Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Câu chuyện thành nhân

Trước hết xin cho phép chúng tôi chúc mừng những anh chị em đồng môn mới. Chúng ta là những học trò cùng trường có chung Thầy là Đức Chí Tôn.

Lễ Thành Nhân có giá trị là Lễ Nhập Môn đối với con em trong gia đình Đạo Cao Đài. Các bạn đã được học tập để hiểu ý nghĩa. Buổi lễ hôm nay đánh dấu ngày các bạn mang vinh dự và trách nhiệm:

* Mình đã Thành Người.

* Mình đã Thành Người Tín Hữu Cao Đài.

* Sống Đạo Thế Nào?

I.THÀNH NGƯỜI.

LÀM NGƯỜI (viết hoa) không phải dễ. Ngày xưa nhà hiền triết Hy Lạp Diogène, vào giữa trưa ông đốt đuốc đi khắp thành phố. Người ta hỏi: cụ tìm chi giờ này phải đốt đuốc?

Ngài đáp: tôi đi tìm một con NGƯỜI mà không thấy. Con người ngoài hình hài thể lý gồm đầu, mình và tay chân còn thêm phần giá trị đạo lý mà Ngài thấy không ai có.

Ở đông phương, Đức Khổng Phu Tử cũng dạy:

"Vi nhân nan, vi nhân nan."

Nghĩa:

"Làm người khó, làm người khó."

Trên thế gian mỗi người mang một chức năng gọi là DANH ( làm con, anh, chị, em, cha, mẹ, thầy, quan, vua…) và phải thi hành trách nhiệm của mình gọi là PHẬN. Ngài nêu lên phương châm làm người là "CHÍNH DANH ĐỊNH PHẬN":

"Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử."

Nghĩa là:

"Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con."

Có người đem câu này ra hỏi Ngài Mạnh Tử : vua ra vua, tôi ra tôi, sao có kẻ dám giết vua Trụ, vua Kiệt?

Ngài Mạnh Tử trả lời: tôi nghe nói nhân dân giết hai kẻ ác nhân Trụ, Kiệt chớ chưa thấy ai giết vua. Trụ, Kiệt là hai ác nhân dám mổ bụng phụ nữ để xem hài nhi, đó là ác quỉ chứ không phải là vua.

Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Ngô Đại Tiên dạy :

"Phụ từ mới dạy con tử hiếu,

Phu thê hoà nên điệu sắt cầm;

Đệ huynh nghĩa trọng tình thâm,

Bằng hữu thủ tín tri âm hoà đồng.

Đó lý đạo trong vòng nhân thế,

Phận làm người hồ dễ mấy ai;

Tu thân định mạng an bày,

Thì đâu thế sự ngày nay điêu tàn."[1]

Đạo Cao Đài khẳng định : người tu phải làm một CON NGƯỜI CHÍNH DANH rồi mới có thể làm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy chúng ta:

"Nhiều tay ham học, hỏi học làm gì? - Nói: học làm Trời. Mà làm người chưa đúng.

Nhiều tay ham tu, hỏi tu làm chi?

Nói: tu làm Phật Tiên. Mà tánh đảo điên không bỏ."

Nên Đức Đông Phương Lão Tổ dạy chúng ta:

"Tu học để nên người thánh thiện,

Tu hành cần rèn luyện thân tâm;

Có thân, thân chớ lạc lầm,
Có tâm, tâm chớ đọa trầm phàm phu".



Chúng ta từng thấy những vết xe cũ, có người 10 năm về trước là một ông chồng chăm chút, hiện nay lại làm đệ tử lưu linh.

Cho nên, THÀNH NGƯỜI là một diễn trình giá trị mà chúng ta phải chiến đấu và nâng cao nó suốt đời.

II. THÀNH NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC CAO ĐÀI.
1. Vì đâu chúng ta nhập môn theo đạo Cao Đài?



Các bạn đã nhập môn rồi, xin các bạn hãy tự vấn và tìm giải đáp cho câu hỏi: "nếu ba tôi, mẹ tôi không có Đạo Cao Đài, tôi có vào Đạo Cao Đài không?”

Ngày xưa các bậc Tiền Bối của chúng ta nhập môn trong giai đoạn huyền diệu, Đạo Trưởng Huệ Lương của chúng ta cũng thế.

Ngày nay, chúng ta nhập môn trong giai đoạn thể nghiệm đức tin, nghĩa là mỗi người phải học, hiểu, hành và sống với đức tin.

"Lòng con tin Đấng Cao Đài,

Đạo đời Trời sẽ an bày cho con".

Đức tin là ánh sáng của ngọn đèn, muốn cháy nó phải được tiếp điện, gaz, hoặc dầu liên tục. Nhập môn mà không tiếp tục đọc Thánh Kinh Hiền Truyện, không cúng kính mỗi ngày, không đến thánh thất, thánh tịnh làm công quả, tức là cắt đứt nguồn tiếp liệu, ngọn đèn đức tin của chúng ta sẽ tắt.

Không phải ngẩu nhiên, chúng ta sinh ra trong gia đình Đạo, tiền kiếp các bạn đã tu rồi, nay chọn thuận cảnh để dễ dàng tu tiến, vì vậy có may duyên hơn rất nhiều bạn khác:

"Cha tu con phải được hiền,

Lập thành sổ bộ trò Tiên mới là."

Nếu chúng ta không tìm được lý do vào Đạo Cao Đài nào khác hơn là do cha mẹ có Đạo Cao Đài, thì quả tình chúng ta giữ Đạo như giữ món cổ vật di truyền.

Đức Cao Triều Tiền Bối (Cao Triều Phát) dạy:

" Nếu các em không hiểu lý tưởng Cao Đài, không dung hợp lý tưởng Cao Đài, không ứng dụng lý tưởng ấy ích lợi cho mình, cho mọi người, thì các em giữ Đạo Cao Đài như giữ món cổ vật".

Nếu chưa tìm được câu giải đáp thỏa đáng, các bạn hãy tìm các vị lớn tuổi hơn và đặt câu hỏi ấy.

Theo đức tin của chúng tôi, người theo Đạo Cao Đài :

a. Chúng ta kế thừa truyền thống từ Đức Ngô Minh Chiêu "không học Đạo với vị thầy phàm", đây là một phương châm đại hùng, đại lực. Chúng ta có Thầy là Đức Chí Tôn. Các bạn và chúng tôi, chúng ta đã được:

"Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,

Hão phùng Ngọc Đế ngự trần gian."

b. Thời gian có sau trước, pháp môn có tân cựu, chúng ta được học pháp môn hiện đại nhất, hiệu quả nhất. Các bạn sẽ hiểu kỷ hơn khi thọ pháp.

c. Đạo Cao Đài trước tiên cứu độ dân tộc Việt Nam, kinh sách được ban bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta dễ học, dễ hiểu, dễ hành.

2. Chúng ta làm chi sau khi nhập môn?

Đi đường cần bản đồ, đi tu cần bản đồ hơn nữa. Sau khi nhập môn các bạn còn phải đi sáu bước trên đạo trình bảy đoạn được Đức Quan Thế Âm dạy:

1. Nhập môn (hay nhập Đạo).

2. Giữ Đạo.

3. Học Đạo.

4. Hiểu Đạo.

5. Tu thân hay tùng Đạo.

6. Hành Đạo.
7. Đắc Đạo.



*. Nhập đạo (nhập môn ) : sự lựa chọn con đường cho mình. Lựa Đạo Cao Đài là chọn được lộ trình ngắn nhất. Nhập đạo rồi tên được ghi trong tịch đạo. Theo lời Ơn Trên dạy:

“Thượng ngươn Thánh Đức phục lai,

Bôi tên địa phủ, liên đài hoá thân.”

*. Giữ đạo : giữ đạo là tuân Pháp Chánh Truyền, Tân Luật (Ngũ giới cấm, Tứ đại điều qui…). Nhập đạo mà không giữ đạo là ghi tên vào trường mà không giữ nội qui, trốn học, bỏ lớp.

*. Học đạo : giữ đạo mà không học đạo là thỉnh kinh mà không đọc. Đói bụng, có bánh mà không ăn.

*. Hiểu đạo : muốn hiểu đạo phải:

- dụng tâm suy nghĩ cho thấm nhập chứ không cố nhồi nhét thuộc lòng.

- y kiến chưa phải là chánh kiến nên suy xét cẩn thận để đừng hiểu sai lạc. Thí du: tư tưởng “vật dưỡng nhơn” được một số người nêu lên để bài bác việc ăn chay, vì hiểu khiên cưởng rằng “vật là động vật mà thôi”, trong khi đó vật có nghĩa là tất cả mọi loài, mọi thứ trên thế gian: cơm, áo, nhà, thuốc men…

Về học đạo, hiểu đạo : ngoài học hiểu qua kinh sách, qua nghe thuyết giảng, Đức Quán Thế Am đặc biệt lưu ý đến cách học thứ ba là công phu thiền định, Ngài gọi là môn học quí vô giá.

*. Tu thân : hiểu đạo mà không tu thân, Đức Quan Thế Âm dùng từ rất nhẹ nhàng là “thiếu trách nhiệm”, theo ngôn từ thế gian la "tu không thật”, vì hiểu đúng mà không chịu làm, thậm chí làm ngược lại.

*. Hành đạo : hành đạo mà không tu thân là thiếu căn bản đạo đức, tu thân mà không hành đạo là “độc thiện kỳ thân”sẽ chậm tiến hoá biết đến ngần nào.

Hành đạo là hy thân, đối với chúng ta là xây nền đắp móng cho sự nghiệp đạo đức. Đối với các Đấng Cửu Huyền Thất Tổ của chúng ta đã đắc đạo, nhờ con cháu hành đạo, hồi hướng công đức mà được Đầng Chí Tôn ban cho cao thăng đạo quả.

Mối quan hệ giữa các mục hành đạo, học đạo, giữ đạo cũng được Đức Lê Đại Tiên dạy:

“Người giữ đạo mà không hành đạo là không đạo, hành đạo mà không hiểu đạo là hại đạo”.[2]

*. Đắc đạo : qua thời gian nhập đạo, giữ đạo, học đạo, hiểu đạo, tu thân, hành đạo người tu sẽ phát thánh tâm, hiện thánh ý, hành thánh sự để làm việc ích lợi cho nhơn sanh ngay tại thế gian này.

Nhờ học và biết được các giai đoạn của đường tu, chúng ta tự kiễm điễm để biết mình ở giai đoạn nào hầu cố gắng.

III. KINH NGHIỆM SỐNG ĐẠO.

Chúng tôi xin nói chuyện với các bạn về sự thành bại của cuộc đời, từ kinh nghiệm của một số anh chị đi trước.

1. Tiết kiệm sức khỏe và thời gian.

Người trẻ không ý thức được hai việc mình thường hoang phí : sức khỏe và thời gian.

Có câu chuyện kể về 2 người võ sĩ : một già, một trẻ tranh chức vô địch. Võ sĩ trẻ luôn nhúng nhảy ra đòn liên tục nên có nhiều sơ hở, đó là hình ảnh của võ sĩ già 10 năm về trước. Còn võ sĩ già phải giữ sức cho đủ thời gian của từng hiệp, cẩn thận từng cú đấm, hể ra đòn là chắc ăn. o­ng thèm cái sức mạnh của võ sĩ trẻ, phải chi ông trẻ lại 5 năm thì với kinh nghiệm của mình ông đã cho đối thủ của mình hạ đài từ hiệp một. Nhưng kết cuộc tác giả cho võ sĩ trẻ đoạt chức.

Chúng ta lấy kinh nghiệm này làm bài học cho mình:



THÀNH CÔNG = KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI GIÀ + SỨC KHOẺ CỦA NGƯỜI TRẺ.



Cá thể cũng thế, tập thể cũng thế.

Về thời gian, các bạn hoang phí do các bạn không có kế hoạch làm việc. Nếu có chương trình làm việc các bạn sẽ không còn dư giờ để rong chơi nữa.

2. Tận dụng thời gian và sức khoẻ qua việc nổ lực học tập, tu tập để hoàn thiện bản thân.

Chúng tôi không đề nghị một nhân vật mẫu nào, bằng chính các bạn chiến thắng vượt lên mình, hôm sau cao hơn hôm trước, trong tinh thần không tự tôn cũng đừng tự ti. Đức Cao Triều Phát dạy:

"Các em đừng mặc cãm, đừng rụt rè, cũng đừng cầu an, đó là những chướng ngại vật to lớn cho đời mình."

Nếu bạn đã giỏi, bạn đừng tự mãn. Bạn chưa giỏi bạn hãy rán như lời Đức Giáo Tông Vô Vi dạy:

"Thanh thiếu niên ngày ngày ghi nhớ,

Học tu nhiều dầu dở cũng hay;

Tre tàn cằn cổi ngày mai,

Lập đời hoằng giáo nhờ tay các trò."

Qua những lời dạy của Ơn Trên, chúng tôi xin tô đậm:

THÀNH NGƯỜI la một phẩm tính giá trị đạo đức mà chúng ta lúc nào cũng phải chủ tâm gìn giữ và nâng cao trong suốt cuộc đời mình.
THÀNH NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC CAO ĐÀI ở ngày nhập môn là chúng ta mới đến ở cửa Đạo. Chúng ta phải nổ lực tận dụng thời gian và sức khoẻ của mình để học tập và tu tập ở những bước kế tiếp thì mới mong làm tròn danh phận NGƯỜI MÔN ĐỆ CAO ĐÀI CỦA ĐỨC CHÍ TÔN.



*****

[1] .CQPTGLĐĐ, "Thánh Giáo Sưu Tập năm 1966- 1967" tr.40, Saigon 1968.


[2] .CQPTGLĐĐ, “Thánh Giáo Sưu Tập năm 1966” tr.15, 1967.

Nguồn: Huệ Ý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides