Ngày càng có nhiều người ăn chay. Tuy nhiên, một số khác lại nghĩ rằng ăn chay làm cơ thể thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Vậy ăn chay có lợi hay không? Ăn như thế nào để bổ sung dưỡng chất một cách tốt nhất? Những thông tin hữu ích sau sẽ giúp bạn rõ hơn về vấn đề này.
Các sản phẩm từ đậu nành giúp người ăn chay bổ sung chất dinh dưỡng Nguồn: localwin.com |
- Tôi dự định ăn chay trường. Nên ăn như thế nào để đảm bảo sức khỏe?
- Về mặt dinh dưỡng, người ta không khuyến khích ăn chay tuyệt đối, ăn chay trường. Đó là chế độ ăn không đầy đủ, cân đối về năng lượng và các thành phần dinh dưỡng. Chế độ ăn này loại trừ hoàn toàn những thức ăn có nguồn gốc động vật, loại thức ăn có giá trị sinh học cao, đầy đủ các amino axít thiết yếu mà cơ thể không tự sản sinh được, một số vi khoáng, vitamin. Trừ đậu nành, các thức ăn nguồn gốc thực vật như: rau, trái cây không có đủ lượng chất đạm, các amino axít thiết yếu, sắt, kẽm, can-xi, vitamin D.
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên bổ sung sữa, phô mai, sữa chua, các loại hạt có dầu như: hạt dẻ, hướng dương, vừng, lạc, các loại đậu, nhất là đậu nành… vào chế độ ăn chay.
- Vì sao ăn chay thường mau đói? Ăn như thế nào để ngăn cơn đói đến nhanh?
- Vì chế độ ăn chay thường không cung cấp đủ năng lượng, chất đạm và chất béo, lại giàu chất xơ. Do đó, việc tiêu hóa, hấp thụ, di chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa nhanh hơn. Để ngăn ngừa, người ăn chay cần bổ sung đủ hai thành phần chất đạm và chất béo bằng sữa, các sản phẩm làm từ sữa và các loại hạt có dầu…
- Dầu ăn được sản xuất từ thực vật như: dầu vừng, dầu ô-liu, hướng dương… rất tốt cho sức khỏe vì lượng chất béo bão hòa thấp, lượng chất béo chưa bão hòa cao, không có hoặc rất ít cholesterol, giảm thiểu nguy cơ xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh tim mạch. Song cần lưu ý, dầu dừa và dầu cọ có tỷ lệ chất béo bão hòa cao, không nên sử dụng.
- Tôi mang thai và đang ăn chay trường. Như vậy, sức khỏe và cân nặng của bé có bị ảnh hưởng? Tôi uống sữa đậu nành mỗi ngày có tốt không?
- Khi mang thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng cao. Nếu ăn chay không đúng cách, bạn dễ mệt mỏi, xanh xao, gầy ốm vì thiếu máu, suy dinh dưỡng hay bị chuột rút… Thai nhi rất có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương… Do đó, bạn cần dùng nhiều loại thức ăn khác nữa như: sữa, phô mai, sữa chua, các loại hạt có dầu.
Sữa đậu nành hay những sản phẩm khác làm từ đậu nành (đậu phụ, nước tương…) rất tốt, vì chứa lượng đạm cao nhất trong các loại đậu. Đậu nành có hầu hết các amino axít thiết yếu, nhiều vi khoáng, ít chất béo bão hòa, nhất là chất béo chưa bão hòa có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Đậu nành còn chứa axit omega-3, có tác dụng ngừa các bệnh tim mạch, giảm huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch.
- Ăn chay thường thiếu sắt, kẽm, can-xi, vitamin B12. Bổ sung bằng cách nào?
- Sắt rất cần để tạo máu. Các loại rau có lá xanh đậm, các loai đậu, hạt, mầm lúa mạch… rất giàu chất sắt. Để hấp thụ sắt dễ dàng, bạn cần ăn thêm quả giàu vitamin C như: cam, quýt, bưởi. Tránh dùng trà, cà phê vì chúng ngăn chặn sự hấp thụ sắt.
Kẽm có trong rau, đậu, bắp cải, cà-rốt, củ cải đỏ… giúp tăng trưởng và tái tạo tế bào.
Can-xi rất cần cho xương và răng, nhất là thai phụ, phụ nữ cho con bú, người cao tuổi. Thực phẩm chứa nhiều can-xi gồm: cải bắp, bông cải xanh, bông cải trắng, đu đủ, cà-rốt, rong biển, đậu phụ… Để hấp thụ can-xi tốt, bạn bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng, ăn lòng đỏ trứng gà…
Vitamin B12 cần cho việc tạo máu, giúp phân chia và tăng trưởng tế bào. Thức ăn có nguồn gốc thực vật không chứa vitamin B12 nên bạn phải dùng sản phẩm bổ sung hoặc thực phẩm tăng cường vitamin B12.
TS- BS Nguyễn Hữu Toản
Theo TT&GĐ
Theo TT&GĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét