai Đại Đạo. Nền tảng của Hội Thánh và sự sống đạo của tín đồ đã được “Thiên nhơn hiệp nhứt” lập thành vậy.

5. Sự đặt định Tòa Thánh, Thầy cũng dụng nguyên tắc Thiên Nhân hiệp nhất:

“Nơi nào Thầy ngự, thì nơi ấy là Thánh Địa… Còn Tòa Thánh thì muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước.
“Từ Thầy đến lập Đạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ, các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy”.

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1973 – tr.98)

Trên đây là những nét đậm của Thế Thiên Nhân hiệp nhất mà nền Đại Đạo đã in rõ ngay từ buổi sơ khai. Từ đó cơ Đạo đã phát triển không ngừng mà chúng ta có thể đúc kết thành bài học chung cho người Đại Đạo : Bài học Đắc Nhất

“Con ôi, Thầy đến lúc đầu canh,
Thông thấu thần quang cõi trọn lành;
Gió núi sóng cồn chưa ổn định,
Sương mai nắng hạ vẫn xoay quanh;
Càn khôn trẻ muốn chung cư thất,
Thiên địa con toan động tác thành;
Ngưỡng cửa viên dung là chữ nhất,
Không tìm sao thấy ở hình danh.”

(Đức Chí Tôn, CQPTGL, Tuất thời Rằm tháng 3 Tân Hợi (10-4-71)

Đắc nhất, đắc đạo là kết quả của hai chiều tương ứng, tương cảm giữa Thiên và Nhân, giữa cõi trời và cõi người, hay nói theo vũ trụ quan Đại Đạo là giữa Đại vũ trụ và Tiểu vũ trụ. Bởi vì hai phạm trù nầy đều có chung Một Bản Thể như đại dương chứa đựng muôn loài từ các dòng nước suối nguồn sông rạch. Nói một cách rốt ráo, đó là thực tại “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”

Thánh giáo trong Đạo Học Chỉ Nam đã nêu rõ sự dung thông, thể nhập của con người và vũ trụ rằng:

“Con người với thể xác và tâm linh toàn vẹn cấu kết, đều bị sự chi phối của vũ trụ. Những biến chuyển trong tâm linh con người, cũng như mọi sinh hoạt, hành động của thể xác, đều làm di động đến vũ trụ.

“Ngược lại, đại thể vũ trụ vẫn thường xuyên huy tác trên mọi cá thể của con người. Đại thể vũ trụ luôn luôn đi liền bên con người đang sinh trên hoàn cảnh của vũ trụ.”( Minh Lý Đạo, Tiết II:Vũ trụ và con người, Mục 2: Sự chi phối của vũ trụ vào con người)

KẾT LUẬN

Thế cho nên, Thánh ngôn nói tinh hoa của Đức Thái Thượng Lão Quân là Luật Cảm ứng, tức ám chỉ nó vừa bao hàm mục đích khuyến thiện trừ ác, hoàn thiện hóa con người (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành) để tạo ra sự cảm ứng hộ trì của thần minh trong đời sống phúc đức tại thế gian, vừa là điều kiện hòa nhập vào bản thể vũ trụ, thực hành thiên đạo, lãnh mạng Trời cứu độ chúng sanh, tức là đạo xuất thế.

Đó là giáo thuyết căn bản để lập thành thế “Thiên Nhân hiệp nhất” hành đạo đại thừa trong Luật cảm ứng là nguyên lý sinh động của cơ tiến hóa không ngừng của vũ trụ vạn vật.

“Di chúc ngàn năm để lại rồi,
Lạc Hồng Viêm Việt chúng dân ôi !
Thiên nhơn tác hợp càn khôn định,
Tôn chỉ Cao Đài chỉ thế thôi !”

(Di Lạc Thiên Tôn, TL Thiền Điện, 3.9.71)


Top of Form











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides