Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

PHÁP THUẬT ĐÔNG PHƯƠNG và THẦN LINH HỌC TÂY PHƯƠNG

Tác giả H. S. Olcott
Bản Dịch Hạnh Như - 2009

Một bài thuyết trình của H.S.Olcott vào năm 1875
được ấn hành vào tháng giêng năm 1933
do Nhà Xuất bản Thông Thiên Học, Adyar, Chennai (Madras), Ấn Độ.


Dường như là phi lý nếu một nhà Thông thần thời xưa được phép viếng thăm trở lại trần thế thì cần phải có một mức độ dũng cảm đạo đức nào đó để thú nhận rằng trong thế kỷ 19 này mình vẫn tin vào khả năng có hiện tượng pháp thuật. Việc khẳng định rằng có một nền tảng vững chắc cho sự kiện trong các thần thoại thời xưa; khẳng định rằng thế giới ẩn tàng có thể được làm cho hữu hình nhờ vào những tiến trình hợp khoa học của Pháp thuật; khẳng định rằng thế giới ẩn tàng ấy cũng đông đúc người như ngoại giới; khẳng định rằng cư dân của nó cũng tuân theo ảnh hưởng của định luật; khẳng định rằng con người tự nhiên có thể chế ngự được nhiều cư dân ấy; khẳng định rằng mỗi thứ chiếm một vị trí và cung ứng một mắt xích trong dây chuyền Tiến hóa của vũ trụ, cũng hoàn toàn có thực và cần thiết như bản thân Con người – việc khẳng định ấy khiến cho người ta dễ bị Khoa học Hiện đại khinh thường, dễ bị giới giáo sĩ tuyệt thông (anathemas) và dễ bị đám điên rồ thời nay chế giễu.

Được thôi, cứ chấp nhận như vậy đi. Tôi đánh liều chấp nhận bị khinh thường, tuyệt thông và chế giễu; và tôi sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với mọi người bằng cách nói năng rành rẽ khi phát biểu sự thật. Bởi vì tất yếu là những người trong công luận nào thú nhận mình tin vào bất kỳ triết lý hoặc tín điều thiếu thực hành nào ắt bị nói xấu, thậm chí còn bị đả kích nữa, cho nên tôi chẳng có lỗi gì nếu không trình bày một điều nào đó để cho đám kẻ thù của Huyền bí học và Thần linh học phải suy gẫm và tìm cách giải thích. Có một sự thỏa mãn dễ chịu khi ta biết rằng sau khi thừa nhận tất cả những điều mà người ta có thể tuyên bố về Thần linh học và một đằng là những điều dối trá, thì cả hai đằng đều có cơ hội nhiều hơn để bước vào địa hạt tranh cãi so với các đối thủ của mình. Nhà Huyền bí học có thể nêu ra bằng chứng không thể bác bỏ được cho thấy mọi tôn giáo hiện hữu đều là dòng dõi trực hệ của một trong các thần phổ cổ truyền, còn nhà Thần linh học ắt trích dẫn từ sử liệu bằng chứng cho thấy các hiện tượng lạ của mình cũng xưa như trái đất. Cứ để mặc cho các giáo sĩ vênh váo trải qua những giờ phút ngắn ngủi nắm uy quyền, và cứ để cho các hệ thống triết học hoang đường được ấp ủ trong nội tâm của những kẻ có đầu óc Thực tiễn – chúng chỉ sớm nở tối tàn như những con mối mùa hè; trong khi đó Quá khứ vẫn nặng trĩu nơi chúng ta với những dinh thự đầy minh triết và sự linh hứng đầy vinh quang cho ta thấy tư tưởng tôn giáo và khoa học hiện đại chẳng có gì đáng quí.

Chúng ta không thể chấp nhận ý niệm về tính ưu việt tương đối của cổ nhân nếu chúng ta chưa tỉnh ngộ đối với một sự dối trá rất lớn lao và rất thông dụng. Chúng ta đã quen so sánh sự tự do tư tưởng và giác ngộ của mình với đêm đen trí thức trong thời Trung cổ, từ đó ta suy ra ý tưởng cho rằng sự tiến bộ của loài người tất yếu sẽ từ thấp lên cao theo một đường dốc thoải lên. Từ thời đồ đá cho tới thời nay, ta đã được dạy dỗ để tin rằng sự tiến hóa là đều đều và dấn tới. Không có sự ngưng nghỉ, thụt lùi hoặc quả lắc chuyển động ngược về phía bên kia. Ánh thanh thiên bạch nhật của giữa trưa thời nay và ánh nhá nhem tối đêm đen của quá khứ xa xưa, rốt cuộc bị bít kín bởi màn đêm vào giữa buổi trừ tịch vô minh và dã man, đó là một hình ảnh mà nhiều nhà hùng biện thường ưu ái và là đề tài gợi hứng cho nhiều thi sĩ. Điều còn thiếu sót để bổ chứng cho thuyết này (mà thế kỷ chúng ta đã được khích lệ biết bao với niềm tự hào về nó) dường như được cung ứng qua các di tích của thời kỳ đá lửa, các hang động ở Kent, những người tiền sử Locustrines, người tiền sử đấp đồi, người Druids, những giống dân tiền sử biết xây cất nhà cửa ở Bắc và Nam Mỹ cũng như các di tích sơ khai của người Ai cập thời Ptolemy. Nếu có một phát hiện ngẫu nhiên nào về khảo cổ học hoặc địa chất học dường như biểu thị một khiếm khuyết trong thuyết ấy, và tấn công vào nền tảng của một lời rêu rao thuộc một người nào đó được tôn vinh là kẻ phát triển điều mới lạ, hoặc tính chính thống của một tín điều thuộc một người nào đó được coi là sự khải huyền trực tiếp cho một thần bí gia hiện đại nào đó, thì người ta thường đồng thanh dẹp nó qua một bên coi là chuyện rầy rà nếu không phải là sai trái; tùy trường hợp mà kẻ phát hiện có thể bị gọi là Vô thần hoặc Lang băm.

Nhưng theo một định luật đầy hảo ý của Vũ trụ - bản thân nó là thể hiện hoàn chỉnh nhất của Thiên luật – thì về lâu về dài sự Thật có sức mạnh khống chế đến nỗi nó sẽ chiếm ưu thế. Đó là cái bình bằng sắt trôi nổi giữa dòng trà trộn vào những bình bằng đất sét, lần lượt phá vỡ từng cái bình bằng đất sét một mặc dù chúng nhẹ hơn nên nổi trên mặt nước và được trang trí lòe loẹt bên ngoài. Các nhà khảo cổ học và địa chất học đáp lại lời chế nhạo của kẻ phê phán bằng cách làm việc cật lực gấp đôi và đào sâu gấp hai lần; thế là rốt cuộc chúng ta thu được từ dưới đất bằng chứng không ai chối cãi được cho thấy địa chất học là một sự khải huyền của Ý chí đấng Sáng tạo đúng hơn Kinh thánh, và sự tiến bộ của loài người thay vì đi theo đường thẳng thì lại đi đường vòng.

Những điều khai quật và di tích trên mặt đất ở Ai cập cũng như Á đông cho ta thấy rằng từ rất lâu, trước thời các Pharaon và Ptolemy, Nghệ thuật và Khoa học đã đạt tới mức hoàn chỉnh mà thậm chí giờ đây ta vẫn còn cảm thấy ngơ ngác; chúng dần dần bị thoái hóa và thất truyền trong những thời kỳ lịch sử mà các tác giả hời hợt đã gọi sai lầm là thời cổ đại. Bên dưới địa tằng trong những khám phá của Abbott và Lepsius, Marriette Bey đã tìm thấy các mẩu nghệ thuật mà theo Taylor, sánh kịp với những sản phẩm nổi tiếng nhất thuộc trường phái Athenes; và cũng chỉ mới gần đây thì Ebers dịch ra được từ một tài liệu bằng giấy cói phương thức của những loại thuốc nước, thuốc nhuộm và phẩm màu được cô gái Mỹ thời ấy dùng để hóa trang trước mắt mọi nghệ sĩ chân chính sành điệu.

Chúng ta tự hào với dinh thự Quốc hội ở Washington, điện Louvre, tòa nhà Hạ nghị viện, Doumo ở Milan, nhà thờ thánh Peter ở Roma, đường hầm ở sông Thames, kinh đào Suez; và chúng ta hảnh diện chỉ trỏ nó coi là thắng lợi của tài khéo kiến trúc; nhưng khi so sánh với các di tích ở Karnak và Luxor, so sánh với Kim tự tháp và con Nhân sư; so sánh với Mê cung và hồ Meuris thì chúng dường như chỉ là trò trẻ con vô nghĩa. Champollion (ông trải qua suốt đời ở Ai cập và chưa hề bị ai thách thức đối với những phát biểu chính xác) có nói: “Không một dân tộc thời xưa hoặc thời nay đã quan niệm ra được thuật kiến trúc trên một qui mô tinh vi – hùng vĩ – như đã từng tồn tại ở Cổ Ai cập và óc tưởng tượng mà ở Âu châu cũng chỉ bay vút lên tới tận những hành lang có cột thì cũng bị khựng lại và chới với dưới chân 140 cái cột của mái vòm có cột chống ở Karnak”. Nhà thờ chính Notre Dame chỉ chiếm một góc nhỏ thuộc một trong những sảnh đường của đền thờ và đó không phải là sảnh đường dài nhất, trong khi diện tích các bức tường của nó rộng lớn đến nỗi bao trùm các hòn non bộ và những hồ nước cỡ lớn. Herodotus – ông sống vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên được gọi là “Cha đẻ của Khoa học Lịch sử” và được Bách khoa tự điển Britannica nói rằng: “Không có một nhà lữ hành nào có khả năng sàng lọc những điều mà mình đã quan sát nhiều hơn ông, biết bảo tồn những gì có giá trị và vứt bỏ những gì ngớ ngẩn vô dụng – ông được phép khảo sát một số buồng trong Mê cung ở phía trên mặt đất; nhưng 1500 buồng dưới đất vốn là lăng mộ của các vị vua vẫn được giữ linh thánh không cho kẻ phàm phu léo hánh tới. Những bức tường và trần nhà của các dinh thự này đều được sơn bằng những màu sắc mãi tới nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và được trang trí bằng những tượng điêu khắc tinh vi đến nỗi muốn dõi theo chi tiết của chúng thì phải dùng kính lúp. Cứ nhìn những di tích này thì ta ắt nhớ tới đám đông lúc nhúc chen chúc ở vùng tam giác châu sông Nile với các Kỹ sư, Kiến trúc sư và nhà Thiên văn, Nghệ nhân và các nhà Điêu khắc đang làm việc; ta hãy so sánh hình ảnh ấy với đám chăn chiên rách rưới và đám quân cướp du thủ du thực Bedouin hiện nay đang lãng vãng nơi vùng hẻo lánh ấy, thì ta ắt có thể hình dung ra được sự thật là chúng ta tiến theo đường vòng.

Vả lại ta hãy quay sang những câu chuyện của Prescott kể về xứ Mễ tây cơ và Peru, những cuộc thám hiểm của Stephens ở Trung Mỹ, những bức tranh của Catherwood ghi lại di tích các xứ sở của dân Quiché thì ta ắt lại thấy được bằng chứng bổ sung hùng hồn nhất về việc quả thật định luật ấy tồn tại. Những người thoái hóa Mễ tây cơ, Peru và Yucatan thời nay làm sao sánh kịp với dân tộc thời xưa đã từng dựng nên những đền thờ nguy nga ở Palanque và Uxmal cũng như đã mạ vàng cho mái che những đền thờ ở Cuzco và Arequipa?

Nhưng tôi đâu có thuyết trình về Khảo cổ học, vì vậy tôi xin bỏ lại cái đề tài đầy gợi ý này. Tuy nhiên ta phải nhận xét rằng bởi vì theo kinh nghiệm của loài người thì không có một điều gì chứng tỏ rằng trí năng của con người có khuynh hướng tăng trưởng một cách quái đản và bất thường; ngược lại mọi thứ đều cho thấy rằng quyền năng của trí tuệ luôn luôn được quân bình – nói chung thì phần tâm linh sánh kịp với phần thuần lý – cho nên thật là phi lý khi giả định rằng những dân tộc có thể đạt tới một trình độ phát triển cao như thế về nghệ thuật và khoa học vật lý mà lại không hoàn tất được hệ thống tôn giáo của mình theo tỉ lệ ấy. Vì ta thấy tâm lý học vốn sánh vai với vật lý học trong việc quan sát định luật thiên nhiên, và niềm tin vào phép lạ đâm ra lung lay khi người ta càng lập nên được các thư viện và viện bảo tàng cũng như các phòng thí nghiệm và đài quan sát thiên văn, cho nên thời xưa ắt cũng phải như thế.

Thật là áp bức trước mọi điều suy diễn tương tự xuất phát từ những quan sát của các đồng loại khi ta bảo rằng giới trí thức có thể dự phóng và tiến hành những công trình mà mãi đến nay vẫn còn di tích thấy được; giới trí thức ấy lại chịu cam tâm giới hạn sự điều tra của mình vào thế giới thiên nhiên vật lý mang tính định luật và bỏ mặc không nghiên cứu định luật của thế giới tâm linh. Nếu các triết gia – theo Draper thì họ có thẩm quyền – tính toán được nhật nguyệt thực chỉ sai có vài giây, lập danh mục được các ngôi sao với vị trí và những trường hợp bị che khuất; ấn định được độ dài của năm thiên văn và năm chí tuyến; phát hiện được sự tuế sai của các phân điểm; nếu Aristotle, Pythagoras, Archimedes, Ptolemy Soter có thể cung ứng cho loài người sự tăng trưởng về trí thức như thế thì lẽ nào người ta lại không xục xạo một góc cạnh khác của thiên nhiên? Và liệu bạn có thể giả định rằng những trí thức như thế mà xưa nay chưa ai vượt qua được lại không phát hiện ra những bí mật của Vũ trụ giống như Tyndall, Huxley, August Comte và Herbert Spencer hay sao?

Ta hãy thử xem các triết gia thời xưa này biết gì về một nửa tâm linh của Càn khôn?

Kẻ nào phân tích những tín điều thời xưa ngõ hầu thấu triệt được thực nghĩa của nó ắt phải thường xuyên nhớ rằng thời xưa người ta dùng các từ ngữ và biểu tượng để che giấu các ý tưởng. Người ta trình bày sự thật có tầm quan trọng lớn lao dưới dạng các dụ ngôn và chuyện hoang đường; chẳng hạn như kẻ quan sát hời hợt không thấy được tài liệu ghi chép của Ai cập ẩn đằng sau chữ tượng hình trong các đền thờ và những bản văn chữ mà tu sĩ viết trên giấy cói. Sự hiểu biết hầu như chỉ hạn chế hoàn toàn trong tầng lớp tu sĩ đặc quyền đặc lợi vừa là nhà khoa học thực nghiệm vừa là thầy dạy dỗ tôn giáo. Họ lại được chia nhỏ thành từng lớp, từng phái, mỗi phái được giao cho nghiên cứu một đề tài chuyên biệt và tất cả đều thần phục một vị thủ lãnh tối cao cũng giống như giới giáo sĩ Công giáo thần phục giám mục Roma tức Giáo hoàng. Xét vì họ nghiên cứu cả khoa học lẫn tôn giáo cho nên cũng tự nhiên thôi khi họ cẩn thận khoác lên minh triết của mình một lớp vỏ tài khéo ngăn ngừa không cho đại chúng bình dân biết được nó vì đám đại chúng ấy không thích hợp để sử dụng nó được đúng đắn. Hơn nữa, tất nhiên là các cao đồ minh triết bí truyền bị tứ tán đi thì còn lại lớp vỏ ngụy trang và bí mật của tri thức ẩn tàng chỉ có thể được phục hồi sau khi ta đã dày công khảo cứu ít ra cũng bằng mức mà thoạt tiên người ta cần để giấu giếm nó. Điều này giải thích cho mọi sự hiểu lầm vốn thịnh hành đối với tri thức khoa học và tôn giáo của Cổ nhân, nó cũng giải thích được việc những kẻ nào trong nhiều thời kỳ sau đó ra sức minh oan cho tri thức ấy đều bị khinh miệt rẻ rúng.

Thật là một điều vô minh thô thiển khi lẫn lộn tục thờ cúng cây cỏ và thú vật của người Ai cập với ý nghĩa chân thực của nó hoặc lẫn lộn các vị thần trong thần thoại của Ai cập và La mã với ý nghĩa chân thật của chư thần ấy; cũng như ta vẫn tưởng tượng rằng chẳng ai phát hiện ra châu Mỹ trước thời Columbus hoặc chẳng ai phát hiện được tính chất của chất Ether Vũ trụ trước thời các tác giả quyển Vũ trụ Vô hình. Đền thờ chư thần Ấn độ đầy nghẹt cả triệu thực thể tâm linh và chư thần cá biệt; nhưng người Ấn độ, người Ai cập, người Hi lạp cũng như người Chaldea tiền bối của họ đều có cơ sở cho triết lý Bí truyền của mình là ý niệm về một Quyền năng Sáng tạo Tối cao duy nhất được phú cho vô vàn thuộc tính. Chính những thuộc tính này đã được tiêu biểu hóa thành ra các thần linh riêng biệt theo thói quen ẩn dụ của người Đông phương. Chư thần trong đền thờ Vạn thần Hi lạp chẳng qua chỉ biểu diễn tượng trưng các lực trong Thiên nhiên; đến lượt các lực này xét cho cùng chẳng qua chỉ là đủ thứ biểu lộ của một lực bản sơ duy nhất vốn có lưỡng tính và quân bình tuyệt đối.

Triết lý xưa nhất mà ta từng biết là triết lý Chaldea, nó giảng dạy ý tưởng cho rằng khi Đấng Thông tuệ Tối cao muốn biểu lộ ra bên ngoài thì ngài phóng ra một phân thân – một nguyên khí sáng tạo – mà do xung lực tự thân của nó, nguyên khí này triển khai vạn vật ra từ Hỗn mang. Nguyên khí này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, nó chính là Hỗn mang mà các nhà khoa học thời nay gọi là chất ETHER VŨ TRỤ còn cổ nhân gọi là PHTHA. Người Ai cập gọi nó là RA; người Ấn độ gọi là BRHAM; tín đồ Bái hỏa giáo của Ba tư gọi là ORMUZD; người Assyria gọi nó là ATHOR, còn người Hi lạp gọi nó là JUPITER. Nhưng cho dù được gọi như thế nào đi chăng nữa thì xét cho cùng nó chỉ là một thứ thôi, và nó cũng đồng nhất với chất Ether Vũ trụ mà nhà thiên văn học bảo thủ nhất hiện nay cũng cho ta biết rằng toàn thể hệ thống hành tinh đã được triển khai ra từ đó.

Cổ nhân biết rằng nó là một nguyên khí có hai bộ phận – ánh sáng và bóng tối, vật chất và tinh thần – mỗi bộ phận bổ túc cho nhau và cả hai quân bình tuyệt đối. Trong một tác phẩm rất bác học mà một mệnh phụ người Nga là bà Blavatsky hiện nay đang viết ra, người ta có trích dẫn một điều kỳ diệu trong thánh thư Số mục của người Chaldea chứng tỏ không thể nghi ngờ gì được chẳng những thời tiền sử đã biết là các hành tinh hình cầu mà người ta còn biết về sự sinh ra và chết đi của các thế giới được người bạn thông tấn viên của tôi là ông Proctor đã tường thuật rất hấp dẫn trong nhiều tác phẩm rất khác nhau của mình.

Mọi quốc gia nêu trên chẳng những gọi tên mỗi một trong hai khía cạnh của Thiên nhiên mà còn định danh các biểu lộ riêng biệt của những lực cố hữu nơi chúng; sớm muộn gì khi những sự rối loạn chính trị và chiến tranh tàn phá khiến cho các trường phái tu sĩ của các cao đồ chân chính bị ly tán thì các tên gọi này được đồng nhất hóa với những nhân vật để rồi thiên hạ tôn thờ chúng dưới dạng các nam nữ thần. Nhiều thần thoại đã được phát triển lần lượt như thế ấy khiến cho người ta quên đi quan niệm triết học về một Quyền năng Tối cao duy nhất.

Trong mọi khoa thần phổ học này người ta đều dạy rằng khía cạnh tâm linh của Thiên nhiên phải trải qua một diễn trình tiến hóa đồng bộ chính xác với sự tiến hóa của khía cạnh vật chất; không một tinh cầu bằng vật chất thô trược nào được tạo ra mà không có một tinh cầu tinh thần làm linh hoạt nó từ bên trong; không một cây cỏ hoặc động vật nào được tạo ra mà có thể nói là không có một cây cỏ hoặc động vật nội giới ẩn bên trong lớp vỏ ngoài; không một con người nào mà không có một linh thể ẩn bên trong chất liệu của thể xác. Khi hành tinh tăng trưởng đều đều thì trước hết một đám bụi-sao tụ tập lại, đó là các phân tử vũ trụ kết tụ lại thành một hạt nhân, rồi tới một đám mây nhỏ bốc cháy, rồi tới một đám hơi rộng lớn bốc mù mịt, rồi tạo thành hình cầu và hình xoắn ốc, rồi cuối cùng một bầu rắn chắc được ngưng tụ lại để cho mọi dạng sự sống dần dần tiến hóa ra từ các hạt tạo thành bầu ấy; như vậy cổ nhân tin rằng tinh thần hoàn chỉnh của con người chỉ là đỉnh cao của một kim tự tháp mà đáy tháp trùm khắp không gian với các lớp nối tiếp nhau bao gồm hằng hà sa số các thực thể tâm linh có tổ chức. Cổ nhân là các nhà tiến hóa luận còn thủy chung như nhất hơn chúng ta nữa vì hệ thống của họ không có “mắt xích còn thiếu”.

Họ có một giáo lý căn bản cho rằng vì con người bất tử là đỉnh cao của kim tự tháp ấy cho nên y kiểm soát được những gì ở bên dưới mình do y đã hoàn thiện về mặt tâm linh cho nên y có cái mà các bậc tiền bối chưa có, đó là một linh hồn bất tử. Cổ nhân tin rằng linh hồn bất tử này là một Điểm Linh quang của Linh hồn Sáng tạo Thiêng liêng và vì tổng thể chẳng qua chỉ là khối tập hợp của các bộ phận và các bộ phận cũng giống như tổng thể, cho nên theo nhận định của họ thì Con Người là chúa tể của Vũ trụ nhỏ bé hơn tức Tiểu thiên địa. Muốn vận dụng được qui tắc áp đảo này thì y cần ba điều kiện: BIẾT, DÁM và MUỐN, vì tri thức này có thể bị bại hoại với những hậu quả đáng sợ nhất nếu bị vận dụng cho một mục đích xấu xa hoặc vô minh nên cần có một điều kiện thứ tư là GIỮ BÍ MẬT.

Người nào quan sát các hiện tượng thiên nhiên một cách hời hợt nhất ắt cũng phải nghĩ tới sự tàn phá mà bất cứ ai cũng có thể tùy ý tạo ra qua bão tố, gió lốc, sấm sét hoặc dịch bệnh. Khi những người ấy cảm thấy muốn phàn nàn về tính bảo mật và các dụ ngôn của những cao đồ Pháp thuật thì họ hãy dừng lại và suy gẫm xem liệu điều gì sẽ xảy ra nếu giới tội phạm biết cách tùy ý kiểm soát Điện và Từ cũng như có thể dùng quyền năng ý chí để khống chế các lực khác trong thiên nhiên. Nếu những bí mật của các pháp sư thời xưa được phổ biến thì liệu có điều gì ngăn cản những người như thế sẽ sử dụng các bí mật ấy để tiêu diệt xã hội? Tất cả các bạn ắt đã thấy những cuộc thí nghiệm của mesmer trong đó một ý chí mạnh mẽ tác dụng quyền năng tuyệt đối lên các ý chí yếu ớt khi đối tượng mất quyền kiểm soát các cảm giác, các chức năng của cơ thể, trí nhớ và óc tưởng tượng. Trong khi bị thôi miên, y có thể bị hoàn toàn sai khiến làm bất cứ điều gì nhà thao tác muốn, và tôi nghe nói có những trường hợp xảy ra sự co giật và chết người; một đằng là vì quá tích cực và một đằng là vì quá nhạy cảm. Bây giờ ta hãy tưởng tượng một lúc xem điều gì sẽ xảy ra nếu bất cứ ai muốn học bí mật khiến cho các pháp sư Đông phương có thể giết được những con thú bằng cách nhìn vào chúng; những người ấy có thể giết người bằng cách cố tình tập trung ý chí ma quỉ của mình lên người khác mặc dù ở cách xa.

Một tác giả Công giáo là Hiệp sĩ Des Mousseaux có kể chuyện một nông dân người Pháp tên là Jacques Pellissier mưu sinh bằng cách giết những con chim nhỏ ở cách xa mình 20 bước nhờ quyền năng của ý chí; và trước mắt một Cao đồ Ấn độ thì con thú hung tợn nhất cũng phải co giò bỏ chạy vì sợ hãi. Giả sử một người xấu có được quyền năng này thì liệu cuộc sống hoặc tài sản của người ta có được an toàn chăng?

Người ta có thể không hiểu được Pháp thuật của Đông phương cũng như Thần linh học của Tây phương chừng nào người ta còn chưa nghiên cứu cẩn thận các hiện tượng Từ khí Động vật tức Thôi miên Mesmer. Muốn biết lý do tồn tại của một trong những thứ trên người ta phải hiểu rằng là sự thật từ một bộ óc người ta có thể phóng ra một lưu chất tinh vi truyền sang bộ óc khác; một khi mối liên hệ này đã được lập nên thì những tư tưởng không được thốt ra lời được thoải mái truyền đi theo đường dây điện tín ấy; thế rồi y phải học biết xem lưu chất tinh vi này là cái gì, làm thế nào thu thập được nó tốt nhất và điều khiển nó để hoàn thành kết quả mong muốn.

Thế là Cổ nhân biết hết mọi thứ này và các quốc gia Đông phương thời nay – họ chỉ thực hành điều mà họ đã học được của Cổ nhân – cũng quen thuộc với các lực huyền bí ấy chẳng khác nào quen thuộc với bộ chữ cái a, b, c. Thật ra họ còn hơn thế nữa, vì các fakir – người ta đã kể lại nhiều câu chuyện mầu nhiệm về quyền năng pháp thuật của các fakir – thường hoàn toàn mù chữ. Họ biết về pháp thuật là do được kế thừa của cha ông và đến lượt cha ông họ được kế thừa của tổ tiên.

Pháp thuật vốn chỉ có nghĩa là Minh triết, có hai khía cạnh: tà thuật và chánh thuật, tương ứng với hai khía cạnh của thiên nhiên. CHÁNH THUẬT giao tiếp với các vị phúc thần thuộc về chánh đạo; TÀ THUẬT giao tiếp với các tà thần thuộc tà đạo. Nên nhớ điều tôi đã trình bày về các quyền năng đối lập trong Thiên nhiên thì bạn ắt hiểu thật hợp lý xiết bao khi trong diễn trình Tiến hóa có tạo ra các giống tà thần (mang tính đối lập theo như ta diễn tả) cũng như các giống phúc thần. Nếu không thì cán cân thăng bằng của thế giới làm sao duy trì được?

Các vị Đạo trưởng trong các đền thờ cổ, các lễ sư xứng đáng trong Thiên nhiên mang nhiều tên gọi – nhà Thông thần, nhà Thông Thiên Học, nhà Tân Platon, phái Ngộ đạo, phái Essennes, phái Hermes, phái Hoa hồng Thập tự - đã trao truyền các bí mật thiêng liêng trải qua bao thời đại đều thực hành Chánh thuật; còn toàn bộ đường lối ma quỉ gồm các Thuật sĩ, nhà Chiêu hồn và nhà phù thủy Phi châu thực hành Tà thuật.

Chánh thuật là một viên đá thử vàng về mặt đạo đức, nó trắc nghiệm tính thanh khiết, lòng vị tha, đức tin và sự dũng cảm của các bậc cao đồ giống như nước cường toan trắc nghiệm độ tinh khiết của vàng. Không một kẻ trụy lạc, bủn xỉn, hèn nhát tham ăn nào có thể trở thành một Pháp sư. Những kẻ như thế ắt nương náu nơi thuật Phù thủy, những thuật ấy khiến cho họ triệu thỉnh được âm binh chưa tiến bộ và thoái hóa cũng như những sinh linh mất linh hồn thuộc về các Hành. Trong một thời gian thì họ có thể phè phỡn tiền vô như nước, nhưng cũng có ngày mà ý chí mãnh liệt của họ bị yếu đi do sự phóng túng để rồi họ làm mồi cho trí thông minh ma quái đã từng một thời ngoan ngoãn nghe lời họ. Nạn nhân khốn khổ chết do gậy ông đập lưng ông hoặc do một tai họa khủng khiếp nào đó và “hồi kết cuộc của kẻ ấy ắt tồi tệ hơn lúc khởi đầu”.

Để trình bày một ý niệm về ngụ ý của việc thực hành Pháp thuật, tôi xin nói rằng những người nào đã được điểm đạo đều có thể tập trung các thần lực tinh vi của Thiên nhiên phóng chiếu nó vào một điểm cho sẵn và kêu gọi sự trợ giúp của những thực thể ở trong chất Ether Vũ trụ tức Tinh tú quang. Môn đồ Kabalah chia các thực thể này ra làm bốn lớp chính: Thần gió, Thần đất, Thần nước và Thần lửa; mỗi thực thể đều được tiến hóa ra từ một Hành đặc thù, do đó được xếp nhóm theo phân loại tổng quát đứng đầu là một Tinh linh Ngũ hành.

Cách đây vài tuần, tôi có nói bóng gió tới sự tồn tại của những thực thể ấy và khuyến cáo những bạn nào đang khảo cứu về hiện tượng lạ Thần linh học đừng bị gạt nhầm lẫn chúng với những con người thật, cho dù khi chúng xuất hiện giống như hình người. Bản thân tôi đã bị đùa giỡn như thế. Có những kẻ xét theo biểu kiến chưa bao giờ đọc một trang sách của Ennemoser hoặc Howitt, sách của Levi, Salverte hoặc Des Mousseaux – toàn là các tác giả hiện đại – chứ đừng nói chi tới phái Hermes thời trung cổ, các tác giả cổ điển ở Hi lạp và La mã hoặc các tác phẩm của Ấn độ hay Ai cập; những người ấy nhảy bổ vào tôi nhe răng giương vuốt tố cáo tôi là kẻ thoái hóa không có đức tin chân chính! Thậm chí người ta còn buộc tội tôi là âm mưu lừa gạt công chúng và có một thiên tài sống cách xa New York chưa đầy 50 dặm đã đâm ra lố bịch trước mắt cả loài người lẫn chư thần khi nói bóng gió rằng tôi là Đặc sứ Bí mật của Giáo hội La mã! Điều này đã đạt tới đỉnh cao và sau khi nghe hết mọi điều ấy tôi kết luận rằng đã đến lúc mình phải khởi sự soi sáng chút ít cho một đề tài tối tăm đủ để khiến cho những con chim đêm kêu ai oán ấy phải câm họng lại.

Do một trong những điều tình cờ mà một số người gọi là Thiên hựu Đặc biệt, có xảy ra chuyện tôi chẳng phải đợi lâu thì cũng thấy công chúng đã có được bằng chứng bổ sung về kinh nghiệm được tường thuật của một người với tư cách là một mệnh phụ và một nhà Thần linh học đều được cả hai bán cầu kính trọng, đó là bà Emma Hardinge Britten. Trong Tạp chí Ngọn cờ Ánh sáng, bà công bố những bài tường thuật mình đã thấy những âm ma này trong các hầm mỏ ở nước Anh và vùng Bohemia; trong vòng vài ngày qua có một bức thư do một nhà quí tộc nhận được là Ủy viên Hội đồng Aksakoff, nhà Thần linh học người Nga, trong thư ấy ông nêu rõ rằng ông hoàng Dolgorouky là nhà thôi miên mesmer vĩ đại đã rất lấy làm hài lòng khi các âm ma đóng vai trò quan trọng trong các hiện tượng lạ ở các buổi lên đồng.

Trong tác phẩm Các Vấn đề của Y sĩ, Elam có bảo rằng mầm mống của tội ác và thói xấu vốn nằm ngay bên dưới bề mặt của xã hội sẵn sàng bùng lên vào bất cứ lúc nào; và như vậy khi tôi thấy trong vòng vài tháng vừa qua, báo chí Âu Mỹ đã tha hồ bàn luận về Pháp thuật Đông phương dưới đủ mọi khía cạnh thì tôi cảm thấy giống như một Cadmus khác, tôi đã sái đậu thành binh để ủng hộ mình và đưa tôi lướt qua những sự chống đối càng ngày càng yếu dần.

Thế thì những kẻ không có đầu óc phóng khoáng trong đám nhà Thần linh học phản đối điều gì trong Pháp thuật của Đông phương? Những hiện tượng lạ trên cõi trần ư? Nhưng chẳng phải những hiện tượng này bổ chứng cho chính những lời rêu rao của họ theo đó các hiệu ứng vật lý ấy có thể và chỉ được tạo ra do việc áp dụng các lực Huyền bí trong Thiên nhiên? Hay là nó chứng tỏ rằng các hiện tượng lạ ấy nằm trong vòng kiểm soát của con người và người ta có thể tạo ra những hiệu ứng đẹp mắt hơn và đáng ngạc nhiên hơn so với những gì ta đã chứng kiến hoặc thu được trong bất kỳ buổi lên đồng nào. Nhưng chẳng lẽ điều này không làm gia tăng đáng kể uy tín của tâm trí con người và cho ta thấy tầm lĩnh hội của tâm trí bao trùm những khả năng hoành tráng đến đâu hay sao?

Chẳng lẽ đó không phải là ý tưởng có những thực thể gọi là Tinh linh Ngũ hành? Những sự kiện này chẳng lẽ lại không hoàn chỉnh được cái sợi dây xích bị cắt đứt của Darwin và cho ta thấy có một định luật tinh vi trải dài xuyên suốt Thiên nhiên từ lúc khởi đầu mãi cho đến nay? Chẳng lẽ họ lại phàn nàn việc gây cho óc tưởng tượng bị cụt hứng khi nghĩ rằng những tạo vật có trí thông minh không hơn con khỉ và chẳng có trách nhiệm đạo đức nhiều hơn lại có thể bắt chước được hình dáng của những người thân chúng ta đã quá cố? Ngược lại, chắc chắn là điều này khiến cho họ thấy cần phải học hỏi mọi điều có thể được về cái giống tinh linh này, làm sao ngăn ngừa những mánh khóe của chúng, hạn chế khả năng gây ác ý của chúng, buộc chúng phục vụ cho chúng ta thay vì làm chủ chúng ta!

Nếu có điều gì dễ chịu hơn việc tiếp tục 30 năm nữa cũng mù quáng như 30 năm vừa qua khiến người đồng cốt bị phó mặc cho những sinh linh ùa tới chúng ta mà ta không ngăn cản được, hiện diện mà ta không nhận ra được cho đến khi đã quá trễ, lừa đảo và dối trá, ma mảnh mà ta không dò ra được cho đến khi chính nghĩa đã bị tổn thương nghiêm trọng – nếu có kẻ nào muốn tiếp tục như thế thì y cứ việc làm vậy. Lộ trình của tôi nay đã rõ rồi: tôi thề sẽ theo đuổi đề tài này cho đến khi quán triệt đươc nó dù phải mất bao nhiêu thời gian hoặc công sức vì tôi muốn được MINH GIẢI và tôi biết điều này có thể được.

Mọi người biết suy tư đều thú nhận rằng Thần linh học Hiện đại có kèm theo biết bao nhiêu điều bí mật. Không một triết lý thông dụng nào có thể giải thích thỏa đáng được nhiều sự việc của nó. Tôi có thể nói thêm rằng theo sự đồng thuận chung chung của các triết gia thì qui tắc ấy cũng có giá trị đối với hầu hết các khoa học vật lý. Nhưng ta hãy hạn chế vào Thần linh học thôi.

Có ý kiến phổ biến cho rằng luật hấp dẫn có giá trị đối với mọi thứ: ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Điều này ắt đúng thôi. Nó đã đúng rồi đấy. Thế mà liệu có ai nói cho tôi biết được tại sao một cô gái đồng cốt trinh khiết được nuôi dưỡng tử tế, khiêm tốn và đầy lòng tự trọng đôi khi lại đâm ra phàm tục dễ sợ và chẳng đàng hoàng chút nào khi chịu ảnh hưởng vô hình? Nếu ngưu tầm ngưu mã tầm mã thì điều gì hấp dẫn một tinh linh tồi bại như thế đến với hào quang tinh khiết của cô đồng cốt còn trinh trắng? Tại sao cô không thu hút được những phúc thần uy dũng và đẩy lùi được những tà thần giống như bản chất của cô ở trạng thái bình thường; ắt đẩy lùi một kẻ say sưa hoặc trụy lạc? Lại nữa: tại sao một người trung thực và ngay thẳng khi trở thành đồng cốt lại có những lời truyền thông dối trá trong nhiều tuần lễ; tại sao những người nam nữ đức hạnh lại sa vào đường lối dâm ô và hiến mình cho những dục lạc của xác thịt? Chẳng lẽ không có một quyền năng che chở nào giúp cho người tốt thoát khỏi sự chế ngự của người xấu hay sao? Chẳng lẽ Vũ trụ lại bị quản trị tồi tệ đến nỗi người ta bị bắt buộc làm mọi thứ tồi tệ bởi những kẻ khác có thể tiếp cận và đầu độc mình mà mình không hề hay biết? Niềm tin vào thiên thần hộ mệnh (vốn phổ biến đối với hầu hết những kẻ chấp nhận giáo lý về sự giao tiếp giữa nội giới và ngoại giới) sẽ ra sao đây?

Và ta xin điều tra thêm nữa: liệu vong linh của mọi người có thể tùy ý khoác lấy dáng vẻ của những người khác sao cho một vong hồn trở lại muốn dùng mánh khóe có thể chuyển từ buổi lên đồng này qua buổi lên đồng khác - ở đây thì đóng vai Washington, ở kia thì đóng vai Franklin và đóng vai 20 danh nhân khác nhau ở 20 địa điểm khác nhau? Rất có thể là các vĩ nhân này sẽ phải chịu sự mạ lỵ của những kẻ say sưa trong Ủy ban bị “những kẻ đa nghi” dốt nát thản nhiên chửi rủa và gặp phải những nhân cách dễ sợ của một số đồng cốt, phải trải qua những cuộc trắc nghiệm để phô diễn các hiện tượng lạ, buổi chiều nào cũng vậy trong một năm, đi khắp nơi trên thế giới, gặp hàng ngàn người thắc mắc đi đến buổi lên đồng như đi xem xiếc để mua vui (nếu có thể được thì còn đi “coi cọp” nữa). Bây giờ tôi xin dành cho những người ngay thật hãy suy gẫm về vấn đề này. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của người khảo cứu duy vật có giáo dục để xem y tiến hành lập luận ra sao về trường hợp này: nhìn thẳng vào những khuyết điểm để xem liệu có thể vá víu được đến đâu.

Ta hãy thừa nhận rằng các Âm ma có thể trôi nổi đến với ta trong các dòng Tinh tú quang; chúng có thể vận dụng Từ và Điện cũng giống như chúng ta vận dụng nước và đất sét; chúng có thể tràn ngập một đồng cốt khiến cho y thụ động không biết gì về sự hiện diện của chúng cho đến nỗi có thể nói y say bét về chúng và không có khả năng tự vệ giống như kẻ say rượu lọt xuống đường mương; vì được cấu tạo bởi các hành cho nên các âm ma có thể vận dụng ngũ hành giống như chúng ta có thể sử dụng lửa và nước, đất và không khí vì nhiều mục đích khác nhau nhờ vào các dụng cụ máy móc; chúng có thể đọc được tư tưởng của ta giống như ta đọc một quyển sách và như vậy đưa ra những câu trả lời thích hợp với tư tưởng của ta; vì không có lương tâm cho nên tự nhiên là chúng dễ dàng nghiêng về điều mà ta gọi là sai trái cũng giống như điều phải khiến cho nạn nhân khốn khổ của chúng ta, người đồng cốt, cũng bị như vậy; nếu ta nhận thức được những sự thật này thì điều bí mật sẽ rõ ra ngay. Tôi gọi đó là những sự thật vì chúng quả đúng như thế. Các cao đồ pháp thuật đã chứng minh chúng hàng trăm lần và không cần có một lữ khách nào từ Ấn độ hoặc Ai cập trở về để minh chứng là đã tận mắt thấy chúng được chứng minh.

Nhiều số báo trong tờ Thần linh học ở Luân đôn có những bài tường thuật về một số hiện tượng lạ mà các nhà khoa học trứ danh ở Âu Mỹ đã chứng kiến được ở Ấn độ. Trong số những bài này, tôi xin chọn ra một bài cho ta thấy một vị fakir đang làm việc. Đó là bài của Tiến sĩ Maximilian Perty, giáo sư Khoa học Vật lý, kể lại các cuộc thực nghiệm của một nhà khoa học người Pháp tên là Jacolliot.

“Vị fakir hiển lộng thần thông giữa ánh sáng thanh thiên bạch nhật ở sân của một nhà công quán. Ông đòi mang tới bảy cái ly và ít đất bùn để trồng vườn; ông đổ đầy đất bùn vào ly, cắm vào mỗi cái ly một mẩu tre, trên đó ông thả xuống một vài cái lá sung, mỗi lá sung đục một cái lỗ ở trung tâm lớn vừa đủ đút lọt qua cái cọc làm bằng tre. Vị fakir đứng cách xa bốn bước, tay chỉ về hướng những chiếc lá, đứng im bất động trong một lúc và xem kìa những cái lá phấp phới bay lên khỏi cái cọc, tới đỉnh cọc rồi rớt xuống bất động. Bầu không khí hoàn toàn yên tịnh, không thể có tác động của gió; Jacolliot đi ngang giữa chỗ đứng của người fakir và những cái bình thủy tinh thì không có một sợi chỉ mảnh mai nào. Hiện tượng này được lập đi lập lại mãi, vị fakir tỏ ra sẵn sàng thay đổi những cuộc thí nghiệm theo ý ngưới khác muốn. Thế rồi bảy cái bình sạch bằng thủy tinh được mang ra cùng với đất bùn còn mới và chính Jacolliot chuẩn bị chúng. Kết quả vẫn xảy ra giống như vậy. Sau đó ông đục lỗ vào cái tấm ván mới, đút những chiếc cọc vào đó rồi đặt những chiếc lá bên trên. Kết quả cũng lại giống như thế và tiếp tục suốt hai tiếng đồng hồ. Thế rồi người fakir đề nghị để cho y giao tiếp với một người bạn đã chết mà y có thể nghĩ tới. Jacolliot bỏ vào trong một cái bị nhiều chữ in làm bằng đồng mà ông đã mang theo rồi nhặt chúng ra từng chữ một nhưng không nhìn vào chúng, cứ mỗi khi có một chữ được nhặt ra thì chiếc lá lại bay lên rồi rớt xuống, ta thấy kết quả là câu sau đây: Albain Brunier, chết ở Bourg-en-Bresse, ngày mùng 3 tháng giêng năm 1856 – đây là tên, thời gian và nơi chết của người bạn mà ông đã nghĩ tới. Ngày hôm ấy trải qua 14 cuộc thí nghiệm liên tiếp, Jacolliot trắc nghiệm vong linh này theo đủ mọi cách mà ông có thể nghĩ ra được; và ông thấy rằng trong khi việc tùy ý phát âm tên gọi mà ông ghi khắc trong tâm trí được biểu thị qua chuyển động của những chiếc lá thì như thể chế nhạo óc tưởng tượng của ông, chúng ngoan cố tiếp tục phát âm nơi chết một cách chính xác, bất chấp ông cố gắng lừa gạt trí thông minh của kẻ vô hình. Rõ ràng trường hợp này chứng tỏ rằng hiện tượng ấy không phải là kết quả của ý muốn hoặc tưởng tượng của chính ông, và điều cũng rõ ràng là vị fakir đã chứng tỏ được mình dùng một lực vật lý huyền bí khống chế nó đủ để làm di chuyển được những chiếc lá sung ở khoảng cách nhiều bước chân. Trong buổi thí nghiệm cuối cùng vị fakir làm cho cái đĩa cân trống rỗng của một cán cân chìm xuống dưới tác dụng của một cái lông đuôi con công trong khi đĩa cân bên kia chịu sức nặng 80 kg (chừng 200 cân Anh); bằng cách chỉ đặt tay trên một vòng hoa, y cũng làm cho nó bay bổng lên trên không, khiến người ta nghe thấy những tiếng nói không rõ rệt và có một bàn tay vô hình viết những dấu hiệu chói sáng trên không trung”. Giáo sư Perty có nói: “Trong những hiện tượng lạ về vật chất nêu trên, người ta không thể phát hiện được bất cứ sự lừa gạt nào mặc dù đã có những cuộc trắc nghiệm ngặt nghèo nhất”. Do kết quả của những thí nghiệm ở Ấn độ, ông Jacolliot giờ đây “tin rằng trong thiên nhiên và nơi con người – con người chẳng qua chỉ là một nguyên tử trên thế giới – có tồn tại những lực vô biên mà định luật còn chưa biết nhưng sau này sẽ được khám phá; trong tương lai những điều mà giờ đây ta gọi là hoang tưởng sẽ được chứng minh là thực tại và có những hiện tượng lạ sẽ xuất hiện mà bây giờ ta còn chưa thể tưởng tượng ra nổi”.

Nếu có bất kỳ người nào hiện diện ở đây đã từng đọc tác phẩm của tôi nhan đề Người về từ bên kia cửa Tử thì họ có thể nhớ lại một vài thí nghiệm mà tôi đã thí nghiệm ở Chittenden và Havana, New York để trắc nghiệm khả năng của sinh vật thông minh kiểm soát các lực huyền bí nhằm khiến cho cái đòn cân thay đổi đáng kể theo một loạt cân nặng của một vong linh chỉ nội trong vòng vài phút. Ở Chittenden, trọng lượng của Honto biến thiên từ 88 tới 58 rồi lại 88, thế rồi là 65 cân Anh; ở Havana nơi mà tôi có trắc nghiệm các điều kiện thí nghiệm thì vong linh nữ hiện hình ra biến thiên từ 77 tới 59 rồi tới 52 cân Anh. Không có trường hợp nào kéo dài hơn 10 phút từ lúc đầu cho tới lúc kết thúc cuộc thí nghiệm. Tôi có ý muốn trắc nghiệm cái thuyết cho rằng một vong linh có thể tăng hoặc giảm tùy ý trọng lượng của vật chất mà nó ngưng tụ lại để tạo thành cơ thể của chính mình. Tôi cũng thực nghiệm với sự co cơ vốn có thể được thực hiện do một bàn tay vong linh duỗi ra trên một cái cân lò xo cả theo chiều thẳng đứng lẫn chiều nằm ngang. Tôi nắm tay người đồng cốt để ngăn ngừa sự lừa gạt. Trong một trường hợp thì bàn tay kéo được 40 cân Anh theo chiều ngang, còn trong trường hợp kia là 50 cân Anh theo chiều thẳng đứng. Ta nên lưu ý sự kiện này vì nó chứng tỏ rằng việc kéo ấy không phải do người đồng cốt theo lời nói bóng gió của một vài người vì trong trường hợp như thế việc kéo theo chiều nằm ngang tất nhiên phải mạnh hơn chiều kia do vị trí mà người đồng cốt đang chiếm chỗ.

Có một buổi bà Youngs, là người đồng cốt đã từng nhấc cái dương cầm lên, được thử thách ở trước Hội Thông Thiên Học và một người trong Ủy ban lần lượt nhấc một đầu mút của chiếc đàn lên hai lần – có một lần trong khi người đồng cốt đứng phía sau nó và ra lệnh cho các vong linh làm nó nặng hơn – người ấy tuyên bố với chúng tôi rằng trọng lượng rất khác nhau.

Ta hãy xét thí nghiệm của người Ấn độ về chiếc lông vũ gộp lại với những thí nghiệm của tôi thì chúng chứng minh rõ ràng là những người nhập xác và thoát xác có thể tập trung điều khiển một lực vô hình sao cho các vật bị làm cho nặng hoặc nhẹ hơn tùy ý.

Lại nữa giống như trong thí nghiệm về vòng hoa của Jacolliot thì điều này hoàn toàn giống về nguyên tắc với sự khinh thân của cơ thể con người mà các nhân chứng thường miêu tả và bản thân của quí vị cũng đã chứng kiến. Vị Bá tước ở Dunraven cho tôi biết rằng ông có thấy ông Home được đưa ra khỏi cái cửa sổ ở tầng thứ ba rồi lại đưa vào một cửa sổ khác và ông lập lại phát biểu ấy có chữ ký của chính mình cùng với những người quí tộc và các nhà quí phái khác rất nổi tiếng. Sử sách của Công giáo có chứa rất nhiều ví dụ cũng về hiện tượng ấy; trong tác phẩm Lịch sử thuật phù thủy Salem của ông Upham ta thấy có một trường hợp cơ thể của Margaret Rule được nhấc bổng lên khi có mặt nhiều nhân chứng. Tờ báo Thần linh học Luân đôn số ra ngày 19 tháng 11 năm 1875 có một bài viết thú vị nhan đề “Irdhi Pada”, đây là tên gọi mà người Ấn độ dành cho thuật khinh thân, có nghĩa là Bàn chânThiêng liêng. Người ta đã biết tới nó trong nhiều thế kỷ ở cái xứ Ấn độ kỳ diệu này, nơi cái mà ta gọi là Thần linh học Hiện đại vốn quen thuộc với người Bà la môn nhiều thời đại trước Công nguyên. Vào thế kỷ thứ tư, Pháp Hiển – một người hành hương Trung quốc mà những bài tường thuật về địa lý và địa phương của ông đã tiếp tục tỏ ra hoàn toàn chính xác, do đó ông có bằng chứng đầy thẩm quyền về những vấn đề khác khi nói rằng: “Chư La hán (trong tiếng Anh ta thường gọi các vị này là Cao đồ) bay liên tục”; lại nữa “những người ở xứ sở ấy thường thấy người ta bay đến các đền thờ (xét theo biểu kiến là Ellora); các nhà tôn giáo ở phòng trên thường xuyên bay”. (Xem Các cuộc du hành của Pháp Hiển của Beal).

Pháp thuật ở Đông phương cũng ban cho các cao đồ khả năng tàng hình, theo như tôi kiểm chứng qua kinh nghiệm cá nhân thì có hai lần tôi đã chứng kiến được hiện tượng ấy. Người ta có thể tách những thể tinh vi của mình ra khỏi lớp vỏ xác thịt và dùng nó để đi đến bất cứ nơi nào mình muốn. Ta khó lòng nghi ngờ được hiện tượng này xét vì nó thường xảy ra ở mọi nơi trên thế giới và được xác lập qua một đống bằng chứng hoàn toàn không thể bác bỏ được. Bản thân bà Hardinge Britten trong vài tuần vừa qua đã công bố một bài tường thuật đầy đủ về kinh nghiệm của mình theo chiều hướng này, cả nơi chính bản thân lẫn nơi chính những người khác mà bà có quen biết. Phần kỳ diệu nhất của công trình này thuộc song trùng thể (double) là việc cơ thể tâm linh ấy thật sự vận dụng được lực cơ bắp và cũng làm được những chuyện mà bàn tay của tứ chi thể xác làm được; chẳng hạn như nó có thể di chuyển những đồ vật nặng nề, bắt tay người khác, vật lộn hoặc đánh lộn với người khác, thậm chí giết người bằng khí giới có thể gây chết người. Bản thân tôi có thấy một song trùng thể giữa thanh thiên bạch nhật đi qua đám đông giống như bất cứ người nào khác tay xách nách mang một kiện hàng khi mà tôi biết chắc chắn rằng con người thật sự ấy không ở trong xứ này.

Trong quá trình nghiên cứu tôi có chú ý một chút tới vấn đề song trùng thể này và bản thân tôi có một điểm đã thành công là thu được một bằng chứng thực tiễn đáng chú ý. Tôi đã cực lực dấn thân vào việc phân tích một giả thuyết triết học nào đó cho đến khi đã khuya lắc khuya lơ. Cuối cùng thì công việc cũng hoàn tất và khi rời phòng của môn đồ cùng ở chung, tôi rút lui về phòng riêng của mình. Trước khi ngủ thiếp đi thì chợt thấy rằng chỉ cần thêm đúng hai từ vào câu cuối cùng thì toàn bộ mạch tư tưởng ắt sẽ đươc trình bày trong sáng hơn nhiều. Tôi quyết tâm để xem song trùng thể của mình có thể làm được gì. Tôi ngủ thiếp đi với chủ đích ấy đau đáu trong tâm trí mình. Sáng ngày hôm sau khi xem xét bản thảo, tôi hài lòng thấy rằng hai từ ngữ ấy đã được thêm vào – một thì rõ ràng được viết bằng nét chữ của chính tôi còn một mới bắt đầu thì đã nguệch ngoạc dường như thể thần lực đã dần dần tiêu tán đi. Xét theo biểu kiến thì song trùng thể của tôi phải đi qua một căn phòng khóa kín rồi vào một căn phòng khác cũng được khóa kín ở một chỗ khác trong tòa nhà và làm những gì tôi muốn nó làm trước khi tôi mất ý thức. Để bổ chứng cho giả thuyết của tôi, trước khi tôi có thời giờ đề cập tới sự kiện này thì môn đồ cùng ở chung của tôi có cho tôi biết thấy tôi xuất hiện trong căn phòng cặm cụi làm việc trong đêm tối ở chỗ cái bàn để bản thảo. Chưa cần nói tới những sự minh họa về khả năng giao tiếp bằng chữ viết xuất hiện ra khi không có một người viết nào hữu hình; điều này rất thông thường đối với các pháp sư và người đồng cốt, và ta thấy rằng nó có thể được thực hiện do song trùng thể của một con người cũng như do vong linh của người đã thoát xác; hoặc là những bức chân dung hay những bức tranh ta cũng có thể áp dụng nhận xét giống như trên; tôi xin đề cập tới một sự phô trương kỳ diệu nhất của quyền năng ý chí mà tôi chưa từng đọc thấy hoặc nghe nói đến trong đám giới đồng cốt; tôi muốn nói tới việc khắc chữ lên kim loại hoặc khoáng chất mà không có một thứ dụng cụ hoặc bình ắc qui nào. Francescari là một nhạc sĩ đã từng du hành rất nhiều qua khắp nước Ấn độ có kể lại chuyện sau đây: một ngày kia trong tiệm kim hoàn ở Lahore, ông thấy một nhà quí tộc đang làm phiền chủ tiệm phải hoàn tất một công trình nghệ thuật trên một hộp thuốc hít mà ông đặc biệt muốn hoàn tất vào ngày ấy để dự tính dùng làm quà sinh nhật. Chủ tiệm tuyên bố không thể được vì y còn một số công việc phải khắc cho những khách hàng khác mà người nào cũng đòi lấy gấp giống như chính nhà quí tộc vậy. Nhà quí tộc cứ hối thúc hoài nhưng vô ích. Cuối cùng thì một người ngồi ở góc phòng lặng lẽ đến gần, nói bằng tiếng Hindustan với người chủ tiệm kim hoàn bảo y cứ nhận đơn đặt hàng đi vi những món khác sẽ được hoàn tất chỉ nội trong ¼ tiếng đồng hồ. Người thợ kim hoàn nhìn trừng trừng và hỏi liệu ông ta có phải là pháp sư không mà dám nói như vậy. Kẻ lạ mặt chỉ nói chủ tiệm mang cái khay đồ trang sức ra, lần lượt cầm từng cái vòng xuyến, nhẫn, hộp hoặc trâm cài đầu nghĩ đến việc người ta đã đặt hàng mình làm cái gì. Y vâng lời và Francescari tuyên bố rằng chỉ thoáng một cái thì mỗi món đồ trang sức đã được hoàn tất gọn ghẽ như thể một người thợ kim hoàn hoặc một người thợ khắc chữ khéo tay nhất đã đích thân làm nên nó.

Lại nữa trong một thành phố Âu Tây nào đó có một viên tướng nổi tiếng lừng danh về thiên tài quân sự. Ông ta rất yêu thương gia đình mình để rồi chỉ nhận lại một sự bạc bẽo tồi tệ; khi ông đột ngột qua đời thì họ “quẳng ông xuống đất” mà thậm chí cũng chẳng buồn đàng hoàng dựng lên một tấm bia nhỏ đánh dấu mộ phần của ông. Bạn đồng ngũ của ông rất công phẫn cho nên mới quyên góp mua một phiến đá hoa cương dựng lên ở đó; nhưng người ta bất đồng ý kiến về chữ khắc trên ấy cho nên trong vòng vài ngày mà chưa có ai khắc chữ lên. Tuy nhiên, một buổi chiều có hai người – một người trong số đó là cao đồ pháp thuật – đi dạo qua nghĩa trang thì thấy phiến đá vẫn còn để trống; người ta kể chuyện này cho vị cao đồ, vị này đặt tay lên trên tấm đá hoa cương và nhìn chăm chú vào nó một lúc mà chẳng nói với người kia mình đã làm điều gì, và khi người bạn đồng hành ngoảnh mặt đi, rảo bước sang xem một ngôi mộ kế cận thì phiến đá đột nhiên được phủ lên một dòng chữ khắc dài ghi rõ tên tuổi, lúc chết, tước hiệu và sự nghiệp của người quá cố. Chữ được khắc sâu và lại mạ vàng. Tôi có tên tuổi của tất cả những phe phái có dính dáng tới vụ này, nhưng hiện nay bắt buộc phải giấu kín vì gia đình ấy vẫn còn sống. Tôi chỉ chứng kiến được sự hiển lộ thần thông thuộc kiểu này. Nó xảy ra vào mùa hè năm ngoái ở Boston. Tôi cầm trong tay một đóa hồng nhung, thưởng ngoạn vẻ đẹp và hương thơm ngào ngạt của nó thì trước mắt tôi có một cái nhẫn vàng nặng trĩu rành rành nhảy ra từ tâm bông hoa, nó băng qua tay tôi rồi rớt xuống sàn. Sau đó tôi đưa chiếc nhẫn cho một vị tổng biên tập xem xét, y hài lòng khi thấy nó không được ghi khắc gì cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi cũng xem xét nó và thấy y như tôi mô tả. Bấy giờ tôi bảo vị tổng biên tập nhìn lại lần nữa, và sau khi thấy chiếc nhẫn vẫn rành rành như trước thì y nắm bàn tay che chiếc nhẫn đi, giữ trong nửa phút rồi được yêu cầu xem xét nó lại lần thứ ba; y thấy bên trong có hàng chữ khắc tặng Huynh, tiếp theo sau là một hình tam giác, một biểu tượng nổi tiếng của phái Kabalah. Các chữ này được khắc sắc sảo và tinh tế đến mức tối đa của bất cứ dụng cụ chạm khắc nào và chúng vẫn còn cho tới tận ngày nay. Vị tổng biên tập đeo chiếc nhẫn vào ngón tay mình và đến đúng lúc sẽ tường trình về hiện tượng lạ ấy.

Bây giờ ta hãy quay sang một dạng hiện hình khác rất quen thuộc trong đám pháp sư Đông phương và chỉ mới được gần đây ở trong xứ sở này: đó chỉ là một cơ thể người chết xét theo biểu kiến đi băng qua một bức tường hoặc cửa cái rắn chắc. Ở Chương VIII trong Công vụ các Tông đồ, ta thấy có bài tường trình dài về Pháp sư Simon thường được gọi là Simon Magus. Theo Kinh thánh thì ông có những thần thông kỳ lạ và theo tường trình thì dân ở Samaria “từ lớn tới nhỏ đều chú ý đến ông, bảo rằng người này là quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa và họ rất tôn trọng ông vì trong một thời gian dài ông đã quyến rũ họ bằng pháp thuật”. De Foe, tác giả của quyển sách bất hủ Robinson Crusoe, trong một tác phẩm nhan đề Một hệ thống Pháp thuật xuất bản ở Luân đôn vào năm 1728, có nói: “Ý nghĩa thật là hiển nhiên, người này đã làm những chuyện vĩ đại và kỳ lạ, đã chứng tỏ nhiều phép lạ, nhiều điều mầu nhiệm đến nỗi không có quyền năng của Thiên Chúa thì không có điều gì có thể làm y thực hiện công trình ấy. Do đó chắc chắn là quyền năng của Thiên Chúa đã trợ giúp y”. Ông còn đề cập thêm tới quyền năng mà người ta gán cho Simon là “bay trên không trung”. Thế nhưng tôi chợt thấy rằng chúng ta có bằng chứng của hai trong số ba giáo phụ thuộc Giáo hội Ki Tô về quyền năng của vị pháp sư đáng chú ý này. Trong số đó có năng lực đi xuyên qua những chất liệu rắn chắc. Clemens Romanus trong tác phẩm Recognitionex (quyển II, chương 9) và Anastasius Sinaita trong tác phẩm Quaestio 20, có nói cho ta biết rằng: “Ông ta thường tàng hình khi nào ông muốn và đối với người nào mà ông muốn, ông tạo ra một con người từ trên không trung hiện ra; ông đi xuyên qua đá và núi mà không bị cản trở, ông gieo mình xuống vực thẳm mà không bị thương tích, ông bay dọc theo không trung, ông treo mình trên lửa mà không bị đốt cháy. Xiềng xích bất lực không trói buộc được ông. Ông làm cho các pho tượng cử động khiến cho mọi người chứng kiến thấy đó dường như là những người nam nữ sống động; ông làm cho mọi đồ đạc trong nhà và bàn ghế thay đổi vị trí như mong muốn mà không có một người hữu hình nào di chuyển; ông biến đổi nét mặt và khiến mặt thành một người khác, ông có thể hóa thành một con cừu, một con dê hoặc một con rắn; ông đi băng ngang qua đường phố với một đoàn tùy tùng gồm đông đảo những nhân vật kỳ lạ mà ông khẳng định là hồn những người đã chết; ông khiến cho cây và cành cây đột nhiên mọc lên ở nơi nào ông muốn, ông tùy ý dựng nên rồi phế truất các vị vua; ông khiến cho một lưỡi liềm bay ra đồng lúa không có ai giúp sức mà gặt nhanh gấp hai lần người thợ gặt cần mẫn nhất”. Kinh thánh bảo rằng ông đã dâng tiền cho các tông đồ để dạy cho ông cách làm phép lạ, nhưng người ta đâm ra bối rối chẳng hiểu tại sao một người có thiên tài như vậy mà lại phải đề nghị như thế trừ phi ông muốn tin theo Clemens; trong tác phẩm Hiến chương của các Tông đồ, Clemens giải thích điều này bằng cách bảo rằng “về pháp thuật thì ông bắt buộc phải sử dụng những nghi thức và thần chú tẻ nhạt, trong khi các thánh tông đồ dường như chỉ cần nói một lời cũng làm được phép lạ”. Phải chăng đây là một lời sặc mùi giáo lý của các nhà pháp sư tông đồ.

Ai nghiên cứu Thần linh học xin hãy lưu ý đủ dạng mà chúng ta quen gọi là đồng cốt được phô trương qua những năng khiếu pháp sư này, hơn nữa có một sự thật là trong Kinh thánh cũng như các giáo phụ, ông đều không miêu tả như là một đồng cốt. Ngược lại, bằng chứng cho thấy rằng ông có thể làm mọi chuyện như ý muốn bất cứ lúc nào mình muốn. Thật vậy, tôi đã từng thấy ở đâu đó một đoạn trích dẫn từ tác phẩm của chính ông – một bức thư gởi cho một vị Hoàng đế mà tôi đã quên mất tên, trong thư ấy ông tuyên bố mình có thể tùy ý vận dụng các thần thông này. Nếu có thể thì chúng ta cần phải khám phá xem ông làm cho cơ thể mình ra sao để đi băng ngang qua được những tảng đá rắn chắc và những hàng rào kém chắc chắn hơn. Chúng ta có cơ hội so sánh trong trường hợp bà Compton ở Havana, đám trẻ Potts ở Harrisburg và những đồng cốt khác thời nay. Cách đây một thời gian ngắn, tôi có nhận được một bức thư ngắn của một nhà quí tộc ở Massachusetts với nội dung là em của ông, một thanh niên mới tuổi đôi mươi đã phát triển được thành ra một đồng cốt đáng chú ý nhất gây bất mãn rất nhiều cho chính ông cũng như toàn thể gia đình. Con người này tiêu biểu cho mọi giai đoạn đồng cốt mà tôi từng mô tả trong đủ thứ tài liệu đã xuất bản, ngoài ra y còn đi xuyên qua được những chất rắn chắc. Gia đình dùng những dây thừng bôi hắc ín và cuộn chỉ bông buộc chặt y lại, dùng sáp niêm phong mọi nút thắt, đặt y vào một chiếc ghế dựa bên trong một buồng kín làm trong nhà chế tạo bằng ván gỗ thông, khóa chặt cửa phòng kín lại rồi dùng dây thừng có bôi hắc ín dài 80 bộ cột xung quanh căn phòng ấy, những nút thắt cũng được niêm phong luôn. Căn phòng tắt đèn tối thui thì trong 27 phút sau người ta thấy người đồng cốt và cái ghế dựa đã ở bên ngoài buồng kín mà không một dấu niêm phong nào trên người đứa trẻ hoặc trong buồng kín bị phá vỡ. Mỗi khi người ta thử lại cuộc thí nghiệm này thì họ thấy y ở trạng thái cứng đơ người, hôn mê sâu như tôi thường thấy bà Compton, và xét theo mọi dáng vẻ bên ngoài thì như đã chết, nhưng dần dần y lại hồi sinh và cuối cùng hoạt động như thường.

Bà Hyzer là phát ngôn viên của công luận có kể cho tôi biết một trong anh em nhà Potts đã đi xuyên qua một căn phòng kín được niêm phong giống như thế; sau khi tìm kiếm rất lâu người ta thấy y bị che phủ bên dưới tấm nệm của một cái giường ở căn buồng phía bên trên trong trạng thái xuất thần sâu giống như những người mà tôi đã miêu tả. Một đặc điểm kỳ lạ của trường hợp này là cả tấm nệm lẫn khăn trải giường đều tuyệt nhiên không bị xáo trộn.

Bà Thayer là bà đồng cốt, bán bông hoa ở Boston cũng có chuyện như vậy xảy ra, và quí vị ắt đã đọc việc tường trình bà Guppy được di chuyển từ căn nhà của chính bà tới phòng lên đồng tối đen của người đồng cốt William; khi nghe có tiếng động và vặn lớn đèn gas lên thì đám đông phát hiện ra bà đứng sừng sững trên bàn mà họ ngồi quanh bàn ấy; giày của bà được tháo ra, quần áo của bà hơi được nới lỏng, tay bà còn cầm cây bút và quyển sổ ghi chép những gì cần nhớ giống như lúc mà bà đứng trong nhà của bà. Dĩ nhiên tôi không thể bảo đảm gì hết cho trường hợp này vì tôi không chứng kiến tận mắt; tôi chỉ trích dẫn nó hoặc bất kỳ chuyện nào khác trong phạm vi phần tường thuật này vì chúng bổ chứng một cách kỳ lạ cho câu chuyện về pháp sư Simon và những điều ghi chép khác của thế nhân cũng như Kinh thánh đối với quyền năng pháp thuật. Nếu có thời giờ tôi có thể vạch ra nhiều ví dụ rải rác trong khắp Kinh thánh về cái quyền năng có thể nói là phân thân ra từng mảnh rồi được di chuyển từ chỗ này tới chỗ kia; nhưng tôi bắt buộc phải dẹp sang một bên nhiều sự kiện xảy ra thời xưa và thời nay, do đó yêu cầu quí vị hãy tham khảo tác phẩm của Tiến sĩ Eugene Crowell cho thấy Ki Tô giáo Thời xưa đồng nhất với Thần linh học Thời nay.

Mục đích của bài thuyết trình này là không phải xâu xỏ lại nhiều câu chuyện huyền hoặc để mua vui cho óc hoang tưởng hoặc để nghe cho lọt tai mà chỉ nhằm nêu rõ các sự kiện nghiên cứu của ta về những hiện tượng hiện đại này đã đi chệch hướng. Cũng như các nhà khoa học và thần học, chúng ta đã quay nhìn bên phải bên trái, bên trên và bên dưới để tìm cách giải thích định luật thiên nhiên mà lại quên mất Quá khứ. Chúng ta dường như không tưởng tượng được cái mà Hume gọi là “tổ tiên dốt nát” của ta lại có thể biết được một điều gì đó đáng cho ta khảo cứu. Chúng ta thật ngớ ngẩn như một kẻ du hành toan tính nghiên cứu ngôn ngữ hoặc địa lý của một xứ sở không quen biết mà lại không thử hỏi xem liệu có hay chăng một thứ gì đó là ngữ pháp, từ điển, ngữ vựng hoặc bản đồ của xứ ấy. Chúng ta đã tham dự những buổi lên đồng hết tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng kia, hết năm này sang năm khác, há hốc mồm trước những điều kỳ diệu mới mẻ, nuốt trọn những gì được mớm cho ta mà chẳng bao giờ lục lọi những quyển sách cũ, lục soát những thư viện cũ để xem tổ tiên ta có biết gì về cái loại sự việc ấy chăng. Chúng ta sẵn lòng trả lời những sự chế nhạo và chọc ghẹo của các bạn chính thống giáo bằng cách trích dẫn để họ thấy cả chục đoạn trong Kinh thánh cho thấy chẳng những là có xuất hiện mọi loại hiện hình quen thuộc với ta từ những tiếng gõ cho tới “sự hiện hình” trong đám người Hebrew, nhưng việc phát biểu quan trọng cho rằng chính những dấu hiệu này có đi kèm theo “Ki Tô hữu” chân chính thì bao giờ cũng chậm trễ. Ở đây có hai quyển sách lớn mà người bạn bác học của tôi là Tiến sĩ Crowell đã viết ra để triển khai chính ý tưởng này. Nhưng mãi cho tới gần đây cả ông ta lẫn bất cứ người nào đó trong số chúng tôi đều không ngờ tới việc cái mà ta đã nghe gọi là Pháp thuật Đông phương thì cũng y hệt như Thần linh học của Mỹ, chỉ có điều là tốt hơn mọi mặt. Không một ai trong chúng tôi ngờ được rằng các lực huyền bí mà chính các nhà khoa học và chúng ta đã nói hươu nói vượn để phản ánh chúng, lại có thể được quyền năng ý chí của con người kiểm soát để tạo ra mọi sự biểu lộ mà ta đã biết và hàng chục thứ mà ta chưa hề chứng kiến.

Xin vui lòng nhận xét rằng tôi dùng đại danh từ tập hợp là chúng ta vì chúng tôi tự trách mình nhiều hơn trách người khác về sự sơ xuất ngu xuẩn này. Tôi trở thành kẻ tin vào hiện tượng Thần linh học năm 1852 và hoạt động tích cực để giúp cho phong trào này bằng cách viết lách, thuyết trình và tổ chức một hiệp hội để lập nên những buổi hội họp ở Sảnh đường Dodworth. Từ lúc đó cho đến nay, tôi chưa hề biết tới một lúc nào mà đức tin của tôi kém đi chút ít và khi những kẻ hiện nay phê phán tôi, đả kích tôi là kẻ thoái hóa thì được thôi, họ nói cũng như hầu hết những kẻ viết về đề tài mà mình chẳng biết gì. Không đâu, xét về niềm tin vào thực tại của việc giao thiệp với các vong linh thì tôi không hề kém tha thiết hơn bất cứ ai. Nhưng để cho việc thỏa mãn được kéo dài lâu hơn nữa – vì tôi đã hai mươi mấy năm nay là một nhà Thần linh học, nghĩa là tin không thắc mắc rằng mọi sự biểu lộ thật sự của vong linh là do vong hồn người đã thoát xác gây ra – cho nên khi tôi đã học biết được điều ngược lại thì tôi không còn nghĩ tới nó nữa. Tôi đã vẫn còn ở trong Giáo hội Trưởng lão mà tôi được rửa tội và dưỡng dục sau khi tôi đã đọc quyển Anacalysis của Godfrey Higgins hoặc Lịch sử Pháp thuật của Ennemoser.

Vì đáng tiếc là tôi đã xâm nhập vào một địa vị khá nổi bật liên quan tới những cuộc khảo cứu về Thần linh học cho nên tôi phải bị trừng phạt qua việc liên lạc thư tín rất nhiều với thiên hạ ở nhiều xứ. Họ đều nhất tề yêu cầu tôi cung cấp cho họ danh sách những quyển chỉ nam giúp cho họ làm quen với đề tài Pháp thuật và Tinh linh Ngũ hành này. Về vấn đề đó tôi xin đặc biệt giới thiệu bộ Lịch sử Pháp thuật gồm hai quyển của Ennemoser do William Howitt dịch từ tiếng Đức. Bản thân quyển Lịch sử điều Siêu tự nhiên của ông Howitt cũng thể hiện hầu như các sự kiện ấy. Tuyển tập Hồi ký của những người Ấn độ của ngài Charles Napier bao gồm một số chi tiết đặc biệt về các Pháp sư Ấn độ, còn quyển Người Ai cập hiện đại của Lane có nhiều chi tiết về các pháp sư của xứ sở Pharaoh; tôi đã trích dẫn một số chuyện này trong quyển Người về từ bên kia cửa Tử của chính tôi. Nếu xét tới kinh nghiệm của chính mình thì tôi thấy có một quyển sách rất hiếm Trại tập trung và Triều đình của Runjeet Singh của Osburne cho ta biết các fakir Ấn độ được phép chôn sống mình trong nhiều tuần lễ và sau thời kỳ 30 tới 40 ngày, họ sống lại khi được khai quật lên và xoa bóp bằng một vài nghi thức pháp thuật kèm theo. Khi nói tới điều này một số các bạn gần đây có thể thấy trong tờ báo Thế giới New York có đăng một bức thư gửi cho tôi của một Cựu Trung tá Bộ Tổng Tham Mưu Ấn độ, anh của Bá tước Ellenboro, ông đã xác nhận bản thân mình đã được tuyển làm Ủy viên Hội đồng do quốc vương Puttiala đề cử giám sát một nghi thức thuộc loại này và sự thật là hết 30 ngày thì vị fakir được đào lên và sống lại.

Nhờ lòng tử tế của một nhà quí phái ở Tennessee tôi đã nhận được một danh mục gồm 2000 tác phẩm bằng tiếng Đức bàn về đề tài Pháp thuật với đủ mọi nhánh nhóc, trong số đó bao gồm cả thuật thôi miên mesmer và Thần linh học. Tiếng Pháp cũng có nhiều tác phẩm giá trị mà một vài tác phẩm tôi thấy có bằng chứng về bản chất và quyền năng của các Âm ma đủ để thỏa mãn những kẻ đa nghi nhất. Do một sự mù quáng trí tuệ kỳ lạ nào đó, giới giáo sĩ Công giáo đã giúp vào việc tạo ra một loạt các tác phẩm mà mỗi quyển là cây gậy gõ lên đầu chính những kẻ theo phe phái. Tôi đề cập tới bộ sách nhiều quyển của Hiệp sĩ Des Mousseaux. Theo thuyết của Tòa thánh Vatican thì chỉ cần chứng tỏ pháp thuật có thể tạo ra phép lạ rồi gọi chúng đều là ma quỉ thì công chúng ắt ùa ra khỏi các pháp sư để nhảy xổ vào vòng tay của Giáo hội Mẹ. Cuối cùng thì chẳng có điều gì thiếu sót để cho tài liệu ghi chép đó được hoàn chỉnh theo cứu cánh ấy, những kho báu bí mật nhất của Tòa thánh Vatican cũng được mở rộng cho tác giả mộ đạo tham khảo và kết quả là có một loạt các sự kiện mà những kẻ ngoại đạo như chúng ta chẳng thể tìm thấy được nơi đâu trong kho tài liệu văn chương khác nữa. Chúng cho ta thấy manh mối của mọi loại phép lạ trong Kinh thánh, mọi hiện tượng lạ trong Thần linh học Hiện đại và thay vì thu hút ta về phía Roma thì chúng lại khiến cho ta muốn trốn chạy khỏi Roma càng nhanh càng tốt để đi tới Karnac và Thebes. Ta hãy đọc tác giả Des Mousseaux theo sự minh giải của Ennemoser và hãy khôn ngoan một chút.

Nếu bạn muốn biết về pháp thuật của người Hi lạp và La mã cũng như hệ thống thần thoại của họ thì liệu bạn có thể đi tìm nơi đâu trong đám các tác giả cổ điển mà mọi tác phẩm đều có bản dịch tiếng Anh? Prescott cho ta biết một chút về pháp thuật xưa cũ của Peru còn Brosseur de Bourbourg nói nhiều về pháp thuật của người Quiches.

Như vậy các bạn ắt thấy rằng cũng giống như hiểu biết về những sự việc mà con người ít quan tâm hơn, hiểu biết về Thần linh học cũng phải trả giá là lao động vất vả. Chúng ta không thể học cách gây ra những tiếng động, làm di chuyển đồ đạc, viết ra những thông điệp, vẽ những bức tranh, phát ra tiếng nói; ta cũng không thể học cách mà các nhà thấu thị thấy được, cách mang những bông hoa và những con chim vào trong buồng kín và mang các đồng cốt ra ngoài buồng kín; hoặc cách hiện hình của những vong linh người chết và người chưa chết, ta cũng chẳng học được cách các âm ma tiến tới gần, ảnh hưởng, kiểm soát, làm bại hoại và quyến rũ người đồng cốt bằng cách đọc các tờ báo Nhà Khoa học Tâm linh, Ngọn cờ Ánh sáng hoặc Báo Tôn giáo Triết học, cho dù đó là những tờ báo có giá trị đến đâu đi nữa thì chúng tất nhiên chủ yếu là đăng tin thời sự; chúng ta phải nghiên cứu sách vở và nhiều quyển sách nói đúng sự thật.

Nếu tôi may mắn đã khiến cho bạn chú ý nhận ra được tầm quan trọng sống còn của việc phân biệt giữa mối quan hệ của pháp sư và người đồng cốt đối với thế giới vong linh. Pháp sư là người khôn ngoan, có giáo dục cho nên chẳng những biết được các mãnh lực tinh vi của Thiên nhiên mà còn biết cách sử dụng chúng để thực thi mục đích của mình. Pháp sư chẳng những quen thuộc với đủ thứ cư dân của Nội giới – tức cái mà hai giáo sư người Anh, Tait và Balfour Stewart gọi là Thế giới Vô hình, quen thuộc với chỗ ở, công việc và số phận của tổ tiên ta mà còn nhờ vào quyền năng siêu việt có thể khiến cho đám cư dân nội giới nghe theo lệnh mình giống như ta khống chế được một đứa trẻ con hoặc thuần hóa được một con ngựa. Pháp sư còn triệu thỉnh được tổ tiên ta đến gần để cho pháp sư biết điều mà mình muốn biết. Pháp sư chân chính chẳng những biết quyền năng của mình mà còn có đức tin để vận dụng chúng – chính vì thiếu đức tin mà thánh tông đồ Peter mới chìm xuống nước; Chúa Giê su, một trong các môn đồ vĩ đại nhất của phái Kabalah nói rằng đức tin ấy khiến cho người ta có thể dời núi. Đối với pháp sư thì trong Thiên nhiên không có chuyện mầu nhiệm hoặc phép lạ mà mọi sự việc đều xảy ra theo định luật và trong khi Thiên nhiên mất công hoàn thành những phép lạ phục vụ cho pháp sư thì pháp sư đứng bên cạnh Thiên nhiên hối thúc nó làm điều phải làm.

Mặt khác, những người đồng cốt thay vì là một người chủ động khống chế các Hành thì lại là nạn nhân thụ động của nó. Bị bao quanh bởi các dòng Ánh sáng Tinh tú vô hình nhưng rất mạnh, bị ánh sáng ấy thấm nhuần tất cả bản thể nhạy cảm, người đồng cốt bị cuốn hút đi đây đó tới bất cứ nơi đâu mà lực thôi thúc mù quáng đưa đẩy hoặc người đồng cốt bị những sinh linh vô trách nhiệm lúc nhúc trong vực thẳm u minh điều khiển. Y không thể lướt qua các dòng ấy giống như mảnh ván nổi trên mặt nước dòng sông hoặc lá khô bị gió cuốn đi trong cơn xoáy lốc. Trước khi y biết được mình gặp nguy khốn thì nó đã đè bẹp và khống chế y; trừ phi bẩm sinh là thanh khiết thì có thể chống cự được mọi sự ô nhiễm, còn thì không điều gì có thể cứu được y thoát khỏi nguy cơ bị bại hoại về đạo đức và kiệt sức. Nếu có một chỗ yếu trong chiếc áo giáp đạo đức của y thì các Âm ma sẽ tìm thấy nó và đi tới những bộ phận cốt yếu trong tính tình của y; đây là điều cấu thành nguy cơ của đồng cốt được biểu lộ trên cõi trần. Bạn cứ thử điểm trong trí nhớ mình tên tuổi của những người nào thuộc loại này mà bạn biết dứt khoát được một điều gì đó về đời tư của họ và hãy thử nhớ xem có bao nhiêu người hoàn toàn trung thực, trong sạch, mực thước và tự lực cánh sinh. Có rất ít người, ít đến nỗi có thể nói là gần như không có. Nhưng phần lớn đều ngược lại cho dù ta có thể thương hại và tha thứ cho họ vì lòng mến yêu Chính nghĩa thì sự thật vẫn còn đó là trong quá nhiều trường hợp họ vẫn là đối tượng để được thương hại và tha thứ. Liệu điều này có nghĩa là chẳng có gì hết chăng? Liệu tình trạng ấy có nguyên nhân nào không? Xin các nhà Thần linh học hãy suy gẫm. Đã đến lúc đó rồi đấy. Nếu chúng ta muốn siết chặt hàng ngũ chống lại các nhà Duy vật (ở bên trong và bên ngoài các nhà thờ) thì chúng ta phải củng cố triết lý của mình sao cho nó không còn những nhược điểm. Ta phải khiến cho nó lộn ngược từ trong ra ngoài cũng không thể bới thấy được một tì vết nào. Chúng ta không thể trông mong người khác cũng tha thứ và xí xóa cho cách cư xử tồi tệ của các nhà đồng cốt và những kẻ bảo trợ họ; những thuyết hoang đường, những hệ thống xã hội bất hảo, những điều mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất và phi lý trong các thông điệp của họ. Ta phải biết tại sao có tất cả những điều ấy và tìm ra phương thuốc chữa, tôi tin chắc rằng mấu chốt và thuốc chữa bách bệnh của nó chính là Pháp thuật Đông phương cho nên khi có cơ hội là tôi bèn nghiên cứu ngay. Tôi bị thôi thúc làm như thế chẳng những vì ý muốn ích kỷ là tò mò về những bí mật của Thiên nhiên mà còn là vì một lòng từ ái vô biên do tôi cảm thấy đối với hàng trăm hàng ngàn người đồng cốt phải chịu mọi bất hạnh do hậu quả của thuật đồng cốt của họ. Tôi cảm thấy thành thật muốn giúp đỡ chút ít cho kẻ lương thiện, tha thiết, vô tội vốn dựa vào Thần linh học coi đó là rường cột của mình, kẻ nào tin rằng nó mang lại cho mình những điều an ủi ngọt ngào nhất, kẻ nào tin chắc rằng có một sự sống bất diệt bên kia cửa tử nơi ta không còn biết tới hợp và tan nữa.


“ Không bao giờ ở nơi đây, mãi mãi ở nơi đó
Nơi mà mọi sự chia tay, đau khổ và ân cần
Và sự chết cũng như thời gian đều biến mất
Mãi mãi ở nơi đó nhưng chẳng bao giờ ở nơi đây
Cái đồng hồ Vĩnh hằng cứ nói đi nói lại không ngừng điều này
Mãi mãi – không bao giờ!
Không bao giờ - mãi mãi! ”


------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides