Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

MỘT SỐ KHÍA CẠNH CẦN QUAN TÂM CỦA SỰ THAM THIỀN

Tác giả I. K. TAIMNI

Tiến sĩ I.K.Taimni, gốc người Ấn độ, đã nhiều năm là giáo sự Hóa học ở Đại họcAllahabad, chuyên hướng dẫn khảo cứu trong lãnh vực này. Nhiều tài liệu nghiên cứu của ông đã được xuất bản trong các tạp chí chuyên môn ở ngoại quốc. Ngoài công trình chuyên nghiệp ấy Tiến sĩ Taimni từ lâu đã quan tâm tới tôn giáo và triết học, ông là tác giả của nhiều quyển sách bao gồm Nhập môn hệ thống biểu tượng Ấn độ - Khoa học Yoga - Con người, Thượng đế và Vũ trụ, vốn là hội viên kỳ cựu của Hội Thông Thiên Học, ông đã phục vụ trong một số năm là Giám đốc Trường Minh triết tại trụ sở quốc tế của Hội.

MỘT SỐ KHÍA CẠNH CẦN QUAN TÂM

CỦA SỰ THAM THIỀN

Từ ngữ “tham thiền” tượng trưng cho khá nhiều loại vận dụng tâm trí mà người ta chọn theo khi có một lý tưởng tâm linh thuộc một loại nào đó trong cuộc đời và muốn thực chứng lý tưởng ấy ít ra trong một chừng mực nào đó. Bởi vì hoạt động trí tuệ và giới luật trí tuệ liên quan tới việc tham thiền có một tầm cỡ rất rộng lớn, cho nên ở đây ta không dễ gì bàn tới đề tài này một cách có hệ thống và bao quát. Mong rằng những người nào đọc bài này đều đã quen thuộc với những khía cạnh tổng quát của sự tham thiền. Vì vậy chúng tôi chỉ xin hạn chế vào việc bàn luận về một vài khía cạnh cần quan tâm của tham thiền mà người ta nói chung là không hiểu, nhưng các khía cạnh ấy có tầm quan trọng sống còn đối với những người nào nghiêm túc về các vấn đề của cuộc sống nội tâm chứ không muốn thực hành tham thiền chỉ như một thói quen hằng ngày.

Ta cũng chẳng dễ gì định nghĩa được mục đích của tham thiền vì điều này còn tùy thuộc vào quá trình của trí tuệ, tính khí và sự tiến hóa tâm linh của mỗi cá thể. Nhưng nói một cách chung chung nhất thì ta có thể xác định rằng tham thiền có mục đích khiến cho phàm ngã thấp hèn tiếp xúc hữu thức với Chơn ngã cao thượng, nhờ vậy khiến cho phàm ngã càng ngày càng nhận biết được bản chất, nguồn gốc và định mệnh thiêng liêng của mình. Tất cả những người nào tham thiền đều đặn coi đó là một phần trong hệ thống giới luật tâm linh ắt phải tin rằng ẩn đằng sau thế giới vật lý có một thế giới tâm linh chân thực rực rỡ không thể tưởng tượng được; con người có thể tiếp xúc được với thế giới nội tâm ấy càng ngày càng thâm hậu chính là nhờ tham thiền. Bằng không thế, việc dấn thân vào cái loại hoạt động tâm trí ấy liệu có ích gì.

Thế giới Thực tại vốn ẩn tàng bên trong tâm trí của mỗi người cho nên ta có thể càng ngày càng biết đầy đủ về nó bằng cách từng bước thâm nhập vào các mức độ sâu kín hơn của tâm trí. Chính vì vậy mà trong mọi giới luật tâm linh chân chính người ta cần phải chẳng những bàn tới tâm trí theo nhiều cách khác nhau mà còn phải dùng tham thiền để thâm nhập vào những mức độ sâu kín của nó.

Nhờ vào hoạt động tâm trí vốn bị hạn chế trong điều có thể được gọi là mặt phiến diện của sự vật, ta có thể thu lượm được kiến thức thông thường qua việc quan sát những hiện tượng vật lý, thu thập những dữ liệu của giác quan rồi xử lý những dữ liệu ấy nhờ vào các qui trình của tâm trí như so sánh, lý luận v.v. . . Nhưng bằng cách ấy ta không thể đạt được sự hiểu biết liên quan tới các cõi tinh vi vô hình có bản chất tâm trí vốn ẩn tàng bên trong thế giới vật lý. Ta cần phải thâm nhập vào những mức độ sâu kín của tâm trí và tâm thức nhờ có những pháp môn xác định vốn là một phần của giới luật theo khoa Yoga.

Ta có thể hiểu sự khác nhau giữa hai loại hoạt động trí tuệ này bằng cách so sánh nó với kỹ thuật bơi. Một cá nhân nào đã học bơi trên mặt nước ắt có thể thám hiểm bất cứ điều gì có mặt trên mặt nước. Nhưng ẩn bên dưới mặt nước của đại dương ở đủ thứ độ sâu và ở nhiều nơi khác nhau cũng có vô số loại thế giới. Y chỉ có thể tiếp xúc với những thế giới này và khảo cứu về chúng khi y đã học cách lặn bên dưới mặt nước để thâm nhập vào những mức nước sâu hơn. Quá trình lặn hơi khác với quá trình bơi thông thường trên mặt nước có liên quan tới một loại khác về kỹ thuật và các vấn đề. Sự khác nhau giữa hoạt động trí tuệ bình thường và tham thiền cũng có bản chất giống như thế.

Suy nghĩ thông thường – ngay cả khi sâu sắc và có mục đích – cũng chỉ dính líu tới các hoạt động của tâm trí trên bề mặt.Trong việc lý luận nghiêm túc vốn có lẽ tiêu biểu cho dạng lý luận cao nhất và khó khăn nhất của loại hoạt động trí tuệ này, tâm trí vận động một cách có kỹ luật; thế nhưng ta có thể bảo rằng việc vận động ấy mang tính hời hợt. Đó không phải là sự vận động càng ngày càng đi sâu xuống của tâm trí. Tâm trí có thể dấn thân vào hoạt động trí tuệ kéo dài và tập trung, nhưng chừng nào nó còn vận động theo kiểu này thì chừng ấy nó chỉ có thể bàn tới và biết được những gì liên quan tới sinh hoạt nơi ngoại giới của ta. Nhờ có loại hoạt động trí tuệ này mới có thể có được mọi thành tựu trong địa hạt tâm trí, ngay cả những thành tựu có bản chất rất đáng kể. Nhưng bằng cách này ta có thể thăm dò và biết được những thế giới tinh vi hơn và có thực hơn vốn ẩn tàng bên trong các lớp sâu thẳm hơn của tâm trí. Việc này đòi hỏi phải có một loại hoạt động tâm trí khác mà ta có thể gọi là sự vận động theo chiều sâu của tâm trí. Trong loại hoạt động tâm trí này, tâm trí vẫn hoạt động nhưng đồng thời cá nhân lại ra sức càng ngày càng đi sâu vào các lớp thâm thúy hơn của nó. Muốn hiểu trọn vẹn được thế nào là sự vận động theo chiều sâu của tâm trí thì ta phải nghiên cứu Yoga Sutras.

Ý tưởng nêu trên có thể cung cấp một manh mối về bí quyết của việc tham thiền thành công và chỉ cho ta thấy tại sao (trong trường hợp đa số mọi người) tham thiền lại không thể thành tựu được mục đích chân thật của mình, nghĩa là càng ngày càng tiếp xúc với những lớp sâu hơn của tâm trí do năng lực nhận thức càng ngày càng xuyên suốt sâu hơn. Sự vận động của tâm trí theo chiều sâu vốn cần thiết cho việc tham thiền thành công, chẳng những đòi hỏi loại vận động hơi khác mà còn cần có nhiều sự tinh tấn hơn nữa.

Hầu hết chúng ta vốn đã học cách sử dụng tâm trí một cách hữu hiệu, lại không nhận thức được rằng sau một thời gian thì việc vận dụng tâm trí qua một loại vận động đặc thù nào đó ắt trở nên hầu như không cần cố gắng; thật vậy ta không thể thật sự hữu hiệu chừng nào việc ấy còn chưa trở nên không cần cố gắng. Người diễn thuyết lão luyện có thể nói thao thao bất tuyệt chừng nào y đã làm chủ được kỹ thuật chọn lựa và sắp xếp ý tưởng của mình trong khi y đứng diễn giảng không ngừng nghỉ. Những ý tưởng cho dù là tầm thường hay sâu sắc đều đã có sẵn trong tâm trí của diễn giả rồi, có lẽ trước đó nó đã được diễn tả cả trăm lần; vấn đề chỉ còn có việc là lượm lấy và tuyển chọn những ý tưởng ấy rồi liên tục diễn đạt chúng. Ký giả chuyên đề điêu luyện cũng cầm bút viết hết trang này tới trang khác phần bình luận mà hầu như chẳng cố gắng gì. Y chỉ chọn lựa những ý tưởng từ cả đống tài liệu đã được in ấn từ những phương tiện xuất bản khác rồi diễn tả chúng theo một kiểu nổi bật một khi kỹ thuật thu thập ý tưởng và diễn tả chúng một cách hữu hiệu đã được quán triệt thì phần còn lại cũng dễ thôi.

Ta ắt thấy rằng việc này cũng chẳng khác gì việc học bơi. Một khi người ta đã biết được bí quyết đơn giản giữ cho mình nổi trong nước thì việc bơi chỉ còn là vấn đề sức khỏe bền bỉ và một vài sự vận động của cơ thể. Lúc bấy giờ không cần có cố gắng đặc thù nào theo đúng nghĩa của từ này để tiếp tục bơi.

Hầu hết hoạt động tâm trí của chúng ta đều có bản chất như vậy. Tâm trí của ta vận động theo những lối mòn quen thuộc hoặc được vận động hầu như không cố gắng để làm những công việc mà ta đã quán triệt được kỹ năng của nó tới một mức độ thỏa đáng. Ta không cần phải giữ cho nó được tập trung hoặc dùng nỗ lực của ý chí để đẩy nó đi theo một hướng hoặc dùng một sự thu hút áp đảo của một đối tượng để hoàn thành hoặc biết được việc gì. Vì vậy, nó không quen với nỗ lực tâm trí bền bỉ cần phải được dẫn dắt bởi một mục đích xác định và có động cơ thúc đẩy là một sức ép liên tục của ý chí hoặc sức hấp dẫn – đây chính là điều cần thiết để ta tham thiền thành công.

Vì vậy chỉ ngồi theo một tư thế nào đó rồi bắt tâm trí nêu ra một loạt liên tiếp những ý tưởng mạch lạc về một đề tài cho sẵn đâu phải là thực sự tham thiền, mặc dù hầu hết mọi người đều làm như vậy. Ta có thể thấy rằng cái loại vận dụng tâm trí này thực ra cũng giống như viết một bài tiểu luận mà không dùng giấy bút hoặc thuyết trình mà không nói nên lời. Cái việc thực hành thông thường là để cho tâm trí vận động theo những lối mòn quen thuộc do việc lập đi lập lại những kinh điển trong tôn giáo cũng không thể được coi là tham thiền theo đúng nghĩa của nó, mặc dù hầu hết những người mộ đạo đều làm như thế khi họ “tham thiền” trong những buổi hành trì tôn giáo thường nhật. Chúng ta có khuynh hướng xếp mọi loại hoạt động cần thiết vào một khuôn khổ thói quen hằng ngày đến nỗi mà tâm trí chẳng cố gắng bao nhiêu để chọn lựa giữa những phương án hành động hoặc suy tưởng. Điều này cũng giải thích cho việc các nghi thức để thi hành những bổn phận tôn giáo đã trở nên quen thuộc với dân chúng đến mức nào. Người ta ít ra cũng cho rằng đó là một dạng sinh hoạt tôn giáo nếu không phải là thực chất của sinh hoạt tôn giáo. Nhưng bất cứ ai cũng có thể cho rằng tình huống như thế thì tất nhiên sẽ gây ra sự ngưng trệ. Có lẽ con đường phát triển tâm linh chẳng có một trở ngại nào lớn hơn là cái ý thức hão huyền về sự thành tựu và yên ổn mà thói quen hằng ngày này đã gây ra.

Tại sao ta lại không thể tạo ra được trạng thái tâm lý cần thiết khi ta ngồi tham thiền? Chủ yếu là vì những điều mà ta muốn tham thiền về chúng không tạo cho ta được sự quan tâm sâu sắc và kịch liệt đúng mức. Ta có thể tưởng tượng rằng mình muốn tìm ra thực tại mà ta tin rằng đang ẩn tàng bên trong những lớp sâu sắc hơn của tâm trí và tâm thức ta. Thế nhưng đây chỉ là một ý tưởng mơ hồ với một động cơ thúc đẩy là mơ ước cũng mơ hồ không kém. Chẳng có một chủ đích năng động và xác định nào, trong thâm tâm ta cũng chẳng có một ham muốn mãnh liệt nào để giải quyết những vấn đề của sinh hoạt nội giới và phát hiện được những điều bí nhiệm của kiếp sinh tồn. Muốn có được một ý niệm định tính về cái loại tâm trạng đặc thù ấy, ta cần phải nhớ lại sự vô cùng kịch liệt của chủ đích và tập trung vốn đặc trưng cho tâm trí của một nhà khoa học chẳng hạn như Edison khi ông đang làm việc phát minh khoa học. Tâm trí ông bị thu hút sâu sắc vào việc theo đuổi mục đích của mình đến nỗi ông thậm chí quên ăn quên ngủ. Đó là loại trạng thái tâm trí rất cần thiết cho việc thực sự tham thiền; khi nó hiện diện thì kết quả ắt xuất hiện nhanh chóng mà Yoga Sutras (I.21) đã nêu rõ.

Tình trạng này không hiện diện bởi vì chúng ta chưa làm tròn một vài điều kiện căn bản để bước trên con đường phát triển tâm linh nhờ vào tham thiền. Chúng ta chưa thật sự biết được những hão huyền và hạn chế ghê gớm đối với cuộc sống hiện nay của chúng ta; vì thế cho nên ta đâu có một sự thôi thúc thực sự để thoát ra khỏi cái thân phận ấy. Sự quyến rũ của những sự vật hạ giới quá mãnh liệt và tạo một lực thường xuyên khiến cho tâm trí bị xao lãng không thể chống cự nổi. Tâm trí chưa được rèn luyện thỏa đáng để thành tựu được những nhiệm vụ xứng đáng mà chúng ta đã đặt ra cho mình. Lý tưởng chưa đủ mạnh để thu hút chúng ta. Tóm lại, ta chưa có được những điều kiện cần thiết cốt yếu.

Để tạo ra được tình huống đúng đắn nhằm thực hiện tham thiền cho có kết quả, mọi hệ thống tu dưỡng bản thân chân chính đều khăng khăng nhấn mạnh tới việc trước hết phải rèn luyện tâm trí và tu tâm dưỡng tính [1] . Trong tác phẩm Sadhana-Chatushthaya nổi tiếng (đó là hệ thống tu dưỡng bản thân gồm bốn giai đoạn) trước hết ta cần có được bốn đức tính căn bản để bước trên Thánh đạo. Tiếng Bắc phạn gọi chúng là Viveka, Vairagya, Shattsampatti và Mumukshattva [2]. Chỉ khi ta đã tiến bộ khá cao thì ta mới được thực hành sự tham thiền cực lực để mở ra những kênh dẫn giữa phần thấp hèn và phần cao thượng, và xác lập được trung tâm ý thức trên các cõi biểu lộ tâm linh.
Muốn bước trên con đường Raja Yoga mà Yoga Sutras phác họa, người tầm đạo trước hết phải thực hành Bahiranga tức là Yoga Ngoại giới, để chuẩn bị dọn mình thực hành tham thiền qua ba giai đoạn Dharana, Dhyana và Samadhi [3]. Thậm chí người ta cũng chẳng trông mong y sẽ bắt đầu thực hành Dharana (định trí) chừng nào y chưa quán triệt được kỹ năng thứ tư là Pranayama (điều khí) [4] như Sutra II.53 nêu rõ.

Trong mọi hệ thống Yoga thì người ta đều trông mong ứng viên phải có được những đức tính căn bản để thực hành Yoga, ngay cả khi người ta không đặc biệt nói tới nó. Nếu y chưa có được những đức tính ấy ở một mức độ thỏa đáng thì trước hết y phải trải qua sự rèn luyện nghiêm ngặt để đạt mục đích ấy. Chỉ có những hệ thống Yoga giả hiệu mới sinh ra chuyện gọi là các bậc Sư phụ (Gurus) nhận đệ tử và khai tâm cho họ những điều bí nhiệm về “tham thiền siêu việt” tức Samadhi mà thậm chí chẳng tìm hiểu xem liệu học trò đã có được những đức tính cần thiết hoặc năng lực để đạt mục đích ấy chưa. Bởi vì nếu làm như thế thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới số thân chủ mà mình cần thu hút.

Những người trong chúng ta không thể tham thiền thành công thì nên xem lại tâm hồn mình một chút qua quá trình tự quán. Rất có thể là lúc bấy giờ ta tự phát hiện ra rằng nguyên nhân căn bản của sự thất bại này có lẽ là thiếu mục đích nghiêm túc và thiếu lòng tha thiết. Chúng ta bắt đầu thực hành tham thiền trước khi ta thực sự muốn những sự việc vốn là mục đích của tham thiền. Như vậy có khác gì đặt cái cày trước con trâu. Ta phải có những nan đề thực sự thì nhiên hậu ta mới tiến hành giải quyết những nan đề ấy. Mục đích của tham thiền là giải quyết những nan đề của sinh hoạt nội giới bằng cách thâm nhập vào những lớp sâu sắc hơn của tâm trí và tâm thức, chỉ ở nơi đó thì ta mới có thể tìm ra được giải pháp của những nan đề này. Nếu chúng ta chưa gặp những nan đề ấy thì việc ngồi thiền hết ngày này sang ngày khác để giải quyết những nan đề ấy phỏng có ích lợi gì. Tham thiền tự thân nó không phải là cứu cánh. Nó chỉ là một phương tiện để đạt tới cứu cánh.

Về vấn đề này tôi chợt nhớ tới thâm tâm của nhiều học viên ghi danh đại học để khảo cứu. Họ muốn nghiên cứu, nhưng nếu ta hỏi họ muốn giải quyết nan đề nào thì họ ngắc ngứ không trả lời được. Bạn phải cung cấp cho họ một nan đề để họ tự nghiên cứu. Trong sinh hoạt học thuật thì ta có thể muốn nghiên cứu trước hết rồi nhiên hậu mới tìm kiếm một nan đề, bởi vì mục đích của sinh viên như vậy thực ra không phải là nghiên cứu mà là được rèn luyện để nghiên cứu, việc rèn luyện ấy ắt giúp cho họ sau này để đảm nhiệm được việc nghiên cứu thực sự. Nhưng đối với một người tầm đạo vốn phải thâm nhập vào những địa hạt tâm trí mà chưa ai biết tới chỉ bằng vào những nỗ lực của chính mình thì điều này rõ rệt là không thể được. Trong trường hợp của y thì không có một sáng kiến nào, do đó cũng chẳng có gì thôi thúc tâm trí y phải rời bỏ cái lãnh vực của điều đã biết để thâm nhập vào bên trong chính mình nhằm phát hiện ra điều ẩn tàng bên trong những tầng lớp tâm thức sâu thẳm hơn.

Chỉ khi các nan đề đã có thực do kết quả của việc ta suy tư sâu sắc và trải nghiệm đầy đủ - chứ không phải là những vấn đề mà ta tạo ra một cách nhân tạo hoặc hùa theo những người khác – thì quan năng trực giác mới bắt đầu hoạt động trong việc tham thiền và tri thức tâm linh (vốn soi sáng cho những nan đề ấy) mới bắt đầu tự nhiên trào dâng từ bên trong.

Ta không nên quên rằng khi sử dụng tâm trí để tham thiền thực sự, ta đang ra sức bàn tới những thực tại của cuộc đời, cho nên chẳng những phải có những nan đề thật sự mà còn phải có một thôi thúc thật sự nhằm giải quyết những nan đề ấy. Trực giác chỉ có thể vận hành trong cái loại môi trường tâm trí thực tiễn này. Nếu không có được lòng thành và sự tha thiết ở một mức độ thỏa đáng thì những yêu cầu căn bản nhất để có được tri thức trực giác từ nội tâm ắt là khiếm khuyết cho nên tham thiền chỉ khô khan chẳng có kết quả gì và gây bất đắc chí.

Khi các nan đề của sinh hoạt nội giới trở nên có thực đối với ta thì chúng chẳng những thấm nhuần trọn cả cuộc sống của ta mà việc giải quyết chúng còn trở nên một vấn đề khẩn cấp. Ngay cả khi hạ trí đang dấn thân vào những hoạt động nơi ngoại giới thì thượng trí ở phía bối cảnh vẫn thường xuyên suy gẫm về những nan đề này để tìm ra giải pháp. Tiếng Bắc phạn gọi quá trình thường xuyên suy gẫm về một nan đề là Bhavana, đây là một bộ phận cần thiết của việc thực sự tham thiền khiến cho quan năng trực giác bước vào hoạt động. Hiệu quả của sự thường xuyên suy gẫm này còn được tăng cường thêm nữa nhờ vào Japa; trong qui trình ấy mãnh lực hiện diện trong “âm thanh” được sử dụng để củng cố tác dụng của tư tưởng. Theo sự minh giải của những gì nêu trên, học viên ắt có thể hiểu được ý nghĩa của câu kinh I.28 trong Yoga Sutras.

Ta cần lưu ý cẩn thận rằng mọi tri thức liên quan tới các thực tại tâm linh của cuộc sống đều không có được do quan năng trí tuệ biết lý luận mà có được lại do một quan năng tâm linh ít ai biết tới và rất khả nghi, đó là trực giác. Trực giác chân chính đâu phải là một năng lực phỏng đoán về sự thật một cách đầy bí hiểm và không đáng tin cậy theo sự giả định thông thường của những người cốt yếu theo quan điểm duy vật. Đó là quan năng nhận thức hoặc tri thức trực tiếp về sự thật vốn chỉ đạt kết quả khi tâm thức của người tìm kiếm đã ít nhiều chỉnh hợp với Tâm thức Thiêng liêng. Mọi thực tại của kiếp sinh tồn nơi ngoại giới đều hiện diện trong thực tướng nơi Tâm thức này. Khi ta vận dụng trực giác bình thường trong những giai đoạn sơ cơ thì có thể nói là tâm thức của người tìm kiếm nhảy vọt qua những hàng rào trí năng và có thể biết được bất kỳ thực tại nào bằng cách trực tiếp nhận thức ít ra là cũng một phần. Trong trạng thái Samadhi (đại định) thì kết quả giống như vậy được tạo ra một cách có kiểm soát và hợp khoa học; vì vậy việc nhận thức được viên mãn và không còn khiếm khuyết. Chính bản chất của mọi sự kiện tâm linh thuộc kiếp sinh tồn là ở chỗ người ta không thể biết được chúng bằng cách nào khác thế. Những kẻ nào mưu tìm bí mật tối hậu của vũ trụ bằng kính viễn vọng hoặc bí mật tối hậu của kiếp nhân sinh bằng kính hiển vi thì do chính bản chất của sự vật, ắt chẳng bao giờ thành công được.

trực giác là quan năng nhận thức trực tiếp không cần đến những dụng cụ trung gian cho nên nó thoát khỏi những ảnh hưởng xuyên tạc và sai lầm tất yếu mà các hiện thể của tâm thức đã chèn vào trong đó. Mọi sự khiếm khuyết có thể có trong việc vận dụng trực giác là do phương tiện khiếm khuyết của tâm thức mà trực giác được vận dụng thông qua đó và tri thức được thuyết giải thông qua đó. Nếu tâm trí thuần khiết và hài hòa thì việc nó kém phát triển không thành vấn đề trừ phi các kết quả nhận thức phải được thuyết giải và bày tỏ bằng trí năng để cho mọi người khác thông cảm được. Nhiều vị thánh có trình độ phát triển tâm linh rất cao lại mù chữ. Việc thiếu trí năng lão luyện chỉ ngăn cản họ không thuyết giải và truyền đạt thỏa đáng được cho người khác hiểu biết sự thật của sinh hoạt nội giới chứ không ảnh hưởng tới nhận thức của họ về nhận thức ấy.

Tính hữu hạn của quan năng trực giác còn tùy thuộc vào năng lực xuyên suốt của nó. Năng lực của nó càng xuyên suốt (Yoga Sutras gọi là Viveka-khyati) thì nó càng có thể nhận thức được các thực tại sâu sắc hơn và tầm nhìn của nó bao quát hơn. Nó đạt tới đỉnh cao của năng lực xuyên suốt khi nó có thể thâm nhập được qua mọi rối rắm và đủ thứ chuyện lộn xộn của kiếp sinh tồn biểu lộ để nhận thức được rằng cả mớ rối rắm ấy đều bắt nguồn và hiện hữu bên trong Thực tại Nhất như.Như vậy việc phát triển trực giác không phải là vấn đề thâu tóm hoặc kiến tạo một điều gì đó mà là vấn đề mài giũa năng lực nhận thức sao cho nó có thể thấu suốt cái mớ bòng bong những điều hão huyền và chướng ngại vốn làm mờ tối tầm nhìn tâm linh của ta. Chính vì vậy khi bước trên Thánh đạo việc tẩy trược, xả bỏ và hài hòa hóa đóng vai trò quan trọng hơn thu lượm kiến thức.

Chính vì trực giác đóng vai trò quan trọng như thế trong tham thiền cho nên cũng bõ công thôi khi ta nói dông dài một chút về cách thức để cho trực giác trực tiếp xuất hiện nơi tâm thức trong các giai đoạn sơ cơ. Chỉ trong trạng thái Samadhiđại định thì ta mới có nhận thức trực tiếp về các thực tại của sinh hoạt tâm linh theo đúng nghĩa; thế nhưng người tầm đạo không cần chờ tới giai đoạn cao như thế trong việc rèn luyện Yoga thì mới nếm trải được tính chất nào đó của tri thức trực giác. Ta có thể trải nghiệm nhất định về cái loại tri thức ấy miễn là điều kiện để cho quan năng trực giác vận hành ít ra cũng có mặt trong một chừng mực nào đó. Thật vậy, chẳng những ta không chỉ có thể mà còn cần phải có cái loại trải nghiệm này bởi vì nó chứng tỏ rằng đường thông thương giữa bản chất tâm linh và bản chất trí tuệ đã bắt đầu khai mở; thế là ta đã làm tròn được mục đích chân chính của tham thiền ít ra cũng được một phần nào.

Thậm chí khi lâu lâu mới trải nghiệm được một điều có bản chất như vậy cũng là một điều gì đó gây phấn khởi một cách phi thường bởi vì nó bảo đảm cho ta thấy bên trong ta có một nguồn tri thức tâm linh không thể cạn kiệt và chúng ta có thể rút ra được từ nguồn ấy một điều gì đó bằng cách càng ngày càng chỉnh hợp với nó. Cố nhiên, ta có thể tin vào mọi điều đó, coi là một điều khả hữu về mặt lý thuyết nhưng nhận thức được tin tưởng của ta thật ra là có cơ sở và có thể thực hành nó một cách hữu hiệu thì lại là một chuyện khác hẳn. Khi có sự đoan chắc nhất định như vậy thì ta mới càng ngày càng quay vào bên trong để mưu tìm mọi thứ mà ta cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh; thế là đặt nền móng cho một sinh hoạt huyền bí chân chính tức là đặt trọng tâm vào Thiên tính của mình.

Muốn hiểu được bằng cách nào mà quan năng trực giác lại vận hành được trong những giai đoạn sơ cơ của sự tiến bộ tâm linh, ta cần có một ý niệm nào đó về sự khác nhau giữa tri thức tâm linh theo như nó tồn tại trên cõi Tinh thần và tri thức tâm linh theo như nó xuất hiện trên cõi hạ trí. Trên các cõi cao, tri thức tâm linh không bị hạ trí ngăn cản và tồn tại dưới dạng chân thực Svarupa. Trên các cõi thấp, nó phải khoác lấy hạ trí và chỉ có thể tồn tại dưới dạng Rupa, tức các khái niệm và ý niệm. Vì vậy, khi tri thức tâm linh xuống tới cõi hạ trí, nó phải có một hiện thể là một khái niệm hoặc tập hợp các ý niệm cũng giống như Atma tức Tinh thần phải có một thể xác khi muốn hoạt động trên cõi hồng trần. Trong tình huống ấy, tri thức tâm linh chân chính đóng vai trò cái thần tức linh hồn của khái niệm trí tuệ hiện diện trong hạ trí. Nhưng có một sự khác nhau rất to lớn giữa một khái niệm như thế mà có được cái thần hoặc linh hồn và tỏa chiếu rực rỡ qua tri thức tâm linh, khác hẳn một khái niệm do tâm trí tạo ra bởi kết quả của việc chỉ nghiên cứu lý thuyết suông chứ không có giác ngộ tâm linh chút nào. Khái niệm có thần tức có linh hồn vốn sống động, năng động và có ý nghĩa lớn lao đối với người tầm đạo.Khái niệm lý thuyết suông chỉ là một mớ tập hợp vô hồn cho nên chẳng thể cung ứng được bất kỳ sự linh hứng hoặc thỏa mãn nào cho cá thể.

Những nhận xét nêu trên đưa ra được một lời giải thích về cách thức mà tri thức có bản chất tâm linh thường trào dâng từ bên trong do kết quả hoạt động của quan năng trực giác. Nó dường như xuất phát từ chẳng ở đâu cả, không có gì cảnh báo và khi lần đầu tiên tác động vào tâm trí thì nó có vẻ chỉ là hư vô, không có hình tướng hoặc thực chất. Nhưng nó dường như rất nhanh chóng kết tinh thành một kiểu mẫu bao gồm những ý tưởng vốn cung ứng cho nó một hình tướng trên cõi trí tuệ và được dùng để thể hiện ý nghĩa của nó.

Qua việc nó biểu hiện như vậy thông qua hạ trí, người ta nhớ tới một viên pháo hoa được bắn lên bầu trời dường như thể không từ đâu mà ra, thế rồi bùng phát thành một trận mưa các điểm ánh sáng màu chói sáng đẹp đẽ trên nền trời màu đen. Có một lúc nó chỉ là một vệt sáng trên bầu trời, báo hiệu sự phô trương lộng lẫy ánh sáng và màu sắc, rồi đến một lúc khác nó biến thành sự phô bày những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, lộ ra vẻ rực rỡ ẩn tàng trong lòng nó.

Chính đặc trưng của tri thức trực giác xuất hiện theo kiểu này khiến cho nó được tâm trí chấp nhận ngay tức khắc vào lúc mà nó lần đầu tiên tác động lên tâm trí. Mọi điều cần thiết cho điều này là hướng dẫn tâm trí nó chú ý đầy đủ vào việc ấy. Bấy giờ tâm trí ghi nhận rồi tự nó tạo ra hình tướng một cách tự nhiên nhanh chóng và không cần cố gắng. Việc biểu lộ trong sáng và không cần cố gắng này tiết lộ nguồn gốc của nó là trực giác và vốn là một phần trong bản chất cố hữu của nó. Nhưng nó muốn biểu hiện thì cần phải có một tâm trí tiếp nhận đầy cảnh giác, tâm trí này sẵn sàng có đủ khả năng cung cấp cho nó một hình tướng tổng hợp và duy trì bức tranh ấy ngay trong lúc đó. Nhà thơ phải chuyển hóa nó ngay thành một bài ca tuyệt vời, nhạc sĩ phải biến hóa nó thành một bản hòa âm, nhà toán học phải chuyển nó thành một định đề, triết gia phải biến nó thành một khái niệm, họa sĩ phải biến nó thành một hình tướng cụ thể. Bất kỳ sự chậm trễ hoặc thiếu chú ý nào đều hầu như chắc chắn có nghĩa là một vị khách viếng thăm từ cõi trời sẽ thối lui bỏ đi và có lẽ ít tới viếng thăm hơn nữa.

Cách thức lưu nhập mà ta nói bóng gió trên đây chỉ là một trong những cách thức khiến cho tri thức trực giác có thể xuất hiện bên trong tâm trí của người tầm đạo. Những đường lối của Tinh thần thật là bí nhiệm, không thể tiên đoán được và không phải bao giờ cũng tuân theo một kiểu mẫu đã có sẵn, mọi sự truyền thông như thế đâu phải lúc nào cũng liên kết với cùng một mức độ kịch liệt hoặc sáng suốt. Nhưng mỗi khi mà tri thức từ các cõi cao giáng xuống thì vẫn có dấu hiệu nổi bật của Tinh thần và người tiếp nhận bao giờ cũng có thể nhận ra được nó. Khi Tinh thần truyền thông thì không thể có sự lẫn lộn hoặc bối rối mà chỉ có sự giác ngộ, mặc dù các mức độ khác nhau về giác ngộ ấy còn tùy thuộc vào năng lực của người tiếp nhận.

Ta không nên lẫn lộn tri thức xuất hiện theo kiểu này với những trải nghiệm có một bản chất thông linh, vốn mang hình thức các linh ảnh và đủ loại âm thanh bắt nguồn nơi bản chất thông linh của con người. Mặc dù nói chung là giống như phép lạ nhưng những thứ ấy không đáng tin cậy và không chắc chắn bằng mọi biểu lộ của Tinh thần. Sự kiện chúng thường gây ra sự kích động và những ý tưởng phù phiếm về sự tiến bộ tâm linh của con người cũng đủ chứng tỏ nguồn gốc hạ đẳng của nó. Mọi biểu hiện của Tinh thần đều liên quan tới một sự ổn định khôn tả và một tính vô ngã, cho nên mặc dù có sự an bình và quyền năng lưu nhập thì vẫn không có bất kỳ loại kích động nào.

----------------------

Chú Thích
[1] Hai yếu tố cần thiết để tham thiền có kết quả.
[2] Bốn điều kiện tương tự như quyển Dưới Chơn Thầy dạy.
[3] Để thực hiện được ba giai đoạn nội giới này thì cần phải thực hiện được năm giai đoạn ngoại giới chuẩn bị là Yama (Giới), Niyama (Luật), Pranayama (Điều tức), Asana (Tư thế), Pratyahara (Kiểm soát giác quan).
[4] Thực hiện được Dharana thì mới có thể có được Dhyana (Tham thiền) và Samadhi (Đại định).

Tiến sĩ I.K.Taimni, gốc người Ấn độ, đã nhiều năm là giáo sự Hóa học ở Đại học Allahabad, chuyên hướng dẫn khảo cứu trong lãnh vực này. Nhiều tài liệu nghiên cứu của ông đã được xuất bản trong các tạp chí chuyên môn ở ngoại quốc. Ngoài công trình chuyên nghiệp ấy Tiến sĩ Taimni từ lâu đã quan tâm tới tôn giáo và triết học, ông là tác giả của nhiều quyển sách bao gồm Nhập môn hệ thống biểu tượng Ấn độ - Khoa học Yoga - Con người, Thượng đế và Vũ trụ, vốn là hội viên kỳ cựu của Hội Thông Thiên Học, ông đã phục vụ trong một số năm là Giám đốc Trường Minh triết tại trụ sở quốc tế của Hội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides