Giáo Sư Thượng Thành Thanh
Ngày nay dù nền văn minh khoa học kỹ thuật có tiến bộ vượt bực đến đâu cũng chỉ đem lại cho con người những tiện nghi về đời sống vật-chất. Nhưng con người ngoài ra còn nhiều nỗi băn khoăn, khắc khoải và nan giải mà chỉ có đạo đức và tình thương mới có thể giải quyết được, vì đạo đức và tình thương là nguồn sống, là cứu cánh chân chính của con người trong lý quân bình hòa điệu vận hành không ngừng của vũ trụ vạn vật. Để tỏ ngộ cái chân lý vi diệu nầy, tôn giáo là nhu cầu thiết yếu cho con người, vì “tôn giáo là thuyền, mà Đạo là bến đỗ”.
I) CÁC TÔN GIÁO VÀ PHẦN SIÊU HÌNH:
Khi đề cập đến tôn giáo, người ta không thể không nhắc đến phần siêu hình huyền nhiệm, ngay như Khổng-giáo mà hầu hết giáo thuyết tập trung vào phần nhân sinh thực dụng.
a) Khổng Giáo:
Đức Khổng Phu Tử (551 trước Công nguyên), người được thế nhân tôn sùng là Giáo-Tổ của mối Đạo nầy, cũng đã rất chú ý đến phần siêu hình. Những câu mà Ngài đã từng tuyên bố khi đứng trên bờ sông như:
“Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ” nghĩa là “Trôi chảy mãi thế ư, ngày đêm không ngừng thôi”
hay
“Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bách vật sanh yên, thiên hà ngôn tai!” nghĩa là “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vận hành, trăm vật sanh sôi nẩy nở, Trời có nói gì đâu!” đủ chứng tỏ Ngài đã tin vào qui luật biến hóa không ngừng của vạn hữu trong nguyên lý đại đồng mà con người chỉ có thể cảm thông nhưng không nói hết được. Đó là Thiên-Mệnh vậy (1).
b) Thiên Chúa Giáo:
Nơi Thiên-Chúa-Giáo thì phần siêu hình huyền nhiệm lại càng phong phú và đa dạng, vì ngoài cái lý cao siêu ẩn tàng nơi sự thọ hình của Chúa Jésus trên thập tự giá, suốt chiều dài của tôn giáo nầy, biết bao nhiêu nhà thần học và triết gia đã đua nhau tranh biện và chứng minh sự hiện hữu của Thượng-Đế, điển hình nhất là Thánh Thomas d'Aquin là một triết gia Kinh viện (scolastique) lớn nhất (khoảng năm 1224-1274), triết lý của ông được dạy trong tất cả tổ chức giáo dục Công-giáo như một triết lý hợp lý duy nhất, được Giáo-Hoàng Léon XIII qui định như một mệnh lệnh vào năm 1780 trong thông điệp “Oeterni Patris” (2). Với chủ trương duy thực dung hòa (réaliste modéré) giữa hai cực đoan duy danh và duy thực, ông đã đưa ra năm chứng lý thời danh để giả thiết rằng ở đằng sau “những gì hữu hình” phải có một “cái gì vô hình” làm nguyên nhân, mà thực tại cái vô hình kia là Thiên-Chúa. Nhưng Karl Jaspers vẫn chưa cho đó là đủ và đã phê bình những chứng lý của Thánh Thomas d'Aquin như sau:
“La pauvreté de ce procédé et de ces contenus est compensée par l’éclat rayonnant du prodigieux mystère de la révélation et par son sens tel qu’il est appréhendé dans la réflexion théologique” nghĩa là “Sự nghèo nàn của phương thức và những nội dung đó cần phải được bổ túc bằng ánh sáng chói lòa của huyền bí, kỳ diệu của mặc khải và bằng ý nghĩa của nó như thể được lĩnh hội trong suy tư của thần học” (3).
c) Các tôn giáo khác:
Các tôn giáo khác như Lão-Giáo, Phật-Giáo, Hồi-Giáo v.v... và kể từ thượng bán thế kỷ XX, tại Việt Nam đã xuất hiện hai nền tân tôn giáo là Cao-Đài Giáo và Phật-Giáo Hòa-Hão, dù cựu giáo hay tân giáo, tất cả đều ẩn tàng không nhiều thì ít dấu vết của siêu hình.
d) Ðạo Cao Ðài:
Trong Cao-Đài Giáo, cơ bút là điểm rõ nét nhất vì Đấng Giáo-Tổ không phải là người phàm, còn đang mang xác thân của trần thế, được Thiên khải hay mặc khải sau một quá trình công phu tu luyện, mà là một Đấng vô hình, vô tướng, nên Ngài đã dùng huyền cơ diệu bút để giáng trần mở Đạo. Đấng ấy toàn tri, toàn năng, xưa nay tùy tín ngưỡng của con người, Ngài có nhiều danh xưng khác nhau như Đức Chúa Trời, Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, Brahma, Allah, v.v... Bởi đức sinh thành và dưỡng dục nên Ngài là Đấng Cha chung mà cũng là vị THẦY tối cao của muôn loài. Lần lập giáo thứ ba nầy, Ngài tá danh Cao-Đài Tiên-Ông Đại-Bồ-Tát Ma-Ha-Tát, một ánh hào quang bừng lên cho thế nhân thấy những nét đặc thù của con đường cứu rỗi vô cùng rộng lớn của Ngài trong bối cảnh thời đại mới. Vì vậy nền tân tôn giáo nầy mệnh danh là Đạo Cao-Đài hay Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Sở dĩ Ngài không giao việc lập giáo cho tay phàm lần nầy là bởi lý do như Ngài đã phán sau đây:
“Vốn từ trước THẦY lập ra Ngũ Chi Đại-Đạo là Nhơn-Đạo, Thần-Đạo, Thánh-Đạo, Tiên-Đạo và Phật-Đạo.
Tùy theo phong hóa của nhân loại mà gầy Chánh-giáo, là vì trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhân loại duy có hành Đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị nhiều Đạo ấy mà nhân loại nghịch lẫn nhau, nên THẦY mới nhứt định qui nguyên phục nhất. Lại nữa trước THẦY giao chánh giáo cho tay phàm, rồi càng xa Thánh giáo mà làm ra phàm giáo. THẦY lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm nhân loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ, nên nay THẦY nhứt định đến chính mình THẦY độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng-Đảo...” (4)
II) ÐẠO CAO ÐÀI VÀ PHẦN SIÊU HÌNH:
Sự kiện Đức Cao-Đài Thượng-Đế giáng linh điển mở Đạo lần thứ ba nầy qua phương tiện huyền cơ diệu bút còn mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại là một tiếng đại hồng chung ngân vang lên cho toàn thể thế nhân biết về sự hiện hữu của Ngài, vì có hay không có Thượng-Đế, đã là một vấn nạn xưa nay của con người mà hậu quả không những chỉ đơn thuần trong việc tranh cải, phản bác nhau, mà còn đi đến chỗ bất hòa, chia rẽ và thậm chí còn sát hại lẫn nhau.
Theo bản Pháp Chánh Truyền, một văn kiện qui định cách thức tổ chức Hội Thánh Cao-Đài do Đức Cao-Đài Thượng-Đế và Đức Lý Đại Tiên Trưởng giáng cơ hướng dẫn soạn thảo trong dịp Lễ Khai Minh Đại-Đạo vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (19-11-1926) tại Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh, thì Thánh thể Đức Chí-Tôn Cao-Đài Thượng-Đế được thị hiện nơi trần gian gồm ba đài, mỗi đài có một chức năng khác nhau như sau:
* Bát Quái Đài là nơi thờ Đức Chí-Tôn và chư Phật, Tiên, Thánh, Thần – phần vô vi, phần hồn – cầm quyền siêu rỗi.
* Cửu Trùng Đài là phần hữu hình – phần xác – gồm các đẳng cấp Chức Sắc, Chức Việc và nhơn sanh, giữ quyền độ rỗi, hoằng dương đạo pháp ra thế gian cho đời noi theo.
* Hiệp Thiên Đài giữ quyền bảo vệ chơn truyền Đạo-pháp, cái gạch nối liền Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài cho Trời hiệp với người, cho vô hình hiệp với hữu hình bằng huyền diệu của cơ bút để ban truyền Thánh huấn nhằm vận hành cơ Đạo, cứu rỗi chúng-sanh.
III) TÌM HIỂU CƠ BÚT:
Người thủ cơ chấp bút là đồng tử. Diễn trình cũng như tầm quan trọng của vai trò đồng tử như thế nào đã được THẦY – Thượng-Đế – giảng giải như sau:
“Thủ cơ hay chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất chơn-thần ra khỏi phách, đặng đến hầu THẦY nghe dạy.
Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy.
Chơn thần là gì?
Là nhị xác thân (périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác kéo níu.
Các Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu, bất diệt. Bậc Chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc Đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt THẦY...” (5)
Trong bài Thánh-giáo nầy, THƯỢNG-ÐẾ (THẦY) còn lưu ý thêm, đại để là kẻ phò cơ chấp bút chẳng khác nào như tướng soái của THẦY để truyền Đạo cho thiên hạ nên phải tập tành chí Phật, Thánh, Tiên, thân tâm phải tinh khiết, thanh tịnh, trai giới phải tinh nghiêm và phải có một Chơn linh tinh tấn thì mới huyền diệu.
Để có cái nhìn khách quan và đúng đắn về Cơ Bút Đạo Cao-Đài, hay nói cách khác là để thử tìm hiểu xem Trời và người có thể cộng thông hội hiệp được hay không, trong điều kiện nào và có thế giới vô hình hay không, ta hãy nghe Lê Quí Đôn (1726-1784) một danh nho bác học uyên thâm thời Lê mạt, nhận định:
“Nhân tâm chí đại, thượng khả dĩ thông Thiên Địa, trung khả dĩ trắc quỉ thần, hạ khả dĩ sát vạn vật” nghĩa là “Tâm con người ta rất to rộng, trên có thể thông suốt với Trời Đất, giữa có thể ước lượng được quỉ thần, dưới có thể xét vạn vật”, nhưng muốn đạt được những điều ấy, ông cho biết tiếp “Chính tâm nhi hậu năng tri đạo, tri đạo nhi hậu năng kiến cơ, kiến cơ nhi hậu năng thành dụng, thành dụng nhi hậu năng đạt quyền. Vận mệnh do nhân chế phi năng chế nhân, thiên nhân hợp nhất chi lý bất quá ư thử dã” nghĩa là “Giữ tâm mình cho chính trực ngay ngắn rồi sau mới biết được đạo lý, biết được đạo lý rồi mới có thể biết được động cơ tế vi, thấy được cơ vi rồi mới có thể làm nên công dụng, nên được công dụng rồi mới có thể đạt được quyền năng. Vận mệnh của người là do người ta làm ra, chẳng phải mệnh có thể chế ngự được người, cái nguyên lý Trời người hợp vào một chẳng qua là thế vậy” (6).
Sau Lê Quí Đôn chừng ba phần tư thế kỷ, Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại nho Nam Việt, trong văn bia do ông soạn đề ngày 13 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9 để dâng Tiên Nữ Thiên Y, hiện còn ở Tháp Bà, Nha Trang, đã khẳng định chẳng những có thế giới vô hình mà hai thế giới vô hình và hữu hình còn không cách xa nhau:
“Khi phương Nam chưa định, xe chỉ nam chưa tới, ấy là một thời. Nước nầy nhỏ, dân thưa mà đức tốt, đồn xa, đời thịnh trị, thần linh bàng bạc giáng hiện. Đủ tỏ thế giới siêu hình Bồng Lai Phương Trượng cùng với trần gian thực tế không xa vậy” (7).
Đầu thế kỷ XX, Albert Einstein một nhà bác học lừng danh, cũng đã bày tỏ niềm tôn kính thế giới vô hình huyền bí như sau:
“L’homme auquel le sentiment du mystère n’est pas familier, qui a perdu la faculté de s’émerveiller, de s’abimer daus le respect, est comme un homme mort” nghĩa là “Người mà không quen cảm thông với sự huyền bí, đã mất cả cái quan năng biết ngạc nhiên, biết ngập tràn trong niềm tôn kính trước những gì huyền bí, con người ấy kể như một người đã chết rồi” (8).
Quan điểm của một số nhân vật vừa nêu không nhằm mục đích hỗ trợ cho sự tranh luận hơn thua đối với những ai đã từng nhân danh khoa học mà bảo rằng “cái tư duy nhập thần không nên tồn tại trong thời khoa học hiện đại nầy” và đã cho rằng cơ bút Đạo Cao-Đài là mê tín dị đoan, mặt khác cũng không cố ý dùng thái độ “Duy nghiệm" của Aristote đã được xây dựng nên thành trì ngăn chận tính tọc mạch của lý trí khi nó muốn dòm ngó vào những huyền bí = L’empirisme d’Aristote est érigé en sauvegarde contre l’indiscrétion de la raison qui voudrait scruter les mystères – Histoire de la Philosophie III tr. 661 –” như Emile Bréhier đã nhận xét (9), mà chỉ với thành tâm thiện chí góp phần vào việc nhận định vấn đề Cơ Bút Đạo Cao-Đài một cách ngay thẳng, sáng suốt và hợp lý, vì nếu dùng lối duy vật biện chứng để nhận xét một vấn đề thuộc lĩnh vực siêu hình thì chẳng khác gì việc muốn bắt chim trên trời mà lại buông câu dưới nước.
Tuy nhiên có điều phải kiểm chứng là cơ bút đã linh ứng hay huyền diệu như thế nào, nội dung của bài cơ sau khi cầu thuộc trình độ Trời, Phật, Tiên, Thánh, người hay ma quỉ? Theo Micréa Eliade trong Mythes Rêves et Mystère thì “Đức linh thiêng luôn luôn biểu hiện như là năng lực, nhưng có nhiều trình độ và tần số khác nhau trong những biểu hiện ấy = Le sacré se manifeste toujours comme une force, mais il y a de grandes différences de niveau et de fréquence entre ces manifestations” (10). Như vậy, nếu trái lời THẦY dạy, nghĩa là thân tâm của đồng tử kể cả chư vị chứng đàn và hầu đàn không sạch sẽ thanh tịnh, nhất là tâm trung bất chánh thì các Đấng trọn lành sẽ không đến và phàm tâm dục tánh sẽ nổi dậy hoặc tà thần yêu quái sẽ xâm nhập, làm sai lệch chơn truyền Đạo pháp và ảnh hưởng không tốt đến sự vận hành của cơ Đạo.
Để soi sáng thêm vấn đề là cơ bút đã dẫn dắt con người đến chỗ chánh tín hay mê tín dị đoan, thiết tưởng không phải là điều vô ích khi chúng ta thử theo dõi phần nào bối cảnh của nhân loại, kể cả dân tộc Việt Nam, từ khi Đạo Cao-Đài xuất hiện cho đến nay cùng một vài nét đặc thù của tôn giáo mới nầy:
Bởi đức háo sinh và lòng thương yêu vô bờ bến mà Thượng-Đế đã mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tức Đạo Cao-Đài hầu cứu nguy nhân loại trong thời hạ nguơn mạt pháp nầy. Thời kỳ mà con người vì quá đam mê quyền lực và vật-chất mà đã xao lãng phần đạo đức tinh thần và nhiều khi mất hết cả thiên lương. Thời kỳ mà xã-hội loài người đã nảy sinh những chủ nghĩa phi nhân mù quáng như tham tàn, kỳ thị, cực đoan, quá khích, độc tài và độc tôn - đã thổi bùng lên ngọc lửa của tham, sân, si và đã xô đẩy con người vào những cuộc chém giết kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Rồi đây loài người sẽ ra sao? có thoát được hiểm họa đại thế chiến thứ ba với những vũ khí hạch tâm có tầm mức sát hại một cách kinh khiếp hay không? nếu các chủ nghĩa cực đoan, quá khích tái sinh và bành trướng dưới một dạng nào đó và trong một phút giây nào đó con người không còn tự chủ được nữa. Ngoài những hiểm họa và đe dọa vừa nêu, bộ mặt xã-hội loài người còn có những thương tích nghiêm trọng như:
- Những tệ nạn gây truyền chứng bệnh nan y liệt kháng,
- Những vụ cuồng dâm và cuồng sát đã xảy ra trong những năm tháng gần đây,
- Những cảnh chia lìa đổ vỡ của vợ chồng kéo theo sau sự bơ vơ, hư đốn của con cái ngày càng gia tăng,
- Sự tồn tại cảnh người phụ nữ bị ngược đãi một cách dã man và cảnh nghèo đói lạc hậu của con người tại nhiều nơi trên thế giới.
Ngần ấy sự kiện làm cho lương tri con người suy nghĩ và đặt dấu hỏi về những điều liên quan đến giá trị và sự tồn vong của con người như chủ nghĩa, giáo điều, luật lệ, phong tục, tập quán, tình người, tư cách và trách nhiệm của con người v.v... và lý do nào mà ngạn ngữ La-Tinh đã có câu “Homo hominem lupus” (L’homme est un loup pour l’homme) nghĩa là “Con người là chó sói của con người”.
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tức Đạo Cao-Đài được manh nha trong các năm đầu của thập niên 1920 và chính thức xuất hiện vào năm 1926. Thượng-Đế đã chọn Việt Nam, quê hương của một dân tộc hiền hòa, vốn có óc thâu hóa và sáng tạo, và dù trải qua những gian nguy thử thách của thời đại cũng vẫn giữ dạ thờ Trời kính Phật, để khai sáng mối Đạo. Qua phương tiện cơ bút, Thượng-Ðế đã giáng linh điển, ban truyền một nền giáo lý dung thông mọi tư tưởng Đông Tây kim cổ, lấy tinh hoa tam giáo Nho, Thích và Lão làm nền tảng, để lập thành một hệ thống giáo lý nhất quán Đại-Đạo gồm năm bậc: Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo hầu tận độ chúng-sanh. Trong bối cảnh đen tối hải hùng và còn nhiều bất trắc của nhân loại, Thượng-Ðế đã đến và chỉ cho nhân loại một lối thoát cả xác lẫn hồn. Lối thoát ấy là nơi hợp lưu tinh hoa các nguồn tư tưởng cho hành giả cùng nhau tu học, vượt lên ranh giới của không, thời gian và mọi dị biệt của hình danh sắc tướng, để trở về nguồn cội chung là Đạo, là hư vô nhứt thể, là lý tính đại đồng, là Thái-Cực Thánh-Hoàng, là Thượng-Đế. Danh từ tuy khác nhưng tựu trung cũng chỉ là một. Lối thoát ấy cũng là đại lộ thênh thang của tình thương, của dung hòa và cởi mở, của khiêm tốn và nhân từ, của trao đổi và học hỏi lẫn nhau, tôn trọng sinh mạng của nhau và giúp đỡ lẫn nhau cả vật-chất lẫn tinh thần, dìu dắt nhau mà sống và thăng hoa giá trị con người, đồng thời thánh đức hóa xã-hội, đem lại sự an bình cho mình, cho người, cho quốc gia dân tộc và cộng đồng nhân loại. Lối thoát ấy là sinh lộ mà Cao-Đài Thượng-Đế đã chỉ dẫn, nhưng con người phải thức tâm, nương theo đó mà đi, để cùng nhau sống còn bởi đặc tính nhân bản khai phóng toàn diện của nó. Nếu ngược lại con người cứ mãi mê muội, cố chấp, cống cao ngã mạn, kỳ thị, cực đoan, quá khích, độc tài, độc tôn và tàn bạo là đi vào tử lộ, chỉ gây đau khổ cho nhau và rồi sẽ cùng ôm nhau xuống hố của diệt vong.
IV) MẤY ÐIỀU GỢI Ý:
Những điều trình bầy trên không phải là chuyên đề giáo lý nên chỉ xin thông qua vài nét đại cương và thay vì kết luận, xin có ba điểm sau đây mời bạn đọc cùng suy ngẫm:
1) Một là trích dẫn một ít Thánh-giáo xuất xứ từ huyền cơ diệu bút Đạo Cao-Đài:
* Liên hệ đến Tình Thương: cách đây hơn 70 năm, sau khi Đạo Cao-Đài xuất hiện không lâu, THẦY tức Đức Cao-Đài Thượng-Đế đã dạy như sau:
- “THẦY là Cha của sự thương yêu. Do bởi thương yêu mới tạo thành thế giới và sanh sản các con. Vậy các con sản xuất nơi sự thương yêu, là cơ thể của thương yêu đó.
Sự thương yêu là giềng mối bảo sanh Càn Khôn thế giới. Bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, Càn Khôn an tịnh. Đặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau. Không thù nghịch lẫn nhau mới không tàn hại lẫn nhau. Không tàn hại lẫn nhau mới giữ bền cơ sanh hóa.
Kẻ nghịch cơ sanh hóa là quỉ vương, là tay diệt hóa. Cũng như có sống của THẦY, ắt có chết của quỉ vương.
Quỉ vương giục sự ghét mà tàn hại các con, vì ghét nhau vạn loại mới nghịch nhau. Vì ghét nhau vạn loại mới tàn hại lẫn nhau, mà tàn hại lẫn nhau là cơ diệt thế.
Vậy THẦY cấm các con từ đây nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à.” (Đàn cơ ngày 11-1-1930 tức 12 tháng chạp năm Kỷ Tỵ) (11)
- “Điều THẦY vui hơn hết là muốn các con thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như con một nhà, phải đồng tâm hiệp chí, chia vui sớt nhọc cho nhau, nâng đỡ dìu dắt nhau, đem lên con đường đạo đức, tránh khỏi bến trần ai khốn đốn nầy...” (Đàn cơ ngày 19-2-1927 tức 18 tháng giêng, Đinh Mùi) (12)
* Phản ảnh phần nào tôn chỉ và mục đích Đạo Cao-Đài:
“Hôm nay THẦY chuyển lập Tam-Kỳ Phổ-Độ để chấn hưng chánh lý đồng nguyên, để xóa bỏ những khía cạnh ngã chấp, sắc màu mà cùng hiệp tinh ba cổ kim Âu Á trên lập trường duy nhất nghĩa là xóa bỏ cái dị mà đem cái đồng giữa các sắc giáo để làm phương định cứu thế kỳ ba.” (13)
2) Hai là một lần nữa chúng ta trở lại với Albert Einstein, người đã tìm ra công thức E=MC2 với hệ quả khôn lường. Nhưng lạ lùng thay! từ nơi bộ óc phi thường của nhà khoa học kỳ tài ấy, ngoài niềm tôn kính thế giới siêu nhiên huyền bí như đã đề cập ở phần trên, còn có câu:
“Il faut adopter une manière essentiellement nouvelle de penser si nous voulons que l’humanité survive” nghĩa là “Cần phải chấp nhận một phương thức suy tưởng mới mẻ trong tinh chất (tinh hoa) của nó nếu ta muốn nhân loại sống còn.” (14)
3) Và sau cùng xin trích dẫn mấy dòng có liên hệ đến cơ bút Đạo Cao-Đài của Trinh-Tường Nguyễn Lương Hưng trong lời giới thiệu quyển GIÁO LÝ (15) mà soạn giả là Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, Tòa Thánh Tây Ninh, như sau:
“Cao-Đài Giáo lại còn là một tôn giáo thiêng liêng trong từng giờ từng phút của nó. Đó là tính cách huyền diệu cơ bút, một hiện tượng kỳ diệu nói lên sự mặc khải của Đấng Thượng-Đế trọn lành, vì lòng đại từ bi mà giáng cơ xuống trần để cứu độ nhân sanh.” ./.
Giáo Sư Thượng Thành Thanh
--------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO (1): Lịch Sử Triết Học Đông Phương, Nguyễn Đăng Thục, tập I, trang 186 (Tủ sách Duy Nhất xuất bản, in lần thứ hai, 1961).
(2): Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Lê Tôn Nghiêm, tập III, trang 202-203 (Nhà xuất bản thành phố HCM, 2000).
(3): Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Lê Tôn Nghiêm, tập III, trang 260 (Nhà xuất bản thành phố HCM, 2000).
(4): Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, quyển I, trang 16 (Hội Thánh giữ bản quyền, 1972).
(5): Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, quyển I, trang 6 (Hội Thánh giữ bản quyền, 1972).
(6): Lịch Sử Tư Tưởng Việt-Nam, Nguyễn Đăng Thục, tập VII, cùng một bìa với tập VI, trang 69 (Nhà xuất bản thành phố HCM, in lần thứ hai, 1998).
(7): Lịch Sử Tư Tưởng Việt-Nam, Nguyễn Đăng Thục, tập I, trang 294-295 (Nhà xuất bản thành phố HCM, in lần thứ hai, 1998).
(8): Dịch Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, trang XXIX (Tủ sách Thu Giang xuất bản, 1973).
(9): Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Lê Tôn Nghiêm, tập III, trang 249 (Nhà xuất bản thành phố HCM, 2000).
(10): Lịch Sử Tư Tưởng Việt-Nam, Nguyễn Đăng Thục, tập I, trang 303 (Nhà xuất bản thành phố HCM, in lần thứ hai, 1998).
(11): Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, quyển I, trang 176 (Hội Thánh giữ bản quyền, 1972).
(12): Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, quyển II, trang 140 (Hội Thánh giữ bản quyền, 1972).
(13): Cao-Đài Giáo Lý, số 30, trang 41 (Tạp chí của Hội Tín Hữu Cao-Đài Giáo tại CHLB Đức, tháng 4-1994)
(14): Luận Cương về Văn Hóa Việt-Nam, Vũ Ký, tập II, trang 225 (Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Việt Nam tại Bruxelles ấn hành và xuất bản tháng 1-1996 và ấn hành lần thứ hai tại Hoa Kỳ, 1997)
(15): Giáo Lý, Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, nơi lời giới thiệu, không ghi số trang (Soạn giả giữ bản quyền, tái bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2000).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét