Những băn khoăn:
Một hôm tôi vào tự điển Wikipedia trên internet để xem trang Cao Đài. Trong phần thảo luận, một vị khách nào đó đã có nhận xét thẳng thừng như sau: “Đạo này chẳng có triết lý gì cả, chỉ vay mượn, chắp vá ý tưởng của những tôn giáo khác mà thôi.…” Tôi thành thật cảm ơn người bạn không quen đã có một nhận định rất thẳng thắn, và cầu mong cộng đồng Cao Đài, những ai tự nhận mình có trách nhiệm với tiếng nói của Cao Đài, cùng những ai muốn lập ngôn với Đức Chí Tôn, hãy suy gẫm về nhận xét này, rồi tự học hỏi thêm nữa để làm tròn trách vụ của mình.Thông thường, những ai mới tiếp xúc với Cao Đài lần đầu đều không tránh khỏi có những nhận xét tương tự như trên. Để cho vị khách quí ấy có nhận xét như thế là lỗi của chúng ta: con cái của Đức Chí Tôn đã không nói rõ được triết lý cao cả của Đại Từ Phụ. Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ thì nhận xét này cũng có những nguyên nhân tương đối dễ hiểu. Trước hết, phần lớn kinh sách của Cao Đài chưa vượt quá mức độ lập đi lập lại hệ thống triết lý của Đạo Phật, Đạo Lão và Đạo Khổng. Thậm chí nhiều tác giả chỉ mới giải thích sơ sài triết lý của ba tôn giáo này thì đã vui lòng tự cho rằng mình nói được nguyên tắc của Cao Đài rồi.
Ngoài ra, chưa có đặc trưng nào của Cao Đài được chính thức giới thiệu một cách có hệ thống bằng ngôn ngữ đương thời để cho người học đạo dễ dàng tìm hiểu. Hiện cũng có một số tác giả cố gắng làm điều này nhưng phần lớn viết bằng cổ văn nặng nề điển tích, đôi khi lại mang tính thần bí, rất khó hiểu đối với giới trẻ ngày nay.
Còn có thể kể thêm là chưa thấy có những ý tưởng đột phá có tầm mức quốc tế. Đa số các tác giả viết về Cao Đài thường lập lại 100% thánh ngôn, chứ không dám có những suy tưởng “vượt rào ngoạn mục”. Một số tác giả lại loay hoay với những gút mắc nặng phần sử học, xoay quanh những mâu thuẫn nội bộ trong thời kỳ khai đạo. Than ôi! Chúng ta chưa vượt ra khỏi chiếc vỏ bọc cục bộ của chính mình thì nói gì đến truyền đạo ra ngoại quốc!
Điểm cuối cùng là văn hóa Cao Đài dường như đứng yên không phát triển. Chúng ta đều biết rằng ngoài kinh điển ra, luôn có một nền văn hóa song hành với tôn giáo. Văn hóa này thể hiện qua cách diễn giải, truyền bá triết lý của tôn giáo, và giúp đưa những nguyên tắc sống theo đạo lý vào trong xã hội. Kinh luật cần phải giữ nguyên không đổi, nhưng văn hóa dùng để phổ biến triết lý tôn giáo không thể khư khư giữ mãi một hình thức cố định. Muốn truyền bá rộng rãi thì không thể đem một câu văn, một từ ngữ hoặc một quan điểm thịnh hành cách đây đã tám mươi năm để thuyết phục một người sống trong thời đại tin học hiện nay. Một bài thơ thất ngôn bát cú khoán thủ, chẳng hạn, có thể tạo một xúc cảm đặc biệt trong lòng một nhà nho mười thập kỷ trước, nhưng đối với giới trẻ hiện nay, một bài thơ như vậy chỉ còn có giá trị nhất định về mặt nghiên cứu lịch sử.
Con cái Đức Chí Tôn phải tạo ra một nền văn hóa theo sát sự biến chuyển của thời đại. Nói cách khác, văn hóa phải sống. Phải có những bài viết mới, phải có những hình thức phổ biến mới, phải mở hướng đi mới. Trong văn hóa, ngừng lại không phát triển có nghĩa là lạc hậu, mà lạc hậu thì không thể thực hiện được nguyên tắc phổ độ của Cao Đài.
Vậy muốn làm cho mọi người hiểu rõ hơn về triết lý Cao Đài, con cái Đức Chí Tôn phải học hỏi ngày càng nhiều để có trình độ văn hóa theo kịp với thời đại, nghiên cứu sâu rộng về các tôn giáo trên thế giới để nâng cao sự hiểu biết lên tầm mức quốc tế. Văn hóa có nâng cao thì việc truyền bá mới càng rộng khắp.
Lại có một người bạn khác lại hỏi tôi: “Khi đọc kinh sách Cao Đài, tôi có cảm tưởng triết lý đạo quá cổ xưa, chưa thấy điểm nào đáng gọi là mới. Trình độ loài người thì tiến lên như vũ bão. Chỉ cần qua năm, mười năm, là một quan điểm kinh tế, chính trị hay khoa học đã có thể trở thành lỗi thời.Trong điều kiện như thế, Cao Đài có đảm đương nổi sứ mạng phổ độ toàn thế giới không?”
Nhân câu hỏi này, xin mạn phép nêu vài ý kiến cá nhân ở đây về những điểm mới trong triết lý Cao Đài để gọi là mở một hướng đi, kêu gọi người chung chí hướng cùng tham gia làm giàu cho kho tàng văn hóa của đạo Cao Đài.
Những điểm mới trong triết lý Cao Đài.
• Thượng Đế
Điểm mới đầu tiên mà cũng là cốt lõi của Cao Đài chính là quan điểm về Thượng Đế và mối quan hệ giữa Thượng Đế và con người. Từ tạo thiên lập địa, con người đã có niềm tin vào Thượng Đế. Tất cả những tôn giáo được các nhà nghiên cứu phương tây xếp vào loại Độc Thần (monotheism) đều đồng thanh khẳng định Thượng Đế tồn tại. Triết lý Cao Đài không phủ định điều này, hơn thế nữa còn đưa ra những quan điểm trước kia vẫn còn tương đối xa lạ với phần lớn các tôn giáo trên thế giới:
Thứ nhất, Thượng Đế trong niềm tin của các tôn giáo trên trái đất vốn là một. Vì khác biệt về chủng tộc và địa lý mà loài người thờ phụng Ngài dưới những danh hiệu khác nhau, thậm chí gán cho Ngài những tính chất khác nhau. Trước đạo Cao Đài, vào thế kỷ 19 cũng có đạo Bahá’í khởi xướng quan điểm này. Đạo Bahá’í, mang đậm nét văn hóa Ba tư, hiện cũng rất phát triển trên thế giới.
Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo loài người, chính Thượng Đế đến thế gian mở đạo. Trong các bậc giáo chủ từ trước, chỉ có chúa Jesus xưng là con của Đức Chúa Trời, danh hiệu gần gủi Thượng Đế nhất. Những vị còn lại thì hoặc là những trí giả hoặc là các bậc tiên tri có sứ mạng rao giảng và khởi xướng một tôn giáo.
Thứ ba, Cao Đài nêu lên quan điểm Thượng Đế và con người là một. Đây là một điều mới mẽ chưa từng có trong bất cứ tôn giáo nào từ trước đến nay. Thông thường, các tôn giáo cổ xem mối quan hệ này tương tự như mối quan hệ giữa vua chúa và thần dân: Thượng Đế khen thưởng người có đạo đức và trừng phạt kẻ vi phạm những nguyên tắc đạo đức. Nghĩa là Thượng Đế và con người là hai thành phần riêng rẽ và chỉ có quan hệ một chiều: Thượng Đế có quyền lực chi phối đến mọi phương diện trong cuộc sống của một cá nhân lúc còn sống cũng như sau khi chết.
Quan niệm “Thượng Đế và con người là một” của Cao Đài đưa đến những thay đổi to lớn trong tôn giáo: Thượng Đế không giữ quyền khen thưởng và trừng phạt nữa, mà mỗi cá nhân sẽ tự quyết định cho mình. Thượng Đế cứu rỗi loài người không có nghĩa là Ngài dùng quyền lực của mình đem con người về cõi thiên đàng giống như máy bay cứu nạn vớt người bị đắm tàu, mà Ngài chỉ trao cho con người cách thức để tự cứu rỗi qua các hình thức tôn giáo ở thế gian – thuật ngữ Cao Đài gọi là truyền Bửu Pháp. Như vậy, con người đã được quyền quyết định kiếp sau của mình, hay nói cho đúng hơn theo thuật ngữ Cao Đài là: quyết định bước tiến hóa của mình trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
• Triết lý dung hợp
Mọi tín đồ Cao Đài đều biết một nguyên lý của Cao Đài là “Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhất”, nhưng phần đông chỉ hiểu về mặt ngữ nghĩa – từ ngữ Cao Đài gọi là hiểu theo Thể Pháp. Người ta lập tức diễn giải ngay ra rằng Tam Giáo là Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo và Ngũ Chi là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo, và vội vàng kết luận rằng triết lý Cao Đài là bao gồm triết lý của những tôn giáo vừa kể. Chẳng trách có người gán cho Cao Đài là Phật Giáo cải cách, thậm chí là vay mượn triết lý của tôn giáo khác như ví dụ ở đầu bài viết!
Nhưng thực ra, nếu hiểu theo đúng tinh thần nhị nguyên đối đãi vẫn thường được tượng trưng qua các vế đối trong văn học cổ Việt Nam thì các tôn giáo nêu ra trong khẩu hiệu trên chỉ nhằm ám chỉ chủ nghĩa dung hợp tôn giáo (syncretism) hay tôn giáo đa nguyên (pluralism). Nghĩa là, Cao Đài xem mọi tôn giáo hoặc mọi hệ thống tín ngưỡng đã có trên trái đất này đều do Thượng Đế gián tiếp mở ra qua nhiều giai đoạn lịch sử. Dĩ nhiên với điều kiện các tôn giáo này phải có nguyên tắc hành đạo không trái với những luật lệ của Cao Đài. Chẳng hạn như, nếu có hệ thống tín ngưỡng nào đó chủ trương điều gì có hại đến sinh mạng con người, thì sẽ không được xem là tôn giáo của Thượng Đế, bởi vì hại sinh mạng là vi phạm Ngũ Giới Cấm của Cao Đài. Tính ra trong lịch sử loài người, chỉ đến thế kỷ 19 trở đi thì quan niệm dung hợp trong tôn giáo mới bắt đầu thành hình và hiện nay là quan điểm hiện đại nhất.
Cũng xin nói rõ, dù có tôn chỉ đa nguyên, nhưng Cao Đài có hệ thống tổ chức tôn giáo, nghi lễ, kinh luật và triết lý đặc thù của mình; không sử dụng của một tôn giáo nào khác.
• Luân hồi là tiến hóa trong một vũ trụ vô hạn
Rõ ràng, cái chết là ranh giới, là kết thúc của sự sống, nhưng sau cái chết là gì nữa thì chưa một ai biết rõ. Và đây cũng chính là nơi mà các tôn giáo đưa ra các giả thuyết. Đa số các tôn giáo đều cho rằng có một cõi giới khác sau khi con người chết đi, và cõi giới này chia ra làm Thiên Đàng (dành cho những người làm điều thiện trong khi còn sống) và Địa Ngục (dành cho những người làm điều ác tại thế). Những người ở địa ngục sau khi chịu “hình phạt” một thời gian sẽ phải xuống trần gian đầu kiếp để lập công chuộc tội…Con đường này gọi là luân hồi, và các tôn giáo mở ra ở thế gian là nhằm giúp con người sau khi chết được về cõi Thiên Đàng, không còn luân hồi nữa, tức là giải thoát.
Cao Đài đưa ra quan điểm mới về thuyết luân hồi, gọi đó là Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Trên con đường này không có điểm khởi đầu, cũng không có điểm kết thúc, chỉ có những chặng dừng chân rải rác. Các chơn hồn (thuật ngữ Cao Đài để gọi linh hồn) xuống thế gian, đầu kiếp vào một thể xác. Khi thể xác chấm dứt sự sống, chơn hồn sẽ trở về Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, tự định tội hay khen thưởng mình. Sau đó, chơn hồn lại xuống thế gian để tiếp tục tiến hóa cho đến tận thiện tận mỹ. Sự tiến hóa này không có giới hạn, và để diễn tả điều này, Hộ Pháp Phạm Công Tắc dạy rằng khi tiến hóa vượt mức, chúng ta thậm chí có thể mở ra một vũ trụ mới và trở thành Thượng Đế trong vũ trụ đó.
Có thể nói rằng đây là một quan điểm tôn giáo rất cấp tiến. Với quan điểm này, con người đã vượt ra khỏi số phận thụ động, vươn lên điều khiển chính mình. Con người không còn lầm lũi đi theo con đường luân hồi khổ sai nữa, mà tích cực thẳng tiến trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống nhằm tạo cho bản thân một sự nghiệp thiêng liêng.
Triết lý Cao Đài có còn hợp với thiên niên kỷ mới hay không?
Người ta bảo rằng, với trình độ hiện nay, loài người sẽ có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bực trong thiên niên kỷ mới. Điều này có thể không cần bàn cãi nữa, nhưng loài người vẫn còn phải đối phó những vấn đề khác. Xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, khác biệt chính trị, va chạm quyền lợi kinh tế vẫn là những gai góc trên con đường tiến bộ của loài người. Phương tiện giao tiếp bây giờ phong phú và hiệu quả hơn ngày xưa, cho nên các dân tộc tiếp xúc với nhau nhiều hơn, và cũng dễ va chạm hơn. Đôi khi những va chạm này quá sức chịu đựng đến nỗi đi vào bế tắc và người ta phải dùng đến chiến tranh để giải quyết vấn đề. Đây là cách dễ làm nhất mà cũng là cách gây đau thương khốc hại nhiều nhất.
Tuy nhiên, con người nay cũng đã khôn ngoan hơn trước, và thừa khả năng để hiểu được chiến tranh không thể giải quyết tận gốc mọi vấn đề. Cách lý tưởng để giải quyết mọi tranh chấp trên thế giới ngày nay là: các dân tộc cần chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau. Cũng chính vì điều đó mà triết lý dung hợp của Cao Đài vẫn còn phù hợp trong thiên niên kỷ này và cả những thiên niên kỷ sắp tới nữa.
Nếu loài người chấp nhận quan điểm chỉ có một Thượng Đế duy nhất trong tất cả các niềm tin tôn giáo trên thế giới, thì những khác biệt về văn hóa, chủng tộc hay quan điểm chính trị sẽ bớt phần khắc nghiệt. Con người sẽ dễ cảm thông hơn, dễ đối thoại, hợp tác trong mọi lãnh vực. Thù hận sẽ không có cơ hội phát triển và quả đất này (Cao Đài gọi là địa cầu 68) sẽ là một nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và, chúng ta, con cái của Đức Chí Tôn là những người có nhiệm vụ làm cho nhân loại thấu hiểu triết lý Cao Đài, nhìn nhau là anh em ruột thịt. Đó là lập công trong kỳ ba này vậy!
Từ Chơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét