Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

TINH THẦN KIÊN NHẪN

Tý thời 15 tháng 5 năm Đ.Đ.37 (16-6-1962)
THÀNH HOÀNG BỔN CẢNH Tôn Thần chào chư liệt vị đàn tiền. Giờ này Tôn Thần thừa lệnh QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN báo cơ, vậy tất cả đàn tiền thành tâm tiếp lễ. Tôn Thần xin xuất ngoại...
(Tiếp điển:)
THI
QUAN san thiên tải tú chung thành,
THÁNH triết minh đồng trứ thượng danh,
ĐẾ nghiệp công truyền chơn hữu thủy,
QUÂN thừa chung nhựt chuyển thường thanh.
QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN Bần Đạo hỷ hỷ chư chức sắc lưỡng Đài, chư chức việc và đẳng chúng đàn tiền nam nữ.
Giờ nay Bần Đạo thừa Thánh Chỉ lâm đàn chuyển bút minh đề giáo huấn trong chương phổ thuyết tinh thần. Vậy trước tiên Bần Đạo miễn lễ đàn tiền tịnh tọa.
Đề tài Bần Đạo diễn trình là một trong Thập Nhị Thường Chuyển: “Tinh Thần Kiên Nhẫn”, định lập cho tâm hồn của mỗi chúng sanh, của mỗi hàng hướng đạo, để rèn luyện lấy lập trường sáng suốt trong cơ nuôi dưỡng tinh thần.
 Kiên Nhẫn là một yếu tố định thành trong mọi trạng thái hằng ngày. Bất cứ trường hợp nào Tinh Thần Kiên Nhẫn cũng được đề cao trong bước tiến. Riêng người tu học phải tìm hiểu chân lý của trường Đạo để rèn luyện trong cơ nuôi dưỡng tâm hồn. Kiên là một lập trường vững chắc, một bửu pháp để đảm bảo cho công tu học tựu thành. Nhẫn là cơ lập đức siêu nhiên để hiện thân cho tinh thần cao thượng. Nên đề tài tu học Tinh Thần Kiên Nhẫn cần phổ truyền chu đáo để nung nấu tâm thức của mỗi môn đồ. Thật ra trên sự tín ngưỡng nói chung trong hàng môn đồ đều định thành niệm thức, nhưng đối với phần chân lý để định lập hằng ngày, đa phần không riêng cho hàng chúng sanh mà trong bực đàn anh chức sắc, chức việc cũng chưa biểu hiện được đức Kiên Nhẫn hằng ngày để làm cho cảnh thái linh huyền được thực dụng, Giờ nay đàn tiền thử ôn lại trong quá trình của mỗi một thì đâu là Đức Kiên? đâu là Đức Nhẫn? Có phải tinh thần kiên nhẫn chỉ thoáng qua một phút chốc vọng tâm? Trong khoảnh khắc gần gũi, theo lập trường huyển ngã mà thôi. Cũng bởi thế nên người nhơn sanh không đạt được yếu điểm tu hành, người chức sắc, chức việc chưa tròn công phổ tế.
Để noi theo đường lối rõ ràng, đề tài Kiên Nhẫn giờ này Bần Đạo lược giải để làm tu liệu hằng ngày kể từ nay.
THI BÀI
ĐỆ BÁT CHUYỂN minh đề Thánh Đức,
Kiên Nhẫn truyền phương thức toàn công,
Kiên là bền bỉ cõi lòng,
Nhẫn là nhịn nhục lóng trong tinh thần.
Kiên không chán cầu dâng ý thiện,
Nhẫn không thành mẫu chuyện nghịch nhau,
Nhẫn làm giá phẩm tăng cao,
Kiên trinh đường lối dồi dào nghĩa nhân.
Kiên Nhẫn hiệp định phần lập chí,
Cho thể hành cách trí vật tri,
Hễ mà lập chí làm gì,
Có Kiên có Nhẫn trường kỳ mới nên.
Người Kiên Nhẫn không quên kết quả,
Việc trưởng thành một dạ thủy chung,
Dù cho gặp cảnh hãi hùng,
Không nao chí hướng, chẳng cùng sức đương.
Có Kiên Nhẫn mới tường chơn mạng,
Có Nhẫn Kiên mới hản Thiên cơ,
Mới rằng định kiến cõi bờ,
Mới tin bản thể chẳng ngờ lương năng.
Kiên Nhẫn ấy đã hằng danh dự,
Người xưa nay trụ ngự oai phuông,
Nhứt là trọng trách vai tuồng,
Gắn hàng vách hở gió luồng đêm đông.
Gương TRỌNG THÁNH nguyện lòng tinh tiến,
Đem chân truyền giáo thiện chúng dân,
Quản bao lộ viễn xa trần,
Hậu nho nối bóng chơn thân soi đời.
Kia Luân Bố chẳng rời Kiên Nhẫn,
Giữa giòng khơi quyết vẫn một lòng,
Mỹ Châu tìm thấy đầu công,
Mở đường nhân loại cảm thông hoàn cầu.
Người khoa học dãi dầu ngày tháng,
Nối tiếp truyền mẫn cán nghiệm suy,
Tuy rằng chưa trọn lương tri,
Thành công chế tạo đúng kỳ hiện thân.
Mọi kết quả xa gần kim cổ,
Do Nhẫn Kiên gian khổ mà ra,
Từ cơ thủ xử tề gia,
Đến cơ thành đạt chuyển qua trị bình.
Nếu trái lại không gìn chí cả,
Không Nhẫn Kiên khó họa nên công,
Khác nào nước chẳng thông giòng,
Hạ thời nắng đốt lạch lòng tắt khô.
Hoặc thiếu nhẫn kiên phò sức gắng,
Gắng mà không nhịn đặng nghịch tình,
Một cơn phát tiết lộng thinh,
Đâu còn giữ được an bình tâm kiên.
Công đăng hỏa thập niên uổng phí,
Chữ bán đồ chánh thị phế nhi,
Thử xem rồi có ích gì,
Đời người vô định bước đi gập ghềnh.
Vậy Kiên Nhẫn tạo nên nghị lực,
Bất cứ ai cũng thực tập nhiều,
Tứ dân khai triển hướng chiều,
Phải nhờ Kiên Nhẫn làm phiêu tiến hành.
Đây trường Đạo điểm thành giác nguyện,
Lập thân tu vận chuyển công trình,
Muốn cho ngày một hoằng sinh,
Đề tài Kiên Nhẫn còn minh định nhiều.
Trên bước tiến đủ chiều trở ngại,
Mỗi nhơn sanh cần phải hiểu rành,
Tục tình ngoại cảnh rấp ranh,
Nếu không Kiên Nhẫn khó thành công tu.
Người hướng đạo mặc dù lý hội,
Nhưng quảng đường chìm nổi lắm phen,
Kiên tâm thể ngọn Thần đăng,
Nhẫn Hòa lập đức để dằn trái oan.
Đem trinh liệt bảo toàn sức sống,
Trọng tín thành sử dụng linh thông,
Dựng xây cơ sở Đại đồng,
Hành trình tế độ long đong há nài.
Tứ Diệu Đề chuyển xây không ngớt,
Bát Chánh Đạo khảo dợt tinh chuyên,
Phải là tận lực Nhẫn Kiên,
Trước tu tự giác sau truyền giác tha.
Vơi biển khổ chung hòa từ huệ,
Ngăn thành sầu thống hệ Đạo khai,
Nữ lưu cũng thể nam tài,
Toan đem chí hướng học bài Nhẫn Kiên.
Phá cho hết xích xiềng tứ đổ,
Dẹp cho tan ái, ố, tham, sân,
Vén màn hắc ám phong trần,
Thanh bình bốn cõi một vầng trăng soi.
Đạo nghĩa ứng truyền roi lối cả,
Đã mạng hành phải dạ tinh chuyên,
Gọi chung một mảnh tâm nguyền,
Vươn lên thần lực Nhẫn Kiên đắc thành.
THI
Thành lập kiên tâm nghĩa hiệp khai,
Nhẫn Hòa thượng đức điểm hồng oai,
Chuyển minh tam thể sanh linh trụ,
Trực ngưỡng thiên trình Đạo thái lai.
Cười... Đề tài giáo huấn đến đây đã hết. Vậy Bần Đạo có lời ban chung ân huệ cho mỗi hiền đã đặt mình trong nhiệm vụ đã trọng tinh thần thiện nguyện trong đợt ra kinh, nghĩa là đã trọn tinh thần chung thủy. Vậy Bần Đạo ban ân huệ chung cho tất cả. Bần Đạo chào...

Trích:"TAM THỪA CHƠN GIÁO"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides