NGUYỄN MINH THIỆN
3-THIÊN ĐỊA
Đại Đạo vô hình, khó phát minh,
Nhìn cơ Trời Đất, học tâm linh
Minh tâm nghiệm xét cơ huyền nhiệm,
Mà biết Đạo Cao để giữ gìn.
Đất Trời muôn thuở rộng thiên-nhiên
Mở máy Âm Dương học Đạo Thiền,
Mở mặt “Tam Tài” trong vạn vật;
Thoát ly trần cấu mới làm Tiên
Tánh Mạng là căn Đạo nhiệm mầu,
Song tu Tánh Mạng khỏi tha cầu,
Đất Trời gồm đủ, thông giềng mối;
Chánh Pháp do “Tâm” đạo thượng đầu.
Đại Đạo không có hình, Trời Đất là cái Đạo có hình. Trời Đất không nói ra lời. Thánh nhân là Trời Đất nói ra lời. Thánh nhân ta không đặng giáp mặt với các ngài, chớ không phải là không thấy kinh sách. Thấy kinh sách mà rõ được nghĩa lý, thì có khác chi thấy Thánh nhân đâu?
Trời sinh hình thể ta, Trời phú bản tính ta, trong ngoài chi chi đều là của Trời, thì ta đâu dám trái vặn. Ta ở trong cảnh Trời, Trời ở trong tâm ta. Ai thấy Trời Đất mà bắt chước cái thanh tịnh, thì đối với Đại Đạo không hai. Có một chút ý riêng, thì mang tội chẳng nhẹ. Hình thể có tính thiên nhiên; noi tính thiên nhiên mà hành, thì tự nhiên không bị lụy về nhân dục. Việc làm mỗi ngày có phép nhất định: giữ phép nhất định mà cử động, thì ắt khỏi lỗi bởi trái quy (trái phép tắc, quy củ).
Một động, một tịnh, cái Đạo của người chẳng có giờ nào là không cùng Trời Đất tương hợp.
Một hô, một hấp, cái khí của người chẳng có giờ nào là không cùng Trời Đất tương thông.
Thường thấy mặt trời lặn xuống đất là cái tượng trưng của tâm hỏa hạ giáng. Còn mặt trăng mọc giữa trời là cái biểu hiệu của thận thủy thượng thăng. Ngửa mặt lên xem ngôi Bắc thần (Sách Luận ngữ nói rằng: "Vi chánh dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở như chúng tinh cũng chi". Nghĩa là: Trị dân lấy đức ví như ngôi Bắc thần ở chỗ mình (không động), mà các vì tinh tú đều chầu chực chung quanh ngôi ấy vậy. Ý nói: "Bất động nhi hóa, bất ngôn nhi tín". Nghĩa là: Ở một chỗ mà cảm hóa, không nói rằng mà thiên hạ tin. Chu tử nói rằng: Bắc thần là chỗ trung gian, không có tinh tú, mà cũng chẳng động chút nào. Bắc thần đã không tinh tú, mà người ta muốn lấy nơi đó mà làm cực điểm, thì không lẽ chẳng có cái gì để nhìn cho biết. Bởi cớ mới chọn một vì sao nhỏ ở một bên mà gọi là Cực tinh (Từ nguyên). Kỳ thật, vì sao nhỏ này cách Bắc thần, về bên hướng Bắc, một độ. Bắc thần chẳng phải là Bắc đẩu như nhiều người hiểu lầm, chính là ngôi Tử vi ở trung ương, chủ tể hết các vì tinh tú.), tuy thấy nó ở một chỗ, mà các vì tinh tú đều chầu xung quanh. Ngôi này gọi là Thiên xu, tức là then chốt của Trời.
Trời đã có then chốt, lấy đó mà làm căn bản cho Tạo hóa. Người cũng có then chốt, lấy đó làm nguồn cội cho tính mạng. Cũng thời người như nhau, mà có người gọi là đại nhân, ấy là đức mình hợp với đức của Trời Đất vậy.
Thử xét coi cái tâm ta và cái tính ta có hợp với Trời Đất là bao nhiêu. Chỗ nào hợp thì cố gắng thêm, chỗ nào không hợp thì mau sửa đổi. Như thế có lo gì không làm đến bậc đại nhân.
Trời sinh, Đất thành, là đại phụ mẫu của chúng ta. Trời động, Đất tịnh, là đại sư giáo của chúng ta. Thánh Hiền đã qua là con thảo Trời Đất, còn Thánh Hiền sẽ đến là cháu hiền của Trời Đất. Ai hay yêu cha mẹ mình, thì đức lớn sẽ đặng mạng Trời làm vua (như vua Thuấn) hoặc đặng ban Đại Đạo. Ai hay kính thầy dạy mình, là học từ bậc thấp mà lên bậc cao.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Người không sợ Trời là vì thấy Trời ở xa. Cái điểm quan trọng của bài này, bất quá có một câu: Trời ở trong tâm ta. Con người nếu thật biết rằng Trời ở trong tâm mình, dám không sợ sao? dám không kính sao? Sợ, kính lâu rồi thì mới có thể minh tâm, có thể kiến tính, có thể thành Phật, có thể làm tổ. Chỉ lo một điều là biết rồi quên rồi đó sao.
4-NHÂN-SINH
Nhơn-sanh là giống của trời gieo
Xuống thế si mê chịu phận nghèo
Nghèo tánh, nghèo tâm, nghèo đạo-đức;
Mau tìm Đạo-Lý thoát cơn eo.
Cơn eo đeo-đẳng chịu thân hèn
Tánh tục, tâm phàm, sống đã quen
Muốn biết con đường về cội phúc
Tìm Thầy chỉ mối Đạo Thiêng-Liêng
Thiêng-Liêng ân độ kẻ chơn tu
Mở khóa phàm n thoát ngục tù
Một kiếp “Chơn-Thân”là vĩnh kiếp
Bỏ đời qua Đạo tiến êm ru.
Nhân sinh là Thái cực. Thái cực động thì sinh dương làm hỏa, hỏa là thần. Thái cực tịnh thì sinh âm làm thủy, thủy là tinh. Thần hỏa, tinh thủy hợp đúng phép thì kết lại làm căn bản cho nguyên khí, ở giữa khoảng hai trái thận.
Chúng ta trước khi sinh ra, cái khí bẩm thanh trọc là do nơi Trời phú, chứ con người không can dự việc đó. Mà khi đã sinh rồi, cái nhân phẩm tà chính do nơi người tạo ra cho mình,
chứ Trời chẳng chủ trương được nữa.
Trời Đất sinh người, hạng thượng trí vẫn ít, mà hạng hạ ngu cũng ít, duy có bậc trung nhân rất nhiều. Trung nhân hay tự cường, nghĩa là ráng hết sức mình, cùng thượng trí sẽ đồng bậc. Trung nhân mà tự khí, nghĩa là đánh liều thân mình (nhận mình là kẻ vô dụng,
không muốn làm gì) cũng hạ ngu chẳng khác chi.
Nay người ta chỉ biết mình là nhờ cha mẹ sinh ra, mà chẳng biết ta và cha mẹ ta, cùng Trời Đất, đều nhờ Đạo sinh ra. Cho nên người quân tử trước phải cầu Đạo, đặng rồi mới không hổ với Trời Đất, thẹn với cha mẹ.
Tử Cống nói rằng: "Cái Đạo của vua Văn, vua Vũ chưa sa tới đất (mất biệt), còn ở nơi người" (Tử Cống viết: Văn Vũ chi đạo vị trụy ư địa, tại nhân (Luận ngữ, chương 29)). Chẳng phải nói người đời Xuân Thu mà thôi, cũng chỉ người đời nay. Chẳng phải nói người đời nay mà thôi, cũng chủ người đời sau nữa.
Nhất nhân sinh lai hữu nhất thân,
Nhất thân giai hữu nhất chân nhân.
Chân nhân linh diệu thông thiên địa,
Chân nhân thanh tịnh vô ai trần.
Chân nhân tự cổ bất tăng giảm,
Chân nhân từng lai mạc tử sinh.
Đãn năng dưỡng đắc chân nhân tựu,
Thắng như bần tử hoạch vạn cân.
Nghĩa là:
Mỗi người sinh ra có một thân
Một thân đều có một chân nhân.
Chân nhân linh diệu thông Trời, Đất,
Chân nhân tịnh thanh dứt bụi trần.
Chân nhân từ trước không tăng giảm,
Chân nhân đến nay chẳng tử sinh.
Chỉ lo dưỡng được chân nhân ấy,
Hơn đứa khó nghèo gặp vàng cân.
Mạnh tử nói rằng: Chỗ con người ta khác với loài cầm thú, chỉ có một chút. Kẻ thứ dân bỏ ra, còn người quân tử giữ lấy chút ấy (Mạnh tử viết: Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, kỉ hi; thứ dân khử chi, quân tử tồn chi. (Mạnh tử, chương 22)). Chút ấy là chân tính hoặc gọi là chân nhân như trên đó cũng được. Giữ nó thì thành Thánh, thành Hiền, bỏ nó thì làm chim, làm thú. Đương lúc bỏ nó ra, tức thì biến làm chim, thú (biến trong tâm), chẳng phải đợi chết rồi hay là đến kiếp sau.
Như nay Trời có ngũ hành, là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Chẳng ngừng gọi là hành (đi). Nếu ngừng một chút, thì hết gọi là hành nữa.
Như nay người có ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chẳng biến đổi gọi là thường. Một niệm vừa biến thiên, thì hết gọi là thường nữa.
Nhưng ngũ hành, ngũ thường này đều có đủ trong mình ta, tức là ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận (Trái tim, lá gan, lá lách, buồng phổi, trái cật. Tì là lá lách, chứ chẳng phải bao tử. Bao tử, tàu gọi là vị. Tì là tạng, vị là phủ. Vì tì vị cả hai đều thuộc về bộ phận tiêu hóa, nên người ta hay nói luôn tì vị). Ngũ tạng đây là gốc lớn sinh con người. Nếu phạm đến gốc lớn này thì không thể nào sống được. Cho nên thầy thuốc rành nghề trị bệnh, thì trước phải điều hòa ngũ tạng. Khi phát ra trong việc làm hằng ngày thì gọi là ngũ luân: Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu (Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn). Ngũ luân này là cái đạo thông dụng trong thiên hạ. Bỏ cái đạo thông dụng nói đây, thì còn gì là con người nữa. Cho nên các tiên vương dạy người, thì trước lo chỉ rõ cái lý ngũ luân. Còn người đời nay có kẻ quên thân thể, bỏ nhân luân để mà cầu Đạo. Thiệt họ chẳng biết cái quấy đó. Kẻ thế thấy vậy thất kinh lấy làm quý lạ, mà tôn sùng hạng người ấy, thì cũng là không biết cái quấy đó nữa.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Khí bẩm có thanh trọc là do nơi Trời, nhân phẩm có tà chính là do nơi mình. Chỗ này nói ra được rất hay. Một lúc có ngừng, không thể gọi là hành. Một niệm vừa biến, không thể gọi là thường. Chỗ này nói ra được lại càng hay hơn nữa"
5-LÃO (già)
Mang thân “Tứ-Đại” trẻ rồi già
Một mảnh thân gầy xương bọc da,
Có tử, có sanh, bịnh khổ lão;
Cuộc đời “Bất-Tử” kiếm đâu ra?
Đang lúc thanh xuân nhớ tuổi già
Thiều-quang thấm-thóat lẹ đi qua
Chẳng hành Đạo-Pháp mà siêu xuất;
Chớ trách vô-thường bạc với ta
Kề tai nhắn nhỏ bạn tri-âm
Đạo-Pháp năng tri lý diệu thâm
Chẳng sợ tuổi già tu chẳng kịp;
Vô-Vi thanh-tịnh đạt âm-thầm.
Người đều nói: Người tới 60 tuổi, mỗi năm thấy già thêm một chút. Người tới 70 tuổi, mỗi tháng thấy già thêm một chút. Người tới 80 tuổi, ngày ngày đều thấy già thêm. Nghĩa là:
càng lớn tuổi, càng thấy mau già.
Ta nay đã trên 80 tuổi rồi, thì còn làm gì nữa? Từ đây về sau, sống thêm được một ngày, ấy là Trời ban ơn cho một ngày, dám để cho nó luống mất sao?
Nay dẫu đắc Đạo, cũng đã trễ rồi, há dám để trễ thêm nữa sao?
Xưa kia, ba ông già bàn đến việc đời vô thường (không bền bỉ). Có một ông già nói rằng:
Kim niên tửu tịch diên tiền hội,
Bất tri lai niên hựu thiếu thùy?
Nghĩa là:
Năm nay tiệc rượu cùng ăn uống,
Chẳng biết sang năm, thiếu mặt nào?
Ông già khác lại nói: Ông nói xa vời lắm.
Kim vãn thoát hạ hài hòa miệt,
Bất tri thiên minh xiêng bất xiêng?
Nghĩa là:
Tối nay giày vớ cởi ra hết,
Chẳng biết sáng ngày, xỏ lại không?
Ông thứ ba bèn nói: Ông nói cũng còn xa!
Giá khẩu khí ký nhiên xuất khứ,
Bất tri tấn lai, bất tấn lai?
Nghĩa là:
Hơi thở này đây phì khỏi miệng,
Chẳng hay trở lại hoặc đi luôn?
Người trí chẳng để mất ngày giờ, kẻ dũng chẳng để tính hai lần. Ngày nay biết Đạo, thì ngày nay phải hạ thủ. Giờ này biết được, thì giờ này tức là giờ hạ thủ. Nếu nói: Nay chưa đặng rảnh, để chờ ngày khác, thì ta e cho tới khi muốn thi hành, lại không đủ ngày giờ mà thi hành đó.
Con người có ba báu là: Tinh, khí, thần. Đến khi già rồi, thì e cho tinh khô, tinh khô ắt phải chết, e cho khí tán, khí tán ắt phải chết, e cho thần lìa, thần lìa ắt phải chết.
Tinh làm sao chẳng khô, có phải xa sắc chăng?
Khí làm sao chẳng tán, có phải ít nói chăng?
Thần làm sao chẳng lìa, có phải vô dục chăng?
Thần chẳng phải ép cầm ở lại được. Tâm tức (tâm ý và hơi thở) nương nhau, thì thần tự nhiên ở lại.
Khí chẳng khá hao tán. Chớ hay nói, giữ mực "trung", thì khí chẳng tán.
Tinh chẳng khá lọt mất. Đem tinh bổ óc, thì tinh chẳng lọt.
Có kẻ hỏi: Người già khí huyết đã suy, làm sao mà bổ nó được?
Đáp:
Cẩn thận lời nói, có thể bổ phế,
Ăn uống độ lượng, có thể bổ tì.
Tuyệt hết tư lự, có thể bổ tâm,
Trừ bỏ giận hờn, có thể bổ can.
Đoạn đức dâm dục, có thể bổ thận.
Xin chỉ thêm cho rõ!
Trả lời: Chẳng lo không bổ, duy lo bổ mà rồi lại tổn. Cho nên tôi thường nói: Một trăm ngày bổ mà chẳng thấy có dư, một mai tổn rồi thì liền nghe chẳng đủ. Mùa xuân xem cây cỏ, nhành là xum xuê. Đến cuối thu, lá rụng, sự sống về cội. Nhờ về cội mà cây chẳng chết, nên xuân tới cành lá lại nẩy sinh.
Cứ đây mà xét, thì sinh sinh chẳng cùng là Đạo của Trời vậy. Thứ nào về cội nấy là lý của mọi vật. Biết lý này mà chẳng trái với Đạo này, thì phải chỉ có bậc chân nhân không? Cho nên nói: "Chân nhân chi tức dĩ chủng" (Trang tử nói rằng: "Chân nhân chi tức dĩ chủng, chúng nhân chi tức dĩ hầu". Nghĩa là: Chư tiên thở ở tại gốc (ý nói thở sâu, tới đan điền), còn chúng sinh thì thở ở yết hầu (ý nói thở ngắn, chẳng khỏi cổ)), chữ chủng như chữ căn (cội gốc). Ba tháng mùa đông là lúc trở về cội, thì phải tịnh để dưỡng cái gốc sinh.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Tâm tức nương nhau, chớ hay nói, giữ mực "trung", đem tinh bổ óc, thì ba báu bền chặt. Cẩn thận lời nói, ăn uống độ lượng, tuyệt hết tư lự, trừ bỏ giận hờn, đoạn đứt dâm dục, thì ngũ tạng đủ đầy. Ba báu đã bền chặt, ngũ tạng lại đủ đầy, có lý nào chẳng đặng diên niên ích thọ (thêm tuổi sống lâu) hay sao?
6-BỆNH (đau)
Bịnh là nổi khổ của nhơn sanh,
Vướng mắc triền-miên nợ ngũ-hành
Học phép dưỡng-sinh mau giải-thoát
Trợ an bản thể khỏe hồn linh.
Linh tánh vương mang bịnh khổ trần,
Thất tình lục-dục hại chơn thân,
Pháp-luân thường chuyển hằng khai giảI,
Tụng niệm Nam-Mô nhớ dưỡng thần.
Thần khí qui căn, bịnh dứt liền,
Mới hay phép báu của Thần Tiên,
Trước lo giải bịnh cho cơ thể
Sau vượt sông mê cậy “Pháp-Thuyền”
Bệnh do đâu mà sinh? Đều bởi vọng tưởng mà sinh phiền não. Phiền não đã sinh thì phía trong thương tâm. Tâm bị thương thì không dưỡng được tì, cho nên không thèm ăn. Tì hư thì khí ở trong phế kém khuyết nên mới sinh ho hen. Ho hen thì thủy khí tuyệt lần, nên mộc khí chẳng sung, tóc đỏ gân bại. Bệnh truyền khắp ngũ tạng thì con người phải chết.
Con người đương lúc vọng tưởng mới động, tức là lúc tật bệnh phát sinh. Người nay chẳng xét, chờ có đau nhức trong mình, mới cho là có bệnh, mà không rõ cái nguyên nhân của nó phát ra chẳng phải hôm một mai gì. Kỳ thật, bịnh lần lần đến cho mình.
Bên ngoài cái thân của con người, thì có lục dâm là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa (gió, lạnh, nóng, ướt, ráo, lửa). Còn phía trong thì có thất tình là: hỉ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh (mừng, giận, buồn, vui, lo, khiếp, hoảng) (Tưởng nên theo thất tình trong sách Lễ là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, đúng hơn vì giống với kinh Phật là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, tắng, dục. Chữ ai với chữ ưu tuy khác, mà cũng đồng một nghĩa là: buồn. Còn ố, tắng, cũng đồng một nghĩa là: ghét).
Do thất tình mà bịnh, là bịnh nội thương, đó là chứng bất túc (chẳng đủ). Do lục dâm mà bệnh, là bệnh ngoại cảm, đó là bệnh hữu dư (có dư). Bất túc là bệnh hư tổn, thiếu sức, thì phải bổ. Hữu dư là bệnh nhiễm tà khí ở ngoài, thì phải tả (xổ). Khí huyết hậu thiên thuộc về hữu hình, thọ thương mà bị bệnh, nếu chẳng phản quán (Phản quán nghĩa là: xem ngược vào trong, đem tâm phóng ra ngoài trở lộn về) tịnh dưỡng thì chẳng mạnh được. Mười vị đại danh y trị bệnh thân người,
Tam Giáo Thánh nhân trị bệnh tâm người.
Người thân bằng có bệnh, ta biết đi viếng thăm. Còn tự mình có bệnh, lại không biết viếng xem mình. Nếu biết tự viếng xem mình: ở trong thì vô tâm, ở ngoài thì vô thân. Tâm thân đều không, thì ai đâu thọ bệnh, ai đâu không bệnh? Ai thấy được cái lý đó rõ ràng, thì tự nhiên vô sự.
Thường tưởng lúc bệnh, ắt tình trần lần thấy giảm. Thường lo ngày chết, thì lòng Đạo tự nhiên sinh.
Xưa kia, Tử Nguyên có tâm bệnh, gặp một vị cao tăng kêu mà rằng: Cái bệnh của ngài khởi tại phiền não, mà phiền não sinh nơi vọng tưởng. Vọng tưởng có ba thứ:
1. Hoặc nhớ đến sự sang hèn, ân oán, một hai chục năm trước, cùng các thứ tình tự vẩn vơ khác. Đây là quá khứ vọng tưởng, nghĩa là vọng tưởng về sự qua rồi.
2. Hoặc việc xảy ra trước mắt, có thể xui theo một bề, mà lại cưỡng cầu sinh ra ý kiến nọ kia, dụ dự chẳng quyết. Đây là hiện tại vọng tưởng, nghĩa là vọng tưởng về sự bây giờ.
3. Hoặc trông mong ngày sau giàu sang theo như lòng mình sở nguyện, hoặc trông mong con cháu vinh vang kịp thời, cùng là những việc không thể nên được, không thể có được. Đây là vị lai vọng tưởng, nghĩa là vọng tưởng về sự xảy đến.
Ba thứ vọng tưởng này khi sinh, khi diệt. Thiền gian gọi là huyễn tâm. Hay xét thấy chỗ vọng này, thì nó liền tiêu diệt, Thiền gia gọi là giác tâm. Cho nên nói: "Chẳng lo niệm dấy lên, duy sợ giác trễ chầy; niệm dấy lên là bệnh, không tiếp tục là thuốc".
Vị cao tăng lại nói rằn: Cái bệnh của ngài cũng là thủy hỏa chẳng giao. Phàm nịch ái giai nhân mà làm việc hoang dâm, đó là cái dục ngoại cảm. Hoặc đêm tư tưởng giai nhân mà thành ra mộng mị di tinh, đó là cái dục nội sinh. Nhiễm lấy hai cái dục này, thì hao tán nguyên tinh. Nếu bằng đoạn nó được thì thận thủy tự nhiên được tươi nhuần, mới có thể lên giao với tâm.
Còn tư tưởng tìm kiếm chữ nghĩa, bỏ ngủ quên ăn gọi là lý chướng. Lo lắng về chức nghiệp, mà chẳng kể gì cực nhọc, gọi là sự chướng. Hai điều này chẳng phải thiệt là nhân dục, mà cũng tổn tính linh. Nếu hoà hoãn mà làm mỗi việc, thì tâm hỏa chẳng lên đốt nóng, mới có thể xuống giao cùng thận. Cho nên lục trần chẳng hiện duyên cảnh, lục căn không chỗ phối hợp, trở ngược về một nguồn, thì lục thức không còn đi ra ngoài nữa.
Tử Nguyên y theo lời, ở riêng trong một thất, dẹp sạch hết muôn duyên, ngồi tịnh trên một tháng, thì bệnh tâm đâu mất.
Tự gia hữu bệnh, tự gia trị,
Ký tri tu yếu tảo thời y.
Thoản nhược kỵ y, chung úy bệnh,
Vô thường lâm đáo, hối truy trì.
Nghĩa là:
Tự mình có bệnh, tự mình hay,
Đã biết thì nên chữa trị ngay.
Bằng sợ thuốc này, dấu bệnh nọ,
Vô thường đến viếng hối là chầy.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Có câu ngạn ngữ: "Tâm bệnh khó chữa". Chẳng phải thật khó chữa, tại chẳng biết được phép, chẳng làm theo phép đó thôi.
Tam Giáo Thánh nhân giỏi trị tâm bệnh, một lời nói có thể làm kim chỉ nam cho kẻ mang tâm bệnh. Mà có ai tin theo đó đâu, có ai làm theo đó đâu!
Xưa kia, làm quan giữ cửa ải, tôi mang chứng tì hư hạ tiết (tì yếu, ỉa rót). Năm năm, thở hơi thỏn mỏn, uống thuốc nào cũng không thấy hiệu nghiệm, muôn phần không kể sống lấy một. Tôi bèn phế hết nhân sự, ngồi tịnh phản quán, thung dung xem bộ Tâm kinh. Một trăm ngày, đọc luôn cuốn kinh thì bệnh tôi liền mạnh.
Đó là phương pháp kỳ diệu tôi đã kinh nghiệm, nên mới đem ra mà công bố với ai là người có bệnh trầm trệ như tôi vậy.
7-TỬ (Chết)
Thế nhân cam chịu “tử” và “sanh”
Cứ xuống, cứ lên, chẳng học hành,
Hành pháp huờn sinh về bến giác;
Trăm năm đấm tục khổ thì đành.
Đành lòng chậm tiến bởi do ai?
Học phép “Trường-sanh” rõ biệt tài,
Nhứt điểm Linh-Quang không thoái-hóa;
Lên thang Thượng Phẩm khỏe dài dài
Dài lâu cõi thọ đắc vô-sinh.
Chánh pháp vô vi độ lấy mình
Mình thoát lệ thường nhờ dũng chí
Vén màn sinh tử vẹt vô minh
Con người đương lúc khí huyết cường tráng, cái chí buông lung, thuận theo lục dục, thì có điều gì chẳng dám làm. Đến khi khí huyết thọ hại, trăm bệnh nảy sinh, thì giờ chết sắp đến. Dẫu có con cái đầy nhà, thế cũng chẳng được; vô số tiền bạc, lo cũng không kham. Tới chết mơí ăn năn, thì việc đã trễ rồi. Ai không sợ chết, mà phải sợ trước khi chết kìa. Nếu chờ tới giờ sắp chết mới sợ chết, thì chết khó mà khỏi được. Ai không sợ bệnh, mà sợ bệnh trước khi bệnh kìa. Nếu đợi tới lúc mang bệnh mới sợ bệnh, ắt bệnh khó mà trị được.
Thử xem trong thiên hạ, có vật gì trọng hơn tính mạng nữa không? Thử xem trong thiên hạ có cái gì, lớn hơn sinh tử nữa không? Chẳng có người nào không ham sống, nhưng lại chẳng ham cái đạo trường sinh. Chẳng có người nào không ghét chết, nhưng lại chẳng ghét việc làm giục chết.
Con người ở trên thế, việc này nối việc kia, phải chờ chết mới hết việc. Nếu chờ đến lúc sắp chết, thì có phương pháp nào mà tránh khỏi cái chết được? Chi bằng sớm kiếp hồi tâm, đem mọi sự trần duyên, buông bỏ hết một lượt, làm người trường sinh xuất thế, chẳng là hay hơn sao?
Có kẻ hỏi: Trần duyên vương vấn, lâu tháng chầy năm, một mai buộc phải buông bỏ hết, chẳng là khó lắm chăng?
Đáp: Chỉ tại người chẳng khứng buông bỏ, cho nên nói khó. Chứ như chết rồi, có gì mà không buông bỏ chăng? Nay tuy chưa chết, phải tạm coi như chết rồi, buông bỏ hết một lượt, thì có chi không hay?
Lại hỏi: Buông bỏ là buông bỏ cái chi?
Đáp: Buông bỏ là buông bỏ cái hạt giống sinh ra tứ đại, ngũ uẩn, tình thức. Người chân tu hành, giống như kẻ chết hẳn một phen, rồi sống lại mới là tốt cho. Người chết hẳn là người không bị thế giới vấn vương, chứ không có đạo lý chi huyền diệu cả. Phải trọn yên tịnh như thế đó mới là phải. Câu: "Sớm mai nghe đạo, chiều chết cũng đành" (Tử viết: Triêu văn đạo, tịch tử khả hỉ. (Luận ngữ, chương 4)) là lời đức Phu tử dạy người rất cấp thiết, vì ngài cho rằng bậc thượng sĩ nghe Đạo, trong khoảnh khắc, liền thoát sinh tử.
Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Người xưa nói:
Cư thế tận tùng mang lý lão,
Thùy nhân khẳng hướng tử tiền hưu.
Nghĩa là:
Người thế bôn ba già mòn sức,
Mấy ai thấy chết chịu dừng chân.Nếu có kẻ thấy cái chết trước mặt kia mà dừng bước lại, thì chẳng những hoãn được sự chết, mà còn có thể thoát khỏi sinh tử nữa
8-KHỔ (cực nhọc, đau đớn)
Tứ khổ vương mang một kiếp trần,
Bởi vì không biết phép tu thân,
Chẳng thương giá-trị “Người cao quí”.
Nên mãi trả vay lắm nợ-nần.
Nợ nần cõi thế cứ triền-miên,
Giải khổ nhờ tâm biết định thiền
Nhìn lại giả trần, cơn đại mộng;
Vô-vi bí-yếu, phép Thần Tiên.
Tiên Phật cũng tu một phép nầy,
Minh tâm, kiến tánh, nội nhiêu đây
Tam-hoa, Ngũ-Khí, trường-sanh được;
Xuất tánh Chơn-Như bái-yết Thầy
Con người ta chỉ có một chữ ái (ưa, mến), mà không trừ bỏ đi được. Mến danh lợi thì bị danh lợi ràng buộc, mến tửu sắc thì bị tửu sắc ràng buộc, mến thân gia (thân mình, nhà cửa) thì bị thân gia ràng buộc, mến con cháu thì bị con cháu ràng buộc. Nó đem cái chân tính này, ràng qua buộc lại, điên đảo đảo điên, lên xuống cõi nhân gian hoài, mà chịu không biết bao nhiêu sự khổ.
Chân tính thọ phụ tinh mẫu huyết mới kết thành thai. Cái y bào (cái bọc bao đứa nhỏ trong bụng mẹ) cũng như khám tối, câu thúc thân hình. Hễ mẹ ăn món nóng, như nước sôi đổ xối vào mình; hễ mẹ ăn đồ lạnh, như nước đá tẩm dầm thân thể.
Đến lúc khí đủ thay đầy, thì phải tung mà ra cho kịp. Vậy trước phải động phá cái y bào, vài ngày cái bọc đó mới rách. Người ta chỉ biết sự thống khổ của người mẹ chuyển bụng, mà chẳng biết đứa con cũng chịu khổ sở vô cùng. Tới khi sinh ra rồi, đứa con khóc oa oa lên một tiếng, thì cái khổ ở trong thai dứt từ đó. Cái khổ với thân này lại tiếp theo đó liền: trong thì lo đói khát, ngoài thì sợ lạnh nóng, biến ra các thứ đậu chẩn, nối nhau mà phát hiện. Đó là cái khổ hồi lúc còn nhỏ.
Tới chừng nên người, lại có sự nghiệp. Làm vua chúa thì phải lo cho xã tắc, làm kẻ sĩ thứ thì phải lo cho thân gia, ngày đêm lao khổ, nằm ngồi chẳng an. Năm thứ hỏa đều dấy động, đốt hết khí thiên hòa, thì tật bệnh theo bên mình chẳng ngớt. Con người ta trước chịu cái khổ bệnh, sau tới cái khổ chết, rốt có cái khổ báo ứng, muôn kiếp luân chuyển, không lúc nào ngưng.
Thích giáo nói rằng: Ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, cầu bất đắc khổ; nghĩa là: thương nhau mà lìa nhau là khổ, ghét nhau mà hợp nhau là khổ, có việc cầu xin mà không đặng là khổ. Nay người chịu khổ não, đều là mình làm mình chịu. Có kẻ lầm không biết mà vào chỗ khổ, có kẻ biết rõ là khổ mà cũng không thoát khỏi được.Ngạn ngữ nói rằng: Chớ có cưới vợ sớm, cưới vợ rồi sẽ có việc khó! Có nói thi đỗ cao, thi đỗ rồi sẽ chịu nghiệp to! Chớ nói cày cấy no, cày cấy rồi sẽ gặp khổ nhiều! Chớ nói người tu sướng, người tu rồi sẽ biết tâm khó
Có kẻ hỏi: Cái khổ của người thế phần nhiều ở thân thể, còn cái khổ cuả người học Đạo chỉ ở trong tâm: không có dây mà tự mình trói buộc; không có việc mà tự mình lật đật; muốn thu, thu chẳng đặng, muốn phóng, phóng chẳng đi. Vậy phải làm sao?
Đáp: Kẻ học đó chưa đặng chân truyền nên mới chịu khổ như vậy. Nếu đặng chân truyền thu hay là phóng đều tại nơi ta, thì có gì là khổ nữa? Huống học Đạo là cái pháp môn an lạc. Phàm theo Đạo mà nói khổ, tức là ngoại đạo rồi.Bạch-Tẫn lão-nhân nói rằng: "Người thế thường đàm luận, rằng lúc con người lọt ra khỏi lòng mẹ, sao cũng khóc oa oa vài tiếng, thì đủ thấy từ đó về sau, đều là cảnh khổ. Tôi lại nói: Chẳng phải vậy. Bởi mê thất chân tính, lòng muốn chẳng toại, cho nên trăm khổ dồn dập. Nếu khứng hồi tâm xu hướng về đạo đức, muôn vật đều có đủ trong mình ta, thì có cái vui nào lớn bằng! Làm sao mà có khổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét