NGUYỄN MINH THIỆN
9-TÍNH MỆNH
Tánh mạng gồm chung một bản thân,
Tánh về Tâm-địa thị Nguơn-Thần
Mạng về Nguơn-Khí sanh Chơn-Tức;
Tánh-mạng song tu, dứt nghiệp trần.
Trần ai phờ-phỉnh khách si mê
Bỏ Tánh quên Tâm mất lối về,
Kéo Tánh về Tâm, Tâm tự giác;
Giải tan nghiệp-chướng khỏe trăm bề.
Bề nào rồi cũng phải ra đi
Sống kiếp trầm-luân có nghĩa gì?
Tánh-Mạng không thông đường Đạo-Pháp
Trách sao không thoát nổi sầu bi.
Người mới vào học đạo, trước phải hiểu biết hai chữ tính mệnh. Tính có nguồn gốc là tâm địa, mệnh gốc là chân tức (tức là hơi thở sâu).
Gốc mệnh phải vững bền, nguồn tính phải trong sạch.
Có kẻ hỏi: Nguồn tính làm sao mới gọi trong sạch?
Đáp: Trong ngoài đều quên là trong sạch.
Lại hỏi: Gốc mệnh làm sao mới gọi vững bền?
Đáp: Thần khí giữ nhau thì đặng vững bền.
Tính ấy là thần, mệnh ấy là tinh với khí. Trong Thái cực đồ có nói: Vô cực chi nhân, nhị ngũ chi tinh, hai cái hợp lại đúng phép thì ngưng tụ, mới có con người sinh ra. Cái ta gọi tính đây là Vô cực chi chân (Vô cực chi chân là cái tính chân không trong khí Vô cực), còn cái ta gọi mệnh đây là nhị ngũ chi tinh (Nhị ngũ chi tinh là cái tinh ba trong hai số ngũ, ấy là khí mậu thổ lão dương hợp với khí kỷ thổ lão âm tại cung khôn, gọi là địa thập thành chi, kết thanh đao khuê).
Vô Dịch tử nói rằng: Tính ở trong tâm. Tâm không một phần, thì tính hiện một phần, tâm không mười phần, thì tính hiện mười phần. Tính hiện tức là tính tận (Tận nghĩa là thiệt hiện, tức là cái chi bị khuất lấp, nay đem bầy ra chỗ quang minh) rồi. Vậy thì dứt niệm tưởng là cốt để tận tính. Tính tận một phần, thì thần khí ngưng tụ một phần, tính tận mười phần, thì thần khí ngưng tụ mười phần. Công phu của người học Đạo chẳng có chi khác, bất quá là thung dung mà đạt tới chỗ đó thôi. Đại khái công phu toàn ở chỗ dứt niệm tưởng, tâm tức nương nhau. Phép này rất lanh chóng, là tại sao?
Khí là mẹ của thần, thần là con của khí. Tâm tức nương nhau, như mẹ con gặp nhau. Thần khí dung hòa, thành ra một phiến, khắn khít nhau hoài, lâu rồi sẽ thành đại định. Đó gọi là Đạo: quy căn phục mệnh, căn thâm đế cố, trường sinh cửu thị (về gốc để tiếp mệnh, gốc sâu thì rễ chắc,
đặng mệnh sống lâu dài).
Hà tiên cô nói rằng: Hơi thở còn một mảy lông chưa định, thì mệnh chẳng phải của ta. Ta lại nói rằng: Tâm còn một sợi chỉ chưa quên, thì hơi thở không hề định được.
Con người có tính Trời Đất (phú cho), và tính khí chất (tập quán). Tính Trời Đất là toàn thể của Thái cực, mà hễ phân ra âm dương, ngũ hành, thì hóa ra tính khí chất, tức là cái thật thể cuả Thái cực, sa vào trong khí chất, chứ chẳng phải có một tính nào riêng khác.
Trương tử nói rằng: Biết đem ngược trở lại thì tính Trời Đất còn.
Có kẻ hỏi: Biết đem ngược trở lại có đạo chăng (có phương pháp chăng)?
Đáp: Có!
Lại hỏi: Mong sao đặng nghe giải!
Đáp: Nho nói: Tẩy tâm thoái tàng vu mật (rửa lòng thoái ẩn nơi chỗ kín mật). Phật nói: Quán tự tại (xem vào chỗ tự tại, bất động). Lão nói: Phục quy ư phác (trở lại tính chất phác, thật thà). Đây là giai đoạn trước của phép đem ngược trở lại.
Nho nói: Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tịnh (biết chỗ ngừng, chỗ trú rồi, sau mới định, mới quyết; có định, có quyết rồi, sau mới lẳng lặng không xao xuyến).
Phật nói: Chiếu kiến ngũ uẩn giai không (người vào sâu cảnh bát nhã soi thấy ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không,
chẳng có thật thể). Lão nói: Quy ư anh nhi (trở lại như con nít). Đây là giai đoạn giữa của phép đem ngược trở lại.
Nho nói: Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã (không ý riêng, không cho cái này hơn cái kia, không cố chấp, không thiên lệch về mình). Phật nói: Vô nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý (chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mình, ý thức). Lão nói: Phục quy vu Vô cực (trở lại lý Vô cực). Đây là giai đoạn sau của phép nói trên.
Tính người vốn lành, mà nếu nó có chỗ không lành, là tính khí chất đó. Biết nó là tính khí chất, mà không để nó khiến mình, là phương biến đổi tính khí chất.
Bát thập ngũ tuế đại lão hán,
Mỗi nhật tịnh tọa vô sự cán.
Đạo nghĩa minh liễu một để thuyết,
Kinh thư kiến liễu lãn đãi khán.
Thức đắc nhất tính thị chủ tể,
Chiếu phá vạn duyên giai không huyền.
Tán đạm, tiêu diêu, tự tại hoại,
Tái bất dữ nhân đàm xá đạm.
Nghĩa là:
Tám mươi lăm tuổi, một ông già,
Mỗi bữa ngồi thiền, việc lánh xa.
Đạo nghĩa rõ rồi, không luận đến,
Sách kinh thấy đó, biếng xem qua.
Đặng tường một tính là chân chánh,
Xét thấu muôn duyên ấy huyễn tà.
Tự tại, thung dung, ngày tháng rộng,
Chẳng cùng thế tục chuyện phì phù.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Vô cực chi chân là lý đó, là tính đó; nhị ngũ chi tinh là khí đó, là mệnh đó. Từ xưa đã có nhiều nhà đại Nho phát minh chỗ bí áo của một là lý, hai là khí, thì đủ thấy dưới trời này chẳng đâu có khí mà không lý, cũng chẳng đâu có lý mà không khí; còn trong mình người, chẳng đâu có tính mà không mệnh, cũng chẳng đâu có mệnh mà không tính.
Sao Thích, Đạo hai tông giáo, mỗi bên nắm một mối, xúm nhau cãi lẫy lăng xăng vậy? Xét ra đều bởi lý Thái cực, hai bên chưa rõ thấu. Cho nên nguồn tính mệnh xé ra thành hai miếng, mới có Thích môn trọng tính học, Đạo giáo trọng mệnh công, chia phe rẽ bọn, cũng như mão Thích, mão Đạo chẳng đồng vậy, rất làm cho những người triệt ngộ thất cười! Ôi! Sao không lấy bài này mà đọc cho kỹ?"
10-TÂM
Có một cái “Tâm” biến tánh tình
Lắm khi chìm đắm nẽo vô minh
Mau mau kéo thức đêm về trí,
Tánh trở về Tâm vạn sự linh
Linh tánh là Tâm chẳng động si,
Chẳng sanh, chẳng diệt, tánh toàn tri,
Trần duyên không trói, tâm thanh tịnh,
Nội ngoại am tường lý hiển vi.
Vi diệu cùng chăng một cái Tâm,
Trang-nghiêm thanh-tịnh Đạo thâm-trầm,
Chẳng mong làm Phật, Tâm là Phật,
Đạo tại thân trung giải hết lầm.
Người ta chỉ có một cái tâm: ra ngoài là tình, vào trong là tính, đi xuôi là thức, trở ngược là trí. Nay muốn đem cái đi xuôi ra ngoài, mà cho trở ngược vào trong, thì có phải là phản quán chăng?
Chữ phản có nghĩa là hay lộn về, hay trở lại. Còn chữ quán có cái công hay chiếu soi, hay xét biết. Cái thần của con người ở tại tâm, cái cơ (máy động) của tâm ở nơi con mắt. Cho nên con mắt dùng ở trong, thì tâm cũng theo nó mà ở trong tâm, chẳng những ở trong mà thôi, lại còn thêm định nữa. Cái tâm đã định rồi, thì tâm hỏa hạ giáng, thận thủy thượng thăng, miệng nếm cam tân (nước miếng ngọt), chân đạp hỏa đỉnh (vạc lửa), cái chỗ huyền diệu khó mà tả ra cho cùng tận.
Người ta chỉ có một cái chân tâm, vì sao mà sinh vọng? Mê thì tợ như có (cái giả), giác thì hoàn lại không. Cho nên ta nói: Biết vọng thì hết vọng, phải buông xả ngay (Chữ Tàu là: Phóng hạ khan, nghĩa là: ý phải buông sáu trần ở ngoài, sáu căn ở trong và sáu thức ở giữa một lượt, bỏ cho thật hết, tới không còn cái chi khá bỏ. Đó là phép định tâm, thu thần.). Thành là dẹp cái trá ngụy, kính là dẹp cái khinh khi. Đương lúc vọng niệm dấy lên lăng xăng, chẳng cần phải dứt tuyệt, cứ xem trở ngược vào tâm, hay coi nó tưởng là tưởng cái chi. Chỉ hồi quang mà chiếu vào cho nhằm chỗ, thì nó liền lặng lẽ. Học Đạo không có phép nào khác. Thường thường phản chiếu tức là học, hết vọng tưởng rồi tức là Đạo.
Chu tử nói rằng: Có một phần tâm hướng vào trong thì đặng một phần sức, hai phần tâm hướng vào trong thì đặng hai phần sức. Nếu kính cẩn thu thập, chẳng đeo đuổi theo vật ra ngoài, có lẽ nào chẳng đặng tâm chính? Tuy tập nửa tháng, chớ đủ xét nghiệm. Lại nói: Cầu phóng tâm, chẳng phải đem cái tâm về gìn giữ. Chỉ vừa hay tâm phóng, thì tưởng rằng: cái tâm này là tâm của ta, nó phải do mệnh lệnh ta. Ta chẳng đặng tin và theo nó mà đi rông dài ra ngoài. Tuy nó bị che lấp đã lâu, ta rán sức cũng kêu nó tỉnh được. Hét lớn một tiếng, trăm tà đều lui, rồi kế xen vào tâm. Tâm không thì kế đó nương theo hơi thở. Hơi thở trụ thì thần cũng theo nó mà trụ luôn. Đây là chỗ gọi: "Chân nhân chi tức dĩ chủng", nghĩa là hởi thở của vị chân nhân (Tiên, Phật) ở nơi căn đề (thâm thâm).
Con người sở dĩ khác hơn chim thú, duy tại cái tâm này mà thôi. Phật nói rằng: Những kẻ làm điều ác, kiếp sau biến làm chim thú. Sao vậy? Hình họ tuy là người, mà tâm họ không còn phải là người nữa. Thấy cảnh mà tâm chẳng động, gọi là chẳng sinh. Chẳng sinh tức là chẳng diệt, ắt cái tâm này không còn bị trần duyên buộc trói. Hết buộc trói tức là giải thoát vậy.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: Trong sách Đại học, nơi chương Chính tâm, trước nói "hữu sở" ("Hữu sở" có bốn loại là: "Tâm hữu sở phận sí, tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở khủng cụ, tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở háo nhạo, tắc bất đắc kỳ chính; hữu sở ưu loạn, tắc bất đắc kỳ chính. Nghĩa là: lòng có chỗ tức giận, thì không được ngay; có chỗ ham muốn, thì không được ngay; có chỗ sợ hãi, thì không được ngay; có chỗ lo lắng, thì không được ngay.) có bốn loại bệnh hữu tâm, thì tâm chẳng đặng chính; sau nói về "tâm bất tại" trong bốn câu ("Tâm bất tại" trong bốn câu là: "Tâm bất tại diên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị". Nghĩa là: Lòng hễ chẳng ở (đi rồi), trông mà chẳng thấy, lắng mà chẳng nghe, ăn mà chẳng biết mùi vị. Bốn loại "hữu sở" là nói cái bệnh của kẻ hữu tâm, bốn câu "tâm bất tại" là nói cái bệnh của kẻ vô tâm. Trên nói lòng chẳng nên có thiên chủ về sự gì, dưới nói lòng chẳng nên không thường ở trong mình mà làm chủ. Vậy thời ở trong hư không mà có chủ tể, ấy có phải là bài thuốc làm cho ngày lòng đó chăng?) là bệnh vô tâm, thì tâm cũng chẳng đặng chính. Rốt cuộc cũng không chỉ rõ cái công phu chính tâm, khiến cho kẻ học giả không biết đâu mà hạ thủ. Bài này đã chỉ rõ cái công phu chính tâm rồi, lại nói về hiệu quả của tâm chính, phân tích rẽ ròi, lời lời diệu xảo.
Chúng ta quả hay tuân theo đây mà thi hành, chẳng những có thể mong làm Thánh, làm Hiền, mà cũng có khi thành Phật, thành Tổ nữa. Kẻ hữu chí cùng Đạo này, sao lại chẳng gắng công vậy?
11-TÌNH
Thất tình là lục dục cứ đa mang
Trói buộc thân tâm chịu khổ nàn,
Tự tánh si mê, ai giải-thoát?
Làm sao tỏ đặng mối Linh-Quang?
Linh-Quang xuống thế chịu trầm-luân,
Biết Đạo mà tu mới đáng mừng,
Lấy Tánh soi Tình, Tâm thoát tục;
Ngoài thân còn có cái “Kim-Thân”
Kim-Thân không nhiễm bụi trần-gian,
Không tuổi, không tên, giá ngọc vàng
Đại-Thánh Tề-Thiên vào Thủy-Động;
Thoát vòng cương-tỏa, chí hiên ngang;
Thất tình đã kể ở bài trước rồi (Coi thất tình đã kể ở bài chữ bệnh): hỉ (mừng), thì khí đi chậm, nộ (giận) thì khí đi lên, ai (buồn) thì khí tiêu tan, lạc (vui) thì khí hao tán, ưu (lo lắng) thì khí kết tụ, sầu thì khí đi xuống, kinh (sợ) thì khí loạn động. Hễ khí trái nghịch, thất thường thì nó biến sinh các bệnh. Giả như làm cho lòng bụng bành trướng, có khối hòn, làm cho hông sườn nhức nhối như kim châm, làm cho yết hầu bị nghẹt, làm cho khí lên hóa suyễn, sinh ra năm thứ bệnh tích (ở trong ngũ tạng), sáu thứ bệnh tụ (ở trong lục phủ), theo máu thành bệnh trừng (Trừng là khối hòn có hình thấy rõ, ở cứng một chỗ, đè nó thì nghe cộm tay. Ấy là bệnh đau có khối, có hòn trong bụng mà có hình), theo nước thành bệnh tịch (Tịch là khối hòn ẩn núp ở khoảng giữa hai xương sườn, đè nó thì dường như không có vật gì, mà đến lúc đau lại nghe như có. Ấy là bệnh đau có khối, có hòn trong ngực mà không hình). Đàm dãi vì đó mà ngưng đọng, kết lại như thao càn (đũi), như bầy nhầy không kể xiết. Cho nên kẻ biết tiếp dưỡng, dẫn tình đem về tính. Đó là phương hay để trị bệnh.
Tình là cái phát động đi ra ngoài. Thánh nhân dưỡng nó trước khi chưa động, cho nên hay dùng được tình để thuận muôn vật mà vô tình: vật đi qua mà chẳng nhận có (lấy làm của mình), vật xông tới mà không lưu cầm (tới rồi phóng đi). Tỉ như cái gương sáng chiếu vật: như tốt là vật tốt, chứ chẳng vì đó mà sinh lòng mến; như xấu là vật xấu, chứ chẳng vì đó mà sinh lòng ghét. Cho nên nói: "Quách nhiên nhi đại công, vật lai nhi thuận ứng". Nghĩa là: Rộng rãi mà rất công, vật lại thì đưa xuôi theo vật.
Rất công nghĩa là: ròng rã thiên lý, chẳng có một mảy tà tây theo nhân dục. Đưa xuôi theo vật, nghĩa là: có vật tất nhiên có phép (Muôn vật đều có cái phép nhất định. Kinh Thi nói rằng: "Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bĩnh di, háo thị ý đức". Nghĩa là: Trời sinh ra các sắc dân, hễ có người vật thì có phép tắc. Cái Đạo thường tự nhiên (thọ lãnh nơi Trời) của dân là ưa mến cái đức lành),
làm theo cái lối vô sự.
Sách Định Tính nói rằng: Các món tình của con người, cái nào cũng hay che lấp, cho nên chẳng thể hợp với lẽ Đạo. Đạo khái bởi lo riêng và lại dùng trí. Lo riêng thì chẳng hay lấy vô vi làm sự biến hóa (Chính chữ là ứng tích, nói đủ là ứng hóa thành tích, nghĩa là: tùy cơ duyên mà trong chỗ không lại biến thành có), dùng trí thì chẳng hay dùng minh giác (minh giác là diệu giác chân tâm, linh linh bất muội, liễu liễu thường tri. Sự hiểu biết của minh giác tự nhiên phải hơn trí phàm) làm lẽ tự nhiên.
Người ta nói rằng: Cái tình của người dễ phát mà khó chế, thì có chi hơn sự giận nữa. Nhưng hễ phát giận, cứ quên sự giận, mà xét coi lý phải quấy, cũng có thể thấy những điều ngoại dụ (các điều ở ngoài nó cám dỗ mình) không đủ cho ta ghét, thì đường Đạo đã trải qua hơn phân nửa rồi.
Chu tử nói rằng: "Vong nộ tắc công, quán lý tắc thuận". Nghĩa là: quên giận mới công bình, xét lý thì thỏa thuận. Hai điều này là phương để trở xét vào mình, mà vứt bỏ cái màng che lấp. Người đắc Đạo trong ngoài đều không không vắng lặng, nhờ tịnh mà thường phản quán, chẳng vướng một vật chi hết (không bị tình dục khuấy nhiễu). Được vậy, thân tuy gửi trong cõi trần hoàn, mà tâm đã siêu ra ngoài cảnh vật.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Người xưa nói: Cao hơn hết là quên tình. Mà thật chẳng phải quên tình, ấy là dẫn tình đem về tính vậy. Người hay dẫn tình đem về tính, Nho gọi là thu phóng tâm, Đạo gọi là luyện hoàn đan, lâu ngày công phu già giặn, tự nhiên đặng như như bất động y như Phật vậy chẳng khác.Tôn đại thánh đã vào trong Thủy liêm động rồi, bèn kêu bầy khỉ mà rằng: Chúng bay đến đây, đến đây ắt chẳng còn chịu lấy khí của ông Trời già nữa (Tình thuộc kim. Ngũ hành di thuận thì kim năng sinh thủy, còn ngũ hành di nghịch thì thủy hoàn sinh kim. Kim ở trong nước mà sinh ra, là kim thuộc về tiên thiên, mà tiên thiên thì trời không trái (tiên thiên nhi phất vi). Cho nên Đại Thánh ở trong Thủy liêm động, là chỗ rèm nước bao phủ xung quanh, mới kêu bầy khỉ mà nói: Ai vào đó rồi thì không còn chịu lấy khí của ông Trời già nữa. Ý nói: Người tu hành đem tình đi ngược lại, hay là nói một cách khác: luyện đặng khí tiên thiên rồi, thì sống chết tại nơi ta, chẳng còn do nơi Trời nữa
12-TƯ (suy nghĩ)
Chết phần dục niêm, sống “tư duy”
Đem Tánh về Tâm, Tâm tự tri,
Thanh-tịnh vô-vi, Tâm tức Phật;
Ưng vô sở trụ gọi qui-y.
Qui y Phật-Tánh Đạo tham cầu,
Cõi tục màng chi kiếp sống lâu,
Nếu biết tư duy tầm lý nhiệm;
Tự tâm thanh-tịnh đạt cơ mầu.
Mầu-vi Thiên-Đạo, Đạo do Tâm
Trở lại nguồn đầu ngộ thậm-thâm,
Suy lý năng tư, tham tận lý,
Mới tường Đạo cả chỗ thâm-trầm.
Cái tâm của người phải cho chết, mà bộ máy của cái tâm sống mới quý. Chết là chết về phần dục niệm, sống là sống về chỗ đạo lý.
Nghĩ tức là bộ máy sống của cái tâm. Không ý tà (Không ý tà (tư vô tà) là chủ chỉ của toàn bộ kinh Thi) là cương lĩnh (Cương lĩnh là giềng lưới, là bâu áo, chỉ phần căn bản) của nó, chín điều nghĩ (Sách Luận ngữ nói rằng: "Quân tử hữu cửu tư: thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phận tư nạn, kiến đắc tư nghĩa". Nghĩa là: Người quân tử có chín điều nghĩ: Xem thì nghĩ đến minh bạch, nghe thì nghĩ đến thông suốt, sắc mặt thì nghĩ đến ôn hòa, tướng mạo thì nghĩ đến dịu dàng, lời nói thì nghĩ đến trung tín, phục sự thì nghĩ đến kính thành, nghi ngờ thì nghĩ đến học hỏi, giận thì nghĩ đến nạn khổ, thấy lợi thì nghĩ đến điều nghĩa.) là điều mục (Điều mục là mắt lưới (lỗ lưới), chỉ phần phụ thuộc mà quan trọng) của nó. Nghĩ về đạo lý là chính, nghĩ về vật dục là tà. Đạo là món ta sẵn có, nghĩ về cái Đạo ta sẵn có thì cái nghĩ ấy tức là Đạo. Nghĩ đến chỗ hay, tâm bỗng phát hiểu, khoan khoái vui mừng, gọi là tự đắc. Nếu nghĩ được sâu xa, mà tâm khí hao kiệt, thì chỉ có phần sở kiến (thấy biết), chứ chẳng phải là tự đắc.
Chẳng nghĩ mà được là bậc thánh nhân. Nghĩ mà được là bậc hiền nhân. Chẳng nghĩ, chẳng gắng, gọi là thành, tức là cái lương tri chẳng học, chẳng lo của đứa con đỏ. Chọn điều lành là chọn điều chẳng nghĩ, chẳng gắng này đây mà thôi.
Tâm con người có bảy lỗ, hay bị máu như sợi chỉ tơ, làm cho bít nghẹt. Như muốn khai thông mà chẳng học và nghĩ thì không được. Nghĩ có cái nghĩa xoi phá, tìm tòi. Học có cái công cầu lấy ấn chứng (là dấu tích của người trước để lại làm bằng). Nghĩ và học gồm dùng cả hai (Tử viết: "Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi". Nghĩa là: Đức Khổng tử nói rằng: Chỉ học mà chẳng chịu suy nghĩ thì không biết ý nghĩa sách vở là thế nào, thành ra trong bụng mờ ám. Chỉ nghĩ mà không chịu học, thì không thông sự lý cổ kim mà làm chuẩn đích, thành ra trong bụng nghi, mà không được yên. Nên học phải nghĩ, mà nghĩ cũng phải học mới có ích) thì cầu đạo nào lại chẳng được. Kẻ chưa thông lý tỉ như người đứng day mặt vào vách tường. Nghĩ cũng như phá lỗ trong vách tường. Phá suốt đặng một lỗ, thì thấy sáng đặng một chút. Lỗ này trước nhỏ sau lớn, lâu rồi phá luôn cả tấm vách tường, thì trống rỗng, thông suốt, không còn gì là chướng ngại nữa.
Tuy biết nghĩ cho tột thì có thể làm thánh, nhưng Trình tử có nói rằng: "Tư lự bất chí vu khổ". Nghĩa là: Nghĩ lo không cho đến khổ quá. Chẳng cẩu thả, chẳng khổ quá, mới gọi là thiện tư (biết cách nghĩ).
Người quân tử nghĩ mà chẳng ra khỏi ngôi mình (địa vị, phận sự của mình), gọi là tư (nghĩ). Nếu nghĩ ra khỏi ngôi mình (vẩn vơ), thì gọi là niệm (tưởng). Tư là cửa nhập Đạo, niệm là nguồn chướng Đạo.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Nho nói tư, Thích nói tham, Đạo nói ngộ, đều là danh từ để chỉ cách dụng tâm cầu Đạo.
Tuổi trẻ phải dụng tâm, tuổi lớn phải dưỡng tâm, tuổi giả phải tức tâm (Tức tâm là để cho cái tâm yên nghỉ), thì mới trúng theo phép công phu.Nho nói hóa, Thích nói liễu, Đạo nói đắc, tới đây thì công phu không còn dùng vào đâu nữa".
13-NIỆM (tưởng)
Hay nhơn, hay ngã, niệm liền sanh,
Chấn Pháp, chấp tu, niệm niệm hành,
Dứt niệm, chơn tâm vô quái ngại;
Năng hành, năng đạt chỗ vô danh.
Vô danh vô niệm, trí lương tri,
Niệm Phật tham cầu có ích chi?
Nếu bỏ chơn tâm, cầu Phật chứng;
Tu hoài tu hủy có ra gì
Ra gì một kiếp tu mê,
Quên lối ra đi, mất lối về,
Vô niệm, vô sanh, tâm tự-tại;
Trở về gốc Đạo khỏe trăm bề.
Vì không sáng suốt mà niệm vụt dấy lên, đó gọi là vô minh. Bởi vô minh dấy lên, nên gọi tâm là niệm chớ tâm thật chẳng động. Xét tâm tới chỗ này, thì niệm tự nó dứt. Dứt niệm chẳng khó, hay trở lại lúc một niệm chưa dấy lên về trước, thì niệm tự nó không còn tiếp tục nữa.
Trước khi niệm chưa dấy, thì toàn là vô cực. Như nay muốn rõ lúc một niệm chưa dấy lên, thì phải thường xét coi niệm do đâu mà sinh. Nhân cảnh hiện tại mà sinh ra cảnh quá khứ, nhân cảnh quá khứ mà sinh ra cảnh vị lai. Hiện tại nếu vô tâm, quá khứ tự nhiên dứt.
Ý hay nhân ngã thật là niệm, lòng còn pháp ái (Ái nghĩa là yêu. Ái có hai loại:
1/ Dục ái là cái ái của kẻ phàm phu;
2/ Pháp ái là cái ái lạc thiện pháp của từ bậc Bồ tát sắp lên. Pháp ái lại chia ra hai loại nữa,là:
1/ Bậc tiểu cơ ái Niết bàn cùng là Bồ tát chưa đoạn pháp mà chấp ái thiện, cái pháp ái này phải đoạn nó; 2/ Lòng đại bi của Như Lai cũng gọi là pháp ái, đây mới là cái chân ái vô thượng) cũng là niệm. Phải tận trừ nó, rồi sau mới có thể dụng tâm dứt vọng niệm, vọng niệm trở lại sáng suốt nhiều. Hãy coi thử nó niệm cái chi, thì niệm này tự nó tiêu mất. Tu chân phải dứt niệm, dứt niệm phải xét tâm, xét tâm tâm chẳng có, tâm không cảnh tự không. Tâm cảnh đã không rồi, thì cũng không còn gì là dứt (chỉ), là xét (quán) nữa.
Khuê Phong nói rằng: "Mật mật giác sát, cần cần quán chiếu. Tập khí nhược khởi, đương xứ tức hưu. Thiết mạc tùy chi, miễn lạc phàm phu. Túng tình diệc mạc diệt chi, miễn đọa Nhị thừa". Nghĩa là: Cẩn mật tĩnh mà xét, cần siêng xem thấy rõ. Tập khí (Tập khí là hết thảy các thói quen bị xã hội cảm hóa mà thâm nhiễm.) có dấy lên, xem trúng chỗ liền dứt. Chớ có tùy theo nó, khỏi sa vào nẻo phàm phu. Dục tình cũng đừng diệt, khỏi đọa vô hai thừa (Hai thừa là hai bậc Thinh văn, Duyên giác (trung thừa và hạ thừa))". Theo Viên tông Đốn giáo (Viên tông là giáo lý hoàn toàn chẳng thiếu sót, bao trùm hết các pháp; Đốn giáo là giáo lý dạy người một niệm chẳng sinh tức thị Phật, thành công rất chóng, chứ chẳng phải tu tập lần lần), chỗ cứu cánh là vậy, chỉ tùy thuận (tương ưng) với bản tính, thì giác tri tự nhiên không gián đoạn (lý và trí hợp như có một).
Kinh Tham đồng khế nói rằng:
Nhĩ, mục, khẩu tam bảo,
Bế tắc vật phát dương.
Ủy chí quy hư vô,
Vô niệm dĩ vi thường.
Nghĩa là:
Tai, mắt, miệng ba báu,
Bế ngăn chớ phát ngoài.
Chí đem tại cảnh trống,
Vô niệm giữ thường hoài. (Thân tâm chẳng định là bởi tai, mắt, miệng, ba món độc nó khuấy rối. Lỗ tai nghe tiếng, con mắt thấy màu, miệng nói ra lời, thân tùy tai, mắt, miệng mà dời dạt, tâm do tiếng, màu, lời nói mà động lay. Tâm động thân dời, chân tính không sáng suốt. Tuy hoàn đan đặng rồi, mà pháp thân cũng khó thoát, sao khỏi dương cực âm sinh, tuy đặng mà rốt cuộc rồi lại mất. Nếu bế ngăn ba độc đừng cho nổi lên, phát ra ngoài, thì tam độc có thể đổi lại làm tam bảo, chẳng những không khuấy rối, mà lại giúp ích cho mình nữa. Bế ngăn đây chẳng phải nhắm mắt, nhíp miệng, nhét lỗ tai. Ấy là phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, nghĩa là: điều phi lễ đừng ngó, điều phi lễ đừng nghe, điều phi lễ đừng nói. Chỉ ngó, nghe, nói ròng những điều gì thuộc lễ, tức là bế ngăn con mắt, lỗ tai, cái miệng phi lễ đó. Nói cho cùng cực, thấy màu không biết màu thì mắt bế, nghe tiếng chẳng phải tiếng thì lỗ tai bế, chẳng nhằm hồi không nói thì miệng bế. Nếu biết ngăn đặng mắt, tai, miệng, như vậy thì nội niệm chẳng sinh được, ngoại vật chẳng nhập được, thân tâm tự nhiên chẳng động. "Chí đem" ấy là chẳng không mà "vô niệm" lại là không. Đan thư gọi rằng: "Chỉ diệt động tâm, bất diệt chiếu tâm" là nói vào đây.)
Tức tâm đặng không tâm, là chẳng diệt các tướng của tâm mà để ý phân biệt. Tức niệm mà không niệm (Chữ tức này khác với chữ tức trên kia Tức trên kia là yên nghỉ, còn tức này là xáp gần, hợp một. Tức tâm đặng không tâm, nghĩa là: Chẳng lìa tâm (chẳng ra ngoài cái tâm) nhưng đặng không tâm Tức niệm mà không niệm, nghĩa là: Chẳng lìa niệm mà lại không niệm. Ý nói có mà không, không mà có, chẳng phân biệt có không, không có cùng một gốc (luận về trung đạo)), là bởi niệm không có tự tính (Tự tính hay là tự thể là cái thể tính nhất định), duyên khởi cũng là không (chỉ nói bóng dáng, huyễn hóa).
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Dùng tâm ý dứt niệm, chưa ắt là dứt được. Dầu cho dứt được thì niệm tưởng bỏ ra, mà ý dứt còn giữ. Cái ý dứt này chẳng phải là niệm sao? Cũng như đuổi Trương Tâm mà cầm Lý Tứ vậy (Trương Tam, Lý Tứ là chỉ tên này hay là tên kia, hai người khác nhau mà cũng là người, như bên phương Tây nói Pierre hay Paul vậy, chứ không phải thật chỉ người có tên đó. Hai tên này ở trong bài thi của Vương An Thạch:
Trương Tam câm khẩu trách,
Lý Tứ mạo thiềm trường.Nghĩa là: Cổ áo anh Trương Tam hẹp, vành nón chú Lý Tứ rộng). Người mới học Đạo mỗi khi mắc bệnh đó, thì phải làm sao? Có phải là tọa vong (ngồi quên) chăng ("Tọa vong" của Nho cũng như "tọa thiền" của Phật, đồng nghĩa chẳng khác. Nhan Hồi nói rằng: "Đọa chi thể, truất thông minh, ly hình khử trí, đồng ư đại thông, thử vi tọa vong." Nghĩa là: buông thân thể, bỏ thông minh, lìa hình dẹp trí, đồng với bậc đạt thông (Người thông biết hơn hết, tức là chỉ Thượng đế), đó gọi là ngồi quên (sách Trang tử))? Quên thì không có ta, ta kia còn không có, ai lại dấy niệm đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét