“Thế sự giả chơn thôi trối kệ,
Tùy thời công quả với công phu”
“Qua những ngày tịnh tọa tham thiền chư tịnh viên có cảm nghĩ gì về sự ích lợi của công phu thiền định không? Người tu hành học Đạo phải tìm hiểu rõ sự ích lợi cao cả của Đạo thì mới ham học ham tu”.
“Tứ thời tịnh định công phu,
Luyện trau thần khí phá tù vô minh”.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn
Cõi đời là chi? Kiếp người là sao ?
Đức Như Ý giải đáp :
“Cõi đời lắm nẻo lắm chông gai,
Tứ khổ ràng thân ai hỡi ai.
Sanh phải vượt qua bao trọng trược,
Bịnh càng giam hãm tợ tù đày;
Lão lai tài tận khôn dò bước,
Tử hậu vô tri khó giải bày.
Nếu chẳng biết tìm cơ giải thoát,
Vô thường đến cửa hẹn sao đây “.
Con người sống trên cõi đời là đi vào con đường “khổ” từ SANH cho đến TỬ (Khổ : sanh, lão, bệnh, tử). Công phu là phương pháp giải thoát, giải khổ :
“Giải thoát lấy công phu làm chính,
Học tu tuân luật lịnh làm đầu”.
Trong bài này chúng ta “Học tập lời dạy của Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn về Công Phu”.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn (thế danh Lê Văn Tiển) sanh năm 1843, mất năm 1913 tại Cần Giuộc. Thời trai tráng Ngài đã nghe “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Cụ Đồ Chiểu :
“Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng,
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”.
Làm sao cứu khổ cho mình và đồng bào?
- Có nhiều lối đi, Ngài chọn con đường đạo lý. Vĩnh Nguyên Tự còn truyền lại câu đối của Ngài :
“Độc binh thư cụ chiến,
Độc luật thư cụ hình;
Độc Đạo Thư chiến hình vô cụ.
Đối :
Canh Nghiêu điền ưu hạn,
Canh Vũ điền ưu thủy,
Canh tâm điền thủy hạn hà ưu. “
Tạm dịch :
- Đọc binh thự thì lo chiến tranh,
- Đọc sách luật thì lo hình phạt,
- Đọc sách “tu hành” thì không lo chiến tranh cũng như hình phạt.
Đối :
- Cày ruộng của vua Nghiêu thì sợ hạn hán,
- Cày ruộng của vua Vũ thì sợ lụt lội,
- Cày ruộng “tâm” thì không sợ hạn hán cũng như lụt lội”.
Từ đó Ngài tầm sư học Đạo với Ngài Di Minh Tử Ngô Đạo Chánh. Tiến đạo đến hàng “Lão sư” rồi trở thành “ Chưởng Môn” với đạo danh Thái Lão Sư Lê Đạo Long.
Năm 1908 Ngài lập Vĩnh Nguyên Tự, mở đạo tràng để hoằng pháp lợi sanh (Vĩnh Nguyên Tự ở Xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ngài tiên tri mười hai năm sau các vị “Thập nhị khai thiên” của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đến Vĩnh Nguyên Tự mở Đạo.
Khi Đạo Cao Đài Khai minh, Ngài thường giáng cơ dạy về công phu hành Thiên Đạo :
“Biết tự chủ là người giác ngộ,
Sống tinh tường thấu chỗ huyền vi;
Vững vàng một ánh linh tri,
Vô vi cùng với hữu vi nơi mình.
Không dấy động vì tình vì cảnh,
Không đảo điên bổn tánh chơn tâm;
Vọng duyên vừa mới khởi mầm,
Cường binh quét sạch khỏi lâm nghiệp trần.
Xưa Ngài xây Vĩnh Nguyên Tự hữu hình, nay Ngài dạy chúng ta lập Cao Đài Nội Tại cho vững bền.
- Nay chư đệ muội muốn hoàn thành ngôi Cao Đài huyền nhiệm vĩnh cửu,
- Muốn hoàn thành sứ mạng thiêng liêng thì phải dằn tâm hạ khí;
- Không vì tâm mà phải dụng Thần,
- Không vì tri mà phải dụng Linh.
- Có Thần Linh mới thấu suốt được mục đích sự tu luyện hiến dâng của chính mình để hành đạo đúng Thánh Ý Thiên cơ”.
Quá trình xây đắp Cao Đài Nội Tại gồm :
A. Dọn mặt bằng : cái cũ, cái hư, cái tệ đều bỏ đi, triệt thoái những ý thức sai biệt, yêu ghét, thân thù, phiền não, kinh cụ.
B. Chọn kiến trúc sư : Thần, Chủ nhơn ông là kiến trúc sư, mỗi người đều có ở trong dạng tiềm thể, phải luyện trau để diệu dụng ở hiển thế. Đức Như Ý dạy :
Âm dương hiệp nhứt phục qui nguơn Thần,
Thần thị Thiên, Thiên Thần linh diệu,
Hòa muôn phương quán chiếu nhiệm mầu,
Trời người nào có khác đâu,
Đạo tâm gồm ở một câu huyền đồng.”
Chúng ta dùng Tâm để luyện Thần, Đức Như Ý dạy:
“Chư đệ muội cần tu khắc kỷ luyện tâm, luyện tâm tức là luyện Thần. Tâm có minh thì Thần mới linh. Luyện được Thần thì tâm không còn là tâm, mà là thần. Thần là chủ tể của vạn sự vạn vật.
Thần linh diệu thì ngồi một chỗ mà suất thông mọi hướng, lặng lẽ không lời mà cơ cấu vẫn điều hành. Sự việc đó không phải nói mà không làm được vì đó là vệc của con người, Con người muốn sẽ làm được. Chỉ có thần lực của con người mới khơi dòng đạo mạch đang bị vấp lùi trong tâm hồn nhân thế”.
Đạo chẳng xa đâu, đạo ở mình,
Chỉ cần đoạn niệm, Đạo minh linh;
Thông cùng Tam giới do Thần hiện,
Cứu thế độ nhân sẽ mặc tình”
C. Công thức trì tu: (cách tiến hành của kiến trúc sư)
Nếu nhận công án, chúng ta giải biết lúc nào cho ra. Ơn Trên ban công thức để chúng ta trau luyện.
Công thức I :
“Thầy là các con, Các con là Thầy.”
Đức Như Ý nhắc chúng ta:
“Đức Chí Tôn đã dạy “Thầy là các con, các con là Thầy” đó là phép mầu tối thượng chẳng thể nghị bàn. Nếu hành giả còn vọng kiến cầu tha, e lạc vạo bàng môn tả đạo thì sứ mạng thiêng liêng sao tròn mà hành giả đã tự hủy hoại chơn lý Thánh nhơn rồi.”
“Thầy là các con”, chúng ta tìm thấy Đức Cao Đài ở trong “chính mình”, và ở trong tất cả Anh em (chị em) (xin gạch dưới chữ CÁC)
“Các con là Thầy” mỗi người, mọi người là hiện thân của Thượng Đế, phải làm đạo với tấm lòng của Thượng Đế.
Đạo tâm sứ mạng là mình,
Gội ân Thượng Đế nặng tình nhơn sanh.
Với công thức “MỘT” này, người môn đệ Đức Cao Đài trước tiên là “đặt trọn niềm tin vào Đức Chí Tôn và Đại Đạo”; thứ hai là hồi quang phản chiếu để trực nhận Cao Đài nơi chính mình. Đức Như Ý dạy :
“Cao Đài là tâm của vũ trụ, là thần, là gốc của con người, Cái có tên mà không tên, vì muôn loài vạn vật đều sanh ra bởi đó, mà đó không bởi đâu sanh.
Chính tên Cao Đài cũng chỉ là tạm mượn để chỉ cái gốc của con người cao quí nhất mà con người gọi là tâm linh, là nê hoàn, là ngọc châu viên giác, liên hoa cung”.
Công thứ I giúp con người ĐẮC NHỨT
Công thức II:
“Tâm là tâm, cảnh là cảnh; Mới là Thiên Địa chi tâm”
Đức Như Ý dạy :
“Nếu tâm bị cảnh chi phối như dòng thác lũ cuốn lôi bao nhiêu cặn bã cuộc đời trôi theo cuồn cuộn thì dầu tuổi đạo là bao, tuổi đời là mấy chăng nữa có chi gọi là chơn thường chi tánh của người hành giả đang tìm đường để tự giải thoát và giải thoát cho cuộc đời”
- Tâm là cái chơn thường.
- Cảnh là cái vô thường.
Giữ được chơn thường trong mọi cái vô thường thì mới có thể cứu mình và cứu người.
Hai công thức trên có hai “hệ luận”.
· Hệ luận I : “Thanh tịnh”
Đức Như Ý dạy :
“Thanh tịnh là điều kiện để tu chứng. Đạo pháp cấp bực nào cũng có thể tu chứng. Đấng Chí Tôn luôn luôn ngự trị trong tâm thanh tịnh của chư đệ muội. Phật, Tiên, Thánh, Thần luôn luôn hộ trì, chỉ cần chư đệ muội công phu tu tập cho thật dõng mãnh sáng suốt, dầu đạo pháp cấp nào cũng có thể tu chứng”.
Hệ luận I là kết quả tất yếu của công thức II “Tâm là tâm, cảnh là cảnh”. Thanh tịnh là điều kiện ắt có của tu chứng, nhờ đó mà thông công được với Đức Chí Tôn, các Đấng Phật Tiên Thánh Thần hộ trì. Mọi người đều có cùng khả năng để thực hiện.
· Hệ luận II :
“Học Đại thừa, hành Thiên Đạo”
Đức Như Ý dạy :
“ Thanh tịnh là giữ tâm cho đừng xao xuyến, ý đừng vọng động để noi theo cái lý vận hành của Trời đất giáng thăng để sống, để làm cho tự thân, cho bổn phận vi nhân.
Đối với bổn phận vi nhơn, không phải chỉ biết có riêng cho mình được ấm no mà phải biết sống đời sống nhơn quần xã hội có nghĩa, có nhân xây dựng điểm tô nền trật tự có lễ, có trí, có tín thì quyền pháp mới được sáng tỏ. Giúp đở người thua kém, nghèo hèn, dìu dắt người sa cơ thất thế tuy là việc nhỏ không sánh được với người xưa đã bỏ ngai vàng điện ngọc, đó là hạnh Bồ tát, tuy việc nhỏ mà nên Đạo, đừng chê nhỏ mà không làm”.
Người học Đại thừa là noi theo “lý vận hành của Trời đất giáng thăng”, Đạo Trời là “lấy chỗ dư bù chỗ thiếu”. Hành Thiên Đạo là lấy “lòng Trời” để tiếp xử với mọi người. Đức Như Ý dạy chúng ta hành Thiên Đạo qua lời Thánh ngôn giản dị thâm trầm sau :
“Người được quả lành là tiến được một bước gần Thượng Đế. Nếu không giác ngộ, thay Thượng Đế đem quả ngọt ngon lợi sanh hoằng pháp, đó là đứng lại và thoái hóa.
Những ai quả xấu nếu không giác ngộ tự tỉnh tu hành để gây thêm trọng nghiệp thì ắt sẽ sa đọa, khó thoát ra ngoài cõi tục.“
· Công thức III:
“Biết thời Trời để thời Người hạp thời Trời thì thoát khổ”.
Bài thơ ở phần đầu Đức Như Ý dạy: “tứ khổ ràng thân con người là sanh, bệnh, lão, tử”.
Muốn giải khổ phải công phu. Công thức để công phu là “biết thời Trời để thời Người hạp thời Trời thì thoát khổ.
Đại vận của Trời đất một năm là bốn mùa : Xuân, Hạ, thu, Đông. Tiểu vận mỗi ngày trong bốn thời : tý, ngọ, mẹo, dậu.
Mỗi năm có bốn mùa tu, mỗi ngày có bốn thời tịnh để làm cho thời của người hạp với thời của Trời.
“Tâm cùng Trời đất huyền đồng,
Thân hòa vạn hữu thoát vòng biển mê;
Là con tu đạo bồ đề,
Đất trời nhơn vật quay về một tâm.”
Đức Như Ý cũng dạy :
“Bên Trời treo một huyền cung,
Hỡi người hành giả ruỗi dung đường trần;
Mau mau nắm lấy cung Thần,
Giáng long phục hổ mới chân anh hào”
Ngài dạy thêm :
“Lành dữ đường trần tua mở ngõ,
Thiền định nghiệp duyên dứt sạch trong;
Chơn nhơn xuất hiện trời Nam tỏ.”
D. Trở ngại đường tu :
Bốn trở ngại trên đường tu :
- Trở ngại 1:
“Ham học mà chưa ham tu”
Đức Như Ý dạy : “ một số tịnh viên ham học mà chưa ham tu nên còn trễ biếng hời hợt. Chưa biết quí tánh mạng như giữ sự sống còn hơn kim ngân vật chất. Đó là tùy căn trí của mỗi người”.
- Trở ngại 2:
“chưa thành tâm, chuyên tâm”
Đức Như Ý dạy : “một số tịnh viên chỉ ham học bí truyền bí pháp mà không để tâm vào cái vi diệu của đạo cơ, nên chi gặp trở ngại thì cũng phân vân thắc mắc thối chí ngã lòng”.
Trường hợp này chúng ta ngồi tịnh mà “ thân tại tâm ngoại” nên không đạt được diệu dụng của pháp môn vì thân chưa điều, tâm chưa điều, khí chưa điều, thần chưa linh.
Tâm theo mắt nơi nào mắt chú,
Khí theo tâm tâm trụ khí ngừng;
Khí tâm biết đúng chỗ dừng,
Tinh thần hồn phách hội ngưng niết bàn
- Trở ngại 3:
“tu muộn trở ngại nhiều”
Đức Như Ý dạy: “thời gian tuổi tác, càng sớm càng hay, càng sớm bước càng đủ điều kiện để giải quyết bổn phận của chính mình trên con đường giải thoát”.
Chúng ta là con em trong gia đình đạo cao Đài, lại tu trể tu muộn là lỗi ở chính mình, chứ không ở hoàn cảnh khách quan.
Cha tu con phải được hiền,
Lập thành sổ bộ trò Tiên mới là.
- Trở ngại 4: “thiếu tâm hạnh”
Đức Như Ý dạy: “Rèn tâm chí thành kiên trì thì nấc thang đại thừa mới bước lên. Thiếu hạnh chơn tu thì dễ lạc vào bàng môn tả đạo. Tâm hạnh viên dung mới khỏi uổng công tu học”.
Tâm chí thành, hạnh chơn tu là điều kiện tiên quyết cho ai muốn làm đệ tử của Thần Tiên, cũng là điều kiện bảo chứng cho hành giả đi trọn đường tu cho đến thành công.
E. Kết quả :
Đức Như Ý dạy: “tu chứng có hai phần:
- một phần do nội giới tu chứng. Phần này sẽ đạt đến chỗ lục thông.
- Hai là đức độ uy nghi tác phong thuần phác. Đó là tiêu biểu của chơn nhơn
Tuy hai mà một ảnh hưởn thành tựu không riêng. Có riêng là đã sai chánh pháp. “Tâm tướng như như, như thị như thật”. Thong dong tự tại không gì bắt buộc ép lòng do sự bất đắc dĩ mà phải có một ý chí quyết định”.
Hành giả tu chứng sẽ đủ quyền năng để cứu mình và cứu người tâm tướng hiển lộ “tướng hảo quang minh, tâm linh minh huệ”.
Xin cầu nguyện và thực hiện được như thế.
Huệ Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét