Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Bí ẩn về Lão Tử và Đạo Đức Kinh


Lão Tử là một nhân vật cổ đại đầy bí ẩn của Trung Quốc đã và đang được nhiều người tìm hiểu và nghiên cứu. Bài này giới thiệu một cách tiếp cận để tìm hiểu Lão Tử và tác phẩm Đạo Đức Kinh của ông.
Một số nguồn tư liệu cho biết, Lão Tử ra đời cách thời đại chúng ta trên dưới 25 thế kỷ. Xung quanh họ tên của ông có nhiều ý kiến. Có một truyền thuyết nói rằng, Lão Tử khi mới sinh ra đã minh triết như người già, không ai biết họ tên thực của ông là gì, từ “Lão Tử” chỉ có nghĩa là “lão già”.
Lão Tử là người đã chứng ngộ tâm linh?
Dựa vào đặc điểm nội dung của tác phẩm Đạo Đức Kinh người ta khẳng định rằng, Lão Tử là một người đã chứng ngộ tâm linh, tức là ông đã vượt lên trên tâm trí hay triệt tiêu bản ngã (trở thành vị Phật). Điều đáng chú ý là vị Phật này với tâm trí riêng đồng nhất với tâm trí vũ trụ đã bày tỏ bí quyết chấp nhận cuộc sống một cách toàn bộ như nó vốn thế. Bởi vậy, Lão Tử đã có những quan niệm đa dạng về đời sống cá nhân và xã hội khác biệt người thường.
Thế giới quan của một vị Phật
Theo thuyết tâm linh, toàn thể sự tồn tại (cái Một) thể hiện như một Đại sinh thể có trí tuệ với thân vật lý, tâm trí và tâm thức ở quy mô vũ trụ. Khi một người có tâm trí cá nhân đồng nhất với tâm trí vũ trụ thì người đó cảm nhận cái Một như chính mình. Con người đạt đến trạng thái này sẽ có nội tâm tĩnh lặng tuyệt đối, luôn “trôi” theo luồng chảy cuộc sống một cách tỉnh thức (nhận biết, chứng kiến, quan sát) và triệt tiêu hoàn toàn bản ngã “tham, sân, si” của mình. Nội tâm của vị Phật luôn được duy trì ở trạng thái  “không” là kết quả của sự cân bằng âm dương.
Vị Phật với tâm trí vũ trụ nhìn nhận các hiện tượng tự nhiên cũng giống như các sự vật trong xã hội con người. Quan niệm của họ có vẻ rất dị thường. Một số vị Phật trong quá khứ đã cho biết những khía cạnh sau đây:
- Người đã chứng ngộ tâm linh hay nói nhiều đến “chân lý” nhằm chỉ trạng thái biểu hiện của sự vật như nó vốn là. Chúng ta có thể đã biết các chân lý tương đối trong cuộc sống thường ngày như màu sắc, âm thanh, ánh sáng, tình yêu, niềm vui, nỗi buồn v.v... Các vị Phật còn biết được chân lý tối thượng – trạng thái hoà đồng với cái Một. Kinh nghiệm cho thấy rằng, chân lý thực sự  chỉ có thể được biết đến khi con người ở trong im lặng và dường như tan biến vào sự vật tương ứng.
- Dưới con mắt của một vị Phật, mỗi sinh linh hiện hữu trong vũ trụ đều là phần không thể tách rời của cái Một. Như vậy, sự phân tách cá thể này với cá thể khác (con người và động vật) là trái với chân lý tối thượng.
- Ngôn ngữ cơ bản của các vị Phật là “im lặng”. Vì sao vậy? Theo thuyết tâm linh, mỗi cá nhân có thể trở nên đồng nhất với cái Một chỉ khi ở trong trạng thái im lặng tuyệt đối. Đó là sự chứng nghiệm tối thượng mà con người có thể trải qua. Một người đã chứng ngộ tâm linh cảm nhận trực tiếp các sự vật xung quanh mình mà không có sự diễn giải của tâm trí thông qua ngôn ngữ nhị nguyên (thường sử dụng các khái niệm tương phản). Các vị Phật dễ dàng “trò chuyện” với nhau bằng kênh im lặng vì tâm trí của họ cùng đồng nhất với tâm trí vũ trụ. Thậm chí, một số vị Phật sau khi chứng ngộ tâm linh nhiều năm đã gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ lời nói để thuyết giáo trước các đệ tử.
- Vị Phật hiểu rất rõ điều sau đây: không thể dùng ngôn ngữ của tâm trí để mô tả chân lý tối thượng một cách trực tiếp và đúng đắn. Bởi vậy, mọi sự diễn giải bằng lời về chân lý tối thượng đều mang tính ẩn dụ, tương tự hoặc gần đúng.
Hầu hết những điều nêu ra trên đây ít nhiều đã được thể hiện trong nội dung của tác phẩm Đạo Đức Kinh.
Nguồn gốc của Đạo Đức Kinh
Đạo Đức Kinh là tác phẩm duy nhất của Lão Tử. Nó bao gồm trên 5000 chữ tượng hình, được chia thành 81 chương. Cách kết cấu và sắp đặt các chương có vẻ thiếu mạch lạc. Đạo Đức Kinh có dạng như một tập cách ngôn bằng thơ tự do hoặc văn xuôi có nhạc điệu. Một số nội dung của tác phẩm có thể đã được thêm vào bởi những người hậu thế.
Truyền thống của các vị Phật cho thấy rằng, người chứng ngộ tâm linh xưa nay luôn từ chối viết lại những điều bản chất mà họ biết. Lão Tử cũng nằm trong số đó. Tồn tại truyền thuyết sau đây nói về nguồn gốc ra đời Đạo Đức Kinh:
Lão Tử đã sống trong im lặng liên tục nhiều năm. Ông bao giờ cũng tránh việc nói về chân lý tối thượng mà mình đã đạt tới và bao giờ cũng bác bỏ ý kiến ghi chép lại những điều minh triết cho các thế hệ sau. Vào độ tuổi chín mươi, ông rời bỏ các đệ tử của mình để đi lên dãy núi Himalaya sống quảng đời còn lại. Khi Lão Tử đi qua biên giới, một lính gác vốn là đệ tử của ông đã bắt giữ ông và ra điều kiện: “Chừng nào thầy chưa viết xong một cuốn sách thì con sẽ không để cho thầy vượt qua biên giới”. Lão Tử không còn cách lựa chọn nào khác, nên ông đã phải cấp tốc viết Đạo Đức Kinh trong thời gian rất ngắn là ba ngày.
Các khái niệm kỳ lạ trong Đạo Đức Kinh
Trong tác phẩm Đạo Đức Kinh đã đưa ra các khái niệm khó hiểu mà ý nghĩa của chúng được diễn giải cụ thể theo thuyết tâm linh. Cần lưu ý rằng, các từ được nói tới có thể có nghĩa khác nhau tuỳ theo văn cảnh. Sau đây là một số đáng chú ý.
Đạo – Nghĩa chính của từ này đã được Lão Tử dùng để chỉ nguyên lý tuyệt đối hay bản thể của vũ trụ: “...Sinh trước Trời đất/ .../ Có thể là Mẹ thiên hạ/ Ta không biết tên/ Gọi đó là Đạo... ” (chương 25, bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Theo Lão Tử, đó là nguyên thuỷ của cái Một  vô giới hạn, không sinh không diệt, không tăng không giảm, trống rỗng, trong suốt, im lặng, thụ động, chi phối mọi sự vật, phi nhân tính... Theo thuyết tâm linh, đó là đại dương tâm thức hay tâm thức vũ trụ  lớp năng lượng thuần khiết có ý thức liên kết mọi sự vật của vũ trụ thành một thể thống nhất (cái Một). Con người biết Đạo chỉ sau khi trở thành vị Phật, tức là chứng ngộ tâm linh hay vượt lên trên tâm trí. Một hình ảnh tượng trưng của Đạo là không gian trống rỗng.
Từ “đạo” còn được Lão Tử sử dụng để chỉ cái thống nhất của một sự vật (chẳng hạn như ngày đêm, thở vào thở ra, mưa nắng, yêu ghét, vui buồn...), chỉ cách thức hành xử của thế giới tự nhiên và con người v.v...
Đức – Từ này xuất hiện trong Đạo Đức Kinh ít hơn rất nhiều so với từ Đạo. Ngoài nghĩa thông thường, từ Đức đã được sử dụng để chỉ nguyên lý tương đối hay quy luật hữu hình của cái Một: “Dáng của Đức lớn/ Theo cùng với Đạo/...” (chương 21). Nhờ có Đức mà mọi sự vật của vũ trụ đã được hình thành và tiến hoá một cách mạnh mẽ. Đáng chú ý là qua tâm trí, con người cảm nhận thế giới sự vật một cách rời rạc.
Vô vi, hữu vi – Do các vị Phật đã vượt lên trên tâm trí cá nhân, nên các hoạt động của họ diễn ra một cách trực giác (không bị ảnh hưởng bởi quá khứ và tương lai). Trong trường hợp đó, về bản chất chỉ có việc làm chứ không có tác nhân tham gia, tựa như xảy ra hiện tượng thiên nhiên. Sự hoạt động với trạng thái “không” của nội tâm con người như vậy chính là “vô vi” (có làm mà dường như không có người làm). Bởi vậy, vô vi không có nghĩa là không làm gì, nó có nghĩa là làm một cách phi bản ngã. Xét rộng hơn, mọi việc làm vô vi đều diễn ra một cách tự nhiên, mềm dẻo, khôn khéo, hài hoà với cái Một. Suy ra, “hữu vi” được dùng để chỉ sự hoạt động phi tự nhiên, cứng nhắc, thô thiển, thái quá mà một cá nhân đầy đủ bản ngã có thể tiến hành.
Vô danh, hữu danh – Dưới con mắt của vị Phật thì mọi sự vật đều là vô danh vì chúng gắn kết hữu cơ với nhau trong cái Một. Ngoài ra, vô danh còn có nghĩa “không thiên vị” trước mọi sự vật. Việc gọi tên (hữu danh) bất kỳ cái gì sẽ kéo theo sự phân tách nó với cái tổng thể.
Bất ngôn – Nó có nghĩa chính là “im lặng”. Xét rộng hơn, bất ngôn còn ám chỉ tính hành động thay lời nói.
Thánh nhân – Nghĩa chính của từ này đã được Lão Tử sử dụng để chỉ một cá nhân đã chứng ngộ tâm linh (vị Phật) và chấp nhận sự hoạt động trong cuộc sống đời thường, kể cả ở tầng lớp cai trị. Điều này trái với quan niệm của hầu hết các vị Phật đã thể hiện là xa lánh lối sống đại chúng. Ngoài ra, cũng có thể coi Thánh nhân là ai đó đã thấu hiểu những điều minh triết về thiên nhiên và con người do các vị Phật truyền lại.
Luật âm dương và Đạo Đức Kinh
Lão Tử đã thấu hiểu quy luật âm dương trong thế giới hữu hình: “... Trong vạn vật không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương... “ (chương 42). Một vị Phật dễ dàng nhận biết được rằng, mọi sự vật tồn tại trong mối quan hệ với các yếu tố tương phản là phần bù của nhau, chứ không phải đối kháng hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Các biểu hiện thái quá (cực âm hoặc cực dương) sẽ nhanh chóng chuyển sang cực đối diện; sự ổn định của sự vật chỉ có thể đạt được bằng cách quân bình âm dương. Các hiện tượng và phương sách quân bình âm dương đã được Lão Tử nói đến khá nhiều: “... Có với không cùng sinh/ Khó với dễ cùng thành/ Cao và thấp cùng chiều/ Giọng và tiếng cùng hoạ/ Trước và sau cùng theo... ” (chương 2); “... Gió lốc không thổi suốt một buổi mai/ Mưa rào không mưa suốt một ngày trường...” (chương 23); “... Muốn ngồi trên dân/ Hẳn lấy lời mà hạ mình/ Muốn đứng trước dân/ Hẳn lấy mình để ra sau... ” (chương 66).
Khái quát về nội dung của Đạo Đức Kinh
Có thể nói, Đạo Đức Kinh là tác phẩm trình bày nhãn quan của một vị Phật về các vấn đề tự nhiên, chính trị – xã hội và đời sống con người. Sau đây sẽ xem xét khái quát một số điểm đáng chú ý.
Quá trình hình thành vũ trụ:  Lão Tử coi bản thể vũ trụ là Đạo, mọi thứ hữu hình và vô hình của sự tồn tại đều phát sinh từ đó: “Đạo sinh ra một/ Một sinh ra hai/ Hai sinh ra ba/ Ba sinh ra vạn vật... ” (chương 42). Có hai cách chú giải đoạn trích này.
Cách chú giải thứ nhất - trước hết, một môi trường khí trung tính (Thái cực) đã phát sinh từ Đạo; tiếp đến, Thái cực được phân thành Âm và Dương đồng thời; ngay lập tức, quy luật âm dương bắt đầu vận hành cùng 2 yếu tố Âm và Dương tham gia vào quá trình kiến tạo và tiến hoá của mọi sự vật.
Cách chú giải thứ hai - trước hết môi trường khí vô hình hay yếu tố Âm đã phát sinh từ Đạo; tiếp đến, một phần của Âm biến thành Dương; ngay lập tức, quy luật âm dương vận hành cùng hai yếu tố Âm và Dương tham gia vào quá trình kiến tạo và tiến hoá của mọi sự vật. Rõ ràng, cách chú giải này có vẻ hợp lý hơn và không đòi hỏi đưa vào khái niệm Thái cực.
Như vậy, theo cả hai cách chú giải thì quy luật âm dương đóng vai trò động lực để tạo ra vạn vật và tương đồng với khái niệm Đức mà Lão Tử đã sử dụng. Điều thú vị là từ cách chú giải thứ hai đã làm nảy sinh ý tưởng về cái được gọi là quy tắc “Âm có trước Dương”  chỗ dựa để giải đoán một số câu hỏi hóc búa. Thí dụ, giống cái hay giống đực có trước? Quả trứng hay con gà có trước? Thực vật hay động vật có trước? Theo quy tắc đó có thể trả lời: giống cái có trước giống đực; quả trứng có trước con gà; thực vật có trước động vật (?).
Vấn đề Thượng Đế:  Nếu coi Thượng Đế là một Đấng tối cao có nhân tính và năng lực siêu phàm tạo ra tất cả vạn vật thì trong Đạo Đức Kinh không có đối tượng nào dạng đó. Tuy nhiên, có thể nói Lão Tử là một nhà duy tâm và đồng thời là nhà duy vật vĩ đại nhất vì chính ông đã hoà nhập và thấu hiểu Thượng Đế theo nghĩa bản thể của cái Một, tức là Đạo. Không chỉ Lão Tử, nhiều vị Phật khác cũng đã hoà nhập và thấu hiểu Thượng Đế như vậy. Vì luôn giữ thái độ im lặng trước điều đó nên người ta lầm tưởng họ phủ nhận Thượng Đế nói chung. Chính các vị Phật đã đưa ra câu mật chú “Ta là Thượng Đế”.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, nhiều điểm triết thuyết về toàn bộ sự tồn tại (cái Một) và bản thể của nó (Đạo hay Thượng Đế) mà Lão Tử cũng như các vị Phật đã nói tới có ý nghĩa đặc biệt và ít phụ thuộc vào thời gian.
Vấn đề chứng ngộ tâm linh:  Lão Tử gọi sự chứng ngộ tâm linh (đạt đến quả vị Phật) là đắc Đạo. Ông cũng đã chỉ rõ những nét cơ bản để tu luyện nhằm hướng tới thành đạt quả vị này:
“... Thường không tư dục mới nhận được chỗ huyền diệu của Đạo/ Thường bị tư dục nên chỉ thấy chỗ chia lìa của Đạo... ” (chương 1);
“Theo học, càng ngày càng thêm/ Theo Đạo, càng ngày càng bớt/ Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi/ Không làm mà không gì là không làm... ” (chương 48).
Theo thuyết tâm linh, điều kiện cần và đủ để một người trở thành vị Phật là vượt lên trên tâm trí cá nhân, tức là triệt tiêu tư dục (bản ngã). Lão Tử cũng đã mô tả một số tính cách dị thường và khả năng phi phàm của một vị Phật:
“Người đời vui vẻ/... Riêng ta im lặng/ Chẳng dấu vết chi/ Như trẻ sơ sinh/ Chưa biết tươi cười/... Người đời sáng chói/ Riêng ta mịt mờ... “ (chương 20);
“Không ra khỏi cửa/ Mà biết việc thiên hạ/ Không nhìn ngoài cửa/ Mà biết đạo Trời/... Không thấy mà hiểu/ Không làm mà nên” (chương 47).
Phép xử thế:  Với Lão Tử, nền tảng của phép xử thế mọi việc trong đời sống mỗi người và toàn xã hội nên dựa theo Đạo, cái Một và quy luật âm dương. Thánh nhân là người có thể dễ dàng thực hiện được điều đó. Sau đây là một số phương sách xử thế mà Lão Tử đã đề cập đến:
- Mỗi người trước hết phải làm chủ được bản thân và điều đó là rất khó: “Biết người là trí/ Biết mình là sáng/ Thắng người là có sức/ Thắng mình là mạnh/ Biết đủ là giàu... ” (chương 33).
- Duy trì sự vật một cách tự nhiên, khi cần tác động bằng việc làm thì thực hiện một cách vô vi và kịp thời: “... Để cho vạn vật nên mà không cản/ Tạo ra mà không chiếm đoạt/ Làm mà không cậy công...” (chương 2); “... Ngăn ngừa khi chưa hiện/ Sửa trị khi chưa loạn... ” (chương 64).
- Nên thu phục lòng người bằng bất ngôn hay hành động khôn khéo: “...Cảm hoá người mà không tổn thương/ Kéo cho ngay mà không sửa dạy/ Rọi ánh sáng mà không chói loà” (chương 58).
- Nên áp dụng các thủ pháp âm dương để giải quyết vấn đề: “... Xem lớn như bé/ Coi nhiều như ít/ Lấy đức báo oán/ Làm việc khó, bắt đầu nơi dễ/ Làm việc lớn, bắt đầu nơi bé... ” (chương 63).
- Không nên tạo ra những gì thái quá trong xã hội để tránh sự chuyển đổi bất lợi sang cực đối diện.
Phép dưỡng sinh:  Người ta thường nói tới một điều giống nhau giữa các vị Phật và đứa trẻ sơ sinh là ở họ luôn giữ được trạng thái thuần khiết của tâm trí và hoà nhập với cái Một. Đôi khi họ vô sự trước loài vật nguy hiểm: “Kẻ mà Đức dày/ Giống như con đỏ/ Độc trùng không cắn/ Thú dữ không ăn... ” (chương 55).
Cần lưu ý rằng, Lão Tử không đề xuất phép dưỡng sinh nào đặc biệt, các vị Phật đều có trạng thái nội tâm giống như đứa trẻ. Họ vẫn có thể bị đau yếu và bệnh tật thông thường, kể cả các bệnh nan y. Tuy nhiên, các vị Phật đã thấu hiểu sự trường sinh bất tử theo nghĩa bản thân họ đồng nhất với Đạo.
Tóm lại, có thể coi Đạo Đức Kinh là “học thuyết” của một vị Phật về thế giới tự nhiên và con người. Giả định về sự chứng ngộ tâm linh của Lão Tử cho phép tiếp cận tác phẩm của ông một cách dễ dàng và có hệ thống. Khi đó, hầu hết các luận điểm mà Lão Tử đã đề cập đến đều xuất phát từ nhãn quan của một vị Phật trên quy mô cái Một với bản thể là Đạo và bị tác động bởi quy luật âm dương. Điều này có lẽ là chìa khoá để khám phá Đạo Đức Kinh sâu hơn.
Trần Văn
Theo KNTL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides