Đại Đạo tạo con đò cứu khổ, Hướng đạo cần tự độ, độ tha. Năm chi bảy phái hiệp hòa, Trương cờ Đại Đạo xây tòa vạn linh.

LỜI GIAO CẢM

LỜI GIAO CẢM
(Kích vào hình ảnh để xem tiếp lời giao cảm)
  Xin chân thành cảm ơn quý huynh, tỷ, đệ, muội và quý độc giả đã ghé thăm NGÔI NHÀ ĐẠI ĐẠO

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

7. Hồng Ân Tận Độ (Phạm Văn Liêm)





BẢY


Qua khóa tu tịnh mười tám ngày của Lễ Sanh Đầu Họ, các hướng đạo cảm thấy con đường đi tới của Hội Thánh còn đòi hỏi rất nhiều về sự tuân thủ thánh ý. Mỗi chức sắc phải quyết tâm đặt mình vào khuôn viên ân điển giáo dưỡng của các Đấng thiêng liêng.
Sức thánh quá uy linh mà lòng người chưa dung nạp. Cả học, hiểu, hành đều chưa tương ưng. Những xuyến xao phẩm tước, chức quyền còn chi phối. Những điểm công, điểm danh còn gây so đo, mơ vọng, mong cầu. Những phương tiện tu học, hành trì còn lờn dể, luận bàn, ngờ vực. Nhưng có lẽ thời kỳ chỉnh lập nằm trong kế hoạch khai vỡ “quảng canh” rồi sẽ tiến đến “thâm canh” nên Ơn Trên ban lịnh cho mở tiếp khóa Lễ Sanh tân tuyển vào ngày 08-5 Đinh Dậu (Thứ Tư 05-6-1957).
Mặc dù có nhiều trở ngại tất nhiên của một Hội Thánh còn quá mới với những hạn chế về nhân sự, phương tiện thiếu thốn, hoàn cảnh khắc nghiệt của khí hậu mùa hạ miền Trung, nhưng khóa tu học Lễ Sanh tân tuyển vẫn được Hội Thánh tổ chức. Những kỳ đàn vẫn tiếp tục thiết lập để đón nhận giáo pháp của Ơn Trên.
Đàn Tý thời ngày 02-5 Đinh Dậu (Thứ Năm 30-5-1957), Đức Chí Tôn giáng dạy:
THẦY CÁC CON.
Thầy mừng các con. Thầy miễn lễ. Các con an vị.
Ngọc cao đáng giá mới truyền trao
Hoàng Phụ hằng trông những trẻ nào
Thượng đạt những tay chờ sứ mạng
Đế thành Giáo Hội mở tân trào.
Hôm ấy Thầy dạy rằng trong buổi hạ nguơn mạt tận, chính mình Thầy đến nước Nam nầy lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thầy chọn Việt Nam làm thánh địa khai giáo pháp, độ tàn linh, hòa sự sống trên muôn vạn pháp môn cho các giáo lý ngày xưa được chấn hưng tươi nhuận, để đưa nhân sinh trở về lẽ thật.
Thầy đã chọn một số môn sinh trao phần chánh pháp chơn truyền và lập thành Giáo Hội. Nhưng rồi thánh thể của Thầy chưa được nơi nào đắp nên theo khuôn quyền pháp. Khi chưa được quyền pháp thì lòng mong vọng tin tưởng vững vàng, nhưng khi được còi gậy trao tay thì mặc ý tung hoành, làm cho danh đạo mờ lu, pháp quyền mất linh, vô hiệu. Sự phân chia chi phái đã làm rối loạn quyền pháp, Giáo Hội mất sự thương yêu, nhân sanh bị cản đường sinh lộ.
Nay tại miền Trung, Thầy gắn sứ mạng Trung Hưng cho Hội Thánh Truyền Giáo. Đó là một danh dự hơn các chi phái trong nội bộ Cao Đài, mà một số Thiên ân chưa chịu nhẫn nhục, chưa vượt khó khăn, lòng chưa tinh tấn, ý chưa thoát ma dục quỷ tình nên bước đạo còn chậm chạp trễ nải. Thầy dạy:
Hôm nay còn có mấy mươi ngày lo hoàn thành Chỉnh Cơ, mà công việc kiểm qua mới chừng non nửa. Làm sao đây con?
Sức con có đương được nữa không? Nếu bước qua giai đoạn Trung Hưng hành đạo, trị đạo là ngày Khai Cơ Giáo Pháp. Các con có đủ sức để quyền đạo khỏi bị yếu lướt đi không? pháp đạo bị lu mờ đi không? Bằng các con không làm được thì cầu xin Tam Giáo ban cho một pháp môn thánh vệ vừa sức vừa tầm. Chứ ngày nay cơ đạo chính thức tuyên dương mà các con bước vào nẻo tối đen như các phái kia. Xe trước đổ, xe sau không đề phòng cũng đổ nốt thì tai tiếng chừng bao! Các con hôm nay cũng mục kích rõ ràng cái danh phận của Thầy, vì đâu mà làm cho mười phương phải nhảm nhí khinh thường rẻ rúng, thân hình của Đạo bị đưa ra trước công chúng để nghị tội phân chia khổ hình.
Các con buồn không? nhục không? thương tủi không? Đứa gây nên cam chịu đã đành, mà còn để cho mọi người chịu chung trong tương quan quả báo.
Các con buồn lắm nhỉ? Biết buồn thì chắc ngày mai đâu dám nghịch trái lòng Thầy. Nhưng các con quan niệm hẹp hòi. Các con nghịch chống nhau chính là chống nghịch Thầy đó con.
Hôm nay Thầy đến cho biết, Thầy đối với các con lòng yêu thương tràn ngập, lúc nào cũng trôi chảy nhuần thắm thân hình của mỗi đứa, nhưng vì các con vô minh, tự tách rời ra ngoài sự sống ấy. Các con biết rằng vạn vật không có một giây phút nào xa lìa Thầy mà còn. Dù nhỏ như côn trùng Thầy cũng còn chu tất, thì đối với các con là người chịu mạng Thầy đến đây lẽ nào không ân cần dạy bảo.
Con nên đề phòng, hễ trọng quyền ắt trọng phạt. Luật Thiên điều bởi Tam Giáo, mà Tân Luật ở nơi con. Con lập ra, con dâng lên là con hứa hẹn với lòng mình. Trái luật Đạo là trái lời nguyền, tự con cắt dây trói lấy mình chịu tội. Thầy nỡ nào trông thấy cái khổ của con, lúc nào cũng muốn uống cạn chén đau thương cho đời để các con vui nhàn tươi tỉnh, sống ở cạnh Thầy.
Các con tỉnh đi! Đừng xúc phạm đến Thầy mà chịu Thiên Thần quở trách. Các con giác ngộ đi! Cái chức cái quyền Thầy đã giao hoặc chưa giao, hay giao tùy khả năng mà đặc trách. Thầy biết trước việc con ngày mai. Thầy biết trước còn bao nhiêu kiếp nữa. Thầy gắn cho Lễ Sanh hay Giáo Hữu là cái pháp để con nương đây lập quyền. Nếu con chưa xứng bậc trên mà đặt vào phẩm trọng thì đó là làm nhục hổ cho con. Quỷ ma thấy không xứng công đáng hạnh, nó bèn xô xuống mà còn làm cho con bị đọa. Vì lời nói người có sứ mạng chưa đủ uy đức cảm người, mà còn làm cho người lờn dể là hại đến danh Đạo, phải tổn đức bình sanh, thì Thầy đến đây đem sự đau khổ ân hận cho con, chớ phải thương con đâu.
Vì vậy lúc ban phong Thầy rất cẩn thận, bằng lòng thương và lòng cứu độ. Các con đừng nói Thầy không xét và không minh. Phẩm vị Thiên phong nơi Hội Thánh Trung Hưng là Hội Thánh quyền pháp, phải cân đo đúng mức để xứng với cái tên. Không phải quyền pháp như các chi kia muốn sao cũng được. Vì sao lạ vậy? Vì nơi nầy gọi là sứ vụ Trung Hưng, còn nơi khác là ban ân khuyến lệ.
Vậy các con bàn tính kỹ lại. Bây giờ sẽ gần ngày Khai Cơ Giáo Pháp là ngày mà các con bước lên một đoạn đường mới lạ, từ xưa chưa ai hề biết. Mới, nên con chưa quen; lạ, nên con ngờ vực. Nếu không lạ thì sao có pháp Trung Hưng? Nếu không mới thì làm sao Khai Cơ Truyền Giáo?
Vì vậy lúc đến nơi vào khoảng đường xa con cũng vui, con cũng buồn. Vui buồn lẫn lộn đó con! Nên bước vào là đầu truông của cơ thử thách. Con nào con nấy cứ đọc thuộc nơi miệng: Mai đây ta được thử thách, cũng như mai đây vàng tốt của ta vào lửa để tỏ rõ sức dẻo dai cứng cát của tuổi vàng. Hân hạnh để định giá cao thấp, không ai nói đồng xi, thau mạ.
Vậy các con muốn ra lịnh Khai Cơ Giáo Pháp chưa? Còn việc 15 tháng 6 ([1]) ngưng cơ, nếu con chậm tính thì hỏng cả bao nhiêu việc.
Thầy hôm nay đến không ra lịnh nữa, vì đã dạy nhiều rồi. Nếu nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm cho Thần Thánh bắt tội lờn dể không tuân. Nên Thầy đến, ít khi nhắc chuyện rồi, vì thương con đó. Thầy đã lo các con phạm tội khinh lờn nên cho mỗi cơ quan một đứa làm sứ vụ là TRÁC, CHẤT, KHAI, CHÍ, HƯƠNG, PHỤNG, DOÃN CƠ. Các con phải gần gũi liên lạc mà biết việc.
Việc cầu phong, cũng như Thầy định phong một số. Nhưng còn chờ Tam Giáo và Diêu Cung. Các con yên đợi.
Việc phân công hành chánh thì Giáo Sư ở Hội Thánh nầy là tạm quyền cao cấp Thượng Hội hay Phối Sư cấp ấy thì ở tại Hội Thánh, chỉ huy lãnh đạo, còn đều ra ngoài hành chánh cả.
Nơi đây ít người không nên chấp. Hễ Giáo Sư lãnh đạo thì Giáo Hữu đầu phòng. Mà lấy người tâm đức dâng sớ cầu nhiệm chức.
Thầy ban ơn các con.
Qua đàn cơ nầy Đức Chí Tôn cho biết rõ các tiền bối khai đạo miền Trung đã quy thiên đắc quả vị thiêng liêng đứng trong hàng Thiên Đồ Trung Bảo, đã được đặt để vào mỗi cơ quan mỗi vị làm sứ vụ phần vô hình:
- Đức LIỄU TÂM CHƠN NHƠN (Huỳnh Ngọc Trác) lo về cơ quan Phước Thiện.
- Đức HỘ ĐẠO THIÊN QUÂN (Trần Nguyên Chất) lo về cơ quan Hành Chánh.
- Đức CHƠN KHAI (Nguyễn Quang Châu) lo về cơ quan Phổ Tế.
- Đức TIẾP VĂN PHÁP QUÂN (Cao Hữu Chí) lo về chi Pháp.
- Đức LIÊN HƯƠNG (Trần Thảnh Thơi) lo về chi Đạo.
- Đức BẠCH PHỤNG (Lê Văn Phụng) lo về chi Thế.
- Đức BẢO THỌ (Trần Doãn Cơ) lo về nữ phái.
Còn gì hân hoan cho bằng! Các chức sắc Hội Thánh cảm nhận được ý nghĩa của lời người xưa: Mất vẫn như còn.([2]) Các tiên huynh cũng chỉ mới đó thôi, mới cùng chung lao nhọc trong nẻo đạo, khổ hình ngoài bước đời; nay từ cõi hư linh các vị được ơn Thầy trở lại với Hội Thánh trong sứ vụ Thiên Đồ Trung Bảo để sẻ chia, chăm chút cho sự nghiệp Trung Hưng.
Các chức sắc Hội Thánh thật vô cùng phấn khích, lấy đó làm phương châm thúc đẩy một số đồng sự vượt thoát ách nạn tối tăm của tình thức phàm phu, bụng dạ so đo quyền danh hành pháp, bảo pháp. Tất cả cùng nhau đón lấy ân đức vi diệu thiêng liêng chăm lo khóa tịnh tân Lễ Sanh. Tuy vậy khóa tu tịnh nầy hãy còn nhiều thiếu sót, nhất là việc dễ dãi tiếp nhận số tịnh viên chưa tròn xứng.
Vào giờ Tý ngày 08-5 Đinh Dậu (Thứ Tư 05-6-1957), Hội Thánh dâng sớ khai mạc khóa tu tịnh cho Lễ Sanh tân tuyển. Sau đó đàn cơ được thiết lập, Đức Cao Hữu Chí giáng dạy:
Giờ nầy được tiếp sớ, Bản Quân đã dâng lên cho Ngô Tôn Sư. Ngài cho phép Bản Quân đến đây ra lịnh toàn tịnh viên và ban giám thị được biết đợt tịnh nầy còn thiếu nhiều điều kiện nên Cao Tiên không ngự bút.
Một điều là ban giám thị nhà tịnh đã trải qua ba bốn đợt rồi sao chưa tôn trọng quyền pháp của mình, để cho phiền đến Thiêng Liêng, mà tịnh viên cũng sinh lòng lờn dể. Kỳ đại xá nơi Trung Hưng lập pháp mới vừa đón lấy cơ duyên phước huệ của Thầy chớ không phải lầm hiểu như phàm phu khẩu khuyết trao đặt vào đâu cũng được.
(…) Bản Quân không đồng ý thuận nhận những tịnh viên chưa trọn tin, tròn vẹn quy giới.
Vậy thì quyền pháp của Giáo Hội còn rẻ rúng lắm sao? Pháp đạo không bán không nài. Nếu coi như vật hàng hóa thì mong gì thành đạo! Người tu mà có nguyện để cầu giải thoát cứu độ quần dân thì người ấy là người giác ngộ. Người giác ngộ thì giờ phút nào cũng thiết tha thèm khát pháp môn tu học như đói muốn ăn, khát ưng uống, dù khó nhọc cũng tìm. Người yêu chân lý đạo đức là người quên thân giẫm đùa qua bao nhiêu chướng ngại mà không hề thấy đó là khó nhọc, cũng ví như gà say ấp, chó yêu con. Có người đó mới vui mà truyền cho bí quyết.
Hôm nay chư hiền về đây nhập tịnh, Bản Quân thành tâm giúp đỡ mọi mặt nơi đàn. Nhưng các hiền gia công phát nguyện gấp lên thì bí quyết mới là chí bửu. Nếu lòng chưa thanh tịnh, thân còn ô trược, làm sao tiếp đón hồng ân, gội nhuần phước huệ. Nếu còn mê vọng, khó lánh chơn ra khỏi mê đồ. Hồi đầu là bờ giác, thoát thân nơi bể khổ. Vậy nhớ là lo cầu nguyện. Nếu đợt nầy không có lịnh Đức Tôn Sư thì lấy làm bạc hạnh lắm! Ráng cầu nguyện để Người xá cái lỗi phạm thượng khi mạng pháp môn.
Lời dạy của Đức Cao Tiếp Văn gây sức bật mạnh mẽ từ ban giám thị đến các tịnh viên. Ai ai cũng lập tức trở về khép mình trong nguyện hạnh để mong ơn Đức Tôn Sư giáng bút chủ trì huấn đạo.
Hai hôm sau, Tý thời ngày 10-5 Đinh Dậu (Thứ Sáu 07-6-1957), Đức Ngô Tôn Sư lâm đàn tỏ sự vui mừng nhận được lòng phát nguyện của các Lễ Sanh vào tịnh.
Đức Ngô cảnh tỉnh rằng quyền pháp rất tối hệ cho chúng sinh. Quyền pháp được xương minh thì hoàn cầu mới được thái hòa an tịnh. Nếu quyền pháp bị lu mờ thì cảnh cảnh hóa tương tranh, dân dân thành khổ nạn. Bởi thế nên Thầy mở Tam Kỳ Phổ Độ là để xương minh quyền pháp mà cứu độ vạn linh.
Muốn tạo một năng lực tốt đẹp để xứng với quyền pháp thì không phương nào hơn là bước vào nhà tịnh. Nhà tịnh là nơi Thầy lập để bổ khuyết cho tịnh viên trên bước đạo.
Đức Tôn Sư cho biết khóa tịnh nầy y như khóa của Đầu Họ Đạo trước. Đồng thời Đức Ngô nhắc nhở ban giám thị phải rút kinh nghiệm từ các khóa vừa rồi để khóa nầy được tốt hơn. Đức Ngô dặn dò:
Chư đồ đệ nhập tịnh từ đây phải giữ tròn lời nguyện trước Thầy và Phật Tiên, Thánh Thần. Nếu đi ngoài chơn truyền, làm điều phản Đạo thì ngày sau đừng oán trách rằng Thầy không mở đức từ bi.
(…)
Đem đạo y để chuỗi châu vào giữa.
Ban trao quyền pháp độ toàn dân
Chư vị ráng tu hiệp khí thần
Để luyện tâm hồn theo cõi Thánh
Thanh chơn, biện trược thoát ly trần.
Thôi, ban giám thị vui lên mà lập công cho khóa tịnh. Nếu nhà tịnh có người đắc pháp là ta đắc pháp. Ráng hiểu.
Để phủi sạch bớt bụi phàm phu của những tân Lễ Sanh nầy, Ơn Trên đã nhấn một chút về nghệ thuật giáo hóa cho hàng đẳng vừa được tuyển trạch nhằm gây ý thức thực tu, thực học trên đường cầu đạt thánh ân hầu nên trang hữu dụng.
Thấm thía lời dạy của Đức Cao Hữu Chí (Nếu đợt nầy không có lịnh Đức Tôn Sư thì lấy làm bạc hạnh lắm! Ráng cầu nguyện để Người xá cái lỗi phạm thượng khi mạng pháp môn), và lời phủ dụ của Đức Ngô Tôn Sư (Thôi, ban giám thị vui lên mà lập công cho khóa tịnh. Nếu nhà tịnh có người đắc pháp là ta đắc pháp. Ráng hiểu.) ban giám thị và các tịnh viên thực sự nhận thức được chỗ tâm yếu của khóa tu tịnh nên đã cố gắng chỉnh đốn, bổ sung mọi thiếu sót, khép mình trong giới hạnh.
Năm ngày sau, Đức Thái Bạch Kim Tinh giáng dạy:
Thái bình nhờ ở phước tầm tu
Bạch hắc chia ra khỏi lẫn mù
Kim thạch dặn ai lòng giữ vững
Tinh minh chiếu diệu rỡ đêm thâu.
Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy rằng qua hai năm, cố gắng của toàn đạo để tiến vào ngày Giáo Hội đón hồng ân Khai Cơ Giáo Pháp khả dĩ tốt đẹp, nhưng vẫn chưa viên mãn bởi vì còn thiếu chí thành nên quả ngon còn có “đôi chút eo nần không đẹp lắm”.
Đức Thái Bạch ra lệnh Hội Thánh cần ôn lại các lời giáo hóa châu ngọc của kỳ chỉnh pháp làm phương châm tu học và đúc kết thành tích kể từ ngày Ơn Trên hạ lịnh Chỉnh Cơ,([3]) rồi đệ trình Tam Giáo xét duyệt, ban ơn mở đường giáo hóa. Vì quả đạo chưa hoàn toàn (còn eo nần) nên Hội Thánh cần sám hối để giảm bớt tai nạn. Nghĩa là pháp Khai Cơ Tận Độ là pháp vô lậu hoàn toàn, nếu niệm chưa lành là còn hữu lậu. Đức Thái Bạch ra lệnh toàn đạo dọn mình đón lấy phước huệ của Thầy mở cửa rước ơn lành của năm thánh đức Khai Cơ Giáo Pháp.
Đức Thái Bạch cho thiết lập hai họ đạo và ban hai hiệu thất là Trung Kiên và Trung Quang Bình. Ngài chấp chuẩn cho một số giáo phẩm Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và nữ phái. Ngài lại cho đợt tịnh Tứ Tượng tái tục vào ngày 01-6 Đinh Dậu (Thứ Sáu 28-6-1957) để các Đầu Họ chưa nhập đợt trước được vào thọ tu. Đức Thái Bạch dạy:
Ngày xuất tịnh sẽ chấp bút điểm danh. Chư đệ hết tháng này lập cơ đàn điểm phong dưới một trăm vị.
Đàn Tý thời ngày 17-5 Đinh Dậu (Thứ Sáu 14-6-1957) Đức Quan Âm giáng dạy:
Bần Đạo chào chư Thiên ân.
Giờ nầy Bần Đạo ghé lại để lời dạy chư Thiên Ân từ nay nên thận trọng, tôn lấy quyền pháp. Đừng thấy từ bi mà dễ lòng xa nguồn thánh đức.
Bần Đạo mừng cho thánh quyền hôm nay đã lai phục chơn khí nhứt dương, nên máy Thiên cơ cũng do đó mà chìu theo lòng người thiện duyên. Nếu Hội Thánh đều được nhứt thành thì tai nạn ngày mai cũng lần lần giảm xuống cho nhân lọai. Tiếc vì trong Hội Thánh số Thiên ân chưa mấy lăm, nhưng tâm đầu ý hiệp coi lại ít người. Nếu không có một quyền năng thì ân đức của giáo quyền cũng khó mong cảm hóa, mở đường tận độ.
Công việc làm có nề nếp, trên dưới đồng tình, mỗi mỗi cá nhân đều vui thích lập công, nặng nhẹ cùng nhau chia sớt thì lo gì không được.
Hội Thánh hàng Thiên ân kể ra cũng gần ngót trăm người thì việc làm cũng trong ngoài số đó, đều nhau mỗi người mỗi tay, dù nặng nhọc khó khăn cũng hóa thành khỏe thích. Lớn lao là lấp bể dời non mà chuyện xưa còn nhắc. Không nói chuyện ấy có không mà nói lòng quả quyết như chuyện Ngu Công cùng chim Tinh Vệ.
Chư hiền ra đời gặp lúc, làm việc trúng thời. Đường có tối tăm, đuốc thiêng liêng soi dẫn, lo gì ngại gì mà chẳng quyết tâm. Mặc lòng trước mắt có nhiều hố sâu truông rậm, cùng nhau lập thế vượt qua. Cái khó là pháp thử lòng. Việc làm có vui, dù khó nhọc đến đâu cũng coi thường mà quên mỏi mệt.
Hôm nay ngày hồng ân đã đến, chỉ còn chờ lòng chí thành của bao nhiệu Thiên mạng phới lên. Nước cứu thế đã phát nguồn từ núi xanh đổ xuống khắp ngõ ruộng đồng. Đâu có những con lạch, mương thì lấn mình chen tới.
Vậy điển huệ từ bi bủa khắp, nhưng còn chờ lòng tin để làm lối đi vào. Các hiền đã dọn mình chưa? Mở lòng tiếp nguồn thánh huệ chưa?
Hôm nay việc sắp xếp cơ quan như thế cũng đã có mòi thịnh vượng thì việc làm, việc tính đều được có Thầy soi dẫn. Các hiền tin đi để chia nhau làm xong mọi việc. Mặc dầu kẻ còn nghịch ngợm cũng còn uốn nắn lần hồi. Nếu người biết việc chịu đảm đương, thời yên tâm làm tròn sứ vụ.
Ngày gần đây có bộ phận hành chánh thanh tịnh mà làm những việc theo nội quy ấn định. Để Liên Hoa vào tịnh bảy ngày. Còn khóa Lễ Sanh cứ đường thẳng tiến lên.
Phương pháp tu kỷ luyện tâm trước ở Tứ Bửu làm nòng, sau ở chí thành làm cốt. Còn những vị nào chưa có pháp thì yên tịnh mà chờ Cao Tiên. Người nay mai sẽ đến.
Đừng nghĩ kẻ chưa gọi là bỏ đi. Tất cả không một mảy hào Thiêng Liêng không soi chiếu. Cũng đừng tưởng người được bước đi xa mấy dặm rồi mà người sau không kịp. Biết đâu kẻ được cho đi trước là kẻ yếu sức trên khoảng đường trường. Kẻ ở lại sau cũng chẳng hiểu mình đi bằng lối nào cho kịp. Việc ấy có chỗ sắp đặt, không phải là phận sự của mình. Nếu vội vàng trách móc, đòi hỏi vô trách nhiệm thì tội lỗi chồng cao hóa người nghịch mạng.
Việc nhập tịnh của khóa Tứ Tượng bắt đầu từ 01 tháng 6 đến cuối ngày 12 tháng 6 là xuất tịnh.([4]) Bảy ngày nữa dành riêng cho kỳ mật phòng. Chờ lệnh. Ngày ấy sẽ có danh sách.
Còn mọi việc đã dạy rồi. Nếu lúc nào cần lắm thì Hội Thánh cử người đến Hiệp Thiên Đài cầu dạy. Phải theo nguyên tắc pháp luật lần lần đặng tôn quyền trọng pháp để được cảm động mà tiếp lấy hồng ân.
Thôi Bần Đạo chào chư hiền.
Đàn ngày 20-5 Đinh Dậu (Thứ Hai 17-6-1957), Đức Ngô dạy rằng Hội Thánh đã vào giai đoạn khảo thí nên Hội Thánh phải luôn luôn cầu nguyện để oan nghiệt giảm, phước huệ tăng. Đức Ngô bảo rằng các Thiên ân chức sắc đã làm chơn truyền bí pháp trở nên hữu lậu, Hội Thánh phải ra chỉ thị cẩn mật, nếu không thì pháp sẽ bị thâu lại. Đồng thời Đức Ngô cho đồng tử Liên Hoa phải vào mật thất tịnh bảy ngày, bắt đầu từ giờ Tý ngày 21-5 Đinh Dậu (Thứ Ba 18-6-1957).
Đồng tử Liên Hoa đã chấp hành vào mật thất theo một nội quy kỷ luật nghiêm ngặt. Tiền bối vừa ra tịnh một hôm, Hội Thánh liền lập đàn vào giờ Hợi ngày 30-5 1957 (Thứ Năm 27-6-1957) để khai mạc đợt tịnh Tứ Tượng tiếp theo dành cho Đầu Họ Đạo. Đức Ngô giáng dạy:
Ngô ân thánh huệ mở đường siêu
Minh bạch chỉ phân rõ mọi điều
Chiêu dụ nhơn duyên vào cửa đạo
Giáng thăng cơ Tạo bước tiêu diêu.
Bần Đạo chào chư Thiên ân, chư đồ đệ cùng toàn thể đạo tâm.
Giờ nầy Bần Đạo đến gặp chư hiền đồ với những lời hứa hẹn để tròn câu sứ mạng giữa thầy trò. Đã nói thầy trò là đã tỏ được cái bổn phận giữa người thọ pháp phải được như thế nào để tỏ ra mình là môn nhân trung trinh vì đạo nghĩa. Người truyền tất nhiên phải có bổn phận điều độ cho đến nơi thành chánh đẳng chánh giác.
Muốn được hàng môn đệ của thầy đã giao phó cho, thì người truyền pháp không phải là chủ đối khách, mà là thầy đối với trò, uốn nắn trò trở nên người đạo hạnh, cải tạo tánh cong vẹo lại ngay thẳng, lòng đen tối nên sáng suốt, hư hèn hóa được tài năng. Vì vậy Bần Đạo đây có nhiệm vụ đối với các hiền đồ, phải trông coi từng cử động, lời nói, ý nghĩ, việc làm, còn xây dựng dung dáng ra vào đoan chính.
Bởi thế các hiền đồ thọ pháp nơi Bần Đạo được lịnh trong mùa nhập tịnh nửa chừng lại cho ra hành đạo thực tập. Hôm nay trở về phục lịnh và báo trình sứ vụ hành công để thầy rõ lúc gần thầy, lúc xa bạn nó tạo thêm cho các hiền đồ được những gì.
Bây giờ là giờ phút giữa ta và các người bình tĩnh đánh giá bảng công hạnh. Với lòng mình, mà các hiền đồ cũng đã tự khuất, thì với Bần Đạo lại là sao? Nói thế không phải khắc bạc đối với các hiền đồ. Muốn làm Tiên phải theo pháp đạo. Muốn làm người đệ tử là trăm khó nghìn khăn. Nếu theo thường tình thì sự làm sao nên được gì.
Bần Đạo có bổn phận, các hiền đồ cũng phải hết lòng hết bổn phận. Nếu mực thẳng sợ đau lòng cây cong, làm sao rã ra thành miếng gỗ ngay thẳng. Từ đây Bần Đạo nói trước, trò nào không chịu đựng được với pháp môn khổ hạnh thì khó theo Già. Nếu cần thương thì chỉ cho con đường dễ hơn là con đường tịnh độ. Cười…
Tóm lại các hiền đồ khi xa Ta đã quên bao lời hứa. Đã nhiều lần căn dặn đạo cao ma cao. Một vật đã chịu sự rèn tạo thì vật ấy đã thành cái gì rồi, không thể đem làm vật khác.
Hôm nay mười hai ngày vào tịnh để hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn Chỉnh Cơ. Bần Đạo khuyên gắng khép mình vào khổ hạnh mà cầu cho được thanh tịnh tâm thân đặng đón lấy hồng ân thất nhựt mật truyền bí pháp. Sau đó chờ lịnh nhập tịnh mười tháng liên tiếp. Chư hiền để lòng chuẩn bị.
Nói thế nhưng cũng còn lâu, đợi qua kỳ thánh ân giáo pháp. Giờ nầy bái mạng Chí Tôn rồi ôn lại cái pháp Tứ Tượng đốn tâm. Sau ba ngày sẽ luyện Lôi Công Chơn Khuyết đặng hoàn thành Tứ Bửu. Mãn kỳ xuất tịnh chờ có lệnh sẽ đến một nơi nào mà thọ mạng. Nếu chưa thì giữ y bốn buổi công trình không vọng động.
Đàn tạm nghỉ trong chốc lát, rồi tái cầu vào giờ Tý ngày 01-6 Đinh Dậu (Thứ Sáu 28-6-1957). Đức Thái Bạch Kim Tinh vâng chỉ Thầy giáng lâm, ban phong chức phẩm “cho những đạo tâm để Hội Thánh đủ vai gánh vác quyền pháp, mở đường tận độ tàn linh và cũng dìu dắt bước tu cho những đạo tâm được ghi tên vào bộ hồng ân đặng quý đạo hữu ấy nương lấy quyền pháp mà mạnh bước trên đường lập công tu học.”
Đức Thái Bạch dạy rằng việc ban phong kỳ nầy là do lòng cầu nguyện của Hội Thánh và sự cân nhắc của nhơn sanh. Tuy chưa được hoàn toàn nhưng xét vì cơ giáo pháp được rộng ban nên những người có lòng quyết vì Thầy vì Đạo phải có nơi nương bước tiến lên. Đức Chí Tôn đã nhắm vào Hội Thánh Truyền Giáo gầy dựng vây cánh tay chân, tạo nấc thang cho những bậc tâm trường được vin đó mà lên. Nhờ đó có dịp gần Hội Thánh, thân cận cùng nhân sinh, gieo rải tình thiêng liêng, học hỏi và giúp người làm nên ngôi vị.
Đức Thái Bạch nhắc nhở:
Đây, Bần Đạo cũng nói cho Hội Thánh được biết để sau nầy có phương dìu dắt. Mặc dù là Thiên ân quyền pháp, nhưng người khi đã có quyền pháp nơi tay rồi cũng dễ dàng cho họ làm hư danh Đạo, chống chế cùng Hội Thánh và nhơn sanh. Họ có thể lợi dụng quyền pháp mà chia xẻ thân hình Đại Đạo nhiều mảnh nhỏ to. Họ vì quyền pháp mà tranh giành ngôi vị, làm xáo trộn trật tự Thiên điều. Cũng bởi quyền pháp mà họ gây thân thế đủ cánh vây, xúi nhau giục loạn.
Quyền pháp là ngọn kiếm linh thiêng trao cho người để người nhờ nó mà đoạn cắt nghiệp duyên tội ác, oan oan tương báo nhiều đời và cũng thị uy sức mạnh tinh thần chống chọi với yêu ma cảnh giới ngăn đường chận ngõ.
Lưỡi gươm minh triết là báu vật vô giá để chiến đấu, chiến thắng bao nhiêu ý tình trong danh sắc nơi ngoài, đốn phát bụi rừng, hạ cây chặt gốc, mở một con đường đi tới cho toàn linh, phóng một lối đường qua gai gốc để tìm về hạnh phúc.
Gươm linh công dụng nhiều cách, cuối cùng là cứu mình, cứu đời giải thoát. Trái lại, ngọn kiếm lợi hại kia ở kẻ ác tâm mê vọng có thể giết người phá Đạo một cách dễ dàng. Người quyền pháp có, mà tâm hồn quyền pháp không có, là nguy hiểm.
Kẻ cầm quyền pháp mà đen tối như thế, không phải Thầy trao quyền pháp cho đứa điên cuồng. Vì hiện nay nó có nguyện cầu tiến, thì lòng từ bi vẫn cho. Nhưng khi phản lại là việc khác. Mà cũng có vậy mới phân tà biện chánh.
Các hiền nghĩ thử coi, dọn một đám ruộng, lúc cày bừa người nông phu họ bòn nhặt từ lóng cỏ. Đất nhuyễn, ruộng thục mới gieo giống xuống, chớ có ai gieo gì cỏ ráy. Nhưng giống lúc mọc lên thì cỏ ráy cũng trồi theo, có khi vươn lên trước và lấn áp tất cả lúa non. Mặc dù nó có nhiều đến bao nhiêu đi nữa, người chủ ruộng họ phải đôn đốc nhổ đi, dập xuống cho kỳ được để cứu giống lành. Khi lúa nếp mạnh sức đơm vàng thì ai lại không sung sướng xúm nhau gặt hái về coi quý cất đặt, còn cỏ ráy thì bị trục lên ném vào đống lửa.
Việc rõ ràng lắm rồi. Có Phật có ma, có người đi lên cũng có người đi xuống. Người nghịch lại với quyền pháp là do lòng thiếu tinh tấn, nặng lợi quyền, nên mở cửa trước cho quỷ vương thừa kế nhập thành, gây nên đen tối.
Chư hiền khá cẩn thận mà ráng lo gìn giữ để khỏi trái nghịch lòng Thầy mà thân danh bị nhục, kiếp kiếp đọa vào các nẻo vô minh. Thầy bao giờ cũng thương mà hằng lo cứu độ. Người Thiên ân nên thể theo lòng Thầy mà tu học lập công.
Trong phần thánh giáo tiếp theo, Đức Thái Bạch ban cho một trăm năm mươi hai câu thơ song thất lục bát điểm nhuận ba mươi tịnh viên, tất cả đều thuộc phái Ngọc.
Hai hôm sau Đức Quan Âm Bồ Tát lâm đàn duyệt bản cầu phong cho nữ phái gồm ba Giáo Hữu và mười hai Lễ Sanh. Đồng thời, Ngài ban đạo phù Lôi Công cho khóa Tứ Tượng (phù nầy mật truyền).
Đàn tái cầu, Đức Thái Bạch dạy:
Chào chư hiền đệ. Giờ nầy Bần Đạo đến ban thêm những vị lên Quyền Giáo Hữu để đủ người hành đạo: THIÊN, THANH, KỲ, ĐÁNG, CHÂU. Còn sẽ dạy sau.
SINH, xét vì có công nghiệp trong thời kỳ xây dựng, Bần Đạo cầu lên Thừa Quân xử lý hành chánh. CÁN thay thế SINH [Truyền Trạng]. TÂM sung vào ghế CÁN [Sĩ Tải]. Còn hai vị Bảo Quân để dành sẵn, có người rồi.
Các vị phái viên ráng chọn đủ rồi lập thành danh sách để phân công định vị. Đọc vế chót để tiếp phong.
Độc giả đọc vé thơ chót bài điểm danh lần trước và Đức Thái Bạch nối tiếp với một trăm bốn mươi hai câu song thất lục bát điểm nhuận hai mươi chín tịnh viên nữa.
Hai hôm sau, đàn Tý thời ngày 06-6 Đinh Dậu (Thứ Tư 03-7-1957), Đức Ngô dạy:
Ngô ban quyền pháp độ sanh linh
Minh đức hiện ra chế ý tình
Chiêu dụ Long, Lân, Qui, Phụng hội
Giáng truyền cơ hộ bửu phù linh.
Bần Đạo chào chư Thiên ân, chư hiền đồ. Giờ nầy Bần Đạo ghé lại để lời dạy thêm. Chư hiền đồ an vị, chú tâm thanh tịnh.
Từ nay chư hiền vui nghe lời Bần Đạo lo tròn sứ mạng để tiến mạnh lên đường tiến đức. Ngày ngưng cơ đã đến, chư hiền đồ phải ôn luyện pháp môn, xem kinh vô tự mà tiến thủ trên bước tiền trình.
Đạo Thầy khai ra đến năm nay chưa ngoài một thế, chánh pháp chưa được phổ cập sâu rộng trong nhơn gian, triều nào cũng bị khốn đốn.
Các hiền hữu, vì sao nền Đạo mãi thăng trầm? Đạo mới ra đời chúng sanh còn lạ mắt. Kẻ có quyền thế lại nghi ngờ, chưa nhận chân giá trị. Các hiền có làm được như Biện Hòa chăng? Biện Hòa là người thợ ngọc khi tìm được ngọc liên thành (5) quý báu đem dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương không biết ngọc quý, cho là khi quân, chặt mất một chân. Đến triều Vũ Vương, ông đem dâng ngọc ấy cũng bị cho là khi quân và bị chặt luôn một chân nữa. Thử hỏi Biện Hòa còn giữ ngọc ấy không? Biện Hòa đã biết nó là quý mặc dù mình đã vì nó mà thành phế nhân, nhưng chắc có ngày có người biết giá ngọc, thì khỏi bị mang danh giả trá. Đến đời Văn Vương được đem ra phá vỏ ngoài lấy ngọc báu ở trong mà thanh danh Biện Hòa trở nên trung trinh.[5]
Đạo ta đây cũng thế. Có khi các hiền đem chánh pháp truyền bá cho nhơn gian không khỏi lâm cảnh Biện Hòa, ôm lấy Đạo chịu thân hình đau khổ.
Bần Đạo ước sao chư hiền đồ là một tược trong cây đạo đức, mỗi tược sẽ ra nhiều nhánh nhóc. Khi lớn lên mỗi nhánh nhóc có biết bao nhiêu bông thơm trái ngọt. Nếu nhánh nhóc kia bị gãy đi hay đui ngọn thì hại biết bao nhiêu! Bây giờ nó là cái tược còn non, nếu không có giữ gìn thì kẻ tò mò nó ngắt đi là mất cả tương lai hoa quả. Nên khuyên chư hiền đồ ngay bây giờ ráng lập công tu học để hàm dưỡng tính tình.
Các hiền đồ mỗi ngày để ra vài thời mà công phu chế luyện thân tâm, cầu phương thanh tịnh, sẽ thấy công hiệu của pháp môn.
Các hiền đồ có biết mình là chi không? Mình là người chớ gì! Người là gì? Cần tìm hiểu người sẽ thành Phật hay ma. Người là một thứ nguyên liệu tạo thành Tiên Phật mà cũng là nguyên liệu tạo lấy yêu ma. Mỗi lúc hiền nghĩ về việc yêu ma, nói ra yêu ma, làm lụng cũng yêu ma thì yêu ma ngày này tháng này cộng với bao nhiêu ngày tháng đời mình toàn là nghĩ, nói và làm yêu ma ác đức mê muội thì thành yêu ma. Còn nghĩ phải, nói phải, làm phải mỗi ngày được phải, nhiều ngày nhiều phải thì thành được phải, là Tiên Phật đó. Vì vậy cái thân người đây muốn thành gì thì tự mình uốn nắn tạo dựng. Vậy các hiền đồ nên suy nghĩ.
Đây, Bần Đạo nói con đường đi tới phải có ba điều kiện là trung, hiếu, nghĩa. Trung, hiếu, nghĩa như thế nào?
Đức Chí Tôn là Đấng tạo thành càn khôn vạn loại. Sự sống bởi Người, vạn vật do đó mà còn, do đó mà nên. Vì vậy Người là Cha Yêu Thương của vạn vật, ta phải hiếu kính.
Ngài đã dựng nên trời đất, nắm cơ mầu nhiệm nơi tay, đức quyền năng thống ngự muôn loài, điều hòa vũ trụ vững an. Ngài là Chúa Tể càn khôn, ta phải trung kính Ngài để gội ân thánh đức, hướng về lẽ phải là cơ mầu nhiệm.
Ngài đã sanh ra rồi trị lấy, là Cha Chúa muôn loài mà còn sử lịnh được vạn vật trở nên thánh đức, giữ lẽ công bình, đảm nhận thêm một vai trọng yếu là Thầy của muôn loài, hằng lấy pháp đạo làm nấc thang dắt người tiến bước, dụng pháp môn giáo hóa tận độ quần linh, mở lối siêu sanh, ngăn đường lục đạo, nên lấy nghĩa mà thờ Ngài, đem trung, hiếu, nghĩa mà thờ nhơn loại. Vì Ngài ở trong vạn vật, thì vạn vật là Ngài. Ta kính yêu Ngài, phải nên thương vạn vật để làm tròn đạo nghĩa của một môn đệ nhà Tiên.
Thôi, đến đây Bần Đạo ban ơn mỗi hiền đồ và cũng cho hay từ đây đến ngày xuất tịnh nếu có dịp, còn không thì các hiền sẽ gặp Bần Đạo trong những giờ thanh tịnh.
Sau đó Đức Ngô ban cho hai mươi lăm khổ thơ, mỗi khổ thơ điểm nhuận một Thiên ân.
Đêm sau, Tý thời ngày 07-6 Đinh Dậu (Thứ Năm 04-7-1957), Đức Ngô tiếp tục dạy đạo, đồng thời điểm nhuận thêm hai Thiên ân nữa. Đức Ngô dạy:
Về cầu phong thì còn một số Đức Lý đương xin, nhưng chắc được Thầy cho đủ đợt cuối nầy tổng số một trăm lẻ tám vị. Coi còn thiếu nhiều ít đưa lên để khóa bài. Nếu kịp kỳ thọ phong nầy cho vào dự để tiện sự phân công. Còn khóa tịnh Phước Thiện, ngoài ngày Khai Cơ Giáo Pháp chọn một thời gian nào đó và địa điểm để lập sớ xin lịnh.
Nữ phái nếu có điều kiện Thầy cũng chẳng hẹp gì. Mong sự tinh tấn.
Đàn Tý thời ngày 13-6 Đinh Dậu (Thứ Tư 10-7-1957), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Đông thành pháp đạo hóa quần sinh
Phương thổ đơn linh chế tựu thành
Lão luyện cần nguơn quy nhứt khí
Tổ đình Ngũ Đế bái Tam Thanh.
Bần Đạo chào chư hiền Thiên ân, chư tịnh viên.
Hôm nay chư hiền đã gội nhiều điển huệ, được Ngô Cao Tiên chỉ điểm thấu rõ chỗ u huyền đạo mạch. Bần Đạo rất mừng.
Chư hiền đã nhờ lòng chí thành mà bước qua một giai đoạn khó khăn. Nhưng trong lúc sơ cơ, bước đạo cũng như cây cao trăm trượng mới đến chín mười tầm. Cần phải công phu gia luyện nhiều ngày, luôn luôn phấn đấu với thời gian, hoàn cảnh ma chướng trong ngoài.
Lúc nầy là lúc các hiền đã có đôi phần đạo hạnh nên tuệ mạng hiển chói linh quang. Ví như người đời khi làm ra của phải đề phòng trộm đạo. Nó rình mà cướp đoạt đi thì hỏng cả một công phu tạo dựng. Trước ngày các hiền chưa tu luyện thì ít bị khảo đảo, ví như người nghèo khổ có sợ gì, lo gì trộm cướp.
Vì vậy Bần Đạo để lời dặn dò từ nay trở đi gặp nhiều khó khăn. Càng khó khăn càng quyết liệt chiến đấu cho toàn thắng để khỏi phụ lời dạy dỗ của Bề Trên, khỏi phụ công trình của Ngô Tiên chỉ dẫn. Đã có cuộc thi hạch thì có kẻ được trúng cao, người trúng thấp. Cao thấp đều là phần thưởng hơn kẻ bị rớt và người bỏ cuộc. Rớt còn được an ủi hơn là kẻ nhát nhớm biếng lười. Các hiền nhớ lời Bần Đạo.
Về khóa Tứ Tượng, Tín còn nhớ bài thi điểm đạo cho không? Đọc nghe!
[Tín đọc.([6])]
Các hiền kia?
Vậy soát xét lại mình và lời tiên tri vào mật thất. Nhị thập tứ bát ngoạt ([7]) sẽ có khẩu khuyết.
Còn khóa Luật Sự, các hiền hiểu tại sao khi chuẩn, người được mà chưa được? Người được cũng còn như người chưa được không? Cười... Mầu nhiệm. Nếu kẻ nào đạt đến chỗ đó thì thông thấu lẽ Đạo.
Bần Đạo để lòng dạy chung. Các hiền đừng tưởng Thần Tiên không trông thấy ưu khuyết của mỗi hiền đâu.
Các hiền là Thiên ân bị phạm vào luật pháp cũng được bỏ qua, không cần nhắc đến, là vì muốn cho các hiền cảm lấy ân đức từ bi để hối lòng sửa cải.
Còn những người chưa xứng đáng cũng được ân phong là để nương quyền cậy pháp mà tiến lên kịp Hội Long Hoa.
Cũng như có ít hiền đệ được vào nhà tịnh mà tư tưởng còn vương việc tình duyên ân ái, chưa gắng công cầu nguyện để dứt khoát nợ đời gội lấy ân phước cao minh, nâng mình lên ngôi thượng phẩm.
Những vị chưa được thì gắng gội rửa thân tâm, dọn mình chờ thánh phước. Thầy không bỏ một ai. Nếu người ấy còn nghĩ tưởng đến Thầy. Các hiền gắng lên kẻo trễ kỳ đại xá.
Còn việc ngày Khai Cơ Giáo Pháp đến đây, các hiền phải bước vào một lối đường chông gai, gặp bao nhiêu khó khăn mà tự mình phải giải quyết.
Cơ bút ngưng bắt đầu vào ngày 15 tháng 6,([8]) chỉ được hai tháng một lần chấp bút mà cầu Bảo Nguơn Thiên Quân hay Tiếp Văn Pháp Quân đến dạy mà thôi.
Bần Đạo cho biết bao nhiêu việc Hội Thánh còn phải khó khăn về vấn đề nội bộ. Nếu không sớm được thanh trừng mê vọng thì gặp phải rẽ chia. Quyền pháp nếu chẳng giữ gìn tỏ sáng, thì chơn truyền phải mờ tối từ tay hướng đạo mà ra. Hướng đạo không trọng lấy pháp luật quyền hành của Hội Thánh, cứ khư khư bảo thủ địa phương thì có ngày thánh thể phân đôi, chơn truyền không sâu rộng. Chức sắc không trọng quyền lập pháp làm cho nhơn sanh coi thường Giáo Hội thì đi đến bước loạn xạ rối ren.
Chức sắc cầu phong nhiều quá sinh ra rẻ rúng. Vậy đến đây Bần Đạo đồng ý chấp thuận các bản sớ cầu phong cho Chánh Phó Trị Sự, Thông Sự. Bác bỏ sớ cầu ân phong cho gia đình Giáo Sĩ.
Ngày ngưng cơ Bần Đạo đồng ý theo sớ cầu xin của Liên Hoa, và Huệ Linh được phép thời gian nghỉ việc. Trọn quyền giao cho Hội Thánh lưỡng đài tùy nghi mà sắp xếp.

--------------------------------
([1]) Thứ Sáu 12-7-1957.
([2]) Có câu: Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn 事死如事生, 事亡如事存: Thờ người đã chết như thể phụng sự họ đang sống, thờ người mất rồi như thể họ đang còn.
([3]) Từ 01-01 Nhâm Thìn (Chủ Nhật 27-01-1952) đến 01-01 Đinh Dậu (Thứ Năm 31-01-1957).
([4]) Từ Thứ Sáu 28-6-1957 đến Thứ Ba 09-7-1957.
([5]) Về sau vua nước Triệu có được ngọc bích Biện Hòa. Tấn Chiêu Vương đem năm thành xin đổi lấy ngọc ấy, vì vậy ngọc bích Biện Hòa còn gọi là ngọc liên thành. Do tích này, vật rất quý báu thì gọi là liên thành 連城 (nhiều thành liền nhau).
([6]) Bài thi điểm đạo trong đàn ngày 24-10 Bính Thân (Thứ Hai 26-11-1956) kỷ niệm ngày nhập khóa tu Tứ Tượng như sau:
Tứ tượng đồ hình để gẫm suy
Âm dương tiến hóa lắm mầu vi
Cọp rồng giao hội hòa quy phụng
Nhứt lộ đồng đăng ngộ nhứt kỳ.
KỲ, NGỘ Chơn Tiên được khẩu truyền
TÍN tâm sẽ thấu máy huyền thiên
Một hô một hấp cơ mầu nhiệm
Nửa trước nửa sau kết hống diên.
([7]) Ngày 24-8 Đinh Dậu (Thứ Năm 17-10-1957).
([8]) Thứ Sáu 12-7-1957.


PHẠM VĂN LIÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

  • Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi
  • 10 phút tìm hiểu ĐẠO CAO ĐÀI .
  • Tác giả: Đào Công Tâm (Bản PPS)
  • Dương Trọng Thu biên tập lại theo Google Slides