Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Bí ẩn về Chúa Jesus & Kinh Phúc âm


Nhiều người coi Chúa Jesus là một nhân vật tôn giáo phi thường với nhiều bí ẩn trong cuộc đời và triết thuyết giải thoát. Năm sinh của ông đã được dùng làm mốc để tính thời gian theo Tây lịch. Sự sinh thành, quá trình hoạt động tôn giáo và những lời thuyết giảng kỳ lạ của Đức Chúa đã được ghi lại khá tỉ mỉ trong bốn sách Phúc âm của Thánh kinh Tân ước. Bài này thử luận giải một số khía cạnh bí ẩn về Chúa Jesus và kinh Phúc âm.
Khái quát về bốn sách Phúc âm
Sách Phúc âm là chỗ dựa chủ yếu để tìm hiểu con người và sự nghiệp của Chúa Jesus. Hiện lưu hành bốn sách Phúc âm đã được ghi lại bởi các tác giả Matthew, Mark, Luke và John. Hai sách Phúc âm bởi Matthew và John có dung lượng lớn hơn gấp rưỡi so với hai sách Phúc âm còn lại. Có nhiều chi tiết nội dung trong các sách Phúc âm trùng lặp nhau về ý nghĩa. Các nhà nghiên cứu tin rằng, không phải tất cả những gì có trong sách Phúc âm đều từ thực tế đã diễn ra với Chúa Jesus. Nguyên nhân chính có thể là do nhầm lẫn hay hư cấu thêm để tôn vinh một nhân vật có vẻ siêu phàm đã chấp nhận hy sinh bản thân mình vì tôn giáo. Cần lưu ý là đã tồn tại nhiều sách Phúc âm do các môn đệ của Chúa Jesus ghi chép (Đức Jesus có hàng chục môn đệ, nhưng chỉ 12 môn đệ là gần gũi nhất, tạo thành Nhóm mười hai sứ đồ, trong số đó có Juda đã phản Chúa). Bốn sách Phúc âm nói trên đã được lựa chọn và soạn ra bởi Hoàng đế La Mã Constantine sau ba trăm năm kể từ lúc Đức Chúa bị sát hại.
Nội dung trong mỗi sách Phúc âm được trình bày như kể chuyện theo trình tự thời gian từ khi sinh thành Đức Chúa cho đến khi ông bị đóng đinh lên thập tự giá, rồi phục sinh và biến mất khỏi trần thế. Thường người ta cho rằng, khi xem xét các chi tiết nội dung của sách Phúc âm không nhất thiết lúc nào cũng dựa máy móc vào câu chữ cụ thể mà phải phát hiện ra ý nghĩa ẩn chứa sau ngôn từ. Điều đáng chú ý là rất nhiều chi tiết về khía cạnh tôn giáo được đưa ra trong các sách Phúc âm cũng đã có mặt trong những kinh sách cổ đại hơn như Upanishad, kinh Phật, Đạo Đức Kinh...
Theo quy ước, trong mỗi chương của sách Phúc âm các câu được gán chỉ số ở phía trên, trước chữ cái thứ nhất của câu, bắt đầu từ số 1. Khi dẫn ra một câu nào đó của sách Phúc âm thì người ta ghi tên tác giả trước, rồi đến số hiệu chương và chỉ số câu. Thí dụ, câu “Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Ta phán chẳng bao giờ qua” có chỉ số 35, chương 24 và theo tác giả Matthew, được ký hiệu bởi (Matthew, 24:35). Để chỉ nhiều câu liên tiếp cần ghi dấu “-“ giữa hai số hiệu của câu đầu và câu cuối.
Chúa Jesus là ai?
Để giải đoán con người thực của Chúa Jesus trước hết phải dựa vào nội dung của các sách Phúc âm, đồng thời phải so sánh đối chiếu với các luận điểm tôn giáo hiện có cũng như căn cứ vào các quy luật tự nhiên của thế giới hữu hình. Việc tìm hiểu những con người phi thường như Đức Chúa luôn luôn đòi hỏi một tâm trí mở nhất định để tiếp cận vấn đề.
Điều đầu tiên đáng chú ý là Chúa Jesus đã nhiều lần nói với các môn đệ và dân chúng là ông được phái đến từ Thiên quốc, nơi có Đấng Tối Cao là Thượng Đế và chính ông là Con của Ngài. Với câu hỏi của mọi người: Thiên quốc ở đâu và thể hiện như thế nào, Đức Chúa đã giải đáp: “Thiên quốc không thể hiện cho người ta quan sát. Không ai có thể nói Thiên quốc ở đây hoặc ở kia vì Thiên quốc ở trong các ngươi” (Luke, 17:20-21). Theo thuyết tâm linh, Thiên quốc đã được Đức Chúa nói đến ứng với tầng Trời tối cao mà với ngôn ngữ hiện đại về các vũ trụ song song, đó chính là chiều thực tại gồm dạng năng lượng tinh tế nhất của toàn thể sự tồn tại (cái Một). Bởi vậy, mỗi người có thể cảm nhận Thiên quốc thông qua hệ thống luân xa của mình, tựa như máy thu hình cảm ứng năng lượng điện từ cao tần từ môi trường sóng hiện hữu trong cùng không gian với chúng ta.
lớp năng lượng (vật chất) tinh khiết nhất liên kết mọi sự vật của vũ trụ thành một thể thống nhất (cái Một). Chúa Jesus đã nhân cách hoá Cái đó như là Cha, Chúa Cha hay Thiên Phụ, trong khi nó cũng đã được Lão Tử gọi một cách trìu mến là Mẹ thiên hạ.-Vấn đề tiếp theo mà người ta quan tâm là về Thượng Đế. Chúa Jesus còn gọi Ngài là Cha, Chúa Cha hoặc Thiên Phụ. Điều bí ẩn này đã được nói đến khá cụ thể trong các sách Phúc âm: “...Không có ai toàn thiện ngoại trừ Thượng Đế (Luke, 18:19); “Trước khi sáng tạo Vũ trụ đã có Đạo thể. Đạo thể ở cùng Thượng Đế và Đạo thể là Thượng Đế. Ngay từ ban đầu Ngài đã hiện hữu bên cạnh Thượng Đế. Tất cả đều được Ngài sáng tạo. Không gì hiện hữu mà không do Ngài” (John, 1:1-3). Rõ ràng, Thượng Đế được nói tới trong sách Phúc âm cũng giống như Đạo trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử, hoặc Cái đó trong Upanishad hay Niết bàn (Cái không) trong kinh Phật. Theo thuyết tâm linh, đó chính là đại dương tâm thức hay tâm thức vũ trụ
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu mối quan hệ giữa Chúa Jesus và Thượng Đế. Đức Chúa đã cho biết: “Cha Ta đã ban mọi sự cho Ta. Không ai biết Con ngoại trừ Cha và không ai biết Cha ngoại trừ Con và những người mà Ta muốn bày tỏ cho họ” (Matthew, 11:27); “...Các ngươi xuất thân từ trần thế, còn Ta từ thượng giới; các ngươi từ thế gian này mà ra, còn Ta thì không phải từ thế gian này” (John, 8:23); “...Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (John, 10:38); “Nếu các ngươi đã biết rõ Ta thì các ngươi cũng sẽ biết rõ Thiên Phụ Ta... (John, 14:7); “Ta từ Chúa Cha xuống trần gian, rồi sẽ rời trần gian về với Chúa Cha” (John, 16:28) v.v...
Có thể nhận thấy rằng, những gì mà Chúa Jesus đã nói đến trên đây quả là cực kỳ khó hiểu theo cách nghĩ thông thường. Tuy nhiên, sự bí ẩn sẽ được hé mở nếu xuất phát từ thuyết tâm linh về chứng ngộ. Trước hết có thể phán đoán rằng, Đức Chúa là một người đã thấu hiểu và hoà nhập với Đạo hoặc bản thể của Vũ trụ, tức là đã chứng ngộ tâm linh hay trở thành một vị Phật. Trong trường hợp đó một cá nhân sẽ thường sử dụng cách nói ẩn dụ để chỉ trạng thái phật và hoàn toàn sáng tỏ rằng, mọi sự khổ đau mà con người cảm nhận trong cuộc sống chỉ là tương đối, là hậu quả của vô hiểu biết tâm linh (vô minh) mà nguyên nhân là do sự phóng chiếu của tâm trí. Bởi vậy, mọi phương sách làm cho con người vượt lên trên tâm trí hay triệt tiêu bản ngã đều được sử dụng cho mục đích giải thoát. Một vị Phật coi điều đó là sự tự do tối thượng – tự do khỏi chính mình.
Với độ tuổi trên dưới mười ngàn năm, Upanishad cũng đã ghi lại một chi tiết đáng được quan tâm. Có một đệ tử sau khi chứng ngộ tâm linh (thành Phật) đã thốt lên: “Ta chính là Thượng Đế. Ta phi thân thể, phi gắn bó và phi giới tính. Ta tuyệt đối tĩnh lặng, vô hạn, toàn bộ và cổ đại. Ta là phi tác nhân, không thay đổi và nhận biết thuần khiết. Ta là thiên thần vĩnh cửu...”.
Giả định về sự chứng ngộ tâm linh (thành Phật) của Chúa Jesus càng được củng cố thêm bởi một số dữ kiện sau đây. Khi mới mười hai tuổi, một lần Jesus đã theo bố mẹ đến Jesusalem dự lễ Vượt qua. Cậu bé đã trốn bố mẹ và ở lại trong đền thờ cùng với các giáo sư Do thái giáo để nghe họ thuyết giảng. Gặp lại bố mẹ sau ba ngày, Jesus đã thưa: “Bố mẹ tìm kiếm con làm gì? Bố mẹ không biết là con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Luke, 2:49). Có tài liệu còn cho biết, Jesus đã là một thành viên quan trọng được điểm đạo bởi một nhóm tôn giáo bí truyền tên là Essenes. Trước khi Jesus chứng ngộ, nhóm Essenes đã cử John the Baptist tới khu vực dọc sông Jordan, liên tục trong hơn hai mươi năm chuyên tâm vào việc rửa tội cho mọi người và luôn luôn đưa ra giáo huấn rằng: “... Đấng khác sẽ đến sau Ta, vĩ đại hơn Ta, Ta không đáng xách dép cho Ngài...” (Matthew, 3:11). Vào độ tuổi ba mươi, Jesus đã xuất hiện và tìm gặp John the Baptist. Sau khi rửa tội cho Jesus ít lâu, John the Baptist đã bị bắt và bị sát hại. Ngay sau đó, Chúa Jesus đã thay thế người tiền trạm của mình với vai trò chủ yếu là truyền giảng Phúc âm trong dân chúng về Thiên quốc.
Giáo lý giải thoát
Theo Chúa Jesus, sự giải thoát con người đồng nghĩa với việc vào Thiên quốc: “Đừng chạy theo miếng ăn, thức uống, cũng đừng lo âu. Vì tất cả dân chúng trên thế giới đều theo đuổi những thứ đó, và Thiên Phụ biết các con cần những thứ ấy rồi. Trái lại, hãy tìm kiếm Thiên quốc... Hỡi bầy chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Chúa Cha vui lòng ban Thiên quốc cho các con” (Luke, 12:29-32).
Các nhà tôn giáo thường dựa vào hai con đường chính để đi đến chứng ngộ tâm linh là nhận biết (thiền) và tình yêu (sùng kính Thượng Đế). Chúa Jesus đã đi theo con đường thứ hai thể hiện qua hai điều răn lớn nhất sau đây: “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết lý trí, hết sức kính yêu Chúa là Thượng Đế ngươi. Hãy thương yêu người khác như chính mình” (Mark, 12:30-31). Cũng từ đó mà Đức Chúa còn đưa ra một lời dạy nổi tiếng khác có vẻ rất nghịch lý: “...Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bức hại các con” (Matthew, 5:44).
Giáo lý giải thoát của Chúa Jesus gồm các điểm chính sau đây:
1- Có đức tin tuyệt đối vào Thượng Đế mà gián tiếp là tin vào chính Đức Chúa (suy ra từ điều răn thứ nhất ở trên). Theo lối ẩn dụ, vị Phật là một người mắt sáng, còn các môn đệ là những kẻ mù. Bởi vậy, người thầy tôn giáo phải đích thực là người đã chứng ngộ tâm linh, nếu không sẽ rất nguy hiểm: “...Nếu người mù dẫn người mù thì cả hai sẽ rơi xuống hố” (Matthew, 15:14).
2- Tránh những điều tham, sân, si: “... Đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cắp, đừng làm chứng dối. Hãy hiếu kính cha mẹ và yêu thương người lân cận như chính mình” (Matthew, 19:18-19).
Chúa Jesus đã thấu hiểu nguồn gốc của mọi điều bất thiện là do nội tâm: “Tất cả những việc xấu xa này đều xuất phát từ bên trong và làm ô uế con người” (Mark, 7:23); “Khốn cho các ngươi... những kẻ đạo đức giả! Các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa mà bên trong đầy tham tàn trụy lạc” (Matthew, 23:25). Và Đức Chúa khuyên mỗi người trước hết hãy nhận biết chính mình: “Tại sao ngươi thấy cái dằm trong mắt anh em mà không nhận ra cây xà nhà trong mắt mình?” (Matthew, 7:3).
3- Chấp nhận cuộc sống phi sở hữu và phi bản ngã:  “...Nếu ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả những gì mình có thì không thể nào làm môn đệ Ta” (Luke, 14:33); “...Nếu ai muốn theo làm môn đệ Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mark, 8:34); “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Thiên quốc” (Mark, 10:25).
Theo thuyết tôn giáo, điều kiện cần và đủ để một cá nhân chứng ngộ tâm linh là vượt lên trên tâm trí hay triệt tiêu bản ngã. Trong trường hợp đó, sự nhận biết của con người sẽ trở nên trong sáng tựa như tấm gương, có khả năng phản chiếu trung thực cả bản thân và mọi sự vật xung quanh. Các vị Phật biết rõ rằng, khi ai đó vượt lên trên tâm trí mình thì ngay lập tức bản ngã biến mất vì thực chất nó là cái bóng của tâm trí. Bởi vậy, bất kỳ người nào sau thời điểm chứng ngộ cũng sẽ cảm thấy mình hoàn toàn mới, hồn nhiên như con trẻ và tinh khiết như vừa được tái sinh. Chúa Jesus đã nói đến điều này khá cụ thể:  “...Nếu các con không thay đổi và trở nên giống như trẻ thơ thì các con không thể vào Thiên quốc được” (Matthew, 18:3); “...Hãy để trẻ thơ đến cùng Ta, đừng ngăn cấm chúng vì Thiên quốc thuộc về những người như vậy... Ai không tiếp nhận Thiên quốc như trẻ thơ thì không cách nào vào đó được” (Luke, 18:16-17); “...Nếu một người chẳng sinh ra lần nữa thì không thể thấy Thiên quốc” (John, 3:3).
Một trong những phương sách đã được Chúa Jesus thường xuyên sử dụng để thuyết giảng về giáo lý giải thoát là kể chuyện ngụ ngôn: “Lý do Ta kể chuyện ngụ ngôn vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà chẳng nghe, chẳng hiểu” (Matthew, 13:13). Chuyện ngụ ngôn Người gieo giống thường được nói đến đầu tiên. Chúa Jesus ví việc truyền đạo tựa như sự gieo hạt giống; các hạt giống có thể rơi lên đường mòn, nơi đá sỏi, nơi gai góc hoặc nơi đất tốt cũng tựa như việc truyền đạo có thể gặp phải bốn hạng người với tâm trí: khép kín, không ổn định, nặng về vật chất hoặc thành tâm thiện ý. Và chỉ hạng người sau cùng mới có thể đạt tới sự ra hoa kết quả giải thoát. Đức Chúa đã khẳng định: “Ai nghe lời Ta dạy và làm theo sẽ giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên nền bằng đá” (Matthew, 7: 24).
Vì sao Chúa Jesus bị sát hại?
Theo các sách Phúc âm, quan toàn quyền La Mã là Poncius Filate đã phán quyết đóng đinh Chúa Jesus lên thập tự giá khi ông ở độ tuổi 33. Việc Đức Chúa bị sát hại ẩn chứa một vài nguyên nhân đáng chú ý.
Trước hết, các vị Phật có minh triết toả sáng như ngọn đèn và họ mong muốn truyền trao cho mọi người: “Không ai thắp đèn rồi đem giấu trong thùng hay để dưới giường, mà đặt trên giá để ai bước vào cũng thấy ánh sáng” (Luke, 8:16). Đó chính là lòng từ bi lớn nhất của người đã chứng ngộ tâm linh. Tuy vậy, việc vị Phật thuyết giảng về trạng thái phi bản ngã hay giải thoát là một vấn đề cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong thời đại hàng ngàn năm trước đây. Chúa Jesus cũng đã nhận biết điều đó: “...Con cái trần gian mưu mô hơn con cái Thiên quốc trong việc xử thế” (Luke, 16:8). Đức Chúa đã sử dụng cách nói thẳng và nhân cách hoá một cách táo bạo để phổ biến kinh nghiệm tâm linh của mình. Nhưng điều này đã làm cho dân chúng không thể hiểu nổi, còn giới cầm quyền đã ngờ vực và quy kết cho Đức Chúa phạm tội phỉ báng Thượng Đế và theo sau có thể nảy sinh tư tưởng chính trị phản kháng. Một số đạo sư cũng đã bị sát hại với lý do tương tự.
Các huyền thoại
Xung quanh Chúa Jesus đã tồn tại khá nhiều huyền thoại. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do các môn đệ và dân chúng đương thời đã có sự tưởng tượng phong phú về Thượng Đế và người con của Ngài. Sau đây sẽ đề cập cụ thể hơn.
Huyền thoại Giáng sinh - Theo sách Phúc âm, Chúa Jesus đã được thụ thai bởi quyền phép Đức Thánh Linh trước khi mẹ là bà Mary và bố là ông Joseph tổ chức lễ kết hôn và về ở với nhau. Đức Chúa đã được sinh thành một cách trinh trắng.
Huyền thoại Phục sinh - Sau khi bị giết bởi đóng đinh lên thập tự giá, Đức Chúa đã được một đệ tử (không thuộc Nhóm 12 sứ đồ) bọc lót bằng tấm vải gai và an táng vào ngôi mộ được đục trong đá. Đến ngày thứ ba, thân thể Chúa Jesus đã được một năng lực siêu nhiên biến đổi để trở thành một thiên thần. Tiếp đó, Đức Jesus đã hiện hình cho nhiều người trông thấy, giao nhiệm vụ truyền giảng Phúc âm cho Nhóm mười một sứ đồ (Juda, kẻ phản Chúa, đã tự kết liễu đời mình) và thăng lên Trời.
Các huyền thoại khác - Chúa Jesus dường như đã có khả năng chữa được bách bệnh, kể cả việc làm cho người chết sống lại. Ngoài ra, người ta cũng đã nói đến khả năng phi thường của Đức Chúa có thể khiến cho cơn bão dừng lại, đi trên mặt nước, hoá bánh ít thành nhiều, biến nước lã thành rượu...
Lưu ý rằng, về mặt tôn giáo không nhất thiết cần đến các huyền thoại Giáng sinh và Phục sinh vì thân thể của một vị Phật cũng phải được sinh thành và từ trần như một người bình thường. Huyền thoại về chữa bệnh có thể có một phần sự thật; nguồn năng lượng tâm thần ở người đã chứng ngộ tâm linh thường rất mạnh và tinh khiết, nên có thể sử dụng nó để chữa trị cho những người đau yếu. Các huyền thoại khác có ý nghĩa tôn vinh Đức Chúa, một trong những nhân vật tôn giáo vĩ đại trong lịch sử nhân loại.
Những câu nói bí ẩn
Trong sách Phúc âm tồn tại nhiều câu nói của Chúa Jesus có vẻ phi lý hoặc rất khó hiểu dưới góc độ những kiến thức khoa học đã biết. Dưới đây sẽ xét vài thí dụ điển hình và cách lý giải chúng xuất phát từ thuyết tôn giáo về chứng ngộ.
“...Trước khi Abraham ra đời, Ta vẫn hiện hữu” (John, 8:58) – điều phi lý là ở chỗ Abraham đã sống trước Chúa Jesus hàng ngàn năm; Đức Jesus đã dùng danh xưng Ta để chỉ bản thể vũ trụ hay Đạo vốn tồn tại vĩnh hằng.
“Người nào ăn thân xác Ta và uống máu huyết Ta thì ở trong Ta và chính Ta ở trong người ấy” (John, 6:56) – ý nghĩa của viêc ăn và uống những gì thuộc Đức Chúa là thấu hiểu và hoà nhập với Đạo, tức là trở thành vị Phật.
“Ta đến để phân rẽ, làm cho con trai nghịch với cha, con gái nghịch với mẹ và nàng dâu cùng bà già. Kẻ thù của người ta chính là người nhà mình” (Matthew, 10:35-36) – Chúa Jesus đã đề cập đến một tình huống trái ngược thường xảy ra giữa hai hạng người trong cùng một gia đình: số người này ham muốn vật chất, còn số người kia khao khát giải thoát tâm linh...
Trần Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides