Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Ngày công khai đạo Cao Đài tại Miền Trung

Trước hết, tôi thay mặt Hội Thánh tạ ơn Đấng Thượng Đế Chí Tôn luôn dắt dìu Hội Thánh vững bước trên đường sứ mệnh suốt 70 năm qua. Chúng tôi vô cùng hoan hỉ đón tiếp chư quý vị đã quang lâm tham dự lễ Kỷ niệm 70 năm ngày công khai Đạo Cao Đài tại Trung kỳ. Xin thành kính chào mừng quý Anh Chị lớn trong Đại Đạo, chào mừng quý quan khách, Đại biểu Chính quyền, quý nhân sĩ thiện trí thức, quý đồng bào. Xin hân hoan toàn thể Chức sắc, Chức việc, đạo tâm, quý Tu sĩ và các em Gia đình Đạo chúng. Đạo Cao Đài được Đấng Thượng Đế Chí Tôn khai mở trên quê hương Việt Nam vào năm 1926 (Bính Dần), nêu cao tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhứt” với quan điểm vạn pháp đồng tông, vạn giáo nhất lý; tiến đến mục đích xây dựng cảnh đại đồng tại thế gian và siêu thoát xuất thế gian. Chính Đấng Thượng Đế Thái Cực Thánh Hoàng chưởng quản Càn Khôn vũ trụ đã tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, dùng điển quang đặt quyền pháp vào ngôi Thầy để khai mở Tam Kỳ Phổ Độ, phất cao ngọn cờ Đại Đạo, đưa loài người trở lại với thương yêu, cùng nhau dắt dìu về đường phục sinh trong buổi đời mạt tận. Quyền pháp đó là ân phước to lớn ban truyền cho toàn cầu mà nước Việt Nam nhỏ bé được chọn làm đất Thánh, dân tộc Việt Nam yếu nhược được chọn làm dân Thánh để từ đó khuyếch trương mối Đạo Trời ra năm châu bốn bể.

Bằng nhiều phương thức vận chuyển, Thầy và các Đấng Thiêng Liêng đã khơi Đạo mạch khắp miền Nam, rồi đưa về Trung và tiếp truyền ra Bắc. Trong nước xong rồi, sẽ phổ độ ra nước ngoài như lời Thánh giáo đã minh định:

“Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà;
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn Đạo một mình Ta!”

Khi ngọn cờ Cao Đài đã phất phới cùng khắp Nam kỳ từ Tây Ninh đến Lục tỉnh, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, đến miền Đông đất đỏ, quý tiền bối muốn truyền Đạo ra Trung, nhưng không thuận lợi vì Chính phủ Nam Triều cấm Cao Đài với sắc dụ số 10: “Nhất thiết Cao Đài thư tịch bất đắc truyền bá Trung Kỳ”. Cho đến năm 1934 (Giáp Tuất) trở đi, mối Đạo mới được âm thầm truyền bá ra các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đặc biệt tại Quảng Nam, Thượng Đế Chí Tôn cho Đức Lý Giáo Tông lập bộ phận Phò loan Tứ Linh Đồng Tử, trao sứ mạng phổ thông Chơn Đạo Trung Châu. Bộ phận Tứ Linh Đồng Tử là đoàn sứ giả non trẻ vô danh nhưng là công cụ chuyển tải điển quang của Thầy các Đấng Thiêng Liêng trong công cuộc phổ truyền Chơn Đạo. Điểm tiên khởi của Đạo Cao Đài tại Quảng Nam là làng Bất Nhị với gia đình bà Mục Cưu và ông Xã Xước. Mầu nhiệm điển quang đã lần lượt độ những bậc tiền bối lỗi lạc cả mặt đời lần mặt đạo, rồi lan dần đến quần chúng nhân sinh mỗi ngày mỗi đông. Cơ Đạo ngày một mở rộng, đức tin ngày thêm thấm sâu, tiến đến việc hình thành các giáo sở đầu tiên: Thanh Quang, Từ Quang, Nam trung Hoà.

Bấy giờ Thánh lệnh Ơn Trên cho các Chi phái miền Nam trợ sức trong tinh thần Nam Trung hoà nhất, lấy Quảng Nam làm trung tâm xiển dương sứ mạng Trung Hưng. Đức Cao Đài đã chuyển Ngài Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang và cụ Bảo đạo Cao Triều Phát trợ sức cho Trung Kỳ vì đang chịu khó khăn giữa hai chế độ cai trị: Nam triều của Huế và bảo hộ của Pháp. Đức Chưởng pháp Trần Đạo Quang nguyên là bậc Thái lão, bậc thầy của Tam giáo Minh Sư, có nhiều đệ tử tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên sẽ lo việc hoằng hoá và quy hiệp. Cụ Bảo đạo Cao Triều Phát là bạn thân quen với ông Phạm Quỳnh, đương chức Thượng thư Bộ Học, kiêm Ngự Tiền Cơ mật viện Đại thần - một chức quan đầy thế lực. Cụ Cao Triều Phát sẽ tiếp sức với Hướng Đạo miền Trung trong việc vận động Chính phủ Nam Triều bớt sự ngăn cấm Cao Đài.

Tiếp đến Đồng tử Bảo pháp Trần Thảnh Thơi truyền Thánh lệnh ra Trung. Rồi các Ngài Ngọc Chưởng pháp Nguyễn Thế Hiển, Ngài Thượng Đầu sư Nguyễn Bửu Tài lại ra Tourane, tiếp sức với Ngài Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang trong công trình chuyển đổi Hưng Trung Thánh Toà, xây dựng Thánh sở tạm, là Trung Thành Thánh Thất để kịp năm Mậu Dần chính thức công khai, hình thành tổ chức Giáo hội tại miền Trung.

Đang rất khó khăn trong việc xin phép xây cất Thánh sở tại Đà Nẵng, vì thành phố nhượng địa này chưa có bóng dáng Cao Đài. Thế rồi, Ơn Trên lại ban lệnh cho Ngài Thượng Chưởng pháp Lê Kim Tỵ tiếp ra Trung chăm lo việc này, thật là đúng người đúng việc! Ngài Thượng Chưởng pháp trước là công chức Sở Cầu đường Trường Tiền, sau xin nghỉ về làm thầu khoán tư, rất có tiếng. Ngài là người ngoại giao rộng, quen biết nhiều. Khi ra đến Đà Nẵng, Ngài thiết lập ngay hồ sơ với đầy đủ các bản vẽ, trình xin với công sứ Pháp tại Đà Nẵng. Bị từ chối khéo, Ngài lập tức ra Hà Nội xin phủ Toàn quyền can thiệp và tất nhiên được thoả nguyện. Khi được phép xây dựng, chỉ trong vòng trên 20 ngày, ngôi Thánh Thất đã hoàn tất, tiến đến lễ Khánh thành vào ngày mồng 8 tháng 4 năm Mậu Dần (1938).

Ngày lễ Khánh thành Thánh Thất Trung Thành cách đây 70 năm tại Tuorane, nay là thành phố Đà Nẵng, rất quan trọng. Ngày ấy đã được tính toán hiệp cả ý Trời và lòng người. Ngày ấy là ngày ấn định nơi ký ngụ tâm linh của cơ Đạo miền Trung, từ đó Đạo mạch được lưu thông khắp cả Trung kỳ và làm đà truyền bá ra Bắc kỳ.

“Dần thành lập Trung Thành Thánh Thất
Là cái ngày Đạo mạch lưu thông”.


Ngày đó còn là ngày Đại hội Long Vân lần thứ 8, sau 7 lần tổ chức ở miền Nam. Đại hội Long Vân lần thứ 8 này đối với miền Trung là ngày công khai Đạo Cao Đài tại Trung kỳ cũng như Rằm tháng 10 năm Bính Dần là ngày công khai Đạo Cao Đài tại Nam Kỳ 12 năm trước. Kể từ ngày công khai nền Đạo – 08 tháng 4 năm Mậu Dần, Đạo Cao Đài đã thực sự bành trướng từ miền xuôi lên miền ngược, từ phố thị đến làng quê; mở đường quy hiệp cho bổn đạo Minh Sư về với Đạo Cao Đài. Đặc biệt có những bậc cao đồ của Minh Sư như ngài Trần Nguyên Chất, Huỳnh Ngọc Trác là những nhà Đạo học thấm sâu tinh thần “Thiên nhân hiệp nhứt”, “Tâm vật bình hành”. Với phương tu vừa xuất thế, vừa nhập thế, lấy việc cải tạo tâm linh con người đưa vào cõi siêu việt, song song với công cuộc cải tạo xây dựng xã hội nhân sinh thực tại, nghĩa là đưa đạo vào đời, hoá đời nên đạo. Quý Ngài đã giao tiếp rộng rãi với cụ Sào nam Phan Bội Châu, cụ Minh viên Huỳnh Thúc Kháng, bác sĩ Lê Đình Thám, nhà Phật học Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha để thảo luận Nho, Phật, Lão.

Vào giờ Tý ngày 08 tháng 4 năm Mậu Dần, sau Đại lễ Khánh thành Thánh Thất Trung Thành, Đức Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang đã chứng lễ cho hai Ngài Trần, Huỳnh cùng một số đệ tử tâm phúc qui hiệp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sau lễ quy hiệp này, hai Ngài Trần, Huỳnh hướng dẫn cử hành lễ quy hiệp cho toàn bổn đạo Minh Sư tại Tam giáo tự ở An Tráng.

Thật như cá nước gặp nhau, bởi Tam giáo Minh Sư và Cao Đài đều chung một gốc Đạo, nhìn nhận Nho, Phật, Lão chung nguồn và quan niệm Đạo trong thế gian, thế gian không ngoài Đạo. Bởi tinh thần đó nên quy hiệp Cao Đài, ngài Huỳnh Ngọc Trác đã biểu lộ bằng hai câu đối:

“Tam Giáo tiên định phương, vạn pháp thù đồ, ngộ thị thể,
Cao Đài vị xuất thế, ngũ châu tuy đại, ngã vô gia”.


Và được cố Đạo trưởng Thanh Long dịch là:

“Pháp đạo Tam giáo Minh Sư, trước đã vạch ra những pháp hành trì, pháp môn tuy hình thức có khác nhau, với ta vẫn là một thể. Tân pháp tổng hợp Cao Đài nếu chưa ra đời, thì năm châu tuy rộng lớn, nhưng ta vẫn là khách chưa có nhà.”

Đúng theo Thánh ý, Trung Thành tuy danh nghĩa là Thánh Thất nhưng cương vị là tạm thay Thánh Toà, nhưng hoàn toàn không mang tiếng chi phái. Tuy không lập chi phái nhưng cũng phải có quyền pháp Giáo hội để lo việc điều hành. Thánh ý đã cho thành lập Ban Hướng đạo và Ban Cửu viện. Đến năm 1939, Ơn Trên lại dạy Quyền Hội Thánh Trung Kỳ, tổ chức các Cơ sở kinh tế, văn hoá, thanh niên, nhưng rồi bị chính quyền Pháp khủng bố đàn áp, cấm sinh hoạt, đóng cửa Giáo sở.  Toàn đạo phải sống trong cảnh chùa bế thất niêm, anh tù em tội! Tiếp theo, một thời gian dài cơ Đạo trôi lặn theo vận nước, vùi dập bởi chiến tranh. Sau năm 1945, Cao Đài miền Trung lại bị Pháp nạn, quý Hướng đạo phải ra Hà Nội can thiệp với Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, được Quốc hội do cụ Tôn Đức Thắng gởi Quốc thư số 30 ngày 07/11/1946 công nhận Đạo Cao Đài có tinh thần yêu nước và được tự do hoạt động như các Đạo khác, đồng thời cho đăng tuyên cáo trên báo Cứu quốc, cũng như đọc trên đài phát thanh Hà Nội. Nhân đó quý Hướng đạo phối hợp với Phối sư Phùng Văn Thới thành lập Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bắc Bộ. Nhưng rồi chiến tranh lan rộng kéo dài, khó khăn trong việc liên lạc, nên quý Hướng đạo trở về tập hợp bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành lập Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ.

Từ năm 1953, Ơn Trên chuyển cơ Đạo dần dần đi vào con đường Trung Hưng chánh pháp bằng các bước Chỉnh cơ lập pháp, Khai cơ giáo pháp. Cuối năm 1953, các Hướng đạo lập Họ Đạo Nam Phần, phát triển Cơ Quan Truyền Giáo tại Sài Gòn, mời Ngài Huệ Lương Trần Văn Quế làm Hội trưởng. Sau Hiệp định đình chiến Genève 1954, bổn đạo khắp nơi được đoàn tụ, mọi sinh hoạt tín ngưỡng được củng cố. Rồi Cơ Quan Truyền Giáo tham dự hội nghị Tôn giáo thế giới tại Tokyo. Sau khi về, quý Hướng đạo liền xúc tiến việc xây dựng Đền Thánh Trung Hưng, thành lập Hội Thánh Truyền Giáo.

Năm 1956, Hội Thánh Truyền Giáo chính thức thành lập do Đạo trưởng Phối sư Trần Văn Quế làm Chủ trưởng. Hội Thánh Truyền Giáo được Ơn Trên giới hạn là một Hội Thánh hành pháp, hàng Chức sắc không vượt trên phẩm Phối sư. Cơ chế của Hội Thánh là 3 phái 4 Cơ quan, đồng thời được Ơn Trên ban cho bí pháp trị Đạo là Tứ Bửu pháp và Pháp môn luyện Đạo là Tứ Bửu châu. Dần dần chánh pháp Trung Hưng được hình thành. Đó là con đường hành đạo tịnh luyện đi đôi, công truyền tâm pháp song hành, tướng tâm hiệp một. Công truyền có Hội Thánh, Thánh Thất; Tâm truyền có Tịnh Đường, Tịnh Thất. Đây là mô hình Hội Thánh quy nhứt mà Thầy đã thiết lập tại miền Trung để cho nhân sinh thấy được đường đầu, nẻo cuối như lời Thánh Truyền:

“Trung Tông có pháp nhiệm mầu,
Có Thầy chỉ lối có đầu có đuôi”


Suốt chặng đường 70 năm, cơ Đạo miền Trung đã trải qua bao nhiêu biến thiên, có lúc trầm lắng như mạch nước ngầm, có khi hiển lộ như sông, như suối. Đạo mạch luôn trường lưu trong ân điển tưới nhuần tâm linh cho nhân thế. Đến hôm nay, các giáo sở của Hội Thánh Truyền Giáo đã có khắp 16 tỉnh thành, một Trung Tông Thánh tịnh, 4 Tịnh Thất, 2 Nhà tu: Một Nhà tu nữ Phước Huệ Đàn và một Nhà tu nam Trí Huệ.

Tất cả đều nhằm thực thi sứ mạng Trung Hưng Chánh Pháp, đưa nhân sinh vào con đường thần khí, hiệp về cùng Thái Cực tịnh yên. Chúng tôi tin tưởng rằng mọi thiên hướng lệch lạc, mọi vọng tâm phẩm tước, mọi chấp pháp thấp cao đều dần dần chuyển hoá, gạn lọc, để chỉ còn lại đức tin vững chắc vào chân sứ mạng của Thầy.

“Con tin tưởng có Thầy hằng ngự
Con tin con để giữ thân danh;
Ngày mai Đại Đạo hoàn thành,
Trung Hưng Tông Đạo cửa lành rộng khai”


Hôm nay, quý Anh Chị lớn miền Nam cùng chúng tôi, những lớp người hậu bối hướng về một ngày mà Ơn Trên và chư vị Tiền bối đã đặt để vào đó một tầm vóc lớn lao của sự nghiệp công truyền Đại Đạo và tiến đến Trung Hưng chánh pháp. Chúng tôi cầu mong rằng tất cả chúng ta sẽ noi bước người xưa, theo đường đã vạch, cùng nhau nối tiếp hành trình phổ thông chơn đạo, đưa bước nhân sinh vào con đường qui nhứt.

Trong không khí trang nghiêm với điển quang hiệp thông giữa Trời và người, giữa tiền bối và hậu bối, đã cho mỗi chúng ta niềm tin về sự tiếp nối hành trình đưa ơn tận độ vào mọi nẻo đường nhân gian. Kính xin quý Anh Chị lớn, quý quan khách và tất cả nhận nơi đây lòng tôn kính biết ơn. Xin nguyện rằng tinh thần Nam Trung hoà nhất vẫn luôn chan hoà trên mỗi bước chân hoằng hoá Đạo Trời.

Cầu chúc điển lành Từ Phụ ban cho mỗi chúng ta.

Trân trọng kính chào.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (Nguồn: Tạp chí Cao Đài số 01/2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides