Giá trị là điều mà con người quan tâm đến nhất, cho là quí nhất. Một người bình thường giá trị đối với họ là nhà, đất….. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Nguồn: Huệ Ý
“Hỏi chi đó? - là ăn, là mặc,
Hỏi gì đây? – là đất, là nhà;
Suốt đời chỉ một cái ta,
Đổi thay đen trắng, trộn pha dữ lành”.
Ăn, mặc, ở, danh, lợi, tình, những vật người đời cho là quý, thực chất chúng vô thường. Tiền bạc như con chim, nay nó ở, mai nó đi. Vậy đối với người tu, đâu mới là giá trị ?
Khi tu học, chúng ta nhìn cuộc đời với một nhãn quan mới, hướng về những giá trị hướng thiện, hướng nội và hướng thượng.
Đức Giáo Tông Vô Vi dạy:
"Người tu hành tiến lên Đại Thừa Thiên Đạo là buông xã tục trần, XEM PHÚ QUÍ NHƯ MÂY BAY, BỎ CÔNG DANH NHƯ DÉP RÁCH. Những hình thức tổ chức bên ngoài trang trọng chỉ là nhứng trợ duyên để hành giả thực hiện sứ mạng hoằng giáo độ nhơn, kỳ trung không mảy may giao động."
Trên thế gian này cái chi là quí ?
- Phải chăng giá trị vật chất?
Khi sinh thời Đức Giáo Tông đã viết:
"Từ phú Khuất bình huyền nhật nguyệt,
Sở Vương đài tạ như sơn khâu."
Nghĩa:
“Thi phú của Ngài Khuất Nguyên sống mãi cùng trời đất,
Còn đền đài vua Sở thành gò mối lâu rồi”.
- Hay giá trị văn hoá?
- Chỉ có giá trị tâm linh.
Đức Giáo Tông Vô Vi dạy:
“Chư hiền đệ, hiền muội: trên thế gian nầy nếu đem tài đức mà so sánh cũng chưa thấy ai hơn ai. CON NGƯỜI CHỈ HƠN NHAU CÁI TÂM MÀ THÔI. Thánh nhân ngày xưa đạt đạo cũng ở chỗ nhứt tâm. Chớ sự thật các bậc Thánh nhân cũng người xương thịt như chư đệ muội bây giờ.”
Đức Giáo Tông dạy: “CHƯ ĐỆ MUỘI CHỈ HƠN NHAU CÁI TÂM MÀ THÔI”. Ngài dạy chúng ta rán gìn giữ cái tâm ấy:
"Phù sanh đã biết lại đeo đai,
Bỏ lợi cầu danh thế mới gay;
Có một[1] không gìn lo bảy tám[2],
Gốc cằn sao tưới ngọn nhà ai".
1. Người không quan tâm chi hết về đạo đức là VÔ TÂM HƯỚNG ĐẠO. Ngày rằm, mùng một nhiều cha mẹ dặn con “ngày nay nhớ ăn chay nghe hôn”, nhưng con thì bửa nhớ bửa quên”.
2. Người bắt đầu nhập môn, ăn chay, tụng kinh niệm Phật là HỮU TÂM HƯỚNG ĐẠO.
3. Người tự nguyện, tự giác, tích cực tinh tấn tu hành là THÀNH TÂM HƯỚNG ĐẠO.
4. Người quyết tâm trọn đời tu cho trọn vẹn là CHÍ THÀNH TÂM ĐẠO.
5. Vào tịnh trường thì phải TÂM TỊNH NGỘ ĐẠO.
6. Công phu muốn có kết quả phải NHỨT TÂM TIẾN ĐẠO.
7. Khi công phu chúng ta cố tiến đến chỗ TÂM MINH THẦN LINH.
Đó là sơ lược về tâm của người tu.
Chúng ta thử đặt câu hỏi: “mình đang ở vị trí cái tâm nào, để tự kiểm?”
Nếu chúng ta xếp hàng trước Ơn Trên, Ơn Trên chỉ chấm cái Tâm của chúng ta. Đức Giáo Tông Vô Vi dạy:
"Chư hiền đệ, hiền muội nên hiểu, người sanh trong cõi đời dầu ở cương vị nào trong xã hội thế gian, cái giá trị duy nhất của con người đó là tâm đạo. Tâm đạo sẽ giúp con người biết hướng theo ngọn hải đăng để xuôi thuyền về bến giác. Tâm đạo là vốn liếng tư hữu của Thượng Đế phát ban. Có giữ gìn tâm đạo thì Thiên tánh sẽ phát hiện để chứng quả vô sanh ở thế gian, không phải nhọc nhằn tha thiết vọng cầu nơi sơn đầu hải đảo chi cả. Chư hiền đệ, hiền muội giữ gìn được tâm đạo thì tất cả những hàng ma ác quỉ từ từ xa lánh hoặc hàng phục trước quyền năng vô lượng của Đạo tâm. Chừng đó chư hiền đệ hiền muội sẽ cãm hoá; người đời quay về nẻo đạo."[3]
Huynh, đệ, tỉ, muội chúng ta nhắm vào giá trị tâm linh làhướng đời mình vào đường Đạo để tự cứu, bước sang giai đoạn muốn cứu người Đức Giáo Tông dạy chúng ta phải có gía trị tâm linh siêu việt.
II. GÍA TRỊ TÂM LINH SIÊU VIỆT.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
“Chư hiền đệ hiền muội là những hàng môn đệ của ĐỨC CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ, chư hiền đệ muội được ban trao sứ mạng, được thọ nhận tân pháp Cao Đài công phu công quả công trình. Thế thì cái chỗ đạo pháp huyền vi chứng đắc của chư hiền đệ muội hiện tại là ở chỗ nào ? Có chư hiền muội nào giải đáp cho Bần Đạo nghe được không ?…
Đây, Bần Đạo cũng bảo cho : mỗi chư hiền đệ hiền muội trong tôn giáo Cao Đài nói chung, Cơ Quan nói riêng, chư đệ muội:
1. nếu chưa đạt đến chổ thông công trực tiếp cùng ĐỨC CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ,
2. hay chứng đắc lục thông,
3. hoặc đắc đạo quả tại thế gian,
4. thì cũng phải đạt được giá trị tâm linh siêu việt. Đó là chư đệ muội làm tròn sứ mạng của hàng lãnh đạo tôn giáo. Mỗi chư hiền đệ muội phải thể hiện một tấm gương đạo đức, nhơn sanh nhìn vào cảm phục, yêu mến và vâng lời.
Chư đệ muội đạt được những điều đó là đã sánh với hàng Phật Tiên rồi đó.
Hôm nay, Bần Đạo dạy bao lời chư hiền đệ muội suy gẫm.
Chúng ta tô đậm lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo để tu học:
1. Trách nhiệm của mỗi tín đồ Cao Đài.
Đức Giáo Tông dạy: “mỗi chư hiền đệ hiền muội trong tôn giáo Cao Đài nói chung, Cơ Quan nói riêng”.
Trước đây Đức Chí Tôn dạy “Thầy nhờ con đi trước rước kẻ theo sau”, cho nên Đức Giáo Tông dạy việc thực chứng giá trị tâm linh siêu việt để làm sáng danh Thầy, danh Đạo là trách nhiệm chung của tất cả tín đồ Cao Đài và đặc biệt là nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
2. Tân pháp Cao Đài: công quả, công trình, công phu.
Tân pháp Cao Đài là một đỉnh trầm 3 chân có mối tương quan hữu cơ không tách rời nhau được.
- Công quả đặt trên cơ sở “vong kỷ vị tha”. Công quả là nền móng nên cấp nào cũng thực hành được. Trên nền móng công quả tối thiểu chúng ta mới bắt đầu xây nhà là công phu.
- Công phu đặt trên cơ sở “luyện kỷ tu công”. Công quả là tiền vô hình, nếu ít tiền chúng ta xây nhà trệt, có thêm tiền chúng ta xây nhà lầu, tiền nhiều hơn chúng ta xây nhà cao tầng. Mỗi lần muốn xây nhà cao hơn chúng ta phải gia cố nền móng, tức là phải công quả thêm nửa rồi mới có thể tíên đạo.
- Công trình đặt trên cơ sở “cần nhi hành chi”, siêng công quả, công phu trọn đời.
3. Kết quả của công phu là huyền vi chứng đắc.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo hỏi: “Thế thì cái chỗ đạo pháp huyền vi chứng đắc của chư hiền đệ muội hiện tại là ở chỗ nào”.
Đức Giáo Tông minh giải luôn cho chúng ta: có ba điều nếu chúng ta cố gắng đạt được thì Ơn Trên khen ngợi, nhưng vì lý do nào chưa kết quả thì cũng không bị trách phạt, đó là:
1 nếu chưa đạt đến chổ thông công trực tiếp cùng ĐỨC CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ,
2. hay chứng đắc lục thông,
3. hoặc đắc đạo quả tại thế gian,
- Trường hợp thứ nhứt “trực tíêp thông công cùng Đức Thượng Đế”, đây là khả năng của các Đấng Giáo Tổ. Khi Đức Ki Tô còn tại tiền, mỗi lần gặp vấn đề nan giải Ngài vào đồng vắng để cầu nguyện, hoặc tịnh tâm ngay tại chỗ để thông công với Đức Chí Tôn màgiải quyết bế tắc. Mỗi lần tịnh chúng ta đều đọc câu chú “nhơn gian thiên thượng hạo tao phùng”.
- Trường hợp thứ hai là “chứng đắc lục thông”: nhản thông hay huệ nhản (huệ nhỉ, huệ tỉ, huệ thiệt, huệ thân….). Ông thông gia[4] với bác Thiện Đức là một vị Phối Sư của Toà Thánh Tây Ninh. Dâu của ông tức con gái bác Thiện Đức thấy ba chồng mình nằm trên võng, nói lẩm bẩm, tưởng ông mớ nên chị gọi “ba ơi tỉnh dậy ba”. Ngài Phối Sư đáp “ba chưa ngủ đâu con, nhà ba con có một âm nhơn, y xin ba nhập môn vô vi, ba hứa về Toà Thánh ba sẽ làm lễ cho. Y còn kéo chân ba hoài nên ba nên nói với y “tôi đãhứa giúp chú, chú yên lòng đi”. Chúng ta có thể nói “Ngài Phối Sư đã mở được một khiếu dể tiếp xúc với cõi vô hình”.
- Trường hợp thứ ba “đắc đạo quả tại thế gian”. Chúng ta có bảng đối phẫm Cửu Trùng Đài và phẫm vô vi:
CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC ĐỐI PHẪM
Giáo Tông ---------------------------------Thiên Thiên Tiên
Chưởng Pháp ----------------------------- Nhơn Thiên Tiên
Đầu Sư ------------------------------------Địa Thiên Tiên
Phối Sư ----------------------------------- Thiên Thiên Thánh
Giáo Sư------------------------------------Nhơn Thiên Thánh
Giáo Hữu ----------------------------------Địa Thiên Thánh
Lễ Sanh -----------------------------------Thiên Thiên Thần
Chánh Tri Sự, Phó Tri Sự, Thông Sự ------Nhơn Thiên Thần
Tín đồ -------------------------------------Địa Thiên Thần
Mấy năm trước, đến thăm Trung Hưng Bửu Toà Đà Nẳng, khi đề cấp đến đối phẫm của Lễ Sanh là Thiên Thiên Thần, một đạo huynh đã kể câu chuyện cho đạo đệ nghe như sau:
“Tại Đà Nẳng có một bà đồng được tiếng là linh ứng. Ông nổi tánh tò mò đến nơi bà ngụ và hỏi “xin bà cho biết dưới mộ ba mẹ tôi có gì? Bà đồng trả lời “không có chi hết”. Ông nói lớn “nói không trúng”. Bà đồng giận dữ hỏi “sao dám nói ta nói không trúng”. Ông đáp “vì nghĩa trang của Đạo có chư Thiên gìn giữ, bà vào không được, nên nói đại “không có chi cả”. Bà đồng thách “vậy ngươi dám tuần tới đến đây gặp đại sư huynh ta không”. Ông đáp “đồng ý”.
Tuần sau ông đến ngồi ngoài sân, tay bắt ấn tí, miệng đọc chú Kim Quang để tự vệ. Trời đang yên lặng, bổng một ngọn trốt làm dao động cây cối mấy giây rồi trở lại thanh tịnh. Khi ngọn trốt vừa dứt, bên trong có tiếng vọng “ra ngoài sân mới ông Thần[5] Đạo Cao Đài vô đây”. Ông biết là đại sư huynh của bà đồng đã đến và cho mời mình vào.
Sau một lúc trao đổi thì bà đồng thắc mắc hỏi đại sư huynh “tại sao đại sư huynh gọi ông này là Thần?”. Đại sư huynh đáp “muội phải gọi ông đây là đại đại sư huynh vì ông tu cao hơn ta, một ngày ông tu ta phải tu sáu tháng mới bằng được”.
Khi còn sống, không ai dám xưng mình đắc đạo quả, nhưng “đức trọng quỉ thần khâm, đạo cao Thiên địa hỉ”.
4. Huyền vi chứng đắc thật cụ thể.
Đức Giáo Tông Vô Vi dạy: “Mỗi chư hiền đệ muội phải thể hiện một tấm gương đạo đức, nhơn sanh nhìn vào cảm phục, yêu mến và vâng lời.”[6]
Thế nào là một tấm gương đạo đức?
Một bà đến xin nhà sư khuyên con đừng chơi hoa cá kiểng nửa, mất hết thời giờ,… Thầy xin nửa tháng bà trở lại. Đến ngày hẹn ông khuyên một câu “con hãy dành thời gian học tập, chơi hoa cá kiểng vừa mất thời gian, vừa phí tiền của”. Người mẹ giận hỏi “tại sao chỉ một lời khuyên như thế Thầy bắt tôi đợi tới nửa tháng?” Thầy ôn tồn đáp : “tôi phải dẹp hoa cá kiểng của tôi rồi mới khuyên cháu được chứ!” Đây là một tấm gương thân giáo “dạy mình rồi mới dạy người”.
Làm sao để nhân sanh nhìn vào cảm phục, yêu mến, vâng lời?
Chúng ta có cái nhìn dể mến, giọng nói dể thương, hành động dể cảm lúc nào cũng làm theo lời dạy của Đức Cao Triều Tiền Bối “không ai có thể bắt kẻ khác làm cho mình hơn hết là mình làm cho kẻ khác”.
Kết luận:
Có giá trị tâm linh để tự cứu mình.
Khi huynh, đệ, tỉ, muội cùng chung lưng đâu cật để xây dựng tập thể, xây dựng tổ chức, trong đó mỗi người là một hạt nhân để qui tụ sự đoàn kết, chính là lúc giá trị tâm linh siêu việt đơm hoa kết quả. [1] Một: là nhứt tâm.
[2] Tám: là bát thức. Đức Bát Nhã Thiền Sư dạy:
“Mê nhứt tâm biến thành tám thức,
Thức phân chia thứ bực thân thù;”
[3] .Vĩnh Nguyên Tự 27.1.At Mão (09.3.1975).
[4] Bác của Đạo Huynh Bùi Đắc Quang.
[5] Lúc bấy giờ đạo huynh đây đang ở phẫm Chánh Tri Sự, vốn tu hành nghiêm túc nên đối phẫm là Nhơn Thiên Thần.
[6] Người thù cũng có thể cảm phục, yêu mến, vâng lời khi chúng ta từng bước huân tập được giá trị tâm linh siêu việt.
Nguồn: Huệ Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét